Apr 26, 2009

Cuối tuần thì ta điểm báo

Trang web tờ Magazine littéraire (mãi mới lên được mạng, kém cả báo Công An của Việt Nam) mỗi ngày đưa một câu của một nhà văn nào đó; câu hôm nay của Marguerite Duras: "On ne trouve pas la solitude, on la fait" (Sự cô đơn, ta không tìm thấy, mà làm ra).

Trích dẫn lung tung thế thôi, chứ tôi không có ý định điểm báo ML. Điểm báo cũng không phải mặt mạnh của tôi, nhất là trong giới blog Việt Nam đã có các tên tuổi khét tiếng như là bác Linh, bác cavenui, hay chị Sonata (:). Đơn vị chuẩn của cá nhân tôi là sách, chứ không phải báo; nhưng thỉnh thoảng đổi gió chút cũng hay.

Tờ Tia Sáng mấy số mới có vẻ khá hơn hẳn trước đây về nội dung và bố cục (nhờ công của nhân tố mới, bạn Lê, chăng?). Số 8 (20/4 vừa rồi) có nhiều bài đáng đọc.

Thứ nhất là tôi đọc bài về Mendelsshohn (năm nay kỷ niệm 200 năm ngày sinh), nhân vật từng bị Wagner xử lý theo kiểu "posthumously", dẫn đến việc nhạc của Mendelsshohn bị Nazi cấm.

Bài (dịch) về màu sắc trong tranh Grunewald, bài của bạn Lê về phát triển kinh tế Trung Quốc đi kèm rất nhiều cái giá phải trả, rồi bài (chắc di cảo) của Lê Đạt về kinh nghiệm làm thơ, bài "Truyền thống dân chủ trong xã hội Việt Nam" (Cao Tự Thanh)... đều hay, nhưng tôi quan tâm nhất đến hai bài sau:

Bài "Nicola Tesla, nhà sáng chế lỗi lạc, vô tư nhất trong lịch sử". Tiêu đề bài báo hơi oách quá, nhưng các bạn đã đọc Moon Palace có thể tham khảo bài này để biết thêm về cuộc chiến ở thời kỳ đầu của ngành điện (dòng điện một chiều, dòng điện xoay chiều, AC/DC, Edison, Westinghouse, tham vọng làm điện không dây cho cả nhân loại xài năng lượng miễn phí, tòa tháp xây tại Long Island...) Quyển sách của Tesla, My Inventions, có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng. Marco Fogg cũng có lần tình cờ tìm được cuốn sách này.

Sau đó là đến cụm bài về vụ gian lận khoa học liên quan tới Giáo sư Y học Scott Reuben. Các công trình khoa học của Reuben đã được xác định là giả mạo, vi phạm đạo đức khoa học, lừa dối... Đọc thấy có cả hậu quả dẫn đến việc một số thuốc như vioxx trở nên thông dụng và thu về doanh thu rất lớn, sợ thật. Thuốc vioxx này dính dáng đến không ít vụ việc đau lòng, nhưng chắc chắn là chỉ một số lượng rất nhỏ xuất hiện được trên báo chí.

Bình luận tiếp theo ở cụm bài này là của Đỗ Quốc Anh (hi :), phân tích khả năng sai lầm của hai hình thức đăng công bố nghiên cứu khoa học: một đằng là đăng rất nhanh (như ngành Y), một đằng là đăng rất muộn (như ngành Kinh tế - nhiều khi phải vài năm sau khi đã viết xong bài). Mấy ngành này tôi không biết nhiều lắm, nhưng có thể cung cấp ví dụ về công bố nghiên cứu trong ngành văn học (Pháp). Tôi có tìm hiểu khá nhiều về lĩnh vực này, và thấy là có thay đổi rất rõ ràng: trước đây (đại khái khoảng những năm 1970 trở về trước, người ta viết báo là để đăng "ngày hôm sau"), còn hiện nay nội dung và danh mục các số tạp chí đã được hoàn chỉnh từ trước ngày ra báo cỡ trên dưới một năm. Áp lực về công bố sớm ở ngành này không cao, và thường là các công bố cũng đã được phân tích, mổ xẻ ở nhiều hội thảo trước đó. Ở Việt Nam hiện nay (nhất là trong các ngành khoa học xã hội) quy trình đầy đủ về đăng bài nghiên cứu mới bắt đầu được áp dụng (sau này hẳn người ta sẽ còn nhớ cái mốc của quyển sách về Tín ngưỡng in năm vừa rồi). Cho đến gần đây, Nguyễn Hòa còn công khai phê phán một bài báo vì đã sử dụng quá nhiều trích dẫn - chắc NH chưa bao giờ nhìn thấy một bài báo khoa học theo đúng nghĩa nào.

Trong số Tia Sáng lần này còn có bài của Lê Nguyên Long giới thiệu cuốn Chủ nghĩa Marx và phê bình văn học của Terry Eagleton. Bản dịch này có nhiều lỗi và đã được NXB Tri Thức rút về để sửa chữa. Tuy nhiên theo tôi được biết thì bản dịch này đã được thực hiện từ rất lâu, hình như thuộc một dạng "công trình cấp trường" do cán bộ giảng dạy thực hiện. Như vậy đối tượng chính để blame về chất lượng dịch thuật hẳn phải là khoa văn của ĐHXH&NV.

(các bài nói đến ở đây hoặc đã có hoặc sẽ có trên trang http://www.tiasang.com.vn/ :)

3 comments:

  1. Trong phim The Prestige cũng có nhắc tới Tesla và cuộc chiến với Edisson. Tay Tesla này cũng là một nhân vật kỳ lạ.

    ReplyDelete
  2. Chuyen sang blogspot hay that, tu ngay chuyen sang day NL cham blog han len :)

    ReplyDelete
  3. Thời gian đầu cần phải đầu tư nhằm mục đích câu kéo chị ạ :))

    ReplyDelete