May 7, 2018

Simone Weil: Nặng và Thanh

Mới chỉ có hai nữ triết gia: một là Simone Weil (xem thêm ở kia), người thứ hai không phải Arendt (ở Việt Nam có một nhân vật ra sức thổi phồng Arendt, nhưng Arendt là con búp bê hỏng của Martin Heidegger), không phải Beauvoir, cũng không phải Kristeva nốt.

NB. Nhan đề cuốn sách của Weil, La Pesanteur et la Grâce: từ thứ hai còn có nghĩa là "ân sủng".





Nặng và thanh


Tất thảy chuyển động tự nhiên của tâm hồn được điều hành bởi các luật tương đồng với các luật của sự nặng vật chất. Chỉ sự thanh là ngoại lệ.


Lúc nào cũng phải trông đợi rằng mọi vật diễn ra phù hợp với sự nặng, ngoại trừ can thiệp của cái siêu nhiên.


Hai lực ngự trị vũ trụ: ánh sáng và sự nặng.


Nặng. - Theo đường lối chung, những gì ta chờ đợi từ những người khác được xác định bằng các hiệu ứng của sự nặng bên trong chúng ta; những gì ta nhận từ họ được xác định bởi các hiệu ứng của sự nặng ở bên trong họ. Đôi khi hai cái đó trùng hợp (vì tình cờ), thường thì không.


Tại sao ngay lúc một con người nhận ra là anh ta cần, ít hay nhiều, một người khác, thì người đó đi xa mất? Sự nặng.


Lear, bi kịch về sự nặng. Toàn bộ những gì mà người ta gọi bằng cái tên thấp kém đều là một hiện tượng của sự nặng. Vả lại từ thấp kém chỉ ra điều đó.


Đối tượng của một hành động và mức của năng lượng nuôi dưỡng nó, hai điều phân biệt với nhau.

Cần phải làm một điều kia. Nhưng lấy năng lượng từ đâu? Một hành động đức hạnh có thể hạ thấp nếu thiếu mất năng lượng có sẵn ở cùng mức.


Cái thấp và cái hời hợt ở cùng mức với nhau. Nó yêu một cách dữ dội nhưng thấp kém: câu khả dĩ. Nó yêu một cách sâu sắc nhưng thấp kém: câu bất khả.


Nếu đúng thật cùng một nỗi đau khó chịu đựng bởi một mục tiêu cao hơn so với bởi một mục tiêu thấp (những người đứng đó, bất động, từ một đến tám giờ sáng để mua một quả trứng, hẳn sẽ khó lòng làm việc ấy nhằm cứu một mạng người), thì một đức hạnh thấp có lẽ ở một số phương diện thì tốt hơn cho việc kinh qua những khó nhọc, những cám dỗ và những bất hạnh hơn so với một đức hạnh cao. Lính tráng của Napoléon. Từ đó mà có việc sử dụng sự tàn nhẫn với mục đích giữ hay nâng tinh thần của lính. Đừng quên điều này trong tương quan với suy yếu.

Đó là một trường hợp đặc biệt của luật thông thường đặt sức mạnh về phía sự thấp kém. Sự nặng giống như là một biểu tượng cho điều này.


Những hàng dài người đợi lấy thực phẩm. Cùng một hành động là dễ dàng hơn nếu động cơ thấp, so với nếu nó cao. Các động cơ thấp thì chứa đựng nhiều năng lượng hơn các động cơ cao. Bài toán: làm sao để chuyển sang cho các động cơ cao năng lượng dồn cho những động cơ thấp?


Đừng quên rằng vào một số thời điểm khi tôi bị đau đầu, lúc cơn đau tăng mức độ, tôi từng có ham muốn rất lớn là làm đau một con người khác, đánh người đó vào đúng chỗ ấy ở trên trán.

Những ham muốn tương tự, rất thường, nơi con người.

Nhiều lần, trong tình trạng đó, ít nhất tôi đã chịu thua trước cám dỗ nói ra những lời gây tổn thương. Tuân theo sự nặng. Tội lỗi lớn nhất. Bằng cách đó ta làm băng hoại chức năng của ngôn ngữ, thứ ở đó để diễn đạt những tương quan của các vật.


Tư thế của cầu xin: nhất thiết tôi phải ngoảnh nhìn về cái khác chứ không phải bản thân tôi, vì vấn đề nằm ở chỗ thoát ra khỏi chính mình.

Toan tính thực hiện sự giải thoát này với phương tiện là năng lượng của chính tôi, hẳn sẽ giống một con bò cái kéo giật sợi dây buộc rồi bởi vậy mà ngã khuỵu gối xuống.

Khi ấy người ta giải phóng ở bên trong mình năng lượng nhờ một bạo lực làm nó giảm mức thêm nữa. Bù trừ hiểu theo nghĩa khí động học, vòng tròn hỗn loạn mà người ta chỉ có thể được giải thoát từ trên cao.

Con người có nguồn năng lượng đạo đức ở bên ngoài, như năng lượng vật lý (sự thối rữa, sự hô hấp). Thường anh ta tìm được nó, và chính vì thế anh ta có ảo tưởng - cũng như ở vật lý - rằng hữu thể của anh ta mang bên trong nó nguyên tắc cho sinh tồn của anh ta. Chỉ sự tước bỏ khiến cảm thấy nhu cầu. Và, ở trường hợp tước bỏ, anh ta không thể tự ngăn mình ngoảnh mặt về hướng bất kỳ cái gì có khả năng bốc cháy.

Chỉ có độc một phương thuốc cho điều đó: một thứ diệp lục cho phép lấy dưỡng chất từ ánh sáng.

Đừng phán xét. Mọi lỗi lầm đều ngang bằng với nhau. Chỉ có độc một lỗi lầm: không có khả năng tự nuôi dưỡng bằng ánh sáng. Bởi năng lực này đã bị loại bỏ, mọi lỗi lầm đều là khả dĩ.

“Dưỡng chất của tôi là thực hiện ý chí của Người gửi tôi đến.”

Chẳng có tài sản nào khác ngoài năng lực ấy.


Đi xuống bằng một chuyển động nơi sự nặng không hề góp phần… Sự nặng khiến đi xuống, cánh khiến đi lên: cánh nào ở mức lũy thừa hai có thể khiến đi xuống mà không có sự nặng đây?


Sáng tạo được thực hiện từ chuyển động xuống của sự nặng, từ chuyển động lên của sự thanh và từ chuyển động xuống của sự thanh ở lũy thừa hai.


Sự thanh, đó là luật của chuyển động xuống.


Hạ xuống, đó là đi lên đối với sự nặng thuộc đạo đức. Sự nặng thuộc đạo đức làm chúng ta ngã về phía cao.


Một nỗi bất hạnh quá lớn đặt một con người bên dưới lòng thương hại: kinh tởm, hãi hùng và khinh bỉ.

Thương hại thì đi xuống đến một mức nào đó, chứ không phải bên dưới. Làm thế nào mà lòng từ bi xuống được bên dưới?

Những ai đã ngã quá thấp có tự thương hại bản thân mình hay không?




Rỗng và bù


Cơ học con người. Bất kỳ ai đau khổ cũng tìm cách truyền giao nỗi đau khổ của mình - hoặc bằng cách xử tệ, hoặc bằng cách khơi gợi lòng thương hại - nhằm giảm bớt nó đi, và anh ta thực sự giảm được nó đi bằng cách đó. Người nào ở thật thấp, mà chẳng ai động lòng thương, không có quyền lực xử tệ bất kỳ người nào khác (nếu anh ta không có con hay người nào đó yêu anh ta), nỗi đau của anh ta ở lại bên trong anh ta và đầu độc anh ta.

Cái đó cũng cấp bách như sự nặng. Làm thế nào mà người ta có thể giải thoát khỏi đó? Làm thế nào người ta giải thoát được khỏi những gì giống sự nặng?


Khuynh hướng lan tràn cái ác ra ngoài chính mình: nó vẫn còn nơi tôi! Những người và những vật đối với tôi không đủ mức thiêng liêng. Tôi có thể nào không vấy bẩn gì, khi hẳn là tôi bị chuyển hóa hoàn toàn thành bùn. Không vấy bẩn gì ngay cả trong suy nghĩ của tôi. Ngay cả vào những khoảnh khắc tồi tệ nhất tôi cũng sẽ không tàn phá một bức tượng Hy Lạp hoặc một bức tranh kính của Giotto. Vậy thì tại sao lại là một thứ khác? Tại sao chẳng hạn một giây phút trong đời một con người hẳn có thể là một giây phút hạnh phúc?


Chẳng thể nào tha thứ cho người làm điều ác với chúng ta, nếu điều ác đó hạ thấp chúng ta. Phải nghĩ rằng người đó đã không hạ thấp chúng ta, mà hé lộ mức đúng của chúng ta.


Ham muốn được chứng kiến kẻ khác chịu đau đớn đúng như ta đau đớn, một cách chuẩn xác. Chính vì thế, trừ trong các giai đoạn bất ổn xã hội, những căm hờn của người khốn cùng nhắm vào những ai giống họ.

Đây là một thành tố của bình ổn xã hội.


Khuynh hướng lan tràn nỗi đau khổ ra bên ngoài bản thân mình. Nếu, do yếu ớt quá mức, người ta không thể cả khơi gợi lòng thương hại lẫn làm điều ác với kẻ khác, người ta làm điều ác với biểu hiện của vũ trụ bên trong chính mình.

Mọi thứ đẹp và tốt khi ấy giống một lời sỉ nhục.



Làm điều ác với người khác nghĩa là nhận từ người ấy cái gì đó. Cái gì? Ta đã được gì (và rồi sẽ phải trả lại) khi làm điều ác? Ta đã tự tưởng. Ta loãng ra. Ta lấp đầy một sự rỗng trong mình bằng cách tạo ra nó nơi người khác.

Có thể làm điều ác với người khác mà không bị trừng phạt - chẳng hạn chuyển sự giận dữ của mình lên một người dưới và người đó buộc phải im lặng - cũng là thoát khỏi một sự tiêu tốn năng lượng, sự tiêu tốn mà người kia phải lãnh trách. Cũng vậy đối với sự thỏa mãn không hợp thức một ham muốn nào đó. Năng lượng mà ta tiết kiệm được bằng cách ấy sẽ ngay tắp lự giảm mức.


Tha thứ. Ta đâu có thể. Khi một ai đó đã làm điều ác với ta, bên trong chúng ta sinh ra các phản ứng. Ham muốn trả thù là một ham muốn về cân bằng cốt tử. Tìm cân bằng trên một bình diện khác. Cần phải tự mình đi cho tới giới hạn đó. Ở đấy ta chạm sự rỗng. (Hãy tự giúp mình, rồi trời sẽ giúp…)


Những cơn đau đầu. Vào lúc đó: đau giảm đi bằng cách phóng nó vào vũ trụ, nhưng vũ trụ bị biến đổi; đau mạnh hơn, vào lúc được đưa trở về chỗ cũ, nhưng cái gì đó bên trong tôi không đau và vẫn giữ liên lạc với một vũ trụ không bị biến đổi. Hành động một cách tương tự với các dục vọng. Làm chúng đi xuống, đưa chúng trở lại một điểm, và không quan tâm đến chúng nữa. Xử lý theo cách ấy nhất là mọi nỗi đau. Ngăn chúng tiến lại gần các vật.


Tìm kiếm cân bằng là xấu vì nó có tính cách tưởng tượng. Sự trả thù. Dẫu quả thật ta giết hay tra tấn kẻ thù của mình thì, theo một nghĩa, cũng là tưởng tượng.


Con người từng sống cho thành phố của anh ta, gia đình của anh ta, bạn bè của anh ta, để làm giàu, để làm tăng tiến vị thế xã hội của anh ta, v.v… - một cuộc chiến tranh, và thế là người ta đưa anh ta đi, làm nô lệ, và ngay khi ấy, vĩnh viễn, anh ta phải tự rút kiệt cho đến giới hạn cực điểm những sức lực của mình, đơn thuần để tồn tại.

Cái đó là gớm ghê, bất khả, và chính bởi vậy không cứu cánh nào dẫu thảm hại tới đâu xuất hiện trước anh ta mà anh ta không bám chặt lấy, cho dù đó là khiến người nô lệ làm việc bên cạnh anh ta bị trừng phạt. Anh ta không còn có lựa chọn về các cứu cánh. Chẳng cứu cánh nào giống một cành cây đối với người đang chết đuối.


Những ai mà thành phố đã bị phá hủy rồi bị đem đi trong kiếp nô lệ không còn cả quá khứ lẫn tương lai: họ có thể dùng đối tượng nào để lấp cho đầy suy nghĩ đây? Những lời nói dối và những thèm khát nhỏ nhặt nhất, thảm thê nhất, có lẽ sẵn sàng trong việc mạo hiểm đóng đinh câu rút nhằm ăn cắp một con gà, còn hơn so với chết trong chiến đấu để bảo vệ thành phố của họ, trước đây. Thậm chí còn chắc chắn, hoặc giả những khổ hình gớm ghê kia là không cần thiết.

Hoặc giả đã cần phải chịu đựng sự rỗng trong suy nghĩ.

Nhằm có được sức lực để chiêm ngưỡng nỗi bất hạnh khi mà ta bất hạnh, cần đến thứ bánh mì siêu nhiên.


Cơ chế qua đó một hoàn cảnh quá nhọc nhằn hạ thấp nằm ở chỗ năng lượng cung cấp bởi các tình cảm cao thì - thường là vậy - bị giới hạn; nếu hoàn cảnh đòi ta đi quá giới hạn đó, cần phải viện đến những tình cảm thấp (sợ, thèm, thích kỷ lục, những vinh dự bên ngoài) phong phú hơn về năng lượng.

Sự giới hạn ấy chính là chìa khóa cho nhiều trở mặt.


Bi kịch của những ai, từng được nhấc bổng bởi tình yêu cái thiện, trên một con đường phải chịu nhiều đau đớn, sau một khoảng thời gian nhất định thì đạt tới giới hạn của họ và trở nên xấu xa.


Tảng đá trên đường. Lao vào tảng đá, như thể, kể từ một mức cường độ của ham muốn nào đó, nó phải không tồn tại nữa. Hoặc bỏ đi như thể chính ta không tồn tại.

Ham muốn nhốt kín cái tuyệt đối và nếu nó thất bại (chừng nào năng lượng cạn kiệt), cái tuyệt đối được chuyển vào cho trở ngại. Tâm trạng của những kẻ thua cuộc, của những kẻ bị áp bức.


Nắm bắt được (nơi mỗi vật) rằng có một giới hạn và rằng ta sẽ không vượt qua được nó nếu không có sự giúp đỡ siêu nhiên (hoặc giả rất ít) và bằng cách rồi sau đó trả giá với một sự hạ thấp khủng khiếp.


Năng lượng được giải phóng bởi sự biến mất đi của những đối tượng cấu thành nên các động cơ lúc nào cũng hướng đến chỗ đi xuống thấp hơn.

Những tình cảm thấp (ghen tị, oán giận) là loại năng lượng bị hạ mức.


Mọi hình thức phần thưởng đều tạo ra một sự hạ mức năng lượng.


Sự hài lòng về bản thân sau một hành động tốt (hay một tác phẩm nghệ thuật) là một sự hạ mức năng lượng cao hơn. Chính vì thế tay phải không được biết…


Một phần thưởng thuần túy có tính cách tưởng tượng (một nụ cười của Louis XIV) là tương đương chuẩn xác của những gì ta đã tiêu tốn, bởi nó mang một cách chuẩn xác giá trị của những gì ta đã tiêu tốn - trái ngược với các phần thưởng có thực, chúng, đúng như vậy, ở bên trên hoặc ở bên dưới. Vậy nên những lợi thế tưởng tượng, chỉ chúng, mới cung cấp năng lượng cho các nỗ lực không giới hạn. Nhưng Louis XIV phải thực sự mỉm cười; nếu ông không mỉm cười, sự tước bỏ không thể nói thành lời. Một ông vua chỉ có thể ban những phần thưởng, phần lớn thời gian, có tính cách tưởng tượng, hoặc giả ông ta trở nên không thể giải quyết.

Tương đương trong tôn giáo ở một mức nhất định. Vì không được nhận nụ cười của Louis XIV, người ta tự làm ra một vị Chúa mỉm cười với chúng ta.

Hoặc nữa, ta tự ca ngợi bản thân. Phải có một phần thưởng tương đương. Điều không thể tránh khỏi, giống sự nặng.


Một người được yêu gây thất vọng. Tôi đã viết thư cho người ấy. Không thể có chuyện người ấy không hồi đáp tôi những gì tôi đã tự nhủ với bản thân tôi nhân danh người ấy.

Những con người nợ chúng ta những gì mà chúng ta hình dung họ sẽ trao cho chúng ta. Đưa lại cho họ món nợ ấy.

Chấp nhận rằng họ khác với các sinh thể trong trí tưởng tượng của chúng ta cũng có nghĩa là bắt chước sự từ bỏ Chúa.

Cả tôi nữa, tôi cũng khác so với những gì tôi tưởng mình là. Biết điều đó, chính là tha thứ.




Chấp nhận sự rỗng


“Do truyền thống chúng ta tin vào các vị thần, và do kinh nghiệm chúng ta thấy, trong những gì liên quan đến con người, rằng luôn luôn, bởi một tất yếu của tự nhiên, mọi sinh thể thực thi toàn bộ quyền năng mà sinh thể ấy có được” (Thucydide). Cũng như khí đốt, tâm hồn hướng đến chỗ chiếm lĩnh toàn thể không gian dành cho nó. Một khí đốt nào tự co lại và vẫn để chỗ cho rỗng, đó hẳn sẽ là trái ngược lại luật entropy. Không giống thế đối với Chúa của các Ki-tô hữu. Đó là một Chúa siêu nhiên thay vì chỗ Jéhovah là một Chúa tự nhiên.

Không thực thi toàn bộ quyền năng mà ta có được, đó là chịu đựng sự rỗng. Cái đó trái ngược với mọi luật của tự nhiên: chỉ sự thanh mới có thể làm thế.

Sự thanh làm đầy, nhưng nó chỉ có thể đi vào nơi nào có một sự rỗng để nhận nó, và chính nó làm ra sự rỗng ấy.


Tất yếu của một phần thưởng, của nhận tương đương cho cái mà ta cho đi. Nhưng nếu, gây bạo lực lên tất yếu đó, ta để lại một sự rỗng, nó được làm ra như một luồng khí thoáng, và một phần thưởng siêu nhiên hiện ra. Nó không tới nếu ta có một món tiền lương khác: sự rỗng kia làm cho nó đến.

Cũng vậy đối với sự trả các món nợ (điều không chỉ liên quan đến cái ác mà những người khác từng làm với chúng ta, mà cả cái thiện mà ta đã làm cho họ). Cả ở đây ta cũng chấp nhận một sự rỗng trong chính ta.

Chấp nhận một sự rỗng trong chính ta, cái đó là siêu nhiên. Tìm ở đâu năng lượng cho một hành động không đối trọng? Năng lượng phải từ chỗ khác tới. Thế nhưng, trước hết phải có một sự giật bung, một cái gì đó tuyệt vọng, trước tiên một sự rỗng phải được tạo ra đã. Rỗng: đêm đen.

Niềm ngưỡng mộ, lòng thương (nhất là hỗn hợp của hai thứ ấy) mang đến một năng lượng có thực. Nhưng cần phải lờ đi.

Trong một thời gian cần không có phần thưởng, tự nhiên lẫn siêu nhiên.



Cần một trình hiện thế giới ở đó không có rỗng, nhằm khiến thế giới cần đến Chúa. Điều này đặt giả định cái ác.


Yêu sự thật có nghĩa là chịu đựng sự rỗng, và tiếp theo đó chấp nhận cái chết. Sự thật thuộc về phía cái chết.


Con người chỉ thoát khỏi các luật của thế giới này trong độ dài một tia chớp. Các khoảnh khắc của ngưng, của chiêm ngưỡng, của trực giác thuần, của rỗng tâm trí, của chấp nhận sự rỗng tinh thần. Chính thông qua những khoảnh khắc ấy mà con người có khả năng về siêu nhiên.

Ai chịu được một khoảnh khắc của rỗng, hoặc nhận được bánh mì siêu nhiên, hoặc rơi. Nguy cơ khủng khiếp, nhưng cần phải qua, và thậm chí là một khoảnh khắc không hy vọng. Nhưng không được tự lao vào đó.




Tách


Nhằm đạt tới sự tách toàn diện, chỉ nỗi bất hạnh là không đủ. Cần đến một nỗi bất hạnh không niềm an ủi. Không được có an ủi. Không một an ủi khả dĩ hiện diện nào. Lúc ấy sự an ủi không thể thốt thành lời đi xuống.

Đưa lại những món nợ.  Chấp nhận quá khứ, không đòi sự bù trong tương lai. Ngừng thời gian lại ở giây phút. Đó cũng là chấp nhận cái chết.

“Anh ta đã trút sạch khỏi mình tính chất thần thánh của anh ta.” Trút đi hết thế giới. Vận lên mình bản tính một người nô lệ. Thu nhỏ lại về điểm mà ta chiếm giữ trong không gian và trong thời gian. Về không.

Trút đi vương quyền tưởng tượng của thế giới. Cô độc tuyệt đối. Khi ấy ta có sự thật của thế giới.


Hai cách để cự tuyệt của cải vật chất:

Tự tước bỏ chúng đi để nhằm tới một tài sản tinh thần.

Quan niệm chúng và cảm nhận chúng như điều kiện cho các tài sản tinh thần (chẳng hạn: đói, mệt, nhẫn nhục gây mờ tối cho trí năng và làm phiền nhiễu suy tư) và thế nhưng cự tuyệt chúng.

Loại cự tuyệt thứ hai là chỉ độc trần trụi về tinh thần.

Còn hơn thế nhiều, các tài sản vật chất hẳn sẽ chẳng mấy nguy hiểm nếu chúng hiện ra một mình chứ không nối vào với những tài sản tinh thần.


Cự tuyệt mọi thứ gì không phải sự thanh và không ham muốn sự thanh.


Sự lụi của ham muốn (đạo Phật) hay sự tách - hay amor fati - hay ham muốn cái thiện tuyệt đối, vẫn cùng là một thứ: làm rỗng ham muốn, tính mục đích của mọi nội dung, muốn về rỗng, muốn mà không mong.

Tách ham muốn của chúng ta khỏi mọi tài sản và đợi. Kinh nghiệm cho thấy rằng quãng đợi này được làm đầy. Lúc đó ta chạm vào cái thiện tuyệt đối.


Trong mọi thứ, vượt qua đối tượng đặc biệt dẫu đó có là gì, muốn về rỗng, muốn rỗng. Bởi đối với chúng ta là một sự rỗng sự thiện kia mà chúng ta không thể cả hình dung lẫn định nghĩa. Nhưng sự rỗng đó đầy hơn mọi sự đầy.

Nếu đến được đó, thì ta xong việc, vì Chúa làm đầy sự rỗng. Vấn đề hoàn toàn không nằm ở một tiến trình trí năng, theo nghĩa chúng ta hay hiểu ngày nay. Trí năng chẳng có gì để tìm ra, nó chỉ phải quét sạch đi. Nó chỉ tốt cho các công việc hèn kém.

Cái thiện đối với chúng ta là một hư vô bởi vì không vật nào là tốt. Nhưng hư vô ấy không phải phi thực. Mọi thứ gì tồn tại, so với nó, đều phi thực.


Gạt đi những tín ngưỡng có chức năng làm đầy các sự rỗng, có chức năng làm dịu những chua cay. Tín ngưỡng về bất tử. Tín ngưỡng về sự hữu ích của các tội lỗi: etiam peccata. Tín ngưỡng về trật tự thiên hựu của các sự kiện - nói ngắn gọn, “những an ủi” mà ta thường tìm ở tôn giáo.


Yêu Chúa thông qua sự phá hủy Troie và Carthage, và không niềm an ủi. Tình yêu không phải an ủi, nó là ánh sáng.


Thực tại của thế giới được tạo ra bởi tay chúng ta và sự gắn vào của chúng ta. Đó là thực tại của cái tôi được chuyển vị bởi tay chúng ta vào các vật. Đó hoàn toàn không phải thực tại bên ngoài. Cái đó chỉ tri nhận được bởi sự tách hoàn toàn. Dẫu chỉ còn lại một tơ sợi, thì vẫn còn sự gắn vào.


Nỗi bất hạnh buộc mang sự gắn vào lên các đối tượng thảm hại lột trần tính cách thảm hại của sự gắn vào. Qua đó, tất yếu của sự tách trở nên sáng rõ hơn.


Sự gắn vào là thủ phạm sản xuất ảo tượng, và bất kỳ ai muốn cái thực cũng phải được tách ra.

Ngay khi biết rằng cái gì đó là thực, ta không còn có thể gắn vào đó nữa.

Sự gắn vào chẳng là gì khác ngoài sự không đầy đủ trong cảm giác về thực tại. Ta bị gắn vào sự sở hữu một vật gì đó vì ta tưởng đâu nếu ngừng sở hữu nó, nó sẽ ngừng là. Nhiều người không cảm thấy bằng toàn bộ tâm hồn rằng có một khác biệt toàn triệt giữa hư vô hóa một thành phố và sự lưu đày không thể cứu chữa của họ khỏi thành phố đó.


Sự khốn cùng con người hẳn sẽ không thể dung thứ nếu nó không bị hòa loãng vào thời gian.

Ngăn nó loãng ra để nó trở nên không thể dung thứ.

“Và khi họ khóc đã mãn rồi” (Iliade) - thêm một phương cách biến nỗi đau khổ tồi tệ nhất trở nên dung thứ được.

Không được khóc nhằm không được an ủi.


Mọi nỗi đau không gây tách là nỗi đau đánh mất. Chẳng gì gớm ghiếc hơn nữa, sa mạc lạnh giá, tâm hồn co quắp. Ovide. Các nô lệ của Plaute.


Không bao giờ nghĩ tới vật gì hay người nào mà ta yêu và đang không ở ngay trước mắt ta mà không nghĩ có thể vật đó đã bị tàn phá hoặc người đó đã chết.

Sao cho ý nghĩ ấy không làm tan loãng cảm giác về thực tại, mà làm cho nó tăng cường độ.

Mỗi lần ta nói: “Cầu cho ý chí của người được thực hiện”, hình dung tất tật nỗi bất hạnh khả dĩ trong tổng thể của chúng.


Hai cách để tự giết mình: tự sát hoặc tách.

Giết bằng ý nghĩ mọi thứ gì mà ta yêu: cách chết duy nhất. Nhưng chỉ những gì mà ta yêu. (Kẻ nào không căm ghét bố anh ta, mẹ anh ta… Nhưng: hãy yêu kẻ thù của mi…)

Chỉ ham muốn những gì mà ta yêu được bất tử. Trước một con người, dẫu có là ai, không ham muốn người đó cả bất tử lẫn chết đi.


Kẻ hà tiện, bởi ham muốn kho báu của hắn, tự tước bỏ nó đi mất khỏi mình. Nếu người ta có thể đặt toàn bộ tài sản của mình vào trong một vật chôn sâu xuống đất, thì tại sao không phải là ở nơi Chúa?

Nhưng khi Chúa đã trở nên cũng đầy biểu nghĩa như kho báu đối với kẻ hà tiện, tự nhắc đi nhắc lại thật mạnh mẽ là người không tồn tại. Cảm thấy ta yêu người, dẫu người không tồn tại.

Chính người, thông qua vận hành của đêm đen, rút lui đi nhằm không được yêu như một kho báu bởi một kẻ hà tiện.


Électre khóc Oreste chết. Nếu ta yêu Chúa trong lúc nghĩ rằng người không tồn tại, người sẽ hiển lộ sự tồn tại của mình.




Trí tưởng tượng làm đầy


Trí tưởng tượng liên tục hoạt tác nhằm bịt lại mọi khe kẽ qua đó sự thanh lọt đi.


Mọi sự rỗng (không được chấp nhận) sản sinh niềm căm ghét, nỗi chua cay, niềm cay đắng, sự hận thù. Cái ác mà ta mong muốn cho cái mà ta căm ghét, mà ta tưởng tượng, tái thiết lập sự cân bằng.



Các dân quân của Testament espagnol bịa ra những thắng lợi nhằm chịu đựng chuyện phải chết, ví dụ về trí tưởng tượng làm đầy sự rỗng. Mặc dù chắc hẳn sẽ không được gì nếu thắng lợi, người ta vẫn chịu đựng được chuyện chết vì một lý tưởng rồi sẽ thắng lợi, chứ không phải vì một lý tưởng rồi sẽ thua cuộc. Đối với một cái gì tuyệt đối không có chút sức lực nào, cái đó hẳn có tính cách siêu nhiên (các môn đệ của Đức Ki-tô). Ý nghĩ về cái chết gọi tới một đối trọng, và đối trọng đó - sự thanh bỏ qua một bên - chỉ có thể là một sự dối trá.


Trí tưởng tượng làm đầy những sự rỗng về cốt yếu nói dối. Nó loại bỏ chiều thứ ba, vì chỉ các vật có thực mới nằm trong ba chiều. Nó loại bỏ các tương quan nhiều.

Thử định nghĩa các vật tuy diễn ra thật nhưng theo nghĩa nào đó vẫn có tính cách tưởng tượng. Chiến tranh. Tội ác. Trả thù. Bất hạnh cùng cực.

Các tội ác, bên Tây Ban Nha, từng bị phạm thật, thế nhưng lại giống với những lời huyênh hoang thuần túy.

Các thực tại không có nhiều chiều hơn so với giấc mơ.

Trong cái ác, cũng như trong giấc mơ, không có những sự đọc [từ này có sắc thái riêng trong tự vị của Weil] mang tính cách nhiều. Từ đó mà có tính chất đơn giản của bọn tội phạm.

Các tội ác cũng dẹt giống những giấc mơ từ cả hai phía: phía của đao phủ và phía của nạn nhân. Còn gì gớm ghiếc hơn so với chết trong một cơn ác mộng nữa?


Những sự bù. Marius tưởng tượng sự trả thù tương lai. Napoléon nghĩ tới hậu thế. Guillaume [Wilhelm] II muốn một tách trà. Trí tưởng tượng của ông không bám đủ mạnh vào quyền lực để có thể băng qua nhiều năm: nó ngoảnh về phía một tách trà.


Sự ngưỡng mộ những người vĩ đại bởi dân chúng vào thế kỷ 17 (La Bruyère). Đó là một hiệu ứng của trí tưởng tượng làm đầy các sự rỗng, hiệu ứng đã tan biến kể từ khi tiền được thế vào chỗ đó. Hai hiệu ứng thấp, nhưng tiền thì còn thấp hơn nữa.


Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nếu ta dừng trí tưởng tượng làm đầy, sẽ có một sự rỗng (những người nghèo nàn về tinh thần).

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào (nhưng, ở một số hoàn cảnh, với cái giá là sự hạ thấp lớn đến mức nào!) trí tưởng tượng cũng có thể làm đầy sự rỗng. Chính bằng cách ấy mà những người trung bình có thể trở thành tù nhân, nô lệ, đĩ điếm, và băng qua bất cứ sự đau đớn nào mà không cần tới thanh tẩy.


Một cách không ngừng nghỉ treo vào bản thân mình công việc của trí tưởng tượng làm đầy những sự rỗng.

Nếu ta chấp nhận bất kỳ sự rỗng nào, cú đòn nào của sự rỗng có thể ngăn cản việc yêu vũ trụ?

Ta được chắc chắn rằng, dẫu có chuyện gì xảy ra, vũ trụ đầy.




Cự tuyệt thời gian


Thời gian là một hình ảnh của vĩnh cửu, nhưng đó cũng là một thế phẩm của vĩnh cửu.


Kẻ hà tiện bị người ta cướp mất kho báu. Như thế cũng có nghĩa hắn bị lấy mất quá khứ đông cứng. Quá khứ và tương lai, chỉ chúng là của cải, của con người.


Tương lai thứ làm đầy các sự rỗng. Đôi khi cả quá khứ cũng đóng vai trò ấy (tôi đã làm, tôi từng làm…). Ở những trường hợp khác, nỗi bất hạnh biến ý nghĩ về hạnh phúc trở nên không thể dung thứ; lúc đó nó tước đi khỏi người bất hạnh quá khứ của anh ta (nessum maggior dolore…).


Quá khứ và tương lai bóp nghẹt hiệu ứng cứu rỗi của bất hạnh bằng cách tạo ra một trường không giới hạn cho những lên cao tưởng tượng. Chính vì vậy cự tuyệt quá khứ và tương lai là sự cự tuyệt đầu tiên trong số những cự tuyệt.


Hiện tại không nhận cùng đích. Tương lai cũng không, bởi nó chỉ là cái sẽ trở thành hiện tại. Nhưng người ta không biết điều đó. Nếu ta nhằm vào hiện tại cái đầu nhọn của ham muốn bên trong chúng ta kia, vốn dĩ là tương ứng của cùng đích, thì nó sẽ đâm xuyên, đến tận cái vĩnh cửu.

Chính đó là cách sử dụng niềm tuyệt vọng để vòng tránh khỏi tương lai.


Khi ta thất vọng vì một khoái lạc mà ta từng chờ đợi rồi thì nó đến, nguyên do của thất vọng ấy nằm ở chỗ ta từng chờ đợi tương lai. Và chừng nào nó ở đó, thì đó là hiện tại. Hẳn tương lai cần phải ở đó mà vẫn không ngừng là tương lai. Sự phi lý mà chỉ vĩnh cửu mới chữa khỏi.


Thời gian và cái hang. Ra khỏi hang, tách được ra chính là không còn hướng mình về phía tương lai nữa.


Một thức thanh tẩy: cầu nguyện Chúa, không chỉ theo lối bí mật trong tương quan với con người, mà còn trong lúc nghĩ rằng Chúa không tồn tại.

Tình thương về phía những người chết: làm mọi điều cho những gì không tồn tại.

Nỗi đau về cái chết của kẻ khác, đó chính là nỗi đau về sự rỗng, về mất cân bằng kia. Kể từ nay các nỗ lực không còn đối tượng, tức là không phần thưởng. Nếu trí tưởng tượng thế vào chỗ ấy, thì đó là hạ thấp. “Hãy để những người chết chôn cất những người chết.” Và cái chết của chính mình, chẳng phải là nó cũng vậy đấy ư? Đối tượng, phần thưởng nằm trong tương lai. Tước bỏ tương lai, sự rộng, mất cân bằng. Chính vì thế “triết lý, đó là học chết”. Chính vì thế “cầu nguyện thì giống một cái chết”.

Khi nỗi đau và sự kiệt sức lên tới mức làm sinh ra trong tâm hồn cảm giác về chung thân, bằng cách chiêm ngưỡng chung thân ấy với sự chấp nhận và tình yêu, ta được giật ra khỏi cả vĩnh cửu.




Muốn không đối tượng


Sự thanh tẩy là tách rời khỏi thiện và khỏi tham.


Đi xuống tận nguồn các ham muốn nhằm giật năng lượng khỏi đối tượng của nó. Chính đó là nơi các ham muốn là đúng, với tư cách năng lượng. Chỉ đối tượng là sai. Nhưng sự giật ra không thể thốt nên lời trong tâm hồn trước chia tách của ham muốn và đối tượng của nó.


Nếu đi xuống bên trong chính mình, ta thấy rằng ta sở hữu chính xác những gì mà ta muốn.

Nếu muốn một người nào đó (đã chết), thì tức là ta ham muốn một người đặc biệt, giới hạn; vậy nên nhất thiết đó là một người phàm, và ta muốn người đó, cái người kia… đó…, v.v…, nói ngắn gọn, cái người kia, đã chết, ngày này, giờ này. Và ta có được người ấy - đã chết.

Nếu muốn tiền, thì tức là ta ham muốn một thứ tiền (thiết chế), một cái gì chỉ có thể giành được trong điều kiện này hay điều kiện kia, vậy nên ta chỉ ham muốn nó trong chừng mực… Thế nhưng, trong chừng mực đó, ta có nó.

Đau đớn, sự rỗng ở những trường hợp như thế là thức tồn tại các đối tượng của ham muốn. Chỉ cần gạt bỏ tấm màn che của sự phi thực là ta sẽ thấy chúng đã được trao cho chúng ta như thế.

Khi thấy nó, ta vẫn đau khổ, nhưng ta lại sung sướng.


Cố mà biết chính xác kẻ hà tiện đã mất gì khi bị ăn cắp mất kho báu; hẳn ta sẽ biết được rất nhiều điều.

Lauzun và chức đội trưởng ngự lâm quân. Ông ta thích trở thành tù nhân đồng thời là đội trưởng ngự lâm quân hơn so với được tự do nhưng không phải đội trưởng.

Đó là những áo quần. “Họ ngượng ngùng vì lẽ trần truồng.”


Mất đi ai đó: ta đau khổ vì người chết, người vắng mặt đã trở nên cái tưởng tượng, cái sai. Nhưng ham muốn mà ta có về phía người ấy thì không tưởng tượng. Đi xuống bên trong chính mình, nơi trú ngụ ham muốn vốn dĩ không phải là tưởng tượng. Đói: ta tưởng tượng ra đồ ăn, nhưng bản thân cái đó thì thực: nắm bắt lấy cái đói. Hiện diện của người chết là tưởng tượng nhưng sự vắng mặt của người ấy thì rất thực; kể từ nay nó là cách thực hiện ra của người ấy.


Không được tìm kiếm sự rỗng, bởi hẳn sẽ là cám dỗ Chúa nếu trông chờ vào bánh mì siêu nhiên nhằm làm đầy nó.

Cũng không được chạy trốn nó.


Sự rỗng là sự đầy tối cao, nhưng con người không có quyền biết điều đó. Bằng chứng là bản thân Đức Ki-tô từng hoàn toàn không biết về nó, trong một khoảnh khắc. Chắc một phần của tôi biết nó, nhưng các phần khác thì không, vì nếu chúng biết nó theo cách thức thấp của chúng, thì hẳn sẽ không còn sự rỗng nữa.


Đức Ki-tô từng có toàn bộ khốn cùng con người, trừ đi tội lỗi. Nhưng Người từng có mọi thứ gì biến con người trở nên có thể phạm tội. Cái làm con người có khả năng tội lỗi, đó là sự rỗng. Mọi tội lỗi đều là các toan tính nhằm làm đầy những rỗng. Thế nên cuộc đời đầy những nhơ nhớp của tôi gần với cuộc đời thuần khiết hoàn toàn của Người, và cũng vậy đối với các cuộc đời thấp hơn nhiều. Có rơi xuống thấp đến đâu, tôi sẽ không ở quá cách xa Người. Nhưng cái đó, nếu ngã, tôi sẽ không thể biết được nữa.


Cái bắt tay của một người bạn lâu ngày gặp lại. Thậm chí tôi còn không nhận ra nổi đối với giác quan chạm đó là một khoái lạc hay một nỗi đau đớn: cũng như người mù cảm thấy trực tiếp các thứ đồ vật qua đầu cây gậy của anh ta, tôi cảm thấy trực tiếp hiện diện của người bạn. Cũng thế đối với các hoàn cảnh của cuộc đời, dẫu chúng có thể là gì đi nữa, và Chúa.

Điều này ngụ ý là không bao giờ được tìm một an ủi cho nỗi đau. Bởi ân sủng nằm quá bên kia địa hạt của an ủi và nỗi đau. Nó được tri nhận bằng một giác quan khác, như sự tri nhận các đồ vật bằng đầu một cây gậy hoặc bằng một thứ dụng cụ thì khác với sự chạm vào đúng nghĩa. Giác quan khác này được hình thành thông qua chuyển chỗ của chú ý, nhờ một sự học tập nơi toàn bộ tâm hồn và cơ thể cùng tham gia.

Chính vì vậy trong Phúc âm: “Ta nói với các ngươi rằng những kẻ kia đã được nhận lương của chúng rồi.” Không được bù. Chính sự rỗng trong nhạy cảm là thứ đưa đi quá được nhạy cảm.


Chối bỏ của thánh Pierre. Nói với Đức Ki-tô: Con sẽ trung thành với ngài, đó đã là chối bỏ, bởi đó giả định bên trong mình chứ không phải trong sự thanh nguồn của ân sủng. Thật may mắn, vì ông là người được chọn, sự chối bỏ đó đã trở nên hiển hiện đối với tất cả mọi người và đối với ông. Ở biết bao nhiêu người khác nữa, cũng những huyênh hoang ấy được hoàn chỉnh - và họ chẳng bao giờ hiểu.

Từng rất khó trung thành với Đức Ki-tô. Đó từng là một lòng trung thành về rỗng. Dễ trung thành tới tận cái chết với Napoléon hơn nhiều. Cũng dễ trung thành hơn nhiều, về sau, những người tuẫn đạo, vì đã có Nhà thờ, một sức mạnh, cùng các lời hứa thuộc về thời gian. Người ta chết đi vì cái mạnh mẽ, chứ không phải vì cái yếu ớt, hay ít nhất đối với những gì, có thời điểm thì yếu nhưng vẫn giữ một vòng hào quang sức mạnh. Trung thành với Napoléon ở Sainte-Hélène không phải một sự trung thành về rỗng. Chết cho những gì mạnh mẽ khiến mất đi khỏi cái chết sự đắng cay của nó. Và, cùng lúc, mọi thứ có giá.


Cầu xin một con người, đó là một toan tính tuyệt vọng nhằm, nhờ vào cường độ lặp đi lặp lại, chuyển hệ thống giá trị của bản thân mình vào tinh thần một người khác. Cầu xin Chúa, là ngược lại: toan tính nhằm chuyển các giá trị thần thánh vào tâm hồn chính mình. Rất xa với chuyện nghĩ với cường độ càng lớn càng tốt các giá trị mà ta gắn mình vào, đó là một sự rỗng bên trong.




Cái tôi


Chúng ta không sở hữu gì hết nơi thế giới - vì sự ngẫu nhĩ có thể cướp đi tất tật khỏi tay chúng ta - chỉ trừ quyền năng nói tôi. Chính đó là cái cần trao cho Chúa, tức là phá hủy đi. Tuyệt đối không có hành động tự do nào khác mà chúng ta được phép, ngoài sự phá hủy của tôi.





(còn nữa)

13 comments:

  1. cảm ơn anh nhiều!

    ReplyDelete
  2. khá là nguy hiểm khi buộc ngôn từ phải mang đúng những gì mà common sense cho là nó đã có.

    ReplyDelete
  3. "Thực tại của thế giới được tạo ra bởi tay chúng ta và sự gắn vào của chúng ta. Đó là thực tại của cái tôi được chuyển vị bởi tay chúng ta vào các vật. Đó hoàn toàn không phải thực tại bên ngoài." - thật là đúng. và rồi cần phải "tách ra". nhưng luôn luôn vẫn còn một thứ mà trí tưởng tượng không thể "làm đầy" cho đủ: nếu không có một "thế giới" hay "thực tại bên ngoài" thì làm sao có "cái tôi"?

    ReplyDelete
  4. sắp đến chương về "cái tôi" đấy

    ReplyDelete
  5. 'Nhằm có được sức lực để chiêm ngưỡng nỗi bất hạnh khi mà ta bất hạnh, cần đến thứ bánh mì siêu nhiên. ... Sự hài lòng về bản thân sau một hành động tốt (hay một tác phẩm nghệ thuật) là một sự hạ mức năng lượng cao hơn. Chính vì thế tay phải không được biết…' - aha! cứ thấp thoáng sợi chỉ Ariane từ truyền thống mysticism - mà lúc này, đã khá xa ( 'khoảng cách' í) She hẳn thấy nó không mấy khác nhau giữa của catholic với của platonic - và, chắc chắn thật là kỳ quặc, một sự gặp: nặng và thanh, lên và xuống, quarks vs. up&down.

    ReplyDelete
  6. 'Năng lượng phải từ chỗ khác tới.' - 'Thời gian là một hình ảnh của vĩnh cửu,' - luôn luôn là cái bài tập dựng hình đó, hình học của siêu hình học.

    ReplyDelete
  7. tiếp tục

    đến chỗ "cái tôi" (và cả "nói tôi") rồi kìa

    ReplyDelete
  8. "cự tuyệt thời gian" chẳng phải cũng là một ham muốn hay sao? cũng là một thức của "cự tuyệt" ham muốn. và đồng thời là "tách ham muốn khỏi đối tượng". với phương tiện của 'nghĩ với cường độ càng lớn càng tốt các giá trị mà ta gắn mình vào,' - aha một sự loay hoay đáng kể, để chờ xem "cái tôi".

    ReplyDelete
  9. 'Chúng ta không sở hữu gì hết nơi thế giới - '... cứ khi nào có một phủ định mở đầu như thế, là lại làm nảy sinh trông đợi về một 'phần thưởng'. 'Chúa' là một 'phần thưởng' - bởi vì hiện hữu không có cùng đích, nên phải giả lập các đào thoát.

    ReplyDelete
  10. có lẽ Thiên chúa giáo thành công đặc biệt nhờ cái ý về phục sinh (không chỉ tinh thần) và lời hứa về phần thưởng trong một cuộc đời khác

    quyển này, Weil viết với tác động không nhỏ từ Gustave Thibon - ngoài ông cha Perrin thì Thibon rất quan trọng

    ReplyDelete
  11. nhận ra ân sủng quan trọng, nhưng quan trọng không kém là không được tự mình đi tìm ân sủng, không được đi tìm sự rỗng

    "Ai chịu được một khoảnh khắc của rỗng, hoặc nhận được bánh mì siêu nhiên, hoặc rơi. Nguy cơ khủng khiếp, nhưng cần phải qua, và thậm chí là một khoảnh khắc không hy vọng. Nhưng không được tự lao vào đó."

    "Tư thế của cầu xin: nhất thiết tôi phải ngoảnh nhìn về cái khác chứ không phải bản thân tôi, vì vấn đề nằm ở chỗ thoát ra khỏi chính mình. Toan tính thực hiện sự giải thoát này với phương tiện là năng lượng của chính tôi, hẳn sẽ giống một con bò cái kéo giật sợi dây buộc rồi bởi vậy mà ngã khuỵu gối xuống."

    "Trong một thời gian cần không có phần thưởng, tự nhiên lẫn siêu nhiên."

    những không khác: không an ủi, không bù, không tưởng tượng, không nghĩ

    ReplyDelete