Những ngày cuối năm 2018, rất sát nhau, hai nhà văn lớn qua đời. Amos Oz: ngày 28 tháng Chạp thì chỉ hai hôm sau, đến lượt Edgar Hilsenrath.
Đúng vào lúc tôi bắt đầu khám phá tiểu thuyết của Hilsenrath.
Đêm:
Amos Oz (Amos Klausner) sinh ra ở Jerusalem đúng vào thời điểm Thế chiến thứ hai bùng nổ bên châu Âu và người Do Thái thực sự bắt đầu bước vào Shoah. Gia đình Amos Oz di cư sang Palestine từ Vilnius.
Hilsenrath hơn Oz chừng chục tuổi và là người Do Thái ở Rumani (không thực sự xa Vilnius). Hilsenrath sẽ viết văn bằng tiếng Đức (Đêm: Nacht) - các nhà văn nguồn gốc Rumani thuộc thế hệ này có thể viết nhiều thứ tiếng, có những người viết tiếng Anh, nhưng cũng nhiều người viết bằng tiếng Rumani. Cuộc sống ghetto Do Thái ở vùng giáp ranh Rumani-Ukraine là chủ đề của Đêm. Mất nhiều chục năm người ta mới hiểu ra tầm quan trọng của cuốn tiểu thuyết ấy.
Không còn thực sự tìm được (nếu chỉ dùng Internet) địa danh "Prokov", bối cảnh câu chuyện của Đêm. Đây là thời điểm phát xít Rumani (cầm đầu là tướng Antonescu) chia vùng lãnh thổ với quân Đức, phụ trách vùng "Transnistrie" (Transnistria), về cơ bản là vùng nằm giữa hai con sông, Boug (Bug) và Dniestr (Dniester) - vùng này còn được gọi là "Đông Rumani". Người Do Thái ở Bucovine (Bukovina), Bessarabie và Moldavie bị dồn về đây, kể từ sau tháng Mười năm 1941. Đó là những nét đại cương của vụ hủy diệt người Do Thái ở khu vực này.
Nhân vật chính của Đêm là Ranek, một người rất cứng, đến mức ít nhất hai lần bị lính Rumani bắt được đem đi lao động cưỡng bức mà đều thoát quay trở về "Prokov". Có những nhân vật kiểu như vậy vào các thời điểm khó nhọc nhất, tưởng chừng không ai có thể sống nổi.
(Đêm là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Hilsenrath mà tôi đọc, còn chưa đọc thêm quyển nào: đây là cơ hội rất lớn để tặng sách cho tôi - tận dụng đi)
Một khu ghetto Do Thái thì không giống trại tập trung (KL), nhưng tất nhiên ghetto ở một nơi heo hút vùng biên giới thì khác với một nơi như Warszawa (về một ghetto hẻo lánh khác, lần này liên quan đến một người Ba Lan - Bruno Schulz - xem ởkia). Ban ngày, nhìn chung việc đi lại trong thành phố Prokov tương đối dễ dàng. Trong thành phố ấy, có chợ, hiệu cắt tóc (thợ cạo là một tay pê đê nuôi một thằng bé nhặt được khi nó gần chết đói, ngoài làm thợ cạo còn kiêm nghề buôn bán chợ đen), quán cà phê, nhà thổ (trong mắt những người như Ranek, đây lại chính là nơi cao cấp nhất của cả thành phố, đó cũng chính là nơi giúp Ranek thoát chết đói một lần), và cũng có cả cảnh sát Do Thái (Daniel, viên cảnh sát như vậy, từng tìm cách tuyển mộ Ranek nhưng Ranek từ chối, tuy vậy vẫn nhiều lần cứu Ranek). Có cháo thí (xúp loãng) do một số người tổ chức để phát chẩn, lúc nào cũng đông đặc người xếp hàng nhưng không thể chắc có nhận được gì để ăn hay không. Cũng có cả bức tượng Lê nin bị giật đổ (có lẽ Lê nin là nhân vật bị giật đổ tượng nhiều nhất trong lịch sử, rất nhiều trong số đó mang yếu tố biểu tượng lớn); chính ở gần bức tượng bị giật đổ ấy, câu chuyện của Đêm bắt đầu, khi một đêm nọ Ranek gặp Sarah, mới tới Prokov từ Cernăuți (tức Czernowitz, thành phố thủ phủ của vùng Bukovina, vùng mà người Đức gọi là Buchenland). Giữa những người Do Thái sống lẩn lút ở đây, thậm chí còn có thể tổ chức phẫu thuật: một bác sĩ được hai lần mời đến "nhà trú đêm"; hai ca phẫu thuật đó là hai cảnh đặc biệt thê thảm trong Đêm; lần thứ nhất để đỡ đẻ cho một ca khó, lần thứ hai là để phá thai.
Ban đêm ở Prokov, cũng như ở mọi khu ghetto Do Thái châu Âu giai đoạn ấy mới thực sự là bối cảnh nói lên tính chất của những chốn đó: những người Do Thái không bao giờ chắc được họ có qua được cái đêm họ đang sống hay không. Trong đêm rất hay xảy ra bố ráp: những người phải ở ngoài đường (nhất là trong vùng bờ bụi ven sông Dniestr (đừng nhầm với sông Dniepr tức là Dnieper, "sông Đờ-nhép", chảy qua Kiev - sông Dniestr thì chảy phía Nam Ukraine, ở biên giới với Rumani) nhiều khả năng sẽ bị bắt đi, gần như chắc chắn không toàn mạng, ít nhất thì cũng sẽ phải đi lao động cưỡng bức. Những ai tìm được chỗ ngủ đêm không phải ngoài trời có cơ may sống sót lớn hơn nhiều.
Câu chuyện của Đêm xoay quanh một chỗ như vậy: "nhà trú đêm" của những người Do Thái (cảnh sát và lính Rumani hoàn toàn biết sự tồn tại của nó, nhưng như một nhân vật nói, họ được để đó cho tự chết dần, và nếu khi cần bắt người - nhất là cho đủ "quota" - cảnh sát Rumani sẽ tới đây). Ở đây không phải trả tiền (quán cà phê của Lupu đã nhắc trên đây ban ngày là cà phê, đêm là nhà trọ có thu tiền, cho đến ngày nó bị cháy), và cứ có người nào chết thì ai xuất hiện đúng lúc sẽ được thế chỗ. Ở cuối cuốn tiểu thuyết, "nhà trú đêm" đến lượt nó cũng suy sụp vì bệnh "typhus", người ta lên cơn sốt và gần như chắc chắn không thể qua khỏi: nếu chưa chết vì đói, nhiều khả năng người ta cũng không thoát khỏi typhus, nhiều thời điểm bùng phát thành dịch bệnh.
Trong số các nhân vật của Đêm có một thằng bé (cùng đứa em gái) kiếm sống bằng cách đi bán thuốc lá. Nó khoảng 12, 13 tuổi - ta thấy đây hoàn toàn có thể là hình ảnh Edgar Hilsenrath của giai đoạn ấy.
(đã có người hứa tặng cho tôi Le Nazi et le barbier, cho nên ai muốn tặng thêm quyển nào khác của Hilsenrath thì tránh quyển í cùng Đêm nhé: không nhất thiết phải bằng tiếng Pháp, tiếng Anh hay thậm chí tiếng Đức cũng được)
Đối với (văn chương của) Hilsenrath, cái này luôn luôn là cái này và cái kia lúc nào cũng là cái kia: cảm giác về identity nhiều khi như thể lẫn vào với cảm giác về entity. Không có ẩn dụ, không có đến cả sự nhòe đi trong thế giới của Hilsenrath. Điều này khiến cho văn chương Hilsenrath rất khác so với văn chương của một nhân vật Rumani khác, cũng trải qua giai đoạn "Transnistria" giống Hilsenrath, nhưng ở độ tuổi nhỏ hơn: Norman Manea kém Edgar Hilsenrath chừng mười tuổi.
(Manea vẫn còn sống, đó là một nhà văn viết bằng tiếng Rumani mặc dù đã sống ở Mỹ nhiều năm; cụ thể hơn, sang đến Mỹ vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, Manea trở thành giáo sư về văn chương Đông Âu và Trung Âu tại Bard College, chính là nơi trước đó Hannah Arendt từng dạy học, hiện nay mộ của Arendt cũng ở đó)
Các câu chuyện của Norman Manea liên quan tới đoạn Transnistria luôn luôn đi lướt qua, chừng như muốn nắm bắt những gì ở sát kề, còn Hilsenrath cụ thể hết mức: tại "nhà trú đêm" của những người Do Thái, có một cái bục - ai được ngủ trên đó thuộc hàng "thượng lưu", có bếp lò bên trong lúc nào cũng có một nhân vật nằm ngủ (tay Tóc đỏ), cửa sổ và cái đèn, dưới sân có cái chuồng tiêu khủng khiếp, hai lần có người rơi xuống hố phân không bao giờ thấy hiện ra trở lại nữa; chỗ của người nào thì vĩnh viễn là chỗ của người ấy, không bao giờ suy suyển (họ chỉ mất chỗ nếu chết hoặc dính vụ bố ráp nào đó bị bắt đi mất).
Sự rõ ràng của Đêm càng được tăng mức vì không hài lòng với việc chỉ diễn ra một lần, gần như câu chuyện nào cũng xảy ra ít nhất hai lần. Thế giới của người Do Thái là thế giới của các câu chuyện: một rabbi trong một truyện ngắn của Isaac Bashevis Singer khi kể chuyện cho học trò nghe nói rằng mình đã sống trên đời lâu tới mức biết số câu chuyện (để kể) nhiều hơn số tóc trên đầu bất cứ đứa trẻ nào. Các câu chuyện trở nên đặc biệt có ý nghĩa (chúng sáng lên từ đêm sâu thẳm, chốn trú ngụ ban đầu của chúng) khi được kể ra. Hoặc khi chúng lặp lại.
Hai người ngã cắm đầu xuống hố phân (vì quá yếu - chủ yếu do bị đói - không đủ sức ngồi vững trên tấm ván bắc trên hố). Bác sĩ Blum hai lần đến "nhà trú đêm" để phẫu thuật, lần đầu đỡ đẻ, lần thứ hai phá thai (trong thời gian diễn ra vụ phá thai - ở gần cuối cuốn tiểu thuyết - xảy ra một sự kiện: Blum định trói chân cô gái vào cái ghế thì tìm mãi không thấy sợi dây để sẵn đó đâu nữa; một người đã lén lấy trộm nó và trong khi ca phẫu thuật diễn ra, ai cũng mải xem bác sĩ hành hạ nạn nhân thì người kia đã tự treo cổ trong một góc khác của căn phòng lớn: ca phẫu thuật diễn ra với hậu cảnh là một người treo cổ lủng lẳng). Ranek hai lần lọt vào được nhà thổ, lần thứ nhất thoát được cơn chết đói như đã nói ở trên, nhưng lần thứ hai thì không may mắn như vậy. Một người phụ nữ xuất hiện, Sarah, rồi sau đó, khi Sarah đã chết, lại thêm một phụ nữ nữa xuất hiện, đối với Ranek: Deborah. Nhưng có hai sự lặp lại mang lại sức nặng ghê gớm cho bầu không khí của Đêm.
Nhổ răng là chuyện thứ nhất. Dvorski, một nhân vật khôn ngoan sống trong căn hầm bên kia đường so với "nhà trú đêm", rất giỏi buôn bán chợ đen, một hôm rủ Ranek bơi qua sông vì đêm hôm trước có người Do Thái định vượt sông nhưng bị lính canh trên cầu bắn chết. Xác người đó vẫn nằm trên bờ (đó là đất Rumani), và vấn đề là người đó có mấy cái răng vàng: nếu thành công trong phi vụ, họ sẽ nhổ mấy cái răng và kiếm được khá tiền. Kết quả của vụ ấy là Ranek kiếm được hai cái răng. Sẽ có thêm một vụ nhổ răng khác nữa - lần này bằng búa.
Và sự lặp lại thứ hai là chuyện nằm (và chết) dưới hốc cầu thang. Ở ngay đầu câu chuyện của Đêm có chi tiết Ranek đến chỗ "nhà trú đêm" thì bắt gặp một người nằm ở lối vào. Anh ta (đó là Levi) bị vứt đó vì đang bị bệnh "typhus", những người bên trong sợ bị lây nên bắt anh ta phải ra ngoài (đặc điểm của chứng sốt này là bệnh nhân sẽ lên một cơn "crisis", tuyệt đại đa số sẽ chết vì đó, nhưng cũng có trường hợp hãn hữu qua được - chẳng hạn như Fred). Chính vì tình cờ bắt gặp Levi trong tình trạng ấy nên Ranek hiểu ngay là mình có thể kiếm được chỗ ngủ bên trong (thế chỗ Levi): để trả ơn, Ranek nhét Levi vào dưới hốc cầu thang (như vậy thì an toàn hơn), lại còn lấy các thanh gỗ rào lại để bên ngoài không nhìn thấy. Rồi đến cuối Đêm, Ranek cũng sẽ trở thành người trú ngụ trong cái hốc cầu thang đó.
(sau Le Nazi et le barbier, đã có người hứa tặng tôi tất cả Hilsenrath mà tôi còn thiếu: không ai cần phải tặng nữa nhé)
(còn nữa)
NB. tiếp tục những bài báo năm 1946 của Khái Hưng: thêm hai bài, về cùng một chủ đề, Nam kỳ
R.I.P hai nhà văn. nhớ hồi làm với anh "t.cận" có dịch 1 truyện của Amos Oz mà rồi chẳng thấy đăng tải gì.
ReplyDeletetiếp tục
ReplyDelete"Đêm" như thế là một mảnh của địa ngục; xui nghĩ rằng cái lịch sử con người chắc phải dài lâu hơn như được biết đến nay, thì mới khái quát được ý về "địa ngục" - tính đến lúc đầu tiên đúc ra được cái từ ngữ ấy; và chắc "lịch sử" chẳng có tầm vóc gì nếu không có các cuốn "Đêm". khó để ko tin người Do Thái là dân của Chúa: nếu ko, mọi dân khác sao lại muốn hại chết tất cả bọn họ như vậy.
ReplyDeletetiếp tục
ReplyDelete"lịch sử thì dài": đây là yếu lĩnh của cả một trường phái hay cũng có thể gọi là truyền thống sử học, có lẽ chính là cái có tác động lớn nhất hiện nay (chẳng hạn, nó có tác động rất mạnh đến sự nhìn nhận lại "phân kỳ lịch sử")
"được chọn" thì tức là đồng thời cũng là "bị chọn" còn gì
tội nghiệp quá, cứ chui đầu sau sách để trốn cuộc đời
ReplyDeleteđâu, cuộc đời nó trốn đấy chứ, với đám đại sứ thiện chí là dăm ba thứ anonymous trốn chui trốn nhủi
ReplyDeletecó giống trốn sau quyển sách khi đang họp không?
ReplyDeletevăn chương rành mạch như hiển nhiên đúng là một thứ vô cùng khó, khó như nhìn thấy được "chân như" ở đời :P
ReplyDeleteConstantemente leio sobre o matéria e ultimamente sua postagem foi a que mais gostei.
ReplyDeleteEspero que você continue à aprender e
também em contribuir para o tema.