Jul 31, 2014

Văn chương ấy mà

Đến tiểu thuyết Ba ngôi của người, nhà văn Nguyễn Việt Hà đã chính thức làm được một chuyện:

Khẳng định sự cáo chung tệ hại của văn chương làm ra bởi các nhà văn Việt Nam sinh ra trong thập niên 60 của thế kỷ XX. Không phải tất cả các nhà văn thế hệ những năm 60, nhưng là tuyệt đại đa số. Thêm một thế hệ nữa đã nản chí, thêm một thế hệ nữa đã xác nhận văn chương là chuyện quá khó. Thật ra cũng đâu phải chuyện lạ, vì thế hệ trước họ cũng từa tựa vậy thôi.

Tôi sẽ không nói quá sâu vào "chuyên môn", tức là cấu trúc của truyện, câu từ, ngôn ngữ vân vân, mặc dù tôi biết, Nguyễn Việt Hà rất ưa "áp dụng" những cấu trúc lạ mà anh nghĩ là tiên tiến vào tác phẩm của mình. Đây là một điểm son, và nó dễ dàng đến đáng kinh ngạc: thủ pháp "truyện trong truyện" (mise en abîme) mà bọn phê bình có chút học hành đơn sơ như tôi phải bỏ ra rất nhiều năm mới tạm gọi là nắm được, thì anh giản dị cho nó vào Khải huyền muộn. Đó là một tiểu thuyết không xuất sắc, nhưng cũng không tệ, quyển thứ hai như vậy thì hoàn toàn chấp nhận được. Ngay quyển thứ ba này, Ba ngôi của người, với rất nhiều độc giả, vẫn là một tác phẩm hay. Tôi chẳng quan tâm đến độ hay dở nữa, giờ đây sự nghiệp văn chương của Nguyễn Việt Hà đã đầy đặn rồi, ta chuyển qua nói những chuyện khác.

Mà cũng nên nói chuyện hơi khác đi chút, vì với tôi, ở Nguyễn Việt Hà, văn chương cũng chỉ là một chuyện tương đối phụ và nông nổi đáng chán. Nguyễn Việt Hà cũng không phải người thẩm văn tốt, nên nói ba cái chuyện kỹ thuật viết văn sẽ gây cảm giác mông lung hời hợt trộn lẫn với vờ vịt sâu sắc. Chán đéo chịu được, nhỉ (trong Ba ngôi của người, từ "đéo" xuất hiện ba lần và từ "mặt l…" xuất hiện một lần, không dám hẳn thành "mặt lồn").

Đọc sơ qua văn của Nguyễn Việt Hà, người bồng bột vô tình cũng thấy rõ một ý hướng nổi trội của đạo đức. Nên ta nói trước hết chuyện đạo đức nhé, "đạo đức văn chương" ấy. Chúng ta là hai thằng Bắc Kỳ, chúng ta hiểu sâu đậm nhiều chuyện mà người mang gốc gác khác không nắm được hết đâu.

Nói thì cũng buồn, nhưng văn của Nguyễn Việt Hà, đậm đặc nồng độ cao những lên án "đạo đức giả" và "giả dối", thì chính thứ văn chương Nguyễn Việt Hà lại tinh vi đạo đức giả và tế nhị giả dối. Thậm chí, với Ba ngôi của người, tôi nghĩ đã xác nhận được một kiểu giả dối Hà Nội rất mới, đã âm thầm kết tinh trong những nhộn nhạo năm tháng vừa qua, những láo nháo tình tiền và những thum thủm quán rượu quán bia ven bờ sông hay lấp nhấp phố phường. Cái này có vẻ gần với "hương nguyện" - Nguyễn Việt Hà là người đọc sách, anh phải hiểu sâu sắc "hương nguyện" nghĩa là gì. "Hương nguyện hiện đại", đó chính là văn chương của anh đấy.

Tôi rất nhớ một trong những xen mở đầu của Cơ hội của Chúa: bọn trẻ con sống quanh khu Nhà Chung tìm cách đi xem phim trộm, chúng rình rập thập thò đủ kiểu, giở đủ chiêu xài đủ mọi thứ mưu trí trên đời.

Văn chương, đối với Nguyễn Việt Hà ngày nay, đã trở nên chính một bức tường để anh núp sau đó thập thò rình mò. Anh viết nguyên một cuốn tiểu thuyết nói xấu biết bao nhiêu người mà anh ghét, anh thêm mắm thêm muối và bịa thêm cho dư dả văn chương nhiều chuyện mà anh không nắm rõ. Văn chương (tức bức tường) của anh, giờ đậm đặc mùi khai của "miệng chó vó ngựa" thiên hạ Hà Nội này.

Đứng nấp sau đó, Nguyễn Việt Hà bắn tỉa, à mà không, chắc phải dùng cái súng cao su mà bọn trẻ con Hà Nội chúng ta ai cũng rất rành. Súng cao su ấy có thể bắn mù mắt thằng bạn từ hồi ỉa chung bô, bắn rụng những con chim sẻ lỡ bay la đà buồn bã, bắn rơi luôn những mảnh vụn của tốt đẹp vẫn đôi khi thảng thốt vật vờ đầy bất ngờ phía trên những căn phòng dâm dật và những bức tường sặc mùi nước đái khai.

Tôi biết, ngay mở truyện, anh nhắc Số đỏ của Vũ Trọng Phụng rất có ý đồ. Anh muốn là người viết Số đỏ của thời hiện tại. Anh cũng loanh quanh vờ vịt làm được chuyện ấy thật. Nhưng Vũ Trọng Phụng khác anh, khác ở bản chất đấy. Trong đời mình, Vũ Trọng Phụng từng đĩnh đạc cất tiếng nói bằng tên thật của mình để cãi nhau với những người khác có tên thật đàng hoàng.

Đời anh có bao giờ làm điều đó đâu, nên bức tường văn chương anh xây ngày hôm nay để nấp đằng sau, nó càng bốc mùi thum thủm.

Nguyễn Việt Hà cũng lừng danh và chắt chiu gây dựng danh tiếng của một người đọc sách. Nhưng anh đọc sách kiểu gì mà ngay từ đầu đã làm sai hai chi tiết lịch sử: vụ xử tử sau bạo động Yên Bái, Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính đâu có bị chém cùng 9 đồng chí như anh viết, mà tổng cộng 13 người đã chết. Anh từng nói anh mê Nhượng Tống, hóa ra anh đâu đã đọc Nguyễn Thái Học của Nhượng Tống; trong đó chương gần cuối mang cái tiêu đề không thể rõ ràng và dễ nhớ hơn: "Con số 13". Anh cũng không hề biết số phận và diễn tiến cuộc đời thực của Ký Con Đoàn Trần Nghiệp, nên chi tiết anh viết về Đoàn Trần Nghiệp sai ngay lập tức.

Tôi nghĩ, các nhân vật Việt Nam Quốc Dân đảng xứng đáng được coi trọng hơn nhiều so với sự coi trọng bằng mồm mà anh thể hiện.

Hoàng của Cơ hội của Chúa đẹp và đáng nhớ đến thế, nhất là với lứa độc giả mười tám đôi mươi như tôi hồi ấy, chính là vì Hoàng ngây thơ trong trắng thực sự, giẫm vào bùn thì vẫn đẹp trong trắng một màu thánh thiện pha rõ sắc của Thiên Chúa. Với tôi, Hoàng giống như một bức đê ngăn những vớ vẩn tạp nham hèn mọn đê tiện của kiếp người. Trong Ba ngôi của người, anh tiếp tục đi hai chân trên đạo Phật và đạo Thiên Chúa, nhưng giờ đọc văn anh ở những đoạn ấy, sao thấy na ná bọn buôn thần bán thánh nhan nhản ngoài kia.

Hoàng vẫn thấp thoáng xuất hiện như một di ảnh trong cuốn tiểu thuyết mới này, nhưng đó là một bạn Hoàng đã tuyệt đối tha hóa, đã đi hết con đường tha hóa của mình, đã đánh mất những gì tốt đẹp, hướng thiện, thiện căn còn sót lại. Người trung niên mà Hoàng là hóa thân là một người trung niên sặc mùi "hương nguyện". Và giả dối. Và thum thủm đạo đức giả.

Văn chương của Nguyễn Việt Hà cũng đã đi đủ con đường tha hóa của mình. Vong thân thật ra cũng vui đấy chứ, chả đáng phàn nàn lắm đâu. Nhỉ.

Rồi.

Từ trên xuống tới đây tôi nói những gì liên quan chặt chẽ đến văn chương Nguyễn Việt Hà, giờ tôi chạm một chút đến con người Nguyễn Việt Hà.

Nguyễn Việt Hà trong Ba ngôi của người có một điểm rất giống Hồ Anh Thái trong SBC là Săn bắt chuột: Hồ Anh Thái ở đó đã răn dạy người khác về sự viết văn, để rồi sau đó tự mình vi phạm hết mọi nguyên tắc do chính mình đặt ra. Cũng là "hương nguyện" đấy. Còn Nguyễn Việt Hà thì câu chuyện là như thế này.

Anh thích uống rượu, tôi từng uống rượu với anh, không phải người nhiều lần uống rượu với anh nhất, nhưng cũng không phải ít. Càng ngày, câu nói của anh càng chĩa ra, tức là không bao giờ anh nói nổi cho hết một câu nữa, mà một câu bao giờ cũng lổn nhổn cùng một lúc vài ý, để nếu cần (né tránh, chiều lòng, nịnh khéo vân vân và vân vân) thì anh sẽ lệch, sẽ lách sang hướng khác cho kịp thời. Con người ma mãnh của anh là chỗ đó.

Thế mà anh cứ nói đi nói lại mãi chuyện "tửu đức". Tôi nghĩ, có sống mười kiếp như nhân vật của anh trong Ba ngôi của người, sang đến kiếp thứ mười một đi nữa, thì anh cũng sẽ chẳng hiểu nổi "tửu đức" nghĩa là gì đâu. Cũng như anh nói đi nói lại suốt hàng triệu lần về giác ngộ các thứ, chung quy cũng vẫn thum thủm một mùi vờ vịt.

Chúng ta từng có nguyên tắc, chuyện trong bàn rượu này không được phép lọt ra ngoài. Có mỗi chuyện cỏn con như vậy, anh đâu có làm nổi, thế mà sao anh dám nói mãi về "tửu đức" thế.

Anh là con ma men giả dối, chứ tửu đức cái gì? Dân Bắc Kỳ chúng ta có những từ rất phũ để chỉ những điều như thế.

Chẳng hạn như "bẩn tưởi".

nhỉ


bài về cuốn tiểu thuyết của Hồ Anh Thái

6 comments:

  1. Sao nặng lời với Nguyễn Việt Hà thế anh? em cứ tưởng các nhà văn coi việc viết lách đơn giản như thỏa mãn 1 nhu cầu của bản thân, đôi khi người ta viết những điều nghe như giả dối, nhưng thật ra cũng chẳng phải có ý lừa bịp ai, chỉ là vì viết ra những điều đó, khiến người ta cảm thấy dễ chịu. Hơn nữa em cũng ko thích đề cập đến những chuyện "bên lề" của một nhà văn trong khi bình luận về văn chương của họ, sợ như thế thiếu khách quan đi ko anh, tự nhiên cứ có cảm giác anh có tí "hiềm khích cá nhân" với ông nhà văn này :D

    ReplyDelete
    Replies
    1. à, hiềm khích thì có nên tôi có nói qua ở đoạn cuối rồi đấy, đó là một chuyện nho nhỏ thôi, nhưng một khi đã động đến Nguyễn Việt Hà từ góc nhìn phê bình thì phải nói, vì nếu không khác gì vì mình có hiềm khích nhưng lờ chuyện đó đi nhưng vẫn phê vẫn phiếc

      những gì NVH làm trong Ba ngôi của người khác gì những gì Hồ Anh Thái làm trong SBC đâu, hai quyển tiểu thuyết đó được viết ra để nói xấu người khác đấy chứ

      thế thì sao lại là "nặng lời" được, còn rất nhẹ í chứ ;)

      Delete
  2. Một lời khen lộn ngược hà hà. Thế hệ nào mà không thất bại, @ Mickiewicz "Bao nhiêu nước mắt dạt dào và trong ... Chảy trên tuổi thành người - vỡ tan và chiến bại"
    Văn chương của Nguyễn Việt Hà những lời là lời. Mà là lời, không nói xấu còn ra cái giống gì hehe, giống như "một vườn bách thú vắng những con linh cẩu."

    ReplyDelete
  3. Xin bác Nhị Linh bài viết này về treo lên nhà nhé . Chưa biết có đồng ý hay không cũng treo rồi , bác không thích vẫn cứ ...treo vì cậy là chỗ đã từng biết nhau . Tạm thời vẫn mang tên Bent và viết linh tinh tán tỉnh lằng nhằng tán hươu tán vượn :D

    ReplyDelete
  4. dầu cháo quẩy măm măm

    ReplyDelete