Tập thơ “Chấm” của Nguyễn Ngọc Tư, khó khăn nhất là lúc đặt tên. Đặt một cái tên nào vừa miêu tả đúng tinh thần các bài thơ vừa thoát khỏi mọi quy chiếu thông thường về Nguyễn Ngọc Tư, và với tôi còn phải đạt một tiêu chí nữa: cái tên nào để không đọc lên là thấy lồ lộ chất miền Nam miền Tây sông nước dời dợi mênh mang. Không phải vì tôi ghét bỏ phân biệt vùng miền, nhưng thơ là thứ hướng tới chỗ phổ quát chứ không như văn xuôi, nơi “đậm đặc chất miền Tây” là một phẩm tính đặc biệt.
Thoạt tiên, Nguyễn Ngọc Tư đề nghị một cái nhan đề có từ “lẻ”.
sông lẻ một đời giữa đá, buồn không?
(khúc hát rời Nho Quế)
căn phòng lẻ
thênh thang thân xác lẻ
(vẽ giấc trưa)
Nhưng tôi không muốn “lại” có một “lẻ” nữa trong tập hợp nhan đề sách của Nguyễn Ngọc Tư. Nếu mà “Chẵn” thì có khi lại hay. Tất nhiên đó là tôi nói đùa.
khoảng giấy trắng mang nhiều giải nghĩa nhất
(nghĩ quanh từ điển)
đi ngả nào tóc cũng rơi đằng gót
(nuối tóc)
bên sông một người điên vừa tỉnh
hỏi trẻ nghịch nào đem muối rắc lên đầu
(dự cảm)
không thèm chơi cùng dấu hỏi
(cho người thoáng qua trên trang sách)
một kén sâu rơi làm nắng rùng mình
(trà mặn)
Nhưng với riêng tôi, đây là cả một nỗ lực to lớn của Nguyễn Ngọc Tư về xác định các chừng mực.
Chừng mực của chiều cao: núi cao nhưng không chót vót.
sương đơm oằn lá Quạnh
(núi Hiệu Oanh)
Chừng mực của nỗi cô đơn.
say nắng không người lay
(chốn về)
mình có ngôi nhà khép cửa
chưa bao giờ mình mời ai tới đó
(chốn về)
bật bao nhiêu đèn
mở ngần nào cửa
phơi dưới mặt trời
em vẫn là người trong bóng tối
(nhân tình)
không ai neo đèn trên mạng
(sáng chủ nhật)
Chừng mực ở sự lặp lại những ý tưởng mà ta vẫn thường thấy trong thơ ca Việt Nam xưa nay.
tóc rời đi như những cuộc tình đi
(nuối tóc)
ta nghẹt thở nghĩ đường còn xa
(rượu bên đường Mười Bốn)
bùn biết chúng ta đi những bước của riêng mình
(nói với Hảo)
bao đình chùa khói nhang ướt rượt
(mưa tháng Bảy)
mẹ không sợ đâu
đêm nay mẹ không ngủ một mình
(nhật ký mang thai - tháng thứ ba)
Chừng mực vì vẫn kiên quyết ở lại đó mặc dù dùng dằng, mặc dù sự mê hoặc của ngọn núi Hiệu Oanh, của cao thăm thẳm sự hiu quạnh, cách biệt; ở lại giữa chốn nhân gian thùng thình chộn rộn.
xoay ổ khóa không biết đi hay đến
(một bài lạc)
điện thoại câm
như nhân gian âm thầm cài chặt cửa
(chờ điện thoại)
anh mỏi mòn nuốt khói của chính mình
(kịch của hai người)
Xác định một chừng mực, thanh thản và nhẹ nhõm. Nhưng cũng buồn vô hạn.
một người câu một bóng người sũng nước
(phong cảnh Đại Lải)
người đã đi ngả nắng
trời đất cũng chia hai
(tan hội)
Tôi đã đề nghị nhan đề nên là “Ủ ê”; tôi thấy từ này diễn đạt chuẩn xác một khía cạnh quan trọng của tập thơ. Nhưng cuối cùng nó đã là “Chấm”: hình như cái nhan đề này cũng lại là một cách nữa để xác định sự chừng mực.
Tập thơ có 40 bài.
No comments:
Post a Comment