Lotte không mall, không Liễu Giai
"Hai Charlotte [cùng một lúc] thì sẽ là quá nhiều."
(Goethe nói, trong Lotte in Weimar)
Khi bàn với August, con trai mình, về khách mời cho bữa tiệc tại nhà, Goethe đã nói câu trích ở trên, lúc August hỏi có mời Charlotte von Stein hay không. Gần về cuối (cuốn sách không hề mỏng) Goethe mới xuất hiện.
Vì đã có một Charlotte (Lotte): câu mở đầu sách, "Một ngày vẫn còn nhiều tính cách mùa hè của nửa cuối tháng Chín năm 1816, viên maître d'hôtel của khách sạn Con Voi tại Weimar, Mager, một người am hiểu văn chương, đã trải qua một cuộc phiêu lưu gây nhiều xúc động."
Có ba phụ nữ đến thuê phòng trọ ở khách sạn Con Voi, trong đó có hai mẹ con, người thứ ba là cô hầu. Bà mẹ, khi được đề nghị viết tên mình vào sổ đăng ký, cho thấy mình là Charlotte Kestner, née Buff, sinh ngày 11 tháng Giêng năm 1753 tại Wetzlar.
Vì là một người am hiểu (cuồng thì đúng hơn: bầu không khí thời đó đòi hỏi như vậy; sẽ rất bon ton nếu tỏ ra như thế) văn chương, viên maître d'hôtel Mager hiểu ngay người khách nữ là ai. Đó chính là nguyên mẫu cho nhân vật nữ chính của Werther.
Vậy là Lotte (đã già) xuất hiện ở thành phố của Goethe: trong sự kiện này có không ít điều khiến một người mê văn chương bị phấn khích. Rất mau chóng, tin tức loang ra, người ta ùn ùn kéo đến khách sạn. Chỉ trong vòng một buổi, Lotte gặp (bị ép phải tiếp thì đúng hơn) mấy vị khách liền. Nhân vật thứ ba trong số đó là Adele Schopenhauer (em gái của triết gia), ngay trước August, con trai của Goethe, nhân vật thứ tư.
Charlotte thứ hai: Charlotte von Stein, mà đối với không ít người là lý do khiến Goethe bỏ Đức đi Ý một thời gian (một số người khác, như Lukács, phản đối điều này). (Goethe đi Ý)
Nếu muốn có Charlotte thứ ba: đó là một trong hai nhân vật nữ (người nhiều tuổi hơn, bà dì) của Die Wahnverwandtschaften.
Rốt cuộc Lotte đã gặp lại Goethe, tất nhiên là tại bữa tiệc mà Goethe tổ chức tại nhà mình, ở Weimar, bữa tiệc ấy còn có nhiều người khách khác (nhưng tất nhiên không có Charlotte von Stein: nhân vật ấy đã bị gạch tên trong lúc diễn ra công tác chuẩn bị; hẳn Goethe, đã già, thấy mình không còn đủ sức đương đầu với tận hai hiện diện phụ nữ mang nhiều biểu nghĩa của hoài nhớ). Để chuẩn bị, Lotte - tuy được Thomas Mann miêu tả là một người không mấy cồ quẹt - cố tình làm cho trên trang phục của mình xuất hiện một chi tiết giống năm xưa.
Tuy nhiên, cảm giác đầu tiên của Lotte lúc giáp mặt Goethe là thất vọng.
Ta cũng cần nhớ, đây là một cuộc gặp lại sau đã rất nhiều năm. Lotte đã góa chồng (người chồng ấy Goethe cũng từng biết rất rõ) và là mẹ của rất nhiều con - thậm chí trước đó Goethe từng gặp vài người trong số đó.
Thế nhưng, chính ở đây sự thật hiện ra (sự thật, đấy là một nửa nhan đề hồi ký của Goethe; nửa còn lại là: thơ - như ai cũng biết). Chính là như vậy, phải là nỗi thất vọng. Đấy thường xuyên là cảm giác đầu tiên khi người ta tiếp xúc với một kiệt tác. Một nghịch lý: kiệt tác - nhất là kiệt tác văn chương - thì gây thất vọng. Nói đúng hơn, nó đẩy ra xa thay vì hút lại gần.
Chính ở đây ta hiểu được tại sao ít người đọc các kiệt tác văn chương đến thế, nhất là khi biết trước đấy là một kiệt tác. Người ta cứ tưởng, chạm vào một kiệt tác là tức thì nó cuốn ta vào, gây hào hứng vô cùng lớn, etc. Đấy, chính nó, sự hào hứng, là yếu tố gây rất nhiều nhầm lẫn.
Nếu thấy hào hứng ngay lập tức, rất nhiều khả năng ta đang sờ trúng vào một thứ best-seller. Đặc biệt, những ai chỉ chăm chăm tìm niềm hứng khởi (nhất là hứng khởi mau chóng, càng chóng vánh càng tốt) - điều này hay được thể hiện bằng sự tìm kiếm "cách viết mới", "cái nhìn độc đáo", "sự lạ", etc. - gần như chắc chắn cả đời không làm gì khác ngoài đi từ best-seller này sang best-seller khác. Nếu muốn ngọt ngay, thì cứ ăn kẹo.
Tác phẩm lớn cần gây thất vọng, dẫu chỉ không nhiều. Thậm chí, nó cần phải gây khó chịu. Vì nó cần làm một điều rất khó: kháng cự.
Charlotte trong L à W thì nói mười ngón tay của G. vẫn hãy còn ít vì chúng quá người.
ReplyDelete“Được thôi, vẫn còn chỗ cho người thứ ba.”
ReplyDelete