Aug 1, 2015

[tiện bút] Một mùa hè

Đã đến post thứ 1000 thật, hic. Tranh thủ thông báo là tôi chẳng bao giờ xóa cái gì, chỉ duy nhất xóa một lần vì những gì tôi viết trong post ấy có thể gây nguy hiểm cho một người. Cái blog cũ giờ tôi đã khóa lại cũng có gần nửa nghìn post nữa. Lắm thật.

Và giữ đúng lời hứa: post này dùng để kể chuyện đời tôi :p


Một mùa hè

Mùa hè ấy đã vạch vào cuộc đời tôi những đường cả quyết giống như làn nước bị con tàu vạch ra trên mặt biển lặng và giống như vết rạch ghê gớm trên đầu, lẩn dưới mái tóc bẩn thỉu của cái thằng bé thuộc về chuyến tàu hỏa buổi đêm lang thang giữa núi và rừng hiu quạnh.

Mọi chuyện đều có bắt đầu, những bắt đầu mà mãi sau này, cộng hết mọi kinh nghiệm lại, dùng thêm những lóe chớp vụt ra từ đâu đó sâu thẳm, để tìm cách giải thích quá khứ, ta mới may ra lờ mờ hiểu được. Mùa hè năm ấy, tôi nóng bức sốt ruột, nhưng tôi cũng lạnh lẽo như không hề thuộc về đâu, không thuộc về một nơi nào. Có chuyến đi sang thế giới khác, một điều gì đó bỗng mở ra vô tận, đẹp đến thảm khốc nhưng cũng đáng sợ vô cùng, để rồi từ đó quay về, tôi không thấy mình thực sự ở đâu nữa. Nhưng còn có một cái lưng phụ nữ xa lạ; khi nó tìm đến tôi, chính tôi, chẳng điều gì còn có thể giống như trước.

Hà Nội ngày ấy nghèo nàn lắm. Gần hai mươi năm đi học, tôi chỉ làm một việc là lần theo những nan quạt mở từ phải sang trái, từ Đông sang Tây, thành đúng một góc chín mươi độ. Cứ sau vài năm tôi lại chuyển sang một ngôi trường khác, nhích sang tay trái một chút trên cái vòng cung lấy nhà tôi làm tâm điểm; từ nhà tôi vốn dĩ là một khu tập thể may mắn không bị nghiêng đi, kiểu khu tập thể rất hay thấy ở Hà Nội trong nhiều năm, trước tiên tôi đi học ở một cái trường cách nhà khoảng mười bờ mương, mấy năm chỉ chuyên đánh lộn nhưng thật thần kỳ, ở nhà ai cũng tưởng tôi là thằng bé duy nhất trên đời ngoan ngoãn và không bao giờ đánh nhau, có những hôm rách rưới đi học về rất muộn, tôi khai là tôi bị ngã, thế mà hình như chẳng ai nghi ngờ tôi vừa trải qua một trận đánh nhau thừa sống thiếu chết và trong lòng nung nấu những ý định trả thù hung dữ nhất, tàn bạo nhất, nhuộm máu Bối Thủy hoặc tan nát dưới chân tường thành Troie. Rồi những con đường mới được làm, những bờ mương dần biến mất, tôi cũng chuyển sang một trường mới, nhích sang phía Tây một chút. Ở cái trường ngay gần một cái tượng màu trắng rất to này, cũng vẫn là những vụ đánh nhau, nhưng tới lúc này thì tôi không che giấu được nữa, dẫu sao chắc cũng nhờ thanh thản vì bản chất đã bị lột trần, tôi đã bắt đầu yên ổn hơn giữa đám bạn dữ tợn, không còn mấy bị lôi cuốn vì dao kiếm gậy gộc nữa. Gần đây, một người bạn học cùng trường hồi ấy kể cho tôi về một thằng bạn chung, mới oắt con nó đã nổi tiếng toàn thành phố vì cướp giật, lên báo công an suốt, rồi nhanh chóng bỏ mạng, một thằng bạn khác, thằng này thì học cùng tôi từ nhỏ, cứ xuống sân trường đá bóng là tin tưởng giao cho tôi chân thủ môn, mới đi họp lớp và rưng rưng bảo với lũ bạn là không ngờ bây giờ vẫn còn có thể ngồi đó sau khi nghiện oặt ròng rã bao nhiêu năm và tưởng đã chết dấp chết rũ chẳng biết bao nhiêu lần. Vòng thời gian cứ quay tiếp từ trái sang phải, tôi chuyển trường một lần nữa, ngược thêm từ bên phải sang bên trái: nỗi chán nản đánh đấm, nghịch ngợm, ít nhất một phần, đã giúp tôi thi đỗ một cách hiển hách vào một ngôi trường nổi tiếng, cũng cách nhà tôi một khoảng cách đúng bằng so với hai ngôi trường cũ; xét cho cùng, trong cả cuộc đời, lúc nào ý thức về khoảng cách trong tôi cũng vô cùng mạnh mẽ, nó quyết định gần như mọi tập tính của tôi, tính cách của tôi, cả tốt lẫn xấu. Ở đây tôi sửng sốt phát hiện ba điều: bọn ở các nơi khác học giỏi quá, học giỏi thực sự, và rất coi trọng sự học, chứ không cái kiểu láng cháng được chăng hay chớ, bôi gio trát trấu vào cái sự học như tôi vốn dĩ; nhiều đứa con gái quá chừng xinh, nền nã hoặc ăn chơi đỏm dáng chứ không rặt một kiểu chu môi chu mỏ xắn tay áo gấu quần lên chửi bọn con trai như ở trường cũ; và nhất là, đi từ cổng trường vào (hồi ấy cái đường chạy qua phía trước vẫn là một con đường lổn nhổn, chưa có tên phố, vẫn án ngữ mấy khu tập thể cao tầng giờ đây đã bị phá tan tành), đi qua cái sân trồng những cây có bệ xây tròn bằng gạch dưới gốc và vài cái ghế đá, đi tiếp qua cái sảnh, nơi tôi sửng sốt nhận ra tên mình trong danh sách thi đỗ hồi đầu năm lớp mười, cũng là địa phận bắt đầu phải chú ý cẩn thận nhằm tránh mặt giám thị, tôi còn nhớ một bà giám thị vô cùng hắc ám có giọng nói cao vút đến giờ tôi vẫn nhớ được cao độ đặc thù, đến chân cầu thang thì rẽ phải luôn, sẽ tới một cái giống như là hốc tường. Đó là nơi đặt hòm thư chung cho học sinh trong trường, rất đáng ngạc nhiên vì có một hòm thư như thế, và càng đáng ngạc nhiên hơn nữa vì hòm thư ấy đã mang đến cho tôi không biết bao nhiêu bức thư. Sau này tôi đã đốt sạch, những bức thư ấy cháy mãi mới hết. Trường cuối cùng, nan quạt cuối cùng của vòng cung Đông-Tây thì tôi không còn nhớ mấy, vì lúc này tôi bỏ học suốt, nhiều khi chán chường vác xác đến trường thấy nó thật lạ lùng. Cái trường cuối cùng này, năm đầu tiên tôi học, vẫn còn phải đi vào từ một con đường cực kỳ lầy lội bẩn thỉu mỗi khi trời mưa, ngay cạnh một cái mương. Hà Nội thời ấy nghèo nàn lắm. Hà Nội bây giờ còn nghèo nàn hơn.

Con người thay đổi các tập quán, nhưng các tập quán, đến lượt mình, cũng làm thay đổi con người. Các tập quán và con người đều phản phúc như nhau, đều muốn tỏ ra mình có thể gây nên những thay đổi, càng lớn càng tốt, mà không hiểu rằng những gì càng lớn bao nhiêu lại kéo theo sự vô nghĩa lớn bấy nhiêu. Sự nghèo nàn khai trương và khánh thành những tập quán đáng sợ, sau rất nhiều thời gian kéo dài nó làm cho con người sống ở Hà Nội cứ ăn là vục mặt vào cái bát như những kẻ nô lệ, trời mùa đông thì vẫn mang bít tất khi đi ngủ. Những năm ấy, ai cũng đi xe đạp, xe đạp được người Hà Nội biến đổi theo nhiều cách thức kỳ quái, vì nó quá quen thuộc nên nó phải bị biến đổi mãnh liệt, rất nhiều yên xe bên dưới nhét vào một quả bóng tennis, thậm chí hai quả bóng tennis. Nhưng dẫu đã có đề phòng đến như vậy thì đám yên xe vẫn có tác động không nhỏ: nếu làm được một việc là lột truồng mười phụ nữ từng sống qua quãng thời gian ấy, bắt họ nằm sấp xuống, điều chắc chắn mà ta sẽ thấy là cả mười bộ mông đều in hằn những tác động kỳ quái của cái yên xe đạp. Những chai sần, những biến dạng theo đủ mọi cách, tùy thuộc vào thói quen riêng của từng người khi đạp xe (có người cân bằng, có người lệch sang trái, lại có người lệch sang phải), là một trong những dấu ấn của một thời nghèo nàn Hà Nội để lại trên những bộ mông phụ nữ. Cả tôi nữa, tôi cũng bị tập quán của chính tôi bắt tôi nói đến những bộ mông, thói quen đồng nhất hóa phụ nữ với những bộ mông (sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu đó là khuôn mặt, bàn tay hay cái cổ, nhưng biết làm sao được) đã khiến cho đang định nói tới một cái lưng duy nhất thì tôi lại quành qua bộ mông tập thể.

Cái lưng ấy xuất hiện khi một tập quán mới ra đời ở Hà Nội. Nó thuộc về một người phụ nữ xấu hay đẹp, tôi không hề biết, tôi cũng chẳng biết ở trên cơ thể người đó, nó có một tỉ lệ ra sao so với cặp chân. Tôi chỉ biết là nó rất nóng, dâm dấp nước vào một buổi trưa hè ngột ngạt. Thời ấy, ở Hà Nội bắt đầu xuất hiện những quán cơm bình dân đầu tiên, rất tiện lợi vào buổi trưa. Bước đệm cho hình thái sinh hoạt mới này chắc là những quán cà phê (gọi là “quán giải khát” mới đúng) bỗng nhận ra rằng quán sẽ rất đông khách vào buổi trưa nếu bán những bát mì, rất đơn giản là thả thêm vào mì ăn liền lõng bõng nước mấy miếng thịt và vài cọng rau. Cô chủ quán giải khát gần nhà tôi đi tiên phong trong bước ngoặt này. Cô có một cái tên rất lạ, Trư hoặc Chư, tôi không bao giờ biết rõ, nhưng cô thực sự rất béo, cả một phì nhiêu của vú và mông gieo rắc mộng tưởng. Cô Trư (hoặc Chư) nấu mì và thế là cô cứu rỗi cho cả một khu phố cứ đến trưa là vắng lặng ai chạy về nhà nấy xì xụp nấu cơm ăn (và sau đó thường ngủ một giấc; buổi trưa ở các khu tập thể hoang vắng như sa mạc). Nhưng cô nhanh chóng bị cạnh tranh, một hàng cơm bình dân sớm được mở ra ở ngay cạnh, xếp những bàn ghế chạy dài san sát vào nhau, dưới mái lá lụp xụp trông không khác gì quang cảnh của một sơn trại thảo khấu, mà lãnh đạo là một người đàn bà rất gợi nhớ các áp trại phu nhân uy quyền vượt trời đất. Một buổi trưa như thế, còn chưa thực sự quen với hình thức ăn uống mới mẻ này, đằng trước chật chội trên mặt bàn bày những rau, canh, thịt, lạc, dưa cà, còn đang nhấp nhổm lo ngại chẳng biết phải cư xử như thế nào ở nơi sơn trại lạ có những phép tắc riêng chưa kịp rành rẽ, thì tôi bỗng cảm thấy sau lưng mình còn chật chội hơn. Một toán khách mới vừa đi vào, ngồi xuống cái bàn sau lưng tôi, và bởi ghế được kê sát sàn sạt, nên ngay lập tức lưng tôi trở thành ghế tựa cho một cái lưng phụ nữ. Tôi thấy khó ở và khó sống: buổi trưa hè rất nóng, hai lần áo mỏng làm tôi cảm nhận được rõ mồn một sợi dây gồ lên thắt ngang phía trên cái lưng kia, nó lại nhất định không ở yên một chỗ mà cứ liên tục chuyển động lên xuống, cà vào lưng tôi đang đầm đìa toát mồ hôi như một cơn lũ, người phụ nữ không biết mặt, chẳng rõ già hay trẻ ấy lại chẳng hề thấy có vấn đề gì khi hai cái áo bết mồ hôi dính chặt vào nhau, càng về sau càng cọ lấy cọ để vào tôi. Nước chảy như thể tạo được những giọt to tướng, từ mọi nơi nào có thể chảy nước. Mà tôi thì không thể nhích ra, không thể làm gì, trên thực tế tôi không thể ăn được nữa mặc dù mới lúc trước còn rất đói và lúc ấy có ai bảo tôi đứng lên thì tôi cũng sẽ chỉ ngồi yên đó mặt lì ra. Đúng là tôi không thể đứng lên được, chứ tôi đâu có chút ham muốn nào chống đối lại thế giới này.

Tôi đã đi đến mùa hè tàn nhẫn ấy qua những thay đổi tập quán trong khung cảnh chung, cả những thay đổi ở bản thân tôi mà lúc nào tôi cũng nghĩ chẳng bao giờ mình qua nổi, chúng mạnh mẽ đến thế, khốc liệt như thế, có chút nào chịu nương nhẹ hay thương xót tôi đâu.

Mùa hè năm ấy, khi đã trôi dạt ra đến giữa biển, một đêm bầu trời bỗng vần vũ thay đổi, không mưa nhưng có tiếng sấm rền vang và sét rạch giữa trời. Bầu trời bỗng toác ra làm đôi, và vào đúng khoảnh khắc ấy tôi nghĩ bầu trời cũng giống như bộ ngực phụ nữ, mà tia sét chính là hành động mở khóa phéc mơ tuya của cái áo. Tập quán hồi ấy ở Hà Nội là những cô gái, cả những người đàn bà nữa chứ không phải chỉ các cô gái, điều này thì tôi có thể xác nhận, hay mặc một thứ gọi là “áo thể thao” khi ở nhà. Khi sau đó một thời gian, tôi mua tặng một cô gái cái váy ngủ có diềm đăng ten, thì không thể tả nổi nỗi vui sướng của cô ấy, nỗi vui sướng trước viễn cảnh thoát được khỏi những cái áo thể thao có phéc mơ tuya chạy dài phía trước. Đừng ngạc nhiên khi khéo phéc mơ tuya ra, ta sẽ không thấy gì ở bên dưới nữa. Bầu trời trên biển hôm ấy cho tôi một khải ngộ lớn lao, cùng một niềm mong ước cháy bỏng: giá như có một bầu ngực phụ nữ lộ ra sau khi kéo phéc mơ tuya để có thể vục mặt vào và cứ giữ yên như thế, không phải động đậy nữa, không cần quẫy đạp nữa, thì cuộc đời sẽ dễ dàng biết bao nhiêu. Không nhiều khi tôi có tưởng tượng đẹp đẽ về bầu trời như thế: một lần đi lên núi, buổi đêm đi ra ngoài, thấy một bầu trời đầy sao, gần đến khủng khiếp, tôi rùng mình thấy nó không khác gì một khoảng da bị rôm sẩy của lũ trẻ con mùa nực không được chăm sóc chu đáo. Hoặc những vết muỗi đốt li ti xuất hiện ở đầu gối buổi sáng ngủ dậy sau một đêm ngủ quá say gác chân sát vào tường trở thành bữa tiệc cho lũ muỗi chích ngòi qua các lỗ màn. Về sau này, tôi kinh tởm những cái màn. Về cơ bản, mọi thứ gì tôi gặp hồi ấy đều mang lại cho tôi cảm giác thật kinh tởm. Cả cái lưng sũng ướt của người phụ nữ lạ mặt trong quán cơm kia nữa, đó là đỉnh cao để tôi hiểu rằng khoái lạc nghĩa là trộn lẫn với sự kinh tởm và bẩn thỉu.

Ham muốn từ khoảng cách đầy đủ thì sung sướng hơn nhiều. Trước khi đi ra biển vào mùa hè năm ấy, tôi đã biết đến những mơ tưởng tam giác và đường cong trong những đêm Hà Nội mưa ướt sũng đường, và từng ôm cô bạn cùng lớp trong một cuốc xe đạp đầy ý vị đùa cợt.

Nhưng, trong mọi thứ, tôi kinh tởm và khinh bỉ nhất văn chương. Tôi bỏ ý định thi vào lớp chuyên văn ngay trước khi có kỳ thi, và sau này tôi thấy đó là một trong những quyết định chính xác nhất trong đời; đời tôi không có nhiều quyết định sáng suốt, nên với tôi nó rất đáng nhớ, tôi sợ hãi hình dung cái cảnh mình trở thành một học sinh lớp chuyên văn, èo ợt như một cây sậy, viết lách toàn những thứ sáo mòn chảy nước mà lại cứ tưởng là độc đáo lắm. Tất nhiên, học chuyên văn thì cũng không hẳn là đồng nghĩa với văn chương, mà văn chương gần hơn với những kệ giá sách thư viện mà tôi thơ thẩn lê la suốt bao nhiêu năm ròng. Nhưng tôi cứ nuôi mãi trong lòng một sự mâu thuẫn như thế, khinh bỉ văn chương và ngày đêm đọc tiểu thuyết. Những đợt gần thi cử, bọn bạn tôi cũng lên thư viện để học, và cũng như lũ bạn tay tôi lúc nào cũng lăm lăm quyển Bescherelle, nhưng tôi chưa bao giờ thực sự đọc trang nào trong sách ngữ pháp, đến giờ tôi vẫn chẳng thực sự biết thời “passé surcomposé” dùng để làm gì, và trong một kỳ thi tôi đã suýt trượt vì chia sai gần hết các động từ ở thời “passé simple”, trong khi đã cả triệu lần tôi gặp cái thời quỷ quái này: đọc hết Le Vicomte de Bragelonne cả nghìn trang sách to tướng đồng nghĩa với việc gặp vô số động từ chia ở “passé simple”, thế mà với tôi cái thời này chỉ có nghĩa khi nằm ở các câu văn trong sách, chứ đưa cho tôi một động từ nguyên thể rồi bắt tôi chia thì tôi không thể làm nổi, tôi chẳng thấy có nghĩa gì hết, thế nên ngay cả bọn chưa bao giờ đọc hết nổi một trang tiểu thuyết cổ điển cũng đủ sức vượt mặt tôi ở một số thứ mà theo lẽ thông thường tôi phải rất giỏi. Tôi chỉ giỏi mỗi việc lang thang ở các kệ sách rồi rút lấy những quyển nào tự dưng tôi thấy là nhất thiết phải đọc, một cách hết sức mù quáng, tay tôi cầm Bescherelle nhưng chỉ vài phút là tôi quẳng đi để đọc Balzac, tôi không biết chia động từ nhưng tôi biết Nucingen là ai, tôi biết cái tên Cadignan, tôi không thuộc tiểu sử Lý Tự Trọng nhưng tôi biết Lucien Chardon đã biến thành Lucien de Rubempré như thế nào, và gần như thuộc lòng tiểu sử Rastignac. Cũng nhờ lần theo sự sắp xếp theo vần chữ cái mà tôi phát hiện ra có một bà già tên là Marguerite Duras, chỉ đơn giản vì Duras được xếp cạnh Alexandre Dumas tại các thư viện không thực sự có rất nhiều tác giả (tôi không nhớ rõ là cái thư viện ấy có tác giả Ducon ở ngay trước Dumas hay không). Cuộc đời đi học của tôi là một cuộc trải rộng bất tận của đọc sách trộm trong ngăn bàn, thói quen mà tôi không bỏ được cho mãi đến lúc đã đi học vài năm ở cái trường gần bờ mương giờ đây đã chui xuống bên dưới con đường từng được mệnh danh là đường đẹp nhất Việt Nam. Hôm ấy, tôi đang đọc đoạn đầu Le Tambour của Günter Grass, thấy chưa bao giờ có gì hay hơn thế, một bà già mặc không biết bao nhiêu lần váy ngồi bên đống lửa, thì chột dạ ngẩng lên, một cô giáo hắc ám (thế giới học hành của tôi tứ phía vây dồn những cô giáo hắc ám) lẳng lặng đứng ngay sau lưng tôi, chẳng biết từ bao giờ đã chứng kiến tôi thậm thụt giao tình với ông béo Grass. Rốt cuộc, tất tật những gì mà sách ngữ pháp dạy cho tôi chỉ nghèo nàn rằng ngôn ngữ rất hay vì nó có quy tắc, nhưng dở một điều là những gì quan trọng đều bất quy tắc, và thêm nữa, “amour” (tình yêu) ở số ít là giống đực, nhưng sang số nhiều thì lại biến thành giống cái. Thật ra là tôi đi tìm những điều kỳ diệu, những gì an ủy được cho tôi, trong cái quá trình dài dặc tự đào luyện mình trở thành một nghịch âm chói.

(Tôi định trổ thêm một trữ tình ngoại đề về đề tài âm nhạc, về La Catedral của Barrios Mangoré, nhưng thôi, có những điều mãi về sau nhắc lại vẫn thật là đau lòng.)

Tôi càng khinh bỉ văn chương hơn khi mà một hôm lên cơn dở hơi, bỗng tôi viết một cái truyện rồi gửi đăng báo, và sau đó một thời gian thì báo in ra. Ngay trong lúc viết tôi đã biết nó chẳng ra gì, nó hời hợt và lừa dối, nó là một sự trưng bày bịp bợm, trông chỉ hao hao giống cái gì đó mà thôi. Thế mà nó được đăng báo. Tôi nhớ đến cảm giác bối rối, sung sướng, nghi ngờ của những cậu bé lần đầu tiên thấy văn chương của mình xuất hiện trên báo: Marcel Proust và sự miêu tả rất đáng nhớ liên quan đến tờ Le Figaro, rồi cái suy nghĩ về các độc giả có thể đã đọc bài báo, một cách chăm chú, một cách hững hờ, thậm chí với độc một sự cười cợt; rồi Nhượng Tống được tờ Khai Hóa của Bạch Thái Bưởi đăng bài lần đầu, năm mười lăm, mười sáu tuổi. Truyện của tôi cũng đăng báo hồi tôi mười lăm, mười sáu tuổi. Ngay sau đó tôi hiểu ra là chẳng thể nào trông chờ gì ở thế giới bên ngoài, thế giới ấy còn nghèo nàn hơn thế giới bên trong của tôi, dẫu cái thế giới kia có màu mè đến như thế nào đi nữa.

Nhưng, ở một chuyến đi khác - phải, trước chuyến đi ra biển ấy đã có những chuyến đi khác; trong đời tôi, một sở trường lớn của tôi là bỏ đi - tôi không mang theo gì khác ngoài một quyển sách: La Confession d’un enfant du sièle. Đã có thời tôi đọc Alfred de Musset, cũng như tôi tìm sự nguôi ngoai cho một cái gì không rõ ở cậu bé Émile nơi Montmorency của Jean-Jacques Rousseau, rồi con tàu của Arthur Rimbaud. Rimbaud, ấy là “Je m’en allais, les poings dans mes poches crevées”, bỏ ra đi, đút tay vào túi thủng. Cuối cùng Musset đã thú tội những gì trong cuốn sách ấy, đến giờ tôi vẫn chưa biết, mặc dù quyển sách thì tôi vẫn còn giữ, nhàu nát như thể đã được đọc một trăm lần, nhưng thật ra chưa bao giờ tôi đọc quá trang thứ mười. Tôi đã cầm nó theo, và dùng nó để gối đầu khi thấy là cần phải nằm ngủ dưới một gốc cây lớn bên rệ đường. Tôi ngủ một giấc dài cho đến lúc mặt trời chuyển chỗ, bóng cây không còn che nắng cho tôi được nữa. Những mùa hè ấy thật là khốc liệt. Tôi tỉnh dậy, nhận ra quanh tôi có rất nhiều kiến. Chúng bò lung tung, không đếm xỉa gì đến tôi. Lũ kiến còn lâu mới thèm đếm xỉa đến loài người ngu xuẩn. Tôi lười nhác không muốn kiếm một bóng râm khác, mà nằm lại đó đếm kiến. Kết quả là, La Confession của Musset, tôi chẳng đọc được quá mười trang đầu, nhưng tôi đếm được 1421 con kiến vào buổi xế trưa ấy.

Rồi cũng phải tới lúc đi khỏi. Tôi đến một quán cơm ven đường quốc lộ, may mà vẫn còn đồ ăn. Ánh nắng quáng nháo nhào làm tôi thấy như là đang ở trong một ảo ảnh, một hình thù gì to lớn từ xa bỗng xuất hiện. Nó cứ lừ lừ ở đó, hình như nó để ý đến tôi, đúng là nó để ý đến tôi, và còn hơn thế, nó muốn bắn một cái gì đó về phía tôi. Khi mọi sự bỗng trở lại thực tại như sau một cơn chùng xuống của tâm trí và tinh thần, tôi mới hiểu ra là chẳng có ảo ảnh nào hết. Một cái xe tải rất to đi qua trên đường, từ bánh xe của nó văng ra mảnh kim loại hình tròn phủ lên che những cái bù loong của lốp, mảnh tròn ấy lao thẳng về phía tôi. Tôi nhìn nó lăn về phía mình như bị thôi miên, nếu nó đủ đà thì chắc chắn tôi đã không thể tránh nổi. Nhưng nó lăn tít mù rồi chậm dần, đến cách chân tôi vài chục xăng ti mét thì dừng lại, nằm ập xuống như một con thú kiệt sức. Tôi ăn nốt bữa cơm trên con đường bụi.

Lần này, ở giữa biển, cũng chỉ được một ngày là tôi đã không thể chịu đựng nổi nữa. Nơi đây chắc không có đến 1421 con kiến cho tôi đếm. Tôi quyết định lại bỏ đi, lại thêm một lần nữa tôi bỏ đi. Tôi bảo những người đi cùng là tôi sẽ vào Hải Phòng thăm bạn. Thật ra điều đó cũng đúng, sau một năm đầu ở đại học, quả thật tôi cũng có bạn ở Hải Phòng.

Tôi đến Hải Phòng lần đầu tiên vào một buổi chiều rất vắng và rực nắng, cái nắng sau này tôi sẽ không còn bao giờ gặp lại nữa, mặc dù về sau Hải Phòng dần trở thành một thành phố thân quen của tôi.

Hải Phòng và Nam Định: không có những thành phố nào nâng cấp phẩm chất con người Bắc Kỳ nhiều hơn được nữa. Với một thằng bé Hà Nội như tôi, Nam Định là cả một bầu trời khác, là “miền Nam”, nơi có thể đến được sau nhiều tiếng đồng hồ chen chúc trên một chuyến xe khách đông như nêm không có lấy một kẽ hở, nhiều lúc còn đầy bu gà, chuyến xe ấy xuất phát từ bến xe Kim Liên giờ đây đã biến thành khách sạn Nikko. Nhiều năm về sau, ngồi ở sảnh khách sạn Nikko một buổi tối muộn, tôi chợt nghĩ đến bến xe Kim Liên, bóng ma của nó còn lẩn quất ở nơi này, một khu địa dư Hà Nội đặc biệt nhiều ma, tôi nhớ đến những chuyến xe khách mình từng đi hồi bé, cái bến xe bẩn thỉu lõng bõng nước khi trời mưa, trong một chuyến đi từ Nam Định lên Hà Nội dịp giáp Tết, về đúng đến bến thì tôi nôn sạch sẽ những gì đang có trong bụng vào một người khách ngồi cạnh, thế mà tôi không hề bị mắng, lại còn được vỗ về, và sau đó còn được dẫn đi ăn phở. Cô gái mà tôi đợi cuối cùng cũng xuất hiện, cô sửa soạn rất lâu khiến tôi đủ thời gian cho ký ức mọc lên đâm cành trổ nhánh thiếu điều làm tôi chết ngạt, sảnh khách sạn quãng nửa đêm rất vắng, ngập tràn mùi hương tóc mới gội của cô gái; chúng tôi quen nhau đã lâu nhưng đêm hôm ấy tôi mới dẫn cô gái ra bên hồ Thiền Quang và hôn cô gái ấy. Cô gái thuộc về một nơi khác không biết rằng cái hồ này đầy tử khí, biết bao nhiêu xác chết của nhiều đời đã bị ném xuống đây; hồi thập niên bao nhiêu đó khi tát nước đi, dưới đáy hồ nổi trắng xương người - không xa nó là phố Ôn Như Hầu ma quái; gần đây người ta đã dùng bê tông láng lại đáy hồ. Khoái cảm rực màu hồn ma bóng quế dưới ánh trăng ngập tràn của đêm hôm ấy dường như dẫn dụ cô gái và tôi đi vào một cõi nào xa vắng, mà bốn bức tường căn phòng khách sạn Nikko chỉ là những phân định tạm quy ước không ngăn chặn được những ánh mắt vô hình. Những chuyến xe khách trên nóc có người ngồi vẫn tiếp tục chạy trong một chiều không gian khác, vẫn có những thằng bé nhút nhát nôn vào người ngồi bên cạnh rồi đợi bị mắng một trận nên thân. Ở Nam Định, gần nhà ga, nơi những vụ chém người xảy ra như cơm bữa - thành phố ấy đã sống qua giai đoạn hấp hối của nhà máy dệt, điêu tàn như một ngôi thành cổ - là nơi tôi bắt đầu học chơi điện tử bốn nút, trò Contra mà chúng tôi gọi là “răm bô”, cái trò chơi một quãng thời gian dài rất thịnh hành ở mấy quán điện tử tấp nập như ở khu Nam Đồng. Đợt lụt dữ dội đầu tiên mà tôi trải qua trong đời là ở Hà Nội, năm 1985, đúng dịp đổi tiền, đợt lụt thứ hai là ở Nam Định; cuối mùa hè năm 1988, tự dưng tôi thấy người lớn quanh tôi xao xác lên vì cái tin hai nhà thơ vừa bị tai nạn chết, tôi biết về cái chết của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh ở Nam Định, lúc sắp kết thúc mùa hè và chuẩn bị lên Hà Nội vào năm học mới, tức là những cuộc đánh nhau mới, mỗi lúc một thêm tàn khốc; con người miền Bắc thuộc về cõi gió mưa và lụt lội, và mãi tôi mới hiểu tại sao Bỉ vỏ của Nguyên Hồng đậm màu sắc Bắc Việt đến thế: là vì các câu chuyện xảy ra ở Nam Định và Hải Phòng. Và nhất là những chuyến tàu hỏa và tàu thủy.

Không gì có thể so sánh với những chuyến tàu hỏa của một thời. Lên tàu hỏa không có nghĩa là đi đến một cái đích cụ thể, mà cái chính là bước vào một chuyến đi chẳng rõ là sẽ tới đâu và bao giờ thì tới. Tôi từng đi những chuyến tàu từ Hà Nội về Nam Định hết tám tiếng đồng hồ, và có một lần từ Nam Định lên Hà Nội, thế nào mà đến nửa đêm thì lại ngồi giữa một thung lũng tím tái dưới một làn trăng bệnh; ấy là đâu đó ở Bỉm Sơn, gần đến Thanh Hóa, nghĩa là theo hướng ngược hẳn lại. Về sau, những đêm đi chơi về muộn, gặp chắn tàu ở Cửa Nam hay Khâm Thiên hay Trần Phú, tôi lại nhìn theo những toa tàu lờ mờ sáng, chuyến này thì lát nữa sẽ chạy qua đoạn phố cao Phùng Hưng rồi lên cầu Long Biên, chuyến kia thì chốc nữa thôi sẽ tới nhà ga hàng hóa Giáp Bát. Tàu đi xong, hết chắn tàu, buổi đêm Hà Nội mới hết một đoạn canh giờ đặc thù.

Chuyến đột nhập Hải Phòng mùa hè năm ấy, tôi quyết định đi tàu thủy. Lúc đến, chúng tôi xuống ga tàu hỏa là ra thẳng bến để đón một thứ gọi là “tàu cánh ngầm” nên tôi chưa thực sự nhìn thấy gì. Bốn tiếng liền trên chuyến tàu đi qua vịnh, lúc đầu tôi rất nôn nóng để nhìn thấy Hải Phòng mà tôi mới chỉ biết thông qua Nguyên Hồng, Văn Cao (“Sinh tôi ra đã có Hải Phòng”), nhưng nhịp điệu ru ngủ của con tàu nhất quyết không chịu đi nhanh làm tôi thấy tốt nhất là chẳng việc gì phải vội. Nếu trên tàu có kiến thì tôi sẽ đếm, nhưng không có kiến, cũng không có tay anh chị nào như Năm Saigon chăm chăm tìm trẻ con trên người đeo vàng để bắt đi, giật thốc lấy rồi lao mình xuống nước, chẳng có luôn một thằng cha nhà quê nào ranh ma giấu đồ quý vào cái bu gà như trong truyện “Một chuyện trên tàu thủy” của Thế Lữ. Con tàu chạy trên mặt biển lặng, vạch phía sau những rẽ nước buồn bã và thản nhiên bất tận, mọi thứ lững lờ đến nỗi trong đầu tôi còn chẳng thấy hứng thú lẩm nhẩm những câu thơ, của Rimbaud, những câu thơ mà tôi làm rồi sau đó cũng đốt sạch, hoặc thơ Lưu Quang Vũ. Thật ra trong suốt chuyến đi ấy, bầu bạn đích thực của tôi là “Bầy ong trong đêm sâu”: “Em ở đâu em ngủ ở phương nào/Môi em thở những điều gì khe khẽ/Em em gần hay em xa thế nhỉ/Đến bất ngờ chói nắng giữa lòng đau”. Về sau, kể cả khi đã thấy thơ của Lưu Quang Vũ chẳng có gì là ghê gớm, thì tôi vẫn chẳng bao giờ ghét nó được, đó là thơ cho những tâm hồn tan hoang, cho những Alexandre ĐờNát, mà sự rách rưới chẳng thể nào giải thích nổi. Có gì để giải thích đâu.

Tôi sẽ quen thuộc với Ngã Sáu Hải Phòng, cái nơi ngã về phía nào cũng có đường đi. Hải Phòng có một phố rất chéo, tên là Đà Nẵng, không rõ hồi ấy đã có chưa, nó dẫn ra một khu rất mới, những khu mới như thế làm cho Hải Phòng giống Thanh Hóa, Thanh Hóa giống Vũng Tàu, tất tật giống y hệt nhau. Buổi chiều nắng choáng người ấy, tôi đinh ninh rằng Hải Phòng là một nơi không có người, phố Bến Bính đầy lá phượng rơi trên vỉa hè tuyệt đối không có bóng một ai. Người Hải Phòng bỗng như biến đi đâu hết cả, tôi đi trong một thành phố không người, hoặc giả trong sự lếch thếch của mình tôi chẳng nhìn thấy ai nữa. Tôi cũng đi tìm một cái bốt điện thoại để gọi cho người bạn học sống ở Hải Phòng đang về nhà nghỉ hè, nhưng đấy chỉ là một hành động để tự làm mình yên tâm, chứ tôi biết rõ mình sẽ không gặp ai. Tôi đi qua vườn hoa đưa người, nó làm tôi nhớ khủng khiếp những vườn hoa ở Nam Định nơi tôi lê la chơi hồi còn nhỏ. Nam Định và Hải Phòng rất giống nhau ở cái vẻ kiêu kỳ tỉnh lẻ, cảnh vẻ đến cả trong giọng nói con người. Tôi rất thích những cô gái Hải Phòng, cô nào cũng rất xinh một kiểu sắc sảo, nhất là những cô gái gốc Thủy Nguyên thì tuyệt đẹp. Mấy năm về sau, một cô gái Hải Phòng đưa tôi vào trong nhà kho bến cảng để giúp tôi lấy những thứ của tôi, một cô gái rất Hải Phòng, ngực và mông đều to, mắt sắc, cao lớn, giọng nói còn cao lớn hơn thân hình. Rất không giống các cô gái Hà Nội, cô gái Hải Phòng ấy không hề õng ẹo, màu mè trong ham muốn, nhưng khi dứt tình thì cũng thật đột ngột và nhanh chóng; câu cuối cùng mà cô gái ấy nói với tôi là: “Anh ơi, em như chim sợ cành cong”, và từ đó với tôi đây là câu nói Hải Phòng nhất mà người ta có thể tưởng tượng được. Hải Phòng khi ấy chắc còn chưa có khách sạn Harbour View đầu phố Trần Phú gần bến cảng, nơi giờ đây tôi hay đến mỗi khi tới nơi này, nhưng nhà bưu điện chắc vẫn thế, một tòa nhà rất đẹp. Tôi ngồi ở đó để suy nghĩ xem sẽ làm gì tiếp theo.

Sập tối thì tôi ra ga tàu hỏa. Rốt cuộc, tôi chỉ ở Hải Phòng đúng một phần buổi chiều, mùa hè năm ấy. Sau này sẽ còn rất nhiều lần tôi đến đây. Một xế chiều cuối mùa xuân bên hồ Tam Bạc, lũ chúng tôi trong một chuyến giang hồ oặt oẹo ngồi đó bàn tính, rồi buổi đêm được vài người bạn Hải Phòng chở xe máy đi chơi, đang đi thì có xe cảnh sát cơ động đuổi theo, thói quen Hà Nội khiến chúng tôi định bỏ chạy, nhưng mấy thổ công bảo ngay, thôi dừng đi, bọn này nó bắn thật đấy chứ không giả vờ đâu. Một lần khác, tan nát, chẳng thấy có chỗ nào khác để đi ngoài Hải Phòng, tôi mò xuống cái khách sạn rất lớn ở Đồ Sơn, đang mùa lạnh không có một người khách nào, cả đêm trầy trật với chai rượu mang theo và một lũ ma bỗng tìm ra con mồi. Cách đây không lâu, tôi tới nghĩa trang nằm trên đường từ Hải Phòng xuống Đồ Sơn, quá Cầu Rào một chút, để tiễn Bùi Ngọc Tấn, người bạn Hải Phòng Ngã Sáu. Hải Phòng là sự tương phản tàn nhẫn, không lần nào đến đây tôi không tận mắt chứng kiến những trận đâm chém ngoài đường hoặc trong quán xá, nhưng lại cũng có những con người hiền hậu như cái ông nhà văn sống trong mấy căn phòng chật chội ấy.

Tôi đi tàu từ Hải Phòng về Hà Nội, qua ga Lạc Đạo, ga Cẩm Giàng. Tôi chưa muốn kết thúc chuyến đi, nhưng tôi cũng chẳng biết phải đi đâu. Trước đó tôi từng ngủ đêm một mình ngoài đường rồi nên cũng không sợ chuyện ấy, nhưng lúc ngồi ở nhà bưu điện Hải Phòng, tôi nghĩ tốt nhất cứ bám lấy những đoàn tàu rồi tính sau, đến đâu thì đến, nghĩ ngợi suy tính nhiều cũng mệt, mà cũng chẳng để làm gì. Ngoài sở trường bỏ đi, đời tôi còn có một sở trường nữa, là không chịu quyết định.

Ga Hàng Cỏ-Trần Quý Cáp ban đêm vật vờ rất nhiều bóng dáng khó tả. Tôi hoàn toàn có thể đi ra cổng rồi bắt xe về nhà, nhưng tôi không muốn làm thế. Thật ra tôi chẳng hề muốn làm gì, cái dở của một sự quy thuận trước cuộc đời là nó làm tắt mất các xung động để ta có thể nương theo. Cuối cùng lúc nào cũng chỉ có sự hoang vắng ấy, nỗi buồn ấy, một sự bất định cứ trải rộng ra mãi không có điểm dừng. Tôi không thực sự thấy đau khổ, ham muốn tự sát ở tôi chỉ xuất hiện rồi biến mất ngay sau một thời gian ngắn, trước đó. Rồi đã có chuyến đi sang một thế giới khác, nhưng thế giới ấy đã ném trả tôi về, một cách phũ phàng và lạnh lùng. Chẳng có nơi nào tiếp nhận tôi, đó là cảm giác của tôi khi ngồi trên một cái bệ cứng ngắc và lạnh lẽo ở ga Hà Nội, chờ đợi nhưng cũng không chờ đợi, buồn bã nhưng cũng không ngừng để ý đến những bóng dáng lượn lờ xung quanh. Màn đêm mỗi lúc một thêm sâu thẳm, tôi vẫn không quyết định được điều gì, có thể năng lực suy nghĩ của tôi đã bị tê liệt hoàn toàn.

Đúng lúc ấy, một đoàn tàu chuẩn bị chuyển bánh. Không nghĩ gì nữa, không hề biết nó hướng về đâu, tôi nhảy lên luôn. Tôi bước vào một toa tàu gần như không có một ai, một toa tàu rất bình thường, với những hàng ghế, nhưng gần như không có một ai. Tôi hoàn toàn không biết mình đang làm gì nữa, rồi tôi lại nghĩ, thôi mặc kệ, cứ ở đây cho xong, rồi bịa ra là mình định đi Yên Bái (chẳng hiểu sao lúc ấy tôi lại nghĩ đến “Yên Bái”, chắc vì loa nhà ga có nhắc đến nó, chứ lúc này tôi không biết Yên Bái là gì, và mãi về sau đi Mường Lò, Tú Lệ, Mù Căng Chải tôi mới biết đấy chính là Yên Bái) nhưng bị nhầm tàu. Chuyện nhầm tàu xưa nay có gì lạ đâu, tôi từng đi Hà Nội rồi hóa ra lại tới Bỉm Sơn rồi còn gì. Thế nào chẳng có cách giải quyết, mà cũng có thể sẽ chẳng ai buồn để ý đến tôi.

Chẳng hiểu vì lẽ gì mà thằng bé ấy lại để ý đến tôi.

Tôi tự thấy tôi giống một nhân vật tiểu thuyết, cuốn tiểu thuyết mà tôi mới đọc khi ấy, kẻ lúc nào cũng nhảy lên một đoàn tàu đúng vào phút cuối cùng, không vé không hành lý, chẳng hề biết trước mình sẽ gặp những ai và đi tới nơi đâu. Mãi về sau này tôi vẫn thích nhất, nhiều lúc còn tự đồng hóa mình với họ, ba nhân vật tiểu thuyết mà trong đó tới hai người có chữ “j” ở tên: Jaromil và Hajime, còn người thứ ba là Marco Fogg. Tôi căm ghét văn chương, nhưng tôi chỉ tìm thấy những điều có thực, những mảnh nhỏ của tôi, hay nói đúng hơn là những gì tôi hình dung về tôi, trong những cuốn tiểu thuyết. Tôi chỉ thực sự ưa những con người để mặc cho cuộc đời dẫn đi, đâu cũng được, kể cả là xuống địa ngục, tôi chẳng thấy có gì hay ho ở những nhân vật anh hùng phản kháng số mệnh, hét lên những tiếng kêu căm phẫn, tôi thấy bọn họ rất ngu xuẩn và lại còn thống thiết; có lẽ tôi còn ngu xuẩn hơn, nhưng chắc chắn không thống thiết như thế. Và rốt cuộc tôi đã thêm lần nữa ở trên một toa tàu, như thể số phận của cái ngày hôm ấy là buộc tôi phải trải qua hết sự hoang vu này đến sự hoang vu khác; ngoài biển thì hoang vu thế, thành phố thì tuyệt đối vắng người, cho đến đoàn tàu này cũng lại như là không có lấy một linh hồn sống; chắc là tôi sẽ chẳng ngạc nhiên nếu nó đưa tôi đến một sa mạc mênh mông cát nào đó, Gobi hay Sahara hay bất kỳ đâu, có lẽ lúc mở mắt dậy tôi sẽ nhìn thấy một con nhân sư đường bệ và đáng sợ, rồi sau vài câu hỏi nó sẽ lại ném trả tôi trở về thế giới cũ; tôi chẳng có chỗ ở đâu, tôi cũng đâu có biết câu trả lời cho những câu hỏi quái đản mà hòng đi được sang một nơi khác. Toa tàu mà sự tình cờ khiến tôi đậu xuống đêm hôm ấy giống mọi toa tàu tôi từng đi, những ghế gỗ quay vào nhau chán nản trưng bày những khe hở giữa các thanh gỗ lát, chủ yếu đã đen bóng lên vì biết bao nhiêu người ngồi, ở giữa là những bàn nhỏ bắt vít vào vách tàu bịt kim loại ban đầu màu trắng nhưng xông pha mãi qua những thứ bẩn thỉu đã biến màu không thể xác định được nữa, những cái bàn nhỏ đến nỗi chẳng thể nào hiểu dùng để làm gì, và hai hàng giá để đồ chạy suốt hai bên mạn tàu phía trên các dãy ghế, tuyệt đối không có lấy một cái túi hay ba lô, va li, thùng các tông gì cả. Đoàn tàu này cũng giống những đoàn tàu tôi từng đi, khôn ngoan nhất là đừng nghĩ nó đang chạy, vì nó chạy chậm khủng khiếp; trên hành trình Bắc-Nam tàu Thống Nhất hồi ấy, đàn ông đi tàu thường có một môn thể thao rất thú vị: những khi tàu dừng ở ga rồi bắt đầu chuyển bánh, họ vẫn đứng lại dưới sân ga chẳng vội vã gì, hút nốt điếu thuốc, nói nốt câu chuyện, mãi một lúc sau họ mới chạy đuổi theo, nhảy lên bám cửa ở chỗ đặt các bậc đầu các toa, hoặc cũng chẳng cần, họ bám đúng vào ô cửa sổ chỗ ngồi của họ rồi đu người vào; tàu chạy quá chậm nên không bao giờ lo không chạy kịp đuổi theo. Những đoàn tàu lại còn hay đang đi bỗng dừng lại một cách vô cớ, có những khi rất lâu, chuyến tàu đêm hôm ấy cũng thế, nhiều lần nó dừng lại đâu đó rất âm u giữa rừng núi, sự im ắng chỉ đôi khi bị xé toang bởi tiếng một con chim đêm não nề.

Ngồi bừa vào một cái ghế, tôi càng thấm thía hơn sự quạnh quẽ của toa tàu trong ánh đèn vàng vọt. Nhưng có lẽ tôi thích như vậy hơn, ít nhất thì tôi cũng không có hơi sức và tâm trí để đối phó với những hiện diện con người nữa. Tàu đã đi qua đoạn phố cao Phùng Hưng, đã nhìn thấy những người đằng kia bị chắn tàu ngăn lại bực bội chờ đợi, sau vài lối quành là đi lên cầu Long Biên. Với một người Hà Nội, qua cầu tức là đi khỏi thành phố, bỏ lại sau lưng một gánh nặng phố phường. Tôi cứ tò mò suốt vì không hiểu tại sao với rất nhiều người, Hà Nội nghĩa là ánh sáng; Quang Dũng trong cuốn Nhà đồi từng từ xa nhìn về Hà Nội, thấy nó là cả một quầng ánh sáng lớn lao, trong khi tôi luôn luôn thấy Hà Nội là thành phố tối tăm nhất trên đời, hàng trăm thành phố sau này tôi từng ghé chân qua, nhiều nơi còn đem thân ở lại suốt một quãng thời gian, càng làm tôi thấy điều đó là đúng. Chẳng thành phố nào trên thế giới tối như Hà Nội, buồn như Hà Nội. Cũng chẳng thành phố nào hấp dẫn một cách trễ nải như thế.

Nhưng tôi đã nhầm: trong toa tàu không chỉ có mình tôi. Thằng bé ấy hiện ra trước mặt tôi, từ một cái ghế nào, trước đó nó nằm nên tôi không nhìn thấy, và để ý kỹ thì tôi còn thấy vài người nữa nằm thu lu, rải rác một cách thoải mái trên một chuyến tàu quá vắng. Nó bắt chuyện với tôi theo một lối rất phòng thủ, và một cách đặc trưng vỉa hè Hà Nội, ngay lập tức nó gọi tôi là “anh” đầy cung kính. Sau này, tôi sẽ tồn tại một cách yên ổn qua rất nhiều quán nước vỉa hè Hà Nội ban đêm, chính là nhờ học theo cung cách nói năng của nó. Về cơ bản ta sẽ không bị nguy hiểm ngay cả ở những nơi khủng khiếp đông đặc đầu gấu quân khu nếu làm được hai điều: trong lòng không sợ và với bất kỳ ai lúc đầu nói chuyện cứ gọi là “anh” luôn cái đã. Tất nhiên đấy là nếu may mắn toàn gặp những thằng mặt giặc nhưng có chút nể nang các quy tắc cư xử bất thành văn. Một thời gian dài, cứ điểm ưa thích của tôi đêm khuya là góc giao nhau giữa mấy phố Bà Triệu, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bỉnh Khiêm, ngồi đó thường xuyên tha hồ xem đua xe. Sau mấy câu, thằng bé hỏi tôi đi đâu, tôi bảo tôi đi Yên Bái, tôi lên đó vì có một cái đám cưới người quen. Nó nhìn tôi, vẻ ngạc nhiên nhanh chóng biến thành sự tò mò. Nó bảo, nhưng tàu này đi Lạng Sơn mà anh.

Chắc nó biết tỏng là tôi thuộc dạng dạt vòm cơ nhỡ, nhưng nó cũng không nói gì khi tôi vờ vịt bảo thế thì nhầm tàu rồi, nhưng mà thôi kệ, đi Lạng Sơn chơi một chuyến cũng được, đợi người quen làm đám cưới khác rồi lên dự một thể chắc cũng không sao. Đúng lúc ấy, cứu nguy cho tôi, người bán thuốc lá dạo đi đến. Tôi bèn mua mấy điếu thuốc mời nó, nó và tôi cùng im lặng rít thuốc, nuốt trôi đi sự bỡ ngỡ ban đầu mới gặp. Người đi tàu ngày xưa không bao giờ quên được mấy thứ bán rong, cái mẹt quà bánh và hộp bán thuốc, cái hộp gỗ dẹt có mặt kính phía trên, tròng dây đeo vào cổ, có thêm đóm và cái đèn dầu, còn ống điếu nhét bị đeo sau lưng người bán dạo, trong cái bị ấy còn để những bao thuốc dự trữ.

Hút xong điếu thuốc, chừng như thấy tôi cũng không có gì nguy hiểm khỏi phải đề phòng và chơi được, thằng bé hướng dẫn tôi lát nữa soát vé đến thì phải làm thế nào, tốt nhất là đưa mẹ tiền trước, khéo mồm có khi thằng soát vé nó chỉ lấy nửa tiền vẫn cho đi, bọn chó ấy thì chỉ thế thôi. Lúc sau, vì không khéo mồm lắm nên tôi vẫn mất tiền đúng giá vé cho lão soát vé người khô đét mắt thâm quầng nhưng yên tâm là sẽ không bị đuổi xuống ở ga Yên Viên nữa.

Mối quen biết đã sâu hơn và mơ hồ đi vào sự tin cậy lẫn nhau, tôi hỏi thằng bé sao tàu gì mà lại vắng thế. Nó bảo tàu lên thì thế, tàu về mới đông. Khi đã đi chuyến tàu chiều ngược lại Lạng Sơn-Hà Nội rồi tôi mới hiểu nó định nói gì: những chuyến tàu chợ này dành riêng cho dân buôn lậu, chúng dùng để chở hàng chứ khách đi chỉ đơn thuần là áp tải. Cả nó cũng là một người áp tải hàng. Tôi suýt ngã ngửa khi nó hỏi tuổi tôi rồi mau mắn khai tuổi nó trước. Nó đúng bằng tuổi tôi, thậm chí về sau tôi còn biết nó sinh cùng tháng với tôi, thế nhưng nó bé như một cái kẹo gặm dở, đen đủi, thấp chỉ đến tầm ngực tôi, tôi nghĩ ngay là khôn ngoan hơn hết mình cứ nhận béng là hơn tuổi nó, đỡ lằng nhằng. Thằng bé ấy hóa ra lại là người hay chuyện, cả đêm hôm ấy nó kể chuyện cho tôi nghe, những câu chuyện của nó lẫn vào với màn đêm rừng núi bên ngoài những quãng tàu dừng lâu, phảng phất ghê rợn. Cứ vài tiếng, người bán thuốc dạo đi qua, tôi lại mua thêm thuốc lá để hút vặt, cho cả nó và tôi. Sáng hôm sau, ở Đồng Đăng, tôi sẽ lần đầu tiên trong đời rít thuốc lào và hoàn thành công việc một cách oanh liệt, làm cho cái ống điếu rít lên thật vui sướng và bốc khói mù mịt mà không ngã ngửa ra đằng sau vì say thuốc, trước ánh mắt đầy thích thú của nó, nó cảm thấy nó là thầy dạy tôi hút thuốc lào. Nó chỉ không biết là tôi suýt nôn và phải hết sức cố gắng để giữ vẻ thản nhiên trong khi toàn bộ phổi nóng ran như lò than hoa nướng chả.

Nó bảo, cứ đến khu chợ Ngô Sĩ Liên trước mặt ga Trần Quý Cáp, hỏi ai là cũng biết nó hết. Nó là một dạng tiểu yêu xuất sắc, thành công vượt bậc trong mọi sự đã kinh qua, mới từng ấy tuổi thôi nhưng đã có vai vế đáng kể rồi, vì đã kịp lập một số chiến công xuất sắc như là chém chết một thằng, phải đi trại một thời gian, may mà chạy chọt đúng cửa nên thoát sớm. Đổi lại, nó cũng bị chém suýt chết, nó bảo tôi, anh sờ vào đây, tôi còn ngập ngừng thì nó chộp ngay lấy tay tôi đặt lên đầu nó. Bên dưới mớ tóc cứng quèo, ngón tay tôi cảm nhận ngay được một vết rạch khủng khiếp như một con lươn, làm tôi phải rụt ngay tay lại như bị bỏng. Nó bật cười, giọng khô khốc, chắc nó cũng lấy làm buồn cười vì thế quái nào đêm hôm ấy lại đi kể những câu chuyện với nó quá sức bình thường nhưng làm trố mắt một thằng thư sinh mặt trắng từng ấy tuổi đầu còn chưa biết làm gì và chẳng biết sẽ làm cái quái gì trong đời. Nó kể về nhà nó, nói rằng chuyến này nó đi áp tải hàng cho bà chị. Nó hứa sáng hôm sau đến Đồng Đăng sẽ dẫn tôi đi xem những lối mòn xuyên rừng mà dân buôn lậu sử dụng để tránh công an cửa khẩu. Nó bảo, chắc anh còn chưa bao giờ cắt cổ một con gà ấy nhỉ.

Tôi cười trừ ngoài mặt và cười trừ cả trong bụng. Nhịp điệu chậm chạp của đoàn tàu đã bắt đầu làm cả nó và tôi buồn ngủ. Tôi nghĩ bụng, đêm nay mình ngủ ngay cạnh một thằng từng giết người, giữa rừng với núi bất tận như thế này, nhưng tôi cũng chẳng nghĩ nữa, bỏ luôn ý định trông chừng cái ba lô mà tôi mang theo. Trong đó tôi để khá nhiều tiền, vì nhìn chung tôi là người cẩn thận. Sau này, những ngày lang thang ở Wien, tôi nhàu nát đến nỗi suýt bị bồi bàn quán ăn đuổi ra, nhưng dẫu có bét nhè đến đâu thì tôi vẫn quyết định tự đãi tôi một bữa ở quán thật sang, couvert bạc, đủ hết từ entrée đến dessert, lại còn bo thêm một món rất hời. Cái ba lô màu đen tôi mang theo trong chuyến đi ấy, mãi đến rất gần đây tôi mới quyết định vứt đi, sau khi đã tự lấy kim chỉ khâu lại những chỗ rách không biết bao nhiêu lần.

Tôi mở mắt, trời nhập nhoạng bắt đầu sáng. Thằng bé kia lay tôi, thì thào - tôi cũng không hiểu tại sao nó lại thì thào nữa - rằng đã tới Đồng Đăng rồi. Sáng hôm ấy, tôi biết thế nào là uống rượu vào lúc bảy giờ sáng tại một quán cóc ven đường, bụng dạ sôi réo ùng ục và mắt hoa cả lên. Thằng bé ấy nhất định bắt tôi phải uống, rất là huynh đệ khí khái, rồi nó giữ đúng lời hứa, dẫn tôi đi xem những lối mòn buôn lậu. Thật ra là tôi trả tiền xe ôm chở nó và tôi đến đó xem. Rồi nó dẫn tôi vào chợ Đồng Đăng, nằng nặc bắt tôi mua một con dao gấp lưỡi nhọn hoắt rất đáng sợ, bảo đây là mốt mới nhất, rất hữu dụng trong chiến đấu tay đôi.

Kết thúc là một cơn ngủ, một cơn ngủ rất vùi, nặng nề và kỳ lạ. Rất khó biết chính xác nó bắt đầu từ lúc nào, mặc dù tôi đã dồn hết sức lực để huy động trí nhớ lắm lúc rất quái gở và ưa tìm về những điều có lẽ không nên nhớ làm gì, của tôi. Giấc ngủ bắt đầu ở đâu đó sau khi đoàn tàu đã đi qua ải Chi Lăng, có lẽ, bởi vì lần đầu nhìn thấy ải Chi Lăng, con người ta không thể không náo nức nhìn xem núi Kai Kinh có thể là ngọn núi nào đằng kia, Quỷ Môn Quan có thể nằm ở đâu, đoán thử xem Liễu Thăng sa cơ chính xác ở đoạn nào. Nhưng những câu chuyện thời xa xưa gắn với miền biên ải núi non, tôi thấy đáng sợ và hấp dẫn nhất là câu chuyện về tướng quân dữ tợn chết trôi theo dòng sông. Bảo Hà có thể nằm về phía nào so với trục đường quốc lộ 1, tôi cũng không rõ. Rồi sau này tôi sẽ biết những khe vực vùng núi Lào Cai, Phố Lu của những trận đánh và giết chóc liên miên mãi đến tận gần đây, nhưng không vực nơi đâu làm tôi cảm thấy hun hút và kỳ quái như ở Hà Giang. Những vực núi êm ái liếm vào thật sát những khúc cua tay áo ấy giống như là thè lưỡi từ một chốn vô cùng, rồi mời gọi, quyến dụ con người ta, giống như từ trong sâu thẳm dưới kia có những tiếng ới, tiếng gọi mang ma lực khủng khiếp. Một lần, gần đến Yên Minh, chắc là trong một giây phút nào để cho mình nghe thấy quá rõ những âm thanh kỳ bí ấy, tôi đã cho bánh xe rê ra mép đường thiếu điều chui tọt xuống tấm màn đen thẫm bên dưới; đã choàng tỉnh, tôi liếc nhìn những người khác, ai cũng nín thở im lặng vờ như chưa hề thấy tôi vừa định thản nhiên cho tất cả xuống hố. Trong giấc ngủ, người ta cũng phải đối mặt với những vực thẳm và cám dỗ của bóng tối, một giấc ngủ cũng vang lên những lời gọi cuốn hút của vực thẳm, và về cơ bản trong mơ, ta thường xuyên thản nhiên để mặc cho mình rơi tuột xuống vực. Marcel Proust từng viết rất nhiều về giấc ngủ, mơ mộng và quyền năng của chúng, nhưng hiếm khi nào chạm gần đến thế tới một sự miêu tả toàn vẹn trong một đoạn đâu đó quãng giữa bộ tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất: một người đang ngủ chuẩn bị tỉnh giấc, sắp phải lo sao để đối mặt với việc chuyển từ thế giới này sang thế giới khác, từ ngủ sang thức, từ đêm sang ngày; cú vượt biên giới này có thể rất êm ái, nhưng Proust cũng miêu tả những cuộc quay trở về giống như lao trở ngược lên dốc vực trên một cỗ xe ngựa vô cùng xóc, gấp gáp để kịp khi người đang ngủ mở mắt thì cái phần con người đang đi vắng kia đã ở đó, không tạo ra một đứt gãy nào, vì những đứt gãy như thế rất khó sửa chữa, và rất có thể xảy ra những lệch lạc, không khớp nhau khi hai thế giới va chạm, giống như cầu quay (mà xưa kia Hải Phòng từng có) xoay không chuẩn, để tàu thuyền đi qua va phải, thậm chí còn có khi con người đang hối hả trở về từ ngủ để đón đúng lúc sự thức ập đến còn phóng chiếu những gì chưa xảy ra; Marcel Proust từng kể cái lần bấm chuông gọi người hầu và khi người hầu vào thì tức giận mắng mỏ tại sao đã bấm đến mười lần chuông mà giờ mới chịu vào, anh hầu xin lỗi vì đã chậm trễ nhưng cũng nói chỉ nghe thấy một tiếng chuông duy nhất chứ không phải mười tiếng, bởi vì chín tiếng chuông trước đó là người đang nửa ngủ nửa thức bấm lúc còn đang ở trong giấc mơ nhưng sau đó lại cứ tưởng mình đã bấm tổng cộng mười lần, trong khi thật ra mới chỉ bấm một lần duy nhất. Những giấc mơ rất đáng sợ vì giống như là chúng có quan hệ gì đó không thể giải thích với cuộc sống trong khi thức, chúng đe dọa, cảnh báo, tường thuật, nhưng lại cũng như thể không làm bất kỳ điều gì; nhưng còn ghê gớm hơn là những giấc mơ chẳng hề nói gì về cuộc sống, điều mà Raymond Carver đã kể một cách rợn người trong một truyện ngắn. “Dreams” là một trong năm truyện ngắn được tìm thấy sau khi Carver đã chết, về một cặp vợ chồng có cô vợ tên là Dotty, hàng xóm với một người đàn bà mới ly dị chồng tên là Mary Rice sống cùng hai đứa con. Người chồng không bao giờ mơ, đã không mơ thấy gì từ rất lâu, hoặc có mơ nhưng khi thức dậy thì hoàn toàn không còn nhớ gì, sáng sáng anh ta mang cà phê vào giường cho người vợ mới ngủ dậy, thường là sáng nào cũng tỉnh dậy cùng một giấc mơ vừa mới có, để kể lại cho chồng nghe. Câu chuyện ấy rất khủng khiếp vì Raymond Carver giấu đi những điểm giao cắt giữa mơ và thực, làm người ta phải hoang mang và hãi hùng cố lần tìm lại chúng, và rất có thể cuối cùng sẽ phải nghĩ rằng: mơ hay thực thì cũng ghê gớm như nhau, chẳng có một nơi trú ngụ an toàn lúc thức cho một người gặp ác mộng choàng tỉnh, cũng chẳng có một cõi êm đềm vùi sâu trong cơn ngủ cho một người đang thức cố tìm đến giấc ngủ, nhiều khi phải nhờ đến những viên thuốc ngủ phi lý.

Cơn ngủ của tôi phải bắt đầu sau khi đoàn tàu dừng giữa trưa ở ga Đồng Mỏ. Lúc ấy, vẫn hoàn toàn tỉnh táo, tôi và thằng bé xuống dưới nhà ga. Nắng xối xả quăng mình xuống một vùng lòng chảo có đường ray tàu hỏa chạy qua như thể dòng sông chảy qua, một dòng sông cạn và càng làm cho mặt đất nóng thêm, cái nắng rất khác nắng rọi xuống mặt nước biển lung linh quáng mắt, cũng khác những ô nắng lổ đổ liên tục đổi chỗ như đang múa theo một điệu nhạc bí mật trên hè phố Hải Phòng. Những loại nắng có sắc thái rất khác nhau, nắng ở Venezia như đóng đinh con người xuống một hòn đảo hoàn toàn không có cây, còn trên Lầu Ông Hoàng tại ngoại ô Phan Thiết, cái nắng được gió đẩy lồng lộng muốn bắt ta phải tan loãng vào bầu không khí óng ánh vàng; một buổi chiều mùa hè, nằm khểnh rồi ngủ quên trên sườn đồi Saint-Cloud vắng lặng, lúc choàng mở mắt tỉnh dậy, cái nắng hoe rất không phải là nắng khiến tôi thấy nó chỉ là một biến thể của sương mù mà tôi gặp cũng chính tại đây lần đầu tiên leo lên con đường dốc vào một ngày mùa đông lạnh tinh tươm. Quá một mức độ nào đó, nắng làm cho mọi thứ không còn thật nữa, cái buổi trưa Đồng Mỏ ấy cứ mờ ảo ẩn hiện, đôi khi ném trả cho tôi một mảnh ký ức rất khó phân định là thật hay tưởng tượng, những hình ảnh chồng lấp lên nhau một cách thờ ơ và mệt mỏi. Nhưng có một điều chắc chắn là thằng bé ấy đã dẫn tôi vào một hàng cơm, có lẽ là hàng cơm duy nhất của nhà ga, loại hàng cơm chỉ rộn lên thảng hoặc vào lúc những đoàn tàu uể oải dừng lại, tôi đã ngần ngừ mất một lúc trước một món gì đó trông rất kỳ lạ, đen sẫm lua tua những sợi của một loại củ gì giống như gừng. Tôi sẽ được ăn một món ngon nhất trong đời mình tính đến lúc ấy: món giả cầy. Đồ ăn trên các vùng núi miền Bắc có một tính chất cục cằn rất riêng, về sau này tôi càng thấy rõ điều ấy, nhất là lần đến Bát Xát gần Lào Cai theo lời mời thưởng thức món lòng lợn tiết canh kiểu miền núi. Thằng bé kia và tôi ăn uống no nê rồi lững thững lên tàu, tại ga Đồng Đăng tôi đã mua vé cho cả nó và tôi nên chúng tôi đàng hoàng ngồi ghế không ngại bất kỳ một tay soát vé nào.

Cơn ngủ của tôi đã bắt đầu ngay từ trên chuyến tàu về xuôi ấy, lúc này vẻ hoang vắng ban đêm đã hoàn toàn không còn dấu vết, tàu lên thì thừa chỗ đến phi lý, tàu về thì đến cả chân cũng không đặt nổi xuống đến sàn, có vé đi nữa thì chúng tôi cũng phải chấp nhận gác chân lên những cái thùng xếp đầy giữa hai ghế, dưới cả gầm ghế, còn trên đầu, những súc vải dài lúc nào cũng chực lăn xuống; tất nhiên chúng sẽ chẳng bao giờ lăn xuống, vì những người buôn lậu hết sức cẩn thận trong việc chằng buộc, với những nút thắt bậc thầy và cách sắp xếp đầy kinh nghiệm, khắp các toa tàu là hàng hóa, không hiểu bằng cách nào, công sức tập thể như thế nào, mà trú được vào mọi kẽ hở có thể hình dung được. Suốt dọc đường đi, dưới cái nắng lúc thì xiên vào từ bên này lúc lại chạy sang bên kia, công việc chính của những người áp tải hàng là để mắt đến phần hàng hóa của mình và “làm việc” với đủ loại nhân viên, từ nhân viên nhà tàu cho đến thuế vụ, công an, trong một nhịp điệu tất bật khiến lúc đầu tôi còn hào hứng quan sát, chỉ được một lúc đã thấy mệt mỏi quay cuồng. Thằng bé kia thỉnh thoảng lại biến đi đâu mất, nhưng tôi không còn đủ sức để ý nữa. Tôi đã bị nắng nướng chín suốt mấy ngày, tôi biết là mình sẽ không thể chống cự được nữa trước lực kéo mãnh liệt của giấc ngủ, vốn dĩ mấy ngày, vì quá háo hức, tôi đã gần như không ngủ. Về sau này tôi cũng từng trải qua những đợt ngủ kéo dài đến quái gở như vậy, hàng chục tiếng đồng hồ, không làm sao đứng thẳng người lên nổi, phần lớn những lần đó là do tác động của nắng, nhưng cũng có lúc là vì tuyết, tuyết cũng là một loại nắng khác. Trước đó cũng đã có lần, ngay sau chuyến đi sang thế giới khác, tôi ngủ vùi, dấp dúi vào vô vàn hình ảnh vô định, lênh đênh qua những gặp gỡ không thể miêu tả lại, và cái cảm giác ấy, thấy người được nâng lên cao hơn hẳn so với bình thường, một sự nhẹ nhõm ban đầu vô cùng khinh khoái nhưng cứ kéo dài mãi thì giống như một lời nguyền rủa. Thằng bé kia biến đi mỗi lúc một lâu hơn, như thể nó muốn làm cho tôi quen dần với sự vắng mặt của nó, trong toàn bộ sự thô lậu của một thằng bé mang vết chém dị thường lẩn dưới mái tóc, nó hoàn toàn cũng có thể vô cùng tinh tế. Ít nhất là tôi nghĩ thế. Một lần vào phòng vệ sinh, cái việc mà tôi lúc nào cũng hết sức tránh mỗi khi đi tàu, lúc bước ra tôi thoáng nhìn thấy thằng bé ấy ở quãng giao giữa hai toa tàu, bị ấn bẹp gí vào vách, ba thằng khác vây xung quanh, chúng nói với nhau những chuyện gì có vẻ rất nghiêm trọng mà sự rung lắc cùng tiếng ồn đặc trưng của những đoàn tàu Việt Nam khiến tôi không nghe rõ, tôi đứng đó một thoáng, không biết phải làm gì, rồi tôi quyết định quay trở về ghế ngồi, tôi cũng không thể làm gì, nhất là tôi đâu có hiểu các phép tắc của một thế giới khác, vả lại tôi hoàn toàn có thể làm thằng bé kia khó chịu vì tỏ ra là đã chứng kiến một tình huống không vẻ vang của nó; một lúc sau thằng bé kia quay trở về chỗ của nó bên cạnh tôi, hoàn toàn không nhắc gì đến chuyện vừa xảy ra. Bỗng dưng tôi nhớ đến những đoàn tàu khác, tàu TGV một thời nếu muốn hút thuốc thì có nguyên cả những toa, mặc sức tha hồ, những toa tàu có mùi rất lạnh, còn người Nhật thì biến những đoàn tàu Shinkansen thành các pháo đài phỉ nhổ vào sự hút thuốc: ngăn hút thuốc chỉ là một cái khe đủ cho ba người lách vào, người nào bụng to tuyệt đối không thể có chỗ, một sự kỳ thị lạnh lùng đến vô nghĩa.

Nó thực sự biến mất khi đoàn tàu còn ở cách Hà Nội không xa. Sự vắng mặt của nó, tôi nhận ra trong giấc ngủ chập chờn, dài hơn những lần trước, rồi cứ kéo dài mãi, đến một lúc tôi hiểu ra là nó sẽ không trở lại nữa. Có lẽ chỉ đơn giản là đã đến địa điểm nó phải giao hàng, nhưng cũng có thể sự biến mất của nó mang một ý nghĩa khác hẳn, dẫu sao thì tôi cũng không hiểu được. Kierkegaard trong cuốn sách về một kẻ quyến rũ đàn bà nói đến việc đằng sau thế giới mà chúng ta sống, lui xa về hậu cảnh, có một thế giới khác, nhẹ hơn nhiều, mà đôi khi ta nhìn thấy qua một bức màn mịt mù. Nhiều người xuất hiện ở đây rồi bỗng biến mất, lắm lúc đó chỉ là vì họ đã đi qua bức màn kia, để tới một nơi nhẹ bỗng, lơ lửng, từ đó mà nhìn xuống, rồi sẽ xuất hiện khi nào thấy thích, rồi lại biến mất, cứ như thế, tạo ra một quá trình không thực sự có ý nghĩa.

Trời đã bắt đầu sẩm tối, đã lại thấy những đèn đường, những dấu vết phố phường xa xa. Tôi hơi hoảng hốt trong sự mụ mị ngấm đầy những vệt nắng như đã hằn sâu lên tôi và giấc ngủ đang đe dọa hốt trọn con người tôi cùng tất cả những gì mà tôi mang theo, lúc tàu đi lên cầu Long Biên. Sau này, nhiều lần tôi đi qua khu chợ Ngô Sĩ Liên, dẫu đã chắc chắn ngay từ đầu là sẽ chẳng còn bao giờ nhìn thấy lại thằng bé sinh cùng năm, cùng tháng, biết đâu còn cùng ngày với tôi, nó đã quyết định đi qua tấm màn, một quyết định không thể đảo ngược, mà có gì là “đảo ngược được” đâu, như Thomas Bernhard từng nói, ít nhất là cho đến trước khi có một quyết định khác, cũng ngẫu nhiên và khó hiểu như mọi quyết định.

Về đến nhà, tôi nhanh chóng xoay xở để có thể thực sự chìm vào cơn ngủ, nó đã quá sốt ruột đợi tôi rồi.

Tôi ngủ mấy ngày liền, những quãng tỉnh dậy ngắn ngủi chỉ là để chuẩn bị cho một cuộc nhắm mắt rơi tuột vào những hốc những hố, những vực thẳm mới. Khi thức thì ta thiếu ngủ, khi ngủ thì ta thiếu điều ngược lại, cuộc đời là một trải dài bất tận của những nỗi thiếu. Khi đọc đến Maurice Blanchot, giống như được kích hoạt một cách khẩn trương tối đa, tôi hiểu ra toàn bộ, một cách ồ ạt đến đáng sợ. Có hai người làm như thế với tôi, là Cioran và Blanchot, nhưng Blanchot là liên quan đến những gì sâu kín nhất. Tôi hiểu ngay lập tức Blanchot định nói gì lúc bảo là chúng ta ở trong nỗi thiếu sự vắng mặt của chính chúng ta. Sau này khi đã lỡ đà làm mất đi sự vô danh quý giá, sự vô danh mà tôi sẽ khôn nguôi nuối tiếc, tôi càng hiểu về Blanchot, về sự im lặng, về cái bản án ập lên một số người, bản án không thể tự xóa mờ mình đi, xóa đến mức tuyệt đối, không còn lại gì. Cuốn sách kỳ lạ L’Attente l’oubli của Blanchot, về sự chờ đợi, về nỗi lãng quên, chỉ đọc dòng đầu tiên là tôi hiểu nó ở sẵn đó bao nhiêu năm để đợi tôi, từng lời đối thoại nhìn qua không hề có ý nghĩa nhưng với tôi nó nói lên tất cả những gì mà tôi biết và muốn biết, tôi còn cảm thấy ngay tức khắc Blanchot ở trong tâm trạng nào, thậm chí cả đến tư thế nào, lúc viết từng dòng một. Người ta cứ cuống cuồng tìm kiếm hiểu biết, nhưng điều đó thật ngu xuẩn.

Có một lúc chập chờn tỉnh dậy, tôi thấy ngồi cạnh tôi là một thằng bạn gần nhà, một thằng bạn rất khéo miệng nên nó dễ dàng lên tận phòng tôi mà chứng kiến tôi vật vã trong giấc ngủ li bì. Nó cũng là một thằng sinh cùng năm với tôi, thậm chí nó còn trùng tên với tôi. Viết là trùng ngôn, sống là trùng sinh. Nó rất thích tôi, nhưng không biết là tôi còn thích nó hơn. Nó rất ngưỡng mộ tôi, mà không biết là tôi còn ngưỡng mộ nó hơn. Bố nó rất yên tâm khi nó chơi với tôi, vì ngoài tôi ra, bố nó bảo, nó toàn những đứa bạn mất dạy. Nó nghe bố nó nói thế, chỉ cười trừ, rồi lúc sau hề hề bảo tôi, ông già nói kể cũng đúng. Về sau, rất nhiều người cảnh báo tôi là đừng chơi với nó, vì nó nghiện. Tôi cũng đoán là nó nghiện, nhưng tôi không thấy có vấn đề gì cả, cũng có lúc nó vay tiền tôi rồi chẳng trả, rất giống những thằng nghiện khác. Một hôm, thằng bạn học cấp hai của tôi gọi điện thoại, tức tối kể một thằng bạn khác vừa đến nhà nó, thảm hại gãi đầu gãi tai nói mới bị bắt xe ngoài ngã tư, vay tiền nó để nộp phạt, sau nó kiểm tra mấy đứa khác mới biết thằng kia nghiện và đã giở trò này với rất nhiều người. Hồi còn đi học, thằng ấy nổi tiếng cả lớp vì một lần, trong giờ giáo dục công dân, nó bị cô giáo gọi lên bảng, hỏi con người mới xã hội chủ nghĩa là gì, nó lại gãi đầu gãi tai mãi rất lâu rồi bí quá đành trả lời bừa, con người mới xã hội chủ nghĩa là con người có ti vi, tủ lạnh; lúc ấy chắc nó còn chưa nghiện. Hà Nội lúc nào mà chẳng đông đặc dân nghiện, từ bẹp tai thuốc đen đến đủ mọi loại hình nghiện khác, phê rồi bay rồi lắc rồi ngáo. Chẳng thời nào vượt trội thời nào hết, mức độ cân bằng đã được đạt đến từ rất nhiều thế hệ rồi. Thằng bạn trùng tên tôi, cũng giống thằng bé trên tàu, thuộc về một Hà Nội lẩn khuất rất khó nhìn thấy. Thằng bé kia từng dặn tôi vào buổi đêm trên tàu hôm ấy, anh có làm gì thì làm, chứ đéo được dây vào heroin đâu đấy nhé. Còn thằng bạn này, nó cứ ngồi đó nói chuyện, có lúc tôi cũng cố gắng ngồi dậy hút với nó một điếu thuốc, nhưng chủ yếu thời gian tôi ngủ gật.

Nó chẳng quan tâm lắm, thích thì nó cứ nói thôi. Đàn ông Hà Nội có một đặc tính lớn là chỉ chăm chăm buông xuôi mọi sự. Một người đàn ông Hà Nội chân chính nhanh chóng tạo lập một lý tưởng cuộc đời, tốt nhất là bé thì bố mẹ nuôi, lớn thì vợ, hay nhất là nhiều vợ, nuôi, già thì con nuôi, thời trẻ cũng chịu khó sông hồ một thời gian như là để tráng men cho con người, như là buông cho một hạt mầm phiêu bạt được nảy nở, rồi nhanh chóng trở về chui vào một góc; cả đời tuyệt đối không làm gì chính là một người đàn ông rất Hà Nội. Không bao giờ người Hà Nội chịu ở lại lâu trong một cuộc đua tranh, mà nhanh chóng bốc hơi đi mất, nhất là đua tranh trong cuộc đời, đấy là sự ngớ ngẩn đích thị. Thành phố này có điểm cân bằng ở chỗ người thì vật vờ như ma, ma thì nhộn nhịp như người.

Nó cứ nói, tôi cũng chập chờn nghe. Nó rất thích hôm nào tôi đi với nó để nó dạy cho tôi đi xe máy bốc đầu, một kỹ nghệ khi ấy đang bắt đầu trở thành mốt. Nó kể hôm trước đi đua xe, bị cảnh sát vây, lũ bạn nó bị tóm sạch, mình nó may chạy kịp vào một cái ngõ, nhưng vào đó rồi mới biết là ngõ cụt, không chuồn đi được, may nó đang mặc hai áo nên cởi áo ngoài cầm tay rồi cứ áo ba lỗ lững thững đi ra, thế mà cũng thoát. Nó cười hí hí, rồi bảo, có thằng nào gây sự với ông, ông cứ bảo tôi, tôi điều cả xe bộ đội đến xử lý cho, giờ bọn này rẻ lắm. Thật ra tôi rất nể nó, bằng tuổi tôi nhưng cái gì nó cũng biết làm, tôi thấy thế mới hay, chứ bố nó cứ gào lên thi đại học mãi không đỗ, biết đâu như tôi trường đại học chỉ là nơi để bỏ lớp, cúp cua, nó tâm sự đi thi đại học là vì bố nó cứ bắt chứ vào phòng thi chẳng cần đọc đề bài nó đã biết làm thế quái nào được, ngủ một giấc rồi về thôi. Nó và tôi quen nhau vì học cùng một thầy, một môn phái mà nó rất nể tôi nhưng tôi thấy nó mới thực sự có tài năng, chẳng qua với nó cái gì tôi cũng mặc định là hơn nên mới sai lầm như thế. Nể nhất là đi học, nó không đi một mình, mà lúc nào cũng đi cùng một cô gái, mà nó bảo là “vẹo của tôi đấy ông ạ”, cô gái này rất xinh, cứ ở đầu ngõ ngồi trên xe máy đợi, bao giờ nó xong thì hai đứa cùng về. Trong khi tôi còn chưa đột phá nổi qua những tấm màn ngăn cuối cùng để đi đến một cuộc xuyên thấu đích thực, thậm chí tôi cũng chỉ lờ mờ biết là sẽ phải làm thế này thế kia thì mới gọi là đích thực, chứ đã vài lần lên giường với vài cô gái rồi nhưng tóm lại cũng chỉ giống như mấy trò nghịch ngợm trẻ con, khám phá u uất không đến nơi đến chốn. Cho đến lúc này, tôi chỉ làm một việc là đi qua ngó nghiêng những cuộc tình, rồi nhanh chóng, dưới tác động của hai sở trường của mình là không quyết định và bỏ đi, lại trốn mất. Không lâu sau đó, một hôm thằng bạn tôi rủ tôi đi uống cà phê buổi tối, nó tươi cười kể là hôm trước, thằng đàn em bỗng gọi điện cho nó, giật giọng bảo chị “vẹo” đang ngồi ôm một thằng nào trong quán, để em vào xiên cho nó một phát nhé, hay anh đến đây đi, em trông cho, chúng nó không trốn được đâu. Nó bảo nghe thế tôi giả vờ cao thượng trầm giọng bảo thôi để chị ấy làm gì cứ làm, chứ thật ra tôi mừng quá ông ạ, thoát được con vẹo ấy, vú nó bé tí mà tính lại hơi tí là dằn vặt, mệt bỏ mẹ. Nó kể mới vào Hà Tĩnh, quen được một chị, rủ đi xem phim, vào rạp cái nó giả vờ bị mệt nằm gục vào lòng chị, chị không đẩy ra nên lúc sau nó dẫn chị lên cái cầu chơi, mắt trước mắt sau hễ thấy vắng bóng người là lột áo chị ra bóp, có người thì lại cài cúc lại. Đại loại chuyện của nó kiểu như thế. Tôi rất thích nếu làm được như nó, nhưng từ đầu đến cuối, suốt cuộc đời, những câu chuyện của tôi mãi mà vẫn nhàm chán. Kể cả sau này, khi cái giường không chỉ còn để phục vụ cho những trò nghịch ngợm có kết cục là chỉ làm sau đó ta thấy rất khát nước, thì tôi vẫn cứ rất nghe lời, rất quy thuận. Tôi còn nhớ cô gái ấy, ở với tôi suốt mấy ngày, cởi hết quần áo ra rồi thì bỗng nói em là người có đạo, em còn trinh và em sắp lấy chồng, thế mà, tuy biết thừa là cô ấy nói dối, suốt mấy đêm chúng tôi chỉ trần truồng nằm cạnh nhau. Với nhiều phụ nữ khác cũng thế. Tôi cứ nghe theo lời họ nói, ý muốn của họ, tuy tôi biết rằng ý muốn ấy chẳng có gì là thực, và rằng đừng nghe lời, tôi sẽ làm một việc tốt cho cả tôi, cho cả người khác, cho cả thế giới. Nhưng rồi lại vẫn như thế, vẫn như thế mãi.

Tôi cũng biết rằng sau chuyến đi này, tôi sẽ không thể tránh né mãi được nữa. Mấy cô gái và mấy người đàn bà ấy đã đến lúc làm cho tôi không thể thoát được. Đã sắp đến mùa thu rồi, khách đa tình sợ nhất mùa thu. Một người đàn bà của giai đoạn ấy từng có lần cầm lấy tay tôi rồi nói một câu mà tôi sẽ nhớ suốt đời, Tay như thế này thì chẳng biết làm gì đâu, cả đời chỉ tình với ái thôi. Người đàn bà mà tôi ngưỡng mộ vì rất nhiều điều ấy giờ đây tôi vẫn có thể gặp lại, nhưng tôi tránh. Tôi rất hiểu Patrick Modiano khi ông ấy nói về bức màn thời gian ngăn cách. Cũng giống những chuyến tàu của tôi, giống những lần tôi thụt chân vào một cái hố không đáy nào, rồi lại lóp ngóp bò ra, rồi lại thụt, như Molloy loanh quanh lê lết suốt bao nhiêu thời gian, rốt cuộc kết quả là chỉ đi được hết một vòng tròn rất nhỏ bé trên bãi biển. Tôi là Molloy, tôi lại cũng là Oblomov lười biếng từ trong máu.

Thằng bạn tôi bảo, hay là mấy hôm nữa ông đi Cửa Lò với tôi. Mà đi đi, tôi thấy ông cần ra biển chơi đấy, tôi sẽ lái xe, đằng nào cũng chẳng có ai đâu, để cho bố tôi với bồ của bố tôi ngồi sau, tôi với ông ngồi trước, đến đâu vui thì dừng lại chơi, bố tôi với bồ cũng thoải mái ấy mà.

Trong cơn ngủ lại bắt đầu sôi trào sau khi thằng bạn đã về, tôi nhìn thấy lại nhà bưu điện ở Hải Phòng, rồi nhà bưu điện ở Đồng Đăng nữa, ngày ấy tôi chỉ thấy yên tâm khi tới các thành phố lạ nếu tìm được bưu điện. Thằng bé trên tàu đang hoàn thành nốt quá trình bốc hơi. Mùa hè ấy đã thật tàn nhẫn với tôi, nhưng bù lại tôi cũng rất tàn nhẫn với nó.

-----------

Vĩ thanh: Ngay trước khi tôi viết nốt phần cuối của thiên tiểu thuyết nhạt nhẽo trên đây, một bạn, tạm gọi là “nhân tố X”, gửi email, đây là những bình luận rất chân tình nên tôi post vào đây làm vĩ thanh :p

Nhân tố X: Có thế chứ, thay vì viết những thứ thanh toán hận thù linh tinh :p
Tôi: cũng là thanh toán hận thù thôi ^^
Nhân tố X: … một cách tử tế ;)
Tôi: khi mình tàn nhẫn với bản thân thì chúng nó gọi thế là tử tế hê hê
Nhân tố X: sự tàn nhẫn được sách lưu giữ lại, cho tụi nhỏ học cách tàn nhẫn, quá tử tế
Tôi: ông sẽ mang đoạn bình luận này nhét vào phần vĩ thanh sau khi đã viết xong há há
Nhân tố X: Bà cũng có ngại chi đâu :p

68 comments:

  1. Bạn Nhị có thể chia sẻ chút kinh nghiệm đốt giấy được không?

    ReplyDelete
  2. bác có thể làm như sau:

    bước 1: cầm một tờ giấy, tốt nhất là giấy mỏng, chìa cái góc của nó ra

    bước 2: dùng bất lửa hay một que diêm để đánh lửa

    bước 3: châm lửa vào góc tờ giấy đã chờ sẵn

    bước 4: đợi cho lửa bùng lên ở tờ giấy, rồi cho tiếp một tờ vào, rồi lại tiếp một tờ, cứ thế mãi, về sau khi lửa đã to thì không nhất thiết từng tờ một mà có thể nhiều tờ một lúc

    lưu ý 1: nếu có hiện tượng giấy ẩm hoặc gió to thì nên cẩn thận

    lưu ý 2: khéo mà cháy cả những thứ không định đốt

    lưu ý 3: trời mưa (nhất là mưa rào) thì đừng làm thế

    ReplyDelete
  3. Cách nay hơn chục năm, lần đầu tiên nhìn thấy NL qua tấm ảnh chụp ngồi thuyền trên dòng sông seine trong bài pv của Nguyễn Hữu Hồng Minh thì phải(?) Nên bỗng trong tôi bừng nắng hạ Ham muốn được nhìn lại NL từ khoảng cách đầy đủ để biết chàng bây giờ ra sao^^

    ReplyDelete
  4. tôi chưa bao giờ trả lời pv cái thứ tên là NHHM đó, chỉ là có lần NHHM đem tôi ra xài viết bài kiếm tiền (và viết sai tè le) thôi

    nhưng bác có mang bộ mông bị biến dạng không? ^^

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thế đi Hanoi thì đến chỗ nào để có khoảng cách đủ nhìn thấy you từ xa ?

      Delete
    2. desungsuong ngo 5 ngach 3 duoc khong :)

      Delete
    3. khụ khụ đọc tiếp đoạn sau khéo lại chạy mất dép í chứ ở đấy mà khêu gợi ngõ với ngách lạch với bầu ;)

      Delete
    4. em không chạy! NL không tin em xin lấy danh dự của các ông bà học thuật lớn nhỏ ra thề:)))

      Delete
  5. nố nồ, mông em rất đ i ẹ p, cỡ ngọc trinh á :v

    ReplyDelete
  6. Cái quá khứ chuyên đánh lộn kể ra cũng có ích nhờ. Chả phải ai cỡ D. cũng có đủ sức khỏe, sức bền để đánh lộn với những con chữ. Love

    ReplyDelete
  7. Mừng post thứ 1000!!! Chúc thầy khỏe yêu, an vui! Mà chờ "những tiện bút về tôi" tiếp theo xem tại sao thầy đúc lại "khoái lạc nghĩa là trộn lẫn với sự kinh tởm và bẩn thỉu" nghe u ám, tà giáo thấy...hitler ;)

    ReplyDelete
  8. Dài thật, đúng là phải tiểu thuyết mới chứa hết :)

    ReplyDelete
    Replies
    1. vừa thêm đấy, và chưa có dấu hiệu hết :p

      Delete
    2. Họ Cao không làm nhà văn thật... phí của giời :D

      Delete
  9. bắt đầu từ đây: "Nhưng, trong mọi thứ, tôi kinh tởm và khinh bỉ nhất văn chương...", bác viết vào guồng và say mê làm sao
    em đọc cũng vào guồng nuôn
    thế mà đã tạm dừng :(

    ReplyDelete
  10. Ba năm chuyên văn. Chưa bao giờ cháu muốn tự tử hơn thế :))

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cháu gì đó ơi. Chả cần muốn, cháu cứ ở đây, thế nào cũng bị ung thư tử cung chết mất linh hồn thỏa ước muốn của cháu (Tưởng Phế)

      Delete
    2. xin giới thiệu, đây là Đoàn Tử Tích Phước, học sinh chuyên văn trường Hà Nội-Amsterdam khóa 93-96, có một tiền nhân rất huy hoàng là Đoàn Tử Quang, đỗ cử nhân khoa Canh Tý 1900 dưới trào Thành Thái khi đã ngoài 80 tuổi, một tấm gương nghị lực kinh người; năm ấy Đoàn Tử Quang đỗ vớt, còn người đỗ giải nguyên là Phan Bội Châu, được đi thi lại sau khi được xóa án cấm thi mấy năm trước đó

      Delete
    3. Chú ơi =))

      Delete
  11. thế mà vừa rồi có cái quyển "Nhật ký chuyên Văn" đấy, hãi vãi, những thứ nên giấu đi thì lại đem trưng bày, tởm thật

    ngày xưa lớp tôi cũng có nhật ký đấy hehe, gớm lắm

    nhân tiện: đã có thêm phần mới :p

    ReplyDelete
  12. Cháu không hề có ý định mua, cuối cùng lại được tặng bởi người đáng lẽ phải hiểu nhất.

    Hải Phòng với cháu cũng rất đặc biệt :">

    ReplyDelete
  13. no offense, nhưng mà con trai học chuyên văn thì cũng dã man thật, nhỉ, xưa tôi toàn đá đít một thằng đầu rối mắt cận con nhà danh giá nửa mùa học chuyên văn trên một khoá hê hê, về sau quả nhiên nó thành một thằng rồ :p

    ReplyDelete
  14. Bọn í để chơi thì được nhưng không tin được :3

    ReplyDelete
  15. Thế nào mình lại nhớ thành Chuyện bác Hai Nhiêu. Hỏi anh Gúc thì hình như là "câu chuyện trên tàu thủy" chứ không phải "một chuyện..." bạn Nhị à

    ReplyDelete
  16. à đúng nhỉ, tôi vừa kiểm tra trong sách, "câu chuyện" chứ không phải "một chuyện"

    ReplyDelete
  17. Anh ơi làm ơn trổ thêm một phát về La Catedral của Barrios đi ạ. Có thời em lọ mọ suốt đêm để tập chương 3 của bản này. Không có bản guitar nào có bè trầm hay như vậy.

    ReplyDelete
  18. cuối cùng đã câu giờ thành công để đợi nắng lên :p

    đã có phần mới rồi nhé (và vẫn chưa hết)

    ReplyDelete
  19. hèn gì chú đi dịch Moon Palace, đồ độc ác :)

    ReplyDelete
  20. ừ, nhưng cũng đâu phải chỉ Moon Palace

    ReplyDelete
  21. Sao chưa thấy chương tiếp theo hở bác?

    ReplyDelete
  22. Thế này đọc nhạt lắm, viết cái gì lãng mạn hơn đi.

    ReplyDelete
    Replies
    1. chỉ cần đúng một từ trong câu trên cũng đoán được người viết nó là ai hehe

      Delete
  23. Nucingen,ước sao tấm thân này ngoài sáu mươi cái xuân xanh bộ đùi vẫn đủ vững vàng đón nhận một cú rơi vào bất thình lình từ vật thể trọng lượng kể cả khiêm tốn như một bộ yên xe đạp,Phượng Hoàng hay Thống Nhất đều được.

    ReplyDelete
  24. "Đường vào tình sử" của Lệnh Hồ Nhị Linh cũng nắm lỗi chuôn chuyên nhỉ ;)

    ReplyDelete
  25. sau khi dồn hết sức lực để vượt qua một cơn bế tắc kinh người, chuẩn bị có phần tiếp theo rồi nhé, tin mừng là chỉ còn nốt phát nữa là hết :p

    ReplyDelete
    Replies
    1. nốt phát nữa là hết Một mùa hè thôi nhỉ. Mong thỉnh thoảng Anh hứng tình "tiện bút" kể Chuyện đời tôi cho bọn chúng iem thèm ^^ (p/s: hỏi nhỏ Anh giờ còn thích gái Thủy Nguyên kg?)

      Delete
    2. Ok, nhá! Nhớ nhá kg được quên nhá Anh^^

      Delete
  26. Ở đoạn "Tôi sẽ quen thuộc với Ngã Sáu Hải Phòng..." bác viết "Tôi đi qua vườn hoa đưa người" chắc bác type lộn chữ đưa?

    ReplyDelete
  27. tiếp theo và hết

    à, "vườn hoa đưa người" là một thứ rất là Hải Phòng

    ReplyDelete
  28. Anh có thể mở lại blog cũ không:D

    ReplyDelete
  29. cũng vài lần định thế rồi đấy, nhưng nghĩ kỹ thì có vậy cũng đâu có thay đổi được một điều, là những gì public chẳng thấm tháp gì so với những thứ giấu biến đi, đã chẳng thay đổi được gì thì đâu cần tốn công làm mấy thao tác setting ^^

    ReplyDelete
    Replies
    1. Sau 5 năm em đọc lại bài này vẫn thấy kỳ diệu vô cùng về một mảnh của nghịch âm chói

      Delete
  30. Em thích đọc bài này với bài mười năm trong chuỗi Tiện bút quá. Bây giờ anh còn lang thang bụi bặm như hồi trước nữa khônng nhỉ?

    ReplyDelete
  31. có chứ, vẫn thế chứ, tuy nhiên cũng có thể là có những thay đổi về hình thức

    à, mùa hè này là ngay sau mùa hè ở Đà Lạt đấy

    ReplyDelete
  32. Thực ra bài này có thể được update đến vô tận, cứ sau mỗi mùa hè nhỉ :D

    ReplyDelete
  33. Nghĩ mãi mới nhớ cái mùa hè Đà Lạt là mùa hè nào. Hoá ra anh còn nhớ cả comment của em ở bài của Nguyễn Vĩnh Nguyên.

    ReplyDelete
  34. Mỗi lần đọc lại post này, để tầm soát ước muốn không lành mạnh, em cứ phải nhẩm đi nhẩm lại: tất cả các kiểu “nhà...” này “nhà...” nọ chỉ nên yêu, nên tin vào phần “nhà” thôi chứ đừng tin, yêu vào phần “con người” để tốt cho mình, cho họ, cho cả thế giới hehe (thêm hai chữ hehe rồi, nhé anh!)

    ReplyDelete
  35. không có gì hay để mà phải trông đợi đâu, nói bao nhiêu lần rồi

    (hai hehe chứ không phải "hehe" là "hai chữ")

    ReplyDelete
  36. Lúc này bạn chỉ việc ra máy ATM rút tiền về.

    ReplyDelete
    Replies
    1. còn tiền dek đâu, mà rút

      Delete
  37. Bạn sẽ trắng tay nếu thua cược ở bất kì nhà cái nào.

    ReplyDelete
    Replies
    1. warning hơi thừa, thêm nữa, đã định dừng đâu, tại nhà cái ở kia bankrupt, phải tìm nhà cái khác đặt cược tiếp tục chơi chớ

      Delete
  38. Mỗi loại kèo có cách xem và hiểu khác nhau.

    ReplyDelete
  39. kèo cột gì, the end of the film rồi, mệt bỏ mẹ- con vẹo, vú bé tí, tính lại hơi tí là dằn vặt nói.

    ReplyDelete
  40. Đó là nhu cầu chính đáng của người chơi.

    ReplyDelete
  41. Kèo này đội chủ nhà chấp đội khách 2,5 - 3 trái.

    ReplyDelete
    Replies
    1. thôi đi, còn cách nào khác nữa không, ngốc. Ngốc gì ngốc dữ

      Delete
  42. đọc những ý này cứ ngờ ngợ không biết đã gặp ở đâu, hóa ra là ở đây:

    "[B]ut suicide was not in my nature. I was too completely swayed by the sense that I was in the grasp of unknown forces, to believe in my power of selfrelease. Towards my own destiny I had become entirely passive; for my one ardent desire had spent itself, and impulse no longer predominated over knowledge. For this reason I never thought of taking any steps towards a complete separation, which would have made our alienation evident to the world. Why should I rush for help to a new course, when I was only suffering from the consequences of a deed which had been the act of my intensest will? That would have been the logic of one who had desires to gratify, and I had no desires."

    (G.E., 1859)

    ReplyDelete
  43. té ra General Electric cũng philosophical quá nhỉ

    ReplyDelete
  44. "[...] was above all to be someone submissive. Someone who submitted himself to mysterious, unpredictable messages, that you would be led, for want of a better word and in the absence of any religious belief, to describe as intuitions, messages which nonetheless commanded you in an imperious and categorical manner, without leaving the slightest possibility of escape—except by losing any notion of integrity and self-respect. These messages could involve destroying a work, or even an entire body of work, to set off in a radically new direction, or even occasionally no direction at all, without having any project at all, or the slightest hope of continuing."

    ReplyDelete
  45. hôm nào đấy bác ra ngồi hồ thiền quang với cháu đi...đừng ôm hôn gì mà chỉ uống bia thôi, ngắm hoàng hôn thì thật là hợp lý

    ReplyDelete
  46. có lạc luộc không? I like ll

    ReplyDelete
  47. có chứ ạ, nếu bác muốn, khó là để gặp được nhau chứ những cái đấy mua được mà bác

    ReplyDelete