Jun 30, 2017

Nữ công tước de Langeais

Nhát thứ 16 trong cuộc trường chinh Balzac :p

Nữ công tước de Langeais (La Duchesse de Langeais) là phần thứ hai của bộ Truyện Mười Ba Quái Kiệt, mà phần thứ nhất là Ferragus. Động đến "Mười Ba" này (được Balzac dùng để mở đầu cho phần "xen" về cuộc sống ở Paris), tức là ta cũng đồng thời động đến phần giao nhau đậm nét nhất giữa văn chương Balzac và thế giới điện ảnh. Xem thêm ở đường link vừa xong về điều này.

Trong Illusions perdues (Hết ảo tưởng), khi Lucien Chardon (alias Lucien de Rubempré) từ Angoulême lên Paris cùng Madame de Bargeton (người tình platonic), bà de Bargeton được người chị em họ (theo đằng chồng) Madame d'Espard, dẫn đến Opéra để "xem hát". Lucien được dẫn theo và cùng hai người phụ nữ kia ngồi ở lô của bà d'Espard. Bà d'Espard chỉ cho người chị em họ nhà quê một lô khác, nói rằng đó là lô từng thuộc về nữ công tước de Langeais, một trong các bà hoàng của Paris trước đó ("các bà hoàng của thế giới thượng lưu Paris" trong Vở kịch con người rất phong phú, náo nhiệt và thơm phức, chẳng hạn như nữ tử tước de Beauséant lừng danh trong Le Père Goriot, nhân vật gây ra nỗi ghen tị khủng khiếp cho một trong hai người con gái của Goriot, người sẽ trở thành bà nam tước de Nucingen; chẳng hạn như Clémentine du Rouvre (alias bà Laginski) trong Nàng tình nhân hờ); lô Opéra của nữ công tước de Langeais vào thời điểm Lucien mới lên Paris đã thuộc về chính Delphine de Nucingen (lúc đó ngồi đây cùng người tình của mình, Eugène de Rastignac, nhân vật chính của Le Père Goriot; Rastignac cũng là người đồng hương Angoulême với Lucien).

Câu chuyện nữ công tước de Langeais rất vang bóng trong Vở kịch con người.

Chưa hết, cũng trong buổi "xem hát" tại Opéra vô cùng đáng nhớ ấy, bốn chàng thanh niên (bốn dandy nổi tiếng nhất giới trẻ Paris) đến chào bà d'Espard tại lô của bà (có cả Lucien ngồi đó, nhưng bốn chàng kia không buồn để mắt, và ra sức khinh bỉ, mà không ngờ nhân vật măng tơ ấy sẽ có số phận vượt xa họ về cả mức độ hào quang lẫn sự bi thảm); bốn thanh niên ấy là: 1) Henri de Marsay 2) Félix de Vandenesse, nhân vật chính của Bông huệ trong thung và có màn quay trở lại Vở kịch con người ở thời điểm nhiều năm sau đó, không mấy vẻ vang lúc đầu nhưng về sau thì chứng tỏ được bản lĩnh phi thường, nhất là đối với thế giới của phụ nữ, trong Một người con gái của Eva 3) nhà thơ lừng danh thời đại (tất nhiên là thời đại của Vở kịch con người) Canalis và 4) tướng quân Montriveau. De Marsay và Montriveau đều là thành viên của "Mười Ba Quái Kiệt".

Balzac xứng đáng được coi là người khai sinh ra một thể loại: fantastique về thành phố Paris. Niên đại của Truyện Mười Ba Quái Kiệt là từ 1833 đến 1839. Vài năm sau đó, 1842 và 1843, Eugène Sue sẽ cho đăng phơi-ơ-tông một tác phẩm trở thành kinh điển của "dòng" này: Les Mystères de Paris. Có ai đọc bộ sách này chưa? ơ, nếu chưa đọc thì thật ra các bác đọc gì thế? hồi tôi còn nhỏ, bộ Những bí ẩn thành Paris gồm ba tập dày cộp là cả một niềm hoan lạc. Đối với rất nhiều người, Sue là đỉnh cao của những câu chuyện huyền hoặc trong thành phố (Paris). Nhưng chưa chắc đâu, Les Treize của Balzac vẫn cứ là kiệt tác rất khó tưởng tượng. Điều tương tự xảy ra trong lĩnh vực "tiểu thuyết lịch sử": Alexandre Dumas đương nhiên là nhân vật lớn, nhưng tôi tự hỏi, Le Collier de la reine của Dumas có thể sánh được với Sur Catherine de Médicis của Balzac hay không? Tôi nghĩ là không; tôi sẽ còn nói đến cuốn tiểu thuyết lịch sử vô song về Catherine cô con dâu của François Đệ nhất sau.

Les Treize là loạt tác phẩm đi vào một chủ đề rất đặc biệt: "hội kín". Đó có phải là hội kín duy nhất của Vở kịch con người hay không? Những ai rành văn chương Balzac biết ngay là không phải. Balzac là thiên tài trong việc tạo ra các hội, các nhóm (điều này tương hợp với quan niệm của Balzac: không sa đà vào cá nhân, mà chủ yếu quan tâm đến các típ người). Những người cho vay nặng lãi tạo ra một kiệt tác trong Vở kịch con người: Gobseck. Quay trở lại với Hết ảo tưởng: trong đó có một "hội kín" siêu hạng, dưới cái tên "Cénacle", mà thủ lĩnh là Daniel d'Arthez, nhưng cái nhóm gồm các thanh niên thiên tài và không màng lợi ích ấy có một linh hồn thiên tài yểu mệnh, đó chính là Louis Lambert. Những tên tù khổ sai cũng là một hội khác: đó là Vautrin tức Jacques Collin từng là hàng xóm của Rastignac trong Le Père Goriot và quay trở lại vô cùng khủng khiếp trong Rực rỡ và khốn cùng đời kỹ nữ, và nhân vật tù khổ sai quan trọng nữa chính là Ferragus. Thậm chí, dường như Balzac còn đùa nghịch tạo ra một nhóm rất bất ngờ: nhóm những người nói ngọng, mà thằng bé François con trai nhân vật Michu của Một vụ việc ám muội thuộc về; nhóm này gây cho tôi một hứng thú đặc biệt lớn, tôi sẽ dành riêng cho nó một bài viết.

Đọc Nữ công tước de Langeais, ta dễ dàng hiểu tại sao Balzac lại hấp dẫn các đạo diễn điện ảnh thực sự lớn. Đoạn đầu và đoạn cuối cuốn tiểu thuyết (dài nhỉnh hơn Ferragus một chút) là thuần túy hình ảnh. Nhưng không một đạo diễn nào, kể cả khi đó là Rivette, đủ sức adapt một viên ngọc long lanh như Nữ công tước de Langeais.

Tôi từng tỏ ý nghi ngờ bất kỳ ai chưa đọc Balzac bao giờ mà dám nói mình hiểu biết kỳ cái gì trong À la recherche du temps perdu: chính ở Nữ công tước de Langeais, ta sẽ có một miêu tả xuất chúng về "faubourg Saint-Germain", về phong hóa quý tộc Paris cách điện Louvre một con sông, nơi các bà quyền quý già và các quý tộc già nua khăng khăng coi triều Louis XV là hoàng kim vàng son đã mất, cũng là nơi một cỗ xe ngựa đỗ hớ hênh ở một chỗ lẽ ra nó không được đỗ, vào một cái giờ lẽ ra không được xuất hiện, cũng có thể làm sụp đổ không chỉ thanh danh một con người, mà toàn bộ linh hồn của cả một tầng lớp quý tộc.



Nữ công tước de Langeais


Tặng Frantz Liszt


Tại một thành phố Tây Ban Nha nằm trên một hòn đảo của Địa Trung Hải có một tu viện của các Carmélites Déchaussées nơi điều luật dòng do thánh Thérèse thiết lập vẫn được lưu giữ trong sự hà khắc sơ khai của kỳ cải cách dưới tay người phụ nữ xuất chúng ấy. Điều này là đúng, dẫu trông nó có vẻ lạ thường đến đâu. Mặc dù các ngôi nhà của tôn giáo trên bán đảo và lục địa đã gần như bị phá hủy hoặc đảo lộn tất tật bởi những bùng nổ của cuộc cách mạng bên Pháp và các cuộc chiến tranh Napoléon, bởi vì hòn đảo này thường trực được bảo vệ bởi hải quân Anh, tu viện giàu có của nó và cư dân yên bình trong đó thoát được khỏi các biến động và cướp phá chung. Tức là những cơn bão đủ mọi loại khua đảo mười lăm năm đầu tiên của thế kỷ mười chín tan vỡ trước khối đá này, không xa bờ biển vùng Andalusia. Tên của Hoàng Đế có tới đây sột soạt trên bãi biển, thì cũng đáng ngờ cái chuyện cuộc diễu hành vinh quang của ngài cùng những uy nghi bừng sáng trong cuộc đời giống tảng thiên thạch của ngài được hiểu bởi các cô gái thánh thiện quỳ gối bên trong nhà tu kia. Một sự cứng rắn theo kiểu tu viện kín mà chưa từng có gì gây biến đổi gợi nhắc chốn trú ngụ này trong mọi ký ức của thế giới Công giáo. Vậy nên sự thuần khiết trong luật lệ nơi đây thu hút, từ các điểm xa xôi nhất của châu Âu, những phụ nữ buồn rầu mà tâm hồn, đã trút bỏ mọi mối liên hệ con người, thở than theo cuộc tự sát dài dặc này, thực hiện trong lòng của Chúa. Vả lại không tu viện nào khác có thể tạo nhiều thuận lợi hơn cho sự tách biệt tuyệt đối khỏi mọi điều nơi hạ giới, mà cuộc sống tôn giáo đòi hỏi. Tuy nhiên, trên lục địa cũng có rất nhiều ngôi nhà xây dựng một cách tuyệt diệu thích hợp với thiên hướng của họ. Vài cái bị chôn vùi nơi đáy các thung lũng cô đơn nhất; những cái khác treo lơ lửng phía trên các ngọn núi dốc nhất, hoặc giả chênh vênh bên bờ miệng vực[1]; khắp nơi con người từng tìm kiếm các thơ ca của bất tận, nỗi hãi hùng trang trọng của sự im lặng; khắp nơi anh ta từng muốn dịch lại càng gần Chúa càng tốt: anh ta kiếm tìm Người trên các đỉnh, dưới đáy các vực, bên bờ các vách đá, và đã tìm thấy ở khắp mọi nơi. Nhưng chẳng một nơi nào khác ngoài trên khối đá một nửa tính chất châu Âu này, nửa còn lại là châu Phi, có thể bắt gặp chừng ấy hòa âm khác nhau, tất tật tụ hội lại hòng nâng tâm hồn lên cao vút, hòng cứu chữa ở nó các ấn tượng đau đớn nhất, hòng làm dịu những gì mãnh liệt nhất, hòng biến các nỗi đau của cuộc đời trở thành một giường ngủ thẳm sâu. Nhà tu này được xây dựng trên mép đảo, ở điểm cao nhất của khối đá, nó, bởi một hiệu ứng của chuyển động quay vòng kỳ vĩ của trái đất, bị phạt thẳng từ trên cao xuống về phía biển, nơi, trên mọi điểm, nó bày ra các mỏm lởm chởm của các phiến hơi bị ăn mòn ở ngang mực nước, nhưng là không thể vượt qua. Tảng đá lớn này được bảo vệ trước mọi sự xâm nhập nhờ các bãi đá ngầm nguy hiểm trải dài xa xa, trong đó lấp lánh sóng Địa Trung Hải. Thế nên phải ở trên biển mới có thể nhìn thấy được bốn khu nhà xếp vuông mà hình dạng, độ cao, các cửa mở đã được định ra một cách tỉ mỉ bởi những điều luật của tu viện. Từ phía thành phố, nhà thờ che khuất hoàn toàn các công trình vững chãi của nhà tu, mà các mái phủ những mảng đá lớn khiến chúng trở nên bất khả xâm hại trước gió, giông bão và tác động của mặt trời. Nhà thờ, có được là nhờ sự hào phóng của một gia đình Tây Ban Nha, phủ trùm lên thành phố. Mặt tiền táo bạo, thanh nhã, mang lại một vẻ bên ngoài kỳ vĩ và đẹp cho đô thị biển nhỏ xinh này. Chẳng phải đó là một cảnh tượng thấm đẫm mọi tính chất trác tuyệt trần thế của chúng ta, cái dáng vẻ một thành phố đó, với các mái nhà san sát, gần như tất cả được bố trí thành hình bán nguyệt trước một bến cảng xinh xắn, được vượt trên bởi một cổng chính tuyệt mỹ với nét chạm gôtic, các tháp cao, những tòa tháp mảnh, các mũi tên gập? Tôn giáo ngự trên cuộc sống, dâng tặng không ngừng cho con người mục đích và các phương tiện, vả lại đó là một hình ảnh rất mực Tây Ban Nha! Hãy ném phong cảnh này ra giữa Địa Trung Hải, bên dưới một bầu trời bỏng nắng; hãy kèm vào đó thêm một ít cọ, nhiều cây cằn cọc, nhưng nhiều sức sống trộn lá màu lục liên tục lay động của chúng vào với các chùm lá chạm khắc của kiến trúc bất động? Hãy nhìn các diềm nước của biển bào trắng đá ngầm, và đối nghịch với màu xanh saphir của nước; hãy chiêm ngưỡng các hành lang, những hàng hiên dựng trên cao mỗi ngôi nhà và là nơi dân cư đến hít thở không khí vào buổi tối giữa hoa lá, giữa các ngọn cây và những khu vườn nhỏ của họ. Và rồi, ngoài cảng kia, vài cánh buồm. Rốt cuộc, trong yên ả một màn đêm mới buông, hãy lắng nghe âm nhạc của những cây đàn orgue, tiếng hát lễ, và những âm thanh đáng ngưỡng mộ của chuông nhà thờ vang lên giữa biển. Khắp nơi là tiếng động và sự tĩnh lặng; nhưng thường xuyên hơn cả, sự tĩnh lặng ở khắp mọi nơi. Bên trong, nhà thờ được chia thành ba gian tối và bí hiểm. Chắc hẳn gió thổi lồng lộn đã không cho phép kiến trúc sư dựng song song những vòm cung vốn là thứ điểm trang các vương cung thánh đường gần như ở khắp nơi, và giữa chúng đặt các nhà nguyện, những bức tường bít kín lấy hai gian nhỏ và đỡ lấy dàn mái không để ánh sáng lọt vào. Những bức tường dày này bày ra ở bên ngoài dáng vẻ  đồ sộ màu xám nhạt, chống ở trên, theo quãng đều đặn, các cột ốp to lớn. Gian chính và hai hành lang nhỏ chạy phía bên của nó, chỉ độc chúng, được chiếu sáng bởi tấm kính họa tiết hoa nhiều màu, được gắn vào với một nghệ thuật mầu nhiệm phía bên trên cổng, mà cách trưng bày hợp lý đã cho phép sự xa xỉ của các diềm đăng ten bằng đá và các vẻ đẹp đặc biệt đối với cái phong cách được gọi hoàn toàn không chính xác là gôtic. Phần lớn nhất của ba gian này được dành cho cư dân của thành phố, họ đến đây nghe lễ mixa và làm lễ. Phía trước chỗ của dàn đồng ca, có một rào lưới sắt mà đằng sau treo một tấm rèm màu nâu rất nhiều li, hơi mở hé ở giữa, khiến người ta chỉ có thể trông thấy người làm lễ và ban thờ. Tấm lưới này được phân chia, theo các khoảng đều nhau, bởi những cây cột đỡ lấy một bục diễn đàn bên trong và những cái đàn. Công trình này, hòa hợp với các trang trí của nhà thờ, trình bày ra bên ngoài, bằng gỗ chạm trổ, các cột nhỏ của những hành lang đỡ bởi các cột của gian chính. Vậy nên một người tò mò đủ táo gan không thể nào lên được hàng lan can hẹp của các galerie này để mà nhìn thấy tại dàn đồng ca thứ gì khác ngoài các cửa sổ dài hình bát giác và sặc sỡ mọc lên đều đặn, xung quanh ban thờ lớn.

Trong chiến dịch Pháp tiến hành trên đất Tây Ban Nha nhằm khôi phục vương quyền của vua Ferdinand VII, và sau khi chiếm được Cadix[2], một vị tướng quân người Pháp, đến hòn đảo này nhằm thông báo ở nơi đây về chính quyền nhà vua, đã kéo dài kỳ lưu trú, với mục đích xem tu viện đó, và tìm cách xâm nhập. Chắc chắn công trình này hết sức tế nhị. Nhưng một người đàn ông của dục vọng, một người mà cả cuộc đời từng chỉ, có thể nói vậy, là một chuỗi thơ ca trong hành động và luôn luôn tạo ra các cuốn tiểu thuyết thay vì viết ra chúng, nhất là một người chuyên thực thi, hẳn phải cảm thấy bị cám dỗ trước một điều bất khả nơi vẻ ngoài. Những cánh cửa của một tu viện dành cho phụ nữ có thể được mở ra theo đúng luật pháp không? Giáo hoàng hay tổng giám mục[3] hẳn cũng khó lòng cho phép điều này. Sử dụng mưu mẹo hoặc sức lực ư? trong trường hợp bị lộ, chẳng phải sẽ đánh mất vị thế của anh, toàn bộ sự nghiệp nhà binh của anh, và đồng thời không đạt được mục đích? Công tước d’Angoulême vẫn còn ở Tây Ban Nha, và trong số mọi lỗi lầm một con người được đại tướng quân[4] yêu quý có thể phạm mà không bị trừng trị, chỉ điều này thôi hẳn sẽ không nhận được chút xót thương nào. Viên tướng đã xin được làm công việc này nhằm thỏa mãn một sự tò mò bí mật, dẫu chưa từng bao giờ có sự tò mò nào tuyệt vọng hơn thế. Nhưng toan tính cuối cùng này là một sự vụ thuộc về ý thức. Ngôi nhà của các phụ nữ dòng Carmélite kia là tu viện Tây Ban Nha duy nhất còn thoát khỏi các tìm kiếm của anh. Trong chuyến đi, chỉ kéo dài chưa đầy một tiếng đồng hồ, trong tâm hồn anh sống dậy một linh cảm hưởng ứng các niềm hy vọng nơi anh. Và rồi, dẫu chỉ nhìn thấy các bức tường của tu viện, còn các nữ tu sĩ thì đến váy của họ anh cũng chẳng thấy đâu, chỉ nghe được các bài ca Nghi Lễ, thì anh cũng gặp được bên dưới những bức tường kia và trong những khúc ca đó các dấu chỉ nhỏ nhặt biện minh cho hy vọng mong manh ở anh. Rốt cuộc, dẫu những mối nghi ngờ được đánh thức một cách kỳ cục trong anh có nhỏ bé đến đâu, thì chưa từng bao giờ dục vọng con người có thể trở nên sống động mãnh liệt cho bằng nỗi hiếu kỳ mà tướng quân cảm thấy vào lúc đó. Nhưng đối với trái tim đâu có các sự kiện nhỏ; nó làm mọi thứ to lớn lên; nó đặt lên bàn cân sự sụp đổ của một đế chế mười bốn năm[5] và sự rơi của một cái găng tay phụ nữ, và gần như cái găng tay lúc nào cũng nặng hơn đế chế. Thế nhưng, sau đây là các sự kiện trong toàn bộ sự giản dị thực chứng của chúng. Sau các sự kiện sẽ đến lượt những xúc cảm.

Một tiếng sau khi tướng quân cập bến hòn đảo nhỏ, uy quyền hoàng gia đã được tái thiết lập ở nơi đây. Vài người Tây Ban Nha theo phái lập hiến, vào ban đêm đã đến đây lẩn trốn sau khi Cadix thất thủ, lên một con tàu mà tướng quân cho phép họ sử dụng để đi sang London. Tức là không có cả kháng cự lẫn phản ứng. Sự Trung Hưng nho nhỏ trên đảo này sẽ được hoàn thành mà không phải không đi kèm với một lễ mixa, nơi sẽ tới dự hai đội lính được phái tới để thực hiện nhiệm vụ. Thế nhưng, vì không biết sự hà khắc kín cửa cao tường nơi các Carmélites Déchaussées, tướng quân từng hy vọng có thể đoạt được, tại nhà thờ, vài thông tin về các nữ tu nhốt mình trong tu viện, mà có thể một người đối với anh còn quý giá hơn mạng sống và hơn xa danh dự của anh. Thoạt tiên những niềm hy vọng của anh bị giáng một đòn tàn nhẫn. Lễ mixa, trên thực tế, được tổ chức rất hào nhoáng. Để tăng mức độ trang trọng, các tấm rèm thường che khuất dàn đồng ca được mở ra, và để người ta nhìn thấy các tài sản, những bức tranh quý và hòm đính đá, ngọc, mà sự rực rỡ xóa nhòa các thứ đồ lễ bằng vàng và bạc gắn lên những cây cột của gian chính bởi tay các thủy thủ bến cảng. Các nữ tu thảy đều trú mình trong cái bục nơi để những cây đàn. Tuy nhiên, mặc cho thất bại đầu tiên này, trong buổi lễ của các ân sủng, diễn ra một cách rộng rãi tấn kịch hấp dẫn một cách bí mật nhất từng có bao giờ khiến trái tim một người đàn ông phải đập dồn. Xơ chơi đàn orgue khơi dậy một niềm hào hứng mãnh liệt đến mức không một quân nhân nào thấy hối tiếc vì đã tới dự lễ. Ngay những người lính cũng thấy thích thú, và tất tật sĩ quan thì hân hoan. Về phần tướng quân, anh bình thản và lạnh lùng ở vẻ ngoài. Các cảm giác gây cho anh bởi các bản nhạc khác nhau do nữ tu sĩ chơi thuộc về số lượng nhỏ bé những điều mà biểu đạt bị ngăn cấm với lời nói, và biến nó trở nên bất lực, nhưng, cũng giống cái chết, Chúa, Vĩnh Cửu, chỉ có thể được thưởng thức tại cái điểm giao nhau lướt qua giữa chúng và con người. Do một sự ngẫu nhĩ kỳ lạ, âm nhạc đàn orgue như thể thuộc về trường phái của Rossini[6], người nhạc sĩ đã chuyển di được nhiều nhất dục vọng của con người vào nghệ thuật âm nhạc, mà các tác phẩm rồi một ngày kia sẽ khiến người ta, nhờ số lượng và độ rộng của chúng, cảm thấy một nỗi kính trọng to lớn. Trong số các bản nhạc nhờ tay thiên tài đẹp đẽ ấy mà có, người nữ tu dường như đã đặc biệt nghiên cứu kỹ Mose[7], hẳn bởi vì tình cảm của âm nhạc thiêng liêng được diễn tả tại đó ở mức độ cao nhất. Có lẽ hai tinh thần này, một mang tính chất châu Âu theo đường lối vinh quang tới vậy, một thì không ai biết đến, đã gặp được nhau trong trực giác về cùng một thứ thơ ca. Ý kiến này là của hai viên sĩ quan, dilettanti[8] đích thực, chắc hẳn trên đất Tây Ban Nha họ thấy tiếc nhà hát Favart[9]. Cuối cùng, đến Te Deum, chẳng thể nào không nhận ra một tâm hồn Pháp trong cái tính cách mà âm nhạc đột nhiên khoác lên mình. Thắng lợi của Nhà Vua Rất Ki Tô lẽ dĩ nhiên kích thích niềm vui náo nhiệt nhất nơi đáy trái tim của nữ tu sĩ này. Chắc chắn nàng là một phụ nữ Pháp. Rất mau chóng tình cảm đất nước bùng nổ, lóe lên như một tia sáng trong một câu đàn nơi xơ đưa vào các môtip tuôn trào toàn bộ sự tinh tế của gu Paridiêng, lẫn vào với đó mơ hồ những suy nghĩ của các bản nhạc quốc gia hay nhất của chúng ta. Các bàn tay Tây Ban Nha hẳn sẽ không đặt, ở lời vinh danh duyên dáng này đối với quân đội chiến thắng, sự nồng nhiệt rốt cuộc đã hé lộ xuất thân của nữ nhạc công.

“Tức là có nước Pháp ở khắp mọi nơi?” một người lính thốt lên.

Tướng quân đã đi ra ngoài trong lúc khúc Te Deum được diễn tấu, anh không thể nào nghe tiếp. Cách chơi của nữ nhạc công báo hiệu cho anh về một người phụ nữ được yêu đắm đuối, và người ấy đã tự chôn vùi mình sâu đến thế vào trong trái tim của tôn giáo và hết sức cẩn thận lo sao thực sự vuột thoát các ánh mắt của thế giới, thành thử cho đến lúc này nàng đã thoát được khỏi những tìm kiếm bướng bỉnh được thực hiện đầy khéo léo bởi những con người nắm trong tay cả một quyền lực lớn lao cũng như một trí tuệ vượt trội[10]. Nỗi nghi ngờ được đánh thức trong trái tim tướng quân gần như đã được chứng minh thông qua việc anh mơ hồ nhớ tới một bản nhạc tuyệt diệu trong buồn thảm, bản Le Fleuve du Tage[11], romance Pháp mà anh từng hay được nghe khúc prelude tại một phòng boudoir Paris, do tay người mà anh yêu chơi, và cũng mới được người nữ tu kia sử dụng để diễn tả, ngay giữa niềm vui của những người chiến thắng, những nuối tiếc của một nữ nhân lưu đày. Cảm giác thật khủng khiếp! Hy vọng sự sống lại của một tình yêu đã mất, tìm thấy lại nó nhưng vẫn mất, thoáng thấy nó một cách bí hiểm, sau năm năm trời[12] nơi niềm đam mê đã tưng bừng cuộn lên trong hư vô, và được làm cho lớn thêm lên bởi sự vô ích của các toan tính được thực hiện nhằm thỏa mãn nó.

Ai người, trong cuộc đời, chưa từng bao giờ, ít nhất là một lần, khuấy đảo nơi trú ngụ của mình, giấy tờ của mình, ngôi nhà của mình, sốt ruột xới tung trí nhớ để tìm một thứ đồ vật quý báu, và cảm thấy niềm khoái cảm không thể thốt nên lời khi tìm được nó, sau một hay hai ngày bị dằn vặt trong những tìm kiếm vô vọng; sau khi từng hy vọng, tuyệt vọng không gặp được nó; sau khi đã tiêu tốn những cồn cào mãnh liệt nhất của tâm hồn cho món đồ vụn quan trọng, nguồn cơn của gần như cả một dục vọng ấy? Vậy thì, ta hãy trải nỗi giận dữ này ra năm năm; ta hãy đặt một người phụ nữ, một trái tim, một tình yêu vào chỗ của khoảng trống không kia; hãy chuyển di dục vọng lên những địa phận cao nhất của tình cảm; và rồi đặt giả định một người đàn ông nồng nhiệt, một con người của trái tim và khuôn mặt sư tử, một con người có bờm dũng mãnh áp đặt và truyền giao cho những ai nhìn thấy anh ta một nỗi hãi hùng nhuốm kính trọng! Có lẽ như thế ta sẽ hiểu được việc tướng quân đột ngột bỏ ra ngoài khi khúc Te Deum vang lên, đúng cái thời điểm khi đoạn prelude của một bản romance xưa kia anh từng nghe trong khoái lạc, dưới các màn trướng điểm vàng, rung lên bên dưới mái của ngôi nhà thờ cạnh biển.

Anh bước đi xuôi xuống con đường dốc dẫn tới nhà thờ, và chỉ dừng chân khi các âm thanh trầm sâu của cây đàn orgue không còn vọng đến tai nữa. Chẳng thể nào nghĩ tới điều gì khác ngoài tình yêu của anh, mà sự phun trào như núi lửa gây bỏng cho trái tim anh, vị tướng người Pháp chỉ nhận ra khúc Te Deum đã hết vào lúc công chúng người Tây Ban Nha lũ lượt ra về. Anh cảm thấy cách hành xử và thái độ của mình có thể khiến người ta coi là lố bịch, nên quay trở lại vị trí dẫn đầu đoàn diễn hành, nói với viên thị trưởng và tổng trấn thành phố rằng một cơn khó ở đột ngột đã buộc anh phải ra ngoài hít thở không khí. Rồi, nhằm có thể ở lại trên hòn đảo, đột nhiên anh nghĩ tới chuyện tận dụng luôn cái cớ thoạt tiên được viện ra không chủ đích ấy. Lấy lý do nỗi khó ở trở nên trầm trọng hơn, anh từ chối chủ trì bữa tiệc do chính quyền đảo tổ chức để đãi các sĩ quan người Pháp; anh lên giường nằm, và sai người viết thư cho viên thiếu tá phụ trách nhân sự thông báo bệnh tình mắc phải, nó buộc anh phải giao quyền chỉ huy đội quân cho một đại tá. Cái mưu mẹo thô lậu đó, nhưng hết sức tự nhiên, giúp anh được giải thoát khỏi mọi trách nhiệm trong khoảng thời gian cần thiết để hoàn thành các dự đồ riêng. Với tư cách một con người Công giáo và ủng hộ quân chủ[13], anh hỏi giờ giấc làm lễ và tỏ ra hết sức mong muốn dự các thực hành tôn giáo, cái phẩm chất tại Tây Ban Nha này hẳn không làm bất kỳ ai thấy ngạc nhiên.

Ngay hôm sau, trong lúc lính của anh rút đi, tướng quân đi tới đan viện để dự lễ chiều. Nhà thờ vắng bóng các cư dân, họ, mặc dù sùng đạo, đã ra ngoài cảng xem đội quân lên tàu. Nhân vật người Pháp, sung sướng vì được một mình trong nhà thờ, lo sao làm vang động các vòm âm bằng tiếng khua cựa giày của anh; anh bước đi ồn ào, anh húng hắng ho, anh tự nói chuyện với mình lớn tiếng để báo cho các nữ tu, đặc biệt là cho nàng nhạc công, rằng, tuy người Pháp đang rời đi, nhưng vẫn còn một người ở lại. Cái điều lạ thường này có được nghe thấy, có được hiểu?… tướng quân tin vào điều đó. Tới thời điểm của khúc Magnificat, các cây đàn orgue như thể đáp lời anh, lời đáp được truyền đến anh thông qua các luồng rung động của không khí. Tâm hồn của nữ tu sĩ bay về phía anh trên những đôi cánh các nốt nhạc, và cảm khái trong chuyển động của các thanh âm. Nhạc bừng lên trong toàn bộ sức mạnh của nó; nó làm nhà thờ ấm lên. Khúc ca ấy của niềm vui, trở nên linh thiêng nhờ nghi lễ trác tuyệt của đạo Ki-tô La Mã nhằm diễn đạt niềm phấn hứng của tâm hồn khi hiện diện những huy hoàng của Chúa sống động trường cửu, biến thành một tiếng lòng gần như kinh hãi trước hạnh phúc của nó, trước sự hiện diện những huy hoàng của một tình yêu không bất tử vẫn còn tồn tại và đến đây khuấy động nó ở bên kia nấm mồ tôn giáo nơi các phụ nữ tự chôn vùi để rồi tái sinh với tư cách những người vợ của đấng Ki-tô[14].

Đàn orgue chắc hẳn là nhạc cụ lớn nhất, táo bạo nhất, tuyệt diệu nhất trong số mọi nhạc cụ mà thiên tài của con người từng tạo ra. Nó là cả một dàn nhạc, nơi một bàn tay thiện xảo có thể đòi hỏi mọi thứ, nó có thể diễn đạt mọi điều. Chẳng phải là, cách nào đó, nó là một bệ đỡ trên đó tâm hồn dựa vào để rồi băng mình nơi các không gian khi mà, trong cuộc bay của mình, nó tìm cách vẽ nên cả nghìn bức tranh, họa lấy cuộc đời, đi ngang qua khoảng vô tận chia cách trời và đất? Một nhà thơ càng nghe nhiều hòa âm kỳ vĩ của nó, anh ta càng hình dung được rõ hơn là giữa những con người quỳ gối và Chúa bị che giấu đằng sau các tia sáng choáng lộn của ngôi đền chỉ một trăm giọng hát của dàn đồng ca trần thế kia mới có thể lấp đầy các khoảng cách, và là trung gian duy nhất đủ mạnh ngõ hầu chuyển lên trời những lời cầu khấn con người, trong sự toàn năng các vẻ điệu, trong tính chất đa dạng những nỗi sầu muộn của họ, với các sắc độ phấn hứng trầm tư nơi họ, với các phun trào uy nghi những sám hối của họ và cả nghìn huyền hoặc của mọi tín ngưỡng. Phải, bên dưới các vòm dài kia, những giai điệu nảy sinh từ vị thần chủ sự các vật thánh có những sự lớn lao vô cùng, mà chúng dùng để tự trang hoàng và củng cố. Nơi đó, ánh sáng ban ngày mờ đi, sự im lặng thẳm sâu, những khúc ca đan xen với tiếng rền vang những cây đàn orgue, tất tật tạo dựng cho Chúa một tấm voan xuyên qua đó chiếu sáng các thuộc tính chói lọi của Người. Tất tật những của cải thiêng ấy như thể được vãi ra giống một chút nhang đèn lên ban thờ mỏng manh của Tình Yêu, vào ngay mặt ngai vàng vĩnh cửu của một vị Chúa ghen tuông và thích trả thù. Quả thật, niềm vui của nữ tu sĩ không có cái tính cách kỳ vĩ và nghiêm trang kia, hẳn nó sẽ ăn nhịp với các nét trang trọng của Magnificat; nàng mang tới cho nó những phát triển phong phú, duyên dáng, mà các nhịp điệu khác nhau tố cáo một niềm vui tươi thuộc con người[15]. Các môtip của nàng sở hữu vẻ bừng sáng những ngân dài của một nữ ca sĩ đang tìm cách diễn tả tình yêu, và các khúc ca của nàng nhảy nhót yêu kiều như một chú chim bên cạnh bạn đồng hành của nó[16]. Rồi, đôi lúc, nàng bật lên lao mình vào trong quá khứ để mà lần lượt rồ dại, sau đó thì khóc lóc. Cách chơi thay đổi liên tục của nàng có một cái gì đó mất trật tự giống sự khua động của người phụ nữ sung sướng vì người tình của nàng quay trở lại. Và rồi, sau những ồ ạt rung động của điên rồ và các hiệu ứng kỳ tuyệt của sự nhận ra đẫm huyền ảo ấy, tâm hồn đang nói năng như vậy bỗng quay trở vào trong chính nó. Nữ nhạc công, chuyển từ trưởng sang thứ, thông báo cho thính giả[17] về hoàn cảnh hiện tại của nàng. Đột nhiên nàng kể cho anh nghe những nỗi sầu dài dặc và miêu tả cho anh thấy căn bệnh tinh thần chậm chạp nơi nàng. Nàng từng mỗi ngày hủy bỏ đi một giác quan, mỗi đêm dựng hào ngăn một ý nghĩ, dần dà biến trái tim nàng thành một bãi tro tàn. Sau vài uốn lượn mềm mại, âm nhạc của nàng, từ sắc độ này qua sắc độ khác, mang một màu của nỗi buồn sâu thẳm. Rất sớm sủa các vọng âm tuôn trào sầm sập những sầu muộn như dòng thác. Rốt cuộc đột nhiên các nốt cao làm tách ra một công xe những giọng hát thiên thần, như thể hòng thông báo cho người tình đã mất, nhưng không bị lãng quên, rằng sự tụ hội của hai tâm hồn sẽ chỉ còn được thực hiện trên thiên đường: niềm hy vọng gây cảm động lớn lao làm sao! Rồi tới Amen. Khi ấy, trong làn không khí chẳng còn cả niềm vui lẫn những giọt nước mắt; cũng không còn sầu muộn hay tiếc nuối. Amen là một cuộc quay trở về với Chúa; hợp âm cuối cùng đó nghiêm ngắn, sự trang trọng khủng khiếp. Nữ nhạc công bày ra mọi tầng mọi lớp của nàng tu sĩ và, sau những gầm gào cuối cùng của bè trầm, chúng khiến những ai nghe thấy run rẩy đến tận chân tóc, dường như nàng tự rơi lại vào trong nấm mồ mà nàng đã chui ra trong thoáng chốc. Khi làn không khí đã, theo các cấp độ, ngừng những rung động qua lại, ta tưởng chừng có thể nói rằng ngôi nhà thờ, cho đến lúc đó rực sáng, quay trở vào trong một bóng tối thăm thẳm.

Tướng quân đã nhanh chóng bị cuốn đi theo hành trình của thiên tài mạnh mẽ ấy, và theo chân nó tới các vùng mà nó vừa băng qua. Anh hiểu, trong toàn bộ độ rộng của nó, các hình ảnh ngập tràn trong bản giao hưởng cháy bỏng đó, và đối với anh các hợp âm kia đi thật xa. Đối với anh, cũng như với xơ chơi nhạc, bài thơ này là tương lai, hiện tại và quá khứ. Âm nhạc, ngay cả nhạc của sân khấu, chẳng phải, đối với các tâm hồn dịu dàng và nhiều tính chất thơ ca, đối với những trái tim đau đớn và chịu tổn thương, một văn bản mà chúng phát triển lên tùy theo các kỷ niệm của riêng chúng, đấy ư? Nếu cần đến một trái tim nhà thơ thì mới có thể tạo ra một nhạc sĩ, thì chẳng phải là cần đến thơ ca và tình yêu thì mới hòng nghe, mới hòng hiểu được các tác phẩm âm nhạc vĩ đại, đấy ư? Tôn Giáo, Tình Yêu và Âm Nhạc chẳng phải là sự biểu đạt nhân ba của cùng một điều, nhu cầu giãi bày mà mọi tâm hồn cao quý đều cảm thấy rộn ràng ở trong chúng? Ba thứ thơ ca này đều hướng đến Chúa, Người tháo gỡ mọi xúc cảm nơi trần thế. Vậy nên Ba Ngôi thần thánh này của con người dự phần vào những sự kỳ vĩ bất tận của Chúa, mà chúng ta không bao giờ cấu hình nổi nếu không bao bọc lấy bằng những lửa cháy của tình yêu, các cây cổ cầm bằng vàng của âm nhạc, của ánh sáng và sự hòa hợp. Chẳng phải đó là nguyên tắc và mục đích các tác phẩm của chúng ta, đấy ư?

Nhân vật người Pháp đoán được rằng, nơi sa mạc này, trên cái khối đá bao quanh là biển này, nữ tu sĩ đã chiếm lĩnh lấy âm nhạc nhằm trút vào đó phần thặng dư của dục vọng thiêu đốt nàng. Đó là một vinh danh nhằm đến Chúa của tình yêu nơi nàng, hay đó là chiến thắng của tình yêu trước Chúa? những câu hỏi rất khó minh xác. Nhưng, chắc chắn, tướng quân không thể nghi ngờ vào chuyện anh tìm lại được trong cái trái tim đã chết đối với thế giới này một niềm đam mê cũng cháy bỏng giống như niềm đam mê nơi anh. Lễ chiều đã xong, anh quay trở về nhà viên thị trưởng, nơi anh ở tạm. Trước tiên rơi tõm vào trong cả nghìn hân hoan mà một nỗi hài lòng được chờ đợi từ lâu, tìm kiếm trong khó nhọc, tạo ra, anh còn chưa thấy gì ở bên ngoài đó. Anh vẫn được yêu. Nỗi cô đơn đã làm tình yêu lớn thêm lên trong trái tim ấy, cũng ngang bằng với mức tình yêu đã lớn thêm lên trong trái tim anh bởi các thanh barie lần lượt được vượt qua và bị đặt lại bởi tay người phụ nữ ấy, giữa nàng và anh. Cơn ngây ngất này của tâm hồn đi hết chiều dài tự nhiên của nó. Sau đó bắt đầu lấp ló ham muốn được gặp lại người phụ nữ đó, tranh cướp nàng với Chúa, giật lấy nàng, dự đồ bướng bỉnh mà người đàn ông táo bạo này rất thích. Sau bữa tối, anh đi nằm với mục đích tránh các câu hỏi, được ở một mình, nhằm có thể suy nghĩ không bị quấy rầy, và bồng bềnh trong các suy tưởng sâu xa nhất, cho đến sáng hôm sau. Anh chỉ dậy để đi dự lễ mixa. Anh tới nhà thờ, anh đứng ở gần rào sắt; trán anh chạm vào bức rèm; anh những muốn xé tan nó ra, nhưng anh không ở đó một mình: người chủ nhà của anh đi cùng anh, vì lịch thiệp, và một sự thiếu thận trọng dẫu nhỏ nhất cũng có thể phương hại đến tương lai niềm đam mê nơi anh, làm sụp đổ mất những hy vọng mới mẻ. Tiếng đàn orgue lại vang lên, nhưng chúng không còn được chơi bởi cùng những bàn tay ấy nữa. Nữ nhạc công của hai ngày trước đó không còn giữ phím đàn. Mọi thứ trở nên nhợt nhạt và lạnh lẽo đối với tướng quân. Tình nhân của anh có bị nghiền nát dưới cùng các xúc cảm dưới đó một trái tim người đàn ông dũng mãnh gần như quỵ ngã? Nàng có chia sớt, có hiểu một tình yêu chung thủy và được mong muốn tới mức đang nằm hấp hối trên giường của mình trong mật thất? Đúng vào lúc cả nghìn suy nghĩ tương tự sống dậy trong tâm trí nhân vật người Pháp, anh nghe thấy vang lên gần bên giọng của người mà anh yêu, anh nhận ra âm sắc trong trẻo ấy. Giọng nói này, hơi khàn đi bởi một cơn run rẩy mang lại cho nó tất tật những duyên dáng mà vẻ rụt rè thẹn thùng trang hoàng cho các thiếu nữ, nổi bật lên trên dàn đồng ca, giống như một prima donna trên hòa âm một khúc nhạc cuối. Nó tạo cho tâm hồn cùng cái hiệu ứng tạo cho đôi mắt một tấm mạng bằng bạc hoặc vàng trên một nền phông tối màu. Tức là đúng nàng rồi! Vẫn rất Paridiêng, nàng đã không trút bỏ đi sự điệu đà của mình, dẫu đã rời bỏ những điểm trang của xã hội để đổi lấy dải băng đô vải thô của các nữ du dòng Carmélite. Sau khi đã biểu lộ tình yêu của mình vào ngày hôm trước, ngay giữa những ngợi ca gửi đến Chúa, như thể nàng muốn nói với người tình: “Vâng, là em đây, em ở đây, em vẫn còn yêu; nhưng em ở trong bóng khuất tình yêu. Anh sẽ nghe thấy em, tâm hồn em sẽ bao bọc lấy anh, nhưng em sẽ ở lại bên dưới tấm vải liệm màu nâu của dàn đồng ca này, mà không một sức mạnh nào có thể giật em ra khỏi. Anh sẽ không nhìn thấy em.”

“Đúng là nàng!” tướng quân tự nhủ, ngẩng đầu lên, bỏ hai bàn tay ôm lấy vầng trán ra; bởi vì thoạt tiên anh đã không thể chịu nổi mối xúc cảm cuồng loạn dậy lên như một lốc xoáy trong trái tim anh, khi cái giọng thân thuộc đó rung lên dưới các vòm cung, đệm nhịp bởi tiếng thì thầm của sóng. Cơn giông là ở bên ngoài, còn trong ngôi đền là sự tĩnh tại. Cái giọng phong phú đến vậy cứ tiếp tục bày ra mọi mơn trớn của nó, nó vụt đến giống như thứ thuốc chữa cho trái tim bùng cháy của người tình nhân này, nó nở bừng trong không khí, mà người ta những muốn hít được nhiều hơn ngõ hầu thu nhận từ đó những bừng tỏa của một tâm hồn nở tung với tình yêu trong các lời nguyện cầu. Viên thị trưởng đến chỗ người khách, ông thấy anh mắt đang nhòa lệ ở đoạn miêu tả dựng thánh giá, do nữ tu sĩ hát, và đưa anh về nhà. Kinh ngạc khi bắt gặp ngần ấy sự sùng đạo nơi một quân nhân người Pháp, viên thị trưởng đã mời đến dùng bữa xupe cha giáo đạo của đan viện, và báo trước điều đó cho tướng quân, chưa từng bao giờ có tin tức nào khiến anh sung sướng đến thế. Trong bữa ăn, ông cha trở thành đối tượng cho những quan tâm của nhân vật người Pháp, mà sự kính trọng chăm chút xác nhận cho những người Tây Ban Nha trong sự coi trọng mà họ dành cho lòng mộ đạo của anh. Anh trang trọng hỏi về số lượng các nữ tu, những chi tiết liên quan tới thu nhập của tu viện cũng như tài sản của nó, với tư cách một người như thể muốn lịch sự trao đổi với vị linh mục già tốt bụng về những điều khiến anh vô cùng bận tâm. Rồi anh tìm hiểu về cuộc sống của các cô gái thánh thiện kia. Họ có thể ra ngoài không? người ta có gặp họ không?

“Thưa ngài, vị tăng lữ đáng kính nói, quy định nghiêm ngặt lắm. Cần đến sự cho phép của Cha Thánh chúng ta một phụ nữ mới được bước chân vào một ngôi nhà của thánh Bruno[18], thì ở đây cũng vậy. Một người đàn ông không thể vào một tu viện của Carmélites Déchaussées, trừ phi người đó là linh mục và được đức tổng giám mục giao việc phụng sự Tu Viện. Không một nữ tu nào được ra ngoài. Tuy nhiên NỮ THÁNH VĨ ĐẠI (mẹ Thérèse) vẫn hay rời khỏi mật thất của mình. Chỉ Giám Quản hoặc các Mẹ nhất mới có thể cho phép một nữ tu, với sự cho phép của tổng giám mục, gặp người lạ, nhất là trong trường hợp ốm đau. Thế nhưng chúng tôi là một nhà tu chính, cho nên chúng tôi có một Mẹ nhất ở tu viện. Chúng tôi cũng có, ngoài các nữ tu người nước ngoài, một người Pháp, xơ Thérèse, người điều hành âm nhạc của nhà nguyện.

- A! tướng quân đáp, vờ tỏ ra ngạc nhiên. Chắc cô ấy phải sung sướng lắm trước chiến thắng quân sự của nhà Bourbon?

- Tôi đã nói cho họ mục đích buổi lễ mixa, họ vẫn hơi hiếu kỳ.

- Nhưng xơ Thérèse có thể có các mối quan tâm bên Pháp, có lẽ cô ấy muốn gửi một tin tức nào đó, hoặc muốn nghe tin tức mới?

- Tôi không nghĩ vậy đâu, nếu vậy cô ấy sẽ nói chuyện với tôi để hỏi.

- Với tư cách đồng hương, tướng quân nói, tôi thấy rất tò mò muốn gặp cô ấy… Nếu như có thể, nếu Mẹ bề trên đồng ý, nếu…

- Ở chỗ rào sắt, và ngay cả khi có Mẹ bề trên, thì một cuộc hội kiến vẫn là bất khả đối với bất kỳ ai; nhưng để chiều lòng một người giải cứu cho ngai vàng Công giáo và tôn giáo thánh, mặc cho sự hà khắc của Mẹ, quy định có thể ngủ quên trong giây lát, ông cha nói, vừa nói vừa nháy mắt. Tôi sẽ nói chuyện này.

- Xơ Thérèse bao nhiêu tuổi rồi? người tình hỏi, không dám tra vấn ông linh mục về vẻ đẹp của nữ tu sĩ.

- Cô ấy không còn tuổi nữa”, ông già tốt bụng đáp, với một vẻ giản dị khiến tướng quân phát run rẩy.

Sáng hôm sau, trước giờ ngủ trưa, ông cha đến thông báo với nhân vật người Pháp rằng xơ Thérèse và Mẹ đồng ý tiếp anh nơi rào sắt của phòng lớn, trước giờ lễ chiều. Sau quãng ngủ trưa, trong đó tướng quân giết thời gian một cách hung bạo bằng cách đi dạo trên bến cảng, dưới cái nóng như thiêu buổi giữa trưa, vị linh mục đến tìm anh, rồi dẫn anh vào đan viện; ông đưa anh đi dưới một hành lang có mái cong chạy dọc theo nghĩa trang, nơi vài vòi nước, nhiều cây xanh và vô số vòm cung tạo ra một sự mát mẻ ăn nhịp với vẻ tĩnh lặng của chốn này. Đến cuối hành lang, linh mục dẫn người cùng đi vào một căn phòng ngăn làm đôi bởi một rào lưới phủ tấm rèm nâu. Bên phần nhìn chung là dành cho công chúng, nơi ông cha để vị tướng lại, kê một cái ghế băng bằng gỗ dọc bức tường; vài chiếc ghế cũng bằng gỗ để gần hàng rào. Trần nhà làm bằng các thanh rầm lộ gỗ sồi màu lục, và không kèm chút trang trí nào. Ánh sáng chỉ rọi vào căn phòng này qua hai cửa sổ nằm ở bên dành cho các nữ tu sĩ, thành thử ánh sáng lờ nhờ này, phản chiếu đùng đục qua một thứ gỗ theo các sắc độ nâu, chỉ soi sáng mờ ảo bức tượng Ki-tô lớn màu đen, chân dung thánh Thérèse và một bức tranh vẽ Đức Mẹ Đồng Trinh trang trí cho các vách tường màu xám của phòng gặp. Vậy nên các tình cảm của tướng quân, mặc cho sự mãnh liệt của chúng, mang một màu sắc thảm đạm. Anh trở nên bình tĩnh trong sự bình yên ngôi nhà này. Một điều gì đó lớn lao giống như nấm mồ khiến anh thấy rung động bên dưới sàn nhà mát lạnh kia. Chẳng phải đó là sự im lặng vĩnh hằng của nó, bằng an sâu thẳm của nó, các suy nghĩ về vô tận của nó? Và rồi, sự tĩnh tại và ý nghĩ cố định của tu viện, cái ý nghĩ trượt đi trong không khí ấy, trong vẻ tranh tối tranh sáng, nơi tất tật mọi thứ, và là điều, vì không hề được vạch ra ở bất kỳ đâu, còn được làm lớn thêm lên bởi trí tưởng tượng, cái câu hùng hồn này: bằng an nơi Chúa, xâm nhập, hết sức mạnh mẽ, tâm hồn ít tính chất tôn giáo hơn cả. Khó mà hình dung các tu viện cho đàn ông; ở đó con người dường như yếu: anh ta được sinh ra để hành động, để hoàn thành một cuộc đời lao động nhưng lại thoát đi khỏi đó để chui vào biệt phòng. Nhưng tại một đan viện phụ nữ, có đến biết bao nhiêu sự mãnh liệt nam tính và yếu đuối gây cảm động! Một người đàn ông có thể bị thúc đẩy bởi cả nghìn tình cảm vào nơi đáy sâu một tu viện, anh ta lao mình vào đó như xuống một vực thẳm; nhưng phụ nữ chỉ tới đó khi bị dẫn lối bởi một tình cảm duy nhất: nơi đây người phụ nữ không bị biến đổi bản tính, cô ta cưới Chúa. Ta có thể nói với các ông thầy tu kín: Tại sao các vị không tranh đấu? Nhưng sự ẩn mình của một phụ nữ chẳng phải lúc nào cũng là một cuộc tranh đấu trác tuyệt đấy ư? Nói tóm lại, tướng quân thấy phòng gặp câm lặng này, cùng tu viện hẻo lánh giữa biển này ngập tràn chính anh. Tình yêu thì hiếm khi nào đạt tới được sự trang trọng; nhưng tình yêu vẫn còn chung thủy trong lòng của Chúa, chẳng phải đó là một cái gì trang trọng, và hơn một người đàn ông có quyền hy vọng vào thế kỷ mười chín, nếu chiểu theo các phong hóa thông dụng? Những kỳ vĩ bất tận của hoàn cảnh này có thể tác động lên tâm hồn tướng quân, anh được nâng lên đủ cao để quên đi chính trị, các danh dự, Tây Ban Nha, xã hội thượng lưu Paris, và lên mãi đến tận độ cao của sự gỡ bỏ phi thường kia. Vả lại, còn gì có thể nhiều tính chất bi kịch một cách đích thực hơn nữa đây? Có bao nhiêu tình cảm trong hoàn cảnh chỉ hai tình nhân được kết hợp trở lại giữa biển trên một khối đá granit, nhưng bị ngăn cách bởi một ý nghĩ, bởi một thanh barie không thể vượt qua! Hãy nhìn con người đang tự nhủ: “Mình có chiến thắng được Chúa trong trái tim ấy không?” Một tiếng động nhẹ khiến người đàn ông thoáng run rẩy, tấm rèm nâu kéo ra; rồi anh nhìn thấy trong làn ánh sáng một phụ nữ đứng đó, nhưng khuôn mặt bị che khuất bởi phần bên dưới tấm voan đeo trên đầu: theo quy định của tu viện, nàng vận chiếc váy mang cái màu đã trở thành ngạn ngữ[19]. Tướng quân không thể nhìn thấy hai bàn chân trần của nữ tu sĩ, hẳn chúng sẽ chứng nhận cho anh sự gầy guộc hãi hùng của nàng; tuy nhiên, mặc cho rất nhiều nếp li cái váy thô vụng che đi không để lộ người phụ nữ nữa, anh vẫn đoán được rằng những giọt nước mắt, lời cầu nguyện, dục vọng, cuộc sống cô độc đã khiến nàng trở nên khô héo.

Bàn tay lạnh giá của một phụ nữ, hẳn là tay của Mẹ nhất, vẫn giữ tấm rèm; và tướng quân, sau khi xem xét chứng nhân nhất thiết của cuộc hội kiến này, bắt gặp ánh mắt đen sâu thẳm của một bà tu sĩ già, gần như trăm tuổi, ánh mắt trong và trẻ trung, phản đề của vô số nếp nhăn chạy nhằng nhịt trên khuôn mặt nhợt nhạt của bà.

“Thưa bà công tước, anh hỏi, giọng hết sức xúc động trước nàng tu sĩ đang cúi đầu xuống, người đi cùng bà có hiểu tiếng Pháp không?

- Ở đây không có nữ công tước nào hết, nữ tu sĩ đáp. Ông đang đứng trước xơ Thérèse. Người phụ nữ kia, mà ông gọi là người đi cùng tôi, là Mẹ tôi ở nơi Chúa, Mẹ cai quản tôi nơi hạ giới này.”

Những lời ấy, được thốt ra đầy khiêm cung bởi giọng nói xưa kia từng ăn nhịp đến vậy với sự xa xỉ và thanh lịch vây quanh người phụ nữ đó, bà hoàng của mốt tại Paris, bởi cái miệng mà ngôn ngữ xưa kia nhẹ nhõm tới vậy, nhạo báng tới vậy, gây choáng váng cho tướng quân tương tự như một cú sét.

“Mẹ Thánh của tôi chỉ nói tiếng Latin và tiếng Tây Ban Nha, nàng nói thêm.

- Anh không biết cả hai thứ tiếng đó. Antoinette yêu quý của anh, em hãy xin bà ấy thứ lỗi cho anh.”

Nghe thấy cái tên kia được phát ra thật êm dịu từ một người đàn ông trước kia từng thật cứng rắn với nàng, nữ tu sĩ cảm thấy một mối xúc cảm mạnh mẽ trong nội tâm, để lộ ra ngoài bởi những run rẩy nhẹ nơi tấm voan nàng mang, trên đó ánh sáng chiếu ngập tràn.

“Người anh em, nàng nói, luồn ống tay xuống bên dưới tấm voan, có lẽ để lau nước mắt, tôi tên là xơ Thérèse…”

Rồi nàng quay sang Mẹ nhất, và nói với bà, bằng tiếng Tây Ban Nha, những lời sau đây, mà tướng quân hiểu rất rõ; anh biết ngôn ngữ này đủ để hiểu, có lẽ đủ cả để nói nữa:

“Thưa Mẹ kính yêu, vị hiệp sĩ này muốn bày tỏ với mẹ sự ngưỡng mộ của ông ấy, và xin mẹ thứ lỗi cho ông ấy vì không thể tự mình quỳ gối trước mẹ để trình bày; nhưng ông ấy không biết cả hai thứ tiếng mà mẹ nói…”

Bà già chậm rãi nghiêng đầu, vẻ bên ngoài của bà có một biểu hiện dịu dàng như thiên thần, tuy nhiên thêm vào đó còn phải kể cảm giác về sức mạnh cũng như phẩm giá nơi bà.

“Con có quen vị hiệp sĩ này? Mẹ nhất hỏi nàng, nhìn nàng bằng một ánh mắt xuyên thấu.

- Vâng, thưa Mẹ.

- Về biệt phòng ngay, con gái!” bà Mẹ nhất nói, giọng đầy uy quyền.

Tướng quân vội lẩn ra đằng sau tấm rèm, nhằm không để người khác đoán ra trên nét mặt anh những cảm xúc khủng khiếp đang khuấy động anh; và, trong bóng tối, anh nghĩ mình vẫn còn trông thấy cặp mắt sắc lẹm của Mẹ nhất. Người đàn bà này, người trông coi ân sủng mong manh và thoáng qua mà để chiếm hữu được người ta phải dồn vào biết bao chăm chút, khiến anh thấy sợ, và anh run lên, anh, người mà ba hàng đại bác cũng chưa từng bao giờ khiến sợ hãi. Nữ công tước bước về phía cánh cửa, nhưng nàng ngoái đầu lại: “Thưa Mẹ, nàng nói, giọng bình thản đến hãi hùng, người Pháp này là một trong các anh em của con.

- Thế thì hãy ở lại, con gái!” bà già trả lời sau một quãng ngừng.

Món lừa đảo theo kiểu dòng Tên đáng ngưỡng mộ này hé lộ biết bao tình yêu và hối tiếc, đến nỗi một người đàn ông kém cứng cáp hơn so với tướng quân hẳn sẽ thấy mình quỵ ngã khi đón nhận những khoái thú mãnh liệt đến vậy ở ngay giữa một mối nguy lớn lao, đối với anh là hoàn toàn mới mẻ. Vậy thì còn có giá trị tới mức nào đây những lời lẽ, ánh mắt, cử động trong một xen nơi tình yêu phải vuột thoát khỏi những cặp mắt linh miêu, những móng vuốt của hổ! Xơ Thérèse quay trở lại.

“Anh cũng thấy đấy, người anh em, việc mà tôi cả gan làm để có thể khiến anh được hưởng ân điển trong chốc lát, và những mong muốn mà ngày ngày tâm hồn tôi hướng lên trời cao, để cho anh. Tôi đã phạm một tội lỗi chết người. Tôi đã nói dối. Bao nhiêu ngày sám hối thì mới gột đi được lời nói dối đó đây? nhưng đó sẽ là chịu đau đớn vì ông. Ông không biết đâu, người anh em, hạnh phúc biết bao khi được yêu ở trên trời, khi có thể tự thú nhận với mình các tình cảm trong khi tôn giáo đã thanh tẩy chúng, đã chuyển chúng lên những vùng cao vời nhất, và rồi chúng tôi được phép không còn ngắm nhìn gì khác ngoài tâm hồn nữa. Nếu các học thuyết, nếu tinh thần của vị nữ thánh mà nhờ Người chúng tôi mới có được nơi trú ngụ này vẫn còn chưa đưa được tôi đi xa khỏi các nỗi khốn cùng trần thế, và vẫn còn cách tầng cầu của Người một khoảng vời vợi, nhưng chắc chắn là ở bên trên thế giới, thì hẳn tôi đã không gặp lại ông. Nhưng tôi có thể nhìn thấy ông, nghe ông nói và vẫn bình tĩnh…

- Ơ này, Antoinette, tướng quân kêu lên, cắt ngang lời nàng, hãy cho anh nhìn em, em mà giờ đây anh yêu điên dại, say đắm, đúng như em từng muốn được anh yêu.

- Đừng gọi tôi là Antoinette, tôi xin ông. Những kỷ niệm quá khứ khiến tôi đau khổ. Hãy chỉ nhìn thấy ở nơi đây xơ Thérèse, một tạo vật đặt lòng tin vào lòng thương xót thần thánh. Và, nàng nói thêm sau một quãng ngừng, hãy kiềm chế, người anh em. Mẹ nhất của chúng tôi sẽ thẳng tay chia cách chúng ta nếu mặt ông để lộ các dục vọng trần tục, hoặc nếu ông để nước mắt của ông rơi.”

Tướng quân cúi đầu như để tĩnh tâm. Khi ngẩng đầu lên rào lưới, anh nhìn thấy, giữa hai chấn song, khuôn mặt gầy đi, nhợt nhạt, nhưng vẫn còn nồng cháy của nàng nữ tu. Sắc diện của nàng, nơi xưa kia từng bừng nở mọi điều huyền ảo của tuổi trẻ, nơi sự tương phản đầy hài hòa của một màu trắng ngà với các màu của hoa hồng Bengale, đã chuyển sang tông ấm áp của một chất sứ dưới đó một luồng ánh sáng yếu ớt bị giam hãm. Mái tóc đẹp mà người phụ nữ ấy từng rất lấy làm kiêu hãnh đã bị cạo đi. Một dải băng đô buộc ngang vầng trán và bao viền lấy khuôn mặt. Cặp mắt nàng, quầng một nét u ám bắt nguồn từ những khổ hạnh của cuộc sống ấy, chốc chốc lại phóng ra những tia sáng nồng nhiệt, và vẻ bình thản thông thường chỉ là tấm voan che. Nói tóm lại, từ người phụ nữ ấy chỉ còn lại tâm hồn.

“A! em sẽ rời khỏi nấm mồ này, em, người đã trở thành cả cuộc đời anh! Em từng thuộc về anh, và đâu có được tự do trao thân đi, dẫu là cho Chúa. Chẳng phải em đã hứa với anh là sẽ hy sinh mọi thứ chỉ cần một lời ra lệnh khẽ khàng của anh? Giờ đây có lẽ em sẽ thấy anh xứng với lời hứa đó, chừng nào em biết những gì anh đã làm vì em. Anh đã đi tìm em khắp thế giới. Từ năm năm nay, em là suy nghĩ của anh vào mọi khoảnh khắc, điều chiếm lĩnh cuộc đời anh. Các bạn của anh, những người bạn hùng mạnh, em cũng biết rồi, đã giúp anh bằng toàn bộ sức lực của họ để lục tung các đan viện ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Sicile, Mỹ. Tình yêu của anh càng bừng lên mãnh liệt hơn sau mỗi tìm kiếm vô vọng; anh vẫn thường đi những chuyến thật dài dựa trên một hy vọng sai lầm, anh đã tiêu tốn cuộc đời anh và những dồn đập mạnh mẽ nhất của trái tim anh quanh các bức tường đen sẫm của nhiều nhà tu kín. Anh còn không nói với em về một lòng chung thủy vô bờ bến, nó là gì? chỉ một điều không đáng chi nếu so sánh với những mong chờ bất tận của tình yêu anh. Nếu xưa kia em từng chân thực trong những sám hối của em, thì hẳn em sẽ không do dự đi theo anh ngày hôm nay.

- Ông quên mất là tôi không còn tự do.

- Công tước đã chết”, anh hăng hái đáp.

Xơ Thérèse đỏ mặt.

“Cầu trời mở vòng tay đón nhận ông ấy, nàng nói với một xúc cảm mãnh liệt, ông ấy đã rất độ lượng với tôi. Nhưng tôi không định nhắc tới các mối liên hệ ấy, một trong những lỗi lầm của tôi là từng muốn cắt đứt tất tật chúng không chút đắn đo vì ông.

- Em nói đến các mong chờ của em, tướng quân kêu lên, lông mày nhíu lại. Anh lại chưa hề nghĩ có điều gì đè nặng lên trái tim em hơn tình yêu của em. Nhưng đừng nghi ngờ nó, Antoinette, anh sẽ xin được từ Cha Thánh một chỉ dụ giải thoát cho em khỏi các lời thệ. Chắc chắn anh sẽ đi sang Rome, anh sẽ cầu xin mọi quyền lực của trái đất; và nếu Chúa có thể xuống, anh sẽ…

- Đừng nói lời báng bổ.

- Em đừng có để ý đến Chúa chứ! A! anh muốn hơn nhiều cái việc biết em sẽ vượt các bức tường này vì anh; rằng, ngay tối nay, em sẽ nhảy xuống một con thuyền dưới chân vách đá. Chúng ta sẽ hạnh phúc, đi đến nơi nào mà anh cũng chẳng biết, tận cùng thế giới! Và, ở bên anh, em sẽ quay trở lại với cuộc đời, với sức khỏe, dưới đôi cánh của Tình Yêu.

- Đừng nói năng như vậy, xơ Thérèse đáp, ông không biết đối với tôi ông đã trở nên như thế nào đâu. Tôi yêu ông nhiều hơn nhiều so với có từng bao giờ ông yêu tôi. Ngày ngày tôi cầu xin Chúa vì ông, và tôi không còn nhìn thấy ông bằng cặp mắt của cơ thể nữa. Nếu ông biết, Armand, niềm hạnh phúc khi có thể buông mình không chút ngượng ngùng vào một tình bạn thuần khiết mà Chúa bảo vệ! Ông không biết tôi sung sướng đến thế nào khi gọi các ân sủng của trời cao đến cho ông. Không bao giờ tôi cầu nguyện cho tôi: Chúa sẽ làm với tôi những gì mà Người muốn. Nhưng ông, tôi rất mong, với cái giá vĩnh cửu của tôi, có được chút chắc chắn rằng ông hạnh phúc nơi thế giới này, và rằng ông sẽ được hạnh phúc tại thế giới khác, trải qua tất tật mọi thế kỷ. Cuộc đời vĩnh cửu của tôi là tất tật những gì bất hạnh từng để cho tôi trao tặng ông. Giờ đây, tôi đã già đi trong những giọt nước mắt, tôi không còn trẻ cũng chẳng còn đẹp; vả lại ông sẽ khinh bỉ một nữ tu sĩ trở thành phụ nữ, mà không một thứ tình cảm nào, ngay cả tình mẫu tử, có thể giải tội… Ông sẽ nói gì với tôi đây, để hòng cân bằng được với vô số suy nghĩ tích tụ lại trong trái tim tôi từ năm năm nay, chúng đã làm biến đổi nó, xói mòn nó, làm nó héo úa? Hẳn lẽ ra tôi phải trao tặng nó cho Chúa bớt vẻ đáng buồn hơn!

- Những gì anh sẽ nói, Antoinette yêu quý của anh! anh sẽ nói rằng anh yêu em; rằng tình trìu mến, tình yêu, tình yêu đích thực, hạnh phúc được sống trong một trái tim hoàn toàn của chúng ta, hoàn toàn chỉ thuộc về chúng ta, không e dè, hiếm có và khó gặp đến nỗi anh từng ngờ vực em, anh từng bắt em phải trải qua những thử thách ngặt nghèo; nhưng ngày hôm nay anh yêu em bằng tất tật sức mạnh tâm hồn anh: nếu em đi theo anh đến nơi ẩn trốn, anh sẽ không nghe giọng nói nào khác ngoài giọng của em, anh sẽ không nhìn thấy khuôn mặt nào khác ngoài khuôn mặt của em…

- Im đi, Armand! Ông đang rút ngắn mất khoảnh khắc duy nhất mà chúng ta được phép gặp nhau nơi trần thế này.

- Antoinette, em có muốn đi theo anh không?

- Nhưng tôi đâu có rời khỏi ông. Tôi sống bên trong trái tim ông, nhưng theo một cách khác chứ không phải tùy thuộc một lợi ích khoái lạc trần tục, rồi sự phù phiếm, thú vui ích kỷ; tôi sống ở đây vì ông, nhợt nhạt và tàn héo, trong lòng của Chúa! Nếu Người công bằng, ông sẽ được hạnh phúc.

- Chỉ là lời nói mà thôi, tất tật những thứ đó! Thế nếu anh muốn em nhợt nhạt và tàn héo? Thế nếu như anh chỉ có thể hạnh phúc nếu sở hữu em? Tức là em sẽ vẫn biết đến các nghĩa vụ khi có mặt người tình của em? Tức là anh ta chẳng bao giờ được ở trên mọi thứ khác trong trái tim em? Trước kia, em thích anh ta hơn xã hội, em, như thế nào nhỉ; giờ đây, đó là Chúa, đó là sự cứu rỗi của anh. Bên trong xơ Thérèse, anh vẫn nhận ra nàng công tước vô tri trước các khoái thú tình yêu, và vẫn vô cảm bên dưới vẻ ngoài của sự nhạy cảm. Em không yêu anh, em chưa từng bao giờ yêu…

- Ha, người anh em…

- Em không muốn rời khỏi nấm mồ này, em yêu tâm hồn anh, em nói vậy phải không? Thế thì, em sẽ đánh mất nó mãi mãi, cái tâm hồn này, anh sẽ tự sát…

- Mẹ, xơ Thérèse hét lên bằng tiếng Tây Ban Nha, con đã nói dối mẹ, người đàn ông này là người tình của con!”

Ngay tắp lự tấm rèm hạ xuống. Tướng quân, ngây người ra, nghe thấy mơ hồ các cánh cửa bên trong giận dữ đóng lại.

“A! nàng vẫn còn yêu ta! anh kêu lên, hiểu ra mọi thứ gì trác tuyệt ẩn chứa bên trong tiếng kêu đó của nữ tu sĩ, cần phải bắt cóc nàng khỏi đây…”

Tướng quân rời hòn đảo, quay trở về đại bản doanh, anh viện ra các lý do liên quan tới sức khỏe, xin được nghỉ phép và vội vã về Pháp.

Giờ đây sẽ là cuộc phiêu lưu đã ấn định hoàn cảnh vừa thuật, nơi hai nhân vật của cảnh này rơi vào khi ấy.

Cái mà người ta gọi, ở Pháp, là faubourg Saint-Germain không phải một khu phố, cũng chẳng phải một giáo phái, không phải một thiết chế, cũng chẳng phải bất kỳ cái gì có thể diễn đạt một cách rõ nét. Quảng trường Royale, faubourg Saint-Honoré, Chaussée d’Antin cũng sở hữu nhiều dinh thự nơi người ta hít thở không khí ngang bằng với faubourg Saint-Germain.

-----------

[1] Ta còn nhớ, ngay đầu Viên bác sĩ nông thôn, tu viện nổi tiếng Grande Chartreuse đã được nhắc đến.
[2] Cadix là trọng điểm của cuộc nổi dậy của Tây Ban Nha: ngày 5 tháng Giêng năm 1820, dưới sự chỉ huy của đại tá Riego, bạo loạn bùng nổ ở đây rồi lan rộng; vương quyền Tây Ban Nha bị đe dọa trước sức ép của phái lập hiến; quân Pháp dưới sự chỉ huy của công tước d’Angoulême đã tiến vào đây để can thiệp, chiếm Cadix vào ngày 3 tháng Mười năm 1823, giải thoát vua Tây Ban Nha; Tây Ban Nha liên quan đến nhiều tác phẩm của Balzac: trong Vở kịch con người, El Verdugo (một tác phẩm nhỏ, đã có bản dịch tiếng Việt) rất nổi tiếng ở phương diện này; trong Mémoires de deux jeunes mariées cũng có nhiều chi tiết liên quan đến những người Tây Ban Nha sống lưu vong tại Pháp.
[3] Cụ thể hơn, ở đây “tổng giám mục” là “archevêque métropolitain” (“métropolitain” hơi khác so với “diocèse” (giáo phận) hay “archidiocèse” là “đơn vị” thông thường ta hay thấy gắn liền với tổng giám mục hơn).
[4] Công tước d’Angoulême là “généralissime” chứ không phải “général” thông thường.
[5] Napoléon.
[6] Nữ công tước de Langeais được đề tặng cho một nhạc sĩ, Franz Liszt, nhưng trong truyện Balzac vẫn không ngần ngại thể hiện sự hâm mộ của mình đối với Rossini; Rossini có lẽ là nhạc sĩ xuất hiện nhiều nhất trong tiểu thuyết của Balzac.
[7] Tên đầy đủ bản nhạc này của Rossini là Mosè in Egitto (1818); bản nhạc cũng sẽ xuất hiện trong một tác phẩm khác nữa của Vở kịch con người, một tiểu thuyết ngắn có chủ đề âm nhạc thuộc các “étude triết học”: Massimilla Doni.
[8] Tiếng Ý, ở đây nên hiểu là người sành sỏi.
[9] Tức là “la salle Favart”, từng có thời gian nằm dưới quyền điều hành của Rossini.
[10] Tướng quân là một trong “mười ba quái kiệt”, mà thủ lĩnh chính là Ferragus.
[11] “Sông Tage”, một giai điệu mà tác giả tên là Pollet, vô cùng “à la mode” quanh năm 1820.
[12] Thời điểm này là 1823 (cf. chú thích số 2), từ đó ta có thể biết câu chuyện trước đó (mà cuốn tiểu thuyết sẽ sớm thuật lại) diễn ra vào thời điểm nào, tại Paris.
[13] Công giáo (catholique) và quân chủ (monarchique), đây cũng là hai tính chất mà Balzac tự tuyên bố về bản thân mình, một cách hết sức rõ ràng và hiển ngôn, trong lời tựa (avant-propos) viết chung cho cả bộ Vở kịch con người.
[14] Phụ nữ đi tu để từ bỏ khoái lạc (và đau khổ) trần thế, không còn là vợ của con người phàm nào nữa, và trở thành vợ của Chúa: chủ đề này xuất hiện rất nhiều lần trong các tiểu thuyết của Balzac.
[15] Tức là có rất nhiều biến tấu.
[16] Đoạn vừa xong là một trong những ví dụ lớn về việc Balzac nhận được nhiều cảm hứng từ Chateaubriand.
[17] Thính giả ở đây, tất nhiên, là một mình vị tướng quân người Pháp.
[18] Ám chỉ tu viện Grande Chartreuse gần Grenoble (cf. chú thích số 1).
[19] Chỉ cần hiểu một cách đơn giản là màu “carmélite” (nâu nhạt), bởi vì đây là dòng “Carmélites Déchaussées” (các Carmélite đi chân trần); ngay sau đây sẽ có sự ám chỉ đến việc các nữ tu của dòng này không đi giày.    



(còn nữa)



XV. Béatrix
Balzac trong thế kỷ mười chín
XIV. Gái già
Cách một (hay là "Balzac trong thế kỷ 19", phần mở đầu)
XIII. Vĩnh biệt (đầy đủ)
XII. Một người con gái của Eva
XI. Rực rỡ và khốn cùng đời kỹ nữ
X. Ursule Mirouët (phần 1)

(phần 2)
Balzac và Flaubert
IX. Louis Lambert
VIII. Nàng tình nhân hờ (đầy đủ)
[tiện bút] Đọc Balzac ở Hà Nội
VII. Người phụ nữ tuổi ba mươi (phần 1)
(phần 2)
VI. Viên bác sĩ nông thôn
Trở về cổ điển: Balzac - Vở kịch con người
V. Một vụ việc ám muội (phần 1)
(phần 2)
(phần 3)
IV. Albert Savarus (phần 1)
(phần 2)
III. Séraphîta
II. Ferragus (phần 1)
(phần 2)
(phần 3)
I. Mặt bên kia của lịch sử hiện thời
Vinh quang và một cốc nước cho Honoré de Balzac

13 comments:

  1. mở đầu dày đặc và thách thức nhỉ. sự tương phản giữa các hình ảnh đá trùng điệp của một đan viện đá với điểm lộ qua tiếng đàn của một "tâm hồn Pháp" "gu Paridiêng" thật đúng là bậc thầy. câu này thích quá nên xin bê về để ngắm:
    "Các cảm giác gây cho anh bởi các bản nhạc khác nhau do nữ tu sĩ chơi thuộc về số lượng nhỏ bé những điều mà biểu đạt bị ngăn cấm với lời nói, và biến nó trở nên bất lực, nhưng, cũng giống cái chết, Chúa, Vĩnh Cửu, chỉ có thể được thưởng thức tại cái điểm giao nhau lướt qua giữa chúng và con người."

    ReplyDelete
  2. cám ơn từ "đan viện", thuổng luôn nhé, rất có ích để giảm sự nhàm chán của lặp lại hehe

    mới thêm một đoạn rất chi là dài :p anh chị thực sự nhận ra nhau qua tiếng nhạc nhưng vẫn lâm vào cảnh "cạn dòng lá thắm dứt đường chim xanh"

    ReplyDelete
  3. "đan viện", và tiếp tục :p

    ReplyDelete
  4. ngày xưa tôi đọc cũng được nửa bộ đấy, hehe, giờ thấy Nhị Linh lên bài nhớ quá, liệu có nên quay lại làm tiếp hiệp 2 không

    ReplyDelete
  5. nên quá đi chứ, nhưng "nửa bộ" thì bỏ rẻ cũng phải tính ít nhất là 40 nháy đấy nhé :p

    tôi cũng vừa làm được một việc khó khăn nhất đối với bản thân tôi: đọc lại "Goriot"; sở dĩ nó khó vì xưa kia "Goriot" chính là quyển mà tôi thích nhất, có lẽ ngang bằng "Bông huệ trong thung"

    và rất đáng kinh ngạc: tôi hoàn toàn không nhớ, la duchesse de Langeais cũng đã xuất hiện ở đây rồi; ngay khi Rastignac rơi vào một tình huống lố bịch hạng nhất ở nhà Anastasie de Restaud (nhũ danh Goriot), đến nhà người bà con nữ tử tước de Beauséant ("cousine" của Rastignac), thì người phụ nữ quý tộc xuất hiện để thọc dao vào de Beauséant về chuyện nhà quý tộc d'Ajunda-Pinto lại chính là nữ công tước de Langeais, và ngay lúc này đã nói đến chuyện lô riêng ở Opéra (chính là nơi diễn ra cảnh đáng nhớ đầu tiên của phần thứ hai "Illusions perdues")

    ReplyDelete
    Replies
    1. tôi quên sạch rồi, nhưng mà có lẽ tôi nên bắt đầu bằng cách chạy theo loạt này, giờ tôi khởi động bằng cái Goriot luôn.

      Delete
  6. hỏi là đọc bằng tiếng nào được chứ?

    ReplyDelete
  7. a, hiểu rồi, đang thực hành sự thẹn thùng

    ReplyDelete
  8. "cuộc trường chinh Balzac" (và nhiều thứ khác) cứ public domain khơi khơi như vầy thì đáp đền bao nhiêu để cho cân xứng Chúa ơi :)

    ReplyDelete