Phạm vi nói chuyện văn chương ngày càng rút lui về lèo tèo mấy tờ báo của Hội Nhà văn, không còn cái không khí hăm hở kể chuyện giai thoại và bình luận tác phẩm rôm rả trên mọi mặt báo nước nhà như trước đây nữa. Các tờ báo đồng loạt chuyển mục “Văn hóa” thành “Văn hóa-Giải trí” hoặc nếu thật thà hơn thì đổi luôn thành độc món “Giải trí”, và nghĩ rằng văn chương làm nhức óc độc giả hơn nhiều so với thời sự vòng một các người đẹp và không nhiều tính chất giải trí bằng chuyện tụt quần áo bảo vệ môi trường. Nghe đâu trong vòng tháng Sáu vừa qua mấy từ “báo lá cải” còn hot hơn cả những từ khóa liên quan đến chính trị, ngoại giao đất nước.
Muốn tìm hiểu nền văn chương hiện nay của Việt Nam, trước hết cần đến lòng can đảm mà lật qua trang nhất tờ Văn nghệ từng in sai chính tả một cái nhan đề truyện ngắn (thấy rõ là nơi đâu có độc quyền, nơi ấy có sản phẩm chất lượng tồi). Tiếp sau đó vẫn cần đến lòng can đảm để đọc cho hết một số báo, thường xuyên có nội dung rất sầu thảm vì nhiều cáo phó “vô cùng thương tiếc”. Chẳng hiểu bằng cách nào mà báo Văn nghệ sau một thời gian lại làm được một việc là đánh đổ kỷ lục đã trở thành một thành ngữ lai vãng khắp huyền thoại phố phường: “Chán như báo Nhân dân”.
Rồi lâu lâu trên mấy tờ báo của Hội Nhà văn lại rộ lên một vụ việc, xưa kia hay được gọi là “án văn chương”, nhưng các vụ án ngày nay nó cứ nhạt nhẽo thế nào, chỉ đủ sức làm mấy người trong cuộc sùng sục lên chứng tỏ “văn tôi hay hơn văn anh”, rồi thì… thôi, chẳng mấy ai quan tâm.
Cứ dùng dằng như thế, dần dà xuất hiện một tâm lý bực bội, một “mặc cảm bị bỏ rơi” được thể hiện ở phát biểu của một số nhân vật trong giới văn chương. Trên tờ Văn nghệ trẻ số 27 (3/7/2011), nhà văn Trương Anh Quốc (được tờ báo tiểu chú “đã đoạt giải Nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 3-2010”) lên tiếng rất đanh thép: “Những “nhà” phê bình tự phong, to tiếng không biết đã đọc được bao nhiêu cuốn sách mà luôn bắt người khác phải có gu thẩm mỹ giống mình dù rằng họ chỉ thích mặc áo ca rô hay chim cò trong lúc người khác mặc đồ vét”. Nhìn chung rất khó biết nhà văn Trương Anh Quốc muốn nói gì bằng những câu văn chẳng liên quan gì đến nhau của mình nhưng anh có vẻ kiên quyết: “Khen không đúng làm người ta xấu hổ, chê không đúng làm cho người khác bực mình. Người sáng tác chẳng bực mình, vì sáng tác là con đường độc đạo”. Chẳng bực mình, nhưng đến cuối bài thì anh cáu tiết sửa luôn câu nói của người xưa thành “người chê cái đúng của ta là… trò của ta”. Tâm lý của nhà văn có khác, rất phức tạp và khó hiểu.
Các nhà phê bình cũng chẳng kém cạnh về khả năng phàn nàn. Nhà phê bình Văn Giá viết một bài thật dài mang tên “Những nguy cơ của lý luận phê bình hiện nay” đăng Văn nghệ trẻ số 26 (26/6/2011) ấm ức dùng những từ như “bị bỏ rơi”, “bị rẻ rúng”. Thì ra nhà văn Trương Anh Quốc bực mình giới phê bình là không nên, vì nhà phê bình còn bị bỏ rơi kinh hơn: theo Văn Giá thì cứ 30 nhà văn mới có một nhà phê bình, sức đâu mà đọc cho hết nổi, mà viết phê bình thì rất khó: “viết được bài phê bình tử tế phải đọc ngày đọc đêm, phải phân loại, thống kê, so sánh, tổng hợp, khái quát, đặt trong tính hệ thống của chính tác giả, của thể loại, của nền văn học trong cả hai chiều lịch đại và đồng đại”, rồi nhà phê bình cảm thán: “Ôi chao, vô cùng công phu, vất vả”.
Cả “lịch đại” và “đồng đại” cơ mà, làm sao đáp ứng được nhu cầu được quan tâm của nhà văn. Không những thế, nhà phê bình Văn Giá còn cho biết sự thật phũ phàng là nhà phê bình không có trại sáng tác, vậy thì nhà phê bình làm sao viết bài bình luận được, chắc vì nhà ai cũng nhiều ruồi, hoặc ruồi nhà to hơn ruồi trại (sáng tác).
Câu chuyện tố khổ trở nên gian nan khi bài báo của nhà phê bình Văn Giá bị Chủ tịch Hội đồng Phê bình-Lý luận Hội Nhà văn Việt Nam Lê Thành Nghị chỉ trích rất ghê, có lúc còn nói Văn Giá “không đúng” và “xúc phạm”. Nhà phê bình Lê Thành Nghị khẳng định “chưa bao giờ giới lý luận phê bình được quan tâm như bây giờ, cả trên bình diện tổ chức, hỗ trợ, đầu tư và các hoạt động nghề nghiệp”, không những thế lại còn có rất nhiều hội đồng, tổ chức được những hội thảo lớn chẳng hạn như “Văn học nghệ thuật trong cơ chế thị trường” hoặc “Văn học nghệ thuật là một mặt trận”. Không thể có chuyện lý luận-phê bình “bị bỏ rơi”, “bị rẻ rúng”, vì chính nhà phê bình Văn Giá cũng từng nhận được tiền hỗ trợ 10 triệu đồng “với thời gian từ khi làm đơn đến khi lĩnh tiền không quá một giờ”.
Nếu nhà Nhị Linh có tủi thân thì mình ôm cái cho đỡ tủi thân một mình mà có hai mình nhớ.
ReplyDeleteKhà khà, Giá mà không có ruồi!
ReplyDeletebạn Marcus độc ác nhắm, định làm mình fantasy hở :pp
ReplyDeleteĐầy tính uy-mua, nhưng bác Nhị Linh không nên bực mình mà hại sức khỏe vì cái nước mình nó thế mà. Dùng tinh lực của mình mà tiếp tục sự nghiệp dịch đi bác ạ cho mấy em nhỏ được nhờ. Còn lại thì theo dòng đời trôi đi bác. "Hãy cứ yêu người mà sống, lâu rồi đời mình cũng qua...". He he
ReplyDeleteHL
hì, bực thì làm sao u mặc nổi :), bực thì phải như TAQ í
ReplyDeletetình hình đến nay đã đỡ tủi thân một mình chưa anh?
ReplyDelete