Jul 22, 2009

How to talk about

Năm 2007 Pierre Bayard (giáo sư văn học tại trường Paris VIII) cho in một quyển sách tên là Comment parler des livres que l'on n'a pas lus? (tên tiếng Anh: How to Talk about Books You Haven't Read), nôm na nghĩa là làm sao mà nói về những cuốn sách mình chưa đọc. Đồng thời còn là một nhà tâm phân học (:) thực hành, Bayard rất biết cách làm bối rối người đọc, vì chắc đại đa số người đọc quyển này đều thích đọc sách và có làm các công việc liên quan đến sách. Comment parler... được in, một cách đầy cố ý, trong tủ sách "Paradoxe" (Nghịch lý) của NXB Minuit. Có thể đọc bài review trên TLS khi sách mới được in, chưa có bản dịch tiếng Anh ở đây.

Ý tưởng chung của Bayard đã rõ ràng như trên nhan đề sách; cái nhan đề này cũng hứa hẹn trước một cái gì đó không chính thống, mang tính bỡn cợt và đi sâu vào khía cạnh trò chơi: trò chơi trong đời sống xã giao (mundanity) và trò chơi với chính bản ngã của từng người. Sách gồm ba phần: "Các cách thức không đọc", "Những tình huống lời lẽ" và "Các cách hành xử cần theo", mỗi phần gồm bốn chương, mỗi chương là một ví dụ rút từ một cuốn sách, bắt đầu từ Musil, đi qua Eco, Montaigne, Lodge, Balzac, cả một bộ phim có Bill Murray đóng (Groundhog Day). Tất cả đều là những tình huống vừa gây cười vừa gây lúng túng trong ý thức: Montaigne quên mất hết cả những cuốn sách mình từng đọc, quên đến cả tác phẩm của mình, không bao giờ nhận ra kể cả khi có người trích dẫn ngay trước mặt ông, nhân vật Baskerville của Umberto Eco trong Tên của bông hồng không cần biết đến nội dung quyển tập hai Thi học (Aristote) cũng có thể phá án, dù toàn nhờ các sai lầm liên tiếp trong suy luận, vân vân và vân vân.

Buồn cười nhất là chương "Đối mặt với một giáo sư" ở phần II, Bayard kể chuyện một nhà nhân học (nữ) người Mỹ cứ đinh ninh rằng nhân loại về cơ bản đều giống nhau ở các giá trị nền tảng, để chứng minh bà cầm vở kịch Hamlet sang châu Phi đọc cho một bộ lạc nhỏ tên là Tiv.

"Các vấn đề nảy sinh rất sớm, khi Laura Bohannan, đang nói tới phần mở đầu của vở kịch, tìm cách giải thích làm thế nào mà vào một đêm ba người đàn ông đang canh gác trước nhà một vị thủ lĩnh đột nhiên nhìn thấy vị thủ lĩnh đã khuất tiến lại gần. Môtip gây bất đồng đầu tiên, bởi với người Tiv, hình bóng hiện lên ấy nhất định không thể là vị thủ lĩnh đã mất được.

“Tại sao ông ấy không còn là thủ lĩnh của họ nữa?”

“Ông ấy chết rồi”, tôi giải thích. “Chính vì vậy mà họ bối rối và sợ hãi khi nhìn thấy ông ấy.”

“Không thể nào”, một trong các bô lão lên tiếng, đưa cái tẩu sang cho người bên cạnh đang ngắt lời ông: “Dĩ nhiên đó không phải là vị thủ lĩnh đã quá cố rồi. Đó là một dấu hiệu do một tên phù thủy gửi đến. Tiếp tục đi.”

[…]

Khi ấy Laura Bohannan nói tới mẹ của Hamlet, Gertrude, nhưng mọi chuyện không khá gì hơn. Trong khi ở các cách đọc vở kịch của phương Tây đã trở thành truyền thống việc người ta nhanh chóng đặt vấn đề về tốc độ Gertrude lấy chồng mới sau cái chết của chồng cũ mà không chờ đợi một khoảng thời gian thích hợp, thì về phần mình những người Tiv lại ngạc nhiên vì bà có thể đợi lâu đến vậy.

[…]

Nếu Laura Bohannan cảm thấy nhiều khó khăn khi giải thích cho những người Tiv về tình hình gia cảnh của Hamlet thì bà sẽ còn gặp khó khăn nhiều hơn nữa khi cố gắng làm họ hiểu vị trí vượt trội của những con ma trong vở kịch của Shakespeare và trong xã hội của bà:

Tôi đã quyết định bỏ qua đoạn độc thoại. Ngay cả khi ở đây người ta nghĩ rằng Claudius đã làm rất đúng khi cưới vợ góa của anh trai mình, thì vẫn còn lại môtip thuốc độc, và tôi biết rằng họ rất không tán đồng việc giết anh em trong nhà. Tôi tiếp tục với nhiều hy vọng hơn: “Đêm hôm ấy, Hamlet đứng gác cùng ba người đã nhìn thấy người cha quá cố của chàng. Vị thủ lĩnh đã khuất lại hiện ra, và mặc dù những người khác rất sợ, Hamlet đi theo người cha đã chết của mình, cách xa một quãng. Khi chỉ còn lại họ, người cha đã chết của Hamlet cất lời.”

“Các dấu hiệu không thể nói được!” Vị thủ lĩnh già rất trang trọng.

“Người cha đã chết của Hamlet không phải là một dấu hiệu. Họ có thể nhìn thấy một dấu hiệu, nhưng ông ấy không phải là một dấu hiệu.” Công chúng của tôi tỏ ra cũng rối trí giống như tôi khi nói. “Đó thực sự là người cha đã chết của Hamlet. Đó là cái mà chúng tôi gọi là một “con ma”.”

Thật là khó tin, những người Tiv lại không tin vào ma, cái rất quen thuộc với chúng ta nhưng lại không hề có vị trí trong văn hóa của họ.

[đến đây Bayard chuyển sang mỉa sinh viên của mình, rất đích đáng :)]

Ngay cả khi chưa từng bao giờ đọc một dòng Hamlet, những người Tiv vẫn có một số ý tưởng chính xác về vở kịch và như vậy là hoàn toàn có khả năng, giống như các sinh viên của tôi, những người chưa từng đọc văn bản mà tôi đang giảng, nhất là họ lại còn muốn bàn luận về nó và đưa ra ý kiến của mình."

Cũng liên quan đến Hamlet, vài chương sau Bayard nhắc tới hai cuốn tiểu thuyết của David Lodge, nhất là Changing Places và trò chơi mang tên "Humiliation Game" (trò chơi tự làm nhục mình thông qua việc đọc sách). Tôi nhiệt liệt recommend các bác quyển Changing Places này, nhưng phải chuẩn bị tinh thần trước khi đọc, nó rất tinh quái và có khả năng gây hấn cho những tinh thần ngây thơ :)

+ Về Pierre Bayard tôi có một kỷ niệm rất không dễ chịu: không thể dễ chịu được khi mà một lần một đoạn trong cuốn sách nào đó của ông ấy được lấy ra làm đề thi bắt chúng tôi bình luận huhu. Cái text đó nói đến tính liên văn bản nhưng đẩy mọi chuyện đi đến cực đoan: nếu người khác chỉ nói chung chung về việc loại bỏ tính lịch sử trong nghiên cứu văn học theo hướng liên văn bản, thì Bayard còn chơi luôn một khái niệm quái đản tên là "plagiat en ancitipation" hay cái gì đó tương tự: nhà văn sống ở thời kỳ trước lại "đạo văn" nhà văn sống sau mình.

May mà viết lung tung gì đó cũng thoát hiểm :)

14 comments:

  1. Có lẽ vì nhiều cuốn sách có những điểm chung nên khi đã đọc một số quyển nhất định và đọc vài dòng review cuốn sách chưa đọc là có thể liên tưởng từ những cái đã đọc ra cuốn sách ấy.

    Những người Tiv chăm chú nghiêm túc thế còn gì, hơn bọn sinh viên là cái chắc. :)

    ReplyDelete
  2. Tại khoa Văn học trường KHXH & NV, một vài giáo sư phàn nàn rằng, hết cả một khóa học mà đại đa số sinh viên chỉ đọc cùng lắm là 50 cuốn sách, mà thường là không đọc hết hoặc chỉ đọc lướt qua :)
    Bác có thể nói rõ hơn về cái trò Humiliation Game được không?

    ReplyDelete
  3. Cảm ơn bác về cái entry này.

    Khi đọc em cũng nghĩ đến chuyện người Tiv quan tâm Hamlet hơn là sinh viên giống HY. :D

    Hôm nào bác viết kỹ hơn về cái gọi là plagiat en anticipation được không ạ? Em mong.

    ReplyDelete
  4. Luật trò chơi này rất đơn giản: một nhóm người chơi (không quy định số lượng), đến lượt ai thì người ấy nói tên một quyển sách (mà người này muốn khẳng định mình chưa đọc). Bất kỳ người nào trong số những người còn lại nói đã đọc quyển đó thì người đang chơi được một điểm.

    Như vậy nếu muốn chiến thắng thì chiến lược sẽ là chọn quyển nào thật nổi tiếng, kỳ vọng rằng nhiều người đã đọc, nhưng bản thân mình lại chưa đọc (nếu cần có thể kiểm tra xem quả thực người nhận đã đọc cuốn nào đó đọc nó thật hay chưa). Người thắng sẽ phải chịu nỗi nhục là kém hiểu biết nhất trong cả nhóm, nhưng là người chiến thắng. Những người khác muốn kìm hãm ai đó thắng thì cũng phải chịu nhục nhận mình chưa đọc quyển nào đó. Về bản chất đây là "trò chơi nói sự thật".

    Nhân vật trong "Changing Places" (giáo sư văn học Anh) bị giằng xé giữa ham muốn chiến thắng và nỗi sợ mất mặt, cuối cùng ham muốn kia nổi lên dữ dội quá nên ông ta nhảy vào nói mình chưa đọc "Hamlet".

    Kết quả là ông giáo sư thắng cuộc chơi nhưng sau đó không được dạy tiếp nữa, cuối cùng tự sát.

    Mới gần đây một tờ báo nào đó, hình như "The Guardian" có tổ chức chơi online, tôi có ngó qua, rất nhiều người tham gia. Các bạn mà máu thì search mà chơi :))

    ReplyDelete
  5. vụ plagiat en (hay par) anticipation không biết tôi còn kiếm lại được tài liệu không nữa, đại khái theo tôi nhớ thì có liên quan tới Maupassant, ý tưởng chung là trong hệ thống liên văn bản nếu loại trừ mặt thời gian (chronology) thì mọi văn bản sẽ nằm trên một mạng lưới gồm các "noeud" (tính chất phổ biến bây giờ là anachrony), khi ấy vì mối quan hệ tuyến tính (tạm) biến mất nên người ta có thể suy luận ra các trường hợp rất đặc biệt như cách của Bayard

    nhiều khi thoát được một cái gì đó là sướng quá không muốn ngoái đầu lại nữa, une fois pour toutes :)

    Blake: gửi tiếp đi chứ

    ReplyDelete
  6. Haha, this is funny:
    "Rubempré, who is full of foolish notions about “la sainte critique”, learns from his more worldly friends that this is perfectly normal practice: indeed, to read a volume for review would be considered humiliating – it’s a task best left to one’s mistress: the reviewer’s job is to express general opinions about the author in question, opinions that comply with the wishes of one’s editor."

    ReplyDelete
  7. hehe cái đó nằm ở chương II (Imposer ses idées) phần II: "Où Balzac prouve qu'il est d'autant plus facile d'imposer son point de vue sur un livre que celui-ci n'est pas un objet fixe et que même l'entourer d'une ficelle tachée d'encre ne suffirait pas à en arrêter le mouvement."

    Ví dụ ở đây rút từ "Illusions perdues", ở Việt Nam hình như có hơn một bản dịch ("Vỡ mộng" của Trọng Đức và "Ảo mộng tan tành" không nhớ của ai).

    ReplyDelete
  8. Thế thì chơi đi thôi.. chắc mình sẽ thắng mất :))

    ReplyDelete
  9. plagiat en (hay par) anticipation: Vầng, em cũng biết là bác thoát qua cái cầu (phao) nào rồi thì chặt đi cho lành.

    Cái Changing Places có vẻ đáng đọc nhỉ. Về trò chơi: nếu chỉ nhìn thấy bìa sách, giở một vài trang hay không đọc hết thì có được gọi là đọc rồi không?

    @L'amante inachevée: Ui, mình cùng cạnh tranh nhé.

    ReplyDelete
  10. Bác Nhị Linh ơi, tôi thi thoảng vào đọc trộm blog của bác. Blog của bác có rất nhiều thông tin hay. Tôi cũng không dám chê văn phong bác. Nhưng tôi vẫn ước gì bác viết câu văn ngắn xuống. Câu văn ngắn và cụ thể sẽ khiến người đọc dễ theo dõi hơn, đặc biệt là cho những đối tượng ít chữ như tôi. Cảm tạ bác.

    ReplyDelete
  11. Bác chỉ cần đổi các dấu chấm trong đoạn bác vừa viết là đã có một câu rất dài rồi đấy :) ngược lại bác có thể thả dấu chấm vào những chỗ tôi phẩy để có câu ngắn, rất đơn giản phải không ạ?

    ReplyDelete
  12. Thả dấu phẩy vào chỗ vốn là chấm thì được chứ thả chấm vào chỗ phẩy thì có lúc không được đâu nhé.

    ReplyDelete
  13. "nếu người khác chỉ nói chung chung về việc loại bỏ tính lịch sử trong nghiên cứu văn học theo hướng liên văn bản, thì Bayard còn chơi luôn một khái niệm quái đản tên là "plagiat en ancitipation" hay cái gì đó tương tự: nhà văn sống ở thời kỳ trước lại "đạo văn" nhà văn sống sau mình."

    HOW??? Khi nào bác viết đôi dòng về cái khái niệm "nhà văn sống ở thời kỳ trước 'đạo văn' nhà văn sống sau mình" được chứ? Em thấy hơi tò mò về khái niệm này.

    ReplyDelete