Jul 31, 2013

xác định chừng mực


Tập thơ “Chấm” của Nguyễn Ngọc Tư, khó khăn nhất là lúc đặt tên. Đặt một cái tên nào vừa miêu tả đúng tinh thần các bài thơ vừa thoát khỏi mọi quy chiếu thông thường về Nguyễn Ngọc Tư, và với tôi còn phải đạt một tiêu chí nữa: cái tên nào để không đọc lên là thấy lồ lộ chất miền Nam miền Tây sông nước dời dợi mênh mang. Không phải vì tôi ghét bỏ phân biệt vùng miền, nhưng thơ là thứ hướng tới chỗ phổ quát chứ không như văn xuôi, nơi “đậm đặc chất miền Tây” là một phẩm tính đặc biệt.

Thoạt tiên, Nguyễn Ngọc Tư đề nghị một cái nhan đề có từ “lẻ”.

sông lẻ một đời giữa đá, buồn không?
(khúc hát rời Nho Quế)

căn phòng lẻ
thênh thang thân xác lẻ
(vẽ giấc trưa)

Nhưng tôi không muốn “lại” có một “lẻ” nữa trong tập hợp nhan đề sách của Nguyễn Ngọc Tư. Nếu mà “Chẵn” thì có khi lại hay. Tất nhiên đó là tôi nói đùa.

Jul 30, 2013

Về vụ Nhã Thuyên và rộng hơn vụ Nhã Thuyên một chút

nội dung cơ bản của những điều dưới đây tôi đã nói trực tiếp tại Hội nghị Lý luận-Phê bình tại Tam Đảo cách đây vài tháng, ở cuối phiên thứ hai, ngày họp thứ nhất; bài này vừa đăng (đầy đủ) trên tờ Sài Gòn tiếp thị dưới nhan đề "Nghiên cứu-phê bình văn học hiện nay: vấn đề lý thuyết và vấn đề đối tượng"



Hội nghị Lý luận Phê bình Văn học lần thứ III tổ chức tại Tam Đảo tháng Sáu vừa rồi là một dịp để giới lý luận phê bình Việt Nam hội tụ. Đọc và nghe các tham luận được trình bày, tôi thấy có hai điều chính yếu nằm ở trọng tâm của nghiên cứu và phê bình văn học hiện nay nổi lên rõ rệt.

Jul 28, 2013

Trong cuộc đối đầu Nhất Linh Nguyễn Tường Tam-Thiên Hư Vũ Trọng Phụng

Hai mệnh đề sau đây trong rất nhiều năm là "đường lối sáng tác", "đường lối văn chương" không được tuyên xưng chính thức nhưng được mặc nhiên thừa nhận rộng rãi:

Thứ nhất là mệnh đề của Nam Cao: "Nghệ thuật không là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối! Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp người lầm than."

Thứ hai là mệnh đề của Vũ Trọng Phụng: "Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi coi tiểu thuyết là sự thực ở đời."


Hai mệnh đề này không chỉ làm khổ học sinh Việt Nam suốt thời ngồi trên ghế nhà trường (nhất là học sinh chuyên văn), mà còn làm hại lâu dài cả văn chương Việt Nam nói chung.


Jul 26, 2013

Văn học miền Nam: Huỳnh Phan Anh

Miền Nam trước 1975 có những nhân vật đa dạng đến đáng kinh ngạc.

Trong số ấy có Huỳnh Phan Anh: viết văn, viết báo, dịch sách, phê bình, nghiên cứu...






Jul 24, 2013

Beigbeder cầu cứu

đoạn đầu tiểu thuyết Cứu với, xin tha thứ, sắp in tại Việt Nam; nó là một trong những tiểu thuyết "thuần chất" nhất của Frédéric Beigbeder, cũng là một lời "bộc bạch" (nhưng là bộc bạch hư cấu) thêm vào trào lưu những lời bộc bạch nổi tiếng gần đây, của Jean-Jacques Rousseau, của Márai Sándor

Jul 21, 2013

Trưng bày sách (9) Tạp chí Việt Nam

Bắt đầu từ đây, có mấy người trong giới sưu tầm sách, chuyên ngạch tạp chí đã có một cuộc "hội thảo" về tạp chí xưa nay ở Việt Nam. Đây là một mảng vô cùng khó, vì nó cực kỳ phong phú lại khó lưu trữ.

Nhìn vào các hình ảnh dưới đây có thể mường tượng phần nào lịch sử báo chí Việt Nam (chủ yếu tập trung vào mảng văn học và tư tưởng).

Nếu các bác muốn hỏi gì về từng tờ, tôi sẽ cố gắng giải đáp trong vòng hiểu biết hạn hẹp của mình, nếu không sẽ cố gắng nhờ các bạn khác giải đáp cùng :p Cũng phải nói trước rằng khó có thể biết tường tận được lịch sử báo chí Việt Nam; ngay quyển từ điển báo chí tốt nhất hiện nay cũng sai lầm rất nhiều.

Hình ảnh dưới đây không được sắp xếp theo trình tự logic nào, vì làm thế thì cần rất nhiều thời gian, chắc phải để sau này :p

(hình ảnh dưới đây của rất nhiều người)

Jul 19, 2013

Tình yêu


(bài áp chót)

Ovid, nhà thơ La Mã vĩ đại, từng viết tác phẩm “Nghệ thuật yêu” trong đó ông coi nghệ thuật yêu là thứ nghệ thuật khiến cánh buồm và mái chèo ăn ý với nhau để thuyền lướt sóng thật nhanh, nghệ thuật làm những cỗ chiến xa chạy băng băng. Yêu, theo Ovid, nhất thiết cần nghệ thuật, với những hình mẫu là các vị thần trong hệ thống thần thoại Hy Lạp đã được cải biến sang thế giới La Mã.

Suy tư về tình yêu, khoái cảm, dục vọng, hôn nhân nở rộ vào quãng thế kỷ 19. Không chỉ những nhà văn như Jane Austen hay Henry James liên tục đề cập các chủ đề này, mà ngay nhiều triết gia thuộc hàng thượng thặng cũng cho thấy họ đặc biệt quan tâm: hôn nhân là một “vấn đề triết học” ở nền tảng cuộc sống con người, chứ không phải là chuyện hành chính ra cơ quan nhà nước ký tên vào một tờ giấy. Ví như Soren Kierkegaard, triết gia vô cùng u tối, từng viết một cuốn sách rất lạ lùng mang tên “Nhật ký của kẻ quyến rũ”, hay Amiel, nhà văn kiêm triết gia người Thụy Sĩ từng viết “Nhật ký” dày không biết bao nhiêu trang mà kể chỉ chủ yếu xoay quanh vấn đề có lấy vợ hay không.

Jul 18, 2013

Karl Jaspers, brand new one

Mới nhận được sách trường Hoa Sen gửi. Vô cùng cảm ơn :p

Đặc biệt là quyển của Karl Jaspers.


Karl Jasper trước đây ở Sài Gòn không mấy xa lạ với độc giả Việt Nam.

Jul 16, 2013

Trưng bày sách (8) Một ít Chinh phụ ngâm

Cảm tình, ấy nó cứ là cảm tình, có thể phai tàn nhưng chẳng thể nào mai một đi hoàn toàn. Càng ngày tôi càng thấy Kiều xuất chúng, nhưng cảm tình thời xưa vẫn bắt tôi ưa Chinh phụ ngâm, giờ thỉnh thoảng tôi lại nhớ đến một vài câu rất ất ơ trong đó, như lúc này là câu "Mai Hồ vào Thanh Hải dòm sang".

Cùng ngoảnh lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai

Thơ mà như thế mới dã man.

Jul 14, 2013

Bí ẩn như là thủ pháp của cách kể chuyện

tác phẩm "giai đoạn sớm", 2007 :p


Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời[1] là một câu chuyện (đơn giản, tuyến tính về thời gian, và nhất là chỉ gồm một câu chuyện duy nhất - nghĩa là rất khác với các tiểu thuyết khác của Haruki Murakami) về việc sống và giải quyết quá khứ. Trước tiên, đó là một quá khứ không hình dạng tất định: có lúc nó bị thu nhỏ lại, nhưng chủ yếu là nó có xu hướng tự phóng đại quá kích cỡ bình thường. Hai nhân vật chính, Hajime và Shimamoto-san, đứng về hai cực của cái quá-khứ-không-có-hình-dạng-cụ-thể đó.

Nàng nhìn tôi với một nụ cười lạ lùng, như thể trên mặt tôi có vết nhọ.
- Lạ thật đấy. Anh muốn lấp đầy cái khoảng trống giai đoạn đó, còn em chỉ muốn thu nhỏ nó lại đến hư vô.
(Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời, tr. 198)

đi tìm sự không hoàn hảo

để chào mừng tập 3 1Q84 vẫn chưa thấy đâu :p



Có lẽ không có từ nào tốt hơn sự tinh tươm nếu muốn tóm tắt ấn tượng do các tác phẩm của Haruki Murakami mang lại. Nhân vật Kafka Tamura của Kafka bên bờ biển (Dương Tường dịch, Nhã Nam và NXB Văn học, 2007), điều này cũng không có gì lạ, cũng là một nhân vật gọn ghẽ từ trong các hành vi cho đến suy nghĩ. Chưa có một nhân vật nào của Haruki Murakami bừa bãi, kể cả trong nỗi buồn chán, trong sự hoảng loạn, cô đơn cùng cực, và kể cả trong những cơn say sưa dục tình mà tất cả đều rơi vào.

Điều đó cũng mới chỉ là một phần. Cái quan trọng hơn nữa là giọng văn của Haruki Murakami tương ứng một cách hài hòa với sự tinh tươm đó. Những người nghĩ văn của Murakami dễ dãi, đi vào những điều luẩn quẩn loanh quanh và không thoát ra ngoài được nữa, dường như đã mắc phải cả một sai lầm lớn. Murakami thuộc dạng nhà văn rất hiểu công việc của mình, và đã chấp nhận đi theo một con đường rất khó, thể hiện lớn nhất của phép cộng giữa tài năng và lao động: chỉ có một sự luyện tập về viết phi thường mới khiến một con người nhận ra được rằng mình có thể đi theo một con đường nhìn qua thì na ná như những người khác, thậm chí còn sẵn sàng để bị coi là văn chương tầm tầm, ít nhất thì cũng không phải là cao cấp, nhưng thật ra nó lại biết cách giẫm chân thật chuẩn xác vào chính giữa con đường mảnh như sợi chỉ giữa một nơi chốn kỳ lạ, vừa là một cánh rừng phong phú nhưng cũng lại vừa là một sa mạc khô cằn, nơi được tạo nên bằng toàn bộ các cliché (sáo mòn) văn chương và chữ nghĩa mà ngôn từ từng tạo ra trên đời.

Jul 13, 2013

Lịch sử của một cảm tình

Lỡ 19, 20 tuổi ở Việt Nam vào cuối thập niên 1990 mà lại thêm lỡ dính chân vào vòng văn chương thì sẽ không chỉ ở vào cái trạng thái mà Paul Nizan từng nói một cách rất đầu gấu, "Hồi ấy tôi hai mươi tuổi. Tôi sẽ không để ai nói đó là tuổi đẹp nhất của đời người", mà còn đồng nghĩa với chuyện thuộc về một "thế hệ không có đàn anh". Người ta có thể đặt tên cho thế hệ ấy là đặc biệt, vứt đi, hoang mang gì gì đi nữa, thì tôi vẫn nghĩ nó rất giản dị, nó là một thế hệ không trông chờ được vào đâu, không có điểm tựa mà bấu víu, không có những Nhất Linh, Vũ Hoàng Chương ở bên cạnh để mà tôn sùng rồi tìm cách lật đổ.

Quãng thời gian ấy, Đại hội nhà văn rôm rả đã qua đi và mọi sự đã lắng, ai có chút đầu óc đều hiểu ngay rằng không thể học được gì từ những Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc. Nói gì đến Ma Văn Kháng, Bằng Việt, Hồ Anh Thái. Mọi thứ đều hoang vu, phẳng lặng, xập xí xập ngầu trong sự chán phè và lãng đãng tầm thường. Những người có chút đầu óc sẽ hướng ngoại và hướng hải ngoại. Tôi cũng có một giai đoạn hướng hải ngoại nhưng nó nhanh chóng kết thúc trong vòng khoảng hai năm, khi tôi nhận ra cả ở họ cũng chẳng có nhiều điều để học, hoặc giả họ có một cuộc chiến khác, hoặc giả họ chẳng có cuộc chiến nào, vì với tôi, nỗ lực vươn lên để có được một vị trí trong "giới phê bình biên khảo" chẳng có lấy một tiêu chí rõ rệt hay một vị trí giảng dạy tại một cơ sở giáo dục phương Tây đơn giản không phải một cuộc chiến.

Jul 11, 2013

Đoàn Ánh Dương về Nhã Thuyên


Về Nhã Thuyên

Tôi bỗng nhớ đến mấy câu thơ của Nguyễn Duy viết từ năm 1988:

“Dù có sao
đừng khoanh tay
khủng khiếp thay ngoảnh mặt bó gối

Cái tốt nhiều hơn sao cái xấu mạnh lên?
những người tốt đang cần liên hiệp lại!”

Những lời thơ viết từ lâu ấy vẫn còn thời sự.

Trong những ngày này, sự vụ xung quanh Nhã Thuyên khiến khá nhiều người quan tâm, tôi muốn nhờ blog của Nhị Linh đăng lại bài viết này, vốn là một tiếng nói về Nhã Thuyên khi Không gian Sáng tạo Trung Nguyên tổ chức tọa đàm “Đọc sách và trò chuyện với Nhã Thuyên: Viết, một tưởng tượng về bản sắc”, ngày 19/11/2011. Bài viết này được đăng trên Văn nghệ trẻ số 47 ra ngày 20/11/2011, nơi, khi ấy, Nhã Thuyên cùng Trần Thiện Khanh là hai cộng tác viên đắc lực góp vào sự sôi động của tờ báo, cũng là nơi mà người chủ blog này công bố loạt bài về lý thuyết văn học, khuấy vào không khí vốn không năng động gì của phê bình văn học Việt Nam đương đại. Đó cũng là thời điểm Nhã Thuyên công bố “Văn chương dấn thân hôm nay” (vốn là tham luận tại Hội nghị Những người viết văn trẻ lần thứ VII, tổ chức tại Hà Nội, Tuyên Quang và Thái Nguyên, ngày 9-11/9/2011) và cũng là lúc mà tọa đàm về “underground voices” của Nhã Thuyên tại trung tâm L’Espace Hà Nội nhận quyết định hoãn lại.

Tôi và một số người bạn lúc ấy đều cho rằng đấy là một thái độ đúng mực của tờ báo đối với cộng tác viên của mình.

Ngay khi ấy và cho đến nay, không phải tất cả các tiếng nói của Nhã Thuyên đều được chia sẻ, và cũng không phải ngôn ngữ phê bình lúc ấy và bây giờ đã có thể trở thành một ngôn ngữ chung cho người viết, nhưng rõ ràng, nói như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên tại tọa đàm hôm ấy, những viết mới đều cần người đọc mới, trên cơ sở chia sẻ một ngôn ngữ mới. Người ta không thể đối thoại nếu bất đồng ngôn ngữ. Và cầu thị một ngôn ngữ mới sẽ cần thiết hơn rất nhiều những tiếng nói từ quá nhiều ngôn ngữ như bây giờ. Tôi nghĩ như vậy. Cho sự phát triển của không chỉ văn học cả hôm nay và ngày mai.

Đoàn Ánh Dương

Jul 10, 2013

Văn học miền Nam: Thi sĩ Quách Thoại

Quách Thoại, thi sĩ tài hoa yểu mệnh, tác giả "Như băng trường tình" nổi tiếng một thuở, cũng đã kịp bước vào đoàn nhân vật bị lịch sử lãng quên.

Em có biết một cõi lòng đang xao xuyến
Nhớ thương em đứng trước nhà chung
Ta yêu em yêu mến cả vô cùng
Thềm tôn giáo ta đặt hồn mơ ngủ

(Như băng trường tình)

Jul 9, 2013

Sở Từ. Ly Tao. Nhượng Tống

Câu chuyện nhỏ này có ý nghĩa ở chỗ: các nhân vật chính trong đó, Hồ Hữu Tường, Tạ Thu Thâu, Lê Văn Văng và Nhượng Tống đều đã thực sự bị lãng quên. Người đồng chí thân thiết của Tạ Thu Thâu là Phan Văn Hùm có sự xuất hiện trở lại kín đáo, nhưng bốn con người kia thì gần như mất hút. Đây là một phần của câu chuyện về những con người đảng phái ở Việt Nam.

Trong khi đó, Lê Văn Văng là yếu nhân của Tân Việt, một nhà xuất bản vô cùng quan trọng vào quãng sát năm 1945, còn Nhượng Tống, người từng cùng sát cánh bên Phạm Tuấn Tài và là yếu nhân của Quốc Dân đảng, là một bậc kỳ tài thiên hạ xưa nay hiếm.

Nhượng Tống đặc biệt ưa thích Kim Thánh Thán và trong tổng số "lục tài tử" của Kim Thánh Thán, Nhượng Tống đã dịch đến năm tác phẩm, chỉ sót Thủy hử.

Jul 8, 2013

Nhã Thuyên bàn về thơ Nguyễn Bình Phương

Bài viết dưới đây của Nhã Thuyên, tôi đọc trên tạp chí Tia Sáng, rồi xin tác giả bản gốc, có đôi chút khác biệt so với bản đăng báo (đó là hồi tháng Hai 2012).

Với tôi, Nhã Thuyên (hiện nay hay được báo chí gọi dưới tên thật, Đỗ Thị Thoan) là một trong những nhà phê bình văn học nổi bật nhất của một thế hệ. Nổi bật hơn cả ở một vị thế độc lập, một giọng riêng và một bản lĩnh phê bình. Ngày nay có rất nhiều tình trạng éo le còn không đủ kiến thức nền tảng mà cũng phê bình văn học, phê bình điện ảnh, phê bình dịch thuật, những nhà phê bình kiểu Nhã Thuyên thật ra bị chìm khuất, được biết đến ít hơn nhiều so với giá trị thực.

Bài viết này (cũng như nhiều bài khác của Nhã Thuyên) thu hút tôi chính ở điểm tôi chẳng đồng ý gì với nó, tôi nhìn nhận thơ Nguyễn Bình Phương và văn chương Nguyễn Bình Phương khác hẳn, nhưng bài viết này (cũng như nhiều bài viết khác) kéo tôi để ý đến những điều tôi đã không để ý, bắt tôi tự đo mình với người khác, gây bực bội cho tôi vì chỗ diễn giải này hay chỗ diễn giải kia... Bởi nhà phê bình văn học là như thế nào? Tôi không biết chính xác câu trả lời, nhưng tôi biết nhà phê bình không phải người cố hích cố đẩy chen lấy một chỗ trong dàn đồng ca.

Sách tháng Sáu 2013

Tháng vừa rồi, ngoài quyển này, sau in ra mang tên chính thức là Mùi của kết thúc, quyển sách hay nhất theo tôi là Pyotr Đại đế, người con vĩ đại của nước Nga của sử gia Mỹ Robert K. Massie, Diệp Minh Tâm dịch, NXB Tri thức.

Thời tôi còn trẻ dại, Pi-e Đệ nhất dày cộp hai tập của Alecxêi Tônxtôi là một niềm say mê lớn, một bộ tiểu thuyết vượt ra ngoài tầm vóc của Pa-ri sụp đổ hay Tuyết bỏng hay Quy luật muôn đời.

Pyotr Đại đế thì không phải là một bộ tiểu thuyết, mà là một khảo cứu lớn.

Jul 7, 2013

Roberto Bolaño (1): Anvers

Năm 2002, Roberto Bolaño, khi ấy sắp qua đời, quyết định cho in cuốn tiểu thuyết Amberes (tức Antwerp, tức Anvers) viết trước đó hai mươi hai năm.

Đây là cuốn sách thuộc loại điên nhất của Bolaño, được viết vào thời kỳ Bolaño mới trải qua giai đoạn thơ ca gọi là "infrarréalisme" mà ông khởi xướng (tồn tại một cách ngắn ngủi) bên Mexico.

Dưới đây là lời tựa cuốn sách viết cho lần in đầu tiên; trong này Bolaño cho biết hồi viết Anvers, ông nghĩ mình sẽ không sống quá 35 tuổi. Sau này, Bolaño đã ăn gian cuộc đời vì sống đến tận 50 tuổi.

Jul 6, 2013

Gatsby ở Việt Nam


bản miền Bắc (Gátxbi vĩ đại): Hoàng Cường dịch, in lần đầu 1985, NXB Tác phẩm mới, sau này tái bản nhiều lần

bản miền Nam (Con người hào hoa): Mặc Đỗ dịch, in năm 1956, Quan Điểm xuất bản, sau có tái bản ở Sài Gòn

bản phổ biến nhất hiện nay: Đại gia Gatsby, Trịnh Lữ dịch, in cách đây vài năm

Jul 5, 2013

Văn học miền Nam: Nguyên Sa Trần Bích Lan

theo yêu cầu của độc giả

Nguyên Sa Trần Bích Lan có tác phẩm hết sức đa dạng. Ông từng học bên Pháp, trung học Provins (trước đây có lần tôi ở mấy ngày gần đó, có ghé qua trường này chơi), sau lên Paris học Sorbonne rồi về Sài Gòn khi còn rất trẻ.

Nguyên Sa trong mảng triết học:


Jul 3, 2013

The Great Gatsby: Chúa. Thiên Đường. Sa đọa


Trước tiên là sự đọa. Những bữa tiệc trong The Great Gatsby ấy dậy mùi Decadence, thời Suy đồi, fin de siècle, mà Moulin Rouge, Montmartre chính là một biểu tượng; nhưng chúng cũng như thể bước thẳng ra từ Satyricon của Petronius, những bữa tiệc của Trimalchio: Petronius đã miêu tả cực kỳ tinh vi sự xa hoa của đời sống La Mã. Cộng thêm nữa: ông chủ lâu đài vừa từ tòa lâu đài nghiêm ngắn, chuẩn mực với những gia nhân tôi tớ đi lại đều răm rắp lao thẳng tới cuộc orgy, truy hoan điên loạn. Suy đồi kiểu cuối thế kỷ và Suy đồi La Mã trộn lẫn vào với nhau theo một lối vô cùng cynical: cynicalsatyrical là hai phương diện tâm lý trọng yếu của những nhà văn hiện đại, mà Scott Fitzgerald là một thành viên xuất sắc.

Bởi The Great Gatsby cũng là một magnum opus của văn chương phương Tây, nên dự đồ của nó cũng không hề nhỏ. La Mã là một mẫu hình, vì để nói đến lost world, một thế giới đã mất, không gì hiệu quả hơn là khéo léo đưa các yếu tố cổ xưa của văn hóa phương Tây vào. La Mã, rồi thì đạo diễn Baz Luhrmann đã cực kỳ khéo léo với một chi tiết nhỏ: ở đoạn đầu, khi miêu tả Nick Carraway mộng ước trở thành nhà văn, có lúc Nick nhấc một quyển sách lên, đó là Ulysses: vừa là Ulysses gợi đến cả một truyền thống mưu mẹo của Hy Lạp, vừa là Ulysses của James Joyce.