Đo lại văn chương bằng tiểu thuyết
Đến một lúc nào đó, mọi phép đo đều trở thành những phép đo lại. Sẽ có lúc người ta không còn tin vào những kết quả đo lường đã có, và những đầu óc ưa chính xác sẽ nhận ra không thể trông chờ vào những gì có sẵn được nữa. Nhà quý tộc Alexander von Humboldt đi đến những vùng xa xôi nhất, sử dụng những máy móc chính xác nhất của thời đó; Carl Friedrich Gauss, cậu bé nông dân thiên tài, ở lại nhà và tưởng tượng một cách chính xác các khoảng cách, dựa trên các công thức do chính mình tìm ra, và Daniel Kehlmann, người viết nên một câu chuyện kỳ thú với hai nhân vật kể trên, thì đo lại những đoạn tiếp nối giữa văn chương và lịch sử, giữa cuộc đời và tưởng tượng, giữa những con người sở hữu các bộ óc siêu việt và người bình thường chúng ta.
“Phép đo” của nhà văn tuổi ba mươi Daniel Kehlmann dựa trên những đại lượng lớn: lịch sử, khoa học, trí tuệ, sử dụng các công cụ chính: phong cách (hay chính xác hơn là diễn ngôn) lịch sử và khoa học nhìn từ mặt trái, và sự hài hước. Ngay từ đầu sách đã có một câu nói hết sức đáng chú ý của Gauss (nói với con trai Eugen của mình): “Thậm chí một đầu óc như ông, Gauss nói, thật ra nếu vào cái thời hồng hoang của nhân loại hay bên bờ sông Orinoco thì sẽ chẳng làm được trò trống gì, trong khi bất cứ một thằng ngu nào sau hai trăm năm nữa cũng có thể chế nhạo ông hoặc bịa đặt những chuyện phi lý vô liêm sỉ về ông” (tr.11). Khả năng hài hước với chính bản thân mình (vì ta rất có thể, với nhiều lý lẽ, nghĩ rằng Kehlmann đang tự nhận mình là kẻ sống ở “hai trăm năm nữa” mà Gauss nói đến kia) tạo ra một sự tin tưởng đầu tiên (dù rất không có thật) vào tính xác thực của cuốn sách.
Hai cuộc đời “song hành” của Gauss và Humboldt (cuốn tiểu thuyết để nhiều trang viết về Humboldt hơn nhưng người đọc dễ dàng nhận ra sự thiên vị của Kehlmann dành cho Gauss. Căn cứ nhận ra điều đó cũng khá đơn giản, và chỉ cần nhìn vào văn chương: những đoạn về Gauss hay hơn rất nhiều so với những đoạn về Humboldt) được tiểu thuyết gia tìm cách gán cho những điểm nối để có thể gắn kết với nhau trong một cuốn tiểu thuyết. Chẳng hạn như các phép tính vi phân mà cả hai người đều sử dụng thành thạo, chất độc Curare mà Humboldt phát hiện là không làm chết người nếu khi uống mồm miệng không bị sứt, còn Gauss biết là có thể dùng để gây tê, và đã định uống để tự sát khi thư trả lời lời cầu hôn của Johanna chậm đến. Hoặc là vài lần Gauss đọc ký sự của Humboldt đăng trên báo. Nhưng những cái đinh ghim hai cuộc đời đó lại với nhau, thẳng thắn mà nói, vẫn còn rất lỏng lẻo, và trên thực tế hai nhân vật chính của chúng ta chỉ gặp nhau rất ít ở phần đầu và phần cuối truyện. Kehlmann chỉ có thể làm cho cuốn tiểu thuyết của mình “đứng được” nhờ vào một sự nhất quán trong việc vận dụng sự hài hước khéo léo, đúng chỗ, và cách khôi phục lịch sử bằng âm bản. Các đối thoại được viết ở ngôi thứ ba nghe rất lạ tai chính là một trong các chiến lược quan trọng giúp nhà văn thực hiện một thủ thuật nhại phong cách lịch sử vẫn được coi là trung tính.
Trong văn chương hiện đại, người ta đã bắt đầu đưa các vĩ nhân vào tiểu thuyết với tư cách là những nhân vật bình thường. Đã đến lúc các nhà văn không còn quan tâm nhiều đến chuyện dựng lại một chân dung chân thực của các vĩ nhân (một tham vọng xét cho cùng là điều ảo tưởng). Các nhà văn hiện đại thản nhiên “nhúng” các vĩ nhân vào tác phẩm của mình. Trong tiểu thuyết Sự bất tử, Milan Kundera từng để cho Goethe và Hemingway nói với nhau những câu chuyện tầm phào. Đo thế giới, cuốn tiểu thuyết-hài kịch về trí tuệ siêu việt, cũng chính là một giải pháp định vị lại chỗ đứng của những con người kiệt xuất (không tô hồng, và cũng không giải thiêng). Xét về khía cạnh đó, văn chương có một lợi thế to lớn, cái nằm ở trung tâm của nghệ thuật viết: trí tưởng tượng. Đó chính là điều cho phép Kehlmann viết ra những trang nhật ký mà Humboldt chưa bao giờ viết, và Gauss nói những điều không tìm thấy được ở đâu trong các sách tiểu sử truyền thống. Đồng thời, các đại lượng lớn như đã nói ở trên còn cho thấy những gì mà các lý thuyết gia vẫn khăng khăng với chúng ta về sự lên ngôi của những đại lượng nhỏ không hoàn toàn là chính xác. Những cuốn sách gần đây, Hạt cơ bản của Michel Houellebecq, Mùi hương của Patrick Sueskind, hay cả Totem Sói của Khương Nhung… đều chứng tỏ rằng một tác phẩm văn chương lớn, dù cho mọi khẳng định quyền uy, vẫn phải tự mặc định cho mình một tham vọng không nhỏ.
(Đo thế giới, tiểu thuyết của Daniel Kehlmann, nguyên bản Die Vermessung der Welt in năm 1985; Lê Quang dịch, Nhã Nam và NXB Văn học, 2007)
Chính xác, tác phẩm văn chương "lớn" bao giờ cũng gói gém tham vọng lớn (chẳng phải, như có người bảo, Dos muốn thay mặt thượng đế hay sao); nhưng ngược lại thì không chắc :(
ReplyDeletengược lại không chắc, vì ngược lại quá dễ :p
Delete