Apr 21, 2011

Đàn ông thì đáng ghét


Pierre Bourdieu, lý thuyết gia khởi nguồn của khái niệm “trường văn học” (champ littéraire) ngày càng được nhiều nhà khoa học xã hội trẻ tuổi của Việt Nam nâng niu, cũng là tác giả tác phẩm kinh điển “Các quy tắc nghệ thuật” (Les Règles de l’art) cùng vô số thuật ngữ hữu dụng, đã bước vào đời sống sách vở Việt Nam dưới hình ảnh một nhà bình luận đầy sắc sảo về giới qua cuốn sách nhỏ “Sự thống trị của nam giới” (Lê Hồng Sâm dịch, NXB Tri Thức, “Tủ sách Tinh Hoa”). Bourdieu đã qua đời năm 2002 và ngày nay giới xã hội học cũng như triết học Pháp đang ở “pha” nghiền ngẫm, phê phán tác phẩm của ông.

Trong giới xã hội học Pháp từ nhiều chục năm nay người ta nói đến sự đối đầu giữa hai nhân vật xuất chúng và danh tiếng, cũng kỳ thú không kém sự đối đầu trí tuệ giữa Jean-Paul Sartre và Claude Lévi-Strauss trước đây: Pierre Bourdieu có một “địch thủ” rất xứng tài cân sức là Alain Touraine (ở Việt Nam tác phẩm “Phê phán tính hiện đại” của ông do Huyền Giang dịch được NXB Thế giới in trong loạt “sách tham khảo” đầy bí hiểm vào năm 2003 đã tạo ra một mối quan tâm nhất định từ phía những người thích tham khảo). Cùng là cựu học sinh trường Sư Phạm phố Ulm nhưng hai người như nước và lửa với nhau, tạo nên sự sôi động không ít phần gay gắt, và người ta quan tâm nhiều đến cả trí tuệ của hai ông lẫn bản thân cái sự không ưa nhau ấy. Cạnh tranh về trí tuệ thì hấp dẫn, và dù sao cũng không gây ra bạo lực trực tiếp, hoặc nếu có bạo lực thì cũng là “bạo lực tượng trưng” hay “bạo lực êm ái”, các khái niệm mà Bourdieu dùng để dẫn dắt chúng ta vào công cuộc khảo cứu truy vấn cái vị thế đáng sợ (hoặc đáng ghét) nhưng lại rất đỗi đương nhiên của đàn ông, ở khắp nơi nơi và khắp mọi quãng thời gian lịch sử.
Sự lịch thiệp đàn ông trí thức được Touraine thể hiện khi Bourdieu qua đời vào năm 2002. Ông tuyên bố mình rất đối lập với Bourdieu ở nhiều phương diện nhưng công nhận cả thế giới trí thức Pháp trong đó có ông một phần không nhỏ được tổ chức có liên quan đến Bourdieu. Với Touraine, đặc điểm nổi bật ở Bourdieu nằm ở chỗ nghiên cứu xã hội học đồng nghĩa với tự ý thức về bản thân mình. “Sự thống trị của nam giới” chắc chắn cũng không nằm ngoài yếu tố này. Touraine nêu cảm nghĩ các tác phẩm cuối đời của Bourdieu (trong đó có “Sự thống trị của nam giới”) đẩy đi xa hết mức quan niệm nền tảng nhất trong lý thuyết chung của ông: xã hội là một hệ thống thống trị, và cho rằng Bourdieu thuộc vào những người theo chủ thuyết “tất định luận”, cuộc sống này có những tất yếu dù đáng ghét nhưng là sự thật; trong tác phẩm của Bourdieu có nhiều suy tư về “sự khốn cùng của thế giới”.

“Sự thống trị của nam giới” có nghiên cứu tại chỗ theo lối xã hội học về người Berbère ở Kabylie để nhìn vào cái “vũ trụ luận coi nam giới là trung tâm, cách nhìn và vũ trụ luận chung cho mọi xã hội miền Địa Trung Hải và ngày nay vẫn còn tồn tại” (tr. 2). Tổ chức xã hội của chúng ta nương theo thân thể dẫn tới “sức mạnh của trật tự nam giới lộ rõ ở chỗ nó chẳng cần biện minh: cách nhìn lấy nam giới làm trung tâm tự áp đặt như là trung tính” (tr. 8).

Tuy nhiên, mọi sự cũng đã có nhiều thay đổi, mà “quan trọng nhất có lẽ là sự thống trị của nam giới không còn tự áp đặt với tính rõ ràng sờ sờ của điều dĩ nhiên” (tr. 154), với vai trò quan trọng không thể bỏ qua của phong trào nữ quyền, nhưng cũng không kém phần ý nghĩa là các chuyển biến trong quy trình học vấn ở bên trong chuyển biến lớn lao hơn của thể chế xã hội nói chung.

Hướng cái nhìn của mình đi theo một lý thuyết mà ông trung thành từ lâu nay liên quan tới các “vốn văn hóa”, Bourdieu nhấn mạnh vào “địa vị đặc biệt của phụ nữ trên thị trường tài sản tượng trưng” (tr. 171). Trên thực tế, phụ nữ “được giao quản lý tư bản tượng trưng của các gia đình”, và nếu bỏ ra ngoài những suy tư về thể chế và cấu trúc xã hội, một đầu óc bình thường con người chúng ta hoàn toàn có thể thiên về nghĩ rằng tượng trưng mới thực là quan trọng. Tuy nhiên, sự phân biệt đàn ông/phụ nữ theo Bourdieu là tất yếu, vì nó nằm ở chỗ rất cơ bản: “Toàn bộ đạo đức học của chúng ta, không nói đến mỹ học của chúng ta, nằm trong hệ thống các tính từ chủ yếu, cao/thấp, thẳng/vẹo, cứng rắn/mềm mại, mở/đóng kín, v.v...” (tr. 36). Một khi đã liên quan đến cấu tạo sinh học thì câu chuyện thống trị hay không thống trị hẳn vẫn còn rất dài.

Nhị Linh

5 comments:

  1. "được tổ chức có liên quan đến Bourdieu" - chữ "tổ chức" này nghĩa là sao bạn NL?

    ReplyDelete
  2. là nói tắt một chút thôi: các hướng nghiên cứu của giới khoa học xã hội ở Pháp được tổ chức xoay quanh Bourdieu theo nhiều mức độ, nhưng nếu "xoay quanh" thì đồng nghĩa với Touraine công nhận vị trí trung tâm tuyệt đối của Bourdieu, đối thủ ai lại làm thế :d nên chỉ nói là "có liên quan" thôi

    ReplyDelete
  3. "...ngày càng được nhiều nhà khoa học xã hội trẻ tuổi của Việt Nam nâng niu..." ---> Câu này có hình dáng của một cái nhếch mép. :))

    ReplyDelete
  4. hic, không có, không có đâu :)

    ReplyDelete
  5. Tiêu đề bài viết độc quá

    --
    http://dacbietthuvi.net

    ReplyDelete