Feb 28, 2010

Người đầu tiên

Dịp trước, tôi đặt câu hỏi về sự tồn tại các bản dịch Romain Gary ở Việt Nam. Thật là bất ngờ cho tôi vì trước đây đã từng có Bao người chờ đợiChó trắng. Đúng là không biết thì hỏi tự ti làm gì :)

Nhưng câu hỏi: ở Sài Gòn trước đây có dịch Romain Gary không thì khó trả lời hơn nhiều. Nghi vấn này là hợp lý, vì Sài Gòn nhạy bén với các tác giả Pháp đương thời hơn nhiều so với miền Bắc thời ấy thường xuyên thụ động theo xu hướng Liên Xô, Trung Quốc; những người không thích hướng đó thì đi vào văn học cổ điển.

Quả nhiên là có hỏi có hơn. Một chuyên gia mới cho tôi biết và cho tôi xem một chứng tích cho thấy dấu vết của việc dịch Romain Gary ở Việt Nam. Vậy là mốc dịch và giới thiệu Gary phải đẩy sớm lên khá nhiều, và phải ghi công cho các dịch giả miền Nam:

Trên tạp chí Bách Khoa số 130, 1/6/1962, Cô Liêu cho đăng 20 trang "Hứa hẹn bình minh", dòng phụ chú cho biết đây là "Rút ngắn truyện "La promesse de l'aube" của Romain Gary".

Các nội dung chính của La Promesse de l'aube đều có cả ở trong đó.

Tờ Bách Khoa gắn liền với tên tuổi một người: Lê Ngộ Châu.

Sau khi tìm hiểu và xác minh :) tôi đã biết chắc được Cô Liêu là bút hiệu của Vũ Đình Lưu, một dịch giả nổi tiếng thời ấy.

Còn đây là đoạn đầu Cuộc sống và cái chết của Émile Ajar (Vie et mort d'Émile Ajar), di cảo của Romain Gary.

Feb 25, 2010

Mai Thảo-Võ Phiến

Bài đọc sách của Mai Thảo: "Phê bình Chữ tình truyện ngắn của Võ Phiến, Bình Minh xuất bản", Sáng Tạo số 7, 4/1956 [bìa in bị lỗi, đúng ra phải là 1957].

Ngay cả ở nơi thiếu vắng hoàn toàn không khí tinh khiết và hơi thở thơm lành của thiên nhiên và tự do, đời sống con người vẫn có những thế giới những xã hội riêng. Vẫn có những mâu thuẫn. Vẫn có những thảm kịch. Lê Nọ, Huỳnh Thiện Thủ, Hòe và đến cả Linh nhân vật duy nhất của CHỮ TÌNH đứng ở bên ngoài cửa sắt (nhưng cũng đã nằm trong một tù ngục vô hình) qua những ngày tháng lê thê, giữa hai hồi kiểng tù, vẫn sáo động dầy vò bởi những băn khoăn, những đau đớn và những ước vọng như chúng ta. Một người yêu dấu. Một mái nhà cũ. Một giấc mộng đẹp. Những giòng chữ La Mã khổ 8 khổ 10 của những tờ bản thảo, tim phổi máu huyết chưa được in ra. Chua sót ở chỗ không bao giờ thực hiện được.

Võ Phiến đã sống với những con người ấy. Tôi còn muốn tin là Võ Phiến đã ôm mang cái tâm sự chứa nén của những con người ấy nữa. Công trình nghệ thuật nói lại những cái đã có thực. Không phải của tưởng tượng. Tiếng văn Võ Phiến trong CHỮ TÌNH chính là bản truyền thanh trực tiếp tiếng nói đời sống nhà tù. Nhẫn nhục một vẻ chịu đựng và yên lặng, cay đắng. Khoảng không gian u uất ngột ngạt đôi khi nổ bùng thành giông bão. Bởi vì ở bên này hay bên kia ranh giới của tự do, con người vẫn cứ đi theo sức sô đẩy của tâm hồn. Và thể hiện thành hành động: Lê Nọ giết thêm một lần nữa. Hy vọng làm Huỳnh Thiện Thủ già nua có những biểu tỏ bỡ ngỡ ngu dại của trẻ thơ. Giấc mơ in sách thường trực của Linh. Hòe với nguyên vẹn cảm giác điên cuồng của da thịt quyến rũ, huyễn hoặc. Đi tới độ tự đánh lừa mình để có cớ bám víu vào cuộc sống đang tuột khỏi, đang rời xa. Rồi giải quyết bằng hành động tuyệt vọng. Có điều là càng tuyệt vọng thì tâm sự càng nung nấu và hành động càng say mê điên cuồng.

Feb 24, 2010

Rồi sẽ ra làm sao

Hehe đi thuổng lại một cái:


Feb 23, 2010

Dùng hồi ký làm tài liệu

Có dùng hồi ký làm tài liệu nghiên cứu được không? Câu trả lời là: Không dùng thì biết dùng cái gì :)

Thế nhưng đọc hồi ký thì phải đối chiếu chéo rất ác liệt, nếu không thì sai kinh lắm. Nhân đọc bài của Lại Nguyên Ân kể lại chuyện Nguyễn Công Hoan từng nghi ngờ vụ "cây đào Tô Hiệu" nên thử quay sang chính Nguyễn Công Hoan xem sao. Cây đào này thì xưa nay bị đàm tiếu nhiều lắm rồi.

Hồi ký Đời viết văn của tôi (NXB Văn học, 1971) viết về Vũ Ngọc Phan (học cùng lớp Sơ đẳng A, Bưởi): "Ở trong lớp bấy giờ, tôi phục nhất anh Vũ ngọc Phan về quốc văn. Anh ít tuổi hơn tôi."

Ngay đầu sách, Nguyễn Công Hoan "khai" mình sinh năm 1903. Mọi tiểu sử đều viết Vũ Ngọc Phan sinh 1902. Như vậy Vũ Ngọc Phan nhiều hơn Nguyễn Công Hoan một tuổi là ít nhất.

Nhưng đó chỉ là một chuyện rất nhỏ. Đoạn sau đây mới hay:

"Hôm có tiết này, thầy vào lớp, đố ngay học trò Concierge nghĩa là gì. Trong lớp có một trò tên là Nguyễn Phan Long, người Nam bộ, theo cha, là ông phán gì đó, ra Bắc. Nguyễn Phan Long rồi sau này là một tay giỏi tiếng pháp, mở báo viết bằng tiếng pháp ở Sài gòn. Hắn cũng là một đại địa chủ tối phản động. Thấy thầy đố chữ khó quá, cả lớp chịu. Thầy mới giảng là ông dượng. Lúc này Long mới xin nói, và giảng là người canh cổng. Chắc ở Sài gòn, Long đã trông thấy người làm công việc này. Hai thầy trò cãi nhau về chữ nghĩa, rồi thầy mở tự vị ra tra. Thầy nghĩ một lát, rồi khen là Long nói đúng.

Tan học, ở lớp về nhà, Nguyễn Phan Long nói với bạn: "Đù mẹ thằng X, hôm nay tao chẳng được gì, còn lỗ vốn mất một chữ!"

Hôm sau, người bạn mách thầy giáo là thằng Long nó chửi thầy. Thầy tức lắm, đem việc ấy lên trình ông đốc. Tên hiệu trưởng gọi Long lên bàn giấy, bắt mang theo sách vở. Nó phân xử thế nào? Nó cho Long lên học lớp trên! Tây cần người giỏi tiếng pháp hơn là cần người biết tôn kính thầy giáo" (tr. 32-33) [sự việc khoảng năm 1916].

Chi tiết này cực kỳ đắt giá, chưa thấy ai nêu ra cả :)

Nguyễn Công Hoan đang nói đến Nguyễn Phan Long nào? Theo các nét tiểu sử mà Nguyễn Công Hoan miêu tả, nhà địa chủ, lại còn "đại địa chủ tối phản động", người Nam Kỳ, ra Bắc học, giỏi tiếng Pháp, mở tờ báo tiếng Pháp ở Sài Gòn... thì ta hiểu đó là Nguyễn Phan Long giỏi tiếng Pháp huyền thoại, con nhà cực giàu, đồng chí của Bùi Quang Chiêu ở Đảng Lập hiến, thời điểm đám tang Phan Chu Trinh cùng Bùi Quang Chiêu rất dũng cảm tỏ rõ thái độ ủng hộ, nhưng sau này theo đánh giá của Thiếu Sơn là đã không dám chịu khổ, từ bỏ con đường, nhận chức Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên thời Quốc gia Việt Nam. Nguyễn Phan Long mở mấy tờ báo tiếng Pháp, nổi tiếng là L'Écho du Vietnam, và cũng có tờ tiếng Việt là Đuốc nhà Nam.

Nhưng lại không phải, thế mới thú. Nguyễn Phan Long nhân vật lịch sử sinh năm 1889, ra Bắc học Albert Sarraut rồi sang Pháp du học, năm 1921 đã in tiểu thuyết Le Roman de Mademoiselle Lys (Chuyện đời cô Huệ, nhà in Bắc Kỳ xuất bản). Tức là Nguyễn Phan Long này không thể học cùng Nguyễn Công Hoan sinh mãi tận năm 1903 tức là kém 14 tuổi được.

Thế tức là Nguyễn Công Hoan đã nhầm lẫn, nhớ mang máng một anh bạn rồi ghép luôn vào với Nguyễn Phan Long kia, để tha hồ mà chửi :) Năm 1971 khi xuất bản quyển hồi ký, thì chắc các biên tập viên NXB Văn học cũng không rành các nhân vật kiểu như Nguyễn Phan Long.

Tất nhiên có khả năng còn tồn tại một Nguyễn Phan Long khác cũng oách không kém, nhưng tôi không tin.

Đợt trước có một người tặng tôi đúng quyển Mademoiselle Lys này mới ly kỳ chứ hihi. Hay là bây giờ tôi gom các chi tiết kiểu này lại để viết một quyển Mảnh vụn văn học sử theo chân Bằng Giang Nguyễn Văn Hòa nhỉ :))

Feb 20, 2010

Phiên khúc

Rón rén tiến lại gần địa hạt của phiên âm tên riêng (nhân danh và địa danh). Đây là ý kiến của Mặc Đỗ:

Có ba chủ trương hiện đang áp dụng:

a. - Việt Nam hóa hoàn toàn: Thí dụ Montesquieu thành Mạnh-Đức-Tư-Cưu, London thành Luân-đôn. Sự thật đây chỉ là phiên âm một lần thứ hai lối phiên âm của Trung Hoa. Khi người viết chữ Hán muốn chỉ nhân danh Montesquieu đã đọc nhân danh đó lên và ghi âm bằng bốn chữ Hán, khi đọc giọng Trung Hoa ta nghe gần ra Montesquieu như giọng Pháp. Sang đến Việt Nam mới biến thành một cái tên man dợ mà chính người mang tên đó cũng không thể hiểu nổi. Chủ trương này hoàn toàn không có lý do tồn tại, mặc dầu đã có đôi chữ thành quen.

b. - Phiên âm ra tiếng Việt: Chủ trương này có phần hợp lý nhất nhưng bởi những người dùng không chịu cân nhắc kỹ lưỡng mỗi khi phiên âm một nhân danh hay địa danh và và vô tình mắc phải cái lỗi của những người dùng nhân danh Mạnh-đức-tư-cưu, nô lệ Tàu rồi lại nô lệ Pháp. Thí dụ địa danh thủ đô Ai Cập có người phiêm âm là Lơ-Ke, như vậy là nô lệ Pháp văn phiên âm Le Caire, trong khi Anh văn phiên âm địa danh Ai-Cập đó đúng hơn là Cairo. Một thí dụ khác, địa danh thành phố Milano ở Ý nếu phiên âm theo Pháp thì sai, hỏi một người Ý có biết thành phố Mi-lăng ở đâu không họ sẽ ngơ ngác vì họ không phát âm như vậy. Muốn giải quyết đến nơi đến chốn ta cần phải chú trọng tới mấy điểm then chốt: 1) truy nguyên đến tận xuất xứ để phiên âm cho thật đúng không lệ thuộc một lối phiên âm nào khác 2) tránh sự đi quá xa âm chính bằng cách quá lạm dụng âm hưởng Việt Nam, chẳng hạn Bunganine thành Bún-gà-ninh và 3) tìm một lối ghi âm không quá khác biệt với những nhân danh, địa danh ở nguyên bản (chữ viết của ta dùng mẫu tự la-tinh ta không có lý do gì để ghi một nhân danh ngoại quốc một cách hoàn toàn khác biệt không thể nhận ra được so với nhân danh chính, nếu cần ta nên dùng thêm những âm mới như bl, br...)

c. - Dùng ngay những danh nhân, địa danh viết theo nguyên tác: Chủ trương này là một sự cực chẳng đã, không thỏa mãn vì chưa tìm ra phương pháp thích đáng. Những người chủ trương như vậy dựa vào lý do cần tôn trọng nguyên tác. Tác giả khi đặt tên cho nhân vật trong truyện không phải là không có dụng ý và không gán cho cái tên một ý nghĩa riêng biệt. Đem phiên âm một cách quá sỗ sàng ta đã vô tình vứt bỏ hết những dụng tâm của tác giả và đồng thời cái tên đã được Việt hóa đi đó cũng không lợi được một ý nghĩa gì cho độc giả người Việt và có khi họ còn thấy là ngô nghê nữa. Tuy nhiên chủ trương này không thể tồn tại mãi nếu ta tìm ra được một phương pháp phiên âm đúng và hợp lý.

MỘT CHỦ TRƯƠNG HOÀN TOÀN MỚI MẺ

Anh bạn già Nguyễn Đức Quỳnh chủ trương rằng người dịch phải đặt lại cho từng nhân vật trong truyện tùy theo cá tính của mỗi nhân vật đó theo những điểm chỉ cần của tác giả. Người dịch phải làm sao cho độc giả nhận thấy qua cái tên Việt Nam một phần nào đặc tính của mỗi nhân vật. Và cẩn thận hơn nữa, để tiện sự truy cứu, ở cuối sách sẽ in một bảng đối chiếu giữa tên trong nguyên tác và tên Việt Nam mới đặt. Trên lý thuyết, chủ trương này rất đúng, dù sao cũng cần áp dụng mới ước lượng được sức gợi cảm của lối đặt tên này và khi đó mới tiện phê phán.

Một lần nữa chúng tôi thấy cần nhấn mạnh vào sự cần thiết phải có một tủ sách dịch khá đầy đủ. Những vấn đề nêu ra - có lẽ còn thiếu xót - đều không phải là những điểm nan giải. Chỉ cần một sự cố gắng muốn làm.

(sao y bản chính, trích từ Mặc Đỗ, "Công việc dịch văn", tạp chí Sáng Tạo số 1, 10/1956)

Mặc Đỗ là tác giả những quyển như Thần nhân và thần thoại Tây phương, tác giả những bản dịch như Tâm cảnh (tức Climats của André Maurois), còn "anh bạn già Nguyễn Đức Quỳnh" với "Cénacle littéraire" thì chắc ối bác già già bây giờ còn giữ nhiều kỷ niệm lắm :)

Feb 16, 2010

Sắp xếp cuộc đời

Trời lạnh thảm thiết, mừng Đảng mừng Xuân :)

Các nhà văn tự sát, Stefan Zweig, Ernest Hemingway, Arthur Koestler hay Wladimir Maiakovsky, khi thực hiện hành động tối hậu của cuộc đời mình, ai cũng hiểu là họ biểu hiện niềm tuyệt vọng và nỗi chán chường không thể vượt qua, trước một yếu tố của cuộc đời hay toàn bộ cuộc đời nói chung. Nhưng, với tư cách những con người sáng tạo và quyết định cuộc đời của những người khác, của các nhân vật hư cấu, họ cũng mơ hồ biểu đạt ý muốn không để lại quyền quyết định số phận của họ cho một đấng toàn năng nào đó. Họ dàn xếp cuộc đời mình, đặt một dấu chấm hết đầy kịch tính và ý nghĩa cho tác phẩm-cuộc đời họ.

Khi lấy tên Émile Ajar để viết truyện, Romain Gary, tác giả “Lời hứa lúc bình minh”, cũng đã hoàn thành một phần chặng đường đổ dốc xuống tuyệt cùng. Sự việc bốn tác phẩm viết bằng tên mới, một nhân dạng mới, một căn cước mới, thành công tuyệt đối như thể chỉ làm cho cuộc đổ dốc ấy diễn ra mau chóng hơn nữa. Bốn tác phẩm (“Gros Câlin”, “Cuộc sống ở trước mặt”, “Pseudo” và “Nỗi hoang mang của vua Salomon”) nổi như cồn và văn đàn Pháp náo nhiệt vì vừa tìm ra một nhà văn “mới” thiên tài càng khiến cho cái tuổi chớm già của Romain Gary thêm nhuốm mùi cay đắng.

Feb 12, 2010

Two Thumbs Up

Có luồng dư luận nói rằng (hehehe) tôi chỉ biết làm hai việc, là ăn cơm và đọc sách. Dư luận thật là nguy hại lắm thay.

Tết nhất giới thiệu với các bác một đĩa hát rất hay, đĩa Trở lại của Mỹ Tâm.

Giọng hát của Mỹ Tâm trước đây nghe vui vui, fun fun, giờ thấy chín chắn, rất tuyệt.

Đặc biệt trong đĩa có một bài đỉnh cao, một bài hát rất đẹp mang tên "Và em có anh", Quốc Bảo viết lời, nhạc của Lee Han Boem.

Bài "Cô gái đến từ hôm qua" cũng hay đặc biệt. Nhân tiện chào bác Trần Lê Quỳnh :) ("không trở lại" và "không trẻ lại").

Nhạc Việt Nam tôi rất ít nghe, rất dị ứng với Dương Thụ, Phú Quang và nhất là Phó Đức Phương.

Các bác mua mà nghe, nhớ mua đĩa thật.

Cám ơn bạn đã tặng, thỉnh thoảng nhớ xuất hiện bất ngờ nhá :)

Hôm nay trời đã đột nhiên trở lạnh, may quá, đi chơi thôi. Bye bye.

Feb 11, 2010

Trường cũ mất tên

Tôi mới nói chuyện mất bóng. Ngày xưa khi học ở trường cũ chúng tôi cũng hay bị mất bóng. Mất quả bóng ném, mất quả bóng rổ, mất quả bóng đá. Có lần tôi còn nhớ thầy hiệu trưởng hồi đó, thầy Đào Thiện Khải (xin thầy tha lỗi cho chúng em, chúng em chưa bao giờ gọi thầy đúng tên, mà toàn gọi là "Khải méo", nhưng cũng không thể làm khác được, vì cứ nhìn thầy là ngay tức khắc cái hình ảnh ấy nó hiện ra) một lần lẳng lẳng đi từ phòng thầy ra cầm quả bóng bọn học trò vừa đá một cú cực kỳ mạnh về phía ban giám hiệu, rồi trở vào phòng cùng chiến lợi phẩm. Quả bóng ấy một đi không trở lại, nhưng cũng phải ghi nhận là trường đã cho làm cả một dãy dài lồng sắt ở ban công tầng dưới cùng, một dấu hiệu rất rõ ràng cho thấy việc đá bóng không bị cấm, tuy rằng khi thầy Đào Thiện Khải (đến giờ thì gọi đúng tên thầy đã dễ hơn rồi) bực quá thầy vẫn sẽ tịch thu như thường.

Mất tên có nghiêm trọng như mất bóng không? Nhiều khi còn nghiêm trọng hơn nhiều. Ta đã biết nhiều ví dụ.

Feb 7, 2010

Ông Tường

Viet-Studies đăng lại bài báo liên quan tới Nguyễn Mạnh Tường trên The Christian Science Monitor năm 1995, rồi ngay sau đó đăng một bản dịch nhiều khả năng là của chính Trần Hữu Dũng.

Tôi không hiểu sao ông Trần Hữu Dũng lại có thể gọi đây là một bài phỏng vấn. Có lẽ quan niệm của ông khác người.

Nhưng điều tôi không hiểu nhất là tại sao ông đánh giá bài báo "cực kỳ quý hiếm". Nghe nói như vậy, bài báo hẳn là phải rất có giá trị. Đọc xong thì tôi thấy bài báo này có giá trị rất thấp, vì nó viết sai.

Chỉ một chi tiết "Năm 1946, ông Tường trở về Hà Nội hành nghề luật và dạy học" đã cho thấy nhà báo của tờ CSM có hiểu biết hết sức hạn chế về tiểu sử Nguyễn Mạnh Tường, mặc dù trong bài khẳng định là đã gặp ông. Những bài báo kiểu này thường do mấy người muốn tìm đề tài "độc đáo" bằng mọi giá viết ra.

Chi tiết này có thể là sai về lỗi typo, nhưng đọc đến câu ngay tiếp sau thì có thể khẳng định người viết bài thực sự tin vào mốc thời gian ấy: "Đó là lúc ông được gọi vào văn phòng của ông Hồ". Chi tiết thứ hai, tức là NMT gặp Hồ Chí Minh vào năm 1946, có thể kiểm chứng trong các tài liệu, nhưng chi tiết NMT về Hà Nội vào năm 1946 thì hoàn toàn sai. Việc người viết liên kết hai sự kiện vào nhau làm lộ cái sai một cách không thể chối cãi.

Thực tế Nguyễn Mạnh Tường đã trở về Hà Nội sau khi học bên Pháp vào năm nào? Ít nhất là trên dưới mười năm trước đó. Học trò cũ của NMT ở trường Bưởi giờ vẫn còn sống.

Thật là kỳ cục, chẳng lẽ ông Trần Hữu Dũng không hề kiểm tra chi tiết? Mà chính ông là người lập "hồ sơ Nguyễn Mạnh Tường" trên trang của mình. Chắc là ông Trần Hữu Dũng cũng chẳng hề đọc.

Feb 6, 2010

Phụ chú

Bác TQ hỏi về cái gạch nối. Trước hết tôi cung cấp cho các bác một tài liệu mới khai quật được, trích từ quyển sách mang tên 100 năm phát triển của tiếng Việt của Phụng Nghi, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, từ tr. 49 đến tr. 51. Chẳng biết tác giả là ai, có lẽ là một người nghiệp dư về ngôn ngữ học.

6. Cái gạch nối

1. Trong chữ Việt, cái gạch nối [ct: Dịch từ tiếng Pháp trait d'union. Cũng gọi là cái ngang nối, cái vạch nối, dấu ngang nối, dấu gạch nối, dấu nối] dùng để kết hợp những thành tố viết rời của một từ có nhiều âm tiết. Nếu được viết rời ra thì những âm tiết nói trên sẽ có một nghĩa khác, tức là nghĩa riêng biệt của từng âm tiết.

Thí dụ, từ độc lập có nghĩa tự mình sống, không dựa vào người khác, trái lại, 2 từ độclập đứng riêng sẽ không còn nghĩa như trên nữa.

Trong những thập niên đầu của thế kỷ 20 nầy, những người làm văn học đã sử dụng cái gạch nối trong những trường hợp sau đây:

1.1 Những từ ghép Hán-Việt: tự-do, thuận-thinh-âm, tiềm-thủy-đình, hàng-không-mẫu-hạm

1.2 Những từ thuần Việt:
- từ láy (tiếng đôi - mot double): vững-vàng, đầy-đặn, sắc-sảo, chậm-chậm
- từ ghép (tiếng hiệp - mot composé): biển-dâu

1.3 Nhân danh (tên tục, tên hiệu): Nguyễn-Du, Tố-Như

1.4. Địa danh: Việt-Nam, Trung-Quốc

1.5 Những từ có quan hệ qua lại với nhau: từ điển Hán-Việt, bang giao Việt-Pháp, luật hỏi-ngã, phát triển khoa học-kỹ thuật.

1.6 Danh từ chung phiên âm: cát-xết
Đối với một số tên chung phiên âm đã hoàn toàn Việt hóa, ta bỏ luôn cái gạch nối: cà phê, cà vạt, đô la, ra gu, ti vi, xích lô

1.7 Danh từ riêng phiên âm: Lê-nin, Ca-na-đa

1.8 Một số từ ngữ "kiểu cách" mà các âm tiết không thể tách rời: tại-vì-bởi (thay cho bởi vì), khô-cá-chỉ-vàng [ct: Ta thường nói khô lóc, khô tra, khô sặt... để chỉ khô cá lóc, khô cá tra, khô cá sặt... Khô-cá-chỉ-vàng là 1 loại mới, nếu không có cái gạch nối, e rằng sẽ khó hiểu], chợ-nhà-lồng

1.9 Giữa các con số chỉ "ngày-tháng-năm" [ct: Có nên chăng dùng từ đát (phiên âm date của tiếng Pháp) để thay thế cho "ngày-tháng-năm". Dân gian thường dùng từ quá đát để nói date d'expiration]: ngày 1-1-1993 [ct: Có một số người viết: 1.1.1993 hoặc 1/1/1993]

2. Khoảng từ năm 1975 cho đến nay:

- Trong 4 trường hợp 1.1 đến 1.4, ta đã xóa bỏ hẳn cái gạch nối. Tuy nhiên, ta phải hiểu ngầm là những từ nằm trong 4 trường hợp nầy vẫn luôn luôn được nối với nhau bằng 1 cái "gạch nối vô hình".
- Trong 5 trường hợp 1.5 đến 1.9 ta vẫn còn duy trì các gạch nối.

3. Có một số người đề nghị viết dính các âm tiết ở hai trường hợp 1.1 và 1.2: tựdo, vữngvàng [ct: Nguyên tắc hỏi-ngã, Trần Văn Khải, Thanh Trung thư xã xuất bản, Saigon, 1950]. Việc cải cách nầy không ổn và không được hưởng ứng, lý do là những từ sẽ bị đọc và hiểu sai lệch.

3.1 Những từ ghép viết dính nhau có thể được đọc một cách khác:

bình an viết bìnhan có thể đọc là bì nhan hoặc bìn han
giáo án viết giáoán có thể đọc là giá oán hoặc gi áo án
phát hành viết pháthành có thể đọc là phá thành

3.2 Những từ vốn chỉ có 1 âm nay có thể được đọc tách rời thành 2 âm:

thúy có thể đọc là thú y
khoái có thể đọc là kho ái hoặc khó ai

4. Hiện nay (năm 1993) một số người không làm văn học vẫn còn thói quen dùng cái gạch nối khi viết tên người.

Cũng có tác giả vẫn còn dùng cái gạch nối trong những trường hợp 1.1, 1.2, 1.3: Anh-văn, văn-phạm, đại-danh-từ, tiếp-đầu-ngữ, bất-quy-tắc... [ct: Giúp trí nhớ văn phạm Anh văn, Duy Ân, Nguyễn Hữu Vinh, NXB TP Hồ Chí Minh, 1992]

------------------------

Về cái gạch nối thì tôi cũng có một vài suy nghĩ:

+ Tại sao lại có gạch nối? Cái món nầy (hoc tập bác Phụng Nghi, viết nầy chứ không viết này :) là một thứ tuyệt đối mới trong tiếng Việt. Trước đây các cụ ta viết thậm chí dấu phẩy dấu chấm còn chẳng có, báo hại con cháu sau này xơi món củ đậu đến mệt (hì hì các bác Hán-Nôm biết rõ tôi đang định nói gì).

Theo tôi, gạch nối xuất hiện như một biểu hiện của tâm lý phân vân: khi dùng một bảng chữ cái lạ hoắc để ký âm, hẳn người ta cũng lờ mờ cảm thấy không ổn, vì từ trong các ngôn ngữ phương Tây là đa âm tiết, còn tiếng Việt thì lại đơn âm tiết (tất nhiên không đơn âm tiết một cách tuyệt đối, nếu nhìn lại lịch sử ngữ âm, nhưng thôi tạm bỏ qua). Tôi không biết người khác lý giải cái gạch nối như thế nào, còn với tôi đó là một cách để giả dạng đa âm tiết trong một sự sao phỏng muốn hướng tới mức độ tuyệt đối.

Cái gạch nối chắc chắn gây ra nhiều khó khăn cho in ấn. Thời trước, hẳn các nhà in ở Việt Nam phải mua về hoặc đặt sản xuất vô cùng nhiều dấu gạch nối. Tôi rất không hiểu tại sao lại có sự lãng phí vô lý như vậy. Bác nào rành lịch sử và kỹ thuật in ấn Việt Nam trả lời hộ thì tốt quá, vì ta biết rằng đã từng có lúc Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm viết báo phàn nàn bị thiếu dấu ngoặc đơn ở nhà in nên câu cú cứ lung tung hết cả.

+ Nên sử dụng gạch nối như thế nào? Tôi chia làm hai trường hợp, và chỉ có hai:

Một là gạch nối phân chia mệnh đề, hai là gạch nối trong phạm vi một cụm từ. Khác biệt về hình thức của hai loại này là ở chỗ loại một đòi hỏi dấu cách ở trước và sau dấu gạch, còn loại hai nhất thiết không được có khoảng cách.

Viết nghiêng nhấn mạnh từ "nhất thiết" là vì tôi thấy rất nhiều người không hiểu điều này. Cuộc chiến Bắc-Nam hay tiến bộ khoa học-kỹ thuật thuộc loại thứ hai, nhưng báo chí và sách hiện nay thường xuyên nhét thêm dấu cách vào, thành Bắc - Namkhoa học - kỹ thuật. Đã vô số lần tôi viết báo bị sửa những chỗ như thế, nên kết luận của tôi là các bạn chả hiểu cái gì cả :))

+ Quan điểm của tôi là triệt để bỏ gạch nối, vừa phức tạp hóa vấn đề không cần thiết, vừa không có ích về mặt thẩm mỹ, lại còn tốn thao tác, hao phí biểu bì đầu ngón tay dẫn tới giảm cường lực nhất dương chỉ... tác hại thật là khôn lường.

Trước đây với các từ phiên âm tôi thiên về viết liền, không bỏ dấu tiếng Việt, như là thùng cactông, Matxcơva, toalet... Tôi thấy rất vô lý nếu đã viết liền để giả dạng tiếng nước ngoài mà vẫn bỏ dấu, như là cáctông, Mátxcơva.

Càng ngày tôi càng thấy làm như vậy không hợp lý bằng viết thùng các tông, toa lét, bê tông, còn những gì viết nguyên thì nguyên luôn: sofa chẳng hạn. Nhưng tôi vẫn viết Matxcơva mà không bao giờ viết Moscou hoặc Moscow hoặc Mát-xcơ-va.

+ Tin (vẫn buồn) là phần III vẫn tiếp tục treo lơ lửng, các bác không thoát được đâu mà vội mừng hehe.

Feb 3, 2010

Phiên âm (II)

Phiên âm, tức là mọi chuyện chỉ liên quan đến âm.

Theo tôi, vấn đề này trong tiếng Việt tuy vô cùng phức tạp nhưng tựu trung từ trước đến nay chỉ có hai cách phiên âm: phiên âm trực tiếp và phiên âm gián tiếp.

Phiên âm trực tiếp tôi đã trình bày một cách tổng quát. Để miêu tả một cách đơn giản, đây là cách dùng các âm sẵn có hoặc âm tạo thêm để phiên từ nước ngoài, và đi trực tiếp từ âm nguyên gốc. Đặc điểm nổi bật của cách này là giảm bớt tính chất lạ về tự vị và âm của từ vay mượn. "Xà phòng" trông tự vị không giống "savon" mấy nhưng vẫn là trực tiếp, các âm “xà” và “phòng” đều tồn tại sẵn trong tiếng Việt.

Gián tiếp thì phải thông qua một ngôn ngữ khác. Hiện tượng này ở các ngôn ngữ khác cũng xảy ra, như ai quan tâm tới Marco Polo hẳn đã biết nguồn gốc và con đường phát triển của từ "Cathay". Trong tiếng Việt hiện tượng này vô cùng phong phú, và gần như hoàn toàn thông qua trung gian là tiếng Hán.

Phiên âm trực tiếp và phiên âm gián tiếp trước đây tồn tại song song, thậm chí ở ngay một người. Phạm Quỳnh kể chuyện các quan Nam triều khi nghe tin có ông toàn quyền mới sắp sang thì hỏi tên ông ấy, khi biết ông tên là Doumer thì sợ quá, cho là không thể chấp nhận được, nên nghĩ ngay ra tên Đô-Mỹ để đặt cho ông. Phạm Quỳnh cũng gọi Paris là "Pha lê thành" (ref.:, Tiểu luận tiếng Pháp 1922-1932). Nhưng xu hướng chính của Phạm Quỳnh theo tôi là viết đúng tên như tự vị tiếng Pháp, và cũng thường xuyên dùng phiên âm trực tiếp.

Phiên âm trực tiếp có thể làm nảy sinh nhiều vấn đề, như một vấn đề từng được Đào Duy Anh ghi lại: "Chúng ta cứ xem trong thời Pháp thuộc gần đây, chữ Pháp được dạy ở các trường tiểu học đã do thầy giáo Việt-nam đổi cách phát âm không ít so với cách phát âm của chính người Pháp. Ví dụ chữ cahier người Pháp nói ca-i-ê thì thầy trò người Việt đều nói là cai-dê, chữ travailler, người Pháp nói tra-va-i-ê thì thầy trò người Việt đều nói tra-vay-dê." (Chữ Nôm nguồn gốc cấu tạo diễn biến).

Ở đây Đào Duy Anh đang nói tới hiện tượng tiếng bồi, một biến thể rất thú vị của phiên âm.

Quay trở lại với phiên âm gián tiếp. Cái này thật ra chúng ta đã rất quen, với nước Đức, nước Pháp, nước Anh, nước Tây Ban Nha, Lư Thoa, Mạnh Đức Tư Cưu... nhưng chắc ít ai còn nhớ những khi cách này được sử dụng một cách triệt để đến mức... như dưới đây.

Đây là trích một vài đoạn trong Thầy trò trong khám, Phan Khôi dịch tiểu thuyết Le Comte Monte Cristo (Bá tước Monte Cristo) của Dumas, đăng phơi-ơ-tông trên Đông Pháp thời báo suốt 31 kỳ, 1928 (chưa dịch hết cả tác phẩm). Nhiều phần Phan Khôi dịch quyển này từ một bản rút gọn, tóm lược của Trung Quốc. Lấy từ Phan Khôi tác phẩm đăng báo 1928, Lại Nguyên Ân sưu tầm, biên soạn, Đông Tây & NXB Đà Nẵng, 2003.

Mở đầu tiểu thuyết trong nguyên bản:

“Le 24 février 1815, la vigie de Notre-Dame de la Garde signala le trois-mâts le Pharaon, venant de Smyrne, Trieste et Naples.”

Phan Khôi dịch:

"Vào khoảng năm 1815, tại cửa biển Mạc-xây nước Pháp có chiếc tàu buồm tên là Phan-long, vững chãi, đẹp đẽ và chạy mau có tiếng trong thời đó."

Các tên riêng được phiên như sau:

Thuyền trưởng Leclère: Lý-khắc-lai
Danglars: Đặng-cách-luân (người mại bản, một trong những kẻ âm mưu hại Edmond Dantès)
Morrel chủ tàu: Mã-lạc-nhi
Edmond Dantès: Đàm-đức-tư

Một đoạn rất hay:

"Lúc Lý-khắc-lai chết giữa đường, chính là lúc hoàng đế của nước Pháp là Nã-phá-luân âm mưu trở về nước mình. Số là, vua Nã-phá-luân hay đánh đông dẹp bắc, làm cho dân nước Pháp đồ khổ, về sau thất bại, bị đày qua cù lao Ên-ba, và bị cầm cố tại đó không được về. Song sự ấy chẳng qua là những người thuộc đảng nhà vua về dòng vua Bua-bông chủ trương mà thôi, còn những người về phe vua Nã-phá-luân, gọi là Nã đảng, thì lại phản đối với đảng kia mà hằng tìm cách cho Nã-phá-luân trở về. Lúc đó, bên Nã đảng đương bí mật vận động cho Nã-phá-luân đi lén về nước, chỉ còn đợi bàn định điều ước với Huê-linh-tôn, ấy là xong việc, Huê-linh-tôn tức là ông tướng đại tài ở nước Anh về sau đánh phá quân Nã-phá-luân tại Hoát-tét-lô."

Và cuối cùng là đoạn Dantès gặp người yêu Mercédès (được phiên thành Mai-tây-đương):

"Edmond et Mercédès étaient dans les bras l'un de l'autre. Le soleil ardent de Marseille, qui pénétrait à travers l'ouverture de la porte,les inondait d'un flot de lumière. D'abord ils ne virent rien de ce qui les entourait. Un immense bonheur les isolait du monde, et ils ne parlaient que par ces mots entrecoupés qui sont les élans d'une joie si vive qu'ils semblent l'expression de la douleur.Tout à coup Edmond aperçut la figure sombre de Fernand, qui se dessinait dans l'ombre, pâle et menaçante; par un mouvement dont il ne se rendit pas compte lui-même, le jeune Catalan tenait la main sur le couteau passé à sa ceinture.«Ah! pardon, dit Dantès en fronçant le sourcil à son tour, je n'avais pas remarqué que nous étions trois.»"

"Đàm thấy Mai nương người đằm thắm ưa nhìn, đầu tóc như mây nước da tợ ngọc, mặc áo ngắn tay từ cùi tay đến cổ tay lòi ra trắng nõn trắng nà, ngón tay mụt măng cầm nhành bông, chân bước đi cách yểu điệu thì anh ta mê mẩn tâm thần. Hai người cầm tay nhau kể lể khúc nôi, rồi lại choàng tay nhau mà cười cợt. Khi ấy Đàm chỉ để tâm giắt mắt vào một mình Mai nương mà thôi, ngoài ra không biết có gì cả, thình lình xây lại thấy một người ra dáng sững sờ ngồi trên ghế dựa, một tay thò vào túi áo núm con dao nhỏ. Đàm vội vàng vừa chào vừa nói rằng: Xin tha lỗi cho tôi, tôi vào nhà mà mắt măng mắt vược không thấy người quý khách."

+ Tin buồn là vẫn còn có một phần III về phiên âm nữa :)