Thơ đến từ đâu, tập sách phỏng vấn/đối thoại của Nguyễn Đức Tùng cùng hơn hai mươi nhà thơ trong nước và hải ngoại, ngay từ khi ra đời dưới dạng sách (NXB Lao động, 2009) đã làm dấy lên một cuộc tranh luận lớn xung quanh vấn đề kiểm duyệt và biên tập. Thử bỏ ra một bên những vấn đề chắc chắn là quan yếu ấy mà xét cuốn sách ở phương diện thể loại của nó và nhìn nhận vị trí tập sách ở phương diện lịch sử, có thể rút ra một số nhận xét hữu ích.
Gọi tên thể loại mà cuốn sách thuộc về là “phỏng vấn” (mặc dù có thể thấy các bộ phận của cuốn sách gần với dạng “entretien” hơn là “interview”; về hình thức, điều này dễ nhận ra ở một số điểm: dung lượng bài lớn, có sự trao đổi qua lại giữa hai bên tham gia chứ không chỉ một bên hỏi để có được câu trả lời của bên còn lại), có thể dễ dàng nhận ra rằng trong thời gian mấy năm trở lại đây, đã có một số ý tưởng khá tương đồng với Thơ đến từ đâu được thực hiện. Vào năm 2008, trang web Hội luận Văn học (http://hoiluan.vanhocvietnam.org) đã gửi một bảng câu hỏi chung tới nhiều người hoạt động ở lĩnh vực văn học trong nước và hải ngoại nhằm giải đáp một số vấn đề. Nhiều người đã tham gia trả lời, các bài được tập hợp trong chủ đề mang tên Hội Nhập giữa những người viết trong nước và hải ngoại.
Trên trang web Tiền vệ (tienve.org) cũng có thể kể ra ít nhất là hai dự án tương tự. Thứ nhất là những bài phỏng vấn mà nhà thơ Lý Đợi (người lẽ ra đã có mặt trong Thơ đến từ đâu) thực hiện với Nguyễn Đạt, Đỗ Kh. và Đinh Linh. Ở quy mô rộng lớn hơn, Trần Nhuệ Tâm đã tiến hành hai đợt phỏng vấn: trước hết là loạt phỏng vấn Nhà thơ nói về thơ tình với 7 câu hỏi bất biến, 13 nhà thơ, nhà văn trả lời. Loạt phỏng vấn thứ hai có nhan đề chung Ba mươi năm: khoảng cách & dấu nối có dung lượng lớn hơn nhiều: vẫn 7 câu hỏi (gần như) bất biến, thay đổi chỉ phụ thuộc vào việc người được phỏng vấn ở trong nước hay ở hải ngoại. Lần này có tới 22 người trả lời, trong đó có không ít nhà thơ, nhà văn cũng trả lời loạt phỏng vấn Thơ đến từ đâu như Inrasara, Nguyễn Đăng Thường, Đỗ Kh., Thận Nhiên… (Xem chi tiết ở địa chỉ http://tienve.org/home/authors/viewAuthors.do?action=show&authorId=590).
Một lời giải thích khá ý nghĩa của một người trong cuộc ngõ hầu làm sáng tỏ hiện tượng phỏng vấn này là của Trần Nhuệ Tâm: trong bài “Thư ngỏ về Ba mươi năm: khoảng cách & dấu nối” (tháng Tư 2005), tác giả viết: “Tôi thành thật nghĩ, trong thực trạng hỗn mang của các vấn đề văn học nghệ thuật Việt Nam hôm nay, thể loại phỏng vấn chẳng khác gì hơn là tiếng chân chậm chạp mà rền vang, xuyên qua bao con đường hẹp của toàn cảnh một nền văn học thiếu dân chủ”. Và: “Bởi lúc này, chúng ta nói và nghe tiếng nói khác không chỉ để riêng chúng ta sống”.
Nhiều người có thể nhấn mạnh vào yếu tố “hòa giải” ở mục đích các phỏng vấn này, nhưng theo tôi, ở những loạt phỏng vấn vừa kể trên, và cả ở Thơ đến từ đâu, nhu cầu phát biểu trong tinh thần thẳng thắn về thơ ca cũng như nhiều vấn đề khác mới là điều nổi trội hơn cả.
Đặt Thơ đến từ đâu vào bức tranh tổng quát hơn như vậy, có thể thấy rằng nỗ lực của Nguyễn Đức Tùng thuộc vào một nỗ lực chung của không ít người có cùng một ý định (tìm hiểu một cách sâu sắc về suy nghĩ của nhà văn, nhà thơ hôm nay, với sự phân chia ranh giới địa lý rất mờ, nhiều khi có cảm giác như không còn tồn tại). Điều làm cho Thơ đến từ đâu tương đối thành công hơn các loạt phỏng vấn khác nằm ở chỗ cách hỏi của Nguyễn Đức Tùng linh hoạt hơn, đi sát với cá nhân từng tác giả chứ không chỉ là một bảng câu hỏi chung gửi cùng một lúc cho rất nhiều người.
Ở một khía cạnh khác, nhìn ngược lại lịch sử văn học Việt Nam, những cuốn sách chỉ tập trung phỏng vấn nhà văn, nhà thơ không có số lượng lớn. Trước 1945, Cuộc phỏng vấn các nhà văn của nhà phê bình Lê Thanh (NXB Đời Mới, 1943) là một ví dụ quan trọng. Tại Sài Gòn trước 1975, Sống & viết với… của Nguiễn Ngu Í (Nguyễn Hữu Ngư) là một nỗ lực quan trọng khác trong thể loại này.
Cũng như Cuộc phỏng vấn các nhà văn hay Thơ đến từ đâu, Sống & viết với… có khởi đầu là những bài đã đăng trên báo. Cụ thể hơn, Nguiễn Ngu Í đã tập hợp loạt bài ở chuyên mục “Sống & Viết” trên tạp chí Bách Khoa từ giữa năm 1964 (Sống & viết với… được Ngèi xanh xuất bản vào năm 1966). Nói thêm, trên tạp chí Bách Khoa, trước loạt bài này, từ 1961 đã có loạt bài phỏng vấn về “quan niệm sáng tác” ở cả các bộ môn Văn, Họa, Nhạc. Theo một số nguồn, Nguiễn Ngu Í còn tập hợp các bài phỏng vấn để dự định in thêm hai cuốn nữa mang tên Sống & vẽ với… và Sống & đàn với… nhưng cả hai đều nằm ở dạng di cảo, chưa bao giờ được in.
Nguiễn Ngu Í đưa vào cuốn sách đang nói ở đây bài phỏng vấn những người sau (tổng cộng 12 người): Nhất Linh, Lê Văn Trương, Á Nam Trần Tuấn Khải, Lê Văn Siêu, Doãn Quốc Sỹ, Đông Hồ, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Lê Ngọc Trụ, Vi Huyền Đắc, Nguyễn Hiến Lê, Hồ Hữu Tường.
Nhìn vào những cái tên trên, tuy điều này không thể hiện rõ ràng, nhưng có thể nói Nguiễn Ngu Í đã thiên về một sự lựa chọn đa dạng: đặt những người có lai lịch khác nhau cạnh nhau, ở đây nếu nói chính xác thì là các nhà văn thuần túy miền Nam như Đông Hồ, Hồ Hữu Tường, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, và các nhà văn “vượt tuyến” như Lê Văn Trương, Lê Văn Siêu, Doãn Quốc Sĩ, Vi Huyền Đắc. Điều này tương tự đến mức độ nào với các ý định phỏng vấn đã được kể tới ở phần đầu bài viết có lẽ tùy thuộc vào góc nhìn và trải nghiệm cá nhân của mỗi người đọc.
Trong lời tựa cho cuốn sách của tạp chí Bách Khoa, ta có thể đọc thấy: “Phỏng vấn, đàm thoại, được dùng luôn trên các báo chí nước ngoài, nhưng trong nước ta, loạt bài phỏng vấn những nhân vật có ít nhiều tên tuổi lại thường gây ngộ nhận là tác giả dựa vào tiếng tăm của người được phỏng vấn để mong đôi chút “thơm lây”.”
Chúng ta sẽ thấy ở trường hợp Thơ đến từ đâu, chính điều mà tạp chí Bách Khoa rào đón trước giùm Nguiễn Ngu Í sẽ trở thành lập luận của không ít người dùng để phê phán Nguyễn Đức Tùng. Thậm chí Bách Khoa còn cẩn thận đến mức nói rõ rằng Nguiễn Ngu Í đảm đương được công việc này, không sợ điều tiếng, bởi vì ông đã gia nhập làng báo làng văn từ năm 1939 với loại sách Ngày xanh cho thiếu nhi ở miền Nam.
Cái khác nhất mà ta nhìn thấy được khi so sánh Thơ đến từ đâu và Sống & viết với… là cách tiến hành cuộc phỏng vấn. Ở Sống & viết với… tác giả dẫn dắt người đọc đến một cuộc gặp gỡ toàn diện nhà văn trong một lối viết vô cùng hấp dẫn, thậm chí nhiều khi như thể đang viết một câu chuyện có thắt nút, mở nút (như trường hợp bài viết về Lê Văn Trương với rất nhiều tìm tòi, hẫng hụt, bất ngờ khi đi tìm tài liệu về nhà văn “người hùng” sau khi ông qua đời). Tính chất giai thoại và nỗ lực tìm hiểu về mặt chính trị là rất rõ nét; hầu hết các nhà văn được phỏng vấn đều nói lên quan điểm của mình về thời cuộc, nhận xét về nền chính trị đương thời. Đặc biệt, Nguiễn Ngu Í rất chú trọng miêu tả cuộc đời, các thói quen, lối ăn nói đặc trưng của mỗi đối tượng được phỏng vấn. Tạp chí Bách Khoa cũng nói rõ điều này trong lời tựa: “Muốn gợi đúng được không khí “Sống & Viết” của người mình tìm hiểu, Anh [Nguiễn Ngu Í] lại phải tới ăn và ngủ với người đó có khi hai ba lượt, có lần tới hai ba ngày.”
Nhìn nhận ở khía cạnh này, phỏng vấn của Nguyễn Đức Tùng đã rất khác với phỏng vấn trong Sống & viết với…: trong khi Nguiễn Ngu Í đến gặp tận nơi từng nhà văn, thân thuộc đến cả căn nhà và khu vườn của họ, thậm chí nhiều khi còn nói chuyện với các phu nhân, thì Nguyễn Đức Tùng chủ yếu làm việc “từ xa” (trong số các tác giả mà Nguyễn Đức Tùng phỏng vấn, chỉ vài người tác giả tiến hành phỏng vấn trực tiếp như Hoàng Cầm và Dương Tường). Các phỏng vấn của Nguiễn Ngu Í đều rất nặng vấn đề tiểu sử và giai thoại, còn Nguyễn Đức Tùng khá tập trung vào tìm hiểu cách thức làm thơ và suy nghĩ về nghề nghiệp của mỗi nhà văn.
Như vậy, có thể nói rằng thể loại phỏng vấn (cụ thể hơn là phỏng vấn nhà văn) tại Việt Nam, thông qua một vài ví dụ nổi bật, đã có những biến đổi trên con đường phát triển của nó. Thơ đến từ đâu nên được đặt vào trong một dòng chảy riêng biệt, cái dòng chảy có tác dụng nói lên con người nhà văn theo lối trực tiếp hơn cả, có lẽ chỉ sau các thể loại như hồi ký và nhật ký.
Thơ đến từ đâu nên được đặt vào trong một dòng chảy riêng biệt:
ReplyDeleteTất cả những ồn ào của cuốn sách, ngay cả của NDT, đều trật đường rầy. Vấn đề kiểm duyệt, biên tập như vậy là còn có nghĩa, "gán thêm" cho tác phẩm điều không có trong nó, hoặc nếu có, thì là thứ yếu.
Good remark!
Ít ra cũng phải như vầy!
NQT
Đề tài này đang nóng hổi với các bác Tiền Vệ và Da Màu, sao ở đây im như tờ thế bác
ReplyDelete