Không ai còn xa lạ với "định luật Gresham"; rất có thể trong tất tật các "luật" của kinh tế học, có mỗi cái định luật Gresham này là đúng, chẳng bao giờ sai. Các kinh tế gia hôm nay nói thế này, mai sẽ nói thế khác; từng có ý kiến cho rằng trên đời hai loại người được hưởng đặc quyền, nói láo liên miên (và không bao giờ chớp mắt) nhưng không bao giờ phải chịu trách nhiệm, là thầy bói và kinh tế gia. Nhưng ta sẽ để mặc các nhà kinh tế cho số phận tươi sáng của họ.
"Bắc Kỳ Hà Nội" dường như đã trở thành một danh hiệu lớn, "người Hà Nội" và các khái niệm phái sinh như "giai phố cổ" hay "cao bồi già" thậm chí còn giống như phẩm hạnh kỳ vĩ mà không ít người (những người sống quanh một nơi gọi là "Bờ Hồ" - dân Hà Nội nói "Bờ Hồ" theo một cách rất riêng, không biết những cái tai sành sỏi có nhận ra không) trân trọng và sùng kính đến vô biên.
Tôi chợt nhớ đến một chuyện từng xảy đến với tôi, tại một nơi cách không xa chính cái "Bờ Hồ" ấy.
Nhưng "Bắc Kỳ Hà Nội" là như thế nào? Là mù mờ; đến là phải công nhận rằng để một cái gì đó có một sức mạnh bao trùm, tồn tại thật vững chắc, thì nó càng mù mờ càng tốt, sự mù mờ đảm bảo cho bất kỳ cái gì một vị trí: chúng ta cần huyền thoại. Dẫu vậy, "Bắc Kỳ Hà Nội", nhất là cái phạm trù "đàn ông Hà Nội" vẫn có thể được nhìn nhận, chẳng hạn xem ở kia (đoạn gần cuối ấy).
Rất nhiều nhân vật cứ tưởng mình khôn lắm, nhưng muốn gây ảnh hưởng xã hội (một cụm từ rất buồn cười) mà lại cứ chường mặt ra ở khắp mọi nơi, như thế là ngu xuẩn. Có câu chuyện kể rằng một nhân vật ở Việt Nam nổi tiếng vì một vài "chiến công", sau đó bỗng nhận ra mình có khả năng ca hát, thế là ngày ngày nhân vật ấy sáng sớm đã tắm rửa sạch sẽ, hong người cho thật khô ráo rồi... rồi làm sao? rồi đợi người ta đến mời mình đi hát, hoặc ít nhất cũng đợi nhà báo đến để phỏng vấn. Giới trí thức ở đây cũng giống vậy, ngày ngày đợi được báo chí phỏng vấn, sẵn sàng lên báo vì những điều giẻ rách nhất, ví dụ như lên báo nói về tình yêu. Mà lại còn kém nhân vật thích ca hát, vì dường như tắm rửa không sạch sẽ lắm, lại còn không chịu hong khô người.
Hôm ấy, xế trưa muộn, tôi vào một quán ăn (không xa Bờ Hồ, như đã nói). Tôi không đặc biệt thích quán ăn này, nhưng thỉnh thoảng cũng đến đó, vì tiện đường, đôi khi, và cũng vì nếu đến đó vào buổi trưa muộn, thường xuyên có dăm bảy cô gái thuộc một "tầng cầu xã hội lấp lửng" khó đoán biết, mà Balzac rất thích đưa thành nhân vật trong các tiểu thuyết của mình. Đối với người khác đó là bữa trưa, thì đối với họ, những người sống theo phương châm "phố lên đèn là em lên đồ" (chính những cô gái ấy lên báo mà nói chuyện về "tình yêu" thì chắc chắn hấp dẫn hơn nhiều mấy thể loại trí thức mặt mụn), mới chỉ là bữa sáng.
Tôi thích nhìn họ, trong vòng một quãng thời gian ngắn, ăn uống. Sự ăn uống vào lúc xế trưa muộn đối với một số người, chẳng hạn như họ, là một hoạt động thiêng liêng, họ cần lấy lại sức sau một đêm dài và chuẩn bị sức lực cho một đêm mới rất có thể cũng sẽ dài không kém. Đặc biệt có lần, tại quán ăn gần Bờ Hồ đó, nằm trên một phố sầm uất kinh người của Hà Nội, tôi chứng kiến hai nhân vật có thể gọi là người quen đút cho nhau ăn; hôm ấy, tôi cố thu mình thật nhỏ để khỏi bị trông thấy, và sau đó tận dụng lúc nhốn nháo đi ra khỏi đó.
Nói chung, một quán ăn nhỏ tại Hà Nội luôn luôn giàu tiềm năng kịch tính. Một hôm, tôi ra cửa và trả tiền. Mấy người phục vụ đã chuẩn bị nhận tiền và trả lại tiền thừa, thì bà chủ bỗng ngủ trưa vừa dậy từ trong loẹt quẹt đi ra; bà chủ đã ra thì đương nhiên công tác thu ngân sẽ do bà phụ trách, điều đó không có gì phải bàn cãi.
Bà chủ nói ngay với tôi là đổi cho tờ tiền khác. Tôi nhìn xuống tờ tiền vừa mới đưa, trông nó hơi cũ thật nhưng không hề tệ, không quá mức tệ, bất kỳ người bán hàng nào khác cũng sẽ nhận nó mà không có ý kiến gì, bản thân tôi khi đưa nó cũng không hề để ý, vì nó không có gì đáng chú ý; cùng lúc ấy, tôi hiểu ngay là "định luật Gresham" quả thật chi phối đông đảo quần chúng, kể cả những người hẳn không hề biết đến nó.
Rất đơn giản, "định luật" ấy nói rằng tiền xấu sẽ đuổi tiền tốt ra khỏi lưu thông. Nghĩa là, người ta sẽ chăm chăm đẩy đi những tờ tiền (hoặc đồng xu) cũ và xấu, giữ lại những tiền đẹp. Kết quả là trong lưu thông sẽ chủ yếu là tiền cũ và xấu, chúng sẽ càng nhanh chóng trở nên cũ và xấu hơn, bởi vì không ai muốn giữ chúng. Đây là một vấn đề của kinh tế học (và "hiện đại"), nhưng Aristophane từ thời Hy Lạp cổ đại đã hiểu nguyên lý của nó và viết kịch dựa trên đó.
Đại khái là con người ta tuân theo rất nhiều điều mà bản thân họ cũng không biết tại sao. Bản thân tôi hoàn toàn cũng, một cách "vô thức", có thể đã chọn tờ tiền xấu nhất trong những tờ tiền mà tôi có (dẫu đúng là tờ tiền ấy không hề quá tệ).
Thời điểm ấy, một cuộc đấu tranh không nhỏ nổ ra trong tôi: tôi khinh bỉ bọn khăng khăng "Bắc Kỳ Hà Nội", tôi tởm bọn "giai phố cổ", bản chất của chúng là đê tiện và hèn nhát; và trong đời, một điều mà tôi tự thấy nhất thiết phải làm chính là thoát càng xa càng tốt khỏi những cái đó, bầu không khí ấy, tiêu diệt được luôn đi thì càng tốt. Nhưng ở thời điểm có một tờ tiền nằm giữa tôi và một chủ quán ăn nằm không xa Bờ Hồ, tính chất mà tôi rất muốn bài trừ trỗi dậy khủng khiếp, nó mạnh hơn tôi, Gresham cũng chẳng làm gì được.
Tôi đổi ngay một tờ tiền khác, cố chọn cho thật đẹp. Tất nhiên nó được nhận về không chút khằn khò nào, sau đó bà chủ (chắc người Đan Phượng, tôi cũng không chắc lắm nhưng tôi cho là tôi nghĩ đúng) trả lại tiền thừa cho tôi, ba tờ tiền mệnh giá nhỏ.
Chính xác là thời điểm "Bắc Kỳ Hà Nội" đã đến, cơ hội đã bày ra. Không lên giọng, không đổi một chút sắc thái nào trong nét mặt cũng như cử chỉ, tôi đưa lại một trong ba tờ tiền vừa nhận, và nói: "Đổi tờ này".
Tất nhiên tờ tiền ấy không quá tệ, cũng như tờ tiền ban đầu của tôi. Và tất nhiên, mấy người phục vụ đang ở xung quanh (đó là thời điểm xế trưa muộn) sững lại trong việc mà họ đang làm dở, rửa bát, dọn bàn, quét nhà, etc. Có một cái gì căng thẳng lơ lửng trong không khí. Bà chủ cắm cúi lục, lấy ra một tờ tiền rất mới, đưa cho tôi, tất nhiên là không nói gì.
Tôi rút tờ thứ hai trong số ba tờ đã nhận, nói đúng như cũ: "Đổi tờ này". Sự căng thẳng tăng đến mức độ đặc quánh.
Nhận lại tờ thứ hai từ tay bà chủ (rất tiếc là do quá căng thẳng nên bà chủ không cất tiếng nói, để tôi có thể xác nhận tính chất Đan Phượng ở bà - riêng về khía cạnh này, tôi xin nói là tôi không hoàn toàn chắc chắn). Và lúc này là sự lựa chọn: nếu tiếp tục nốt tờ tiền thứ ba, một cái gì đó chắc chắn sẽ bùng nổ. Vả lại, tôi đã qua cơn "Bắc Kỳ Hà Nội" vừa bất chợt bùng lên.
Tôi nhận tờ tiền mới được đổi, đút vào túi cùng hai tờ trước đó, đi khỏi quán ăn nhỏ không xa Bờ Hồ. Gresham thở phào.
Có một cái phố với tên hiểm nghèo vậy luôn hả bác?
ReplyDeleteHà Nội có phố Hàng Lọng thật mà, điều đó chắc không ai không biết, phố nổi tiếng là đằng khác
ReplyDeletexét cho cùng, Long với Lon thì khác gì nhau?
có cái phố đó. mồ ma một ông rất đáng kính ở Vụ Đại học có hôm bảo: đi lên đấy đi, ờ, cái phố đầu đội Hàng Lọng chân đạp Lê nin ấy.
ReplyDeletenhững "huyền thoại" của "thời bao cấp" cả.
trước đó thì, xem trong cái kho trước '54 của NL xem nhỉ. rất nghi là chẳng làm gì có giai có cao bồi í.
bà chủ quán Đan "Mạch" là thế hệ n kể từ thế hệ khi đoàn quân tiến về v sau sửa sai cc.
Tôi không ngặt được mồm nữa rồi
ReplyDeletebài này nên vào top 3 tiện bút 2017 trên blog này, vì quá dữ dội và chân thực
ReplyDeleteHaha đến Aziz Nesin cũng thua thầy, thầy ơi!
ReplyDeleteơ, thực sự tôi có thấy buồn cười đâu
ReplyDeleteEm nghĩ mình may mắn vì giữa một biển blog mà tìm ra và được đọc blog thầy. Mới có 2 năm, nhưng thầy không biết là em đã nhận được từ đây nhiều bài học về nhiều thứ, nhất là việc "Đọc" lớn cỡ nào đâu.
ReplyDeletetôi xin quỳ lạy
ReplyDeletecái gì, hai năm rồi, thế mà so sánh lại cứ "Aziz Nesin" và nói năng cái kiểu "cũng thua" í hả?
ReplyDeletevới cả, đừng có gọi tôi là thầy
Bạch thầy! Trò dở :(
DeleteThầy kiên nhẫn chờ em hứa em sẽ dần dần đẹp lên
không thầy trò gì hết, còn nói năng như thế một lần nữa là vào spam luôn đấy
ReplyDeleteanw, nhớ hong người cho khô, rất quan trọng
Đọc đoạn cuối thấy đúng là anh, em đã phải search lại bài này dưới trên đại ý mà em còn nhớ:"Lòng tốt nằm ở chỗ những kẻ hoàn toàn biết rằng mình có thể và đủ sức làm điều xấu (thậm chí làm điều xấu còn rất vui), nhưng đã không làm."
ReplyDeletehttp://nhilinhblog.blogspot.com/2012/09/tuoi-tho.html
CÁi này không phải tiện bút mà là tuyệt bút bác ơi
ReplyDeletetôi rất hy vọng rồi đây Hà nội sẽ có một phố tên là "Hàng Lon" thật, một cái tên hay và ý nghĩa như vậy có lẽ là nên có
ReplyDeletehay
ReplyDelete''Hôm ấy, xế trưa muộn, tôi vào một quán ăn (không xa Bờ Hồ, như đã nói). ''
ReplyDeleteĐợi để nghe có j vào hôm ấy mà không thấy.
Sau lại được nghe: 'Một hôm, tôi ra cửa và trả tiền''.
Còn lại thì rất hay.
cô giáo dạy văn trường tiểu học phố Hàng Lon à?
ReplyDelete