May 31, 2010

Nhà biên niên vĩ đại của Liên Xô

+ Dịch tặng các bác thích (và sẽ thích Vasily Grossman). Bài gốc các bác tự tìm trên Guardian nhé, người viết là Luke Harding, lên mạng ngày 6/5/2010.

Nước Nga tổ chức diễu binh lớn chưa từng có để ăn mừng chiến thắng phát xít nhưng lại quay lưng với nhà văn đã chứng kiến toàn bộ câu chuyện.

Khi quân Nazi khởi động cuộc xâm lược vào mùa hè năm 1941, Ekaterina Korotkova-Grossman đang ở một trại hè dành cho thiếu niên tiền phong. Cha của bà, nhà văn Vasily Grossman, đang trên đường ra mặt trận với tư cách phóng viên chiến trường của tờ Ngôi Sao. Cả hai đều thoát chết một cách kỳ diệu.

Ekaterina cùng mẹ và chị gái [hay là em gái, không rõ] rời Kiev ngay phía trước đội quân Đức đang tiến đến. Tại thành phố Dnipropetrovsk thì kẻ thù đuổi kịp. “Chúng tôi tìm cách vượt cây cầu bắc qua sông Dnipro. Đông đặc người chạy nạn và binh lính. Quân Đức đã chiếm nhà ga xe lửa. Chúng dùng máy bay ném bom và trọng pháo tấn công vào chúng tôi. Hai chân tôi cuồng lên [going ở đây nghĩa chính xác là gì nhỉ?] nhưng chúng tôi không sao tiến lên phía trước được,” bà nhớ lại. Không hiểu bằng cách nào rồi thì bà cũng sang được bờ bên kia.

Cùng lúc ấy, Grossman chạy khỏi những chiếc xe tăng Panzer lừ lừ tiến vào lãnh thổ Liên Xô, rất nhiều lần thiếu điều đã rơi vào tay quân phát xít. Mắc chứng thừa cân, cận nặng, là người Do Thái và là một trí thức, Grossman là một phóng viên chiến tranh không mấy hợp chuẩn. Nhưng ông sẽ trở thành nhà biên niên vĩ đại nhất của cuộc chiến tranh đó - chứng kiến tận mắt trận chiến Stalingrad và cùng Hồng quân tiến tới Berlin cùng Cổng Brandenburg tan tành.

Trong dịp cuối tuần này Matxcơva kỷ niệm lần thứ 65 ngày kết thúc Thế chiến thứ hai và thất bại của nước Đức phát xít. Cuộc diễu binh ngày Chủ nhật tại Hồng trường là cuộc diễu binh lớn nhất trong lịch sử với 10.000 lính, 160 chiến xa và 127 máy bay. Lần đầu tiên các đồng minh của Liên Xô trong cuộc chiến tranh có tham gia: Anh, Mỹ và Pháp.

Nhưng các buổi lễ trọng huy hoàng của nước Nga bị phủ bóng mờ bởi những lời cáo buộc của chủ nghĩa xét lại lịch sử, đặc biệt là về vai trò của Josef Stalin, mà cái chết vào năm 1953 gần như đã cứu Grossman thoát khỏi gulag. Trong thập niên vừa qua Kremlin đã tiến hành một chiến dịch mềm mỏng nhằm phục hồi tên tuổi Stalin. Kremlin đã khắc họa vị độc tài Xô viết không như là một kể giết người hàng loạt mà như một nhà lãnh đạo thành công tuyệt đỉnh trong chiến tranh. Chiến dịch này là một phần trong nỗ lực về ý hệ rộng hơn của Vladimir Putin trong quá trình khôi phục nước Nga quay lại trở thành một siêu cường mạnh mẽ.

Trước buổi lễ ngày Chủ nhật, hình ảnh Stalin có một cuộc trở về nho nhỏ - chẳng hạn như trang trí cho xe bus số 187 của St Petersburg trong tuần này, và được treo bên ngoài nhiều bảo tàng Matxcơva. Ông ta cũng xuất hiện trên những bức ảnh tại các bến tàu điện ngầm. Hồi đầu thị trưởng Matxcơva Yuri Luzkhov còn tính bày chân dung Stalin trên Hồng trường. Kế hoạch bị bãi bỏ đúng vào phút cuối cùng.

Không phải ai cũng nhất trí với cuộc trở lại xảo quyệt này của Stalin. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Guardian, Ekaterina chỉ ra rằng việc ông ta đặt lòng tin tưởng sai lệch vào Hitler, rồi ký với Hitler hiệp ước không xâm phạm, đã khiến cho Liên Xô rơi vào tình trạng thiếu chuẩn bị kinh khiếp trước cuộc tấn công của Wehrmacht. Mặc cho rất nhiều báo cáo của gián điệp, Stalin cứ khăng khăng không chịu tin rằng Hitler có thể xua quân xâm chiếm. “Stalin không hề chuẩn bị cho cuộc chiến tranh. Các biên giới của chúng tôi không đủ vững chắc,” bà nói. “Chiến thắng của Xô viết không phải là do cá nhân Stalin.”

Tuần này cũng đánh dấu sự kiện xuất bản tác phẩm lớn cuối cùng của Grossman, Everything Flows, một phiên bản mới tại Anh. Cũng như cuốn tiểu thuyết sử thi Cuộc đời và số phận, lấy bối cảnh trận chiến Stalingrad, cuốn tiểu thuyết dang dở mãi đến cuối những năm 1980 mới được ấn hành - hơn hai thập niên sau khi Grossman qua đời (1964). Ở phương Tây, danh tiếng của ông lớn mạnh vượt trội trong những năm gần đây, nhờ việc xuất bản những quyển nhật ký thời chiến của nhà văn vào năm 2005. Mùa thu này Robert Chandler, dịch giả của Grossman, sẽ ấn hành các truyện ngắn của ông. Năm tới BBC sẽ phát trên kênh Radio 4 một phiên bản Cuộc đời và số phận dài tám tiếng, nỗ lực chuyển thể kịch tham vọng nhất từ trước tới nay của đài.

Tại Nga, Grossman đã hết mốt từ lâu. Các chủ đề lớn của ông - thuật trình về cuộc tàn sát người Do Thái, nạn đói ở Ukraine, gulag và các cuộc thanh trừng, cũng như sự cộng tác của công dân Xô viết với người Đức - không còn tương hợp gì nữa với phiên bản lịch sử đầy tính cách anh hùng của Kremlin. Theo Ekaterina, 80 tuổi, hiện sống tại một căn hộ Matxcơva chất đầy sách của ông bố và cái ghế bành của ông, Everything Flows chứa đựng tài năng văn chương ở mức độ cao nhất của Grossman.

“Những miêu tả của ông về nạn đói Ukraine thuộc vào những gì mạnh mẽ nhất mà ông từng viết,” bà nói. Kremlin vẫn nhất định không công nhận từ ba đến năm triệu nông dân chết hồi 1932-33 chính là một tội ác diệt chủng.

Bà nhắc tới một chương ngắn, sắc nhọn thuật lại tình yêu của các thành viên trong một gia đình nông dân giản dị. Tất cả đều bị chết đói.

Trong chiến tranh Ekaterina không hề gặp bố. Bà sống với mẹ và bố dượng tại thành phố Tashkent xa xôi thuộc vùng Trung Á của Liên Xô. Nhưng hai người viết thư cho nhau. Bà nói Grossman biết rõ là bà không được ăn đầy đủ. “Tôi đã sống nhờ 200 gam bánh mì mỗi ngày. Hồi ấy tôi gầy kinh khủng. Bố tôi tìm cách thu xếp cho tôi nhận khẩu phần thịt từ Hội Nhà văn.”

Ekaterina sẽ biết rõ hơn về bố mình sau khi chuyển tới sống ở Matxcơva vào năm 1955. Vào thời điểm đó Grossman đang viết Cuộc đời và số phận. Ông đọc các chương mình viết xong cho gia đình và các bạn, bà nói. Ông viết rất dữ, nhưng vẫn đi xem kịch, hòa nhạc, gặp các bạn văn. “Ông có một lối sống đáng mơ ước lắm,” bà nhớ lại. Mặc cho chủ đề “buồn và u ám” của nó, Ekaterina nói đó là một cuốn sách lạc quan, nồng ấm với các giá trị như tình bạn và tình yêu gia đình. Việc KGB quyết định tịch thu bản thảo vào năm 1961 là một cú đòn quá nặng nhưng khi lâm chung vì bệnh ung thư Grossman vẫn rất lạc quan về việc cuốn sách sẽ có độc giả.

“Nhiều người đánh mất đi niềm tin vào con người. Ông thì không bao giờ. Nếu bạn so sánh ông với những người hay bình luận ngày nay thì ông đúng là một người lý tưởng chủ nghĩa. Ông tin rằng ngay cả con người tệ hại nhất cũng có một cái gì đó rất sáng sủa."

Grossman, một nhà văn hiện thực Xô viết từng phê phán chế độ từ bên trong, có thể nghĩ gì về nhà nước hậu cộng sản của nước Nga thời Putin? “Tôi nghĩ ông sẽ rất hạnh phúc khi chứng kiến sách của mình được xuất bản trong những năm 1980. Nhưng tôi chắc chắn ông sẽ nhìn ngay ra các khiếm khuyết của xã hội hiện nay.”

+ Everything Flows mới được Harvill Secker xuất bản bên Anh, sẽ review thêm khi nào có sách. Có bác nào ở Anh muốn tặng tôi không nhỉ :)

+ Bác QB viết về Mai Thảo: ai ai đọc Mai Thảo cũng thấy ngạc nhiên về cách dùng từ và cú pháp. Tôi đã thử đi tìm về nguồn ảnh hưởng. Đến lúc này thì tôi nghĩ ảnh hưởng xa xôi đến lối viết này là Hoàng Tích Chu. Các bác có đồng ý không ạ?

23 comments:

  1. Nghe nói Life and Fate đang được dịch ra tiếng Việt đúng không?
    Everything Flows cũng mới được tái bản (xuất bản?) ở Mỹ năm 2009. Xem link ở đây:
    http://www.amazon.com/Everything-Flows-Review-Books-Classics/dp/1590173287

    ReplyDelete
  2. sao bác nghe được nhiều thông tin thế? :d

    quyển Everything (Not Illuminated hehe) này trong bài viết rõ là new version mà

    ReplyDelete
  3. Cam on anh ve bai dich.
    Em tung mot thoi doc ngau nghien Chuyen tau tren song Hong va Dem gia tu Ha Noi cung boi cach dung tu va dat cau qua dac biet. E khong nghi la mot phong cach nhu vay co the do anh huong boi ai. Anw em chua doc HTC.

    ReplyDelete
  4. Từ Hoàng Tích Chu đến Mai Thảo phải qua mấy núi mấy đèo, Dũng? :)

    ReplyDelete
  5. thì đã bảo là "xa xôi" mà :)

    đây là đang nói kiểu viết như là "một tình cờ", "một kỳ quặc", tức là cấu trúc "một"+một tính từ không cần "classifier", rất đặc trưng ở Mai Thảo

    kiểu viết này đã xuất hiện ở Hoàng Tích Chu, theo như các sưu tầm và phân tích sau này của Lê Văn Siêu trong một bộ văn học sử

    ReplyDelete
  6. Matxcơva, Xô Viết, Nga, Ukraine, Liên Xô, Tashkent (Uzbek: Toshkent, Тошкент; Russian: Ташкент, literally "Stone City")... "Phiên âm" hổ lốn: ớn! :)

    "Tuần này cũng đánh dấu sự kiện xuất bản tác phẩm lớn cuối cùng của Grossman, Everything Flows, một phiên bản mới tại Anh. Cũng như cuốn tiểu thuyết sử thi Cuộc đời và số phận, lấy bối cảnh trận chiến Stalingrad..." Tại sao lúc dùng tên tiếng Anh, lúc lại dịch ra tiếng Việt? Giả sử có bản dịch, nên ghi do ai, năm nào, và thường thì tên chuyển ngữ là của dịch giả. Giả sử muốn đề nghị, có lẽ nên viết Life and Fate (gốc Nga: Жизнь и судьба, Việt: Cuộc đời và số phận), chứ nhỉ? :)

    "My legs were going but we weren't moving forward..." (Luke Harding, guardian.co.uk, 6 May 2010). Tôi thử dịch: Hai chân tôi vẫn bước nhưng chúng tôi không tiến lên phía trước..." Tình trạng sợ hãi, mất tự chủ, trốn chạy trong hoang mang: sao lâu đến chân cầu bên kia thế?

    Cám ơn NL đã giới thiệu Vasily Grossman. Có lẽ tôi sẽ thích. [NSC]

    ReplyDelete
  7. à là vì tôi còn chưa viết "Phiên âm (III)" nên các bác còn chưa biết chính xác quan điểm của tôi về vấn đề này là như thế nào mà

    ReplyDelete
  8. "Cuộc đời và số phận" đã là tên được dịch ở VN, trước đây mới xuất hiện vài phần trên Internet, còn quyển mới chưa hề biết nội dung, nên cứ để thế cái đã ạ

    ReplyDelete
  9. Tớ đọc Everything Flows rồi (trong một bản dịch hình như từ những năm 70), không thấy thích như Life and Fate.
    Life and Fate thực sự là một tác phẩm lớn và nếu xuất bản ở VN thì tớ tin là sẽ có khá nhiều người tìm đọc nó.

    ReplyDelete
  10. Vài chi tiết về các bản dịch tiếng Anh của Vasily Grossman... Năm 1972, Thomas Whitney cống hiến bản dịch Forever Flowing ("Cứ Mãi Trôi") nhưng không thành công lắm. Gần đây, Robert Chandler, cùng vợ là Elizabeth và cộng sự viên là Anna Aslanyan, hoàn tất bản dịch mới, đặt tên là Everything Flows ("Mọi Sự Chảy Trôi"), với lời giới thiệu của Robert Chandler. Bản dịch của Chandler được nhà NYRB (The New York Review of Books) xuất bản ở Mỹ vào cuối năm 2009 và nhà Harvill Secker xuất bản ở Anh hồi đầu tháng. Cùng bản dịch, hai "thị trường" khác nhau, xê xích khoảng 6 tháng.

    Grossman viết bản thảo đầu tiên của Everything Flows vào giữa thập niên 50, khởi đi như một phản hồi về một sự kiện lịch sử quan trọng: hàng trăm ngàn tù nhân Gulag được phóng thích. Cho đến khi Grossman chết vào năm 1960, ông vẫn còn sửa chữa bản thảo. Quyển sách được ấn hành từng kỳ trong vài tạp chí Nga vào năm 1989.

    Trong năm 2000, Robert Chandler ghi lời phê bình bản dịch của Whitney trên Amazon (tạm dịch): "Bản dịch này không đáng được tái bản. Thứ nhất, nó vừa vụng về vừa nhiều lỗi. Thứ hai, nó dựa trên một bản thảo khiếm khuyết. Văn bản cuối cùng của Grossman, có nhiều triển khai đáng kể, được xuất bản ở Liên Xô vào cuối thập niên 80. Đã đến lúc phải có một bản dịch dựa trên văn bản ấy!" Và Chandler đã thực hiện điều này.

    Đầu năm nay, Chandler ghi nhận: "Khi tôi nhận được từ nhà NYRB những tập sách đầu tiên của bản dịch Everything Flows, cảm tưởng trước hết của tôi là ngạc nhiên. Tôi cảm thấy ngỡ ngàng trước kích cỡ nhỏ bé của quyển sách. Khó mà tôi có thể tin được rằng có rất nhiều nhận thức khác thường về rất nhiều đề tài - hôn nhân, "tinh thần Nga", Lenin, bệnh hoang tưởng của Stalin, toàn bộ chiều dài lịch sử Nga và Sô Viết - lại có thể được nén gọn trong một không gian nhỏ bé như vậy. Chủ đề thì đa phần đen tối, nhưng trí tuệ sống động của Grossman khiến cho Everything Flows phấn chấn một cách đáng ngạc nhiên, có thể nói là hồ hởi; quyển sách không những đề cao tự do, nó biểu hiện tự do." (Tạm dịch, nguồn: www.stosvet.net/12/grossman/index2.html.)

    Robert Chandler cũng là người dịch Life and Fate ("Cuộc Đời Và Số Mạng"), 1980, dựa trên bản tiếng Nga xuất bản lần đầu tại Thụy Sĩ trong thập niên 70.

    Chandler đã dịch, và gần đây dịch lại, tác phẩm Foundation Pit của Andrei Platonov. Ông nói rằng, trong 15 năm, ông hiểu sâu hơn qua những trao đổi tại chỗ với các tác giả và học giả Nga (guardian.co.uk, 18 February 2010). Đúng là làm việc nghiêm túc! Quả thực, những sách quý đã dịch thì nên duyệt lại, và nếu cần dịch lại thì... lại dịch. :)

    Hoan hô Internet! Hoan hô Google! [NSC]

    ReplyDelete
  11. úi xời ơi, kinh chuuuuưa :d

    thank you

    ReplyDelete
  12. Chào Nhị Linh,

    Mình có quyển Vie et Destin và Carnet de guerre của Grossman đấy. Mình là bạn Nhung (Espace). Mình có thể cho bạn mượn hai cuốn ấy, liên hệ với mình ở daohuyen@hotmail.com nhé.
    Thân mến

    ReplyDelete
  13. chị Đào Thanh Huyền?

    rất cám ơn, quyển "Vie et Destin" thì em có rồi, thế thì chị cho mượn quyển còn lại nhé, merci mille fois

    ReplyDelete
  14. Sẵn sàng! Làm thế nào mà chuyển sách cho bạn được nhỉ?
    Thân
    Huyền

    ReplyDelete
  15. nếu tiện thì chị cứ gửi lại ai đó quen em ở L'Espace đi, cứ khoảng 10 ngày hai tuần em lại qua thư viện ở đó ấy mà, gửi ở chỗ thủ thư cũng được, merci

    ReplyDelete
  16. Minh se gui o phong cua Nhung (audio-visuel) tren tang 4 nhe. Thu Hai tuan toi minh se qua do.
    Huyen

    ReplyDelete
  17. Bác Quốc Bảo đọc bài này chửa
    http://www.gio-o.com/LeThiHueThoMaiThao.htm
    Bolsa girl rất nhớ bác Mai Thảo

    ReplyDelete
  18. Cám ơn bạn Anonymous, tôi có đọc rồi ạ, dù rằng trang Gió O không phải thứ tôi thích. Luôn luôn trân quý anh Mai Thảo.

    ReplyDelete
  19. Bác Nhất Nương và bác QB đừng nổ ra tranh cãi về Mai Thảo nhé :)

    Có thời bác Nhất Nương cũng hợp tác với Thời Tập của VL à?

    ReplyDelete
  20. oh oh, tôi không phải là bà chằng Nhất Nương :)
    Bà chằng này từng nói với ông Mai Thảo là nữ ca sĩ chán thấy mẹ, không thể nào hấp dẫn bằng nữ văn sĩ, tui có nghe đàng hoàng. Bác Mai Thảo thì rất yêu nữ ca sĩ và rất ư là sợ nữ văn sĩ

    Bolsa girl, ca sĩ

    ReplyDelete
  21. thôi chết tôi rồi :d cú nhầm lẫn này rất dễ dẫn tôi lên ngồi thẳng trên trang Ảo ngôn; bị vài lần rồi hic

    ReplyDelete
  22. Cảm ơn dịch giả CVD đã đưa ra bản dịch này.

    Với ai không biết tiếng Anh thì bản dịch này ổn. Còn tôi, tôi đã đối chiếu bản tiếng Anh với bản dịch này thì thấy có nhiều chỗ người dịch không chuyển tài được ý nghĩa trong văn bản tiếng Anh. Thú thức nhiều câu người dịch vẫn bê nguyên cấu trúc danh hóa của tiếng Anh sang nên lời hơi sượng.

    ReplyDelete