Aug 19, 2011

Vào mùa săn

Đến bài này là tròn 36 bài hehe, tức là tròn ba năm. Nuôi được một cái mục dài những ba năm, tôi tự phục lăn tôi í :p Lai lịch của mục là như sau: một bác nhờ tôi giữ một mục, tôi viết vài bài chạy demo, bác í đăng một bài rồi tự dưng ngừng, tôi mới pass sang cho một bác khác (bác í tôi hay gọi là "Đẹp mà không đẹp" :p) bác í lại pass cho một bác khác nữa, chính là bác thơ ký Lâm Tím Tim Lấm (tình) hehe. Thời gian như chó chạy ngựa phi, bác Tim Lấm đã phải trả tiền cho tôi 36 bận.

Thế là tôi ngang được trình độ Trư Bát Giới rồi hehe, và sau khi Nguyễn Việt Hà từ bỏ, giờ đây trên tờ tạp chí của bác Tim Lấm chỉ còn hai mục, của Kill Bill QB và tôi.

-----------

Mùa ở đây không phải mùa gặt lúa hay gặt những thứ khác, mà là một mùa rất đặc trưng của đời sống sách vở văn chương bên Pháp: mùa tiểu thuyết. Hằng năm, đợt mấy tháng cuối bao giờ các nhà xuất bản Pháp cũng trình làng đến ngót cả nghìn cuốn tiểu thuyết mới. Thời điểm này là lúc công việc chuẩn bị đang đi đến hồi gấp gáp, nhà văn và nhà xuất bản đều hết sức cố gắng, nhất là cố gắng làm sao để sách mới in ra có doanh số tốt và nhất là cố đoạt các giải thưởng.

Chỉ trong một quãng thời gian ngắn, các nhà in tại Pháp sẽ chạy hết công suất để in ra số lượng tiểu thuyết bằng nhiều năm trời gom góp cộng lại của toàn thể giới nhà văn của nhiều nước như Việt Nam, nơi mỗi cuốn tiểu thuyết ra đời đều là hiện tượng bất thường cả, nhưng phần nhiều là bất thường ở chỗ… mãi mà vẫn thế.

Năm 2011 này, theo như một chuyên đề của tờ “Tạp chí văn học” (Magazine Littéraire), các chủ đề quan trọng sẽ là gia đình, thiên nhiên, căn cước và ký ức của các cá nhân đối diện với tổ tiên của mình, và có lẽ như là các nhà văn Pháp đã quá mệt mỏi, chán ngán với “thứ giả tự truyện và những cuộc hành trình xung quanh bản ngã”. Sau một thời gian co cụm lại ở khu vực xung quanh lỗ rốn, “các nhà văn trẻ [của Pháp] thích ghim chặt tác phẩm của mình vào lịch sử lớn lao, truy vấn về quá trình trôi qua của nhiều thế hệ, sự chuyển giao có thể có giữa người xưa và người hiện nay, tạo ra các nhân vật tìm kiếm sự nổi loạn”.

Các nhà văn trẻ của Pháp muốn nổi loạn chống lại những gì? Theo tác giả của chuyên đề nói trên, cuộc nổi loạn lần này chủ yếu xuất phát từ những người được hưởng nhiều ưu tiên trong cuộc đời nhưng lại đặt tra vấn về chính những ưu tiên đó, để đặt câu hỏi xem thế hệ trẻ cần đấu tranh vì điều gì, những tinh thần yên ổn của họ cần hét lên những tiếng hét như thế nào, rồi thì có thể có những lý tưởng hướng lối nào cho những người trẻ tuổi bỗng dưng cảm nhận rằng mọi thứ vây quanh mình thật là già nua, phẳng lặng…

Vài tên tuổi được người ta trông chờ ở “mùa” năm nay: Melvil Poupaud với tiểu thuyết “Quel est mon nom?” (Tên tôi là gì?), Thierry Consigny với cuốn sách ghi lại cuộc trò chuyện giả tưởng với con trai sau khi chú bé phải vào viện chữa bệnh, mang tên “Le soleil, l’herbe et une vie à gagner” (Mặt trời, cỏ và một cuộc đời cần chiến thắng), hay Anne-Sophie Stefanini, tác giả của cuốn tiểu thuyết đầu tay “Vers la mer” (Về phía biển), kể về một cô gái 18 tuổi trong cuộc đối đầu với mẹ mình.

Các đề tài lớn, gắn liền với lịch sử hay thời sự đã xuất hiện với mật độ cao hơn trong tác phẩm của nhiều nhà văn, chẳng hạn như tiểu thuyết “Dix” (Mười) của Éric Sommier thuật lại thảm họa mới xảy ra tại đường hầm qua núi Mont-Blanc làm khoảng ba mươi người thiệt mạng vào năm 1999, hoặc như “Avant le silence des forêts” (Trước sự im lặng của những cánh rừng” của Lilyane Beauquel về một người lính Đức trẻ tuổi bước vào cuộc chiến tranh năm 1914, và nữa, “Allée 7, rangée 38” (Lối 7, hàng 38) của Sophie Schulze vạch lại số phận tan nát của nhân vật Walter trong nước Đức đầu thế kỷ XX.

Nhìn chung, các nhà văn trẻ tuổi của Pháp ngày càng mạnh dạn hơn trước những vấn đề lớn của lịch sử, bớt bị ám ảnh trong những quẩn quanh với phòng ngủ và con đường đi từ nhà ra siêu thị rồi tới bãi gửi xe rồi lại quay về nhà.

Về cơ bản, “mùa tiểu thuyết” của nước Pháp cũng là một mùa gặt, ở đó người ta gặt những giá trị văn chương mới. Điều đáng nói là mặc dù thời thế hiện nay đã rất bất lợi cho sách in và ngành xuất bản, báo chí Pháp vẫn dành rất nhiều chỗ cho các nhà văn mới và trẻ. Tương tự như vậy, các đồng nghiệp nhà báo người Việt Nam của họ cũng đang để rất nhiều “đất” chuẩn bị cho một hoạt động vô cùng đáng chú ý và thu hút nhiều sự quan tâm của xã hội: Hội nghị Những người viết trẻ Toàn quốc lần thứ VIII.

Nhị Linh

7 comments:

  1. Nhiệt liệt chúc mừng Hội nghị Những người viết trẻ Toàn quốc lần thứ VIII. Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp như mọi hội nghị khác.

    ReplyDelete
  2. Chắc chắn thành công hơn mọi kỳ trước, Goldmund à, vì có bạn CVD mình đứng trong hàng ngũ đại biểu đấy. Vỗ tay đi, pà con ! :-)

    ReplyDelete
  3. sao không ai tổ chức hội nghị blogger trẻ cho mình đi dự nhở?:)

    ReplyDelete
  4. A, vậy mình hong có gì để coi và để... săn òi. Mùa săn thế là thảm hại :( Thế nhưng nghe đâu chúng họ vẫn giữ tên bạn trong danh sách để hội nghị thêm phần danh giá đấy nhá, nếu không đi là do đau bụng mà không đi đấy nhá, không can gì chúng họ cả.

    ReplyDelete
  5. nhiều kinh nghiệm dự hội nghị có khác, rành quá ta

    ReplyDelete