Feb 13, 2012

giễu với cả nhại

tôi thấy rất nực cười vì giới phê bình, nghiên cứu văn học ở Việt Nam rất hay chạy theo một số cái mốt, nhất là một số cách nói; một thời gian cứ nói đến thơ, để ca ngợi là người ta bảo "nhà thơ ấy thật vâm váp", rồi đến mấy đồng chí mở miệng là nói "tiểu tự sự" mặc dù chẳng hiểu "đại tự sự" là cái gì; nhưng tràn lan hơn cả là cụm từ "phong cách giễu nhãi", "lối viết giễu nhại" etc., đặc biệt tập trung ở các bài viết về văn chương Nguyễn Huy Thiệp; nhưng cái "phong cách giễu nhại" này thật ra lại rất thường xuyên là để chỉ "giọng văn mỉa mai/châm chọc" etc. trong khi muốn nói đến nhại và giễu thì nhất định phải chỉ ra được là nhại cái gì, giễu cái gì


Ở độ thứ hai

Các nhà văn (và cả các chuyên gia tâm linh) nằng nặc bắt chúng ta tin rằng thế giới nơi chúng ta đang sống không hoàn toàn là “cái thế giới ấy”, tức là biết về thế giới xung quanh mình là chưa hoàn toàn đủ cho nhận thức. Trong tiểu thuyếtKafka bên bờ biển”, nhà văn Haruki Murakami danh tiếng của nước Nhật cả quyết miêu tả một cánh cửa mở ra thế giới khác, nối dài danh mục tác phẩm văn học khẳng định tồn tại một thế giới song song với thế giới của chúng ta, còn các nhà phân tâm học thì không tin con người hiểu được gì nếu chỉ biết đến phần hữu thức mà bỏ bẵng đi những tầng sâu của vô thức, và các biểu hiện bên ngoài thực chất là được (hoặc bị) thúc đẩy từ mãi bên trong, từ mãi nơi nào đó không thuộc về trí óc, suy nghĩ. Hay nói một cách khác, cuộc đời chúng ta nằm ở một “độ thứ hai” nào đó, chứ không phải “nguyên gốc”, chỉ là một phản chiếu của những gì vô hình nằm đâu đó, có một nguyên mẫu cho tất cả những gì đang tồn tại, và thật ra mọi thứ đều là “tái hiện” cái có sẵn.

Để hình dung một cách đơn giản ý tưởng có vẻ rối rắm này, ta hãy xem xét một ví dụ rất “pop” (nhưng thật ra lại là “rap”): bài hát nhạc rap mang tên “Rắc rối” gần đây rất “hot” và gây tranh cãi lớn ở nhiều nơi, rồi giành thứ hạng cao ở MVMC (Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam). Nói một cách ngắn gọn, bài hát của rapper Karyk, tạm bỏ qua phần lời, chỉ tồn tại được vì trước đó đã có các “chất liệu” về mặt hình ảnh để Karyk sử dụng với mục đích châm biếm. Người xem clip “Rắc rối”, nếu có hiểu biết về nhạc pop Việt Nam thời gian vừa qua, sẽ hiểu là Karyk châm biếm một số hiện tượng trong giới biểu diễn ca nhạc; các động tác, hình ảnh, vũ đạo… thể hiện trong clip của Karyk là “bắt chước”, là “nhái” những gì mà rapper muốn chỉ trích.

Và ở đây chúng ta bước vào thế giới của sự nhại (pastiche và parody), hoặc nói cách khác, theo đúng lý thuyết văn học về vấn đề “liên văn bản”, chúng ta bước vào một “độ thứ hai”. Ta sẽ ở độ thứ hai này khi mà trong một hiện tượng có sự hiện diện của một hiện tượng khác trước đó, theo nhiều cách thức khác nhau. Rất đơn giản, khi viết mà trích dẫn từ một tác phẩm trước đó, thì có nghĩa là (một phần) tác phẩm trước đó đang cùng hiện diện ở văn bản đang được tạo ra. Trích dẫn là một cách hiện diện (rất dễ thấy, vì thường xuyên có dấu ngoặc kép), còn nhại là một cách khác: ở nhại có sự “bắt chước” một phần hoặc toàn bộ một cái gì đó, vì nhiều mục đích, đồng thời lại có một sự chuyển hóa nhất định cái có sẵn.

Điều quan trọng nằm ở chỗ, theo quan điểm của các lý thuyết gia chuyên về văn bản học hiện đại, một văn bản không thể tồn tại độc lập, mà phải nằm trong một hệ thống “liên văn bản”, và nghệ thuật nói chung có thể được hình dung như một mạng lưới gồm hằng hà sa số điểm nút có quan hệ chằng chịt với nhau. Với chủ nghĩa hậu hiện đại thời danh, văn chương nghệ thuật có đặc trưng là sử dụng cách thức kể chuyện liên văn bản. Một ví dụ nổi tiếng là loạt phim “Star Wars” của George Lucas có thể được xem như là cách nhại những phim truyền hình dài tập truyền thống theo phong cách khoa học giả tưởng. Một khi đặt một văn bản hoặc tác phẩm nghệ thuật vào mạng lưới vô tận các quan hệ, tức thì cách nhìn của chúng ta sẽ đổi khác, mà thường là cởi mở hơn.

Nhại (pastiche) và giễu bằng nhại (parody) là hai thủ pháp đặc biệt của việc sử dụng chất liệu của quá khứ, và nó không hề liên quan đến ăn cắp, đạo (plagiat). Đây là một “mỏ vàng” cho những người sáng tạo. Các nghệ sĩ lớn, đặc biệt các nghệ sĩ hài, vô cùng thích sử dụng những cách thức này. Trong điện ảnh, Charlie Chaplin và Ernst Lubitsch đã rất thành công trong việc nhại, bắt chước nhằm chế giễu sâu cay Lãnh tụ Đức Quốc xã, Adolf Hitler. Nhại và giễu có thể hướng vào các chi tiết, cử chỉ, hành động, hoặc ở mức độ chung hơn, vào phong cách một ai đó. Nhóm hài kịch danh tiếng nước Anh Monty Python có rất nhiều “parody” vang bóng, họ từng chạm đến cả những đề tài rất thiêng như Chúa Jesus hoặc Vua Arthur.

Trong lĩnh vực liên quan rất nhiều đến tiếng cười này, “pastiche” và “parody” cũng cận kề với nhiều hiện tượng khác như “satire”, “burlesque”… và văn chương nghệ thuật của quá khứ có phong phú được như vậy một phần cũng là nhờ những đầu óc ưa nhại và giễu, thích nhìn về phía sau để lấy chất liệu cho hiện tại. Bài rap “Rắc rối” là một nỗ lực theo hướng đó; việc nó vừa được khen ngợi vừa bị chê bai thậm tệ như vậy chỉ cho thấy rằng công chúng ở Việt Nam đã phân hóa rất mạnh mẽ, và cũng cho thấy rằng tác phẩm của giới trẻ đã thực sự gây “phiền nhiễu” cho đời sống nghệ thuật, mà một đời sống nghệ thuật chỉ thực sự lành mạnh khi có cả những phiền nhiễu như vậy.

Lẽ dĩ nhiên, ở đây cũng như nhiều địa hạt khác của nghệ thuật, các lằn ranh hết sức nhỏ nhoi. Đã không ít lần nhại và giễu gây hậu quả khó lường, thậm chí còn dính đến tòa án: vào năm 2001, vụ việc tác phẩm “The Wind Done Gone” nhại “Gone with the Wind” (Cuốn theo chiều gió), kể lại cùng câu chuyện ấy nhưng dưới cái nhìn của các nô lệ của Scarlet O’Hara, đã phải ra tòa để giải quyết.

Xét về từ nguyên, “parody” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, theo đó nó có nghĩa ban đầu là “hát sai nhạc”. Nhại và giễu có thể coi là một sự “lệch tông” gây sửng sốt, gây cười, có thể gây cả khó chịu, của một thế giới chấp nhận là có tồn tại một “độ thứ hai”.

Nhị Linh


Marcel Proust nhại

Nhại (pastiche) không nhất thiết có mục đích chế giễu. Những cuộc thi tìm người giống Elvis Presley nhất chẳng hạn, tiếng cười mà chúng mang tới có tính chất hào hứng, sôi nổi, chứ không phải là tính chất mỉa mai, châm chích. Nhại còn có thể là để học. Ca sĩ nào từng chẳng có thời cầm đàn cố chơi và cố hát sao cho thật giống một thần tượng âm nhạc nào đó. Xem một bộ phim, người giàu kiến thức điện ảnh có thể nhận ra cảnh này, cảnh kia là dùng để “vinh danh” (homage, cũng là một hình thức nhại) một đạo diễn hay một diễn viên tài ba nào đó trong lịch sử.

Nhà văn Pháp vĩ đại Marcel Proust cũng từng nhại để tập viết, cũng là để thể hiện sự ngưỡng mộ của ông đối với một số nhà văn lớn. Khi còn trẻ, Marcel Proust nảy ra ý định dùng một cốt truyện rất đơn giản nhưng được kể và bình luận bởi giọng văn của những bậc đại thụ trong lịch sử văn học Pháp: Balzac, Flaubert, Sainte-Beuve, Henri de Régnier, Goncourt, Michelet, Émile Faguet, Ernest Renan, Saint-Simon. Những tác phẩm nhỏ này mãi tới năm 1919 ông mới cho in, trong một tập sách mang tên “Pastiches et mélanges”; năm ấy, Proust không còn là một “nhà văn tập sự” nữa mà đã là tác giả của một số tiểu thuyết, cũng năm này ông giành giải Goncourt cho tác phẩm “Dưới bóng những cô gái tuổi hoa”, một tập trong bộ tiểu thuyết “Đi tìm thời gian đã mất” cho đến nay vẫn được coi là một trong những tác phẩm văn học vĩ đại nhất của thế kỷ XX.

Marcel Proust giải thích về lựa chọn của mình: “Vụ việc cỏn con này [vụ việc Lemoine, một kẻ lừa đảo, tự nhận là mình phát hiện cách tạo ra kim cương để lừa tiền, sau đó bị tống vào tù; đây cũng là một việc có thật] đã được tôi lựa chọn vào một buổi tối, hoàn toàn theo cách ngẫu nhiên, làm đề tài duy nhất của các mẩu viết, trong đó tôi sẽ tìm cách bắt chước cách thức của một số nhà văn”. Ông đã chứng tỏ mình điêu luyện về văn phong và giỏi bắt chước đến thế nào trong những bài viết ngắn ấy; tài năng của Proust không chỉ thể hiện trong văn hư cấu mà cả trong nghệ thuật nhại bậc thầy này.

Sau này cũng có không ít nhà văn học theo người trước bằng cách nhại, chẳng hạn như Raymond Queneau: năm 1947, ông xuất bản cuốn sách “Exercices de style” (Các bài tập phong cách) kể cùng một câu chuyện theo 99 cách khác nhau; cuốn sách trở nên vô cùng nổi tiếng. Sau đó khoảng hai mươi năm, nhà văn người Anh, David Lodge, viết cuốn tiểu thuyết “The British Museum Is Falling Down” (Bảo tàng Anh đang sụp đổ) nhại tác phẩm của James Joyce, Kafka và Virginia Woolf. Nhại là một cách thức nhìn lại quá khứ của không ít nhà văn.

NL

12 comments:

  1. Imitation is the sincerest form of flattery, right? I'd say that parody, satire, spoofs, etc are right up there with imitation. They are proof that the original work has reached some sort of significance. This is not to say the original work is any good. For example, hours after the last episode of Vietnam's got talent, "I can sing in 6 languages" is already an internet catch-phrase, and the quality of the singing has nothing to do with that one.
    (I am also being liberal with the term "original" here, but that's another story.)

    In that sense, much of culture (literature, film, theatre, music, etc) serves primarily as a sounding board, and providing "artistic", "original" or "moral" values is very much an afterthought. Why is Ho Ngoc Ha so popular? Because she gives all of us something to talk about- be it admiration, envy, or outright contempt.

    (excuse my lack of Vietnamese keyboard today)

    ReplyDelete
    Replies
    1. ừ, nhưng ghép hết vào imitation thì lỏng lẻo quá, vả lại satire không mấy liên quan đến các trường hợp này

      Delete
    2. Not saying they're the same, rather, they have the same root.

      Delete
    3. theo mình thì satire rất ít cần đến nhại, hoặc là không nhất thiết, trong khi parody nhất thiết phải dựa trên nhại

      nói rộng ra, imitation hẳn là bạn muốn nói đến cả mimesis, rồi representation... phải không? ở đây thì theo thi pháp cổ điển, chắc chắn mimesis là phải dựa vào những gì được coi là đẹp, tốt, thậm chí trác tuyệt (sublime), như thiên nhiên, hay "les anciens", còn các hiện tượng xung quanh nhại thì không hoàn toàn nằm trong bộ khung ấy

      Delete
  2. Chê khó hơn làm. Bạn NL phê phán người khác rất hay. Bạn NL chịu khó và thiện chí tiếp thu người khác chê mình thì còn hay hơn. Tiếc rằng bạn chưa làm được.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vâng, cám ơn, nhưng thế tại sao ở các trường hợp khác bác cũng không nghĩ "chê khó hơn làm"?

      Delete
  3. Trường hợp khác không thể là cái phao cứu sinh cho trường hợp này được bác NL ạ. Người xưa dạy, trước khi xem miệng người khác có vi trùng hay không, hãy xem bàn tay mình có sạch không đã.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Coi như tôi hân hạnh được gặp một người nghĩ rằng cả tay lẫn miệng mình không có vi trùng vậy.

      Delete
  4. Người Nghĩ mà không làm không nguy hiểm bằng người nghĩ và làm khi muốn kiểm tra miệng người khác mà tay mình không sạch.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vâng, thì tôi nguy hiểm :) được chưa ạ? Tôi chỉ thấy cái reply đầu tiên của tôi bác còn không hiểu tôi nói gì mà cũng bày đặt đi đánh giá với nhận xét này nọ.

      Delete
  5. Hề hề, nhại-giễu người khác đúng là căn bệnh khó chữa của bác NL rồi.

    ReplyDelete
  6. Always look on the bright side of life na na na na na na na na ..

    :)
    Nlt

    ReplyDelete