May 25, 2010

Lớn của sự nhỏ

Nếu có một nhà văn hiện còn sống xứng đáng được xếp vào thứ hạng những nhà văn tuyệt vời cho trẻ em, những nhà văn viết cho trẻ em nhưng là nhà văn lớn, thì tôi sẽ kể tên Marie-Aude Murail. Một cái tên chắc hẳn chưa hề quen thuộc với độc giả Việt Nam, nhưng chắc chắn sau này sẽ xuất hiện bên cạnh những Lewis Carroll, Astrid Lindgren, Francis Burnett hay… Beatrix Potter.

Năm 2008, Murail bất ngờ cho xuất bản cuốn tiểu thuyết trẻ em rất dày mang tên “Miss Charity” lấy cảm hứng từ cuộc đời Beatrix Potter, nhà văn nữ người Anh sống vào nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tác giả bộ truyện vô cùng thành công đương thời, về “Peter Rabbit”. Cuốn tiểu thuyết-tiểu sử của Murail ngay lập tức làm người ta quên đi độ dày bất thường của một cuốn sách thiếu nhi, cũng như làm người ta thấy bớt ngột ngạt vì tính chất thương mại đáng nể và đáng gờm của các tập “Harry Potter”, để rơi thẳng vào thế giới tuổi thơ của một cô bé gái sống giữa thiên nhiên ngập tràn. Thực vậy, thành công ngột ngạt của “Harry Potter” khiến rất nhiều người nuối tiếc những câu chuyện về con thỏ tai dài, con chó mũi bẩn, đứa trẻ nhà quê bình thường, những “Khu vườn bí ẩn”, “Gió qua rặng liễu”, “Cánh buồm đỏ thắm”, hay thậm chí là chú bé đánh giày “Ti-co-lo” ở Việt Nam. Có rất nhiều ngả đường để đến với người đọc trẻ em, không nhất thiết phải là những cô cậu phù thủy biết múa đũa thần và còn biết hôn nhau. Cũng là người Anh như Potter, nhưng hiện thân của Beatrix trong “Miss Charity” thực sự sinh động, mà không cần tới phép màu hay những trận chiến thiện ác bóng tối ánh sáng rất ly kỳ. Cái mũ phủ thủy của Harry Potter có cái chóp quá nhọn và vành mũ thít quá chặt vào đầu.

Tác phẩm ra mắt độc giả Việt Nam của Marie-Aude Murail (sinh năm 1954) là “Oh boy!” (Trần Anh Thư dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn). Câu chuyện cuốn hút đặc biệt này đề cập một loạt vấn đề lớn: trẻ mồ côi, chiến đấu với bệnh tật, và nhất là thái độ đối xử với người đồng tính trong xã hội. Thế nhưng nó vẫn đặc thù là một cuốn sách thiếu nhi, nghĩa là cách suy nghĩ, lập luận của các nhân vật trong “Oh boy”, tức là mấy anh em nhà Morlevent, đều đúng là của trẻ con, không bị uốn nắn, áp đặt, không dạy dỗ, không thông điệp lộ liễu. “Miễn sao nó vừa ngu ngốc vừa xinh đẹp để thực sự may mắn là được!”, những câu nói đơn giản như vậy xuất hiện rất nhiều và rất đúng thời điểm trong “Oh boy!”.

Ba anh em nhà Morlevent, Siméon, Morgane và Venise một hôm bỗng mất hết bố mẹ. Mô típ rất quen thuộc trong truyện cổ tích và truyện thiếu nhi. Nhưng diễn tiến sau đó của câu chuyện “Oh boy!” thì thực sự đặc biệt, khi xuất hiện nhân viên bảo trợ xã hội, rồi thẩm phán chuyên phụ trách các vấn đề trẻ em, rồi nhất là người anh nửa dòng máu Barthélemy (tức Bart) của ba đứa trẻ kia.

Theo lời tâm sự của Murail, một tác giả “năng suất” đến đặc biệt, “Oh boy!” được viết ra với một tinh thần tranh đấu rất lớn trong nhiều khía cạnh xã hội. Điều này khiến Murail gần với Lindgren, người bỏ cả đời chiến đấu cho một sự nghiệp: sự nghiệp vì con người, bằng một công cụ hiếm người nghĩ tới, là văn học thiếu nhi. Murail, cựu sinh viên văn khoa đại học Sorbonne, là tác giả của hàng chục, thậm chí hàng trăm tác phẩm đủ loại, các tác phẩm vô cùng đa dạng.

Chắc hẳn bạn sẽ nhớ rất lâu cái câu đầu lưỡi “Oh boy!” của anh chàng đồng tính trong truyện, và cũng sẽ nhớ rất lâu cái cách tinh tế mà Murail miêu tả thế giới trẻ con, ba anh em nhà Morlevent và không chỉ ba anh em nhà Morlevent.

Nhị Linh

10 comments:

  1. người anh nửa dòng máu?

    Cái mũ phủ thủy của Harry Potter có cái chóp quá nhọn và vành mũ thít quá chặt vào đầu.----> :)

    ReplyDelete
  2. Lần đầu tiên đọc blog của bạn. Bài này tôi thích lắm. Bạn làm tôi nhớ truyện Cánh Buồm Đỏ Thắm. Ngày ấy, đọc truyện này xong, tôi cứ mơ mộng mãi. Mơ một ngày mình được làm chàng hoàng tử bạn ạ!

    ReplyDelete
  3. GM: hic hic

    Bác TDM: tôi thì mơ làm công chúa khi đọc truyện đó hồi bé ạ :d

    ReplyDelete
  4. Lâu lắm mới lại nghe nhắc đến chú bé “Ti-co-lo”, ba màu dùng đánh giày là màu đen màu trắng và màu gì nữa nhỉ mình quên mất rồi.

    ReplyDelete
  5. hehe em chỉ nhớ nó tên là Trí, ba màu em cũng không nhớ rõ

    mới mua lại được quyển này từ sách cũ, để em xem lại nhé :)

    ReplyDelete
  6. Màu nâu.

    Dùng ná (súng) cao su bắn vỡ đèn đường, hehe, khác gì Lê Văn Tám tẩm xăng.

    ReplyDelete
  7. Từ: Hải phòng
    Hình như Bác này đã huắ là sẽ không viết cho "Sài gòn tiếp thị" nữa kể từ khi O-sin Huy Đức thoi việc ở đây cơ mà nhỉ? Bây giờ bác lại viết Istanbul à? He he!

    ReplyDelete
  8. đúng rồi đấy, súng cao su, mà chàng còn biểu diễn mấy lần liền

    hehe, các bác đúng là chỉ biết hehe, có phải là từ bài Istanbul đâu, bài phỏng vấn Kundera tôi cũng gửi đăng ở SGTT, lần ấy tôi cũng nói là tôi quay lại cộng tác với SGTT

    tất nhiên tôi chẳng việc gì phải giải thích việc tôi làm, nhưng bác muốn thì tôi có thể nói: tôi chẳng hứa gì cả, tôi tuyên bố là tôi không cộng tác với SGTT nữa cho đến lúc nào có cái gì khác, ngay dịp ấy anh HĐ đã gửi lời nhắn cho tôi, sau này tôi cũng gặp lại HĐ một lần

    những chuyện như thế này tôi luôn hết sức cẩn thận

    ReplyDelete
  9. Có phải ý bác là Frances Burnett?

    ReplyDelete
  10. hic đúng là ghi lộn Frances thành Francis, sorry

    ReplyDelete