Jan 30, 2015

Cánh cửa của Szabó Magda

Cánh cửa trong cuốn tiểu thuyết Cánh cửa của Szabó Magda (Giáp Văn Chung dịch, Nhã Nam & NXB Văn học) (một cánh cửa đến hé ra một chút cũng chẳng bao giờ chứ đừng nói có lúc nào mở rộng) đến một thời điểm gay cấn bị bổ vỡ từ bên trong bằng một nhát rìu. Lưỡi rìu đầy hăm dọa xuyên qua cánh cửa là hình ảnh của phim kinh dị: The Shining của Stanley Kubrick, tất nhiên, đi cùng với nụ cười quái dị của Jack Nicholson. Nhưng cuốn tiểu thuyết này của Szabó chỉ viết về mối quan hệ giữa một nhà văn nữ và một bà giúp việc, nó có nhất thiết phải giống phim kinh dị như thế?

Hình ảnh kinh hãi ấy phải xuất hiện, vì Cánh cửa dữ dội và đáng sợ hơn vẻ bề ngoài rất nhiều. Sự thanh đạm của Szabó Magda trong việc đặt nhan đề các tác phẩm chỉ càng đẩy mọi thứ lên cao hơn trên các cung bậc của cảm xúc (sự thanh đạm ấy: sách tên là Cánh cửa thì bên trong sẽ có cánh cửa, cũng như một tác phẩm khác, The Fawn trong tiếng Anh và Le Faon trong tiếng Pháp, tên như vậy thì quả thật trong sách sẽ có một con hoẵng).

Jan 29, 2015

Hoàng Xuân Hãn

Nhân cuốn sách về Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn mới xuất hiện trở lại (trong ảnh nằm ở vị trí ngoài cùng bên tay trái, hàng dưới):


(quyển Danh từ khoa học và quyển Mai Đình mộng ký còn chưa lục ra được)

Jan 27, 2015

Những câu chuyện đuổi bắt những câu chuyện

Hai người đàn bà Canada ấy (Alice Munro và Margaret Atwood) kể cho chúng ta rất nhiều câu chuyện, một (Munro) chậm rãi trầm lắng và một (Atwood) sôi nổi nhiều vọng động, cả hai đều rất hay gây cho ta sự điên tiết vì cứ gỡ mãi không ngừng những lớp vỏ của cuộc sống - những lớp vỏ ấy, đồng ý đa phần chúng giả dối, nhưng ít ra là đảm bảo một mức độ an toàn nào đó. Đã có một tiểu thuyết của Margaret Atwood (cuốn này thì mỏng, cảm ơn) được đặt tên là Surfacing: ngay lúc ấy mọi chuyện đã rất rõ ràng, rằng bề mặt chẳng là gì so với những gì có ở bên dưới.

Và Atwood hết sức chi tiết, sự kỹ lưỡng ấy càng làm điên tiết hơn nữa: ở đầu Surfacing có đoạn tả một cặp chân cô hầu bàn đi đôi tất “rayon stocking” màu cam rất chóe; phụ nữ thường kinh ngạc và ghi lại những dấu ấn thị giác kiểu như vậy. Tay sát thủ mù (An Lý dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn), kiệt tác của Margaret Atwood, cũng là một biển chi tiết: quần áo từ nghèo nàn đến giàu sang rồi tột đỉnh phú quý diễm lệ, lũ con gái nhà quê rồi xã hội giao tế Toronto rực rỡ trong những bữa tiệc thượng lưu theo phong cách triều đình Hốt Tất Liệt, chiffon, lông chồn ermine, lông chó sói có viền…

Jan 25, 2015

Nam Đồng thư xã

Trong vòng nhiều năm cho tới nay, muốn tìm hiểu về Nam Đồng thư xã, tài liệu khả tín nhất là cuốn sách này của Nhượng Tống:


(Nguyễn Thái Học (1902-1930), Việt Nam thư xã, 1945, xuất bản nhân dịp kỷ niệm 15 năm vụ Yên Bái; tác phẩm này về sau đã có vài lần tái bản)

Sở dĩ nói cuốn sách khả tín là vì tác giả là Nhượng Tống, vừa là thành viên sáng lập Nam Đồng thư xã vừa là thành viên sáng lập Việt Nam Quốc dân đảng (trong khi đó, Nguyễn Thái Học không phải thành viên sáng lập Nam Đồng thư xã).

Jan 23, 2015

Nhượng Tống: Nam Hoa Kinh

Ai từng dành thời gian đọc về Nhượng Tống đều biết Nhượng Tống hâm mộ Kim Thánh Thán đến thế nào và qua đó mà vô cùng hâm mộ "lục tài tử". Dần dần tôi bỗng nhận ra: hình như trong cuộc đời ngắn ngủi của mình Nhượng Tống đã thực sự dịch cả "lục tài tử". Hiện nay ta mới biết chắc chắn công sức và thành tựu của Nhượng Tống ở Ly Tao (xem thêm ở đây), thơ Đỗ Phủ, Mái TâyNam Hoa Kinh và Sử ký Tư Mã Thiên (một phần nhỏ), nhưng rất nhiều khả năng Nhượng Tống ít nhất có tham gia một phần trong một công trình dịch Thủy hử.

Ngoài ra dịch giả Nhượng Tống còn có các công trình: Thượng thư, Lam Sơn thực lục, Đại Việt sử ký toàn thư, Ngọc lê hồn (Từ Chẩm Á, dưới cái tên Dưới hoa), một số tác phẩm lẻ khác (và có thể cả Đạo đức kinh, Hồng lâu mộng và nhiều công sức đối với Ức Trai thi tập).

Trong số đó, bản Nam Hoa Kinh do nhà Tân Việt ấn hành năm 1944 (theo một số thông tin đương thời tin cậy được thì bản dịch này chỉ in 300 bản) đã thực sự trở thành một huyền thoại.

Theo thống kê của vài nhân vật trong giới sưu tầm :p thì hiện nay mới xác định được 7 quyển Nam Hoa Kinh này.

Đây là hai trong số đó :p


Jan 11, 2015

Proust: Marcel hôn Albertine (Phía Guermantes)

Tập Phía Guermantes, tập dài nhất của Đi tìm thời gian đã mất, cái tập có thể nói là đọc mãi không hết, bao gồm rất nhiều câu chuyện. Những lung linh vui tươi của hai tập đầu đã bắt đầu bốc hơi, nhường chỗ cho sự nặng nề, chớm những suy sụp: bà của Marcel chết, nhà văn Bergotte chết, Marcel bắt đầu có những nhận thức tơi bời về bệnh tật, mất mát, sự chán nản của đời người. Nhưng cũng ở tập này, Albertine mà Marcel từng gặp ở Balbec trước đó bỗng xuất hiện ở nhà Marcel tại Paris (gia đình Marcel đã chuyển từ Combray lên Paris, ở trong dinh thự nhà Guermantes). Cũng ở tập này, Marcel đã thực sự gặp nữ công tước de Guermantes, trước tiên tại nhà bà hầu tước de Villeparisis rồi sau đó được mời dự tiệc ở nhà Guermantes. Đoạn dưới đây là khi Marcel gặp lại Albertine, nhân vật nữ quan trọng của Đi tìm thời gian đã mất, sẽ là trung tâm của tập 5 và một phần lớn tập 6.

Jan 4, 2015

Molloy mút đá (Samuel Beckett)


Tôi tận dụng kỳ này để trữ đá dùng cho việc mút. Chúng là sỏi nhưng tôi gọi chúng là đá. Phải, lần này, tôi kiếm được một lượng đá lớn. Tôi chia đều chúng cho bốn cái túi rồi lần lượt mút chúng. Việc này làm nảy sinh một vấn đề mà thoạt tiên tôi giải quyết bằng cách sau đây. Tôi có, cứ cho là vậy đi, mười sáu viên đá, bốn viên trong mỗi túi của bốn cái túi, hai túi quần và hai túi áo măng tô. Nhặt lấy một viên từ túi phải áo măng tô, nhét nó vào miệng, tôi thay thế nó trong túi phải áo măng tô bằng một viên đá từ túi quần bên phải, viên này tôi thay bằng một viên từ túi quần bên trái, viên này tôi thay bằng một viên từ túi trái áo măng tô, viên này tôi thay bằng viên đang nằm trong miệng tôi, ngay khi tôi mút xong nó. Thế nên lúc nào cũng có bốn viên đá trong mỗi túi trong số bốn cái túi của tôi, nhưng không hoàn toàn là cùng những viên đá ấy. Và chừng nào nảy ra ý muốn mút đá tôi lại thò tay vào túi phải áo măng tô, chắc mẩm sẽ không lấy từ đó cùng viên của lần trước. Và, vừa mút nó, tôi vừa tráo chỗ những viên khác, theo cách mà tôi vừa giải thích. Và cứ thế. Nhưng giải pháp này chỉ làm tôi thỏa mãn được một nửa. Bởi vì như thế tôi không thể thoát được khả năng, do một sự tình cờ ngoạn mục, lúc nào cũng chỉ có bốn viên đá chạy vòng vòng. Và trong trường hợp đó, thay vì lần lượt mút mười sáu viên đá, trên thực tế tôi chỉ mút bốn viên, lúc nào cũng là bốn viên ấy, một cách lần lượt. Nhưng tôi trộn chúng thật kỹ trong các túi, trước khi mút chúng, và trong khi mút chúng, trước khi tiến hành chuyển chỗ, với hy vọng phổ quát hóa sự lưu chuyển của những viên đá từ túi này sang túi kia. Nhưng đó chỉ là một điều cực chẳng đã mà một người như tôi không thể cam tâm chấp nhận lâu dài. Tôi bèn khởi sự tìm kiếm một cách khác. Và thoạt tiên tôi tự hỏi có khá hơn nếu mỗi lần chuyển cả bốn viên thay vì từng viên một, nghĩa là, trong khi mút, tôi lấy ra ba viên đá còn lại trong túi phải áo măng tô, đặt vào đó bốn viên từ túi quần bên phải, rồi đặt vào đó bốn viên từ túi quần bên trái, rồi đặt vào đó bốn viên từ túi trái áo măng tô, và rốt cuộc đặt vào đó ba viên từ túi phải áo măng tô cộng thêm viên đang nằm trong miệng tôi, ngay khi nào mút xong. Phải, lúc đầu tôi cứ tưởng làm như vậy tôi sẽ đạt được một kết quả khá hơn. Nhưng tôi phải đổi ý sau khi suy nghĩ, và tự nhủ rằng việc chuyển những viên đá theo các nhóm bốn viên cũng cho kết quả chính xác giống như việc chuyển từng viên một. Bởi vì tuy chắc chắn mỗi lần lại tìm thấy trong túi phải áo măng tô bốn viên đá hoàn toàn khác bốn viên từng có mặt ở đó ngay trước đấy, nhưng có vậy thì xác suất tôi luôn luôn nhặt trúng cùng viên đá ở trong nhóm bốn viên không hề giảm đi, và bởi vậy, thay vì lần lượt mút mười sáu viên như tôi mong muốn thì thật ra tôi chỉ mút được có bốn viên, lúc nào cũng là cùng bốn viên ấy, một cách lần lượt. Thế nên phải tìm giải pháp ở nơi khác trong phương thức lưu chuyển. Bởi vì có dùng cách nào để chuyển những viên đá thì tôi cũng sẽ luôn luôn gặp phải cùng một sự thiếu chắc chắn. Lẽ dĩ nhiên nếu tăng số lượng túi lên thì cùng lúc tôi cũng tăng cơ may tận dụng được những viên đá của tôi đúng như tôi muốn, nghĩa là hết viên này đến viên kia cho tới hết. Chẳng hạn nếu có tám túi thay vì bốn túi như hiện nay, thì sự ngẫu nhiên có xấu tính đến thế nào cũng sẽ không thể ngăn cản trong tổng số mười sáu viên đá ít nhất tôi cũng mút được tám viên, một cách lần lượt. Nói cho đến cùng thì tôi chỉ cần có mười sáu cái túi là tha hồ yên tâm. Và trong một khoảng thời gian rất dài tôi đã dừng lại ở kết luận này, rằng trừ phi có mười sáu cái túi, mỗi túi đựng một viên đá, không thì tôi sẽ chẳng bao giờ đạt nổi đến mục đích mà tôi tự đặt ra cho bản thân mình, trừ phi có một sự ngẫu nhiên ngoạn mục. Và nếu có thể hình dung rằng tôi nhân đôi được số túi của mình lên, vậy thì chỉ cần chia đôi mỗi túi, cứ cho là dùng vài cái kim băng đi, chứ còn nhân bốn lên thì có vẻ vượt ra ngoài khả năng. Và tôi nhất định không chịu tự làm mình khốn khổ vì một biện pháp nửa vời. Bởi vì tôi bắt đầu đánh mất cảm quan về biện pháp thông thường, kể từ lúc phải loay hoay trong câu chuyện này, và tự nhủ, Sẽ là tất cả hoặc không gì cả. Và chỉ trong một khoảnh khắc tôi hướng đến việc lập ra một tương quan quân bình hơn giữa những viên đá và những cái túi của tôi, bằng cách tạo ra số lượng túi bằng số lượng đá, chỉ một khoảnh khắc mà thôi. Bởi làm vậy cũng có nghĩa là tôi thú nhận thất bại. Và ngồi trên bãi cát lổn nhổn sỏi đá, trước biển, mười sáu viên đá bày ra trước mặt, tôi ngắm nhìn chúng, tức giận, bối rối. Bởi vì tôi khó nhọc bao nhiêu khi ngồi xuống một cái ghế, một cái phô tơi, do cái chân cứng đơ, bạn cũng hiểu rồi đấy, thì tôi ngồi xuống đất dễ dàng bấy nhiêu, nhờ cái chân cứng đơ và cái chân đang cứng dần, bởi vào quãng thời gian ấy cái chân lành của tôi, lành theo nghĩa không cứng đơ, bắt đầu cứng lại. Tôi cần một chỗ dựa dưới khoeo chân, bạn cũng hiểu rồi đấy, và thậm chí dưới toàn bộ chiều dài cái chân, chỗ dựa ấy là mặt đất. Và trong khi cứ thừ ra nhìn những viên đá, nghiền ngẫm những tính toán, tính toán nào cũng đầy sơ hở như nhau, trong khi bóp nát những nắm cát, làm cho cát chảy khỏi các kẽ ngón tay rơi xuống bãi, phải, trong khi nín thở tâm trí và nín thở một phần thân xác như thế, đột nhiên một hôm, trong một lóe sáng, tôi nảy ra một ý, rằng tôi có thể đạt đến mục đích của mình mà chẳng phải tăng số lượng các túi, cũng chẳng phải giảm bớt số lượng những viên đá, mà chỉ đơn giản là bằng cách thay đổi nguyên lý sắp xếp. Đề xuất này, đột nhiên cất tiếng hát bên trong tôi, như một đoạn trong Ésaïe, hay trong Jérémie, phải mất một lúc lâu tôi mới lần mần hiểu được ý nghĩa của nó, và nhất là rất lâu với tôi khái niệm sắp xếp sao mà mù mờ, khái niệm mà tôi không hề biết. Nhưng đến cuối cùng tôi nghĩ mình đã đoán ra rằng khái niệm sắp xếp chẳng thể mang ý nghĩa nào khác, không gì hơn là chia mười sáu viên đá thành bốn nhóm gồm bốn viên, mỗi nhóm trong một túi, và chính sự chối từ hướng tới một cách chia khác với cách này đã làm xôi hỏng bỏng không mọi tính toán của tôi cho đến lúc đó và làm cho bài toán trở nên không sao giải nổi. Và chính khởi nguồn từ cách diễn giải ấy, cho dù nó có đúng hay không, rốt cuộc tôi đã có thể đi tới một giải pháp, giải pháp đó hẳn nhiên không mấy trang nhã, nhưng nó vững chắc, vững chắc. Giờ đây, việc có tồn tại, thậm chí có luôn luôn tồn tại, những lời giải khác cho bài toán này, cũng vững chắc như lời giải mà tôi sẽ cố miêu tả, nhưng trang nhã hơn, tôi rất muốn tin điều đó, thậm chí tôi còn tin điều đó một cách cả quyết. Và tôi cũng tin rằng thêm một chút bướng bỉnh, thêm một chút gan lì, hẳn tự tôi cũng sẽ tìm ra chúng. Nhưng tôi mệt, mệt lắm rồi, tôi hèn nhát hài lòng với lời giải đầu tiên mà tôi tìm được cho bài toán này. Và thôi bỏ không nói lại các bước, các trăn trở mà tôi đã đi qua để đến được với nó, nó đây, lời giải của tôi, trong toàn bộ sự xấu xí của nó. Để bắt đầu chỉ (chỉ!) phải để, chẳng hạn thế, sáu viên đá vào túi phải áo măng tô, bởi vì lúc nào cái túi đó cũng khởi đầu, năm viên trong túi quần bên phải, và cuối cùng là năm viên trong túi quần bên trái, và thế là đã đủ hết, hai lần năm cộng thêm sáu, và không viên nào, vì làm gì còn viên nào, trong túi trái áo măng tô, lúc này nó trống trơn, tức là trống trơn không có viên đá nào, vì những gì có sẵn trong đó thì vẫn ở yên đó, cũng như các thứ đồ để tạm. Bởi vì bạn nghĩ tôi giấu con dao thái rau của tôi, những món đồ bạc, cái còi và những thứ khác mà tôi còn chưa kể tên, mà có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ kể tên, ở đâu đây? Thôi được rồi. Giờ tôi đã có thể bắt đầu mút. Nhìn tôi cho kỹ nhé. Tôi lấy từ túi phải áo măng tô ra một viên đá, mút nó, thôi không mút nó nữa, nhét nó vào túi trái áo măng tô, cái túi trống (không có đá). Tôi lấy viên đá thứ hai từ túi phải áo măng tô, mút nó, nhét nó vào túi trái áo măng tô. Và cứ như vậy cho đến khi túi phải áo măng tô của tôi trống trơn (ngoài những gì nó vẫn luôn luôn đựng và những thứ để tạm) và sáu viên đá mà tôi vừa mút, lần lượt từng viên một, đều đã nằm trong túi trái áo măng tô. Đến lúc ấy tôi dừng tay, thật tập trung, vì vấn đề là không được làm điều gì lộn xộn, tôi chuyển vào túi phải áo măng tô, nơi không còn viên đá nào, năm viên của túi quần bên phải, rồi thay thế chúng bằng năm viên của túi quần bên trái, rồi thay thế chúng bằng sáu viên của túi trái áo măng tô. Thế là túi trái áo măng tô của tôi lại chẳng có viên đá nào, còn túi phải áo măng tô thì lại đã có đá, và là theo một cách thức tốt đẹp, nghĩa là những viên đá ấy khác với những viên tôi vừa mút và tôi lại bắt đầu mút chúng, lần lượt từng viên một, rồi lại dần dà chuyển chúng sang túi trái áo măng tô, trong bụng chắc chắn được, loại chắc chắc mà ta có thể có được ở dạng ý nghĩ này, rằng tôi không mút cùng những viên đá như lúc nãy, mà là những viên khác. Và khi túi phải áo măng tô lại trống (những viên đá), còn năm viên tôi vừa mút đều đã nằm gọn trong túi trái áo măng tô, thì tôi lại tiến hành sự tái phân chia như lúc trước, hay sự tái phân chia tương tự, nghĩa là tôi chuyển vào túi phải áo măng tô, lúc này đã lại có thể đựng, năm viên đá từ túi quần phải, rồi thay thế chúng bằng sáu viên từ túi quần trái, rồi thay thế chúng bằng năm viên từ túi trái áo măng tô. Và thế là tôi lại sẵn sàng bắt đầu trở lại. Tôi có phải nói tiếp nữa không? Không, bởi vì đã quá rõ rằng khi hết loạt tiếp theo, những mút và những chuyển, tình trạng ban đầu sẽ được tái thiết lập, nghĩa là tôi sẽ lại có sáu viên đá đầu tiên trong cái túi khởi đầu, năm viên tiếp theo trong túi quần bên phải và rốt cuộc là năm viên cuối cùng trong cũng túi quần, bên trái, và cả mười sáu viên đá của tôi đều đã được mút một lượt đầu tiên trong một tiến trình tuyệt hảo, không viên nào bị mút hai lần và cũng không viên nào không được mút. Thì đúng là khi bắt đầu trở lại tôi không thể hy vọng quá rằng mình sẽ mút những viên đá theo cùng thứ tự với lần đầu tiên và chẳng hạn rất có thể viên đầu tiên, viên thứ bảy và viên thứ mười hai của vòng đầu tiên sẽ chỉ là viên thứ sáu, viên thứ mười một và viên thứ mười sáu của vòng thứ hai, nói vậy để hình dung tình hình tồi tệ đến thế nào. Nhưng đó là một điều bất tiện mà tôi không thể tránh khỏi. Và ngay cả khi trong các vòng, khi xem xét tổng quát, hẳn vẫn có một sự rối loạn khó xử, ít nhất thì trong nội bộ mỗi vòng tôi cũng được yên ổn, dẫu chỉ là yên ổn như người ta có thể yên ổn trong cái kiểu hoạt động này. Bởi vì để vòng nào cũng giống hệt nhau xét về trình tự những viên đá nằm vào miệng tôi, và có Chúa biết tôi có thiết tha với điều đó hay không, chắc hẳn tôi phải có hoặc mười sáu cái túi hoặc những viên đá có đánh số. Và thay vì làm thêm mười hai cái túi hay đánh số những viên đá, tôi khoái tự lấy làm hài lòng với sự yên ổn rất tương đối mà tôi có được bên trong mỗi vòng tách biệt. Bởi vì đánh số những viên đá thì đâu đã đủ, tôi sẽ còn phải, mỗi lần cho một viên vào miệng, nhớ cho đúng số rồi tìm nó trong các túi. Việc này rất có thể vèo một cái làm tôi không cảm nhận được mùi vị viên đá. Bởi vì chắc hẳn tôi sẽ không bao giờ chắc chắn rằng mình không nhầm lẫn, trừ phi phải có một cái gì đó giống như quyển sổ ghi chép những viên đá của tôi trong quá trình mút chúng. Điều này thì tôi nghĩ mình không có khả năng làm nổi. Không, giải pháp hoàn hảo duy nhất chắc là có mười sáu cái túi, được phân bổ một cách đối xứng, mỗi túi chứa viên đá của nó. Thế thì tôi sẽ chẳng cần đánh số cũng khỏi phải suy nghĩ, mà chỉ việc, trong khi mút một viên nào đó, đẩy mười lăm viên còn lại tiến lên, mỗi viên lên một túi, công việc khá tinh tế nếu muốn nói vậy, nhưng nằm trong khả năng của tôi, và cứ việc thò tay tìm trong một cái túi duy nhất khi nào muốn mút. Như vậy hẳn tôi sẽ được yên ổn, không chỉ trong nội bộ mỗi vòng tách biệt, mà cả trong tổng thể các vòng nữa, cho dù nó có là vô tận. Nhưng giải pháp riêng của tôi, dẫu cho không mấy hoàn hảo, tôi lấy làm sung sướng vì đã tự mình tìm ra, tôi sung sướng. Và thế nhưng nó kém vững chắc hơn là tôi đã tưởng trong cơn dạt dào lúc mới tìm ra, nó lại còn thực sự hết sức kém thanh nhã. Và nó đặc biệt kém thanh nhã ở điểm này, theo tôi: sự phân chia không đều các viên đá gây mệt nhọc về mặt thể chất. Thật ra ở một thời điểm nhất định, đầu mỗi vòng, tức là sau lần mút thứ ba và trước lần mút thứ tư, có một dạng cân bằng được thiết lập, nhưng nó tồn tại không lâu. Và những lúc khác tôi cảm thấy trọng lượng những viên đá kéo tôi lúc thì lệch về bên phải khi thì sang bên trái. Vậy tức là khi từ bỏ cách sắp xếp tôi cũng từ bỏ luôn một cái gì còn lớn hơn một nguyên tắc, ấy là nhu cầu thể chất. Nhưng mút những viên đá như tôi đã nói, không phải là theo một cách thức lộn xộn mà theo hệ thống, tôi coi đó cũng là một nhu cầu thể chất. Thế là có hai nhu cầu thể chất đối đầu với nhau, không thể dung hòa. Có những chuyện nảy sinh như thế đấy. Nhưng trong thâm tâm tôi hoàn toàn mặc xác việc mình có cảm thấy mất thăng bằng hay không, bị kéo sang phải, sang trái, về phía trước, ra phía sau, tôi cũng tuyệt đối thờ ơ với việc mỗi lần lại mút một viên đá khác hay vẫn cùng một viên, dẫu có là trong hàng thế kỷ hàng thế kỷ. Bởi vì tất tật chúng đều chính xác có cùng một vị. Và tôi đã nhặt lấy mười sáu viên không phải để ních cho đầy theo cách này hay cách khác, hoặc để lần lượt mút chúng, mà chỉ đơn giản là để có một lượng dự trữ nho nhỏ, để không bị thiếu chúng. Nhưng trong thâm tâm tôi cũng chẳng đoái hoài gì tới việc thiếu chúng, chừng nào không có chúng nữa thì tôi không có chúng nữa, tôi sẽ chẳng vì thế mà cảm thấy tệ hơn, hoặc giả chỉ tí tẹo thôi. Và giải pháp rốt cuộc tôi đã chọn là ném tất tật những viên đá của tôi đi, trừ một viên, được tôi để lúc thì trong túi này, khi lại trong túi khác, và lẽ dĩ nhiên tôi nhanh chóng đánh mất nó, hoặc là vứt nó, hoặc là cho nó đi, hoặc nuốt nó vào bụng.

(trích tiểu thuyết Molloy)

Jan 1, 2015

Tương lai và sách

Trong các tiểu thuyết của Patrick Modiano, ta hay thấy một nhân vật còn trẻ tuổi lang thang ở khu La tinh, Paris, để bán những quyển sách cũ. Chàng thanh niên ấy như bị mắc kẹt trong cuộc sống hiện tại và thường xuyên mơ thấy một tương lai được rời khỏi đó, lên đường đi xa.

Nhưng cũng Modiano thường xuyên lưu ý chúng ta rằng thời gian chuyển động giống như theo vòng tròn, có những thời điểm tương lai, quá khứ, hiện tại chập lại làm một, không thể tách rời, và những gì xưa cũ hình như lúc nào cũng hiện diện ở đó, dẫu cho mọi biến thiên và sự xuất hiện của rất nhiều điều mới mẻ.