Jul 20, 2010

Tình hình

Trả lời câu hỏi của nhà báo: dịch thuật văn học Việt Nam hiện nay như thế nào.

Nếu xét dịch thuật văn học theo các tiêu chí mức độ đa dạng, chất lượng, sự tham gia tích cực của giới trẻ thì tôi cho rằng chưa bao giờ dịch thuật văn học tại Việt Nam được như hiện nay. Từ cuối thập niên 1950 cho tới cuối thập niên 1980 dịch thuật của miền Bắc sống trong vòng bao cấp như mọi thứ của xã hội, thành phần tư nhân hoàn toàn bị gạt ra khỏi ngành xuất bản kể từ sau vụ án Nhân văn-Giai phẩm. Quãng thời gian ấy độ đa dạng dĩ nhiên là kém, chất lượng cũng không thực sự cao như người ta vẫn hay nói; các bản dịch do nhà xuất bản Cầu Vồng hay Tiến Bộ chỉ toàn bích, lung linh trong vẻ đẹp của sự hoài niệm, giờ đây đọc lại ta có thể thấy những cuốn sách hồi ấy cũng rất nhiều lỗi dịch và lỗi in ấn, ngay cả ở sách cho trẻ em. Dịch thuật của Sài Gòn chỉ bắt đầu thực sự đa dạng vào những năm ngay trước biến cố 30/4/1975, khi mà số lượng sách dịch hằng năm bỗng tăng đột biến, vả lại cũng phải nói rằng hồi ấy lựa chọn về dịch sách của giới dịch giả Sài Gòn cũng mang nhiều yếu tố chính trị, hiểu theo nghĩa có một sự xung đột ngầm giữa ý chí của chế độ trong việc truyền bá văn hóa Mỹ (có cả ủy ban dịch thuật để ấn hành chẳng hạn tác phẩm của nhà văn cổ điển Herman Melville) và sự phản kháng của các cá nhân, không ưa văn hóa Mỹ mà tập trung nhiều vào văn hóa Pháp cũng như các tác phẩm nói không tốt về chế độ cộng sản; thực tế là phần lớn tác phẩm nước ngoài hồi ấy ở Sài Gòn được dịch qua tiếng Pháp, đặc biệt là tác phẩm văn học Nga.

Theo tôi, chúng ta đã phải trả một cái giá không nhỏ cho chế độ bao cấp xuất bản, bằng quãng hai mươi năm sau khi bắt đầu có sự “nới lỏng tương đối” cho tư nhân tham gia trở lại vào quá trình tổ chức bản thảo, in ấn, phát hành (tức là cuối những năm 1980). Sự đa dạng tăng lên đáng kể với rất nhiều Sydney Sheldon và Agatha Christie, một không khí dịch thuật mềm mại hơn chứ không còn căng cứng với toàn là Liên Xô và “các nhà văn có cảm tình với chúng ta”, nhưng chất lượng dịch thì vô cùng đáng bàn với vô số bản dịch không chính xác và bị cắt xén tùy ý, chất lượng in ấn thì nhìn chung là rất tồi tệ. Cho đến gần đây tôi tin là tình hình đã được cải thiện rất nhiều; việc tham gia Công ước Berne cũng là một yếu tố quan trọng.

Tôi không nói được nhiều về tình hình dịch thuật văn học Việt Nam ra tiếng nước ngoài vì lĩnh vực này không nằm trong mối quan tâm của tôi, nhưng tôi kiên trì tin rằng Nhà nước hay các hội đoàn không thể có vai trò quan trọng ở đây, thậm chí còn có thể gây hại là khác. “Đơn vị chuẩn” của xuất bản là nhà xuất bản và các cá nhân dịch giả, chỉ hai thành tố này mới quyết định được sự phát triển của dịch thuật và giao lưu văn hóa. Điều tốt nhất mà các thiết chế có thể làm là hỗ trợ tạo ra một môi trường cởi mở.

------------

+ Cũng như mọi lần trả lời phỏng vấn, tôi trông chờ vào một cơ hội suy nghĩ theo một hoặc một số câu hỏi nhiều hơn là trông chờ ý kiến của mình được đăng lên báo.

+ Các bạn nhà báo có thể tin là cứ hỏi tôi về vấn đề xuất bản, dịch thuật, nếu không từ chối trả lời thì tôi sẽ chỉ nói đến hai điều, hai cái mà tôi chiến đấu từ lâu nay để ủng hộ: tư nhân hóa xuất bản và luật một giá trong lưu thông sách. Ngay cả khi tôi biết sẽ không có xuất bản tư nhân ít nhất là trong cả chục năm sắp tới, thì đó vẫn là một mục đích. Luật một giá mang lại sự công bằng cho toàn hệ thống phân phối, cùng lúc loại bỏ sự cạnh tranh về giá là một hình thức cạnh tranh man rợ; nó cũng tạo ra và duy trì được tính chất đa dạng, mức độ hiện diện của sách. Kiểm duyệt cũng là một vấn đề kinh điển, nhưng với tôi nó không quan trọng bằng hai vấn đề kia, ở thời điểm hiện tại; giải quyết tốt hai cái đó thì mới giải quyết được một cách toàn diện ngành xuất bản Việt Nam. Vả lại người ta thường chỉ kể kinh nghiệm đối đầu với kiểm duyệt trong hồi ký :d

+ Một ví dụ về sức sáng tạo của xuất bản tư nhân:

http://bartlebylesyeuxouverts.blogspot.com/

Các nhóm (thường rất trẻ) cần phải có ấn phẩm riêng của mình để tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm về ý tưởng cũng như cách tiến hành của mình. Cái blog này và các ấn phẩm liên quan tôi cũng không nhớ rõ cụ thể là của ai, nhưng chắc hẳn là xoay quanh dịch giả người Pháp Claro, người dịch vài chục tác phẩm văn học, bản dịch gần đây tôi có là Le Tunnel của Gass.

58 comments:

  1. cạnh tranh về giá là cạnh tranh man rợ là sao vậy anh?

    ReplyDelete
  2. dễ hiểu lắm: trên bìa sách in giá, nhưng ở VN phần lớn người ta không mua theo giá đó, vì còn tồn tại một giá khác là giá bán sách thực tế

    vì không có luật quy định nên có thể hạ giá bán căn cứ theo mức chiết khấu của nhà xuất bản dành cho nhà phân phối

    một khi sách mua ở Đinh Lễ có giá bằng một nửa sách mua ở nơi khác thì điều tất yếu là người ta mua sách ở Đinh Lễ

    nếu quy định luật một giá (prix unique) cho sách thì mọi cửa hàng sách đều tồn tại được, người mua cũng có thể mua sách ở hiệu sách phố nhà mình chứ không phải đến Đinh Lễ, khi ấy cạnh tranh sẽ xảy ra ở dịch vụ, trang trí cửa hiệu, độ nhạy bén của chủ hiệu sách, chứ không phải giá

    ReplyDelete
  3. em cũng ủng hộ xuất bản tư nhân và một giá, hồi em còn nhỏ, anh trai em vẫn hay nói với bố mẹ em là chỉ mong nhà mình sau này có một tiệm sách (cả làm và bán) :P. Cách đây 10 năm, ước mơ của em lớn hơn của anh em, em muốn xây một cái thư viện hiện đại, lưu trữ thông tin bằng đĩa, máy tính, ổ cứng,... đại khái là số hóa hết cho mọi ng tra cứu thông tin thoải mái. Cách đây 3 năm, em và bf lại mong muốn có 1 NXB tư nhân tự mua tác quyền, tự xuất bản, tự bán, tự tặng sách :-))))
    Nhưng mà ước mơ tóm lại vẫn chỉ là mơ ước :D
    À, vụ một giá này phải sang học Hàn Quốc, cách đây 10 năm em học bên đó, ko chỉ sách mà tất cả mọi mặt hàng đều được in giá trực tiếp lên sản phẩm và giống nhau ở tất cả mọi cửa hàng mọi địa phương trên toàn quốc. In trực tiếp, ko phải dán nhé, nên đừng hòng có chuyện tẩy xóa làm giả các thứ! (Z)

    ReplyDelete
  4. Theo tôi nhớ ấn bản của Cầu Vồng hay Tiến Bộ thực ra chỉ là in lại bản thảo của các nhà xuất bản trong nước thôi, cho nên chất lượng bản dịch của Cầu Vồng hay Tiến Bộ rốt cuộc lại phụ thuộc vào những dịch giả nhất định. Tóm lại, nói kiểu bạn Nhị, nếu bản dịch trong nước “zero lỗi” thì dứt khoát bản Cầu Vồng hay Tiến Bộ cũng sẽ “zero lỗi”. Song chất lượng giấy và kỹ thuật ấn loát thì cao hơn nhiều. Thiển nghĩ, riêng cái “toàn bích, lung linh” đó đã đáng phải “hoài niệm” rồi.

    Các bạn có đồng ý với tôi không? ))))) (thuổng ý bạn anh hiệt)

    ReplyDelete
  5. hic đâu có phải nhỉ, chỉ một số quyển có cả bản trong nước (ví dụ Lao động, Thanh niên) và bản Cầu Vồng/Tiến Bộ, chứ phần lớn chỉ có ấn bản Liên Xô thôi chứ, hình như Vương Trí Nhàn cùng nhiều người khác đã có thời làm biên tập viên cho họ, có vẻ như thậm chí còn ngồi bên Liên Xô cơ mà, anw tôi không chắc lắm nhưng nhớ rất rõ "Tuyết bỏng" của Bondarev viết về trận Stalingrad do Vương Trí Nhàn biên tập, cực kỳ nhiều lỗi :d

    ReplyDelete
  6. luật 1 giá là sao? Tức là các hiệu sách sẽ bị phạt nếu bán giá khác giá quy định? Thế thì có khác gì thời bao cấp?
    Việc chiết khấu nhiều hay ít là do định hướng kinh doanh của cửa hàng, không thể áp dụng luật 1 giá được. Ngay như mua sách ở nước ngoài, các hệ thống bán lẻ sách cũng áp dụng chiết khấu ở các mức khác nhau. Chẳng hạn, mua trên Amazon hầu như bao giờ cũng rẻ hơn mua ở hiệu sách.

    ReplyDelete
  7. hehe nhà kinh tế học mà chả hiểu gì về kinh tế cả, mời bác đi tìm hiểu nhá :ddd

    ReplyDelete
  8. ở nước ngoài, hầu hết các sách đều in giá, nhưng đó là giá đề nghị, chủ yếu có nghĩa là không được bán với giá cao hơn giá in trên bìa.

    mua 1/2/3 tặng 1, đầu hè giảm giá, sau Tết giảm giá, khách hàng quen giảm giá, sách để lâu bán rẻ, "biếu khách một quyển vào ngày sinh nhật" (thích nhể): "luật 1 giá", nhưng nhà buôn tự do tiếp thị và khuyến mãi :))) [nsc]

    ReplyDelete
  9. kinh tế? hiệu sách không phải là nhà kho, hoặc địa điểm phân phối của các nhà xuất bản. hiệu sách là "nhà buôn": quyển sách yêu quý và trang trọng kia là "món hàng" không hơn không kém. chính nhà xuất bản đôi khi cũng hợp tác với các hiệu sách (không nhất thiết là online) để giảm giá 30-50% khi "lăng xê" những sách mới ra lò [nsc]

    ReplyDelete
  10. sách bên em đang sale rẻ vãi ra đây, mà em chưa tìm được cách nào ship về nhà cả, chẳng lẽ lại mang sách từ La Haye qua Paris gửi về Hà Nội??? Bên em thì sách mới ra lò bao giờ cũng rất đắt, phải nhấn mạnh là rất đắt, khoảng 1 tháng sau thì giảm dần và giảm dần. Hôm qua em vò nắn lương tâm mãi khi nhìn giá sách của Auster rơi thê thảm trong khi em đã chót lỡ mua từ lúc mới ra cho cả em và cả NL, huhu (Z)

    ReplyDelete
  11. Tôi thấy nhiều giá cũng được chứ bác. Từng ấy tiền có thể mua được 2 quyển sách ưa thích, còn một giá thì có khi cũng mua được 2 quyển sách nhưng chỉ có 1 quyển ưa thích còn quyển kia lại tặng kèm thì sao. :)

    ReplyDelete
  12. trót chứ không phải chót em ơi :)

    à các bác nếu muốn thì nên tìm hiểu thực chất luật một giá, nó không có nghĩa là một giá vào mọi thời điểm đâu, thêm cả lịch sử áp dụng luật này, và cho tới nay đã có bao nhiêu nước áp dụng

    nếu không có luật một giá kịch bản sau đây (thực tế đã xảy ra ở nhiều nước, kể cả Việt Nam) là khả năng nhìn thấy trước: cả một thành phố chỉ có một/một vài điểm bán sách, lợi thế của những nơi vốn lớn như chuỗi siêu thị chẳng hạn là cực lớn, các hiệu sách nhỏ không thể tồn tại nổi

    nếu không có luật sớm, tôi tin rằng chẳng mấy chống giới kinh doanh sách Việt Nam có đủ tiềm lực kinh tế sẽ còn thực hiện lobby về luật để có lợi cho mình nữa cơ

    ReplyDelete
  13. Chú Nhị lại định dạy các nhà kinh tế về chống bán phá giá phỏng? :) Chị nghĩ là cũng giống như kinh doanh các loại hàng khác thôi, tiểu thương không thể kỳ vọng xơi được các thị phần lớn mà chỉ nhặt nhạnh đồng rơi đồng vãi. Ví dụ ký hợp đồng riêng với 1 số nhà xuất bản nào đấy in giấy xấu, bìa mềm chứ không phải bìa cứng xịn để hạ giá bán xuống. Hoặc là quảng cáo chuyển sách đến tận tay người mua không tính tiền công vận chuyển, hoặc tập trung vào thị trưởng ở các tỉnh, tránh thành phố lớn để khỏi phải cạnh tranh với các nhà sách lớn.

    Dĩ nhiên nước mình mức sống thấp, kinh doanh sách khó khăn hơn. Nhưng không nhất thiết phải ra luật 1 giá đâu.

    ReplyDelete
  14. Lobby giá sách cũng chưa nguy hại bằng bao nhiêu thứ khác độc quyền, kiểu như điện, than, viễn thông, Internet, hàng không, dịch vụ hành chính.

    Dù sao sách cũng in lậu, phôtô copy được. Đẩy giá lên cao quá, dân tình không chịu nổi sẽ đi photocopy hết. Thậm chí photo xong scan lên mạng cho bà con đọc miễn phí thì các nhà sách lại chả khóc thét

    ReplyDelete
  15. haha chị cũng chả hiểu gì, bán phá giá nào? chị quên mất tham số giá bìa à?

    à em cũng xuất thân từ kinh tế thì phải, nhớ láng máng thế :d

    ReplyDelete
  16. Cái mà Nhị Linh nói thuộc về "lý thuyết chống độc quyền và phá giá". Luật 1 giá chỉ là 1 biện pháp trong lý thuyết đấy thôi. Giá bìa không có ý nghĩa gì mấy, chỉ tham khảo thôi, bởi vì đấy là giá trần chứ không phải giá sàn.

    Cứ thích cãi đài phỏng??? :-)

    ReplyDelete
  17. hehehe không phải là không phải

    luật một giá không phải nhằm để tăng giá, mà mục đích chính là hình thành giá hợp lý ngay từ đầu

    có luật một giá thì mới thuận lợi để tạo các thị trường thứ cấp cho sách bìa mềm, sách bỏ túi, và nếu người mua thấy đắt thì chờ đến lúc giảm giá theo kỳ, hoặc mua sách cũ, ở hiệu sách Gibert chẳng hạn, dân mua sách bao giờ chẳng lao ngay vào sách gáy dán băng đỏ, đen hoặc vàng trước khi sờ tới sách mới coong

    chống độc quyền thì giải pháp tư nhân hóa không phải là tốt nhất ạ? cả hai biện pháp cùng một lúc thì mới tốt được

    với cả vấn đề này í còn liên quan đến tỉ lệ phần trăm trong giá thành: các tác nhân chính của xuất bản: nhà xuất bản, nhà phân phối, thuế, tác giả, thì theo thông lệ thế giới nhà phân phối được hưởng tới 45-50% giá bìa, người được phần trăm thấp nhất chính là nhà xuất bản đấy

    ReplyDelete
  18. giá bìa chỉ có một mức độ áp đặt trong một thời gian phù hợp nhằm giúp các tác nhân thu hồi chi phí bỏ ra: hardback chỉ tồn tại một thời gian, nếu sách bán chạy chắc chắn sẽ có paperback

    nhiều nhà xuất bản còn áp dụng chính sách xa xỉ, giống như đường cong gì đó í nhỉ em quên mất tên rồi, kiểu như là giá càng cao thì người ta lại càng mua í, hớt váng hay hớt bùn là lựa chọn của từng nơi thôi, căn bản là phải có luật điều chỉnh

    ReplyDelete
  19. Bạn Nhị viết: "...hai cái mà tôi chiến đấu từ lâu nay để ủng hộ: tư nhân hóa xuất bản và luật một giá trong lưu thông sách. Ngay cả khi tôi biết sẽ không có xuất bản tư nhân ít nhất là trong cả chục năm sắp tới, thì đó vẫn là một mục đích... Kiểm duyệt cũng là một vấn đề kinh điển, nhưng với tôi nó không quan trọng bằng hai vấn đề kia, ở thời điểm hiện tại; giải quyết tốt hai cái đó thì mới giải quyết được một cách toàn diện ngành xuất bản Việt Nam."

    - Không phải là trong nước đang có các nhà xuất bản tư nhân hay sao Nhị? Hay chỉ là cổ phần nhà nước và tư nhân? Tôi nghe người ta khen Nhã Nam lắm, nhưng sao Istanbul chỉ in có 2.000 cuốn, ít vậy?

    - Nhị không nói rõ cụ thể cái "1giá" mà bạn muốn, nó phải như thế nào? Thay vì lo chống giới kinh doanh sách Việt Nam có đủ tiềm lực kinh tế sẽ còn thực hiện lobby về luật để có lợi cho mình", sao nhà xuất bản không tự tìm ra một cách để bán sách với số lượng và có lợi nhuận cao nhất? Áp lực cuả các "chuỗi siêu thị" rất lớn, trong mọi ngành đâu chỉ ngành xuất bản, phát hành, Nhị không thể thắng nó bằng "luật" được đâu. Nhưng, các tiệm sách nhỏ ở đây cũng có cách chung sống hoà bình được với nó, bằng nhiều cách thức: có special collection, tạo không gian thư viện, quán café thanh lịch, giữ mối liên hệ tốt với khách hàng bằng thư, giấy mời, coupon giảm giá, tổ chức thuyết trình cho tác giả, etc... Amazon là một con bạch tuột trăm vòi, có gì mua nấy, ai bán cũng mua, giá nào cũng có brand new, used, foreign language, là nhà xuất bản, phát hành, kho chứa, blah... Bạn hãy thử liên hệ, làm tác giả Việt Nam Self-published với họ xem sao, biết đâu càng thích. Hay nhà nước không cho phép? Quản lý đời nhau mãi làm gì, nhể?

    ReplyDelete
  20. Việt Nam không có xuất bản tư nhân

    2.000 bản in cho mỗi đầu sách đang là một "mức chuẩn" đấy, dù thế nào thì cũng đã là tăng được gấp đôi so với quãng 10 năm trước đây, nghe bitter nhỉ

    cái luật một giá nó cực kỳ đơn giản, chả có gì phức tạp đâu, các bác tự tìm hiểu đi, nó là luật ở rất nhiều nước rồi, tôi buồn ngủ lắm :d

    ReplyDelete
  21. Bạn Nhị có thể post một entry về những quyển sách do bạn viết và dịch, kèm theo một chút overview về nó vào blog này cho bà con thưởng thức chút được không? Cảm ơn.

    ReplyDelete
  22. what for? bác muốn profile khoa học của tôi à? bác định mời tôi làm giáo sư thỉnh giảng ở trường nào thì gửi giấy mời chính thức nhá :p

    ReplyDelete
  23. Phải coi ông giáo sư và cái profile cuả ổng ra làm sao trước, rồi mới có giấy mời chứ nhể ;-p
    Nói chứ, trên website cuả các nhà sách chỉ thấy một ít sách dịch cuả bạn Nhị, nên muốn coi toàn bộ nó như thế nào.

    ReplyDelete
  24. Trước 1975, sách văn chương và sách giáo khoa được các chương trình viện trợ cũng như các hội từ thiện Mỹ chuyển sang, rồi được phân phối về các trường, một số bị "chôm" và đem bán chợ đen (thở dài). Dạo ấy, tôi được đọc khá nhiều ở trường. Thỉnh thoảng, đạp xe đến thư viện Hội Việt Mỹ và thư viện Trung tâm văn hóa Pháp: tha hồ đọc sách ngoại ngữ. [nsc]

    ReplyDelete
  25. Ở Mỹ và Canada, giá bìa là giá đề nghị, không được bán với giá cao hơn, nhưng trong hầu hết mọi trường hợp, các phương cách khuyến mãi giúp người tiêu thụ mua sách với giá rẻ hơn giá bìa, ít nhiều còn tùy.

    Yếu tố chìa khóa ở đây là "volume", số lượng đặt hàng. Từ nhà xuất bản cho đến người tiêu thụ có thêm ít ra là hai chặng: nhà phân phối và hiệu sách. Nếu giá bìa là 10 đồng thì hiệu sách, tùy theo trường hợp, phải trả giá vốn từ 3 đến 8 đồng, nhưng điểm quan trọng là giá bìa bảo đảm mọi hiệu sách đều có lời, nhiều ít còn tùy. Khi một hiệu sách có số thương vụ cao và có nhiều cửa hiệu (thí dụ: Barnes & Noble ở Mỹ, Chapters ở Canada), họ đặt hàng mỗi lúc 10 nghìn quyển hoặc nhiều hơn, cho nên giá vốn của họ rất thấp và họ được 2 khả năng: một là ăn lời nhiều, hai là hạ giá xuống để câu khách hàng (một cách hợp pháp). Còn các hiệu sách nhỏ thì phải trả giá vốn cao hơn, vì họ đặt hàng mỗi lần vài copies mà thôi, cùng lắm 20 copies nếu là bestseller. Tôi cũng xin nói thêm là có hai chế độ đặt hàng: một là trả tiền ngay, hai là trả tiền sau khi đã bán sách. Chế độ thứ nhất hàm nghĩa giá vốn thấp hơn, nhưng phải tự bán "xon" nếu sách không chạy, còn chế độ thứ hai hàm nghĩa giá vốn cáo hơn, nhưng được quyền gửi trả sách về nếu sau một thời gian quy định mà không ai mua.

    Những sách trả về lại được lưu hành trong một trị trường hoàn toàn khác: thị trường sách cũ. Ban đầu, tôi cứ thắc mắc là sao họ sống được, sau mới hiểu ra là họ biết sách nào đáng mua, và họ mua với giá rẻ mạt, rồi ngồi chờ thời để bán với giá... rất "đặc biệt". :D

    Amazon thì khỏi nói. Volume của họ rất cao, cộng thêm chế độ "đặt trước" của đám đông khách hàng trung thành, nên họ làm chủ tình hình thương lượng. Thêm vào đó, họ không có "overhead" (chi phí phụ trội) về cửa tiệm, điện đèn, sở hụi, nhân viên điều hành và người bán hàng đủ loại... Nói một cách dí dỏm, Amazon (và, trong một chừng mực nào đó, Vinabook ở Việt Nam) là một website đứng trược một warehouse khổng lồ. Cho nên, giá sách ở Amazon rẻ, trung bình là 30% off đều đều - và họ vẫn lời, vì giá vốn của họ là 60% off dễ dàng.

    Chủ trương của riêng tôi là thường lui tới một số hiệu sách nhỏ ở khu vực tôi sinh sống, vì tôi đã quen chủ nhân của các hiệu sách ấy và tôi cũng muốn đóng góp phần nào vào kinh tế địa phương.

    Các nhà sách có tôn trọng giá bìa không? Có. Nhưng đồng thời không ai cấm họ có những chế độ khuyến mãi linh động trong một thị trường tự do. Điều ngộ nghĩnh là "business logic" ở đây có vẻ đi ngược lại điều bác NL muốn nói: trong lúc một quyển sách mới đang thịnh hành, giá của nó thường thấp hơn giá bìa; vài năm sau, ai tìm mua nó thì phải trả đúng giá bìa; và nhiều năm sau nữa, nếu đó là sách quý, hiếm, và chưa được tái bản, người tìm mua nó phải trả giá rất cao! C'est la vie, and it's fun. Tôi đã mua đủ loại sách với đủ loại giá, nhưng tôi có thể cam đoan là tôi chưa bao giờ trả đúng giá bìa: phần lớn là thấp hơn, và đôi khi cao hơn nhiều (nhưng vẫn cười).

    Còn việc hardcover và paperback là hoàn toàn khác: hai loại có hai đối tượng khác nhau, và không vì paperback mà hardcover bớt "nóng".

    Ý kiến của NL có giá trị tổng quát, nhưng khi thị trường hoạt động thì có nhiều yếu tố linh động khác, không rõ "bắt buộc" có nghĩa thực tế như thế nào. :) [nsc]

    ReplyDelete
  26. Tôi không biết cái một giá bác NL nói nó ưu việt thế nào. Chứ bây giờ một cuốn sách có giá bìa 100k, tôi ra Đinh Lễ mua với giá 75k. Nếu sau khi có luật một giá tôi phải mua sách với giá trên 75k (bất kể giá bìa là bao nhiêu), thì tôi cho luật đó là man rợ.

    ReplyDelete
  27. các bác xem danh sách các nước có và không áp dụng luật một giá ở đây:

    http://fr.wikipedia.org/wiki/Prix_unique_du_livre

    Mỹ và Canada không áp dụng

    luật một giá là một chính sách tương đối mới: các bác để ý là chỉ riêng việc xuất hiện đạo luật này đã hàm nghĩa công nhận vị thế của nhà xuất bản trong xã hội, nó được quan niệm như là việc kiểm soát về giá theo chiều dọc xuất phát từ nhà xuất bản, có thể là luật hoặc cái gọi là "accord de cartel" nhưng được luật chính thức công nhận

    tiếng Pháp là prix unique, trong tiếng Anh có hai thuật ngữ: Net Book Price Agreement và thông dụng hơn là Fixed Book Price

    hai thời điểm quan trọng của luật này trên thế giới là năm 1981 khi Pháp áp dụng (gọi là Loi Lang: luật Jack Lang, vâng, anh diễn viên í :d) và 1995, khi các nước anglo-saxon bắt đầu chuyển theo hướng này

    luật có mục đích lớn nhất là tạo sự công bằng chung (and justice for all) chứ không phải vì 25.000 đồng mà bác tiết kiệm được mà làm ruin cả một hệ thống hiệu sách

    FNAC cũng giảm 5% giá bìa cho sách mới xuất bản; chi tiết luật có thể căn cứ vào tình hình ngành xuất bản đặc thù từng nước chứ, ạ

    ReplyDelete
  28. ở Việt Nam cách đây vài năm người ta cũng đã nghĩ đến chuyện cải cách luật xuất bản (nhưng không có tư nhân, cái đó là chắc chắn, ý tôi là sẽ không có nhà xuất bản tư nhân, báo chí tư nhân cho đến ít nhất 10 năm nữa) và Quốc hội là lập một ủy ban để đi điều tra, lấy ý kiến, đứng đầu là Nguyễn Minh Thuyết hay Dương Trung Quốc

    tôi không tin là thế hệ các nhà làm chính sách hiện thời của Việt Nam có thể nhìn ra vấn đề, nhưng sẽ có một thế hệ khác :dd

    ReplyDelete
  29. à mà các bác biết tại sao với sách người ta lại nghĩ ra luật này không? có thể coi sách là một hàng hóa, nhưng nó không phải một thứ hàng hóa tiêu dùng bình thường, mà là một thứ hàng hóa đặc biệt có vòng đời tồn tại cực kỳ dài (dĩ nhiên trong trường hợp các bác đừng nhúng xuống nước hehe)

    ReplyDelete
  30. tôi không cho là mình "đặc biệt" gì, nhưng khi tôi mua sách và bà y tá hàng xóm của tôi mua sách, cả hai đều mở ví ra và trả tiền để mua "món hàng". tôi mua về chất đầy nhà, bà ấy đem ra hồ bơi (dĩ nhiên là nhiều nước) nằm đọc, dự nhóm thảo luận sách vài lần, xong vứt thùng rác. cả hai "cách" có khả năng như nhau, và giá trị ngang nhau. cho nên, dù rất quý sách mới và cũ, tôi không muốn đem cái nhìn "lãng mạn" của tôi về sách mà áp đặt lên tất cả.

    sách có vòng đời tồn tại cực kỳ dài? yes and no. no, khi nhiều hạng người chủ trương đốt sách. yes, tôi đã nói về sách cũ vài lần. trong văn chương, những hình thức "đề cập" làm cho mạng sống của một số tác phẩm càng lúc càng dài thêm ra.

    nhúng nước à? thư viện đại học tôi có lần bị "dột", ướt rất nhiều sách quý: họ dùng phương pháp "freezing" để cứu từng quyển một, không thua gì bác sĩ cứu người. chuyện này thì bọn đốt sách không đời nào hiểu, vì óc chúng bằng cái đầu tăm và không có nếp nhăn. :)) [nsc]

    ReplyDelete
  31. bác mua "Cuốn sách và tôi" di cảo Vương Hồng Sển chưa? có lẽ đây là cuốn sách đầu tiên chính thức nói đến vụ đốt sách đấy

    có lần tôi còn cho sách vào tủ lạnh cơ :dd

    ReplyDelete
  32. "Cuốn sách và tôi" mua rồi.

    Mỹ, Canada, Anh, Úc, Ái Nhĩ Lan, Bỉ, Thụy Sĩ, Thụy Điển: không thi hành "luật một giá". toàn là xứ "ngon" cả, văn minh có thừa, hehe. à, khá nhiều sách tiếng Pháp là từ các nxb Bỉ, đặc biệt là BD truyện tranh, món sở trường của tôi, hơn cả triết và văn chương! :)

    cái bảng liệt kê Nhật trong số những nước thi hành luật này. tôi sang Nhật thì không trải nghiệm điều ấy: họ khuyến mãi tích cực, bớt giá, tặng sách, bọc sách... [nsc]

    ReplyDelete
  33. giảm giá ở một mức độ nào đó không đi ngược lại tinh thần của prix unique mà bác

    Bỉ có ngành xuất bản phát triển xuất phát từ việc in lậu sách của Pháp, bác không biết với người Pháp, người Bỉ là các pirate chân chính à :d

    ReplyDelete
  34. Bài của Anonymous bắt đầu bằng "Ở Mỹ và Canada, giá bìa ..." đã rất đầy đủ, nên không muốn bàn thêm.
    Nếu NL quan tâm đến vấn để xuất bản thì bản quyền và chống sách lậu mới là vấn đề hiện nay của VN. Hiện giờ tuy tư nhân chưa có NXB nhưng giống như thời liên doanh liên kết, nền xuất bản đã mang nhiều yếu tố, đặc điểm của nền xuất bản tư nhân rồi, nên chắc là sớm muộn gì VN sẽ có luật này. Cá nhân tôi thấy bản quyền và chống sách lậu là quan trọng nhất.

    ReplyDelete
  35. sách lậu về bản chất là một việc rất dễ chống, nếu nhà nước thực sự muốn, nó thuộc vào hàng các công việc thời điểm, không phải vĩnh viễn, và thực chất đã có luật, hoặc có thể áp dụng các luật khác sang, luật một giá lại là chuyện khác

    bản quyền là yếu tố đã có nhiều thay đổi tốt cho đến nay

    ReplyDelete
  36. một nhà xuất bản tư nhân được làm mọi việc liên quan đến xuất bản, chính thức được công nhận, nộp thuế và chịu trách nhiệm trước pháp luật, cái đó rất khác với liên doanh liên kết

    bác không thấy là liên doanh liên kết chính là hình thức kiểm soát rất chặt chẽ à: giấy phép có xin được hay không là không biết trước được đâu nhé, khi có sự cố thì mọi lỗi lầm rơi hết lên đầu cơ sở tư nhân

    ReplyDelete
  37. "à em cũng xuất thân từ kinh tế thì phải, nhớ láng máng thế "
    ===> hè hè , cái trường kinh tế của bác sinh viên toàn dùng giáo trình phô tô .

    ReplyDelete
  38. sôi nổi hào hứng ghê, nhưng mà hứng quá đâm type lỗi đấy nhá, ít nhất là hai lỗi dễ đi đến hiểu nhầm:
    -NL: chẳng mấy "chống" (lẽ ra là "chốc")giới kinh doanh sách Việt Nam ... (bạn Gió đã hiểu nhầm rồi)
    -NSC: Amazon (và, trong một chừng mực nào đó, Vinabook ở Việt Nam) là một website đứng "trược" ("trước" hay "được" bác? nghĩa khác hẳn đấy!!!)
    nói chung là cảm ơn các còm, bổ ích thật đấy cho bọn a b c như mình!

    ReplyDelete
  39. Amazon là một website đứng "trước" (in front of) một warehouse khổng lồ, ạ [nsc]

    ReplyDelete
  40. câu hỏi "vô tri": ở VN, các NXB tên khác nhau là do các bộ phận khác nhau của chính quyền à? ghê nhể, Thuận Hóa, Đà Nẵng, Đồng Nai, Công An Nhân Dân, Phụ Nữ, Nhã Nam, Hội Nhà Văn, Trẻ, Văn Hóa Thông Tin, Lao Động, Văn Học, Thời Đại, Tri Thức... là thế nào? thỉnh thoảng có tin nhà này "chơi" nhà kia, có vẻ cạnh tranh tự do dân chủ! bác NL làm sáng tỏ thêm tí :) [nsc]

    ReplyDelete
  41. bác nhìn tên là biết một nền xuất bản chỉ có nhà nước rồi còn gì

    trong những cái tên mà bác liệt kê Nhã Nam là tên một công ty tư nhân, còn lại đều là nhà nước hết, và là "nhà xuất bản"; bác nhìn ra vấn đề chưa? tên một số công ty tư nhân khác: Phương Nam, Bách Việt, Alphabooks, Chibooks

    bản thân tôi có một ham muốn, ham muốn tột cùng, là ngày mai được đi đăng ký thành lập một nhà xuất bản và có giấy phép luôn, một nhà xuất bản chứ không phải một công ty, mang tên "Béo Ị" :dd

    ReplyDelete
  42. tôi sẽ tình nguyện chở ô tô bác đi, mời cà phê và phở nữa, nếu cần đấm bóp thì bao luôn :)) [nsc]

    ReplyDelete
  43. Đấy, đấy, mình đã nói là rất thích nghệ thuật dẫn dụ cuả bạn Nhị Linh mà: muốn kêu gọi thành lập nhà xuất bản tư nhân phải không? Bạn Nhị phải "chiến đấu", từ bạn đã nói trong bài, để được có giấy phép nhé. Còn chúng tôi thì ủng hộ bạn hết mình. Và không được quá lâu 10 năm đâu nhé, chúng tôi già gần chết hết rồi. Chúng tôi, kẻ thì bỏ tiền, người bỏ công hầu hạ bạn, thích quá. "Béo ị" nghe không hay, chúng ta hãy đặt tên là "NXB Nhị Linh" để kỷ niệm những năm dài kiên khổ cuả Blog Nhị Linh. Bác NSC có đồng ý không, hay bác muốn tên gì?

    ReplyDelete
  44. Ôi cảm ơn chị So nhiều, quả là cái từ "chống" đọc không kỹ dễ bị hiểu lầm. Chị yên tâm, chị không hề lẻ loi, em cũng thuộc về thành phần A B C đây, nhưng mặc kệ, mình cứ bình loạn lên cho nó vui, giúp bạn Nhị có nhiều còm. Với lại, các ước mơ cuả bạn ấy cũng chính đáng lắm.

    ReplyDelete
  45. đấy, thế là không ai phải lẻ loi khóc một mình rồi nhá

    đùa chứ cái blog của tôi chẳng khác gì câu lạc bộ kết bạn bốn phương nhể :) có bác nào với bác nào mà yêu nhau nhớ thông báo để tôi còn đổi tên thành câu lạc bộ kết bạn trăm năm, nhá, vui hơn lập nhà xuất bản là khác, kể cả là NXB "Béo Ị"

    ReplyDelete
  46. Bây giờ chúng ta tưởng tượng ra là đã được phép thành lập nhà xuất bản tư nhân rồi nhá. Bạn Nhị cho biết tổ chức cuả NXB Nhị Linh sẽ như thế nào? Chức vụ, trách nhiệm, tài chánh, điều hành, etc. như thế nào? Vui lòng chia sẻ kinh nghiệm mà bạn có được với câu lạc bộ đi. Bạn Nhị thích nhất là chức vụ gì trong nxb nhỉ?

    ReplyDelete
  47. ui mà bác nsc ơi cái vụ lái ôtô thì người ta thường là không biết ở một thời điểm thôi, chuyện thời điểm, chứ không phải chuyện vĩnh viễn bác ơi :)

    cà phê thì buồn cười nhé, tôi thường chỉ uống cà phê một mình, ngày 3-4 cữ (kém bác QB tí nhưng thôi thỉnh thoảng cũng phải kém bác í một cái gì đó chứ :d) ra quán với người khác lại hay thích uống cái khác

    vụ massage mới là gay cấn: hôm nọ đi khám bác sĩ bảo cơ địa dị ứng massage thế mới đau hic :(((

    thành thử phở là được rồi bác ạ hihi

    ReplyDelete
  48. Ậy, bác Nhị đừng có khách khí và tiết kiệm tài chánh quá không được. Bác NSC nói hay đấy, phải có ô tô và có người lái cho công vụ. Những khi đưa bác đi đâu thì bác NSC làm thiện nguyện, những khi khác thì giao cho tài xế. Theo kiểu Mỹ, bác đi đâu ăn uống tiêu xài đều tự thanh toán nhé, hóa đơn thì NXB chỉ giữ để...làm kỷ niệm thôi. Có vậy thì lương chính thức cuả bác mới cực kỳ chất lượng được. Bác NSC thì giàu quá rồi, không cần hưởng lương, phải không ạ? Nói chung NXB Nhị Linh tư nhân hoàn toàn hoá sẽ rất oách. Nhưng, có thể chúng ta phải sắm thêm một cái xe truck, hai bác biết là để làm gì không?

    ReplyDelete
  49. tên "Béo Ị" hay hơn, chả thích tên NXB Nhị Linh gì cả, nghe sến chết được! Mình mà được lập NXB mình lấy tên là "Hơn Cả Béo Ị" :-) (Z)

    ReplyDelete
  50. Bạn Z đừng nói thế mang tội với bác Nhất Linh đấy. Nhị Linh mắc chi sến? Sến thì không dễ thương à? Tối về gác tay lên trán gẫm cho thật kỹ, bạn cũng sẽ thấy một chút "sến" trong chính mình đấy ;-p
    Bạn nên góp ý kiến thật tốt cho NXB.

    ReplyDelete
  51. tôi có nói Sến thì ko Dễ thương đâu? Và nếu tôi có sến thì có sao nhỉ? Chỉ là tôi thấy cái tên NXB Nhị Linh nó sến và tôi ko thích, trong trường hợp này. Tôi cũng không thấy mang tội với bác Linh nào cả! (Z)

    ReplyDelete
  52. hì, cứ tưởng bở. chở ô tô đi một lần xin giấy phép mở nhà xuất bản thôi đấy. vầng, phở, xong ngay :)

    ReplyDelete
  53. Ôi hép pi en đinh thế, cái entry này :))

    ReplyDelete
  54. Xin chào người đẹp L'amante inachevée, tên cuả bạn dài quá đấy, dài như chiếc xe truck cuả nhà xuất bản chúng ta. Bạn thấy nó có được không? Trông này...

    http://www.coolopticalillusions.com/eye-tricks/optic-pictures/library-illusion-book-truck.jpg

    ReplyDelete
  55. Không còn sách lậu và thực hiện bản quyền được tốt thì lao động trí óc của nhà văn/thơ và dịch thuật sẽ được đánh giá tốt hơn và qua đó sẽ thu hút nhiều người hơn cho công việc này nhờ đó văn chương, dịch thuật, xuất bản ngày càng đạt nhiều thành quả tốt đẹp hơn.
    Thời những năm 1960-70 tuy cuộc sống bao cấp có khó khăn nhưng mỗi lần ấn bản cũng khoảng 20,000 - 50,000 một đầu sách, vì thế các nhà văn như Nguyễn Khải, Tô Hoài v.v. có thể nhận được nhuận bút cao so với mức sống đương thời.
    Ngày nay xuất bản mỗi đầu sách chỉ 800-1,000, Nhã Nam như NL nói 2,000 là khá rồi, một phần vì có quyển nào thuộc diện ăn khách (best-seller) thì đã bị "luộc" (in lậu) mất rồi, nếu NXB in thêm sẽ chết, chả thế mà Nhã Nam có khẩu hiệu "sách giả...sách thật"
    Bản quyền cũng thế, giúp cho thành quả lao động trí óc được tôn trọng, nhờ đó sẽ có nhiều người có thể yên tâm làm việc cho những quyển sách tốt, sách hay vì lao động của họ đã được đảm bảo.
    Sách lậu tuy không phải là một vấn đề vĩnh viễn, vì chúng ta đang nói đến vấn đề hiện nay mà, nhưng chống nó không hề dễ.
    Theo như tôi biết, nếu có lỗi lầm thì thường là các NXB trong đó hoặc là Giám đốc hoặc là Biên tập sẽ phải chịu trách nhiệm về mặt hành chính, còn về tài chính v.v. thì tôi không được rõ.

    ReplyDelete
  56. tôi cũng hay sến lắm :d

    những con số ấn bản của những năm trước 1985 là điều đáng bàn lắm, không hẳn là phản ánh đúng thị trường xuất bản hồi đó đâu - mà thật ra hồi đó không có thị trường

    chống sách lậu và bản quyền là hai điều then chốt, tôi không bao giờ nghi ngờ cả

    ReplyDelete
  57. Hi there i am kavin, its my first occasion to commenting anywhere,
    when i read this piece of writing i thought i could also create comment due to this brilliant piece
    of writing.

    ReplyDelete