Mấy tháng hè trời thì nắng rực rỡ nhưng ấy lại chính là mùa chết của sách vở ở Việt Nam. Tại các nước khác sách vở mùa hè vẫn bán được vì anh em và nhất là chị em hay mua sách cầm đi du lịch, nằm trên bãi biển mà đọc. Người Việt Nam cũng đi du lịch nhiều, nhưng ra bãi biển tay bận ăn ghẹ nên hơi bẩn, không đọc sách được.
Nhìn chung cứ đến hè là sách vở ở Việt Nam rơi vào vận bĩ, năm nào cũng thế, nhưng hè năm vừa rồi (2012) thì là bĩ của bĩ :) Dẫu vậy, cũng đã đến lúc phải hết (phúc cho kẻ nhẫn nại), giờ là sách mới nhé:
- Nỗi buồn thời cắp sách, Daniel Pennac, Thi Hoa dịch, NXB Phụ nữ. Pennac xuất hiện ở Việt Nam đã khá nhiều, nhưng thời Bà tiên súng cạc bin và Cô gái trên thị trường văn chương (đại khái loạt truyện gia đình Malaussène với nhân vật trung tâm Benjamin Malaussène) hình như rất ít người biết, giờ chỉ toàn thấy nhắc tới Cún bụi đời, Mắt sói, Như một cuốn tiểu thuyết và vài cuốn khác. Nỗi buồn thời cắp sách (Chagrin d'école) cho biết mẹ tác giả, đã gần trăm tuổi, lúc nào cũng lo ông con đã sáu mươi phải chịu một cuộc sống không ra gì vì học dốt quá.
- Đắm & Những truyện ngắn khác của Mai Sơn, Phương Nam & NXB Hội Nhà văn. Tập truyện của anh Mai Sơn gồm "Đắm đuối" là một truyện vừa đặt ở đầu rồi thêm năm truyện ngắn nữa sau đó, có khung cảnh chủ yếu của một người trải nghiệm đoạn cuối một cuộc chiến tranh và sống sang một thời khác một cách chìm lấp, bình thản nhưng nhiều hoang vắng.
- Đi dọc Hà Nội, Nguyễn Ngọc Tiến, Chibooks & NXB Thời đại. Đùa chứ, không thể ngờ khi viết về Đi ngang Hà Nội lớ quớ thế nào tôi lại đoán trúng "ngang" sẽ phải đi kèm với "dọc". Đời đúng là nhiều khi cũng dễ đoán :p Trong tập này (vẫn có lời giới thiệu của Nguyễn Hòa) có bài viết về một vấn đề mà thanh niên thế hệ chúng ta hẳn rất quan tâm: những hàm răng "tê ta". Đọc quyển này cùng Đốt lò hương cũ của Ngọc Giao sẽ rất tuyệt.
- Phương Đông lướt ngoài cửa sổ, Paul Theroux, Trần Xuân Thủy dịch, Nhã Nam & NXB Thế giới. Nhìn chung ở một nền xuất bản như Việt Nam, sự xuất hiện của một người như Paul Theroux hơi giống với một phép màu, hơi tương tự trường hợp Kapuscinski trước đây (đọc Theroux và Kapuscinski cùng xử lý đề tài châu Phi sẽ thấy những khác biệt vô cùng lớn, nhưng những cách nhìn đơn lẻ ấy bổ sung cho nhau). Phương Đông lướt ngoài cửa sổ là khi Theroux đi khắp châu Á, đến cả Việt Nam, và quả thật nói đến tàu hỏa (xe lửa) là người ta nghĩ đến ngay Orient Express và Trans-siberia.
- Tiểu thời đại của Quách Kính Minh.
Và cuối cùng, tuy không nói rõ ra như ở trường hợp Đi dọc, đi ngang Hà Nội nhưng xin thú nhận là cách đây hơn một năm ngửi một cái là tôi đã đoán được bạn Tư sẽ viết tiểu thuyết. Và quả nhiên là đúng. Chúc mừng.
(ngửi gì thì tôi sẽ không nói :p)
Nỗi buồn thời cắp sách hình như cũng lâu lâu rồi chứ không phải mùa thu năm nay đâu
ReplyDeleteHừm, tôi (hơi) phản đối việc đọc Đi dọc Hà Nội với Đốt lò hương cũ của NG. [Dọc chỉ đi với ngang thôi :d]
ReplyDeleteBác giới thiệu Theroux và Kapuscinski về xử lý đề tài châu Phi hấp dẫn tôi quá. Bữa nào bác viết kĩ hơn nhá?!
thế là chưa đủ nhé, ngoài dọc ngang còn có vòng tròn nữa (5678 bước quanh Hồ Gươm)
ReplyDeletevầng, Theroux có "Dark Star Safari" tức là chuyến đi từ Ai Cập (là châu Phi nhưng chưa phải châu Phi) xuống đến Nam Phi, để tôi phục vụ những người thích đọc về châu Phi :p
(công nhận nhiều "hơi" thật)
Hà hà. Không nhiều "hơi" thì bác ngửi làm sao được?
ReplyDelete(Châu Phi tôi chỉ được đọc các cuốn của M.Coetzee (lâu rồi, cuốn gần nhất thì cũng từ 2008), với lị cuốn Gỗ mun (là gần đây).
vậy thì bác nên đọc "Ba phụ nữ can đảm" của Marie NDiaye, một kiệt tác (ít người hay biết)
ReplyDeleteỜ, tôi quên cuốn này. Đã đọc rồi bác ạ. (Ấn tượng với cái bìa, hình như có bàn tay, nên ít người (bị) thu hút chăng? Đổi thành 3 cái gì đó đặc trưng phụ nữ hơn có lẽ sẽ đắt như tôm tươi đấy :)
ReplyDeleteBản dịch PĐLNCS nhiều "những" quá. Trang 11 có một câu có đến 6 chữ "những".
ReplyDeletethời công nghệ tất tật tay con người rất có khả năng vừa ăn ghẹ vừa chạm hoa trái của niềm đắm say
ReplyDeleteChào bạn, bài viết lâu rồi nhưng giờ mình mới đọc được. Mình đang tìm đọc sách của tác giả Daniel Pennac, không biết bạn có pass lại 2 tựa Bà tiên súng cạc bin và Cô gái trên thị trường văn chương không ạ?
ReplyDeletesao thấy giống mình ghê :)))
DeleteMình vô tình đọc được Cô gái trên thị trường văn chương xong thích đến nỗi đi tìm mua hết sách của Pennac. Nhưng 2 cuốn trên hiếm quá, tìm mãi không được. :)))
DeleteNguyễn Ngọc Tiến viết về HN không thật sự hay, sao lại đặt cạnh Ngọc Giao?
ReplyDelete