Jun 29, 2015

Thạch Lam và Nam Cao

Để có thể nhìn vào quá khứ, bắt "lịch sử" nói ra vài câu chuyện, buộc lòng ta phải có một số tưởng tượng, tưởng tượng ra những thứ không thể tưởng tượng. Nhìn qua, trông rất hao hao phương pháp mà trong kinh tế học người ta gọi là "lập mô hình". Càng ngày, tôi càng thấy các "mô hình" nhảm nhí, nhưng tạm thời cứ coi là thế đã, để tiện hình dung.

Ta tưởng tượng ra một cái bập bênh, một bên là ba nhân vật: Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam và Nam Cao. Và bên kia, đối xứng qua trục, không có gì cả. Đương nhiên, vì tình hình là như vậy, bộ ba Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam và Nam Cao thắng tuyệt đối trong trò chơi bập bênh. Ở cái trò này, đương nhiên là phải thắng cái hư không thôi.

Đó là một cách ẩn dụ để nói rằng: bởi vì ở một phía khác, những đối lập đã bị xóa, chỉ còn lại bóng, thậm chí những cái bóng không rõ hình hài, nên có một nhóm giá trị được hưởng lợi khủng khiếp, hưởng lợi từ sự khuất dạng. Từ tình trạng này, ta có hai điều: 1) đột nhiên là vị trí cao chóng mặt của một số nhân vật và 2) cân bằng (lịch sử vốn dĩ không công bằng, chẳng có gì phải lạ, nhưng nó có những khoảng cân bằng) bị vi phạm, lịch sử văn chương Việt Nam bị mất cân bằng khủng khiếp.

Tôi đã thử làm vài trắc nghiệm nhỏ rồi: ngay giới nghiên cứu văn học Việt Nam cũng gần như không ai thực sự biết Khái Hưng nghĩa là thế nào. Thậm chí "Khái Hưng" trong hình dung của các nhà nghiên cứu là một Khái Hưng hoàn toàn khác. Nhượng Tống thì thôi khỏi phải nói làm gì, chẳng còn ai biết Nhượng Tống từng như thế nào.

Thế nhưng, nếu ở trò chơi bập bênh kia, phía của hư không xuất hiện những nhân vật đã bị lãng quên, thì "nhóm" Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Nam Cao sẽ không có vị trí như ta thấy hiện nay.

Tất nhiên, Khái Hưng và Nhượng Tống chỉ là những trường hợp tôi đặc biệt lựa chọn để "minh họa" cho hình dung này. Còn vô số tài năng bị vùi khuất như thế nữa. Thậm chí, tôi còn biết chắc, nếu xét riêng ra, một mình Vũ Trọng Phụng, một mình Thạch Lam hay một mình Nam Cao sẽ chẳng là gì nếu so với Khái Hưng được nhìn nhận đúng đắn. (nhưng tôi cũng chẳng làm cái trò so đo hơn thua ngớ ngẩn ấy làm gì, điều quan trọng là: bởi có những cuộc biến mất, nên một số nhà văn ở sai vị trí)

Vũ Trọng Phụng thì đã rõ rồi. Chưa bao giờ Vũ Trọng Phụng là một tiểu thuyết gia quan trọng, đó là một nhà phóng sự giỏi, vậy thôi.

Đến Thạch Lam: Trương Chính từng viết rất chính xác về Thạch Lam vào năm 1939 (xem thêm ở đây). Câu cuối bài là quan trọng nhất, cho thấy Trương Chính nhìn thấu văn chương Thạch Lam. Thạch Lam khác hẳn hai ông anh ruột, Nhất Linh và Hoàng Đạo. Nhất Linh và Hoàng Đạo xuất hiện là xong luôn, còn Thạch Lam khác hẳn.

Giờ ta nhìn kỹ hơn: Thạch Lam, đó là ba tập truyện ngắn, Gió đầu mùa, Nắng trong vườnSợi tóc. Truyện dài Ngày mới có thể bỏ qua không cần xét vì quá kém, tập tiểu luận phê bình Theo dòng thì bình thường, ai cũng viết được, Hà Nội băm sáu phố phường là một viên ngọc nho nhỏ, nhưng cũng chỉ dừng ở mức ấy.

Quan trọng nhất là ba tập truyện ngắn. Nắng trong vườn hơn xa Gió đầu mùa (tập này gồm toàn những thứ cực non nớt, thậm chí ngớ ngẩn, như "Nhà mẹ Lê" và hầu hết các truyện trong tập, tuy nhiên đúng như Trương Chính viết, ai biết thẩm văn cũng biết Thạch Lam của Gió đầu mùa rất hứa hẹn), và Sợi tóc lại hơn Nắng trong vườn. Nắng trong vườn có truyện "Hai đứa trẻ", nhưng về cơ bản đó là những câu chuyện của một thằng bé mới dậy thì, tọc mạch những chuyện người lớn, cái nhìn vừa láu lỉnh vừa lén lút rất khó chịu (nhất là cái truyện về phía bên kia sông), nhưng lại còn làm ra cái vẻ già đời. Trong tập này, chính truyện "Tiếng sáo" lại không tệ.

Tức là, Thạch Lam thuộc loại nhà văn ngược hẳn với Nhất Linh, Hoàng Đạo (nhất là Khái Hưng): Thạch Lam cần rất nhiều thời gian để phát triển, chứ không xuất hiện một lần là xong ngay. Ta cứ tưởng tượng Marguerite Duras: năm mươi năm trời viết văn, đến tuổi bảy mươi bỗng viết được L'Amant, lại đúng là câu chuyện mà Duras có sẵn từ khi còn rất trẻ. Thạch Lam, nếu có năm mươi năm, chắc hẳn sẽ làm được như vậy. Năm mươi năm, ta nên đợi năm mươi năm để có một nhà văn lớn.

Nhưng Thạch Lam hiện nay có địa vị rất lớn. Đó là kết quả của một "đại tự sự" (cách đây vài năm có một cuộc tranh luận của mấy bạn tay ngang, nghiệp dư, trong ấy các bạn dùng "đại tự sự" một cách rất đáng phì cười, cứ cái gì to to là đại tự sự, lại còn sáng tạo cả "tiểu tự sự", tức là những gì nho nhỏ). Một đại tự sự rất oách ở Việt Nam: câu chuyện lớn của sách giáo khoa. Sách giáo khoa làm cho học sinh Việt Nam ngay từ bé đã tin "Hai đứa trẻ" là một kiệt tác và Thạch Lam là một nhà văn lớn.

Điều đó hiển nhiên sai.

Vũ Trọng Phụng lại là kết quả của một đại tự sự khác: câu chuyện lớn của những người văn chương chuyên nghiệp, cụ thể là các nhà văn và các nhà phê bình. Câu chuyện ấy tôi đã phân tích rất kỹ, nên thôi khỏi cần nói lại. Bây giờ tới trường hợp Nam Cao, trường hợp hấp dẫn hơn cả.

Nam Cao từng viết được một kiệt tác, đó là Sống mòn (xem thêm ở đây). Một kiệt tác cũng bình thường thôi. Nhưng câu chuyện xung quanh Sống mòn thì cực hay. Với tôi, điều quan trọng ở cuốn sách ấy là phải xác định được có bao nhiêu phần trăm là bàn tay của Tô Hoài. Tô Hoài là nhân vật cực kỳ quan trọng: khía cạnh tài năng văn chương Tô Hoài còn xa mới hấp dẫn bằng khía cạnh Tô Hoài tác giả tạo ra các huyền thoại.

Theo các tìm hiểu (đáng tin cậy) của tôi, về lý thuyết, việc mà tôi vừa nói (xác định bàn tay của Tô Hoài) vào lúc này phải làm được. Nhưng tôi chỉ làm đến đấy, nhường phần giải quyết bài toán cho một người khác. Vì phía bên này của cái bập bênh, thật ra tôi không mấy quan tâm.

Nam Cao, tất nhiên, cũng là kết quả của một "đại tự sự" lớn của Việt Nam. Là đại tự sự gì thì các bác tự nghĩ nhé :p

Và mọi chuyện diễn ra trong bóng tối của những khuất dạng.

4 comments:

  1. về sự ra đời Sống mòn, trong một vài bài, Nguyễn Đăng Mạnh viết chưa thỏa đáng sao anh?

    ReplyDelete
  2. ông ấy cũng biết vài điều, đi tìm nói chung đúng hướng, nhưng cũng đã tìm ra đâu

    với cả ông ấy cũng không nói hết

    giờ vẫn còn nhiều người biết chính xác về Nam Cao và Sống mòn, nhưng cứ như có thoả thuận chung từ xưa ấy, không ai dám nói, không ai chịu nói

    tại vì chuyện kinh quá

    ReplyDelete
    Replies
    1. hồi em đọc cái bài Nam Cao sống ở làng Đại Hoàng, chết ở làng Vũ Đại thì..xúc động quá mức, khóc thút tha thút thít.
      bí mật luôn là đặc quyền đặc lợi....
      nhưng tình huống này quá hay ạ...

      Delete
    2. nhiều điều phải chấp nhận là không giải quyết nổi thôi, bí mật, bí ẩn và bóng tối, xét cho cùng, vẫn là phần đương nhiên phải có, nếu không thì còn có gì đâu

      Delete