Oct 4, 2014

Đào Trinh Nhất viết báo

Trong Istanbul, Orhan Pamuk dành rất nhiều trang cho các nhà bỉnh bút chuyên về thành phố Istanbul, nhất là Ahmed Rasim. Các nhà bỉnh bút giữ mục (giữ cột - columnist, hay feuilletonniste) cứ ngày ngày, trong hàng chục năm, viết về đủ thứ trên đời, về những thứ họ nhìn thấy, đọc được hay nghĩ ra. Trong cuốn tiểu thuyết mới, Bảo tàng Ngây thơ của Pamuk cũng có một nhân vật bỉnh bút có biệt hiệu "Cẩm Chướng" gì đó. Các bỉnh bút báo chí, cái loài kỳ quặc ở thời điểm tồn tại, nhiều chục năm sau này ta mới thấy được giá trị của họ, khi mà khung cảnh chung mà họ sống ở trong không còn nữa, hình dung lại vô cùng khó nhọc. Nhất là ta đọc ra ý vị trong những câu chuyện họ kể và ngôn từ họ dùng.

Ở Việt Nam trước đây cũng từng có những nhà bỉnh bút như thế, trong đó Đào Trinh Nhất là một. Ngày nay phần lớn sách của Đào Trinh Nhất đã được in lại, nhưng cái ngòi bút gọn ghẽ và sự châm biếm nhẹ nhàng, bỡn cợt ấy phải tìm trong các bài báo. Đào Trinh Nhất sinh đúng vào năm 1900, con trai của Đào Nguyên Phổ nên dễ dàng có mối quan hệ với Đông Kinh Nghĩa Thục và Phan Chu Trinh, sau này có mười năm làm báo huy hoàng ở Nam Kỳ (1929-1939).

Dưới đây là mấy bài báo Đào Trinh Nhất đăng trong mục "Chuyện thị phi" của tờ Đuốc Nhà Nam, tờ báo tồn tại vào cuối thập niên 20 cho đến giữa thập niên 30. Bút danh của Đào Trinh Nhất cho mục này là Nam Chúc ("chúc" là đuốc, "nam" ý nói nước Nam). Đào Trinh Nhất nói đến vụ toàn quyền Pasquier bị rơi máy bay bỏ mạng đầu năm 1934 và gợi lại một lịch sử đi sứ của Việt Nam. Đặc biệt, Đào Trinh Nhất rất ghét Tàu; tác phẩm đầu tiên của Đào Trinh Nhất tên là Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ xuất bản rất sớm trong đời Đào Trinh Nhất, vào năm 1924; ông cũng đối chiếu kiểu khinh người của dân Tàu với chính sách bài Do Thái của nước Đức thời Hitler (gọi là Hách-lê). Bài báo thứ ba dùng để chế nhạo tờ Công luận, cụ thể hơn là chĩa mũi dùi vào Diệp Văn Kỳ, một nhà báo nổi tiếng thời ấy.

Phát hiện ra Đào Trinh Nhất từng đọc báo Je suis partout, tờ báo cực hữu với yếu nhân là Lucien Rebatet.

nguồn tư liệu: courtesy of THC




Rủi may âu cũng có trời

Ba ông đại biểu kinh tế của ta (có thể gọi tên như vậy được) đã đến Paris bình an từ bữa 18 Janvier, theo như mấy cái tin tức bằng vô tuyến điện bổn báo tiếp được và đã công bố rồi.

Từ bữa thấy cái thảm kịch của chiếc máy bay Emeraude, thì hẳn khắp đồng bào, ai cũng hú hồn hú vía giùm cho ba ông Long, Lân và Sang. Nơi cửa miệng của mỗi người, đều có lời nầy thốt ra:

- Thiệt, đại biểu Việt Nam ta có phước quá. Ấy là cái điều lành cho ta phen nầy cầu cứu nước Pháp được kết quả đây.

Phải, có phước lắm.

Ban đầu tính rằng ba ông đại biểu cùng đi chiếc Emeraude một lượt với quan Toàn quyền Pasquier để tới Paris cho mau, vì là Thượng quốc có lịnh đòi phải đi ngay. Song, lòng trời xui khiến, một là đại biểu dự bị không kịp, hai là ý quan Toàn quyền không muốn đi với đại biểu, thành ra chiếc Emeraude chở ngài đi cất cánh ở Saigon ta bữa 5, còn đại biểu phải lui lại đi chuyến máy bay thường, ở Tân-sơn-nhứt khởi hành sáng bữa 7.

Chỉ vì có chút trắc trở đó mà tánh mạng quý báu của 3 vị đại biểu ta mới toàn, nếu không thì đã ngã với chiếc Emeraude và 10 ông kia ở Corbigny rồi.

Tôi tin rằng trong sự may mắn nầy cũng có thiên tâm chủ định, chớ không phải là một sự may ngẫu nhiên đâu, khoan nói chi là tại số mạng của 3 ông đại biểu còn dài, tôi nói ngay rằng nhờ nơi cái sứ mạng của nước Việt Nam mà 3 ổng mang ở trong mình, nên chi ông trời phải xui khiến cho không đi được chuyến Emeraude, và ngài lại phái thiên binh thần tướng đi bảo hộ dọc đường cho các ổng đi bình yên cho tới Paris đó.

Thiệt vậy, nước Việt Nam mấy lâu đã gặp nghèo mang khổ, trời không cứu được thì thôi, nay nước Việt Nam phái đại biểu qua Thượng quốc trần tình và cầu cứu, không lẽ nào trời không phò hộ cho được. Bữa trước tôi đã đoán rằng Thượng đế phải truyền lịnh cho thần mưa thần gió tạm nghỉ việc, để cho đại biểu đi đường bình an; thế mà khi máy bay chở đại biểu đi ngang miệt Corfou nước Ý có gió bão làm cho chậm trễ mệt nhọc, có lẽ ông thần gió bảo trấn nhậm ở đó trái lịnh Thượng đế, chắc khi hôm nay ổng cũng đã bị cúp lương hay là giáng chức rồi.

Tôi tin rằng ba vị đại biểu có sứ mạng quốc gia trong mình, nên chi được bình an vô sự, là bởi tôi ngó lại lịch sử nước nhà từ xưa đã có kinh nghiệm: xưa nay nước Nam mình không có một cuộc đi sứ nào gặp việc hiểm nghèo bao giờ.

Đời trước, mỗi một trào vua lên ngôi, thì có một phen sai sứ thần qua nước Tàu dâng lễ triều cống và lãnh sắc thọ phong. Xem những bài “Sứ trình nhựt ký” của các cụ ta xưa để lại, thì biết các cụ đi xứ Tàu, thật là trải thiên sơn vạn thủy, thiên hiểm vạn nguy, chớ phải được đi xe hơi tàu thủy như ngày nay sao, thế mà các cụ đi đến nơi, về đến chốn, không hề gặp chuyện hiểm nghèo trắc trở nào hết. Có cụ đêm nằm giữa rừng, mà cọp beo không dám ăn; có cụ đêm vô ngủ nhờ trong miễu thờ Hạng vương, ai cũng bảo là linh lắm, nhưng cụ đề thơ vào vách, mắng nhiếc Hạng vương, thì hồn của Hạng vương hiện lên, cầm dùi đồng vỗ cho cụ sứ thần ta u đầu chạy te rồi thôi, chớ không dám đánh chết.

Lại hồi đời Tự Đức, các cụ Phan Thanh Giản, Ngụy Khắc Đản, đi sứ qua nước Pháp, phải đi bằng tàu buồm mỏng manh và đi biển quanh co lâu lắc biết bao, vậy mà các cụ đi về vô sự đó chi.

Theo sự tin tưởng của ta, hễ ai có mạng nhà vua ở trong mình, tức là có thần linh ủng hộ luôn luôn, cọp đói không dám ăn, bão tố không làm hại; hay dầu có rủi gặp chuyện nguy đi nữa thì cũng qua khỏi như không.

Tôi không biết sự tin tưởng như thế phải hay là không, cũng không biết sứ mạng nhà vua có làm cho cọp kiêng gió sợ hay không, chỉ biết là trong lịch sử ta mấy ngàn năm, trải có mấy trăm phen sứ mạng, mà không phen nào có sự nguy hiểm gì. Ấy là cái hên riêng của nước nhà không chừng…

Nam Chúc


Cái giống khinh người

Tuy người Trung Quốc với người Việt Nam vẫn có chỗ quan hệ mật thiết về chủng tộc, về văn hóa và ngày nay có mật thiết quan hệ về mặt kinh tế mặc lòng; tuy là tôi có cảm tình với nhiều học sanh Tàu hồi còn ở Paris (có mấy người hiện nay làm chức lớn ở Nam Kinh) và ở Saigon đây tôi có nhiều bạn Hoa kiều mà chúng tôi thương yêu kính trọng nhau mặc lòng; nhưng mỗi khi có dịp, tôi không thể nào không than phiền cái cử chỉ khinh người của bà con nòi giống họ.

Dầu nói ra mà họ có giận tôi cũng cam lòng.

Ai cũng biết thuở xưa người Tàu tự xưng là thiên triều, là trung quốc, là hoa hạ, có những nước những người ở đâu khác, họ cũng coi là man di nhung địch hết thảy. Đời xưa họ còn hùng cường, chẳng nói làm chi: đến đời nay họ thua sút thiên hạ muôn vàn, thế mà cái thói khinh người vẫn không chừa bỏ. Với ai, họ cũng gọi là quảy hay chảy; hai tiếng đó tỏ ý khinh khi dữ lắm.

Huê kiều ở đây nương nhờ đất nước ta, đáng lý phải tưởng tình chủng tộc và văn hóa mà đãi ta bình đẳng, thân ái với ta mới phải. Nhưng mà không! Họ biệt lập riêng ra một xã hội; bất cứ chỗ ngồi miếng ăn, cho tới con đĩ, họ cũng cố ý đặt bày phân biệt họ với người bổn xứ ra.

Mấy con đào hát và ăn đêm của họ, họ cấm tiếp rước người Annam. Con gái mình, cô nào đẹp nhứt thì họ thả tiền bạc ra lấy cho bằng được, đẻ ra con cái đều theo quốc tịch của cha, rồi khi họ về Tàu, phần nhiều bỏ vợ con ở lại đất nước nầy bơ vơ nghèo khổ. Tôi nghĩ theo phép lịch sự, ở đời với nhau phải có vay có trả mới được, dầu cho là ái tình nhan sắc cũng vậy.

Đầu nầy con gái của họ đẻ ra, ngay mấy đứa có phân nửa máu Annam ở trong huyết mạch, họ nhứt thiết cấm sự hôn nhơn phối ngẫu với người Annam. Tuồng gì hoa thải hương thừa, là mấy con “phi phi chảy” kia cũng không cho đám con cháu Hồng Bàng Lạc Long nầy rớ tới. Tôi có mấy người bạn qua làm việc ở Thượng Hải, lấy đàn bà Tàu có đẻ con, rồi dắt nhau về đây, bị đồng bào của chị ta chê cười nọ kia, và họ vận động sao không biết, chị ta phải dắt con trở về Tàu mất, làm anh chồng tức quá, muốn đập đầu tự vận mấy lần.

Thương yêu Trung Quốc, kính trọng Huê kiều tôi để một bên lòng, chớ cái tánh của họ khinh khi người ta và quá phân biệt chủng tộc như thế, tôi không thể nào chịu nổi.

Tưởng là trên đời có một giống dân Tàu có máu khinh người vậy thôi, không dè bây giờ lại nảy ra có bọn Hách-lê bên Đức cũng vậy.

Từ ngày bọn Hách-lê lên cầm quyền Đức quốc, tuy có một vài cái chánh sách và thủ đoạn đáng khen mặc lòng, nhưng đến việc họ hành hạ khi rẻ giống người Do Thái, thì dư luận khắp thế giới đều phải bất bình. Họ làm cho dân Do Thái trong nước Đức phải bỏ nước mà trốn đi; ai lỡ kết hôn với đàn bà Do Thái thì nay phải bỏ.

Tin bữa kia nói ở một tỉnh kia bên Đức có một anh chồng kia tự ra tòa án xin đồ vợ, bởi chị vợ nầy có máu Do Thái. Anh ta cho việc hôn nhơn của mình là việc sai lầm bấy lâu, có phạm tới cái tôn chỉ nòi giống trong sạch. Tòa án cho anh ta ly dị liền, và lại nói trong án rằng: “Việc kết hôn ấy khốn nạn và trái với luật tạo hóa”.

Độc giả thử coi họ khinh khi người Do Thái đến nước như vậy có đáng ghét hay không? Sự thiệt, phần nhiều những cái óc khôn tài lớn ở đời nầy, về chánh trị học thuật, mỹ nghệ, lý tài v.v… đều là người Do Thái cả, ai mà không thấy sự đó! Giống dân ấy có phải là giống dân đáng khi đâu.

Huống chi trong đời, không ai nên khi rẻ ai, trái lại phải thân yêu quí trọng lẫn nhau thì mới trông sự yên ổn hòa bình cho được. Nhứt là Huê kiều với người mình cần phải giao thiệp nương dựa nhau, mà họ đối đãi với mình như mấy chuyện trên kia, thật tôi buồn lắm.

Nam Chúc


Làm báo với tây

Người tây đang bảo hộ khai hóa ta, thì cái sự ta làm việc dưới quyền người tây, là một sự rất tự nhiên, mà cũng là một sự bắt buộc vì cảnh ngộ, vì sanh kế, tưởng không còn lạ gì mà phải nói nữa.

Làm việc với tây, có lương bổng nhứt định, có giờ khắc hẳn hòi, cái cảnh “người đi mần việc” đời nay, thế mà sung sướng; chớ không như xưa, quanh năm suốt tháng không có ngày nào là ngày nghỉ ngơi, mà số lương bổng chỉ được một vài thúng gạo với năm ba quan tiền là tốt. Hèn chi nhà cựu học Trần Kế Xương đã phải tiếc mình lớn tuổi rồi không đi học chữ tây được nữa để làm việc tây cho sướng, mà phải phát ra hai câu ngỏ ý than tiếc:

Chi bằng đi học làm thông ký
Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò

Tuy vậy cùng là bọn đi làm việc tây, nhưng trong anh em ta cũng có sự may rủi hơn thua: có người được địa vị cao lương bổng nhiều, có người địa vị thấp lương bổng ít, cũng như người nầy gặp việc sung sướng thảnh thơi, người kia nhằm chỗ nặng nề cực nhọc, không phải ai cũng như nhau.

Nếu có ai hỏi tôi:

- Đi làm công cho tây mà làm việc gì sung sướng hơn hết?

Tôi xin trả lời tức thì, không ngập ngừng chút nào:

- Thưa, làm báo quốc ngữ với ông chủ Tây.

Thiệt, đi làm việc tây mà được làm báo chữ quốc ngữ với ông chủ tây thì sung sướng nhứt hạng trên đời, ai có tu mấy kiếp rồi thì trời phật mới để cho vào chỗ đó.

Sao vậy?

Có lẽ gì khác hơn là ông chủ tây mở báo quốc ngữ, mà ông không biết nửa tiếng Annam, không biết đọc chữ quốc ngữ, thế thì mặc sức mình vẽ rồng vẽ rắn, tha hồ mình nói chuột nói dơi, ông chủ có biết mốc xì gì đâu mà rầy rà mình được. Hễ báo có sụt thì mình cứ đổ riết cho kinh tế khủng hoảng là xong. Hễ có độc giả nào làm dấu những chỗ viết văn bậy dùng chữ lầm, dề cho ông chủ để ý thì mình cứ gân cổ lên mà nói: - Đó là chúng thù ghét kẻ vạch, chớ những chữ tôi dùng đều là tiếng nói của cụ tổ Hồng Bàng tôi và là chữ nghĩa của thánh hiền Khổng Mạnh cả. Nếu có phải là sai lầm, patron có muốn sacrer các cụ ấy tự ý, đâu phải lỗi tôi.

Coi như cái gương ông Diệp Văn Kỳ làm báo Công luận đó thì biết sự làm báo quốc ngữ với chủ tây sung sướng biết mấy.

Tôi phân chứng có độc giả C.L. và trời đất thánh thần biết, có phải mấy tháng rồi, ngày nào ở trương nhứt cũng có lời rao đóng khuôn chữ lớn, nói những là bổn báo sắp đại cải cách, bổn báo sẽ có trợ bút là những danh nhơn nọ, đại gia kia, bổn báo sắp bước vào một kỷ nguyên mới v.v… Ai không nghĩ rằng C.L. sẽ thay đổi mặt mày mới lạ hết.

Tôi xin hỏi độc giả coi C.L. bây giờ có mới lạ cải cách gì không? Chẳng qua họ Diệp khéo nhử độc giả ăn “bánh vẽ” và lừa dối ông chủ Faget để cho qua chuyện mà còn chỗ làm được ngày nào hay ngày ấy đó thôi. Nghĩ coi hô lên đại cải cách giống gì mà tờ báo không ai thấy có chút gì khác xưa, lại còn cúp mất của độc giả mỗi tuần không có phụ trương văn chương và phụ nữ mà đọc nữa.

Chỉ tại ông Faget không biết tiếng Annam và chữ quốc ngữ, thành ra họ Diệp ta mới hô bướng rao càn mà không cải cách cóc khô gì hết. Rõ ràng làm báo quốc ngữ với chủ tây thật sướng. Nếu làm báo với chủ Annam như tôi, mà tôi làm như kiểu họ Diệp, thì ông chủ tôi biết liền, ổng đá đít tôi ra cửa rồi.

Nghe nói ông Faget đã hơi hiểu sự mình bị lừa dối nên mấy lúc nay ông đang rán học chữ quốc ngữ, ổng nói với người ta:

- Để tôi học chữ quốc ngữ cho biết họ có gạt tôi mà nói trời nói đất, vẽ yêu vẽ tinh gì trong tờ báo C.L. nầy [……]


Nam Chúc

hình ảnh: một kỳ Cái án Cao Đài của Đào Trinh Nhất đăng trên Công luận


1 comment:

  1. Bạn có cuốn Chú nhóc ở thành istanbul - Axit Nezin không?

    ReplyDelete