Những con số đôi khi không phản ánh được đầy đủ một tình trạng. Người ta có thể nghĩ gì khi biết rằng ở Việt Nam hiện nay văn học dịch áp đảo văn học trong nước về số lượng (và cả chất lượng), và ở Mỹ tổng lượng sách dịch chỉ ở mức vài phần trăm rất nhỏ, thậm chí có nguồn còn nói chưa tới 1% thị trường sách? Rằng Việt Nam không có nền văn học nội địa, và nước Mỹ cố thủ boong-ke không buồn nhìn ra bên ngoài?
Tất nhiên là điều đó không đúng. Văn học Việt Nam có biết bao nhiêu tác phẩm làm say đắm người Việt Nam. Chưa nói gì đến tác phẩm “cao cấp”, thị trường văn học nội địa bình dân lúc nào cũng sôi nổi, các kỷ lục về phát hành trong văn học luôn thuộc về tác phẩm nội chứ không phải tác phẩm dịch. Còn nước Mỹ vẫn có ngành nghiên cứu văn học thế giới, văn học so sánh cực kỳ phát triển.
Một phần nguyên nhân ắt hẳn xuất phát từ cấu trúc xã hội. Mỹ có rất nhiều cộng đồng ngôn ngữ lâu đời, các hoạt động cũng như đường liên kết với thế giới bên ngoài sôi nổi và sâu sắc hơn nhiều so với những gì các con số thể hiện được. Ngược lại, ở Việt Nam, mong muốn nhìn ra thế giới luôn đi liền kề với năng lực dịch thuật. Nói một cách giản lược, xuất phát từ cấu trúc xã hội, dịch thuật ở Việt Nam tương đối cần thiết hơn so với đại đa số đất nước khác. Điều này có thể cắt nghĩa cho mối quan tâm rất lớn đối với dịch thuật ở Việt Nam, và cả cho tâm lý sốt ruột muốn hòa nhập thế giới của rất nhiều người, trong đó có… Hội Nhà văn Việt Nam.
Rất ít nhà văn Việt Nam ngày nay đọc được một cuốn sách trong nguyên bản, chưa nói tới chuyện cầu kỳ là giao thiệp trực tiếp hay qua thư từ với nhà văn nước ngoài. Quá trình tìm hiểu bên ngoài của văn chương Việt Nam có lẽ vẫn còn chưa đi được mấy chặng đường, thành thử mối bất liên thông chắc chắn sẽ còn kéo dài dai dẳng, một “Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam” dù được đặt vào rất nhiều kỳ vọng cũng không thể biến đường mòn thành đường cao tốc, cũng như thay đổi cấu trúc của văn hóa thế giới ngày nay.
Nhìn lại lịch sử dịch văn học Việt Nam sang các thứ tiếng khác, cách tiến hành thường xuyên rơi vào trạng thái “không tự nhiên”, nhiều khi chịu áp lực chính trị. Thời Pháp thuộc, Kiều được mấy lần dịch ra tiếng Pháp hay Hoa Tiên được Nguyễn Tiến Lãng dịch giống như là một thứ chiến lợi phẩm văn hóa của thực dân bên cạnh các chiến lợi phẩm vật chất. Rồi suốt thời 1954-1975, người ta dịch văn học Việt Nam chủ yếu là vì “cùng phe với nhau” (theo Tuổi Trẻ cuối tuần số 2/2010, cho đến năm 1973 có tới 121 cuốn sách Việt Nam xuất bản bằng 19 thứ tiếng với số phát hành gần 4 triệu bản). Sau 1975, chủ đề chính của các tác phẩm được dịch (chủ yếu tại Mỹ và Pháp) là chiến tranh.
Xét cho cùng, Việt Nam luôn được quan tâm vì các khía cạnh lịch sử và chính trị. Đã đến lúc cần phải hiểu rằng nếu chúng ta đọc tác phẩm nước ngoài vì chúng là tác phẩm văn học thì người nước ngoài, khi các sự kiện lịch sử Việt Nam dần lùi xa, điều họ quan tâm là bản thân văn học chứ không phải gì khác. Một số tham luận trong cuộc hội nghị lần này cũng nói rõ các nhà văn Việt Nam hãy viết cho hay, rồi các nhà xuất bản nước ngoài sẽ tự tìm đến. Kết luận này, lẽ dĩ nhiên, không cần tới cả một cuộc hội nghị tốn rất nhiều tiền nhưng được tổ chức cẩu thả đến kỳ quặc.
Mọi điều sẽ đi từ văn học đến văn học. Một dịp gặp gỡ vui vẻ của giới văn chương dịch thuật thì cũng tốt, nhưng hứa hẹn rằng sau đó sẽ có nhiều thay đổi thì thật chủ quan. Chính vì vậy, mặc dù rất mong muốn được nhìn thấy văn học Việt Nam hiện diện khắp nơi trên thế giới, tôi không đi dự hội nghị này.
NL đã nói đúng về cái khoản ngôn ngữ ảnh hưởng đến việc xuất văn VN ra nước ngoài. Ngôn ngữ = văn hóa. Dịch Việt sang Anh nhất thiết phải cần một người dùng tiếng Anh gốc và biết tiếng Việt như một ngoại ngữ. Dùng người Việt dịch sách Việt sang Anh sẽ không đi đến đâu bất kể người kia giỏi tiếng Anh thế nào.
ReplyDeleteMỹ có 1 thị trường xuất bản phát triển, cái gì có lợi nhuận là họ sẽ cho ra bất biết tác giả là người nước nào. Không hẳn Mỹ dùng close-door policy. Nhưng bước vào 1 nhà sách ở Mỹ bạn sẽ ngay lập tức bị ngợp bởi nó nhiều thể loại và nhiều đầu sách quá mức. Vì người Mỹ viết khỏe hay còn vì cái khác, dân trí, trình độ giáo dục, luật pháp, thể chế kinh tế, văn hóa đọc, văn hóa tiêu thụ etc? Nó làm tớ cũng từng nghĩ, vậy thì cần gì phải nhập của nước ngoài, đặc biệt nếu chủ đề kia chỉ ở mức nhàng nhàng và không đụng chạm đến Mỹ?
Đã lâu tớ không còn điều kiện đọc văn học Việt. Nhưng từ những gì ngày xưa thường đọc, tớ thấy các tác giả tập trung quá nhiều vào việc mô tả các mảng tiêu cực trong xh, thiếu sức sáng tạo và thiếu trí tưởng tượng. Đằng nào cũng là fiction cả thì cử thỏa trí tưởng tượng đi chứ nhỉ? Nói thật, đọc văn của nhà mình nhiều chắc chết vì depressed.
Dịch giả không đi hội nghị buồn :)
ReplyDeleteBài này hay. Cảm ơn Nhị Linh.
ReplyDeleteCái sự Mẽo đóng cửa dịch thuật, chính là điều khiến tay thư ký Nobel chửi, và cũng là điều tay Ha Jin chỉ ra, trong Nhà văn như Di dân. Nói rõ hơn, văn chương Mẽo là văn chương của di dân, những ông khổng lồ của Mẽo cũng là di dân, di dân là số phần của nó, còn với thế giới, con người mới là số phận của nó. Khác nhau nhiều lắm. Còn ở VN, hiện nay, theo tôi, văn chương, có nghĩa là văn chương dịch. Đây là do trong nước khoanh nhiều vùng cấm qú, chỉ để hở một lỗ hổng đó, cho mọi người thở.
ReplyDeletehội nghị buồn chứ dịch giả không? :P
ReplyDeleteTheo tôi, văn chương dịch trong nước gặp hai nan đề: không thể giới thiệu những nhà văn cần thiết, cấp bách phải dịch, không phải vì nhà nước cấm, mà không có dịch giả nào rành rẽ về họ. Thứ nữa, dịch ra thì lại còn phải qua kiềm duyệt nữa. Còn nhà văn bản địa, đụng vô vấn đề nào, cũng không đủ bản lãnh để mà đương đầu với nó, về nhiều mặt tư duy, sáng tạo lẫn trí tưởng tượng. Chán thật. Chẳng biết đến bai giờ mới khá!
ReplyDeleteMình nghĩ có lẽ người biết tiếng Việt rành rẽ để dịch được văn học Việt ra tiếng họ thật hiếm hoi, không có động lực nào đáng kể để người (giỏi văn chương) học giỏi tiếng Việt để tìm thấy cái hay đích thực của văn chương Việt (vụ này lại trở lại vấn đề con gà và quả trứng! biết tiếng Việt giỏi mới thưởng thức được văn chương Việt và thấy hay mới bỏ công học tiếng Việt đặng dịch ... cái nào có trước được bây giờ?)
ReplyDeleteThành ra "lịch sử và chính trị" trở thành động lực khả dĩ
À, bác nqt này thực tình cũng rất giỏi khoanh vùng, chả kém gì nhà nước!
@ sonata:
ReplyDeleteTôi đâu có khoanh vùng, mà chính ông thư ký Nobel, nhà văn TQ Ha Jin nhìn ra như vậy, thực tế nó như vậy, tôi chỉ lập lại. Còn ở VN, cũng thực tế khiến chúng ta nhìn ra những khó khăn như vậy.
Có một mô hình là hai người dịch, một người thạo ngôn ngữ cần chuyển dịch, người kia thạo ngôn ngữ được chuyển dịch. Mô hình này được thực hiện khá thành công bởi cặp vợ chồng Richard Pevear và Larissa Volokhonsky khi chuyển dịch các tác phẩm văn học Nga. Trong đó Volokhonsky dịch từ tiếng Nga sang tiếng Anh còn Pevear sẽ chuốt lại bản tiếng Anh. Hình như tác phẩm Dương Thu Hương do Phan Huy Đường và Nina McPherson cũng được dịch ra tiếng Anh theo cách tương tự.
ReplyDeleteCòn một cách nữa là qua Việt kiều, những người thực sự thạo cả hai ngôn ngữ. Nhưng có lẽ số người này không thực nhiều. Các Việt kiều thế hệ cũ, là di dân khi đã lớn tuổi, thì chắc không nhiều người thạo tiếng Anh/Pháp tới mức như người bản ngữ (có phải ai cũng là Nabokov hay Ha Jin được đâu). Việt kiều thế hệ trẻ hơn, sinh ra hay lớn lên ở nước ngoài có lẽ là đối tượng thích hợp hơn. Nhưng chắc không có mấy người trong số này vừa quan tâm tới dịch thuật lại vừa quan tâm tới văn chương Việt.
À mà bạn Nhị Linh không đi, mà vẫn thấy bác Hữu Thỉnh khoe trên báo là đợt này mời một loạt các dịch giả "trẻ" mặc dù không phải thành viên Hội (một đặc ân!) như Cao Việt Dũng, Trần Tiễn Cao Đăng, Trịnh Lữ.
ReplyDeleteCũng chính một phần vì thế mà phải viết bài này đấy. Bác CĐ cũng không đi, còn bác TL thì đi đọc tham luận.
ReplyDeleteToàn tác phẩm phò thì có chó nó dịch.
ReplyDeleteEm nghĩ có hai vấn đề từ người viết: một là, sống trong môi trường bao cấp quá lâu cả về văn hóa, nên mọi nỗ lực đều phải từ từ, những người viết ham quảng bá nhất cũng sẽ thấy không dễ dàng gì. thứ hai, quen sống như thế, không có một môi trường kích thích sáng tạo, nên cũng không nhiều người viết ở Vn có một ý thức mạnh mẽ về văn hóa, văn học hay hội nhập blah blah... Mọi chuyện chỉ là trò xã giao hội hè tốn kém thì chỉ xới lên những câu hỏi treo đấy mà thôi. :). Xong xuôi Hạ Long bay tất cả lại về.
ReplyDeleteGió O vừa đi một bài dịch của Ngô Bắc dịch Goerge Dutton nói về nạn chôm chỉa bài của Tạ Chí Đại Trường và các đại gia sử Việt Nam. Mọi người nên vào đọc
ReplyDeleteVăn hóa Việt Nam quá khác văn hóa Tây (cái taste khác nhau) nên dịch ra cũng chỉ bán được ngàn quyển. Mình cho là hay nhưng Tây cóc hiểu tại sao mình lại cho là hay. Tất nhiên người ta phải chọn xuất bản những thứ bán được triệu bản.
ReplyDeleteAno: tôi không nghĩ Dutton thực sự phê phán "nạn chôm chỉa", mà đúng hơn là phê phán cách làm việc chung của sử gia VN, chuộng văn chương hơn là cứ liệu. Cái này thì đã là một truyền thống ở VN, và lời phê phán này trước đây cũng đã từng xuất hiện, khi các học giả nước ngoài chỉ trích Trần Đình Hượu. Tôi nghĩ chỉ trích vậy là đúng, nhưng cái cần thiết hơn là phải hiểu cách làm việc của học giả Việt Nam.
ReplyDeleteNếu được góp ý với dịch giả Ngô Bắc thì chỗ nhắc tới Hoa Bằng theo tôi ý của Dutton là nói tác phẩm của HB là một "tác phẩm kinh điển", chứ không phải "quyển sách loại cổ điển". Điều này cũng dễ suy ra, vì Phan Trần Chúc viết truyện lịch sử, còn ai đã từng đọc mấy quyển của Văn Tân về thời Tây Sơn sẽ biết chúng biased và méo mó đến thế nào.
Không phải là phủ nhận tài năng và công sức của các dịch giả, nhưng dịch thuật (chuyển ngữ) tương đối dễ dàng hơn sáng tác. Fiction and non-fiction cũng thế, phải nghiên cứu, phải thai nghén, và dĩ nhiên phải đặt bút xuống giấy (hay bấm ngón tay xuống bàn phím máy vi tính) để "giặn" từng chữ, từng câu, từng chương... Và dĩ nhiên, góc nhìn, thông điệp và nghệ thuật trình bày phải độc đáo thì mới "ăn tiền". Dịch thuật có những thách đố tế nhị của nó, nhưng người dịch không khổ công "dựng lên" một cái gì (hy vọng là) mới mẻ và đặc sắc: việc ấy đã được làm cho nguyên bản rồi.
ReplyDeleteHơn thế nữa, sáng tác (và trong một chừng mực nào đó, biên khảo) cần những người táo bạo, có thể đến mức ngông nghênh, dám trình bày những điều mà đám đông chưa nghĩ đến hoặc không dám nghĩ đến. Ở điểm này, cần xét kỹ tâm tính của người Việt. Nhút nhát quá chăng? An phận quá chăng? Quen thâu lượm (an toàn hơn), nhưng chưa quen sáng tạo (hiểm nguy hơn). Quen học gạo (dễ được khen), nhưng chưa quen dấn thân đề xướng (dễ bị chửi).
Hiện nay, Việt Nam có nhu cầu đuổi theo và bắt kịp với những tư tưởng cổ điển và hiện đại của quốc tế ("thì ra không phải chỉ có Marx") trong nhiều lãnh vực thiết yếu, cho nên nỗ lực dịch thuật là cần thiết, và "các con số" như NL đề cập có lẽ phản ảnh hiện trạng này. Thí dụ, Bùi Văn Nam Sơn rất bận trong việc dịch và chú giải những luận văn kinh điển để góp phần làm nền cho việc học, nghiên cứu, và "làm" triết học ở Việt Nam. Khó mà ông ta có thể sáng tác (hay biên khảo) trong lãnh vực chuyên môn vào giai đoạn hiện nay, nói gì đến việc dịch các luận văn kinh điển của các triết gia khác, Đức cũng như ở các quốc gia Âu châu khác.
Muốn viết giỏi, phải đọc nhiều. Các văn hào vẫn thường khuyên thế. Có lẽ nên xem Việt Nam hiện nay như người học trò đang "luyện chưởng" bằng cách tiếp thu cho đầy đủ trước khi dấn thân "hành cước". Mong rằng những tài liệu chuyển ngữ (cho những ai không đọc giỏi ngoại ngữ) có khả năng cung cấp cho họ những vốn liếng cần thiết.
Một điều nữa tôi mong người Việt khắp nơi chung góp ý kiến để làm việc cho nhịp nhàng, đồng bộ. Chứ nếu mỗi người (hay mỗi nhóm) mỗi ý, làm việc một cách ngẫu nhiên, thì sau một thời gian, số lượng sách vở có thể nhiều đấy, nhưng vài chục năm sau làm thống kê thì biết đâu lại bị "méo lệch", chứ không phân bố đều đặn trên toàn thể phạm vi văn học, triết học, tôn giáo, khoa học, kỹ thuật, kinh tế, v.v...