Dec 3, 2011

chuyện tùy tục

số 21 :p

Vào nhà người Nhật (và nhà tập thể lát gạch hoa ở Việt Nam thời bao cấp) dĩ nhiên phải bỏ giày ngoài cửa, ăn tối ở nhà người phương Tây đương nhiên phải cố gắng dùng dao dĩa. Uống rượu trên Lạng Sơn, sau mỗi chén bạn phải mau mắn chìa tay cho người đồng ẩm để bắt, nếu không sẽ bị coi là bất lịch sự. Nghe nói nếu là khách ở nhà người Eskimo, khi được chủ nhà mời, khách phải ngủ đêm với vợ chủ nhà, từ chối bị coi là một hành vi khinh thường người khác không thể chấp nhận được.

Ngôn ngữ cũng vậy: sự vay mượn lẫn nhau là vô cùng phổ biến, nhưng vay mượn thì vay mượn, chỉ cần cách đi một khoảng không gian nhỏ là đã có lệch lạc, khác biệt đến nhiều khi không nhận ra nổi nguồn gốc nữa. Cùng một ngôn ngữ đã vậy, chẳng hạn đi vài chục cây số từ Hà Nội lên tới Bắc Giang thôi, từ ném đã biến thành từ đápchun đã biến thành nịt rồi.

Người Pháp sau một thời gian dài ở Việt Nam, ngoài những thành tựu về khai thác thuộc địa (hầm mỏ, đồn điền cao su…), di sản thực dân còn phải kể tới là một số từ tiếng Việt trụ lại trong từ điển tiếng Pháp thông dụng, nhưng hầu hết trong số đó đều có “cải tiến” nhất định: từ con gái hay được viết thành congay và từ nhà quê với biến thể không dấu của nó, nhaque, chỉ còn được một số người “sành điệu” đọc được lơ lớ nhà quê, chứ đại đa số người Pháp đọc nó y như một từ tiếng Pháp, thành một âm tương tự như là nhắc: lơ nhắc.

Ở chiều ngược lại dĩ nhiên sự việc phong phú hơn nhiều. Tiếng Việt thời cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX thiếu thốn vô cùng thuật ngữ khoa học và từ vựng dùng để trỏ các sự vật, hiện tượng hoàn toàn mới mẻ. Sự du nhập, vay mượn đã diễn ra ồ ạt, với di tích còn lại ngày nay là rất nhiều từ vẫn được dùng phổ biến: ghi đông, poóc ba ga, ba đờ sốc, ba đờ xuy, xăng đan… Quá trình phiên âm trực tiếp này xảy ra song song với một quá trình đặt ra các khái niệm mới: để có những từ như văn minh, văn hóa, khoa học… người ta còn phải đi vòng qua ngả nước Nhật đã Tây phương hóa trước đó một đoạn dài. Trước khi “ra” được từ cảm hứng đã có một từ phiên âm dài thõng: yên sĩ phi lý thuần (từ inspiration).

Nhưng từ ngữ muốn nhập gia thì cũng phải tùy tục. Không phải bất kỳ từ vay mượn nào nói lên cũng có thể nhận ngay ra được nguồn gốc, mà nhiều từ chịu những biến âm khá kỳ quặc, thậm chí nhiều khi còn không chịu đi theo các nguyên lý về biến âm mà ta có thể tham khảo nhanh chóng trong tác phẩm của các chuyên gia ngôn ngữ như Nguyễn Tài Cẩn. Từ long đen thoát thai từ rondelle, loong toong từ planton, [xe] ba lua từ poids lourd, hay từ légumes (rau quả) cứ nhất định phải biến thành la ghim. Một số từ rất khó tìm ra nguồn gốc, như từ trang xi nhê (tức trang cuối quyển sách, dùng để ghi các thông tin cụ thể về xuất bản). Giờ đây, những từ như thế này không được dùng nhiều, nhưng khi nhìn thấy, nhiều khi lòng ta gợn lên một nỗi u hoài khó tả.

Ngày nay cũng vậy thôi, rất nhiều sự “tùy tục” chi phối từ ngữ được nhập khẩu đặng đóng góp cho sự phong phú của tiếng Việt. Chẳng hạn khái niệm “xã hội hóa” được dùng rất phổ biến trên báo chí thật ra rất khác so với nguyên nghĩa từ phương Tây, hay những từ trừu tượng hơn như pháp quyền, tranh luận, học thuật

Khi khảo về hiện tượng từ vay mượn, học giả Đào Duy Anh đã chỉ ra đặc điểm ưa nói trại của người Việt Nam, từ đó mà các từ lúc sang đến nước ta thường xuyên có những biến đổi khá đặc biệt, chẳng hạn như từ cahier [quyển vở] thường được học sinh thời của ông đọc chệch đi một chút thành caidê.

Và ngày nay, nằm đàng hoàng trên bảng hiệu rất nhiều nơi may đo com lê, ở cả tỉnh lẻ lẫn thành phố lớn, ta đọc được “May đo Comple-Veston”, mặc dù mười mươi bộ com lê thì hoặc là com lê, hoặc đúng gốc thì phải là complet.

7 comments:

  1. chịu, chẳng hiểu lần này con sâu gặm gì.

    ReplyDelete
  2. Hay quá, hôm nay nhờ bác em mới biết nguồn gốc của chữ "yên sỹ phi lý thuần". :D Hồi trước thì có biết chữ "lãng mạn" nữa. D

    ReplyDelete
  3. Nhận xét của DDA chưa tới gốc của vấn đề. Tiếng Pháp được đọc trại đi thành tiếng Việt, là do cách đọc, cvà giọng đọc, của người Miền Nam, thí dụ từ phạm nhe, y tá, infermier đọc giọng Nam thành phạm nhe. Cũng thế là từ cahier.

    ReplyDelete
  4. Chưa đã đã hết:)

    ReplyDelete
  5. Hi NhiLinh, these rules sound nice yet strange

    "phải bỏ giày ngoài cửa
    phải cố gắng dùng dao dĩa
    phải mau mắn chìa tay cho người đồng ẩm để bắt
    phải ngủ đêm với vợ chủ nhà..."

    but do you think it will be applied for the kingdom where...
    "Trong vương quốc của những người đã chết
    Tôi vẫn thường thơ thẩn đi về..." ?

    ReplyDelete
  6. phải nghiên kíu cái chuyện nghe nói kia là bịa mới được, bực thế :))

    ReplyDelete
  7. congaï nhaquée

    ReplyDelete