May 10, 2012

Người Hà Nội sợ

Người Hà Nội mặc áo “na tô” di dép lốp đội mũ cối (trước đây) và người Hà Nội đầu trọc lóc xăm trổ đầy mình cưỡi xe SH (hiện nay), những “quân khu thủ đô” ấy tạo ra ấn tượng về những con người có khả năng không biết sợ là gì. Nhìn chung người Hà Nội thường ghê gớm, đã thế lại còn nói năng hiểm hóc, vòng vèo, đang rất trơn tru hiền dịu bỗng đâu nảy ra một cái ý gì đó thật là xỏ xiên, mai mỉa, gây choáng váng cho cả những “đầu gấu” của những miền khác.

Thế người Hà Nội sợ gì?

Có thể họ sợ sáng ngủ dậy Hồ Gươm của họ bị bứng đi đâu mất, hoặc bị công ty xây dựng nào đấy san phẳng xây cao ốc mấy chục tầng chăng? Hay sợ sáng ngủ dậy không có phở mà ăn (vào “thời phoóc-môn” vẫn có khối người Hà Nội mặt mũi lầm lì vào quán phở, không khác nào các chiến sĩ trên bức tượng “Quyết Tử”), sợ tối về góc phố không còn quán nước mà ngồi (giờ thì không còn là “trà đá hóng gió” nữa mà mốt đang triền miên “trà chanh chém gió”), sợ đêm thì hàng quán cháo gà miến ngan bị công an phường chạy xe thùng tới dẹp bỏ? Hay họ sợ gió Lào, sợ gió mùa Đông Bắc, sợ cúp điện và sợ thất tình?

Cũng có thể họ sợ đi ngoài phố bị sa xuống ổ gà. Đi trên phố phường Hà Nội mà khôn ngoan ra thì cố mà cúi đầu xuống nhìn đường, phố rộng nhất thủ đô cũng có những cái hố sâu hoắm như ở một khu đầm lầy trong rừng nhiệt đới, nơi sang trọng nhất cũng có thể có một nắp cống không hiểu từ bao giờ đã ngạo nghễ hé lên.

Nhưng hiểm họa đáng sợ nhất ở Hà Nội không phải là từ mặt đất. Hiểm họa từ trên trời rơi xuống mới thật là kinh khủng.

Nhìn những cô gái, và cả những bà già, nói tóm lại là phụ nữ sống ở Hà Nội, cứ ra phố là bịt mặt mặc áo chống nắng thì biết: cái áo chống nắng qua nhiều mùa giờ đã cải tiến rõ rệt, có những loại áo dài đến tận mắt cá chân, biến phụ nữ Hà Nội thành những con chiên đạo Hồi tình cờ và tự nguyện. Điều quái lạ là rất nhiều khi những bộ quần áo ấy mở ra, ta thấy bước ra từ bên trong không phải là một giai nhân da trắng như tuyết mà lại là một người phụ nữ da rất đen. Da đen thế thì sao lại phải cố giữ cho trắng? Chẳng biết, chỉ biết mặt trời là một hiểm họa đương nhiên. Điều này nhìn chung là nghĩ mãi thì cũng hiểu được: ở ngoài biển giờ đây phụ nữ (và cả đàn ông, tất nhiên) vẫn hay mặc nguyên quần áo nhảy xuống vầy nước, thì tại thành phố cái sự quần áo có hơi phi logic một chút thì cũng đâu có vấn đề gì.

Một lưu ý quan trọng với người đi lại ở thành phố Hà Nội: hãy cố mà bảo vệ mặt trận trên cao của mình. Một cành cây to tướng rơi trúng vào đầu người đi xe máy hoặc khách bộ hành là chuyện không hề hiếm. Rồi còn có thể rơi từ cành cây xuống những thứ gì thật lạ, thường là túi rác nhà trên tầng cao ném xuống, ông chủ nhà tối làm tí bia rồi nên hơi yếu tay, túi rác không xuống được đến lòng đường mà mắc lại ở lưng chừng không gian. Thậm chí có những lúc cả đoạn dây điện dài loằng ngoằng như rắn rết thuồng luồng chụp xuống; vốn dĩ người Hà Nội đã không còn lạ những câu chuyện về điện giật trên đường từ rất lâu rồi. Điều này còn kinh hãi hơn nữa: Hà Nội là công trường xây dựng trường thiên của hàng chục năm nay, điều đó ai cũng rành lắm, nhưng kinh nghiệm của hàng chục năm trời vẫn không giúp cho người ta hiểu rằng những cái cần cẩu xoay xoay tít trên cao kia có thể dội những trận bom sắt và bê tông đích thực xuống dưới phố, vì cần cẩu luôn luôn cần những khối bê tông chặn đằng sau đít cho “cân”. Đứng đợi đèn đỏ, nhiều lúc bạn sẽ giật mình khi nhìn thấy bóng cần cẩu hắt xuống mặt đường, hăm dọa còn hơn những con diều hâu vùng núi.

Và cũng đừng vừa đi vừa ngửa cổ nhìn lên trời (nhất là đừng há miệng). Một là “bọn xấu miệng” sẽ nói bạn là người “mắt đếm lá chân đá ống bơ” (nghĩa là bị dở người), hai là bạn rất dễ bị ve tè vào mặt. Rất nhiều chuyên gia xã hội học đã đau đầu tìm hiểu mà không biết tại sao dân Hà Nội đầu gấu thế mà lại răm rắp tuân thủ luật quy định đội mũ bảo hiểm. Thì tự dưng có một cái cớ khiến người ta không phải mất mặt mà vẫn bảo vệ được từ phía trên đầu, quá là tiện. Đội mũ bảo hiểm rồi, dân phố cổ rất hiên ngang đi qua bên dưới cầu chui kể cả lúc có đoàn tàu chạy qua bên trên. Trước đây, có khi toàn bộ người đi đường dừng cả lại khi xảy ra hiện tượng ấy, vì ai mà biết được từ trên cao kia có thể rơi xuống cái gì vào đầu.

Ai mà biết được cái gì sẽ rơi trúng đầu mình, đó là triết lý sống của người Hà Nội. Ai mà biết được từ trên trời rơi xuống cái gì trúng vào xóm cô đầu Khâm Thiên xưa kia. Ai mà biết sự bất ngờ có thể đáng sợ đến như thế nào.

12 comments:

  1. CÓ PHẢI "Ai mà biết sự bất ngờ có thể đáng sợ đến như thế nào."
    NÊN "người Hà Nội thường ghê gớm, đã thế lại còn nói năng hiểm hóc, vòng vèo, đang rất trơn tru hiền dịu bỗng đâu nảy ra một cái ý gì đó thật là xỏ xiên, mai mỉa, gây choáng váng cho cả những “đầu gấu” của những miền khác." KHÔNG Ạ?
    Hihi,

    ReplyDelete
  2. Đoạn đầu của "Thế người Hà Nội sợ gì?" ngon trớn dịu dàng và Hà Nội. Nhưng càng xuống dưới càng sợ quá cơ :-ss May đoạn kết kéo lại một tí :|

    ReplyDelete
  3. Bạn có một góc nhìn người Hà Nội thật dí dóm nhưng lại thật sâu cay

    ReplyDelete
  4. :(( Chị ơi ,em gốc HN mà chị nói thế em xấu hổ quá. Hixhix. Có phải người HN nào cũng thế đâu mà . Hixhix

    ReplyDelete
  5. hự hự, chị Linh ơi sao chị ngoa ngoắt thế, chị đúng là người Hà Nội điển hình hix hix

    ReplyDelete
    Replies
    1. Với cái từ " Bứng " của chị Linh thì tớ thấy giống người miền Nam hơn. Từ này rất là điển hình. Hehe.

      Delete
  6. Chị.. Linh trả lời em gái Hà Nội đi kìa :D

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tớ là con trai HN và tớ bảo vệ con gái HN kiểu mẫu còn mấy kiểu chị Linh nói là con gái HN kiểu bây giờ.

      Delete
  7. Còn nhiều cái mà người Hà Nội phải sợ nữa cơ, riêng tớ mỗi ngày bước chân ra khỏi nhà đã là một nỗi sợ lớn rồi

    ReplyDelete
  8. Mình thích Nhị Linh của những bài như bài này.

    ReplyDelete
  9. Người Hà Nội sợ rất nhiều chuyện, thế ma` mi`nh sợ người Hà Nội!
    ;-p

    ReplyDelete
  10. Phê và tự phê tốt quá:)

    ReplyDelete