Jan 11, 2016

Uông Triều và Tưởng tượng & dấu vết

Giờ đây, lúc biết là phải nhìn lại (sự nhìn lại này là một trong những điều tôi ớn nhất đấy, mặc dù cần thiết, ớn đến nỗi vào những thời điểm ấy, tôi toàn phát ốm): tôi phải nói ngay điều này vào thời điểm này, vì đã tới lúc rồi. Tôi phải trả lời một câu hỏi: toàn bộ văn chương Việt Năm dăm bảy năm vừa rồi, sẽ còn lại gì?

Tôi phải làm nhanh, đúng lúc này, vì ngay sau đây tôi sẽ chuyển sang hai vấn đề duy nhất còn lại trong phê bình văn học Việt Nam.

Bất kỳ một con người tinh tế nào (cũng không nhiều lắm) đều hiểu từ giai đoạn vừa rồi, văn chương Việt Nam sẽ gần như tuyệt đối chẳng còn lại gì. Không có gì đâu.

Nhưng như vậy là bình thường. Con người là cái gì khác đây, nếu không phải là một nhà máy sản xuất rác khổng lồ? Không tạo ra được cái gì còn lại thì cũng không thành vấn đề lớn lắm. Vấn đề chỉ còn là xác định cho đúng, cái gì sẽ còn lại. Từ giai đoạn vừa rồi, sẽ chỉ còn lại duy nhất một tác phẩm.

Trước khi tiến hành sự nhìn lại này, tôi đã ngờ ngợ, rồi khi đã thực sự làm, tôi biết chắc là đúng thế. Lựa chọn lại rơi vào tôi rồi, thêm một lần nữa.

Không, tất nhiên không phải tôi muốn nói có cái gì đó tôi viết sẽ còn lại. Tôi ở rất xa toàn bộ câu chuyện này. Mà là: tác phẩm văn chương duy nhất của Việt Nam sẽ còn lại là một cuốn sách từng qua tay tôi, tôi, ở tư cách một editor.

Đó là cuốn tiểu thuyết Tưởng tượng & dấu vết của Uông Triều, đó là đối tượng của post duy nhất tôi từng xóa trên blog này. Tất nhiên, ai cũng sẽ kinh ngạc, vì bản thân tôi cũng thấy kinh ngạc, thấy khó mà tin nổi cơ mà.

Thật ra, tôi chính là người nhận được nhiều bản thảo nhất. Các nhà văn thật ra có flair riêng, họ biết nên giao phó bản thảo cho tôi, chứ không phải ai khác. Toàn bộ câu chuyện này nằm trong cái mà tôi gọi là "hậu trường xuất bản", mà một ý thức về trách nhiệm và ethics đương nhiên ngăn cản tôi nói ra bất kỳ cái gì, mặc dù chỉ cần nói ra thôi thì tôi sẽ cho toàn bộ thế giới thấy được tại sao một số người lại có thái độ hằn học đến như thế với tôi, trong suốt nhiều năm.

Nhưng tôi đâu có cần. Tôi là một editor, nghĩa vụ của tôi là xem các bản thảo gửi đến. Tôi đã từ chối vô số bản thảo (tôi không đứng về phe phá rừng), kể cả những bản thảo từ những người nghĩ rằng một khi họ là bạn tôi thì tôi sẽ phải in sách của họ, tôi đã nói với không ít người là thôi, đừng viết nữa, trong đó một số, sau cơn tức tối ban đầu, hiểu là tôi đúng. Một số người khác thì không hiểu; nhưng trời mới hiểu nổi tại sao họ lại không hiểu.

Ngoài bản thảo của Nguyễn Thúy Hằng (xem ở đây), với văn chương Việt Nam, tôi có những kỷ niệm lớn. Tôi tiếc nuối sâu sắc vì đã không chiến đấu được cho bản thảo duy nhất thực sự thuyết phục được tôi một cách toàn diện, cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Nhật Minh, khi ấy còn học khoa Vật lý ở trường Tổng hợp Hà Nội. Tôi chỉ có một lời bào chữa duy nhất là tôi thực sự đã hết lòng. Thứ hai là Nguyễn Dương Quỳnh: cuốn sách Đỏ tôi chẳng sửa đến một chữ, chỉ sửa chẳnghạn những chỗ như "chẳnghạn" vừa xong, rồi chọn bừa lấy một truyện nữa trong đống bản thảo (nhiều khủng khiếp) in kèm vào, mục đích là để xỏ mũi đám viết bình luận sách ở Việt Nam, và quả thật sau đó tất cả đã bị xỏ mũi.

Khi Uông Triều gửi bản thảo cho tôi, tôi đã suýt vứt đi ngay mà khỏi cần mở ra đọc. Nó mang một cái nhan đề đúng tinh thần Nguyễn Đình Tú, nó lại còn có khoảng một trăm trích đoạn từ không biết bao nhiêu cao thủ văn chương Việt Nam đã đọc bản thảo và viết bình luận.

Rồi tôi đọc, có lẽ chỉ vì tình cờ, vì một lúc nào đó chẳng có gì làm cho vui. Hiếm khi nào có cái gì viết bằng chữ mà làm tôi hoang mang đến như thế. Tôi phải gặp tác giả, cố tìm hiểu xem Uông Triều có thực sự biết mình đã viết những gì không. Đúng như dự đoán của tôi, Uông Triều hoàn toàn không biết.

Sau khi vứt toẹt đống trích dẫn dài mấy trang kia đi, là đến một công trình biên tập khổ ải, từng chữ và từng chữ. Tôi là một editor biết đối xử với từng bản thảo như thế nào. Đỏ tôi không sửa lấy một chữ, nhưng cuốn tiểu thuyết của Uông Triều tôi sửa từng chữ, đòi sửa rất ghê gớm. Nó cần có một nền móng tối thiểu thì mới bắt đầu có thể đứng được.

Gay cấn nhất là cái tên. Tôi bảo Uông Triều, vứt tên cũ đi (cái tên cũ này giờ tôi cũng quên béng cụ thể là gì rồi), cuốn này cần một cái tên cái gì đó và cái gì đó. Rất may là tác giả, chắc sau rất nhiều đấu tranh nội tâm và không ít bực bội, cũng đồng ý. Cuối cùng, nhan đề hiện nay, Tưởng tượng & dấu vết, cái gì đó ở nửa trước là tôi nghĩ ra, cái gì đó ở nửa sau (hai bên dấu &) là sản phẩm của Uông Triều. Cả đến lúc ấy, tôi vẫn không thực sự tự tin.

Nhưng lại thêm một lần nữa: một tác phẩm văn chương đích thực được hình thành từ sự rối bời, từ một sự lệch lạc, từ một cái gì hết sức thiếu cân bằng. Tưởng tượng & dấu vết là một hiện tượng như thế. Nó như thể được hoài thai trong một kẽ nứt của một cái gì đó vô hình, của tâm trí, kẽ nứt ấy mở ra đúng lúc tác giả đang có mặt ở đó: một sự hiện diện thiết yếu. Uông Triều đã được lựa chọn, đúng hơn là bị lựa chọn.

Cuốn tiểu thuyết này sẽ còn tồn tại rất lâu. Việc cho đến giờ vẫn chẳng có ai hiểu nó lại càng khiến tôi hiểu sâu sắc, nó sẽ còn tồn tại rất lâu.

Nhưng, đồng thời, cái gì cũng có hai mặt: Ân Sủng đi kèm với Đòn Trừng Phạt (grâce & malédiction: không phải tự dưng tôi viết ra hai từ không ăn nhập này đâu). Uông Triều bị lựa chọn phải đi con đường khó nhất của văn chương Việt Nam.

Sẽ là một con đường cực khó, cực cô quạnh, cực kỳ điêu tàn. Năm xưa, tôi tình cờ gặp nhà văn Bảo Ninh khi ông mới đọc xong Những kẻ thiện tâm. Bảo Ninh không nói gì khác, ngoài việc ngậm ngùi cho "cái tay Littell", bị dính một đòn quá khủng khiếp. Trường hợp Uông Triều cũng tương tự.

Những điều tôi nói sau đây tất nhiên xuất phát từ tình bạn, nhưng cũng không hẳn là như thế.

Con đường ấy sẽ dài lắm, sẽ vô cùng khó đấy. Nhưng vẫn có một cách, đó là đọc. Vấn đề không phải là đọc nhiều, đọc nhiều không là gì hết, mà vấn đề là đọc đúng, nhưng đọc đúng vẫn chưa là gì, phải biết đọc quái.

Dostoievski chính là thử thách đấy. Phải biết học cách khinh bỉ ông ấy, nghi ngờ ông ấy, không để cho bất kỳ tầm vóc lớn lao nào che mờ mắt. Phải đọc đi đọc lại ông ấy, phải căm phẫn một cách thành thực, phải biết nhìn nhận ông ấy là một kẻ lừa đảo, một tâm hồn đê tiện. Cứ như thế, liền khoảng hai mươi năm, thì có thể. Ông ấy tồn tại ở đó chính là để cho những việc như vậy mà.

Có thể, có thể lắm, bốn mươi năm nữa.

Những chuyện khác thì không quan trọng lắm đâu, sẽ chẳng làm sao. Mà nếu bí quá thì ngay bên cạnh đã có người để hỏi rồi đấy, mọi thứ gì liên quan đến cuộc đời. Chỉ cần hỏi là sẽ có câu trả lời. Chỉ cần đặt đúng câu hỏi.

Còn tôi, xong việc vừa rồi, tôi bắt đầu đi tới chỗ nút cuối cùng mãi mà vẫn chưa mở được của phê bình văn học Việt Nam: Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh.

13 comments:

  1. Thiệp vừa bay vừa kêu hoảng hốt

    ReplyDelete
  2. Lúc em đọc xong Tưởng tượng & dấu vết, ngưỡng mộ Uông Triều nhất ở cách viết dị biệt, nhưng cũng có phần lo rằng nếu tiếp tục con đường ấy thì anh ta sẽ hóa điên vì không chịu nổi con người mình :p

    ReplyDelete
  3. Giới thiệu hay quá, phải tìm đọc thôi.

    ReplyDelete
  4. Anh ơi quyển này giờ mua ở đâu ạ?

    ReplyDelete
  5. Chán thế. Mỗi năm em về Việt Nam được một lần, mà ra hiệu sách thấy những quyển anh khen hầu hết hết. Chứng tỏ rì viu của anh hiệu quả phết :P

    ReplyDelete
  6. ô thế à, khổ thân

    thế để gửi tặng một quyển vậy

    ReplyDelete
  7. Ô thế em là giai có được không anh? Email của anh là gì ạ?

    ReplyDelete
  8. giai thì kể cũng hơi chán, nhưng thôi hôm nay phá lệ

    nhilinhblog@gmail.com

    ReplyDelete
  9. Sương mù tháng giêng UT viết dở như hạch

    ReplyDelete
  10. Nhưng như vậy là bình thường. Con người là cái gì khác đây, nếu không phải là một nhà máy sản xuất rác khổng lồ? Không tạo ra được cái gì còn lại thì cũng không thành vấn đề lớn lắm. Vấn đề chỉ còn là xác định cho đúng, cái gì sẽ còn lại.

    ReplyDelete