Còn lại gì từ những tình yêu xưa cũ?
Ai (còn) yêu quý tôi :p thì nghe bài hát Que reste-t-il de nos amours đi. Cũng vì bài hát này mà có cái tên phim Baisers volés: François Truffaut đã thuổng cụm từ này (nghĩa là "những nụ hôn trộm") từ bài hát, và bài hát ấy cũng là nhạc cho bộ phim, một trong những bộ phim sống lâu nhất của Truffaut cũng như của Làn Sóng Mới.
Năm nay, 100 năm ngày sinh của Roland Barthes, có thể đã đến lúc nhìn lại về Barthes, một tình yêu lớn suốt một quãng thời gian dài, không chỉ của riêng tôi mà còn của rất nhiều người khác nữa. Antoine Compagnon, ông thầy tôi, kể từ khi sang dạy ở Collège de France, đã nhiều lần quay trở lại quá khứ; gần đây là văn chương của Thế chiến thứ nhất (xem ở đây). Trước đó hơn, một kỳ giảng về năm 1966 kỳ diệu của "lý thuyết văn học Pháp", có cuộc nói chuyện cực kỳ đáng nhớ giữa Compagnon và Gérard Genette (xem ở đây); khi ấy, Roland Barthes đã được nhắc đến rất nhiều. Nhưng đến cuốn sách này:
một cuốn sách thuộc dạng "entretiens", gồm những câu hỏi và câu trả lời giữa hai người nói chuyện với nhau rất lâu, thường là xung quanh sự nghiệp của một trong hai; dạng "thực hành" này không hề dễ nhằn, vì trong khi nói chuyện, nhất là với một ai đó tinh quái, ta phải bộc lộ con người bên trong của ta lắm khi nhiều hơn mức cần thiết. Compagnon, trong cuốn sách này, trả lời Jean-Baptiste Amadieu, có vẻ như cũng là một sinh viên cũ của Compagnon.
Antoine Compagnon là người có đủ tư cách để nói rất nhiều điều về Roland Barthes, ở nhiều khía cạnh khác nhau; Compagnon chính là nhân vật dưới cái tên tắt AC trong cuốn sách của Barthes, Fragments d'un discours amoureux, một cuốn sách vô cùng nổi tiếng, bán chạy nhất của Barthes; tôi đã gặp vô số người không hề biết đến một Roland Barthes lý thuyết gia văn học, không biết đến Barthes từng bình luận Bertolt Brecht như thế nào hay đã mổ xẻ Balzac ra sao trong S/Z, cũng đã đọc Fragments. Hồi còn trẻ, đúng lúc trên con đường chuyển từ ngành khoa học tự nhiên thiên về kinh tế học sang văn chương, Antoine Compagnon đã trở nên thân thiết với Barthes, điều này hết sức quan trọng đối với thiên hướng và con đường đi sau này của Compagnon.
Giữa cuốn sách trò chuyện, Compagnon có một tổng kết về di sản của Roland Barthes:
"Theo tôi, một số nhánh trong tác phẩm ấy [tác phẩm của Roland Barthes nói chung], một tác phẩm rất đa dạng, vẫn giữ được toàn bộ sức hấp dẫn và quyến rũ, chẳng hạn như tiểu luận về nhiếp ảnh. Phòng sáng, cuốn sách cuối cùng của Barthes, xuất bản đúng vào thời điểm tai nạn xảy ra rồi ông ấy qua đời, chắc hẳn là cuốn sách có sự rạng rỡ còn lại nhiều nhất ngày nay. Các văn bản thiên về nội tâm, tự sự, nhật ký, đối với tôi vẫn còn hiện diện mạnh mẽ. [...] Những phân tích văn hóa của ông ấy chưa mang một nếp nhăn già nua nào, dẫu cho Mythologies [tôi đã viết lời giới thiệu cho ấn bản tiếng Việt của cuốn sách này, nhan đề Những huyền thoại, một bài viết nhỏ mang tên "Roland Barthes thứ nhất"] bàn về nền Đệ tứ Cộng hòa, đã quá xa xôi với chúng ta. Nhưng tôi tự hỏi, thật nghịch lý, không biết có phải chính các văn bản khảo về văn chương, như Sade, Fourier, Loyola hay S/Z, lại đánh mất nhiều độc giả nhất. Tôi e là thế đấy, tôi xin thú nhận điều này với anh. [...] các tiểu luận văn chương dường như không còn thu hút độc giả ngày nay nữa."
Những nhận xét hết sức đáng chú ý. Đúng lúc này, tôi đang định viết về Roland Barthes bàn luận Sade (về Sade, xem thêm ở đây).
Dưới đây là một số trích đoạn từ những gì Antoine Compagnon nói về Roland Barthes, theo một giọng thân tình hơn, ở đầu cuốn sách trò chuyện:
"Tôi đọc Barthes lần đầu tiên [...] năm 1969-1970. Ông ấy vừa được in trong tủ sách bỏ túi [trước đó, Compagnon đã kể rất nhiều về cuộc bùng nổ của sách bỏ túi tại Pháp và những lợi ích ông được hưởng từ đó trong sự đọc riêng của mình hồi còn nhỏ]. Tôi đã mua hai quyển trong tủ "Points" mới mở, Le Degré zéro de l'écriture và Mythologies [cả hai cuốn này đều đã có bản dịch tiếng Việt] [...] Tôi gặp Barthes vài năm sau, và theo xê-mi-na của ông ấy năm 1974. Khi đó tôi đã lấy bằng kỹ sư và đang bắt tay viết một luận án văn chương về các cơ chế của sự lặp lại [đây là thời điểm Compagnon nghĩ sẽ phân tích chủ yếu về sự lặp lại trong tác phẩm của Marguerite Duras, nhưng sau đó đã chuyển sang khảo về "trích dẫn"; cuốn sách về trích dẫn của Compagnon chính là tác phẩm được Gérard Genette trích dẫn đầu tiên trong Palimpsestes, kiệt tác của cả một trào lưu lý thuyết văn học]."
[...]
"Barthes thường nói rất nhiều về những công việc mà ông đang tiến hành. Thời ấy, tôi ăn tối với ông ấy gần như mỗi tuần một lần. Lúc nào ông ấy cũng mang theo một cuốn sổ nhỏ đóng gáy xoắn và một cái bút bi. Chúng tôi nói chuyện về các nghiên cứu của ông ấy và ông ấy ghi chép. Ngay khi cuộc trò chuyện làm nảy sinh cho ông ấy một ý tưởng, ý tưởng đó sẽ tức thì được ghi vào quyển sổ nhỏ của ông ấy. Về đến nhà, ông ấy chép lại những gì đã viết vào các phiếu làm việc. [...] Barthes trình bày một điều khó khăn; chúng tôi bàn về nó; đột nhiên ông ấy ngừng bặt, mở sổ ra, hí hoáy vài dòng. Nhiều người có thói quen đó lắm. Họ thử nghiệm các ý tưởng của mình trong cuộc trò chuyện [...] Đối với tôi, nhìn Barthes làm việc chính là học được một bài học quan trọng, như là học việc trong lao động tay chân ấy, vì với Barthes tôi đã hiểu ra kích thước tay chân của công việc trí óc [...] Barthes là một người thợ thủ công trong công việc trí óc, ông ấy rất thích tự tay đóng những cái hộp để đựng phiếu ghi chép. [...] Không được ngần ngại nhúng tay vào bột, làm tay mình bị bẩn, tự làm mình hơi đần độn một chút. Những ai ghê tởm những việc ấy sẽ chẳng đi đến đâu cả đâu."
[...]
"Ông ấy tuân thủ một kỷ luật sống rất nghiêm ngặt. Chương trình của ông ấy không thay đổi. Ông ấy theo rất sát sao thời gian biểu hằng ngày, giờ giấc rất cụ thể, kể cả giờ giấc cho ngủ trưa, chơi đàn piano, các bữa ăn, các cuộc hẹn. Ông ấy thích giữ gìn trọn vẹn các ngày, nên hay hẹn gặp mọi người vào quãng đầu buổi tối. Chúng tôi gặp ông ấy ở quán cà phê - quán Flore, quán Apollinaire - trước khi đi ăn tối. Ông ấy về nhà trước nửa đêm. Mọi thứ đều rất chuẩn xác. Nếu không làm theo đúng chế độ đó, ông ấy sẽ bị đau nửa đầu. Barthes đã ở rất lâu trong sanatorium. Sâu xa mà nói, ông ẫy chưa từng bao giờ hoàn toàn từ bỏ kỷ luật của sanatorium, còn tái sử dụng kỷ luật ấy trong "xà lim" của mình. Bởi vì ông ấy sống trong một căn phòng khá trơ trụi trên tầng bảy một tòa nhà phố Servandoni, bên trên căn hộ của mẹ ông ấy. Cách tồn tại của ông ấy có cái gì đó gợi không khí tu viện kín. Tự do tinh thần hoàn toàn có thể xuất phát một cách cần thiết từ một kỷ luật nghiêm ngặt. Foucault cũng có một lối sống đạm bạc, thỉnh thoảng thì có nghỉ ngơi và chơi bời quá độ. Barthes đôi khi đi giải trí bên Ý, rồi sau này bên Maroc, nhưng thông thường, cuộc sống của ông ấy vô cùng đều đặn. Mà trong bài giảng đầu tiên tại Collège de France, Vivre ensemble (Sống chung), ông ấy cũng đã tập trung vào vấn đề nhịp điệu của ngày."
Vụ án Roland Barthes
Học trong blog anh nhiều nhưng được miễn phí thì em trả bằng lời cảm ơn, lòng biết ơn vậy. Khỏe, bình yên luôn anh nhé!
ReplyDeletenghe hơi có kiểu "có chi hơn là hát tặng bài ca" đấy nhỉ :p
DeleteỜ, em ca cũng hơi bị được đấy. Nếu thích thì em chơi luôn jờ :D joạch :p
Deletetự thu âm rồi gửi qua email đi, phải kiểm tra trước đã :p
DeleteOk, nhưng trước hết cho em đọc trọn Amerika đã nhé!(Dù em là "người chả có ảnh hưởng gì" nhưng em cứ xin hêhê)
Deletehụ hụ cái đau khổ của mình là Une question de discipline (và nhiều thứ về hướng đó) thì chưa bao giờ đọc mà lại bị đọc Người đẹp tặng ta thuốc bùa mê (Vương Sóc, Lão Hiệp- dịch Vũ Công Hoan)
ReplyDeleteCon đang tìm tài liệu về cấu trúc luận của Roland Barthes nên đi lạc vào nhà bác, con bị ấn tượng bởi những bài viết của bác. Cảm ơn bác đã chia sẻ, chúc bác sức khỏe và an vui ạ!
ReplyDeleteCon đang tìm tài liệu về cấu trúc luận của Roland Barthes nên đi lạc vào nhà bác. Con rất ấn tượng với những bài viết của bác. Cảm ơn bác đã chia sẻ, chúc bác sức khỏe và an vui!
ReplyDeleteComment tu trouves Juliette Binoche? Phim mới Un beau soleil interieur chị này mới đóng thấy bảo có inpiré par "Fragments..." đấy.
ReplyDeleteelle est mignonne, non?
ReplyDeleteFragments có lẽ là cuốn sách nổi tiếng nhất hiện nay của Barthes, điều đó đi theo rất đúng một nghịch lý chung: đấy chính là cuốn dở nhất của Barthes