Dec 10, 2014

Patrick Modiano

Hai cửa sổ trổ vào quá khứ - nếu có tồn tại những cửa sổ như vậy - Patrick Modiano luôn luôn chọn cửa sổ hẹp hơn, tối hơn, và có ô kính nhiều vết rạn. Đó là một cái nhìn vào quá khứ rất không đơn giản, nó đòi hỏi những nỗ lực ghê gớm, những nỗ lực rất dài.

Trong Pour que tu ne te perdes pas dans le quartier, cuốn tiểu thuyết mới nhất, Modiano, ở giọng kể của một nhà văn đã già, bỗng có một nhận xét: ta rất không nên đưa một người thân thiết vào tác phẩm của mình, vì khi làm vậy, giống như ta đưa người ấy đi qua một tấm gương, và rồi người ấy sẽ biến mất vĩnh viễn. Mối quan hệ giữa nhà văn và cuốn sách có lẽ giống mối quan hệ của một người với tấm gương soi: rất có thể một ngày, như cô bé Alice, ta bỗng nhận ra rằng tấm gương có thể hút ta vào; đằng sau tấm gương là một thế giới kỳ bí không thể thăm dò. Những gương kính trên cõi đời này, rất không nên đùa với chúng.

Một độc giả nhiều kinh nghiệm với Patrick Modiano khi chuẩn bị đọc Pour que tu ne te perdes pas dans le quartier sẽ hồi hộp xem lần này sẽ là tiếp tục câu chuyện nào trong những câu chuyện chính mà Modiano kể trong suốt gần nửa thế kỷ vừa rồi. Nó không thuộc “dòng” Quảng trường Ngôi sao (và La Ronde de nuit rồi Những đại lộ ngoại vi), không thuộc “dòng” Livret de famille (và kèm với đó là Un pedigree), cũng không thuộc “dòng” Dora Bruder (và kèm với đó là Voyage de noces). Nhưng chắc chắn sẽ có âm vọng của rất nhiều thứ, trong đó âm vọng chính là của “dòng” Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối (và Du plus loin de l’oubli): cuốn tiểu thuyết mới này quay trở lại cái thế giới của những kẻ ham bài bạc của Du plus loin de l’oubli, các sòng bạc tỉnh lẻ và những lối đặt cửa (martingale) đặc biệt.

Cuốn sách mở ra hết sức nhẹ: nó nói đến vết đốt của côn trùng, thoạt tiên gần như không hề cảm thấy, rồi bắt đầu tấy lên, tấy lên mãi. Ký ức cũng thế, thoạt tiên chỉ phớt qua rất nhẹ, rồi rốt cuộc giống như viên tuyết lăn cứ lớn mãi không ngừng: hình ảnh viên tuyết lớn dần lên rất đáng nhớ của thời điểm Roland viết về “những vùng trung tính” trong Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối.

Những gì rất nhẹ và rất nhỏ là căn tính của văn chương. Ta biết rằng cây kim rất nhỏ, nhưng vẫn chưa phải là nhỏ lắm; phải hình dung được mũi kim có thể nhỏ đến đâu, mà như thế vẫn chưa nhỏ lắm; phải hình dung một mũi kim tạo ra những gì nhỏ đến đâu, nhỏ đến cỡ nào thì đó là văn chương. Từ những gì vô cùng nhỏ mới tạo ra một sự nghiệp văn chương đích thực.

Những lặp lại, nhờ một sự kiên nhẫn vô biên, trở thành một yếu tố không thể tách rời khỏi thế giới tiểu thuyết của Patrick Modiano. Modiano, tì trán vào ô kính cửa sổ dõi về quá khứ, luôn luôn thấy mọi thứ mù mờ, từ đó đôi khi vang lên một giọng nói nào tưởng đã quên, hay một số nhà (số 73 như trong Pour que tu ne te perdes pas dans le quartier và cũng số 73 ấy trong Vestiaire de l’enfance), chúng là những “điểm cố định” trong một màn sương mờ ảo: ta rất hay gặp từ “buée” (hơi nước đọng) trong những cuốn sách của Modiano. Một từ nữa, rất giống từ “buée” nhưng có nghĩa khác hẳn: “bouée” - cái phao nổi trên mặt nước; các nhân vật của Modiano khi nào cũng chực rơi xuống nước, xuống vực thẳm hoặc rơi từ cửa sổ, những cái phao ấy nhiều lúc vô cùng cần thiết vì một cụm từ hung hiểm cũng không ngừng lặp lại: “basculer par-dessus bord” (ngã nhào khỏi boong tàu). Các nhân vật, khi ở cùng với ai đó, lại thường xuyên muốn “fausser compagnie” (đi khỏi, để được ở một mình trong cô độc, để đi qua những “quãng hoang vu” hay “quãng trống trải” của tháng ngày).

Đó là một phần của “tự vị modianesque”, hết sức đặc trưng mà ta có thể trông chờ bắt gặp ở bất kỳ trang sách nào trong rất nhiều cuốn tiểu thuyết của Patrick Modiano. Người ta rất dễ nảy sinh ham muốn so sánh văn chương của Modiano với âm nhạc; điều này xét cho cùng rất hợp lý và không có gì lạ, bởi vì bản thân Modiano trong diễn từ nhận giải Nobel Văn chương vừa rồi cũng có một đoạn dài nói đến âm nhạc.

Phố những cửa hiệu u tối trở thành nhan đề cho cuốn tiểu thuyết có lẽ nổi tiếng hơn cả của Patrick Modiano, nhưng nó cũng đã xuất hiện trước đó, cũng chỉ đúng một lần, một chi tiết rất nhỏ, trong một câu chuyện diễn ra ở Rome, câu chuyện này nằm trong Livret de famille, tức là tác phẩm in ngay trước Phố những cửa hiệu u tối đúng một năm (1977 và 1978).

Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối có nhân vật trung tâm là Jacqueline (nhũ danh Delanque, họ chồng Choureau, biệt hiệu Louki - biệt hiệu này được chính Modiano giải thích là lấy cảm hứng từ “Youki”, tên vợ của Robert Desnos, nhà thơ Pháp chết trong trại tập trung, Robert Desnos là tác giả một tác phẩm tên đúng là Quảng trường Ngôi sao tức là nhan đề tác phẩm đầu tay của Modiano nhưng Modiano cho biết ở nhiều nơi và cả trong Dora Bruder là ông không biết từng tồn tại tác phẩm tên như vậy khi in cuốn sách của mình; cái tên “Louki” này thật ra còn nhiều ý nghĩa hơn). Nhân vật Jacqueline này không phải Jacqueline duy nhất của Modiano: trong Du plus loin de l’oubli in trước Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối 11 năm đã có Jacqueline (đầu tiên dính dáng với nhân vật Van Bever) và trong Accident nocture ở quãng giữa của hai cuốn đó cũng có Jacqueline (Beausergent); cái tên Caisley thám tử trong Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối cũng đã xuất hiện trong Du plus loin de l’oubli.

Các chi tiết nhỏ nhặt xuất hiện trong các tiểu thuyết của Modiano luôn luôn không phải là ngẫu nhiên. Văn chương Modiano rất điển hình cho một “sự giản dị đầy cạm bẫy”: Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối là một bài toán đố rất phức tạp, có những chi tiết vô cùng khó xác định ý nghĩa và giá trị, và tất tật ở dưới một văn chương giản dị kinh người, thứ giản dị quái dị của một nhà văn lão luyện; ở đây chỉ nói đến hai điều. Ở Modiano có một điều này, hết sức đối xứng: nhân vật và sự kiện có thật được đưa vào như hư cấu, và những gì hư cấu được làm như là thật, ranh giới giữa sự thực lịch sử và hư cấu cực kỳ khó phân biệt, và “mức độ tinh tế” của Modiano lừng danh như vậy trong suốt nửa thế kỷ qua một phần lớn nhờ vào đặc điểm này; khi đọc Vestiaire de l’enfance, có một bức tượng lấy làm bối cảnh cho nhiều trường đoạn quan trọng, nếu không để ý lắm thì sẽ nghĩ đương nhiên bức tượng có tên người cụ thể thì phải là thực, nhưng tra cứu thì mới thấy hình như bức tượng ấy không hề tồn tại trên đời. Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối là chiều ngược lại: những nhân vật thoáng qua, khách khứa quen thuộc của quán cà phê Le Condé phần lớn là có thực, như kịch tác gia Adamov hay nhà văn Maurice Raphaël; thực chất một tầng khác của Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối là lịch sử đời sống một giai đoạn trí thức Paris đầu thập niên 60, với Tả ngạn và Hữu ngạn sông Seine như hai bên bờ một chiến tuyến, cũng là giai đoạn hoạt động tích cực nhất của Guy Debord (cảm hứng chính của cuốn tiểu thuyết) và phong trào Internationale Situationniste của ông.

Và còn có điểm tinh tế hơn nhiều: khi Jacqueline cố nhớ lại tên cái quán trên phố La Rochefoucauld thì: “Le Rouge Cloître? Chez Dante? Le Canter? Đúng rồi, Le Canter” (tr.85); trong cuốn “tiểu thuyết cặp đôi” với Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lốiDu plus loin de l’oubli, Modiano, với sự quỷ quái của mình, đã chuẩn bị sẵn, ở đó đã xuất hiện tên “phố Dante” nhiều lần. Ta có cái tên Dante, rồi ngay sau đó, “tên đúng” của cái quán, “Le Canter”, một từ hoàn toàn điệp vần và gợi ngay lập tức tới “Enfer” (Địa ngục); câu đề từ của Guy Debord mà Modiano chọn nói đến cảnh đến giữa đường đời (“ở lưng chừng cuộc đời thực sống”), còn La Divina Commedia (Thần khúc) của Dante cũng vậy: mọi thứ bắt đầu ở giữa đường đời (In the middle of the journey of our life…); và bởi vậy, bước qua cánh cửa của quán cà phê thì “hãy bỏ lại mọi hy vọng”.

Trò chơi của Modiano hình như quá mức tinh tế.

Ta có thể lấy Phố những cửa hiệu u tối làm “trục” chính để đi vào thế giới tiểu thuyết của Patrick Modiano. Đó là một tiểu thuyết có dung lượng tương đối nhỏ, nhưng trong tổng thể tác phẩm của Modiano, nó là cuốn sách dài bất thường.

Nó đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp văn chương của Modiano vì hai điều nổi bật: thứ nhất, đây là cuốn sách thực sự mở ra đặc điểm nổi trội nhất trong suy tư của Modiano, là đi tìm “căn cước cá nhân” (identité personnelle), và cũng là cuốn sách “gỡ” Modiano khỏi vai trò nhà văn về Thế chiến thứ hai, nhất là về thời Đức Chiếm đóng Paris (Quảng trường Ngôi sao, cuốn sách đầu tay in vào lúc Modiano mới ngoài hai mươi tuổi rồi ngay tiếp sau đó, La Ronde de nuit về hoạt động của Gestapo Pháp, và nữa, Những đại lộ ngoại vi, dễ làm tên tuổi Modiano dính chắc vào Thế chiến thứ hai).

Nhân vật chính của Phố những cửa hiệu u tối (nhan đề sách lấy từ một chi tiết rất nhỏ, gần như không được để ý trong đống “phích thông tin” hay “tài liệu hành chính”) không thực sự biết mình là ai; không một nhân vật nào trong các tiểu thuyết của Modiano thực sự biết mình là ai, và quá trình tái hình thành căn cước dựa vào hai thứ: điều tra quá khứ (nhất là lục tìm trong hồ sơ lưu trữ hành chính, cảnh sát) và tưởng tượng. “Phương pháp tưởng tượng” cuối cùng lại còn quan trọng hơn cả “phương pháp điều tra”: nhân vật (thường xuyên được đồng hóa với tác giả - nhưng ngay điểm này có thể chính là cái bẫy lớn nhất) của Modiano có thể đi trên một phố vắng và bỗng có cảm giác một ai đó cách đây nhiều năm cũng từng đi qua đây, một chi tiết trong một cuốn tiểu thuyết của Jean Genet (nhà văn từng được Modiano sùng kính như một vị thánh, thuộc lòng nhiều đoạn văn - cả Genet và Modiano đều có một thời niên thiếu khó nhọc và lêu lổng; Genet và cả Modiano đều rất hay viết về những cuộc chạy trốn (fugue) của các cô bé cậu bé) cũng có thể giúp cuộc điều tra căn cước hơn nhiều so với mọi thông tìm thấy được trong hồ sơ cảnh sát.

Thường xuyên, các nhân vật của Modiano rơi vào hoàn cảnh phải đương đầu với quá khứ, vì bỗng gặp lại một người nào, tìm lại được quyển sổ địa chỉ thất lạc, nhìn thấy một bức ảnh hay một cái tên… Không lần nào họ thoát ra tình cảnh ấy một cách hoàn toàn yên ổn, dẫu di chứng của cuộc đối đầu ấy có thể chỉ là một vết chích của lũ côn trùng.

5 comments:

  1. anh có nghĩ Jean Daragane và Annie Astrand là tình nhân ko?

    ReplyDelete
    Replies
    1. bonne question ;)

      Jean Daragane và Annie Astrand trong Pour que tu ne te perdes pas dans le quartier chắc là tình nhân theo kiểu Jean Dekker và Ghita Wattier trong Quartier perdu và rất nhiều cặp như thế nữa, nghĩa là nghĩ thế nào cũng được

      Delete
    2. juste une piqure d'insecte apres tout ;)

      Delete
    3. c'est dur parfois, et on peut imaginer des insectes assez gros ;) cela fait penser et rêver quand même, les "amours" chez Modiano

      Delete
    4. les amours un beau jour disparus dans l'éternel retour :D

      Delete