Jul 4, 2009

Đọc lại một tập thơ cũ

Tập thơ này chắc ít người biết, thậm chí mới là nghe nói đến tên: Gửi một mùa cổ điển, Nguyễn Chí Hoan, 1997. Mùa cổ điển trong lịch sử thơ Việt Nam đã từng là nhan đề một tập thơ của Quách Tấn. Nhưng cũng đừng cố tìm các mối liên hệ hiển ngôn giữa hai cái, dù bỏ hẳn đi mối liên hệ cũng không hẳn là đúng. Trong tập thơ Gửi một mùa cổ điển ngay lập tức đã có một trường ngữ nghĩa lùi về quá khứ: "hồi cố", "Hoàng Hoa"... Tập thơ rất mỏng, một bài đầu tiên rồi đến chín bài "Gửi một mùa cổ điển", hai bài "Về các đại từ nhân xưng", hai bài "Đêm Rostropovich" và bài cuối cùng ở dưới đây (tặng một nhà thơ, Xuân Anh).


Đáp từ

Quá nhiều biểu tượng quá nhiều hình ảnh – đó là cuộc sống của chúng ta – quyển thứ tư quyển thứ năm hay thứ n – về nguyên tắc, bạn tôi bảo thế

Những chậu cây treo trên ban công, những giò phong lan lủng lẳng trước hiên nhà – đó là cuộc sống của chúng ta – một góc xanh, một vạn góc xanh, “sạch và xanh” rồi một ngày mai cả thành phố xanh rờn – về nguyên tắc, trên tivi người ta bảo thế

Những lối chơi đẹp, những lối chơi hiệu quả, những lối chơi vừa đẹp vừa hiệu quả không chế ngự nổi một kẻ vô danh – hay phong độ lúc này không đạt đỉnh cao, hay đúng lúc này nhắm mắt trút khối ưu phiền quá nặng, hay niềm phấn khích hóa nên những bắp cơ co cứng hay nỗi khát khao cạnh tranh và chiến thắng lừa ta vào chiếc bẫy treo lơ lửng chết người –

Tất cả, đó là cuộc sống của chúng ta, và từ ấy, mỗi sớm mai ta lại nốc một liều phẫn uất

Và từ ấy, mỗi ngày, ta trồng cây trên bậu cửa gờ tường, trên lan can ta trồng bụi chuối rừng và dành cho em, ở chỗ đầu giường, anh bỏ nhánh phù dung

Và từ ấy anh chỉ là biểu tượng em chỉ là hình ảnh rất thân yêu, ta là hai trang sách kề nhau em là giấy còn anh là chữ

Những chùm hoa xanh trước hiên nhà đua nở những chùm quả vàng nho nhỏ lơ lửng trên ban công

Những tiếng ồn ào gầm gừ lanh lảnh the thé khàn khàn đường phố chìm trong dòng khói xám mờ và khúc hát thân quen vang lên đứt quãng

Những tiếng rao lần lượt đi qua phía dưới những chậu cây sắc lá vàng quái gở: Thanh long đây! Ai sầu riêng! Ai dừa xiêm, dừa xiêm dư - ờ - xêm…

Hãy mua giùm chị ta đôi ba trái, hãy dành sẵn tiền lẻ cho “người ăn mày qua cửa lần lượt trong cả ngày”, hãy để ta yên lòng, mặc hắn kể lể rằng hắn những là ai

Hãy chỉ cho anh con đường đến em đường nào ngắn nhất, nếu phải sống thiếu em anh nguyện rằng sẽ chết nếu không được yêu em anh sẽ đành tha thiết, hãy để anh yên lòng, rằng tình yêu còn vẫn hiện tồn vẫn viết lách nói năng thề bồi và chọn lựa

Hãy để mặc anh! Dù anh biết những cái này quá cũ: nói “cô đơn” “tha nhân” ngay cả nói “yêu em” thời buổi này rất dở, nhưng “nỗi đau” “thân phận” “tâm linh” cũng chẳng khá hơn, bọn guốc chẵn coi ngôn từ như thể cỏ rơm bọn xử lý thì vẽ vời chữ nghĩa! để ngày mai thành một kẻ cô đơn, anh biết mình không thể! để ngày mai tự sát vì thiếu em, anh hiểu rằng không thể! để ngày mai là một symbol thì anh muộn mất rồi!

Và từ ấy, ta ngủ nghê đi đứng cợt cười ta suy ngẫm âu lo mong chờ hay phẫn nộ, ta chẳng kịp một ngày, ta mải chơi lần lữa

Và từ ấy anh chỉ còn xa lạ em chỉ còn nghe nhạc dưới mưa rơi, bất cứ kẻ hát rong nào đầu đường xơ xác cũng có thể là bạn cũ cũng có thể là một lời nguyền rủa là vẻ đẹp cuối cùng chút rung động cuối cùng giữa bát nháo bao lơn và đầu cột i-ô, chậu thiên tuế và sơn Nippon sơn chỗ nào cũng bóng giữa áo dài và pepsi những lá buồm nâu đã xếp xó rồi

Ai bảo cuộc đời đơn giản một trò chơi, ai bảo kẻ chặt cây không biết rừng đã mất, ai dám bảo em không phải là duy nhất, của đời anh, những biểu tượng sáng ngời đeo quanh cổ sáng danh ai dám bảo ngôn từ chỉ có mùi nước cất, những chậu cây lủng lẳng ngoài hiên, tiếng hành khất van xin ôi những con ma ngày quanh quất, ta đã nói rạc hơi nói cạn lưỡi rồi, chỉ chất thêm đầy những hình ảnh mà thôi./.

-------------------

Trời lại mưa trên đất Bắc. Trong thơ, Valéry khởi đầu bằng thơ văn xuôi (poésie en prose) trước khi chuyển sang giai đoạn sonnet xu hướng của các nhà thơ Thi Sơn (Parnasse). Giai đoạn thơ văn xuôi chịu ảnh hưởng của Huysmans trong À rebours, cuốn tiểu thuyết về con người kỳ quặc duy mỹ tên là des Esseintes, hình mẫu của rất nhiều nhà văn và nhà thơ độc đáo đi tìm sự khó của ngôn ngữ thay vì sự hay, những tuyệt đối hóa về thẩm mỹ thay vì cái đèm đẹp. Đến giai đoạn sonnet thì Valéry vẫn chưa quá 20 tuổi. Một trong những ý tưởng lập dị nhất của Valéry (Valéry là hiện thân của sự lập dị: trong bài diễn văn đọc khi được nhận vào Viện Hàn lâm Pháp, theo đúng thông lệ thì Valéry phải vinh danh người tiền nhiệm, ở đây là Anatole France, thần tượng của rất nhiều nhà văn Việt Nam; Valéry đã làm mọi cách để trong cả bài diễn văn không một lần nhắc đến tên AF, không trích lấy một câu, không đả động đến một nhan đề tác phẩm, và hơn thế nữa còn cho thấy văn chương của AF rất kém cỏi): Valéry cho rằng khi làm thơ không được phép có câu nào quá xuất sắc, vì như vậy sẽ làm hỏng đi toàn bộ cấu trúc của bài thơ.

Điều này đi ngược lại với sự trông chờ chung: thông thường chúng ta đọc thơ là để thấy được một, một vài câu thơ hay và ghi nhớ, nhiều khi ghi nhớ suốt đời. Đông hay Tây cũng đều thế cả thôi. Nhưng Valéry chống lại điều đó, cũng như chống lại điều mặc định của phê bình văn học thế kỷ XIX: phải hiểu về con người tác giả thì mới có thể hiểu được tác phẩm. Cái điều không làm câu thơ nào hay này rất phù hợp với một nhà thơ như Đinh Hùng. Tôi còn nhớ khi còn rất trẻ (lol) tình cờ kiếm được tập Mê hồn ca tôi đã coi là một chiến công lớn. Nhưng thơ Đinh Hùng đúng là như vậy: không có câu nào quá xuất sắc, quá đột xuất, tuy tổng thể cả bài thơ bao giờ cũng đột xuất. Các đơn vị không có gì quá chói, nhưng tổng thể lại rất chói. Cứ đọc "Đường vào tình sử" hoặc "Bài ca man rợ" thì biết.

Ý tưởng về thơ lập dị thứ hai là của Remy de Gourmont: thơ tự do (vers libre) mới là hình thức của thơ, còn thơ có vấn chỉ là một hư cấu sai lầm đầy ảo tưởng.

Thế mà người ta cứ coi thơ tự do là thành tựu của hiện đại, trong khi lẽ ra nó đã phải là như vậy, vì phải là như vậy :)

2 comments:

  1. Thấy dại chưa, post thơ làm chi không ai thèm comment:)

    ReplyDelete
  2. Thơ bác NCH hay quá :)

    ReplyDelete