Sep 27, 2012

Những bài học từ sự bộc bạch

Đọc Thế giới những ngày qua, hồi ký của Stefan Zweig mà bản tiếng Việt được ấn hành cách đây chừng mười lăm năm, hẳn nhiều độc giả còn rất nhớ những miêu tả hệ thống trường học hà khắc tại nước Áo mà cậu bé Stefan từng trải qua như cơn ác mộng. Lời bộc bạch của một thị dân của Márai Sándor (Giáp Văn Chung dịch, Nhã Nam & NXB Văn học) càng soi rõ thêm vào kiểu trường học của môi trường Áo-Hung hồi đầu thế kỷ 20. Sau một cơn hoảng loạn tinh thần dẫn tới cuộc bỏ nhà ra đi, cậu bé nhân vật chính bị “hội đồng gia đình quyết định đày […] lên trường nội trú ở Pest” (tr. 178).

Và giai đoạn học nội trú trở thành “những năm tháng cầm tù” (tr. 198), để rồi khi thoát được thì cậu thiếu niên có “những đặc quyền dễ chịu trong gia đình” (tr. 205). Nhưng thoát khỏi nhà tù này thì đã có nhà tù khác, và Márai Sándor dẫn dắt chúng ta đi qua những năm tháng tuổi thơ và tuổi trẻ của một con người luôn luôn cảm thấy bí bách, rất giỏi quan sát thế giới nhưng không thực sự hòa nhập được vào đó. Đặc biệt ông miêu tả rất giỏi “trạng thái váng vất” của tuổi trẻ, khi “tâm hồn thu nhận tiếng vang xào xạo của cuộc đời và phản xạ lại chúng qua một bộ tăng âm nào đó” (tr. 205). Hiếm cuốn sách nào viết về tuổi trẻ với bút pháp mãnh liệt, tràn ứ đến vậy, miêu tả mối quan hệ tuổi trẻ-cuộc đời sâu sắc ở nhiều tầng bậc đến như vậy.

Bởi Lời bộc bạch của một thị dân được viết bằng một giọng văn bậc thầy; bậc thầy văn chương Hungary ấy những năm gần đây đã dần trở nên quen thuộc với độc giả Việt Nam qua những tác phẩm cự phách: Những ngọn nến cháy tàn, Bốn mùa. Trời và đất, rồi Casanova ở Bolzano… Márai Sándor là một trong vài nhà văn Hungary lớn nhất thế kỷ 20 với khối lượng tác phẩm đồ sộ, rất nhiều tiểu thuyết đặc biệt quan trọng, trong đó Lời bộc bạch của một thị dân tái dựng đời sống của một giai đoạn then chốt và phức tạp của lịch sử, trên bình diện một khoảng lớn của cả châu Âu. Márai Sándor từng được so sánh với nhà văn Áo Joseph Roth, tác giả bộ tiểu thuyết vĩ đại Hành khúc Radetsky; với một nhà văn Áo khác là Stefan Zweig ông cũng có nhiều điểm tương đồng, nhất là khả năng đi vào đến tận cùng tâm lý nhân vật, tài miêu tả đầy sinh động và màu sắc, nhuộm trong một không khí bi quan đặc trưng. Cả Stefan Zweig lẫn Márai Sándor đều tự sát khi đã lớn tuổi.

Câu chuyện trong Lời bộc bạch của một thị dân có nhiều điểm trùng với cuộc đời thực của Márai Sándor. Gần 500 trang sách kết thúc sau khi nhân vật trưởng thành, sang sống ở một số nước châu Âu (nhất là Đức và Pháp), chứng kiến thăng và trầm của đời sống vật chất và tinh thần của một châu lục đang tan rã, rồi trở về Hung, với đoạn cuối miêu tả cái chết của ông bố đặc biệt cảm động. Trong đời thực, Márai Sándor cũng sống nhiều năm ở nước ngoài, 28 tuổi mới về Hung bắt tay vào xây dựng sự nghiệp văn chương hiển hách của mình. Cuốn sách miêu tả quá sát nhiều nhân vật có thực, nên nó từng bị kiện và chịu nhiều chỉnh sửa, trong đó không ít đoạn bị cắt đi. Bản tiếng Việt lần này được dịch từ phiên bản đã qua chỉnh sửa, nhưng nếu đọc các phiên bản khác, chẳng hạn bản tiếng Pháp, những đoạn sau này bị cắt vẫn còn, và ta hiểu được tài quan sát con người sắc bén của một nhà văn lớn có thể gây bất an đến thế nào cho các đối tượng của ông, nhất là những người trong gia đình.

Số phận những cuốn tiểu thuyết-tự truyện thường là như vậy. Những lời bộc bạch của Jean-Jacques Rousseau gồm 12 “quyển” mới có bản dịch tiếng Việt gần đây cũng phải chờ sau khi tác giả qua đời mới được ấn hành, và vẫn đụng chạm đến không ít người thực, việc thực. Những nhà văn sắc sảo không nương tay với con người, và con người cũng không mấy nương tay với các nhà văn.

Nhà văn Márai Sándor ấy có những cảm nhận tuyệt vời về văn chương và cuộc đời, chúng được diễn tả nồng nhiệt nhưng cũng hết sức buồn bã. Trong Lời bộc bạch của một thị dân có những đoạn có thể lấy làm bài giảng cho nhà văn hậu thế: “cuộc đời đối với nhà văn là một chất liệu đáng ngờ, chỉ có thể sử dụng nó có chừng mực, một chút nào đó dưới dạng tiêu bản, trong trạng thái đã được xử lý […] Tôi không tin vào các nhà khổ hạnh hay than vãn, những người trốn chạy khỏi cuộc đời; tôi cũng nghi ngờ và chẳng ưa những nhà văn ‘tự nhiên chủ nghĩa’, các nhà văn kiểu ông trùm phường hát Di gan, biểu diễn theo ‘sự mách bảo của con tim’ và ‘mô tả đời sống’ tỉ mỉ đúng như thể cuộc đời cất tiếng… Nhà văn sống và sáng tạo giữa hai ý nguyện ấy, nhọc nhằn” (tr. 239).

Cuộc đời thì ai cũng trải nghiệm, nhưng dường như có những người, chẳng hạn Márai Sándor, có khả năng trải nghiệm cuộc đời lớn và sâu hơn hẳn phần đông nhân loại còn lại.


(có vẻ như Márai Sándor là người đầu tiên viết về văn chương Kafka; từng có lúc Márai lưỡng lự giữa việc viết bằng tiếng Hung hay bằng tiếng Đức)

5 comments:

  1. Hề hề đọc M.Sándor "kỹ" nhể. Ông này đúng là một người tinh tế, trong sạch và u buồn và vì vậy phải tự sát thôi-như nghiệm dúng của bài tóan số phận. Tinh tế, thật đấy, đọc cái đọan ông ta viết về nhận xét và "xếp lọai" con người khi giao tiếp trong "Những ngọn nến cháy tàn" mà coi. Chất lịch lãm chắt từ việc sống một cuộc thật sâu (chứ không phải thật lâu), khả năng quan sát tâm hồn ở cự ly rất gần. Và không ngần ngại sờ mó, nắn bóp, rung lắc tâm hồn con người rất tỉ mỉ như giảo nghiệm tử thi. À, ông A. Chekhov cái món này cũng mả, khàkhà.

    ReplyDelete
    Replies
    1. đoạn trường ai có tên thì mới biết, trải đoạn trường rồi mới hay :p

      tôi rùng mình nhất đoạn Márai miêu tả tâm trạng thằng bé bỏ nhà ra đi, và tâm trạng khi sắp trở về Hung một cách đột ngột, không nguyên cớ rõ ràng, chẳng vì một nỗi nhớ nhà đăm đắm than thở

      Delete
  2. é, mình cũng hâm mộ Marai Sandor . Đấy là văn thở ra từ trải nghiệm thực tế, không cố tình cấu tạo theo thể thức, không tìm kiếm kịch tính mà tự kịch tính đến theo ý nghĩa ẩn sâu của câu chuyện. Đặc biệt, đó là giọng văn tạo ám ảnh và tò mò ghê gớm cho người đọc. Đó là văn kén người đọc nhất mà mình biết :-D

    ReplyDelete
  3. Lời cỏ cây của em đâu?

    ReplyDelete