Hai người đàn bà Canada ấy (Alice Munro và Margaret Atwood)
kể cho chúng ta rất nhiều câu chuyện, một (Munro) chậm rãi trầm lắng và một
(Atwood) sôi nổi nhiều vọng động, cả hai đều rất hay gây cho ta sự điên tiết
vì cứ gỡ mãi không ngừng những lớp vỏ của cuộc sống - những lớp vỏ ấy, đồng ý
đa phần chúng giả dối, nhưng ít ra là đảm bảo một mức độ an toàn nào đó. Đã có
một tiểu thuyết của Margaret Atwood (cuốn này thì mỏng, cảm ơn) được đặt tên là
Surfacing: ngay lúc ấy mọi chuyện đã
rất rõ ràng, rằng bề mặt chẳng là gì so với những gì có ở bên dưới.
Và Atwood hết sức chi tiết, sự kỹ lưỡng ấy càng làm điên tiết
hơn nữa: ở đầu Surfacing có đoạn tả một
cặp chân cô hầu bàn đi đôi tất “rayon stocking” màu cam rất chóe; phụ nữ thường
kinh ngạc và ghi lại những dấu ấn thị giác kiểu như vậy. Tay sát thủ mù (An Lý dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn), kiệt
tác của Margaret Atwood, cũng là một biển chi tiết: quần áo từ nghèo nàn đến
giàu sang rồi tột đỉnh phú quý diễm lệ, lũ con gái nhà quê rồi xã hội giao tế
Toronto rực rỡ trong những bữa tiệc thượng lưu theo phong cách triều đình Hốt Tất
Liệt, chiffon, lông chồn ermine, lông chó sói có viền…
Bối cảnh chính là Cảng Ticonderoga (một cái tên gây điên tiết
vì khó nhớ), với một phần đầu giống như một saga gia đình: từ đời ông bà rồi đến
đời bố mẹ của Iris và Laura, Nhà Máy Cúc một thời hưng thịnh của gia đình Chase.
Iris lúc này đã rất già, sống một mình trong căn nhà nhỏ, đã rất nhiều năm trôi
đi kể từ khi Laura Chase chết, Richard Griffen chết, cả con gái Aimee của Iris
cũng chết từ lâu. Iris lúc còn nhỏ và hồi trẻ nói chung hiện lên khá mờ nhạt, một
tính cách không có gì đặc biệt, không mấy phản kháng (như Laura), xuôi tay đi
vào một cuộc hôn nhân nhiều toan tính. Nhưng bà già Iris thì khủng khiếp và độc
địa.
Đọc Tay sát thủ mù,
ta thấy như đang phải trải qua một đợt điều trị bằng châm cứu. Những mũi kim
châm chốc chốc lại nhói lên. Iris là một bà già không tin tưởng vào điều gì nữa,
mọi thứ đều đáng khinh bỉ: “Nhìn vào gương tôi thấy một bà già; hoặc không phải
già, bởi ngày nay người ta không được phép già
nữa. Cao tuổi vậy” (tr.43); cuộc sống
xung quanh bà nhìn chung là thảm hại, hamburger thì làm bằng mạt thịt, “là thứ
người ta cào khỏi sàn sau khi xẻ bò đông lạnh bằng cưa điện” (tr.44), cửa hàng
bán bánh vòng “gần như tàn tạ là khác, bất chấp vẻ hiện đại nhí nhảnh bên
trong” (tr.79).
Bà già ấy cũng chẳng thực sự tin vào việc mình đang làm (viết
lại câu chuyện đời mình): “Việc gì phải viết lại những câu chuyện u buồn nhường
ấy? Nhưng tôi đã bắt đầu lại rồi, đấy thôi” (tr.90). Cũng không có ý nghĩa thật,
vì bà đã đến thời điểm có thể sụp xuống bất kỳ lúc nào, trở thành một di tích
hoang phế như Nhà Máy Cúc hay ngôi nhà Avilion từng một thời đẹp đẽ: bà già ấy
nhặt mận rụng ăn “và tọng đầy mồm, thịt quả dập chảy nước, vấy đỏ cằm như máu”
(tr.165), giống như một cái xác biết bước đi, và bước đi với những suy nghĩ hết
sức thực tiễn trong đầu: “Nhờ ngày ngày đi dạo tôi đã vẽ trong đầu bản đồ tất cả
các phòng vệ sinh tiện tới ở Cảng Ticonderoga - rất có ích trong trường hợp khẩn
cấp” (tr.79).
Nhưng đúng là bà già thâm hiểm ấy có nhiều chuyện để kể. Những
câu chuyện đuổi bắt những câu chuyện trong Tay
sát thủ mù: kỹ thuật kể chuyện điêu luyện của Margaret Atwood lồng rất khéo
câu chuyện của Iris Chase với cuốn tiểu thuyết đã trở thành rất cult là Tay sát thủ mù (được cho là do Laura Chase viết) - cuốn tiểu thuyết
này viết về một cuộc tình vụng trộm diễn ra ở đủ thứ nhà trọ khách sạn hay nhà
đi mượn; trong những cuộc gặp ấy người đàn ông kể đủ thứ câu chuyện cho người
đàn bà nghe, những câu chuyện theo kiểu fantasy hay sci-fi (ta biết Atwood từng
thể hiện niềm đam mê của mình với thể loại này bằng Chuyện người tùy nữ), một hành tinh tên là Zycron, chiều không gian
khác, tên sát thủ mù tự làm hỏng nhiệm vụ của mình khi cứu mạng cô gái bị đem
làm đồ hiến tế trong ngôi đền thuộc một thành bang trong cơn loạn lạc. Đằng sau
“nhánh truyện” này là khuôn mặt Alex Thomas mà hai chị em Iris và Laura gặp lần
đầu tiên trong buổi picnic hồi Nhà Máy Cúc của gia đình họ còn phồn vinh. Alex
Thomas là người đàn ông có ý nghĩa tuyệt đối trong cuộc đời bi thảm của Laura
Chase, nhưng Alex Thomas cũng có ý nghĩa không nhỏ trong cuộc đời Iris - điều
này thì bà già quái đản kể chuyện để dành đến cuối mới chịu nói - để gây bất ngờ
theo bản năng một người kể chuyện, chắc vậy.
Bà già ấy lại còn bình luận về cuốn sách Tay sát thủ mù: “về phương diện dâm ô nó
đã quá cũ kỹ, ngôn từ tục tĩu thì không còn chữ nào không đầy đường đầy phố
ngày nay, tình dục thì phải đạo như vũ nữ múa quạt” (tr.39); nhiều khi bà cay đắng
chứng kiến cuốn sách đó gây xúc động nhiều như thế, làm cho nhiều người vẫn
“hành hương” đến mộ Laura Chase để thành kính tưởng niệm - có lần bà tận mắt chứng
kiến một người như vậy, và ngay lập tức một ý nghĩ của phù thủy khọm già xấu
tính xuất hiện trong đầu bà: “một cô nghiên cứu sinh tâm thần xúc động nào đó,
hẳn rồi” (tr.175). Bà từng nhận nhiều lời đề nghị hợp tác để nghiên cứu Tay sát thủ mù hay viết tiểu sử Laura
Chase, và đã có lần bà trả lời một lời đề nghị loại ấy theo cách này: “Gửi cô
W: Đây là thư thứ tư của cô nói mãi một chuyện. Đừng quấy rầy tôi nữa. Đồ ký
sinh trùng” (tr.263).
Câu chuyện trong Tay
sát thủ mù (được cho là của Laura Chase) và câu chuyện của bà già Iris cứ
thế đuổi bắt nhau để đi đến đoạn cuối một cuộc đời thảm hại - mà có cuộc đời
nào không thảm hại đâu. Margaret Atwood có biệt tài trong việc miêu tả (thật ra
là lột mặt nạ) những mối quan hệ của phụ nữ: ở Tay sát thủ mù này là mối quan hệ chị dâu em chồng (Iris và
Winifred ăn mặc như con vẹt) và nhất là mối quan hệ giữa chị em gái. Ở một tác
phẩm khác, Cat’s Eye (cuốn này thì rất
dày chứ không mỏng như Surfacing), mối
quan hệ bị đem ra mổ xẻ là giữa bạn gái với nhau thời còn đi học: Elaine Risley
và Cordelia, trong những gì mà ta có thể gọi là “trò bắt nạt của trẻ con”,
nhưng trò trẻ con không vô tội như ta tưởng, vì đã có Atwood chứng minh rằng chẳng
có gì là vô tội.
Và cũng như Surfacing,
Cat’s Eye, Tay sát thủ mù cũng đi theo sơ đồ chung: một người đàn bà đã nhiều
tuổi quay trở lại quá khứ, gỡ đi những vỏ bọc bên ngoài, bắt phải xuất hiện phần
cốt lõi đen tối, thậm chí bẩn thỉu. Iris nhớ lại người cha đi lính về sau Thế
chiến thứ nhất (hai em trai của ông thì tử trận): “Cha tôi đeo mảnh băng đen
che mắt phải. Mắt trái rực lên hiểm độc” (tr.73). Với bà, giới thượng lưu thì bẩn
thỉu, nhưng giới nghệ sĩ (dưới hiện thân của Callista Fitzsimmons) cũng chẳng
hơn gì: Callista và những bạn bè nghệ sĩ của cô “ăn những bữa vội vàng trên cỏ,
đàm luận những khía cạnh vi tế trong Nghệ Thuật, hút thuốc uống rượu và cãi cọ”
(tr.133). Trở về Cảng Ticonderoga sau khi thoát khỏi ngôi nhà của Richard
Griffen, nhìn thấy lại cảnh cũ giờ đã hoang phế, bức ảnh người bà Adelia từng
là biểu tượng của sự tinh tế quý tộc cũng làm Iris có những ý nghĩ báng bổ:
“nét mặt bà giờ đây có vẻ tinh ranh hí hửng, tuy kiềm chế. Rốt cuộc, cháu cá là
bà có mèo mỡ quanh đây, tôi nghĩ với bà. Cháu cá là bà có một cuộc sống thứ
hai. Cháu cá nó nâng đỡ bà sống tiếp” (tr.458).
Đoạn này (hồi tưởng một bữa ăn trong quá khứ tại nhà, khi
người cha còn sống, cũng là lúc cả Richard Griffen nhà tài phiệt và Alex Thomas
nhà hoạt động vì giai cấp cần lao vừa mới xuất hiện trong câu chuyện) rất điển
hình cho cách nhìn và ngôn từ của Iris: “Chị họ Reenie đã quên khăn giấy, khiến
Winifred loay hoay với những ngón tay nhờn mỡ. Tôi hiếu kỳ theo dõi xem chị ta
sẽ liếm hay chùi vào áo, hay có thể là xô pha nhà tôi, nhưng lại nhìn đi chỗ
khác không đúng lúc nên lỡ mất thời điểm. Trực giác mách tôi là xô pha”
(tr.169).
Cách biểu hiện thì khác nhau, nhưng các nhà văn lớn thường rất để tâm tới thời gian. Dường như Margaret Atwood tin rằng có một chiều thời gian khác, và trong Cat’s Eye bà đã nêu lên rằng thời gian không phải là một đường thẳng. Thời gian trong Tay sát thủ mù đáng sợ: thời gian cứ dần dần dâng lên trong ta, chừng nào nó dâng đến mắt thì ta chết.
Cách biểu hiện thì khác nhau, nhưng các nhà văn lớn thường rất để tâm tới thời gian. Dường như Margaret Atwood tin rằng có một chiều thời gian khác, và trong Cat’s Eye bà đã nêu lên rằng thời gian không phải là một đường thẳng. Thời gian trong Tay sát thủ mù đáng sợ: thời gian cứ dần dần dâng lên trong ta, chừng nào nó dâng đến mắt thì ta chết.
Doc cai nay trong luc dang doc Tron Chay cua Alice Munro :3 vay la lai phai mua Sat thu mu roi :(
ReplyDeleteHơi lạc đề nhưng anh còn dùng facebook nữa không ạ? Em follow facebook anh đã lâu mà giờ tìm không thấy nữa.
ReplyDeletekhông, fb nghĩ có thể giữa chừng đổi policy thì chúng ta có thể quit :p
DeleteTừ đầu em đã thấy nhân vật trong Tay sát thủ mù là Iris chứ không thể là Laura được. Và cũng cảm thấy một người như Laura khó có thể thành nhà văn. Đến cuối mới hiểu.
ReplyDeleteBà già Iris nhiều lúc bitchy ra phết :d
Có một chỗ, hình như Iris nhắc đến Aimee và lo cô con gái bị mấy tổ chức Thiên chúa giáo bỏ bùa. Trong Trốn chạy cũng có chuyện mẹ mất con vì thế. Không lẽ đây là vấn đề phổ biến ở Canada?
thì chắc phụ nữ Canada có tên Alice và Margaret thường không ưa tôn giáo ^^
DeleteXin tác giả cho phép em share những dòng này trên trang facebook cá nhân, em sẽ ghi nguồn rõ ràng. Chúc anh mạnh khỏe và an yên
ReplyDelete❤️
ReplyDelete