Dec 22, 2011

(9) Vài tủ sách Việt Nam nổi tiếng

Trích từ tạp chí Văn hữu, mục “Lượm lặt”

Vài tủ sách Việt-Nam nổi tiếng

Trong số các tay chơi sách nổi tiếng ở Việt-Nam gần đây, đáng kể có tủ sách của các học giả Phạm-Quỳnh, Đào-Duy-Anh, Vương-Hồng-Sển, Lê-ngọc-Trụ, tủ sách của cựu thượng thư Phạm-Liệu, bác sĩ Dương-Tấn-Tươi.

Cuộc chiến tranh vừa qua đã thiêu hủy một phần lớn các tủ sách quí giá trên đây. Cả tủ sách Phạm-Quỳnh tập trung ở biệt thự riêng trên bờ sông An-Cựu (Huế) đã bị đám cán bộ V. M. tịch thu phá tán. Hàng vạn pho sách cổ kim đông tây, đóng da, mạ vàng của ông cựu chủ nhiệm Nam Phong và thượng thư triều đình Huế, hồi 1945, có người đánh giá hàng mấy triệu bạc, sau ngày Phạm-Quỳnh bị bắt đã theo khói lửa chiến tranh mà tiêu tán.

Tủ sách của nhà soạn từ điển Đào-Duy-Anh chở tản cư trên ba va gông đôi từ Hà-nội chuyển vào Thanh-Hóa, trong đêm 19 tháng chạp năm 1946, đã dùng làm chiến lũy và mồi ngon cho lửa đạn. Sau đó người ta thấy dấu vết bao nhiêu sách quý của Đào-Quân như những xác người nằm đầy khắp cả Ga Hàng-Cỏ.

Tủ sách của cựu thượng thư Phạm-Liệu ở Quảng-Nam, công trình mấy mươi năm sưu tập sách, tạp chí giá trị đông tây, gồm hàng vạn quyển, sau thời kỳ khởi nghĩa, đều bị cán bộ V. M. địa phương ra lệnh thiêu đốt, cho sách chữ hán là tàn tích phong kiến, sách tây là sản phẩm của đế quốc thực dân!

Tủ sách của bác sĩ Dương-Tấn-Tươi, ở Mỹ-Tho phần nhiều gồm những sách quí lạ, đóng bìa bằng sừng ở ngoại quốc, cùng các bản thảo của văn thi sĩ Việt-Nam, trong đó có một bản chữ nôm Kiều của Nguyễn-Du, sau ngày kháng chiến ở miền Nam nổ bùng, đã bị quân viễn chinh Pháp đốt sạch. Lửa cháy tủ sách này luôn mấy ngày đêm, dâng khói khét lẹt mùi sừng và da bìa sách đen ngòm cả một góc châu thành Mỹ-Tho.

Tủ sách của nhà khảo cổ Vương-Hồng-Sển được chở cả xuống mấy chiếc ghe bầu lớn tản cư ở hậu giang, trôi nổi theo chủ nhân, sau bao phen hiểm nghèo, suýt tiêu ma giữa hai lằn đạn, may mắn được toàn vẹn với đầu óc bạc trắng vì ngày đêm lo mất sách của họ Vương. Vương quân vẫn thường cho là kiếp trước mình khéo tu và còn nặng nợ với sách nên chúng không nỡ lìa cố chủ. Tủ sách của vị phó giám đốc viện Bảo Tàng Quốc gia hiện ngự trị ở một ngôi nhà cổ kính tại ngoại ô Sàigòn, là nơi gặp gỡ của các tài tử chơi sách, các nhà nghiên cứu muốn tìm xem tài liệu cổ, tác phẩm hiếm quí.

Người chơi sách thứ hai được may mắn giữ gìn nguyên vẹn cả tủ sách đồ sộ qua khói lửa chiến tranh vừa rồi là học giả Lê-Ngọc-Trụ, hiện đang giảng dạy Việt ngữ ở Văn Khoa Đại Học và trông nom Thư Viện Quốc Gia. Lê Tiên Sinh nhờ ở một nơi yên tĩnh không xa Sàigòn mấy có thể đóng kín cửa nhà chứa gia tài tinh thần khổng lồ của mình mà không bị giặc cướp hay quân chê chữ nghĩa, ghét sách vở đến phá hoại. Có thể nói rằng trong bao nhiêu tủ sách, thư viện tan nát vì chiến tranh vừa qua, hai học giả họ Vương và họ Lê là thiểu số được diễm phúc lớn lao tránh khỏi cảnh “thử hận miên miên vô tuyệt kỳ” của hạng tài tử chơi sách ở đời, mình còn sống mà tủ sách của mình đã tiêu ma.

(Văn hữu, số 5, tháng Năm, 1960, tr. 55-56)

-----------

Đố các bác “ba va gông đôi” ở đoạn về Đào Duy Anh nghĩa là gì :p

-----------

Lê Ngọc Trụ đây:




À mà Đại Nam quấc âm tự vị (Huình Tịnh Của) rồi Chánh tả tự vị: tại sao lại "tự vị"? Hì hì, ở đây liên quan đến một lỗi lầm của Phạm Quỳnh: Phạm Quỳnh do đọc sai "vị" thành "vựng" nên chúng ta có "tự vựng", "từ vựng" dùng thoải mái luôn, vì sức mạnh của Nam Phong quá lớn :p Về vụ này Phạm Quỳnh đã bị phê bét nhè chè đỗ đen: Hồ Hữu Tường, Nguyễn Hiến Lê, Trương Văn Chình, hình như cả Lê Ngọc Trụ, và rất nhiều người khác nữa.

17 comments:

  1. "ba va gông đôi" là 3 toa xe lửa 2 tầng phải không ;p
    Hình dung sách quý bị đổ vãi ở Ga Hàng Cỏ quả thực như những xác người, các cụ ví thực quá !

    ReplyDelete
  2. chị suy ra được "wagon" là ngon rồi :p nhưng em không nghĩ là hai tầng, chả hiểu là gì nữa hihi, mà ngày nay người ta cũng ít dùng từ "wagon" để chỉ toa tàu hỏa, mà dùng từ "voiture", lại chính là từ chỉ cái xe ô tô đấy

    ReplyDelete
  3. Lượm lặt hay lượm nhặt ạ ?

    ReplyDelete
  4. chắc phải là lặt chứ nhỉ, lười đi tra quá :)

    ReplyDelete
  5. à Botchan mới có một bản dịch mới đấy, hai bạn Cậu ấm đã biết chưa: "Cuộc nổi loạn ngoạn mục", Hồng Ngọc-Thanh Dung dịch (từ bản tiếng Anh), First News và NXB Trẻ

    ReplyDelete
  6. em biết rồi ạ. Tác giả Soseki còn có cuốn Nỗi lòng cũng được Phương Nam book cho tái bản. Bản trước năm 75 em có rồi nên để dành tiền mua cuốn Điệu valse giã từ bản mới. :)

    ReplyDelete
  7. hơ sao biết?

    đúng rồi, Nỗi lòng Kokoro Tiên Sinh :p

    ReplyDelete
  8. em có cuốn Điệu Valse giã từ của Đông tây xuất bản nhưng của đáng tội bìa nó "xôi thịt" quá nên muốn cũng háo hức với bản mới này.

    ReplyDelete
  9. Em cũng biết rồi ạ , cái tên mới thật là nổi loạn . Em mới vớ được một cuốn của Natsume có tên là Tình yêu không quên .

    ReplyDelete
  10. Quyển gì lạ thế nhỉ :d

    Anh tra Hoàng Phê rồi nhé: là "lượm lặt"

    ReplyDelete
  11. Món lạ SG đầu tiên e lượm được , tiểu thuyết tình cảm Nhật , NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh , người dịch Nguyễn Bích Thủy , năm XB thì ko rõ , e đồ chừng đầu thập niên 90 .

    ReplyDelete
  12. "Tủ sách của cựu thượng thư Phạm-Liệu ở Quảng-Nam, công trình mấy mươi năm sưu tập sách, tạp chí giá trị đông tây, gồm hàng vạn quyển, sau thời kỳ khởi nghĩa, đều bị cán bộ V. M. địa phương ra lệnh thiêu đốt..."

    Cứ chép đúng là "cán bộ Việt Minh" chứ việc gì mà loay hoay sửa thành "cán bộ V.M."?

    ReplyDelete
  13. Sao y bản chính đấy bác :p Bác có muốn xem bản gốc không tôi chụp lên?

    ReplyDelete
  14. V.M. Có phải là viết tắt của Voldemort không ạ? Mà ai viết tắt, 'bổn báo' hay 'cụ'? ;P

    ReplyDelete
  15. ơ đã bảo là sao y bản chính rồi cơ mừ, còn đó là gì thì mình cũng chỉ lờ mờ đoán thôi :p

    ReplyDelete
  16. ai đó nên viết tiếp về các tủ sách, mạo muội đoán rằng tủ sách của NL có giá trị nhất, kế đến là của VHT

    ReplyDelete
    Replies
    1. một lần trong đời mong có ngày được nhìn bằng mắt tủ sách của anh hehe

      Delete