Sep 30, 2014

Sách tháng Tám 2014

- Heinrich Böll, Nàng Anna xanh xao và nhiều truyện ngắn khác, Phạm Hải Hồ tuyển chọn và dịch, Nhã Nam & NXB Văn học, 235tr., 60.000đ

Nước Đức đã sản sinh ra những nhà văn kiệt xuất trong quãng Thế chiến thứ nhất (1914-1918) như Ernst Jünger hay Erich Maria Remarque. Thế chiến thứ hai khủng khiếp với lãnh tụ Hitler là giai đoạn nghèo nàn đặc biệt của văn chương Đức; đã không thể sánh được với những giai đoạn rực rỡ trước đó, văn học Đức Thế chiến thứ hai càng không thể so sánh được với thời Thế chiến thứ nhất. Nhưng Heinrich Böll đã xuất hiện, làm thay đổi mọi thứ. Độc giả Việt Nam trước đây từng biết đến ông với các tiểu thuyết như Lạc lối về, Chuyến viễn hành trong đêm hay câu chuyện về anh hề, câu chuyện về Katharina Blum. Nhưng Heinrich Böll xuất sắc hơn cả trong lĩnh vực truyện ngắn. Tập Nàng Anna xanh xao này là một minh chứng cho một ngòi bút vô cùng đặc biệt về thời hậu chiến của nước Đức thua cuộc buồn bã. Cuộc sống hậu chiến ấy được Böll chiếu rọi vào một cái nhìn tinh tế đến cùng cực, nhặt từ trong đó ra những chi tiết đắt giá và thổi vào một tinh thần chưa bao giờ có. Chưa nhà văn nào viết hay như Heinrich Böll về người lính trở về sau chiến tranh.


Sep 29, 2014

Mười ngày: Lời đầu

Bản dịch Mười ngày mới đây của Hồ Thiệu (tôi lại hết sức khuyến khích các bác đọc đi, thêm một lần nữa :p) tuy là bản dịch đầy đủ tác phẩm Il Decameron nhưng lại thiếu mất "Vie de Boccace" giới thiệu tiểu sử của Boccaccio do chính dịch giả Sabatier de Castres viết, và "Lời đầu" chung cho cả cuốn sách. Thế nên dưới đây tôi dịch phần "Lời đầu" này để bổ sung.


Lời đầu


Phải an ủi những ai sầu muộn: đó là một cái luật của loài người; bất kỳ người nào cũng phải biết cảm thông, nhất là những ai từng cần đến lòng cảm thông và đã được hưởng những êm ái của nó. Từng có một người biết rõ ân sủng đó, ấy là tôi. Khi còn rất trẻ, tôi đem lòng yêu thiết tha một phụ nữ vô cùng cao quý, dòng dõi xuất chúng, có lẽ hơi quá xuất chúng so với hạng người thấp kém như tôi; dẫu có thế nào, những con người kín đáo được tôi gửi gắm tâm sự về nỗi đam mê đã không hề chê trách mà ca ngợi tình cảm của tôi hết lời, càng coi trọng tôi hơn; thế nhưng tôi bị giày vò mãnh liệt, không phải vì quý bà ấy ác độc với tôi, mà bởi ngọn lửa ngùn ngụt trong tôi gây nên những nồng nàn không thể dập tắt: không thể thỏa mãn chúng vì chúng lớn quá, tôi phải gánh chịu những đau đớn kinh người. Hẳn tôi đã chết vì thế nếu không có những an ủi của một người bạn, anh đã giải khuây cho tôi bằng cách kể những câu chuyện thú vị và dễ chịu.

Sep 20, 2014

Mười ngày - Boccaccio

Đúng như tôi đã nghĩ, Mười ngày của Giovanni Boccaccio chẳng thấy tăm hơi đâu trên báo chí Việt Nam.

Báo chí văn hóa Việt Nam, tính riêng mảng sách (tất nhiên không chỉ mảng này nhưng thôi) nhảm nhí ở chỗ gần như không hiểu được hiện trạng phát triển của xuất bản sách tại Việt Nam và liên tục thể hiện những quan điểm tụt hậu, xấu xí, ấu trĩ. Lại thêm thói bè đảng, cánh hẩu, thể hiện đậm đà hơn cả chính ở tờ báo lớn hơn cả, là tờ Tuổi trẻ. Khỏi cần nói là sự yêu ghét cá nhân này người kia nọ làm cho báo chí thiên lệch méo mó hẳn, vì điều đó quá rõ rồi. Tuổi trẻ có một số đối tượng được nâng niu, kể cả khi những đối tượng ấy không hề đóng góp chút nào cho sự phát triển của công cuộc sách vở Việt Nam, và tất nhiên ngược lại, những đóng góp đích thực thì bị lờ đi. Sự yêu ghét cảm tính ngu xuẩn ấy sẽ còn làm nhiều thứ bé tí nhỏ mọn đi nhiều lắm.

Thôi chẳng nói nữa, vì đã quá chán, thích chui xuống hố thì cứ tự nhiên mà chui thôi :p

Sep 18, 2014

Tác phẩm đầu tay của Vũ Trọng Phụng

Hơi khó ngờ vì tác phẩm đầu tay của Vũ Trọng Phụng lại là thơ.

Nhưng cũng không hẳn khó ngờ, vì nhà văn vẫn thường khởi đầu bằng (ít nhất là mấy bài) thơ.

Thông tin dựa thêm vào ở đây.


Sep 11, 2014

Nhân Đèn cù, Bên thắng cuộc và etc: Huyền thoại "sự thật Bắc Việt"

Chuyện đã từ lâu lắm rồi. Năm xưa, Xuân Vũ vào Nam (đi B) rồi bỏ chạy sang phía bên kia. Rồi cuốn sách Đường đi không đến được giải thưởng văn chương của Việt Nam Cộng Hòa. Xuân Vũ với Đường đi không đến, Xương trắng Trường Sơn, rồi Kim Nhật và etc etc.

"Sự thật Bắc Việt" trở thành một món hàng nóng, rất ăn khách. Nó trở thành một huyền thoại, một nhu cầu khôn nguôi. Chưa nói đến gì khác (và tất nhiên ở chiều ngược lại, "sự thật về cuộc sống đồi trụy ở Sài Gòn" cũng ghê gớm chẳng kém), hẵng cứ nhìn nhận đơn giản như vậy đã.

Sep 8, 2014

Bonjour tristesse: bản dịch tiếng Việt (có lẽ là) thứ sáu

Như hôm trước đã đưa tin :p Bonjour tristresse của Françoise Sagan thu hút giới dịch thuật Việt Nam đến nỗi đã sắp có bản dịch thứ sáu, hơn nửa thế kỷ sau bản dịch (có lẽ là) đầu tiên của Nguyễn Vỹ dưới bút danh Cô Diệu Huyền đăng nhiều kỳ trên những số đầu của tạp chí Phổ thông.


Bản dịch mới này của Lê Ngọc Mai.

Sep 7, 2014

Saigon-Hanoi

Hai nơi ấy không chỉ khác nhau về cách gọi các thứ quả (à quên trái cây) (“roi” và “mận”) hay các thứ lá (“bạc hà” và “dọc mùng”). Mà hai nơi ấy còn không nhất trí trong cách gọi một đối tượng trừu tượng hơn.

“Thương” không phải là “yêu” nhưng mà “thương” lại là “yêu”.

Sep 4, 2014

Thi thoại Việt Nam

Trái ngược với lời khẳng định của một nhà phê bình văn học nào đó, Việt Nam, dù xét dưới khía cạnh nào, chưa từng có "truyền thống thi thoại", kể cả và nhất là giai đoạn trước 1945. Lịch sử văn chương Việt Nam gồm một khối lượng thơ khổng lồ, nhưng nếu muốn đọc thi thoại thì người ta đọc thi thoại Tàu. Muốn học làm thơ, phép tắc các thứ thì học Tàu, muốn đọc thi thoại thì đọc Tàu luôn cho tiện, có lẽ đấy mới là nét tâm lý chủ yếu của văn nhân Việt Nam thuở xưa.

Giờ đây khi sự nghiệp trước tác của Phan Khôi đã gần trở (lại) thành một bức tranh toàn vẹn, ta cần phải khẳng định vai trò đặc biệt lớn của Phan Khôi trong riêng mảng "thi thoại".

Sep 1, 2014

Những câu chuyện rất là khác


Không chỉ văn chương thường xuyên phải nằm ở những đoạn khác, đến cả lịch sử, cái thứ tưởng chừng đâu "khách quan" và "công bằng", lại cũng như vậy luôn.

Lịch sử nên là một chốn "thanh hoa" (xem thêm ở đây và ở đây :p), nhưng tôi thấy lịch sử giống một cái bể phốt hơn

.