Jul 10, 2010

Thư viện. Cơ thể. Cái chết

Tôi có khuynh hướng thích đọc nhiều của những ai từng viết hay về thư viện. Trong số những người viết đặc biệt hay về thư viện, có hai người thuộc vào hàng cao nhất trong bảng xếp hạng của cá nhân tôi.

Thứ nhất là Walter Benjamin, cái câu mà tôi cũng đã nhiều lần nhắc tới (thì phải), câu Benjamin nói Paris giống như một thư viện có dòng sông chảy cắt ngang. Cầu (passerelle) Simone de Beauvoir mà tôi nói tới hôm trước chính là cây cầu nối thẳng vào Thư viện Quốc gia (mới), François Mitterand (chứ không phải Richelieu như trước kia), và phòng đọc ở dưới hầm dành cho dân nghiên cứu, nơi tôi chôn thân suốt mấy mùa mưa (hehe) còn ở dưới mực nước sông Seine. Mỗi lần lên khỏi đó lúc chập choạng tối là lại thấy như mình đội mồ sống dậy, con vampire khát máu đang bay đi tìm nạn nhân mới cho bữa đêm :p

Người còn lại là Michel Foucault, người từng nói về thư viện ở New York, đại ý đây là nơi có tất tật mọi người đã chết trên đời, và cái chốn này lại nằm ở giữa nơi có tất tật người còn đang sống trên đời.

Nhu cầu lớn nhất của tôi hiện nay (thật ra mình nhiều nhu cầu lắm nhưng thôi cứ nói thế cho nó khiêm tốn :d) là tìm lại được những gì đã viết về các thư viện từng lê chân qua, í lộn, lê mông qua.

Mối quan hệ giữa chúng ta và thư viện là mối quan hệ của cơ thể. Ngoài mông có một độ tiếp xúc cực kỳ trực tiếp và thân ái, hai cùi chỏ cũng sẽ dày lên sau vài tháng ở lì trong đó làm “con chuột của thư viện”. Cùng với rất nhiều biểu bì và sợi vải chết đi nằm lại vương vất trên ghế trên bàn thư viện, là sự chết đi dần mòn của cái nhìn (le regard, khái niệm gây bối rối cùng cực cho dịch giả người Mỹ của Foucault, sau đó đã dùng từ gaze để dịch nhưng tất nhiên không thể nói là đã thành công tuyệt đối; tiếng Pháp và tiếng Anh có độ chênh đặc biệt lớn ở những gì liên quan tới cơ thể - tôi rất ghét dùng từ “thân xác”, nhất là “xác thân”, sến đặc), và của triệu triệu nơ ron thần kinh. Trí nhớ có thể được bồi bổ nhưng tổn thất về sức lực và trí tuệ ở tầm vóc vật chất là cực lớn hic.

Rất nhiều cái theo folklore của dân chúng thuộc về thế giới tinh thần thực chất lại thuộc về thế giới vật chất, thế giới của cơ thể. Mà đừng có lo, nhầm lẫn là diễm phúc của con người :d

Một người viết về thư viện hay như Foucault khi cơ thể chết đi (Foucault là người đồng tính và chết vì Sida vào năm 1984, như nhiều bác chắc đã biết rõ) thì ra sao?

Năm cuối đời, một trong những cái đọc cuối cùng của Foucault là Nhật ký của Kafka. Đây cũng là quãng thời gian, trong một lần trả lời phỏng vấn (bài phỏng vấn Foucault nhận trả lời khi đã rất yếu chỉ vì người phỏng vấn là học trò của Gilles Deleuze; một cử chỉ tình bạn của Foucault, mặc dù với Deleuze từ nhiều năm Foucault đã không còn thân thiết như hồi hai người tandem phụ trách ấn bản Toàn tập phiên bản tiếng Pháp của Nietzsche hay khi Deleuze xuất bản AntiOedipe rồi nói với Foucault là mình xử lý xong Freud rồi nhá, cậu xơi nốt lão Marx đi - mà, quay trở lại một chút :d, xếp Deleuze vào danh hiệu “triết gia mới” thì thật là oan cho ông ấy quá chừng, vì năm 1977, Deleuze thậm chí còn có một cuộc tranh cãi tưng bừng với các triết gia mới, trong khi Foucault lại có một position ngược lại, viết préface cho sách của André Glucksmann và rất thân thiết với Glucksmann; chán thế, nhỉ) lần đầu tiên trong đời Foucault công nhận sự ảnh hưởng của Heidegger lên suy tư của mình.

Trước đó vài năm, Hervé Guibert (bạn Marcus sẽ nói được ngay đây là ai, for sure) đã gặp Foucault và có cảm hứng rất lớn trong các dự án nghệ thuật của mình. Nhưng đây mới là phát biểu gắn chặt nhất với cái chết mà Foucault có mấy năm trước khi chết, dịp nhắc tới một người vừa qua đời: Foucault nói tới “trò chơi của cái biết và sự im lặng mà người bệnh chấp nhận ngõ hầu tiếp tục làm chủ được mối quan hệ bí mật với cái chết của chính mình”. Quả thực, trong thời gian lâm bệnh trước khi qua đời, Foucault đã từ chối nghe các chẩn đoán, và nhiều lần người ta nghe Foucault nói: “quá muộn rồi” hoặc “không còn đủ thời gian rồi”, với một ý thức đầy đủ về kết cục gần kề. Kết cục của cơ thể.

+ Lâu lắm mới nghe Nirvana. À, nếu các bác không có gì để nghe, thì nghe Nirvana nhé :)

What else should I be?
All apologies
What else should I say?
Everyone is gay

Cái từ “gay” này… gay thật, nhỉ?

Hôm trước Giovanni Sollima, cellist, biểu diễn ở Hà Nội (Sollima là đây, thưa các bác). Khó tưởng tượng nổi là lại có một tiếng đàn sensual đến thế; khi Sollima kéo “Polly” của Nirvana, có thể hình dung được rõ giọng của Kurt đang oằn oại thế nào mới ghê. Với cả hình dung được nhiều thứ khác nữa lắm í.

13 comments:

  1. Chữ "le regard" nghĩa nó thâm thúy tới nhường như thế nào vậy bác Nhị Linh? Cháu không hiểu rõ lắm.

    ReplyDelete
  2. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  3. Mỗi lần lên khỏi đó lúc chập choạng tối là lại thấy như mình đội mồ sống dậy, con vampire khát máu đang bay đi tìm nạn nhân mới cho bữa đêm... khiếp thật, độ này lai láng nhể: nhớ chép vào "Red Notebooks" làm chất liệu cho Trilogy, Quadrilogy

    bác "Mandarin of the Hour" đi một chuyến San Francisco rất "gay", về Paris thì SIDA. người ta dặn là đàn ông mỗi khi ghé phố SF, dù có thấy tiền dưới đất cũng đừng lom khom cúi xuống mà lượm

    Rất nhiều cái theo folklore của dân chúng thuộc về thế giới tinh thần thực chất lại thuộc về thế giới vật chất, thế giới của cơ thể: rất khoái! các cụ triết gia cũng nhị nguyên quá mạng, bàn luận đủ kiểu, chẳng cứ giới bình dân học vụ mới "nhầm lẫn" đâu í

    cơ thể: đề tài lớn. cái chết: lớn nữa. cơ thể cùng với cái chết: càng lớn nữa. thư viện: annex của mấy giá sách của tôi :)))

    phải chi bác viết một bài riêng về buổi hòa nhạc [nsc]

    ReplyDelete
  4. từ "regard" chỉ có dân vỉa hè Hà Nội mới dịch chuẩn: "nhìn đểu" :d

    bác nsc nói thế chắc cũng dân "cài hoa lên tóc" ạ hehe

    buổi hòa nhạc Sollima thì quá lạc hậu rồi bác ơi, để comment tiếp đây tôi nói tại sao :p nhưng trước đó: trong thưởng thức nghệ thuật nhé, có nhiều cái rất hay:

    câu này là của Paul Valéry: tại sao người ta không thể nghe cùng một lúc mấy bản giao hưởng, thế mà lại có thể đi xem cả một triển lãm hay gallery tranh?

    Foucault, khi sang Budapest cùng mấy người nữa, đã từ chối thực hiện cái visite "rituelle" tới chỗ Lukács để đi xem tranh (cái này thì hao hao việc đến Hà Nội mà không tới thăm... ờ... Bảo Ninh thì coi như là chưa tới Hà Nội í :d)

    ReplyDelete
  5. Sollima đã lạc hậu, là bởi vì tối nay tôi vừa đi xem cello tiếp, lần này thì một lúc 12 cellist của Berlin Philharmonic, bác nghe thì biết rồi đấy :d thông tin về nhóm này rất dễ tìm trên mạng

    đúng là trùng trùng duyên khởi, sống là trò trùng sinh, viết là trò trùng ngôn, cơ thể là trò trùng thể :d (câu này là của tôi đấy nhé, đã từng viết một lần rồi, đóng dấu copyright ngay hehe): vừa nói tới "sous le pont de Bercy" hôm trước thì một nửa nhạc mục tối nay mang tên "Fleur de Paris", từ "Sous le ciel de Paris", "La vie en rose" cho tới "Mais que nada" (que rien, que dalle :d), thiếu mỗi chị Dalida "les mots bleus, les mots qu'on parle avec les yeux" với bác Charles Trenet "Que reste-il de nos amours" là coi như đủ Nostalgia Anthology of Paris Chansons F. :d

    ngoài việc có một chú cellist mặt giống như một con ỉn ngu như chấy làm đổ đàn hai lần như một thằng dở hơi thì dàn nhạc này rất oách

    bản đầu tiên mở đầu, trích đoạn của "L'Art de Fugue" của Bach, các bác cần phải nhớ đến scène trong nhà thờ ở cuối "Những kẻ thiện tâm", không thể quên được phải không ạ :p

    ReplyDelete
  6. đây này, vừa nói đến thư viện thì bên bác PA25 đã có ngay một entry rất tỉ mỉ về hệ thống lưu giữ tác phẩm, bản thảo của giới trí thức Pháp, liên quan tới IMEC là một trung tâm lưu trữ rất tiên tiến (của các nhà xuất bản):

    http://passouline.blog.lemonde.fr/2010/07/10/roland-barthes-fait-ses-cartons/#xtor=RSS-32280322

    ReplyDelete
  7. Công nhận bạn Nhị viết văn hay lắm đấy, không phải đùa. Đoạn bạn hồi tưởng "đội mồ sống dậy..." nghe hay làm sao... Ai nói nhà phê bình này không viết văn hay nhỉ?

    ReplyDelete
  8. Còn ai nữa? Là tôi chứ ai. Câu hỏi tu từ đấy. Thật ra là tôi chưa bao giờ nói, mà là tôi nghĩ vậy. Só-ry... ;-p
    Có lẽ vì tôi đọc blog cuả bác mà chưa đọc các kỳ thư của bác chăng. Tám mươi quyển lận, phải không? Bác có thể vui lòng nhờ Amazon chuyển qua cho tôi được không? Zất cám ưn.

    ReplyDelete
  9. mặc dù bác nói năng cực mù mịt, cũng phải công nhận là bác hiểu rất đúng câu hỏi tu từ nghĩa là gì: theo định nghĩa của Cao Xuân Hạo, câu hỏi tu từ nghĩa là thực chất phải bỏ dấu hỏi đi thay bằng chấm than mới đúng hàm nghĩa của nó

    hoan hô bác :d

    lúc nào phải đi vào vấn đề tu từ học (rhetorics) nhể, quả này mới là trầm trọng trong các nhà nghiên cứu phê bình văn học và ngôn ngữ học Việt Nam này

    ReplyDelete
  10. Nói về thư viện, hiện nay VN bảo quản sách như thế nào, bác Nhị?

    ReplyDelete
  11. Các thư viện lớn nhỏ gì bây giờ người ta cũng tìm cách cho sách vào e-tàngkinhcác hết, có database cực tốt, server thì đem cất ở một nơi riêng để an toàn. Special collection thì chỉ được vào phòng đó coi, chứ không mượn đem về được. Thư viện cưng bạn đọc dữ lắm, bởi họ không vào ra, mượn sách, thì ngân khoản nhà nước cấp cho thư viện có nguy cơ bị cắt giảm, bớt người làm :-p
    Việc bạn Nhị scan các sách báo cũ trong khi ngâm kíu là tốt, vì trước sau gì nó cũng hư hoại.

    Ở VN, có một thư viện nằm trên một dốc cao bên cạnh một dòng sông, đó là một toà building kiểu Pháp còn lại, nơi những tàng cây cổ thụ toả bóng, nơi ngồi trên ghế đá tôi có thể nhìn thấy cả ngọn núi và sông dưới kia...Nơi những linh hồn lẫn tránh cái nghèo cuả áo cơm để tìm vui trong sự giàu có cuả sách vở một thuở nào... đã không còn. Khi nghe tin nó bị chính quyền cho đi chỗ khác chơi, biến khu đó thành khách sạn. Tôi đã khóc.

    ReplyDelete