Feb 29, 2012

(Brand New Ones) Beigbeder người đọc sách

Các vị quý tộc không chỉ quẩn quanh với điền địa, gia huy và tước hiệu, mà còn dấn sâu vào vòng chữ nghĩa và sở hữu đầu óc đầy tinh quái, thích bỡn cợt, hiện tượng ấy lịch sử nước Pháp không còn lạ gì. Ở thời hiện tại, Frédéric Beigbeder là một “di chứng” của truyền thống đó. Beigbeder dòng dõi quý tộc, một ông cụ tổ từng được nhà thơ vĩ đại Ronsard làm thơ tặng, chi tiết được nói tới trong Một tiểu thuyết Pháp (giành giải Renaudot danh giá năm 2009) mới xuất bản tại Việt Nam gần đây.

Ở Việt Nam đã có một số tác phẩm của nhà văn sinh năm 1965 này, trong đó đáng kể nhất là 99 francsTình yêu kéo dài ba năm (cuốn tiểu thuyết vừa được làm thành phim). Nhưng sự nghiệp văn chương của Frédéric Beigbeder, sau sự nghiệp một chuyên gia quảng cáo và song hành cùng sự nghiệp một khách quen của những bữa tiệc thượng lưu, còn bao gồm một mảng quan trọng nữa: viết về sách.




Là một nhà phê bình văn học nổi tiếng, Frédéric Beigbeder viết vô số bài điểm sách, ông giữ chuyên mục điểm sách trên tạp chí và có giọng viết hài hước, cay độc có thể so sánh với Angelo Rinaldi và khả năng đọc nhiều, bao quát như Pierre Assouline. Ở khía cạnh này, Frédéric Beigbeder rất đặc trưng cho nhiều thế hệ nhà văn Pháp vừa thành công về tác phẩm hư cấu vừa là nhà phê bình cự phách, sở hữu vốn hiểu biết sách vở lớn đến đáng kinh ngạc.

Feb 27, 2012

Feb 25, 2012

nào ta cùng tự sát

(các bạn đọc nhiều, đố biết cái title là chế từ cái gì :d)

Có những thứ tồn tại thật dai dẳng, nhất là các giấc mơ, trong đó một giấc mơ thường xuyên nồng nàn cháy bỏng ở người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng: giấc mơ “nhà lầu xe hơi”.

Thế mà đùng một cái, hình như giờ thì ai cũng đã nhà lầu thật rồi, và cũng đã tương đối nhiều xe hơi. Mặt trái của tấm huy chương ở đây là, như một nhà thông thái từng nói, đại ý các ước mơ là thứ thật nguy hiểm, và nguy hiểm nhất là khi đạt được ước mơ. Ý thâm sâu của điều này là: giấc mơ ấy hình dạng ra sao trong thực tế, rồi sau giấc mơ, thì sao?

Hình như các dạng nhà ở của Hà Nội mấy chục năm nay đều xấu tệ. Nhà cấp bốn, nhà tập thể năm tầng lắp ghép panel, trần nhà thấp và tường nhanh chóng lở vì bị ăn bớt nguyên vật liệu, rồi nhà ống mỏng dẹt, nhà ở gia đình nhưng gom góp đủ mọi loại kiến trúc đông tây kim cổ. Đi kèm với xấu là bất tiện: nhà cấp bốn thì nóng hơn bên ngoài, nhà ống leo cầu thang hụt hơi, nhà tập thể thì chung thân đi xách nước. Giờ đây, kế thừa di sản ấy, hàng loạt nhà cao tầng kiêu hãnh mọc lên, gọi là chung cư cao cấp nhưng mưa lụt thì vẫn ngập hầm để xe, đôi khi thang máy hỏng và rất thường xuyên phải tranh đấu với ban quản trị tòa nhà về đủ mọi thứ dịch vụ và tiền dịch vụ. Không những thế, nguyên vật liệu vẫn bị ăn bớt như trước kia, và hầu như mọi tòa nhà cao hai mươi, ba mươi tầng đều xấu đến kinh ngạc.

Feb 24, 2012

Lolita lên bệ phóng

lời cảm ơn của tôi: dịch giả Dương Tường, vì đã đi đến cùng một dự án khó khăn, vì đã có một bản dịch tuyệt vời, các cộng sự (anh Trần Tiễn Cao Đăng, các nhân viên chế bản bị tôi hành hạ luôn luôn), những người quan tâm, chỉ bảo, những người kiên nhẫn chờ đợi; lời xin lỗi của tôi: anh T. vì đã không dùng được lời bạt cho bản tiếng Việt lần này (cuốn sách tiếng Việt sẽ ở mức độ tối giản về các paratext), cùng các dự án khác bị chậm lại hoặc đơn giản là dừng luôn :p

trong sách, dịch giả Dương Tường đã chú thích rất kỹ lưỡng; bản thân tôi thấy nếu muốn vẫn có thể thêm vào một số chỗ nữa, chẳng hạn chỗ ám chỉ đến Victor Hugo, chỗ ám chỉ đến Shakespeare vân vân và vân vân, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì để chừa lại các khoảng trống có khi lại tốt hơn

-----------

Feb 23, 2012

(ghi chép biên tập) Beigbeder làm tình

- về các cô gái theo khuynh hướng cộng sản (chính xác thì là những người tham gia fête de l'Huma - cái này thì các trí thức cánh tả Việt kiều biết rõ lắm :p): "Họ thường mang tên Michèle hoặc Cécile, đi giày basket (...) không hề nhõng nhẽo trong đêm làm tình đầu tiên, với điều kiện đừng nói quá xấu về Fidel Castro trước mặt họ."

- "Sao lúc làm tình mà không đeo bao cao su lại dễ chịu như vậy? Đó là bởi ta có thể gặp phải hai nguy cơ chính yếu: mang lại sự sống và cận kề cái chết."

- "Trốn chạy, luôn luôn, và bỏ chạy không mệt mỏi. Và rồi, một ngày kia, dừng lại nhìn thẳng vào mắt ai đó và nói với họ: em thực sự chính là người anh cần. Và tin chắc như thế. Hẳn sẽ đẹp biết bao, nếu ta không phá lên cười, nếu ta không lo sợ đôi chút, và nếu ta chấp nhận rủi ro, làm những chuyện nực cười, như tặng hoa vào một ngày không phải ngày 14 tháng Hai hoặc làm tình không trong tình trạng say xỉn."

Feb 21, 2012

Gặp sự tưởng tượng

Lịch sử văn chương khối Anh-Ailen có điều này (ngoài một truyền thống hài hước rất đặc trưng) khiến cho nó rất khác lịch sử các nền văn chương khác: rất nhiều trong số các bậc thầy là phụ nữ. Một Jane Austen ở đoạn khởi nguyên của văn học hiện đại ngày càng có vị thế lớn hơn trong cái nhìn của chúng ta ngày nay. Một nhà văn tuyệt diệu đồng thời là tư tưởng gia được hậu thế học hỏi nhiều: Virginia Woolf. Đến cả trong lĩnh vực tiểu thuyết lịch sử các nhà văn nữ cũng có sự hiện diện quan trọng, mà một minh chứng gần đây là Hilary Mantel của tác phẩm giành giải Booker năm 2009: “Wolf Hall”. Anne Enright, người đoạt giải Booker năm 2007 với “Họp mặt” (Phạm Viêm Phương và Huỳnh Kim Oanh dịch, Nhã Nam & NXB Văn học), lại cho thấy một khía cạnh khác nữa của văn chương nữ giới Anh-Ailen.

Khía cạnh ấy là trí tưởng tượng, trí tưởng tượng được khai thác ở phương diện phóng túng khó kiểm soát (nhưng rất xa với trí tưởng tượng kiểu gô tích của các lâu đài ma quái), cùng phương diện đen tối của nó (chứ không thần tiên kiểu “Alice ở xứ sở diệu kỳ”).

Cuốn tiểu thuyết bắt đầu bằng một câu văn báo hiệu trước sự trộn lẫn giữa hiện thực và ký ức được xây dựng từ tưởng tượng: “Tôi muốn ghi lại những gì đã xảy ra tại nhà bà ngoại tôi hồi mùa hè năm tôi tám chín tuổi gì đó, nhưng tôi không chắc liệu nó có thực sự xảy ra không” (tr. 5). Sự thực khách quan đi song hành với nỗi hoài nghi với trí nhớ được Anne Enright, nhà văn Ailen sinh năm 1962, tận dụng tối đa để biểu đạt một điều: cuộc sống trong gia đình là một cuộc sống không dễ dàng. Điều này không có gì lạ, những người trưởng thành đều biết đời sống gia đình chính là một cuộc chiến thường trực, nhưng Anne Enright thì khẳng định nhiều hơn thế: cuộc sống gia đình thậm chí còn có thể rất khốc liệt.

Feb 20, 2012

Sách (LII) không hề ngán :p

nhưng thật ra là mình chưa có Lam chướngTừ chết sang trời biếc :(




hình bonus này, Madame Nhất Nương :p


cuối cùng là: mình đang luyện bộ của Bộ Phi Yên có tập tên là Táng tuyết í, trong khi chờ bạn Đào Bạch Liên tặng Bộ bộ kinh tâm có chữ ký (mở ngoặc không cần nơ :p)

Feb 18, 2012

đã tới, đã thấy, đã thua


Chuyện “hơi ngắn” (hụt hơi) và “hơi dài” (tràng giang đại hải với sản phẩm nặng đến cả yến) của các nhà văn, trên chuyên mục này tôi từng bàn đến, mà vẫn canh cánh trong lòng vì chưa đi đủ các trường độ của hơi thở. Vấn đề hơi thở thực là phong phú hơn nhiều người nghĩ, cho nên nhiều cô cậu tuổi trẻ và cả nhiều trung niên lãng mạn vẫn còn đắm đuối “lý thuyết hơi thở nhẹ” của nhà văn Nga Ivan Bunin và trên truyền hình vẫn nhan nhản những quảng cáo kẹo chewing-gum cho hơi thở thơm tho. Nhưng mới hơi ngắn và hơi dài thì chưa thể nào là đầy đủ cho một môi trường sáng tạo, ở Việt Nam hay bất kỳ đâu, bởi cái phổ biến nhất, đáng nói nhất phải là loại hơi này: “hơi trung bình”.


Feb 16, 2012

(ghi chép biên tập) Alice Munro, first time

In sách, gặp những trường hợp như thế này là sung sướng nhất, là khoái cảm của nghề nghiệp :p (Roland Barthes nói đến khoái cảm văn bản, le plaisir du texte, thì cũng có khoái cảm đọc trước hehe). Trường hợp này cụ thể là: những nhà văn không đặc biệt nổi tiếng, không phải nói đến tên một cái là độc giả văn học thông thường thích tìm hiểu biết ngay được là như thế nào, nhưng lại là những nhà văn đặc biệt giỏi, những người viết ra những thứ kinh dị huy hoàng.

Tập truyện ngắn Runaway của Alice Munro có một truyện theo lối suy tư về Shakespeare và bi kịch vô cùng cao thủ, không thể tưởng tượng nổi.

Tại sao người ta có thể viết được truyện ngắn đến mức như thế? Điều này chẳng hiểu nổi. Tôi đã rất cố gắng đọc thật kỹ Con thuyền của Nam Lê, và không thấy nổi tại sao nó lại được "highly acclaimed" như thế. Đó không phải là tài năng, đó là sự khéo léo, sự khôn ngoan trong chọn lựa. Điều đó tôi cũng thấy ở những người như Dao Strom, Monique Truong hay Lê Thị Diễm Thúy. Điều gì làm cho cũng những người qua Iowa như Yiyun Li viết được như thế, mà Nam Lê không được như thế?

Chịu, trong khi chờ đợi thì đọc Alice Munro :p

Feb 15, 2012

(Brand New Ones) Tự mắc bẫy

Linda Lê cho thấy rằng năng lượng sáng tạo của mình dồi dào, đồng thời cũng cho thấy mình giỏi khai thác lối viết văn chương cận kề với “non-fiction” (tác phẩm văn chương giống như tiểu luận) đến thế nào, thông qua tác phẩm mới nhất: À l’enfant que je n’aurai pas (Gửi đứa con mà tôi sẽ không sinh), NXB NiL, tủ sách “Les affranchis”, 2011.

Đề tài lá thư dài của Linda Lê (in trong một tủ sách chỉ gồm toàn những lá thư) thật hóc hiểm: 65 trang sách khổ nhỏ được tác giả tập truyện ngắn Lại chơi với lửa dùng để viết những gì bà muốn nói với một người nhận không tồn tại: đứa con mà bà không sinh. Đây không phải một tác phẩm kiểu “roman épistolaire” (tiểu thuyết dưới dạng thư) truyền thống thường thấy ở các nhà lãng mạn chủ nghĩa hay các nhà văn phong tình thế kỷ XVIII, cũng không phải là tiếng lòng nức nở của một bà mẹ gửi cho đứa con không ra đời vì bị sảy thai. Ngay lập tức, tính chất “no reply” (không hồi âm) của dự tính này đã được nhấn mạnh về độ buồn bã bởi Linda Lê viết thư gửi một đứa con bất khả, bà viết để cho biết mình sẽ không bao giờ sinh con, hay nói đúng hơn, bà viết ra các suy tư của mình về việc không sinh con.

Feb 14, 2012

propos

thật là một con người thông thái, Jean-Jacques Rousseau, ông ấy viết trong Les Rêveries du promeneur solitaire (Những mơ mộng của người dạo chơi cô độc):

"tuổi trẻ là quãng thời gian học tập sự thông thái; tuổi già là quãng thời gian thực hành nó"

rồi:

"liệu có phải lúc phải chết là khi ta biết được lẽ ra mình đã phải sống như thế nào?"

cuốn sách đọc cách đây hai mươi năm này cứ như là mới tinh; hồi ấy đọc Rousseau là để học cách ve vuốt bản thân mình, tận hưởng sự độc nhất vô nhị của cái tôi, giờ đọc thấy còn mới mẻ toàn diện hơn cả văn chương đương đại, kể cả về mặt cú pháp, và sự ve vuốt kia vẫn là sự ve vuốt, nhưng ve vuốt sướng hơn nhiều :p

Rêveries được Rousseau hình dung như là phần phụ của Confessions (Tự thú) - các bạn há miệng mà chờ nhé, cô Lê Hồng Sâm đã dịch gần xong bộ sách này, chapeau!; trong Confessions Rousseau đã kể trải nghiệm Plutarque của mình hồi còn nhỏ, còn trong Rêveries đây Rousseau đi đến quyết định: Plutarque là nhà văn đầu tiên để đọc, và cũng là tác giả cuối cùng cần phải đọc; Rousseau cũng là nhà văn nên đọc đầu tiên và cuối cùng; Henri Guillemin từng nói, đọc mãi một ai đó, dần dà ta thấy họ rất đáng ghét, nhưng cũng có khi đọc mãi một ai đó lại thấy mỗi lúc một tuyệt diệu hơn, Rousseau là một người Guillemin xếp vào phạm trù thứ hai này

công cuộc tự giáo dục về cổ điển thời ấy, bên cạnh Jean-Jacques Rousseau còn là Fénélon của Les Aventures de Télémaque (Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch ra tiếng Việt, hình như nhan đề là Tê lê mặc du ký), giờ thì nhận ra mình thích các cô bé học lycée Fénélon ở Paris hơn là Fénélon (đọc nhiều bạn Beigbeder rồi nhiễm rồi hehe)

à, bạn Đào Bạch Liên có tặng kèm chữ ký cho mình một bộ Bộ bộ tâm kinh không?

Feb 13, 2012

giễu với cả nhại

tôi thấy rất nực cười vì giới phê bình, nghiên cứu văn học ở Việt Nam rất hay chạy theo một số cái mốt, nhất là một số cách nói; một thời gian cứ nói đến thơ, để ca ngợi là người ta bảo "nhà thơ ấy thật vâm váp", rồi đến mấy đồng chí mở miệng là nói "tiểu tự sự" mặc dù chẳng hiểu "đại tự sự" là cái gì; nhưng tràn lan hơn cả là cụm từ "phong cách giễu nhãi", "lối viết giễu nhại" etc., đặc biệt tập trung ở các bài viết về văn chương Nguyễn Huy Thiệp; nhưng cái "phong cách giễu nhại" này thật ra lại rất thường xuyên là để chỉ "giọng văn mỉa mai/châm chọc" etc. trong khi muốn nói đến nhại và giễu thì nhất định phải chỉ ra được là nhại cái gì, giễu cái gì


Ở độ thứ hai

Các nhà văn (và cả các chuyên gia tâm linh) nằng nặc bắt chúng ta tin rằng thế giới nơi chúng ta đang sống không hoàn toàn là “cái thế giới ấy”, tức là biết về thế giới xung quanh mình là chưa hoàn toàn đủ cho nhận thức. Trong tiểu thuyếtKafka bên bờ biển”, nhà văn Haruki Murakami danh tiếng của nước Nhật cả quyết miêu tả một cánh cửa mở ra thế giới khác, nối dài danh mục tác phẩm văn học khẳng định tồn tại một thế giới song song với thế giới của chúng ta, còn các nhà phân tâm học thì không tin con người hiểu được gì nếu chỉ biết đến phần hữu thức mà bỏ bẵng đi những tầng sâu của vô thức, và các biểu hiện bên ngoài thực chất là được (hoặc bị) thúc đẩy từ mãi bên trong, từ mãi nơi nào đó không thuộc về trí óc, suy nghĩ. Hay nói một cách khác, cuộc đời chúng ta nằm ở một “độ thứ hai” nào đó, chứ không phải “nguyên gốc”, chỉ là một phản chiếu của những gì vô hình nằm đâu đó, có một nguyên mẫu cho tất cả những gì đang tồn tại, và thật ra mọi thứ đều là “tái hiện” cái có sẵn.

Feb 11, 2012

xem phim

Có hai điều dễ nhất trong bộ môn đoán mò: đoán sai kết quả xổ số và đoán đúng đoạn kết một bộ phim Việt Nam sau vài cảnh đầu tiên, cho dù đó là một bộ phim kinh dị, thể loại phim tối kỵ để cho người xem đoán ra quá nhanh tình tiết câu chuyện. Trong các thể loại khác, người ta nhấn mạnh vào sự “cộng tác”, tương tác, hiểu nhau giữa đạo diễn và người xem, còn ở đây đạo diễn càng gây bất ngờ, càng “trêu tức” người xem, nhất là người xem thông minh và nhiều kinh nghiệm xem phim, thì phim càng thành công. Tất nhiên là xưa nay vẫn tồn tại hiếm hoi những bộ phim mà đạo diễn cao tay cho biết mọi thứ trắng phớ ngay từ đầu, nhưng đó lại là một chuyện khác.

Bộ phim kinh dị dễ đoán kết cục này là Lời nguyền huyết ngải, rất được trông đợi trong dịp vừa rồi, nhất là trông đợi về một khác biệt khỏi truyền thống phim hài phục vụ Tết thường xuyên có những màn chọc cười rất thô theo phong cách sân khấu hài, cùng trông đợi về một thay đổi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên khi bước khỏi một dòng phim mơ màng nhiều tiềm năng giành giải thưởng ở các liên hoan phim quốc tế. Đạo diễn điện ảnh muốn chứng tỏ bản thân thường làm nhiều loại phim trong sự nghiệp: Stanley Kubrick cũng từng làm phim kinh dị rất huyền bí, với sản phẩm là một kiệt tác: The Shining.

Feb 9, 2012

Sách (LI) xưa cũ

rất là hãi mấy vụ đi lục sách

thòi ra quyển này: nhân vật des Esseintes trong đây là một nhà duy mỹ, một dandy cực nổi tiếng:


rồi lại lục thấy Mrs Dalloway bản tiếng Pháp, thế mà lúc trước tưởng mất rồi, kêu mất thế là được tặng sách :p giở ra xem thì thấy là đã mua quyển này cách đây tròn mười năm, hic


hôm trước nói đến chuyện Stendhal và Flaubert, thì đây, quyển thứ nhất là của một nhà phê bình, lý thuyết gia văn học càng đọc càng thấy hay, như Jean Starobinski, quyển kia là của một thủ tướng Pháp, chết ở trại tập trung Đức Quốc xã:



thật ra là tôi đi tìm quyển này, quyển sách hồi nhỏ:




hình dưới cùng này là bonus :p


Feb 8, 2012

chiếc áo sơ mi khoác hờ lên bóng đêm/là anh đấy

Nguyễn Bình Phương đang trên con đường trở thành một tác giả cult, trong khi một số tác giả khác cố mãi mới đến mức độ cute (tập thể dục chơi bời chữ nghĩa ăn mừng nắng đã trở lại, rốt cuộc :p), một nhà văn của nhà văn đích thực. Điều này để bao giờ có nhiều thời gian bàn tiếp, còn dưới đây là bài viết của Nhã Thuyên về thơ Nguyễn Bình Phương, nhân dịp ra mắt tập Buổi câu hờ hững. Bài đăng trên tạp chí Tia Sáng số gần đây nhất, nhưng hơi khác so với bản này. Cám ơn Nhã Thuyên đã đồng ý cho post bài lên đây :p


Phía khác của mặt trăng

Vĩnh biệt niềm đam mê chân mây
Anh chỉ là chiếc áo ngủ điêu tàn
                                                            Nguyễn Bình Phương

Số phận của loài mèo, không phải như một con vật nuôi được cưng chiều, dường như gắn liền với số phận của bóng tối, nơi bản năng hoang dã của chúng được bộc lộ. Ở một góc quan sát của Nguyễn Bình Phương, loài linh miêu, giống hình ảnh các phù thủy, đi cùng đêm tối, ánh trăng, dường như trở thành thi sĩ: chúng thuộc về những kẻ - có thể cùng với kẻ tạo ra chúng trong các bài thơ - ngồi suốt đêm với “đôi mắt dửng dưng xanh chói lọi”, và tìm kiếm điều gì đọng lại trong kí ức của mình. Tưởng tượng thơ ở Nguyễn Bình Phương, thường không bắt đầu hay chú tâm vào những hình tượng lớn, mạnh mẽ, phi thường, đã tìm được một cách khác để trở nên khác lạ: cái mang tiềm năng bí ẩn được kéo xuống trong một cuộc trò chuyện thường nhật, hay là ngược lại, cái quen thuộc bỗng nhiên thành bí ẩn vì một phút khởi hứng bất thần. Nhà thơ, kẻ thăm dò ẩn mặt, kẻ phát hiện ra không có dấu vết của chú cá, dòng sông hay bình minh trong kí ức con mèo, mà chỉ có cái gì đang trơn trượt, một vệt trườn, giữa không trung, giữa hư không, dấu vết hữu hình trong cái vô hình, cái dấu vết không thể còn dấu vết. Ở một không gian thơ khác, ánh trăng trên cao đổ xuống, và con mèo, người yêu, ánh trăng mở lời trò chuyện, tương giao bằng cách “ho húng hắng”, một cuộc trò chuyện thi vị giữa các sinh thể sống (con người, loài vật) và tạo vật thiên nhiên (ánh trăng) bằng ngôn ngữ riêng, thứ ngôn ngữ nằm giữa tiếng người và những âm động tự nhiên. Tiếng ho húng hắng ấy cũng có thể làm giật mình một kẻ đi trên đường vắng:

Sáng trong bóng tối
Một đôi mắt mèo
Một ngày không ai
Con đường vắng hồn hoa đi lảo đảo
(“Đêm ngà ngà”)
Thế giới thơ không phải là một hư cấu, nó là một hiện thực khác. Nó có hệ sinh vật riêng, vừa trùng khít với không gian sống của con người, vừa trở nên khác biệt: linh miêu, con hươu ma, những quả đồi lơ mơ, ngôi nhà rét, sương mù, khuôn mặt xanh, những ngôi sao màu hung… Nhà thơ là kẻ ở giữa: hắn di chuyển tự nhiên giữa các thế giới bằng những bước chân thuần thục của ngôn từ, hắn tan loãng trong bóng tối, đi vào đáy hồ thẳm sâu, những miền phiêu dạt. Tập Xa thân là cuộc tìm nơi trú ngụ của những linh hồn, những cái mất trở lại, những hồn say trong đêm: bóng những bông hoa bị ngắt run run về đậu trên cuống, hồn hoa lảo đảo trên đường, những giọng nói mềm mại như bóng râm, bóng áo nâu trên bức tường hoa sứ… Con người chỉ còn là những cái bóng, nhẹ bước trong sương mù, không rõ mặt, hiện diện bằng giọng nói không âm thanh, mà chỉ được cảm nhận bằng độ mềm mại, một cảm giác da thịt. Con người “xa thân”, bằng nhiều cách, ngủ, mơ, say, điên, bay, đứng, ngồi, nhớ lại để bay vào một miền không gian khác, một phiên bản không gian khác, vừa bay vừa cảm nhận sự phân rã của chính mình, bước di chuyển lảo đảo của tâm hồn mình, sự luênh loang trôi nổi của xúc cảm, và để có thể nghe tiếng nói khác. Sự nhòe đi của những đường biên giữa lý trí và xúc cảm, tỉnh và điên, cái nắm bắt được và những ảo giác, thực và mộng, sống và chết dễ cuốn ta tan lẫn theo, nhưng đồng thời, lại không hết bất an, bởi những giấc mơ máu hiện, bởi chiếc gương “trào ra những bóng hình ứ đọng”, bởi tiếng kêu bất thần giữa cơn giông, hay chỉ bởi tiếng người phát con, nựng con… Các thế giới trong giấc mơ luôn khác biệt giữa các nhà thơ, vì nó biểu hiện những kinh nghiệm sống thơ khác biệt: quả vậy, không có giấc ngủ nào giống nhau. Chẳng hạn, Nguyễn Quang Thiều đã gọi dậy những giấc mơ chìm dưới đáy sông của một ngôi làng bên sông Đáy, nhiều khi là những giấc mơ lớn, mang tham vọng phục sinh và hoàn nguyên một đời sống tự nhiên cao cả, đẹp và tràn sinh lực nguyên thủy; Nguyễn Bình Phương chỉ lưu giữ, phần nhiều cho cái cá nhân riêng tư, bất ổn của mình, một “khách của trần gian” những trạng thái mơ đôi khi vu vơ, lãng đãng, hoặc những ẩn ức bất thần trào ra như một dòng máu đổ trong kí ức. Nguyễn Bình Phương dựng lên một thế giới sống xanh xao, cả người và sự vật, thiên nhiên, những linh hồn nhiều khi có gì ẻo lả, èo uột, mơ màng, một bảo tàng sinh thái đầy tràn kí ức mà không hoài niệm. Thơ ca, với làn da thấm nhiễm và run rẩy rung động trinh bạch trong hơi lạnh của mưa, sương và vẻ trong vắt của ánh sáng đã khám phá những thế giới quen thuộc lần đầu hiện diện, nó là thế giới người, nhưng bí ẩn hơn người, là thế giới nơi ta bước vào, thả lỏng để có thể trò chuyện bình đẳng cùng tạo vật.


Bản thân nhan đề các tập thơ của Nguyễn Bình Phương đã có ý gây dựng một thế giới: Lam chướng (1994), Xa thân (1997) Từ chết sang trời biếc (2001). Nhan đề tập thơ mới nhất, Buổi câu hờ hững dường như “lạc loài” vì vẻ hiện thực, tính chất sáng rõ của không gian, thiếu màu sương mù xanh xao và khí núi lạnh lẽo. Bị chi phối bởi nỗ lực tìm tới thượng nguồn của tâm hồn, cái động năng xao xuyến trong mỗi con người, cuộc du hành của thơ ca thường tìm lại không gian sống tuổi thơ như một nguồn sinh khí, một nỗi hoài nhớ, cưỡng lại sức hấp dẫn, sự quên lãng của đô thị. Dường như có đôi điều khác biệt ở Nguyễn Bình Phương. Như thể không có gì làm anh xa rời nó, những bí ẩn của vùng núi Thái Nguyên, vẻ mù mịt hoang dại của sông nước, vẻ lạnh lẽo trong vắt của bầu khí thở, của cây lá, những chuyển dạng âm u của mây lúc chuyển mưa giông hay chiều về, vầng trăng vàng lạnh u ẩn đính hờ đâu đó trong bầu trời, làm kẻ chứng cho những cuộc tình đến và tan loãng trong bầu trời ấy… Câu thơ “một người xách đèn đi vào sương mù” gợi cảm giác chính xác về không gian ấy: tôi hình dung tới những quả đồi âm u đầy sương, đầy mưa, những con người nhạt nhòa, “tựa bóng ma thôi ra từ sương”. Những hiện diện đô thị trong thơ Nguyễn Bình Phương mờ nhạt, hoặc có một vẻ chán chường, mệt mỏi, vô hồn, cái bàn giấy, gương mặt công chức, bọn trẻ @, những cuộc phóng xe chán chường trên phố, dãy phố chật những biển hiệu, nơi hắn không thuộc về; đôi hình dung đẹp còn lại gắn với một bờ cây, một bụi nước, một cái gì thuộc về thiên nhiên và xa cách với những gương mặt người. Nguồn năng lượng thơ ca của Nguyễn Bình Phương, kẻ - tôi nhớ - hầu như không nhìn thẳng mặt người trò chuyện đối diện, kẻ - tôi mường tượng - chỉ cúi nhìn mặt đất hay cây cối và bầu trời khi di chuyển, ắt phải sinh ra từ một nguồn sáng/nguồn bóng tối khác, nơi sự bận tâm tới tiểu sử gia đình, gương mặt, cá tính đời sống thường nhật của người viết trở nên kém ý nghĩa. Nguồn năng lượng ấy tạo thành một mạch sống riêng lẻ, một không gian thơ khác biệt, biểu cảm, có thể xa lạ với những cư dân đô thị, nhưng thực tế không xa cách với tiếng nói bí mật bên trong tâm hồn chúng ta, với nỗi thèm muốn trở lại cái thượng nguồn khởi sinh ta, cái thượng nguồn bao giờ cũng âm u, huyễn ẩn.

Thơ Nguyễn Bình Phương không cho hiện diện những cơn khát dục tính, cái ác từ vô minh, những tiếng nói bản năng cùng quẫn vì bị đè nén hoặc được thả nổi đầy năng lượng và hỗn loạn trong đời sống bỏ hoang, vẫn là không gian của những vùng đồi âm u lam chướng, đã quẫy đạp trong văn xuôi của anh. Hay thơ ca, cái đẹp u uẩn, vẻ giản dị mang đầy bí mật của nó, là một phía khác của tâm hồn, một phía khác của tình yêu, là một áng mây xa luôn vừa bay vừa phân rã, đổi hình dạng, không thể nắm bắt và định hình. Và vì thế, trong thơ anh, những kẻ yêu nhau luôn tìm được lý do để là những hiện diện đẹp đẽ, rũ buồn. Thơ Nguyễn Bình Phương dường như đã chinh phục những kẻ đang yêu bằng cách ve vuốt nhu cầu nội tâm lãng mạn hóa đầy say mê, lại có vẻ dễ thương, và không hề giả tạo đó.

- Anh đang mơ chúng mình cầm tay
Vòng quanh những quả đồi
- Em gọi cây nhưng cây không đến nổi
Nắng nhiều như anh hôn em.
(“Tình yêu khuất mặt”)

Ngày nào theo em đi lấy rau cần
Gặp mái tóc rũ buồn mệt mỏi
(“Bài mùa thu đầu tiên”)

Lối kết cấu bài thơ của Nguyễn Bình Phương tưởng lỏng mà thực ra chặt chẽ, cân xứng một cách cổ điển, và có xu hướng vận động về ánh sáng, niềm tin, sự sống, và vì thế, đôi khi nó trở nên đông cứng. Tôi thích, đôi bài thơ bất ngờ, đâm chúi về phía vực thẳm, đáy hồ, tuyệt vọng, nhưng đê mê:

Mùa thu len lén ra khỏi cây
Đi nào, đi với anh xuống đáy hồ xa thẳm
(“Bài mùa thu đầu tiên”)

Ở những câu thơ như thế, mặt trăng thực sự rạng lên ở một phía khác.
***

Nguyễn Bình Phương nhất định không phải một hồn thơ phức tạp. Đọc thơ anh, tôi không bị cuốn vào những sáng tạo ngôn từ, những hình tượng thơ rối rắm, những hỗn loạn của câu chữ, nhạc điệu hay hình ảnh. Tôi thấy anh hầu như dùng những từ giản dị. Nhiều bài thơ chỉ là những phác họa về không gian, khung cảnh, sự vật đặt cạnh nhau, thậm chí như là những bài thơ “miêu tả”. Vậy cái chất mộng mị, phiêu dạt, nhiều ảo giác, sự phân rã… trong thơ anh đến từ đâu? Có những thao tác dễ quan sát được, chẳng hạn sự kết hợp như ngẫu hứng nhưng có chọn lọc kĩ lưỡng những từ khác trường nghĩa cạnh nhau: xanh chói lọi, ánh sáng ủ rũ, thiếu phụ quay đi xanh mơ màng, nhằm đặt một ý niệm từ ngữ và một ý niệm hiện thực cạnh nhau; khả năng dựng cảnh từ vài chi tiết giấu kín xúc cảm người quan sát; các biểu tượng, nhân hóa, so sánh, ẩn dụ… Tôi chú ý hơn tới thao tác làm phân rã, mài mòn các từ, đa bội hóa một âm tiết với những biến thái về âm điệu để tạo từ, như một thao tác tạo từ láy được sử dụng nhiều trong thơ Nguyễn Bình Phương: mai mái, mươn mướt, rưng rưng, ngờ ngợ, mơ màng… Sự dày đặc các tính-động từ này là điểm dễ nhận ra thơ anh, với sức quyến rũ về âm điệu, độ mơ hồ của chữ nghĩa, khả năng diễn tả những chuyển hóa trong cảm giác của hình ảnh thơ (giọng nói mềm mại như bóng râm, những ngọn đồi lơ mơ tối…) đồng thời cũng cần được nhận thức như một thú chơi nguy hiểm: những tạo tác nhã nhặn nằm giữa sáng tạo và mòn sáo, cái tình thế có thể mượn tới một câu thơ khác trong tập Buổi câu hờ hững để diễn đạt lại:

Bỗng dưng đánh mất tất cả mênh mông
Một người tỉnh queo làm anh ngán ngẩm
(“Viết lúc chín giờ”)

Sự khó hiểu của thơ Nguyễn Bình Phương, nếu có, có thể có nguyên nhân từ chính người đọc (thơ): chúng ta thường lơ là việc nhìn ngắm chính cảm giác của mình đến nỗi, khi lạc vào một thế giới của một tâm hồn khác, ta vẫn giữ thói quen quan sát và nhìn ngắm một cái gì xa lạ, một cái gì ngoài ta. Tâm hồn của một con người, một con mèo, một tạo vật, một cái cây, một bông hoa, một cái bóng, có bao giờ là dễ hiểu?
Một nhà thơ thường đồng nhất số phận mình, ở mức độ nào đó, thuộc về những kẻ có tham vọng tìm kiếm sức mạnh biểu hiện mới của ngôn ngữ, phát kiến về ngôn ngữ, để nuôi dưỡng kho báu đó - bởi thơ ca là mảnh đất chấp nhận tất cả những hạt giống sáng tạo, hay ít ra, nó cũng là mảnh đất rộng mở hơn cả để gieo trồng các sáng tạo ngôn từ. Theo cách nhìn đó, một mặt, Nguyễn Bình Phương đã đóng góp, làm giàu có, làm phai loãng, hay đã để “thôi” ra từ bức tranh ngôn từ những phẩm màu chữ nghĩa của riêng anh, phai ra trên con suối nơi một người ngồi im lặng, một người ngồi để trôi đi cùng dòng suối đang trôi trên những chiếc rễ cây nằm im lặng dưới đáy... Một thế giới nhả màu tượng trưng và siêu thực được tìm thấy ở Nguyễn Bình Phương với những thao tác lạ hóa ngôn từ và hình ảnh. Nhưng mặt khác, chính lối tu từ đó, nỗ lực trau dồi mĩ cảm của ngôn ngữ, sự giữ gìn những cảm giác trong ngôn ngữ nhiều khi đã cho thấy một “lối mòn” tư duy, khi nó chỉ chạm tới cái linh hồn “mơ màng” của tạo vật, nó hướng tới mê dụ, huyền hoặc, làm mất khả năng tỉnh thức, nó dễ an ủi, nhưng khó gây chấn động. Thế giới bên trong chúng ta, tưởng chỉ hút ta vào sâu bằng vẻ thâm u, phần nhiều tĩnh lặng, tôi nghĩ, là một thế giới nhiều chuyển động dữ dội và phức tạp hơn thế. Cuộc đua của ngôn ngữ, hay khả năng “thăm dò tiềm thức” (như tên một tác phẩm của C.G. Jung) của ngôn ngữ ắt phải đẩy nó tới những xung đột mạnh hơn, những xô dạt, những thách thức khác nữa, nếu nó muốn đồng hành cùng nhịp vận động của nội tâm người. Sự biến đổi của tâm hồn, của thế giới bên trong, không phải bởi con người ngày nay phức tạp và sâu thẳm hơn con người của ngàn năm trước, mà có thể, chỉ bởi vì chúng ta đã có một lịch sử dài hơn của sự tìm kiếm các thao tác, các phương cách thăm dò chính mình. Những bài thơ có thể là “khó hiểu” của Nguyễn Bình Phương, đặt vào không gian thơ Việt hậu chiến với những đứt nối khó lường, vào thập niên 90 của thế kỉ trước, có thể đến nay đã là “dễ hiểu”, có thể chúng đã dễ dàng nằm trong sổ tay của những bạn trẻ tuổi đôi mươi, yêu thơ và tìm được nơi thơ một niềm an ủi kín đáo, hay đôi kẻ cô độc tìm thấy nơi đây cuộc trò chuyện rầm rì về sự sống. Thơ Nguyễn Bình Phương vẫn sẽ dễ đọc, dễ cảm, bởi nó không đi ra ngoài những tình cảm, lối trò chuyện của con người, và hơn thế, có một sự đảm bảo khá chuẩn mực những thói quen nhạc điệu của tác giả: cách gieo vần, ngắt nhịp, sự buông lơi của âm điệu, nhất là trong những câu kết. Đó không hẳn là những bài thơ kích thích chúng ta, nhưng có thể được đọc lại, thuộc đôi câu, nhẩn nha đâu đó…

Nguyễn Bình Phương đã hiện thực hóa một châm ngôn viết của mình: “sống là viết vào đời câu cách ngôn bí ẩn” bằng cách nói những điều mê dụ, những huyền hoặc, như những nhà tiên tri, những thầy bói. Nhưng rồi các nhà thơ vẫn thường dùng dằng: ở giữa tưởng tượng thơ ca và đời thực, linh hồn chực bay lại không sao bay lên nổi, những đám mây điêu tàn, sức mạnh nội tâm dường như yếu đi, ốm đi, xanh xao hơn. Đến tập Buổi câu hờ hững, dường như Nguyễn Bình Phương đang nhìn lại mình với một đầu óc duy lý hơn, thấy rõ hơn nhu cầu bày tỏ mình, chiêm ngắm mình, u hoài về sự phôi pha, tàn phai, bệnh tật, làn da mai mái, mái tóc bạc màu… Anh cũng “đời thực” hơn, đề cập nhiều hơn tới các vấn đề thường nhật, về đời sống công chức, danh vọng, quan chức, hay mở rộng mảng đề tài “tham vọng” hơn, về số phận người lính, người dân châu thổ sông Hồng, như thể có ý hướng một thứ thơ “tham dự” vào đời sống cộng đồng, một phản tư của phẩm chất trí thức. Vì thế, thơ Nguyễn Bình Phương mất đi vẻ mê dụ vốn có, và thêm nhiều trống trải, nhiều suy tư.

chiếc áo sơ mi khoác hờ lên bóng đêm
là anh đấy

Nhà thơ, kẻ không bận tâm gì khác ngoài thế giới nội tâm của mình, kẻ đã tin tưởng vào mạch nguồn vô tận của nó, tin rằng sự nhân rộng đời sống cá nhân là mãi mãi giàu có, kẻ đó đang đứng trước tuổi già, bệnh tật, sự trống trải, nỗi cô độc đã đồng hành cùng anh suốt chặng đường dài. Tôi không dám chắc khả năng chia sẻ của mình, bởi tôi không trải nghiệm cùng độ tuổi Nguyễn Bình Phương, tôi chỉ mường tượng một cái gì khủng khiếp, đang tới, nó cần hoặc những cú rùng mình lột xác, hoặc sự mỏi mòn, thất trận. Một cái gì chán nản có thể làm mòn rữa, làm hao phí những ý tưởng, trong căn phòng, nơi góc phố chật, nhưng anh dường không có nhu cầu nổi loạn, phá phách hay chối bỏ. Anh cũng không có nhu cầu mãnh liệt làm kẻ ra đi. Anh làm một người ngoại cuộc. Anh đứng ngoài anh buông thõng tay. Anh nhận ra cái trống không rờn rợn ấy. Và anh vẫn tin, gắng gỏi, vào tiếng tích tắc của đồng hồ trái tim. 

***

Các nhà thơ phải chấp nhận một sự thật: nỗi thất bại trước những câu thơ mình viết, nỗi thất bại trước sự biến mất bất thần của những tâm trạng đã trói buộc mình: đau đớn, tình yêu, sợ hãi, thất vọng, coi thường… - chính những sự trói buộc ấy dẫn lối ta đến những bài thơ. Vậy có thể nào làm được thơ, có được thơ ca mà không lệ thuộc vào những ái ố hỉ nộ của con người? Nhiều nhà thơ hậu hiện đại khước từ trữ tình như một cách định nghĩa thơ, hoặc đôi ba kẻ tìm kiếm hứng thú thơ ca trong các cách cưỡng chế ngôn từ - tôi muốn gợi nhớ tới các nhà thơ trong nhóm Oulipo, mà phần nhiều, chúng ta tiếp cận với quan niệm làm việc hơn là các tác phẩm của họ. Nguyễn Bình Phương dường không quyết liệt tìm ra những định nghĩa cho thơ, anh thả lỏng chúng, như thả gió, với niềm tin mỗi sự tồn tại đó là một cách định nghĩa của thơ ca, nhưng trò chơi tưởng chừng giản dị, nhẹ thênh đó cũng không ít nguy hiểm. Dù cho người viết có thể chịu đựng, hay thanh thản đón nhận nỗi đơn độc trước trang giấy trắng, được an ủi trong bàn tay ve vuốt êm ái của chính nỗi cô độc ấy, thì hắn cũng không thể lảng tránh suy tư, bày tỏ quan niệm hay thái độ văn chương. Sự im lặng lầm lì của một người viết đôi khi làm độc giả khó chịu, hoặc lơ đãng quên mất, bởi họ dễ vô tâm, lại hay nôn nóng, và hiếu kì, ít nhất đôi lần mong tiếp xúc trực tiếp, không hẳn là với gương mặt, mắt nhìn, dáng điệu, mà với những phát ngôn trực tiếp của hắn về quan niệm văn chương của mình. Tất nhiên, tôi hoàn toàn tin rằng người viết có lý do riêng cho những lựa chọn cá nhân, và sự chuyển hướng trong hành trình viết của hắn không phải bao giờ cũng (cần) được nhận ra hay chia sẻ bởi người đọc, mức độ thành thực và quyết liệt của một người viết với cộng đồng đọc của anh ta phải nằm ở chính các tác phẩm.

Phác thảo chân dung một sự sống thơ ca bao giờ cũng chỉ là một phác thảo lệch lạc, xa vời, một ảo tưởng nắm bắt được cái gì đó, như một ngôi nhà tưởng giữ được ánh sáng và gió trời đang không ngừng di động và loãng tan. Tâm trạng và hứng thú thơ ca của người làm thơ không ở yên đó, nghĩa là sự sống thơ ca, cái cá nhân được nhân bội qua các bài thơ của họ không bao giờ yên ổn và ngồi một chỗ, và tâm trạng của người đọc thơ, sự sống của việc đọc cũng vậy. Rung động thơ ca trước một câu thơ, một nhà thơ luôn bất trắc, không đảm bảo: kẻ yêu thơ, người tình của thơ ca cũng luôn là người tình không chung thủy, dễ bội phản, như sự trôi đi của dòng nước, của không khí, đã đành, như chiếc bóng tưởng vẫn như vậy trong tấm gương câm soi vào kí ức âm u rạng rỡ của một người tình câm. Người làm thơ, và người đọc thơ, may mắn được đôi lần gặp nhau trong cuộc trò chuyện sống động nào đó, còn phần nhiều, nguồn năng lượng thi ca đi ra từ các bài thơ chỉ còn là vọng âm của những tiếng rì rầm bất tận, trong lòng đất, trong mạch nước, trong tiếng đập cánh của cây lá, tiếng gió lách trong rừng, tiếng thở của khuôn ngực ánh sáng phập phồng vào ban mai hay nỗi tức tưởi im lặng của bóng đêm… Những âm thanh đó, cũng có thể tan rã bất cứ lúc nào, hoặc hoàn toàn vô nghĩa, trôi qua ta mà không hay biết. Đọc thơ, thời nay, dường như không phải để phán đoán về giá trị của các tác phẩm hay tôn vinh các thi tài, hay quyết định vị trí thơ ca của các nhà thơ, những nhà thơ dường như luôn lẻ loi đâu đó và từ chối mọi xếp đặt, mà dường như, chỉ là để khơi lại nhu cầu nhìn vào bản thân mình, cái nhu cầu mỗi lúc mỗi dễ dàng biến mất, trong mỗi chúng ta. Và cả người viết lẫn người đọc, tìm kiếm nó trong nỗi cô độc êm ái, trong những bước di chuyển về phía sương mù, không ai biết…

19.12.2011
 
Nhã Thuyên

Feb 7, 2012

(ghi chép biên tập) Beigbeder làm toán

Trên hành tinh này có 6 tỉ người, trong đó 3,5 tỉ là nữ. Giả sử cứ 1.000 nữ có một nàng cực ngon (một giả sử rất là bi quan) thì trên Trái đất sẽ có 3.500.000 phụ nữ tuyệt hảo, đứng trước họ bất kỳ tay dị giới tính dục nào cũng không chần chừ hiến dâng đời mình. Trong số 3,5 triệu sinh thể này, chừng một trăm là ngôi sao điện ảnh, chừng một trăm khác là siêu mẫu, vậy là chúng ta còn lại 3.499.800 mỹ nhân nghiêng nước nghiêng thành không ai biết đến. Để ngủ được với tất cả họ, tôi đã tính là sẽ phải làm tình mười lần mỗi ngày trong vòng một nghìn năm. Nếu đem con số này chia cho 2,5 tỉ gã đàn ông đói tình không mệt mỏi thèm khát một tuyệt sắc giai nhân, cơ may thỏa mãn tình dục sẽ là 3.499.800 chia cho 2.500.000.000 = chưa tới một phần nghìn. Xét về mặt toán học, 999 trên 1.000 con đực trên thế giới bị nền độc tài sắc đẹp xử phũ: không phải tự dưng mà người ta đi gọi những người phụ nữ ấy là "đại bác" [canon] hay "quả bom" [bombe].

(Kẻ ích kỷ lãng mạn, hay Kẻ lãng mạn ích kỷ, 2005)

Feb 4, 2012

nghịch dại


Tôi quen một người, giờ đã rất thành công, trở thành ông chủ, tiền nhiều như nước, nhưng lại rất hiếm khi vui vẻ. Đột nhiên người ta nhận ra anh ta rất vui những lúc đứng trên vỉa hè chờ taxi hay xe riêng đến đón, mà thấy có những chiếc xe tấp vào lề. Anh liền chạy ra hướng dẫn tài xế đỗ xe sao cho thật ngay ngắn, nghiêm chỉnh. Mặt anh rất hớn hở. Anh nhớ thuở hàn vi làm giúp việc cho quán ăn, toàn đứng ngoài đường “xi-nhan” cho xe đỗ, hài lòng với hàng xe thẳng thớm, ngăn nắp. Anh sung sướng vì hoài niệm, có lẽ đời anh hạnh phúc khi còn khổ hơn là khi đã giàu có.

Người ta cũng kể nhiều câu chuyện về những người rất thành công ở đời nhưng việc thích làm nhất lại không phải dự tiệc, trưng diện, phát biểu trên báo hoặc nơi hội nghị, mà là chui vào một chỗ kín đáo trong nhà để hí hoáy sửa đồng hồ, tô vẽ kẻ biển hoặc sửa xe đạp. Cuộc đời thật không biết đằng nào mà lần, vì cuộc đời thật nhiều nghịch lý. “Nâng tầm triết học” thì cuộc đời là một công án thiền, người ta khổ vì đời quá lắm nghịch lý, nhưng thấu triệt được tính nghịch lý của cuộc đời rồi thì coi như là đã ngộ. Mọi việc vừa phức tạp vô cùng vừa đơn giản đến khó lường.

Khi người dân Việt Nam gần như không còn thả cá chép xuống sông xuống hồ ngày 23 tháng Chạp nữa thì mốt “Táo quân” trên truyền hình lại trở thành mốt rất thịnh hành. Hằng năm, toàn dân chờ xem chương trình Táo quân (Gặp nhau cuối năm), mặc dù nó dài lê thê và nếu có gây cười được thì đó là một cái cười theo quán tính, cái quán tính quy định rằng xem bi kịch thì mặt nên buồn bã và nhìn thấy diễn viên hài thì nên cười phá lên.

Feb 3, 2012

giang hồ

và đây, Quang Dũng Bùi Đình Diệm, nhà thơ trác tuyệt



Bên trái là tập văn xuôi Nhà đồi, in năm 1983, NXB Văn học. Êkip làm quyển này: Lý Hải Châu (giám đốc), Biên tập: Lê Khánh (một nhân vật có lai lịch rất kỳ lạ, là dân khoa học tự nhiên nhưng toàn biên tập sách văn học, cả tác giả trong nước lẫn sách dịch), Bìa: Bùi Xuân Phái, Sửa bản in: Nhật Tuấn (vâng :p).

Đây không phải bản in đầu, bản đầu in trong những năm 70, mỏng hơn, giấy đẹp hơn, bìa của chính Quang Dũng. Giờ tôi không nhớ có ít bài hơn so với bản 83 này hay không.

Quyển bên phải vừa in xong, tuyển tập Quang Dũng đầu tiên, nhiều bài chưa bao giờ công bố.

Xưa nay người ta vẫn thấy có hai bài thơ được cho là đầu tiên của Quang Dũng: "Chiêu Quân" (tức bài có câu "Hồ xang hồ xang xự hồ xang" và câu "Quân vương chắc cũng say và khóc") và bài "Cố quận" (bắt đầu bằng câu "Trăng sáng sân vờn đôi bóng cau"), nhưng hóa ra còn bài thứ ba nữa:

Giang hồ

Lá tím, lá xanh đường gội nắng
Hoa vàng nhạt... nhạt, nhớ phiêu lưu
Lối đi khắc khoải lời chim nói
Ve vãn tương tư mảnh gió chiều

Mấy gã thanh xuân, lòng bốn cõi
Nhẹ nhàng thân gửi kiếp ra đi
Gói, khăn, trăng, gió trời mây bạc
Hồn nhẹ quên trong xác nặng nề

Thuở ấy lòng ai chẳng đắm say
Này hương hoa lá thoảng đâu đây
Cỏ cây thơm ngát về muôn dặm
Nước chảy ghềnh xuôi cát bụi bay

Cứ thế, tháng ngày trong xứ lạ
Rất nhiều tình mới, rất nhiều duyên
Bên đường, hoa lá buồn nhan sắc
Im lặng nhìn qua "tuổi dại điên"

(1942)

-----------

Xong rồi thì các bác để tôi hành xử giang hồ cái nhá :d

Này Tút tờ Xì Ghềnh:


Rồi Tút tờ Kinokunia Tokyo Shinjuku luôn hehehe:


Tà dương của Dazai Osamu.

Feb 2, 2012

Malaparte, Thượng đế etc.

Đây Malaparte:


Trên là Thượng đế đã chết trong thành phố, bản dịch Nguyễn Quốc Trụ, không còn bìa nhưng trông vẫn Vàng Son lắm :p

Dưới là Mặt trời mù, một tiểu thuyết khác của Malaparte, bên cạnh là nguyên bản tiếng Ý.

Nhân Mr. Tin Văn nhắc tới Dieu est né en exil (Thượng đế sinh ra nơi lưu đày) của Horia, nhớ ra tôi từng nói đến nó, search mãi thì ra cái này, viết ngày 29 tháng Năm 2007. Kỳ quặc là đoạn này được viết nhân nói đến Màn của Kundera :p



Tại sao Le Rideau là một cuốn sách không tốt? Là bởi vì so với Kundera nhà viết tiểu luận (Kundera l’essayiste: đề phòng các nhà văn viết tiểu luận nhé. Đặc biệt là giọng điệu áp đặt. Tất nhiên là họ có quyền. Quyền của tài năng, phủ nhận làm sao được. Các trường hợp thuộc dạng này: Nabokov, Calvino, Nguyễn Huy Thiệp) của trước đây Kundera của Le Rideau khác lắm rồi. Nó phản ánh rất chính xác cái vị thế mà một nhà văn không được vinh hạnh chết trẻ nhưng nổi danh từ rất trẻ phải lâm vào (cứ nghĩ Vũ Trọng Phụng 28 tuổi đã kịp làm cả việc rất khó là chết!): đến cuối đời ông ta trở thành một kiểu bù nhìn cho những vinh quang trước đó giật dây. Kundera về cơ bản là không có gì thay đổi trong suốt cả đời (đời này là cái đời tính từ sau khi chàng kịp trốn được thoát khỏi cái danh hiệu nhà thơ ca ngợi Stalin. Bọn phê bình Pháp đểu lắm: khi không chịu đựng nổi mấy cái nhân vật từ xa đến cứ tưởng là chễm chệ ở đó một thời gian ngắn thôi thì hóa ra là cứ đàng hoàng tiên chỉ suốt mãi, chúng nó sẽ chơi thôi. Mới gần đây là hồ sơ chơi gọn cả ba đồng chí Rumani: Cioran, Ioncesco và Eliade, tất tật đều dính dáng đến Đoàn thanh niên Quốc xã ngày xưa. Trong những gì liên quan đến Kundera cũng thế: một luận án tiến sĩ làm ở Thụy Sỹ của Martin Rizek xuất bản mấy năm trước đã lôi tuốt tuột những thứ bị chàng giấu kín tưởng mất tăm mất tích. Hehe, bây giờ mà lục ra được những bài thơ ngày xưa Phạm Thị Hoài viết trong công cuộc chịu sự đào tạo để trở thành Trần Đăng Khoa thứ hai nhể. Những người may mắn không rơi vào trường hợp đó đều là những người có thời gian sống không lâu ở chốn phồn hoa đô hội không thể nào không nhắc đến đó (reference: Hemingway: Paris est une fête. Quel con de fêtard!) Đó là những ai: Tourgueniev, Witord Gombrowicz (đồng chí này sau Ba Lan sống một thời gian dài ở Buenos Aires rồi cuối đời mới sang Paris. Bao giờ Paris cũng cần mấy gương mặt rợ di man mọi cho nó nổi bật. Vua Đồng Khánh như một con khỉ nhé, công chúa Brancovan từ xứ Lỗ Ma Ni nhé. Milosz nhà thơ may mà không sang ở hẳn đó, chứ còn ông anh của đồng chí, cũng nhà thơ – Oskar thì phải – đời có ra gì đâu. Chính Gombrowicz một thời là khuôn mặt Trung Âu nổi bật nhất của Paris, sau khi đã tàn lụi những Kournofski, Maiakovski vân vân và vân vân. Một dạng đại sứ thiện chí/văn hóa của khối các nước láng giềng nhưng xa xa. Khi Kundera lừa lừa chạy khỏi Tiệp mang tiếng sang Rennes dạy học rồi ở lại luôn thì người ta vẫn thích, vì có một người thay thế Gombrowicz. Nhưng thay thì thay cho nó nhanh nhanh chóng chóng, ngờ đâu chàng ở lại luôn một mạch kể từ năm 1981 cho đến giờ, nghĩa là 26 năm phéng nó rồi, thời gian đúng là như bóng câu, không những thế còn lăng nhăng cả lên mấy cái tạp chí như L’Atelier du roman, kết bè kéo cánh đủ mọi loại, và không những thế còn định vươn lên làm nhà văn lớn của tiếng Pháp. Thành ra ba quyển tiểu thuyết gần đây nhất, La Lenteur, L’IdentitéL’Ignorance giới phê bình Pháp mang ra bổ cho một trận, quy cho cái tội dốt tiếng Pháp. Mà thật ra tiếng Pháp của Kundera đâu có tồi. Mặc dù nói thì kinh khủng, không thể hiểu đồng chí nói gì, giống kiểu mấy anh dân tộc Tà Lù trên miền núi nói người Kinh chúng ta hiểu làm sao cho nổi bây giờ. Nói đi cũng phải nói lại: mấy quyển đó Kundera khôn kinh, viết toàn câu đơn, mỗi câu như một mệnh đề, từ vựng quanh quẩn, nói chung là giống như trẻ con học sắp xong Abitur viết, nhưng có một cái trí tưởng tượng và lập luận của một ông già. Cũng chính vì hiện tượng kiểu đó một phần nên mới có sự di chuyển tích cực của ba nhân vật kiệt xuất nhất: James Joyce, Elias Canetti và Wladimir Nabokov). Vị thế của Kundera giống như là lưng dựa vào chân tường: nói đi nói lại những điều đã cũ để đỡ mang tiếng nhà văn nhớn mà không mở nổi miệng. Lại còn phải tích cực theo dõi tình hình tendency xem cái gì trendy thì theo ngay. Mà theo không phải lối nghiên cứu tích cực tìm tòi ý tưởng mới mẻ lần tìm về tận nguồn mà cứ búa bổ nói như phán bảo, như rút từ một quyển từ điển bách khoa toàn thư tầm vũ trụ ra. Thời gian ngay trước khi Le Rideau ra đời ở Pháp đang có phong trào theo lối sách của Pascale Casanova, La République mondiale des Lettres, các khoa văn học so sánh Sorbonne đang tìm đến một tầm khái quát hóa cao độ, văn chương thế giới etc. Thế nên có Weltliteratur. Goethe lại được phục sinh. Phía sau bức tường của các nghiên cứu hàn lâm người ta bắt đầu sờ đến các vấn đề như là bắt đầu và kết thúc của văn bản, của tác phẩm, và của văn chương. Thế nên Rimbaud ngóc đầu dậy. Thế là chàng cũng… Vấn đề là những cái kia mấy ai biết, còn Kundera đã viết thì nhiều người đọc. Một mẻ lưới chàng lười của chúng ta quơ được không biết bao nhiêu cá. Kundera là một người đầy chiến lược. Phải theo dõi từng bước cuộc đời của đồng chí mới có thể thấy được. Dĩ nhiên là Kundera đầy tài năng, đầy năng lực, và đầy sự tò mò trí thức. Nhưng nhiều cái chàng có được là nhờ tính toán chính xác. Kundera đang ở chỗ đó: một nhà văn già trở nên bảo thủ và hay nói lại những gì đã nói, nhưng vẫn cố gắng tạo ra một thứ mà anh giai ác khẩu Frédéric Badré (chính ra tôi rất quý đồng chí này) gọi là “chủ nghĩa phản chính thống thời thượng” (trong bản dịch tiếng Việt dịch ra một cách hết sức nhố nhăng là “chủ nghĩa theo thời phái sinh” hốc hốc). Một trong những quyển gần đây nhất tôi có xem qua, Les Revenances de l’histoire của Hamel (mấy đồng chí chuyên nghiệp chú ý: đây là quyển sách chứng minh một cách hết sức chặt chẽ rằng các thứ lý thuyết rất hot cho đến tận bây giờ, và sẽ còn hot ở Việt Nam trong thời gian tới, cho đến khi các nhà nghiên cứu của chúng ta bẽ bàng nhận ra là mình lại chậm chân mất rồi, đã xong rồi, và cũng đã kịp sai rồi. Tất nhiên sai đúng cần phải hiểu đừng chân phương quá. Các thứ tiểu tự sự bây giờ không còn ở trung tâm nữa, nó quay trở về chỗ vốn có của nó: bên lề. Và tiếp tục rình rình đến lúc nào đó sự buồn chán của người ta lên đến cao độ thì lại nhảy vào. Nhìn chung mọi thứ sẽ cứ như thế thôi. Cái giỏi của người theo dõi là biết được lúc nào là lúc nào. Yes. Còn không thì đến giờ vẫn cứ xưng tụng Bakhtine là thánh nhân. Tôi chả có gì nghi ngờ sự hâm mộ thực sự một số người đặt vào một số chỗ, và ý nghĩa dài lâu của một số học thuyết, nhưng hâm mộ thì cũng phải biết được thực sự là chúng nó đang ở đâu) nói đến một ý thế này: người nào cũng ra sức phát ra những diễn ngôn theo kiểu tôi ở ngoài lề tôi hẻo lánh lắm… Vấn đề này cần suy nghĩ thêm, giờ chỉ làm reference thế thôi.

Tại sao Le Rideau là không tốt (sẽ còn quay trở lại sâu hơn để đi vào văn bản một cách chính danh. Bây giờ lười đứng lên lấy sách trên giá quá. Thật ra là không rõ nó nằm ở đâu nữa. Sách này tôi đọc vài ngày sau khi in. Sau này còn nhìn thấy một quyển có chữ ký tặng của đồng chí Kundera. Ghét nhất là cái thói huyền thoại hóa vô thức thể hiện qua lối gọi tên: Kun, Che…)

Giờ thì chỉ tạm thời thế này thôi. Thêm bonus một cái cuối cùng: trước đây người ta quý Kundera còn ở chỗ đồng chí khai quật mấy Broch, Musil (Kafka thì khỏi kể, trong những năm 50, trước khi Kundera kịp nhớn để thoát khỏi cái bóng của Stalin, Alexandre Vialatte đã có những bản dịch kinh điển, và sau đó Marthe Robert, rồi Roland Barthes đã kịp chiêu tuyết nặng đô cho Kafka rồi). Tôi còn bị lừa, đâm đầu đọc Les Somnambules của Broch, chán suýt ngất. Chính ra cái hay chắc phải là La Mort de Virgile. Đến đây lại là chiều ngược lại của sự dịch chuyển các nhân vật kiệt xuất của Đông và Trung Âu sang Tây Âu (nhớ lại chi tiết “xuất khẩu các nhà thơ trữ tình” từ Tiệp ra nước ngoài nhé): các đồng chí ở các chốn hẻo lánh (có ai biết quê của Cioran, Sibiu, là nằm ở đâu không?) rất hay quan tâm đến các ông lớn ở các chốn trung tâm: ngoài Broch viết La Mort de Virgile như vừa nói còn có Horia, một Lỗ Ma Ni nhân, viết Le dieu est né en exile về đời Horace (đồng chí đại thi sĩ này bị hoàng đế nào đày đi ấy nhỉ, Claude à?) Hoặc gần đây là Hồ Anh Thái với cả Đức Phật, nàng Savitri và tôi (sẽ có entry riêng về cái vụ vui vẻ này).

-----------
Tôi vẫn muốn có quyển này, vẫn chờ được tặng hehe.

Bonus: