Tập Phía Guermantes, tập dài nhất của Đi tìm thời gian đã mất, cái tập có thể nói là đọc mãi không hết, bao gồm rất nhiều câu chuyện. Những lung linh vui tươi của hai tập đầu đã bắt đầu bốc hơi, nhường chỗ cho sự nặng nề, chớm những suy sụp: bà của Marcel chết, nhà văn Bergotte chết, Marcel bắt đầu có những nhận thức tơi bời về bệnh tật, mất mát, sự chán nản của đời người. Nhưng cũng ở tập này, Albertine mà Marcel từng gặp ở Balbec trước đó bỗng xuất hiện ở nhà Marcel tại Paris (gia đình Marcel đã chuyển từ Combray lên Paris, ở trong dinh thự nhà Guermantes). Cũng ở tập này, Marcel đã thực sự gặp nữ công tước de Guermantes, trước tiên tại nhà bà hầu tước de Villeparisis rồi sau đó được mời dự tiệc ở nhà Guermantes. Đoạn dưới đây là khi Marcel gặp lại Albertine, nhân vật nữ quan trọng của Đi tìm thời gian đã mất, sẽ là trung tâm của tập 5 và một phần lớn tập 6.
Tôi những muốn, trước khi hôn cô, lại có thể ủ vào cô sự bí ẩn
mà tôi từng thấy ở cô trên bãi biển trước khi quen biết cô, tìm thấy lại ở nơi
cô vùng đất cô từng sống trước đây; ít nhất thay vì thế, nếu không biết được vùng
đất đó, tôi có thể khéo léo gieo rắc tất tật những kỷ niệm về cuộc sống tại
Balbec của chúng tôi, tiếng sóng dội vào bờ bên dưới cửa sổ phòng tôi, tiếng la
hét của lũ trẻ con. Nhưng khi để mặc cho ánh mắt lướt đi trên cái khuôn bầu bầu
màu hồng đẹp đẽ của hai má cô, mà bề mặt hơi uốn cong kết thúc ở chân những nếp
nhấp nhô đầu tiên của mái tóc đẹp màu đen chạy theo những dải vồng náo động,
nâng lên thành những dãy đồi dốc và khuôn những uốn lượn của các thung lũng,
tôi phải tự nhủ: “Rốt cuộc thì, tuy hồi ở Balbec còn chưa làm được, giờ ta sẽ
biết hương vị bông hồng lạ lẫm là cặp má của Albertine. Và bởi trong đời chúng
ta không có nhiều phạm vi mà chúng ta có thể đưa người và vật qua, biết đâu ta sẽ có
thể coi đời mình theo cách nào đó được hoàn tất vào lúc, đã nhấc được khỏi vành
khung xa xăm khuôn mặt tươi như hoa kia mà ta đã lựa chọn, ta mang được nó tới
bình diện mới này, ở nơi đây rốt cuộc ta sẽ được nhận biết khuôn mặt ấy bằng cặp
môi ta.” Tôi tự nhủ điều này bởi vì tôi cho rằng có một cách nhận biết bằng
môi; tôi tự nhủ rằng mình sẽ nhận biết hương vị bông hồng xác thịt này, vì tôi
đã không nghĩ rằng đàn ông, hiển nhiên là thứ tạo vật ít phần sơ khai hơn so với
nhím biển hay thậm chí cá voi, nhưng vẫn thiếu một số bộ phận cốt yếu, và nhất
là không có bộ phận nào dùng để hôn. Để thay thế bộ phận thiếu vắng này có cặp
môi, và nhờ chúng mà có thể đạt tới một kết quả đáng kể hơn so với nếu như phải
mơn trớn người đàn bà yêu dấu của mình bằng một cái ngà làm từ chất sừng. Nhưng
cặp môi, được tạo ra để đưa lên vòm miệng vị của những gì thu hút chúng, buộc
phải, mà không hiểu ra nhầm lẫn và không chịu thú nhận nỗi thất vọng của chúng,
dập dờn trên bề mặt và vấp phải hàng giậu của bờ má rất được thèm muốn nhưng
không thể xâm nhập. Vả lại vào lúc ấy, ở ngay lúc tiếp xúc da thịt, cặp môi,
ngay cả nếu giả dụ chúng trở nên sành sỏi và mang nhiều khả năng hơn, hẳn cũng
sẽ không thể nào nếm náp được nhiều hơn cái vị mà tự nhiên thực sự ngăn cản
chúng nắm bắt lấy, bởi vì ở cái vùng hiu quạnh nơi chúng không thể tìm được dưỡng
chất, chúng phải chịu cô độc, bị cái nhìn và khứu giác bỏ mặc lại từ lâu. Thoạt
tiên trong quá trình miệng tôi bắt đầu tiến lại gần cặp má thì những ánh mắt
tôi trước đó đã đề nghị được hôn, trong khi dịch chuyển chúng nhìn thấy những cặp
má mới; cái cổ coi từ gần hơn, như soi kính lúp, bày ra, trong những nốt hột to
tướng của nó, một vẻ gân guốc làm thay đổi tính cách của khuôn mặt.
Vốn dốt chữ Hán nên đọc đến đây: “Nhưng khi để mặc cho ánh mắt lướt đi trên cái khuôn bầu bầu màu hồng đẹp đẽ của hai má cô...” mới hiểu “hồng diện” nghĩa là sao đấy :”)
ReplyDelete