Jul 26, 2015

Trở về cổ điển: Andersen

Đọc rất giống sống ở chỗ: cả khi đọc sách lẫn khi sống cuộc đời mình, ta gặp vô vàn ham muốn. Tất nhiên, đã là ham muốn thì là chuyện các xung động và dục vọng (passion), mà ở đó thì trên hết là những điều xứng đáng làm ta đỏ mặt nếu phải nói ra.

Từ lâu, tôi đã có một ham muốn rất dở hơi, là đặt cạnh nhau hai nhân vật không có lấy một điểm chung: Marcel Proust và Hans Christian Andersen.

Cả Andersen và Proust tôi đều biết đến từ rất sớm. Nhưng như tôi đã có lần nói: tôi tránh đọc Andersen trong một thời gian rất dài (xem thêm ở đây). Một phần tất nhiên là vì cái sự trẻ con rất dở hơi không muốn đọc những gì mà ai cũng đọc. Nghìn lẻ một đêmTruyện cổ Andersen thời tôi còn nhỏ phổ biến lắm, nhưng cả hai tôi đều không thực sự đọc bao giờ. Mãi sau này mới nhận ra một điều: một bản năng người đọc kỳ bí đã ngăn tôi đọc Andersen, và điều đó đã mang lại rất nhiều ích lợi cho tôi. Khi đã lớn mới đọc Andersen thì ta hiểu được ngay lập tức rằng những câu chuyện ấy không hề là truyện cho trẻ con, nếu đã đọc từ nhỏ với cảm giác trẻ con thì những ấn tượng kiểu khác sẽ quá lớn, không cho phép hiểu thêm nhiều nữa. Andersen là người viết ra những kiệt tác để giải thích thế giới, phần kỳ diệu của nó tất nhiên rất lớn, nhưng phần giải thích thế giới, giải thích một cách sâu sắc, còn lớn hơn nhiều, đó là những điều mà chỉ độc giả dày dạn bản lĩnh mới hiểu ra được. Còn Proust, tôi đã có Le côté de Guermantes từ năm mười ba, mười bốn tuổi, mua tại một hiệu sách cũ nào đó, nhưng nhiều năm sau mới đọc.

Andersen có ảnh hưởng nào lên Marcel Proust không? Không, nếu có thì cũng rất ít. Những điều kỳ diệu mà Proust nhận lấy thông qua các câu chuyện nằm cả ở Nghìn lẻ một đêm. Ở đây, ta thấy xuất hiện một yếu tố có ý nghĩa rất lớn: sự tương phản; Marcel Proust cũng như phương Tây nhìn thấy ở Nghìn lẻ một đêm cả một thế giới huyền hoặc, bởi có tương phản Đông-Tây. Mỗi khi Nghìn lẻ một đêm xuất hiện hoặc xuất hiện trở lại ở phương Tây là thế nào cũng có những thay đổi rất lớn, như là một niềm cảm hứng khổng lồ ùa tới. Lớn nhất chắc chắn là lần đầu tiên, khi Antoine Galland mang Nghìn lẻ một đêm về cho nước Pháp. Ngay lập tức những câu chuyện Ả rập đã mê hoặc. Rất nhiều lần như thế nữa, ví dụ như khi Borges bỗng bình luận về các dịch giả Nghìn lẻ một đêm, một sự kỳ diệu liền tỏa ra mãnh liệt trong phê bình văn học và dịch thuật.

Còn Andersen, vật báu của Đan Mạch, một người rất nổi tiếng khi còn sống, từng có một mối quan hệ rất kỳ quặc với Charles Dickens (hôm trước tôi đã nói đến Balzac; Dickens cũng thế: ai không rành Dickens thì khó có khả năng viết tiểu thuyết lắm), ảnh hưởng lên Søren Kierkegaard thời trẻ (xem thêm ở đây), và nhất là ảnh hưởng lên một nhân vật lớn của văn chương Thụy Điển: August Strindberg. Giải Nobel Văn chương thật kỳ diệu, nó làm cho ở Việt Nam người ta tưởng hồi đầu thế kỷ XX chỉ có một nhà văn Thụy Điển vĩ đại là Selma Lagerlöf, trong khi hồi ấy Thụy Điển có đến hai con người vĩ đại, người thứ hai là Strindberg, và còn vĩ đại hơn nhiều; Strindberg cũng bị điên nốt (ít nhất là trong một thời gian).

Và Andersen, cũng lại là sự tương phản, vô cùng hấp dẫn những người xứ nóng, ví dụ như người Việt Nam; ở đây là tương phản tuyết trắng-mặt trời. Cioran từng nói, chỉ người Bắc Âu mới biết viết những câu chuyện về thế giới thần tiên. Điều này rất đúng: ta có người Đan Mạch và rồi sẽ có Lewis Carroll (nhưng yếu tố kỳ diệu của truyện Lewis Carroll rất khác: trong Through the Looking Glass toàn bộ sự kỳ diệu chỉ nằm ở cảnh đầu tiên, khi Alice ngồi trước gương với con mèo rồi con mèo làm cho Alice đi xuyên qua gương; sau đó thì chỉ là những diễn giải dông dài, Tweedledum Tweedledee các thứ).

Quay trở lại với Marcel Proust và Nghìn lẻ một đêm: với tôi một trong những đoạn hay nhất của Đi tìm thời gian đã mất là ở tập Sodome và Gomorrhe, Marcel và mẹ đến Balbec, sau quãng thời gian đầu rất đau khổ thì bà mẹ nhờ người gửi hoặc mua bộ Nghìn lẻ một đêm cho con trai đọc. Tiếp đến là những bình luận về bản dịch Antoine Galland và bản dịch Mardrus: Proust đã đi trước Borges rất nhiều. Và ngay sau đó, Marcel sẽ quẳng bộ sách không đọc vì còn mải mê chinh chiến và yêu đương với Albertine và các cô bạn gái khác, rồi đến lúc ở Casino, Albertine nhảy với Andrée, bác sĩ Cottard tình cờ đi cùng bỗng thốt lên, đại ý xét từ khía cạnh y học thì hai cô gái áp ngực vào nhau như thế kia thì họ đang rất sướng, và đó là những cô gái ham mê tình dục đồng giới. Một khoảnh khắc khải thị về tình dục của Marcel; nhưng quan trọng hơn, Nghìn lẻ một đêm và thành phố Baghdad chính là bước trung gian để Proust đưa các "thành phố phương Đông" vào: Sodome và Gomorrhe. Cả một chiến lược văn bản huyền diệu dựa trên những câu chuyện kỳ diệu.

Nghìn lẻ một đêm của Antoine Galland:


Ở Việt Nam, rất thịnh hành bản dịch trước đây in làm mười tập (thật ra là một bản dịch rất lổn nhổn). Nhưng còn có nhiều hơn thế (nhà xuất bản Sống Mới ở đường Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn):


Còn Andersen? Thông dụng nhất là bản này, đã được in đi in lại không biết bao nhiêu lần (ở đây là bản 1986):


Nhưng cũng giống Nghìn lẻ một đêm, Andersen không chỉ có vậy. Ta còn có, chẳng hạn:


Người dịch: Phong Châu, nhà xuất bản Thế hệ mới ở Gia Định, 1955.

Quyển sách nhỏ này gồm bảy truyện, đầu tiên là "Gã vịt con xấu tướng", ngoài ra còn có "Lòng mẹ" và cuối cùng là "Nàng tiên cá" dưới cái tên "Một linh hồn bất diệt". Tôi còn chưa tìm được tập 2 (không biết là có không), trong tập 1 thấy quảng cáo là trong tập 2 ấy sẽ có một truyện cực kỳ xuất sắc: "Dưới cội liễu" (ở bản phổ biến, truyện này tên là "Bên gốc liễu").

Truyện của Andersen thì truyện nào cũng quá hay, nhưng tôi luôn luôn thấy kiệt tác lớn nhất là những câu chuyện buồn: "Mụ ấy hư hỏng", "Một chuyện đau lòng", "Bên gốc liễu" hay "Nữ thần băng giá". Đẹp nhất là những câu chuyện kiểu như "Một mảnh lá của trời", "Thiên tinh" hay "Những bông hoa của cô bé Iđa". Andersen kể chuyện về cây cối, hoa lá tuyệt hay, như các truyện vừa kể hay "Cây thông", thậm chí "Chuyện cây hoa gai". "Bác làm vườn và nhà chủ" thì cực kỳ hài hước, khi mà bông hoa kỳ diệu được hoàng gia thích thú cứ tưởng là hoa gì kỳ diệu lắm hóa ra lại là hoa ác-ti-sô.

Vậy thì, cuối cùng, Proust và Andersen giống gì nhau?

Không phải là sự kỳ diệu. Mà là ở cái quan niệm chung, ở Proust thì ngầm, ở Andersen thì rõ ràng hơn: mỗi người và mỗi thứ đều có vị trí của mình. Vấn đề của cuộc đời không phải là thay đổi vị trí, là tiến lên (một cây hoa gai thì làm sao có thể tiến từ ngoài hàng giậu vào trong vườn, tại sao lại có thể ảo tưởng như thế?), mà là ở đúng chỗ của mình (một "gã cổ cồn", một "chiếc kim thô" cũng phải hiểu như vậy). Triết lý của Andersen tập hợp hết vào nhan đề một cái truyện hay khủng khiếp: "Người nào, vật nào chỗ nấy".

Marcel Proust cũng vậy. Thế giới của Đi tìm thời gian đã mất là thế giới của trật tự. Người nào có chức phận riêng của người ấy, và nó sẽ trở nên rất châm biếm, mỉa mai khi bắt gặp những sự nhầm chỗ (Madame Verdurin là một quý bà mới nổi, chỉ lòe bịp được lũ người dự các buổi tiếp tân qua mục "Thế giới thượng lưu" trên tờ Le Figaro, chứ đâu có thể sánh được với gia đình Guermantes). Lại một lần nữa, Charlus là một người phát ngôn cho tư tưởng này: đặc biệt là đoạn rất nổi tiếng trong Sodome et Gomorrhe, Charlus sỉ nhục người Do Thái sống ở những khu phố sặc mùi Thiên chúa giáo.

Có thế giới quý tộc (xem thêm ở đây), ở đó có các quy củ riêng đã được ấn định từ bao thế hệ và bao nhiêu cuộc hôn nhân. Có thế giới của giới trưởng giả, của giới bình dân, lại có thế giới của những người hầu kẻ hạ, đánh xe, tài xế vân vân và vân vân. Vấn đề không phải là làm xáo tung thế giới, mà phải cố sao làm cho thế giới được nguyên trạng.

Nhưng có ngoại lệ: nếu có tài năng thì người ta di chuyển được giữa các thế giới. Marcel không thuộc giới quý tộc nhưng có thể giao du với giới ấy là vì Marcel có tài văn chương, hoặc Morel tiện dân có thể biểu diễn ở nhà Madame Verdurin hay thậm chí ở nhà công tước và hoàng thân de Guermantes là vì đó là một tài năng âm nhạc. Sự kỳ diệu là dùng để di chuyển.

Andersen cũng không nói điều gì khác: trong một câu chuyện ít bi thảm hiếm có, "Con trai người gác cổng", đứa con trai con nhà tiện dân đã lên được mọi tầng gác cao và lấy được cô tiểu thư làm vợ là bởi có tài năng hội họa, vẽ những lâu đài sau này sẽ phải được xây dựng. Còn nếu như không có, làm ơn ở yên chỗ của mình.


NB. Ở bản dịch tiếng Việt tác phẩm của Andersen, xuyên suốt rất nhiều đời in (tôi đã xem những bản in gần đây nhất) tồn tại mãi những chỗ sai có ngay từ đầu. Một ví dụ: trong "Con trai người gác cổng", ngay ở đoạn đầu, có câu "Chú bé con người gác cổng bụ bẫm, cái đầu đáng yêu với đôi má hồng..." Có một số điều đúng là đã trở thành "mê tín" trong chuyện người Việt Nam đọc tiếng Pháp, cứ "rentrer" là hiểu "về nhà" trong khi có thể là "đi vào" (xem thêm ở đây), và cứ "la tête" là thành "cái đầu" trong khi nó chính là "khuôn mặt".


Trở về cổ điển: Một cô gái
Kiều
Tố Tâm
Trở về cổ điển: Cung oán
Trở về cổ điển: Stendhal

10 comments:

  1. Les mille et une nuits mới đây dc Miguel Gomes chuyển thể thành phim (ba phần). Em mới xem phần đầu, rất gợi cảm hứng. Có lẽ là loạt phim đáng chờ đợi nhất trong năm nay.

    ReplyDelete
  2. "...Vấn đề không phải là làm xáo tung thế giới, mà phải cố sao làm cho thế giới được nguyên trạng."?

    Thế giới được ở trong tình trạng bình ổn, trật tự là tốt mà. Chúng ta luôn ủng hộ phải không?

    Tuy nhiên, không loại trừ có những thời gian trong quá khứ, có một số người nào đó đã đi làm cách mạng, họ làm "xáo tung lên" hết cả, làm xấu làm hư nhiều thứ, nhiều giá trị, và sau đó thì họ lại vẫn cứ muốn "giữ nguyên trạng" :-p

    -- GC

    ReplyDelete
  3. Andersen viết quá đẹp và quá buồn. My favorite of all time. Mà hồi ấy dịch có nhầm lẫn thật nhưng vẫn rất tốt nhỉ?!

    ReplyDelete
  4. Nghìn lẻ một đêm 10 tập, 4 tập đầu do Phan Quang giới thiệu và dịch theo bản Antoine Galland, 6 tập sau do Nguyễn Trác dịch theo bản Mardrus, 2 phong cách khác hẳn nhau. Sau này người ta chỉ in lại 4 tập đầu.

    ReplyDelete
  5. Nếu coi Triết lý của Andersen tập hợp hết vào nhan đề một cái truyện hay khủng khiếp: "Người nào, vật nào chỗ nấy".
    Thì Việt Nam cũng có câu hay tương đương :" Ở bầu thì tròn, Ở ống thì dài"

    ReplyDelete
  6. ❤️ cảm ơn. Anh (viết bài này) cũng hay ngây ngất :)

    ReplyDelete
  7. "[N]ếu có tài năng thì người ta di chuyển được giữa các thế giới."
    Trong Lost Illusions (tôi dùng tạm bản dịch tiếng Anh), Leon Giraud nói với young Lucien thế này: "Journalism is an inferno, a bottomless pit of iniquity and treachery and lies; no one can traverse it undefiled, unless, like Dante, he is protected by Virgil's sacred laurel."

    ReplyDelete
  8. he's right

    travels are magical, máy bay đâu có giải quyết được cái đó

    ReplyDelete
  9. Nhưng để bị tha hóa thì đâu có gọi là di chuyển thành công, dù tha hóa là một phần của quá trình ấy. Hay là có những "mức" di chuyển khác nhau? "Mức" của Dante, và "mức" của Leon Giraud.
    Nhưng di chuyển như Dante có thể thực hiện được trong thế giới của Lucien hay không? Séchard từ chối hiện thực hóa bất kỳ mục đích nào. Đến lượt mình, Proust cũng từ chối viết.

    ReplyDelete