Jul 24, 2013

Beigbeder cầu cứu

đoạn đầu tiểu thuyết Cứu với, xin tha thứ, sắp in tại Việt Nam; nó là một trong những tiểu thuyết "thuần chất" nhất của Frédéric Beigbeder, cũng là một lời "bộc bạch" (nhưng là bộc bạch hư cấu) thêm vào trào lưu những lời bộc bạch nổi tiếng gần đây, của Jean-Jacques Rousseau, của Márai Sándor




Năm bốn mươi tuổi, con phát điên toàn diện. Trước đó thì con vờ như là mình bình thường, cũng như mọi người thôi. Cơn điên đích thực đột hiện khi tấn kịch xã hội vừa ngưng. Ấy là sau khi con ly dị lần thứ hai. Con chỉ còn lại chút ít tiền, quê nhà thì đã rời bỏ. Con từng yêu, sẽ còn yêu, nhưng lại hy vọng có thể bất cần tình yêu, “cái thứ tình cảm lố bịch đi kèm với những động tác chẳng mấy sạch sẽ” ấy, như Théophile Gautier nói. Vả lại, vì đã thôi mọi thứ ma túy nặng ký, con chẳng hiểu nổi tại sao tình yêu lại được phép là một ngoại lệ khỏi cần cai. Lần đầu tiên kể từ khi sinh ra đời con mới được sống một mình, thế nên con muốn tận hưởng tình trạng này một thời gian. Có lẽ con rất giống thời đại của mình, cái thời thiếu vắng cấu trúc. Con công nhận, sẽ thật nản nếu phải sống mà không có cột sống. Con không biết những kẻ thiếu cột sống khác thì xoay xở như thế nào. Con đã lớn lên trong một gia đình tan rã, rồi sau đó con làm rã tan gia đình mình. Con chẳng có quê hương, chẳng gốc rễ, không một níu kéo ràng buộc nào, ngoại trừ một tuổi thơ đã bị lãng quên, với những bức ảnh nhìn chẳng thấy ăn nhập gì, và một cái máy vi tính có wifi khiến cho con có ảo tưởng mình đang được kết nối với thế giới. Con coi chứng hay quên chính là đỉnh cao của tự do; chứng bệnh ấy vào thời này khá là phổ biến. Đi xa con không mang theo hành lý, rồi thuê các căn hộ có sẵn đồ đạc để ở. Cha thấy thật là thảm khi phải sống giữa đống đồ đạc ta không tự tay chọn phải không? Con chẳng đồng ý. Gớm ghiếc là cái chuyện phải bỏ ra hàng giờ ở các cửa hàng mà lưỡng lự giữa đủ loại ghế. Con cũng chẳng quan tâm đến xế hộp. Con thương hại bọn đàn ông so đo xem xe kẻ nào có dung tích xy lanh lớn hơn; lượng thời gian chúng bỏ ra để liệt kê các nhãn mác thấy mà ghê. Con đọc loại sách bỏ túi, dùng bút bi gạch chân vài câu, rồi vứt cả hai thứ ấy vào thùng rác (hai thứ ấy là quyển sách và cái bút). Con tập cách không lưu trữ cái gì ở nơi đâu khác ngoài trong đầu; con có cảm giác đồ vật đè nghẹt lên con, nhưng con cho rằng cả các ý nghĩ cũng vậy, cũng đè nghẹt, chúng lại còn chiếm nhiều chỗ hơn. Trong một căn chứa đồ ở ngoại ô Paris, đống ti vi cũ của con được nhét vào thùng các tông vứt lăn lóc phía trong một nhà kho lớn lợp mái tôn uốn lượn. Trong quyển sổ ghi chép, con gạch đi những ngày đã qua, chẳng khác nào một tên tù vạch lên tường xà lim nhốt hắn. Vì không còn đọc báo Pháp nữa, tin tức đến được tai con thì đã muộn vài tuần: “A thế à? Eddie Barclay đã chết?” Hàng tuần liền con không ló mặt ra khỏi nhà, chỉ kết nối với thế giới bên ngoài thông qua các trang web chuyên về thuốc hoặc trò kích dục. Suốt năm 2005, con đã không ăn gì. Thậm chí con còn tưởng đâu như mình quẳng đi được quá khứ, giống người ta giũ khỏi phụ nữ: một cách hèn nhát, không dám đối đầu. Con tưởng con là công dân toàn cầu. Con coi châu Âu là một tòa công trình già nua, có thể tham quan mà không cần người hướng dẫn, chỉ với một chiếc GPS bỏ túi, một cái hộp màu đen phát ra tiếng nói nghiêm nghị của một bà: “Chuẩn bị rẽ phải, còn 500 mét nữa”. Con viết những tấm bưu thiếp nhưng rồi không gửi đi. Chúng chất đầy một hộp giày, nằm lẫn với những tấm bị gửi trả về kèm dòng ghi chú trên con dấu: “Trả về người gửi, thay đổi địa chỉ”. Con những muốn tránh buồn bã, nhưng đâu có phải cứ muốn quên là quên được ngay. Con cũng chẳng rõ tại sao lại đi kể với cha tất tật chuyện này. Quả thật, chuyện là con muốn kể cho cha biết tại sao mình hiểu ra, nỗi buồn là cần thiết.

3 comments: