Mar 4, 2014

Văn chương và Thế chiến thứ nhất

Năm nay, tròn 100 năm bùng nổ Thế chiến thứ nhất, các chuyên gia văn học cũng có công việc phải làm. Dưới đây là bài trả lời phỏng vấn tờ Lire số tháng Ba 2014 của Antoine Compagnon.


“Chiến tranh đã đóng góp cho tính hiện đại văn chương”



Tháng Tư tới đây ông sẽ xuất bản trong tủ Folio một tuyển tập quý giá, Cuộc Đại chiến của các nhà văn. Song song với đó, tại Collège de France cho đến cuối tháng Ba ông giảng về “Cuộc chiến văn chương”. Mối quan tâm đến cuộc Đại chiến này có phải chỉ liên quan đến dịp cả nước kỷ niệm một trăm năm?

Không, mối tương quan giữa văn chương và chiến tranh đã là cốt yếu ít nhất kể từ Iliade và từ rất lâu tôi đã dự định nói đến nó. Rồi thì, bài giảng này tiếp nối bài giảng hồi năm ngoái, “Proust vào năm 1913”. Năm ấy là một năm màu nhiệm đối với tính hiện đại toàn thế giới, với sự xuất hiện của rất nhiều tác phẩm văn chương và nghệ thuật. Vào tháng Tám năm 1914 đã xảy ra một cuộc thu mình đột ngột và một sự quay trở lại với các truyền thống quốc gia, các hình thức quy củ, các thông lệ văn chương. Đề cập cuộc Đại chiến là một bước đi hoàn toàn lôgic tiếp theo đó. Điều mà tôi quan tâm với cái năm ấy là vấn đề đổi mới - hay không đổi mới - văn chương nhằm nắm bắt trải nghiệm chiến trận: sau thời điểm củng cố quốc gia nhằm theo kịp nỗ lực quân sự, với văn chương, nhất là văn chương Pháp, chiến tranh có trở thành một yếu tố đứt đoạn, thậm chí một yếu tố tái sinh, như từng có nhiều người hình dung vào tháng Tám năm 1914? Câu hỏi này vẫn còn gây tranh cãi.

Cuộc Đại chiến đánh dấu chấm hết một thời kỳ, thế kỷ XIX, theo một số người. Ta có thể nói văn chương chiến tranh nằm ở cuối một giai đoạn hay đầu một giai đoạn khác?

Thứ văn chương này trước hết có dấu ấn của sự thức tỉnh một số thể loại và hình thức mà ta có thể nghĩ là đã kết thúc vào năm 1913. Những năm trước chiến tranh đã biến mỹ học tự nhiên chủ nghĩa trở nên rất lạc hậu; nhưng mỹ học đó lại có một đà phát triển mới với văn chương tức thời của hồi 14-18. Cũng vậy, thơ ca chiến hào quay trở lại với những vần thơ cổ điển, người ta bắt đầu coi trọng thơ của Blaise Cendrars với La Prose du Transsibérien, thơ của Apollinaire với Alcools [Men say], và chủ nghĩa toàn thể [unanimisme] do Jules Romains đặt ra. Trước đó một phần lớn phong trào văn chương đã từ bỏ các trường phái cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa tượng trưng. Vậy nên trước hết cuộc xung đột đã gây ra một sự thoái lui, sự thoái lui ấy sẽ kéo dài trong suốt cuộc chiến tranh. Thơ ca Pháp có rất ít độ sáng tạo như các “War Poet” bên Anh, giờ đây vẫn được đọc. Từ đó mà có phản ứng của một nhà văn như Marcel Proust, trong Thời gian tìm thấy lại, ông đã lên tiếng chống lại văn chương bình dân, yêu nước và thông thường đang lan tràn. Chiến tranh đã làm quay trở lại đầy mạnh mẽ cái mà Georges Duhamel vào năm 1920 sẽ gọi là “văn chương quy phạm”.

Người ta muốn có một thứ “văn chương tức thời”, như Albert Thibaudet gọi, vừa ngay lập tức vừa thô ráp, ghi nhận trải nghiệm mới mẻ một cách mạnh mẽ và khủng khiếp của cuộc chiến công nghiệp. Thứ văn chương này hẳn phát triển theo cách thức ngầm, chẳng hạn cùng với chủ nghĩa siêu thực. Nhưng, nhìn chung, văn chương giai đoạn này không có một hậu thế huy hoàng. Thật đáng nói khi những tác phẩm lớn nhất của Pháp về cuộc Đại chiến được viết sau này. Chúng không xuất hiện trước thập niên 30: đó là Le Grand Troupeau của Giono, Hành trình đến tận cùng đêm tối của Céline, hay La Comédie de Charleroi của Drieu la Rochelle. Phải đợi đến cuối thời hậu chiến và đầu giai đoạn tiền Thế chiến thứ hai một thứ văn chương chiến tranh mới hiển lộ lâu dài: chính việc rơi vào một bầu không khí trước chiến tranh mới đã cho phép những tiểu thuyết lớn đó xuất hiện. Những nhà siêu thực đầu tiên đã tham gia chiến tranh, như Breton, Aragon, Eluard, nhưng trải nghiệm này phần lớn bị che mờ trong tác phẩm của họ hồi thập niên 20. Trong Tuyên ngôn siêu thực, chiến tranh gần như hoàn toàn vắng mặt! André Breton chỉ nhắc đến nó đúng một lần, để nhắc nhở rằng nó đã giúp ông kiểm chứng các lý thuyết của Freud, nguồn gốc của viết tự động. Mối quan hệ giữa chiến tranh và lối viết siêu thực là cốt tử, nhưng bản thân cuộc chiến tranh thì lại đào thoát khỏi các tác phẩm của Breton. Những bài thơ chiến tranh của ông, cũng như các bài thơ của Aragon và Eluard, mãi sau này ta mới tìm lại được, trong các bộ toàn tập của họ. Aragon chỉ thực sự nói đến cuộc chiến tranh đầu tiên của mình sau cuộc chiến tranh thứ hai, vào năm 1956, trong Le Roman inachevé.

Trong lời nói đầu bộ tuyển tập của ông, ông cho biết đã dành chín tháng để đọc thứ văn chương này. Ông nói sau đó đã cảm thấy nặng nề, choáng váng, buồn thảm. Khi tiếp cận với thứ văn chương này, độc giả có nhất thiết phải là một kẻ “non tơ trước ghê rợn” theo cách nói của Céline không?

Có, bởi vì, với phần lớn trong chúng ta, và thật may mắn vì thế, chúng ta không còn kinh nghiệm chiến tranh. Các thế hệ của chúng ta, những thế hệ đầu tiên từ rất lâu rồi, không phải lao vào những cuộc xung đột trên lãnh thổ của chúng ta. Trong cuộc Đại chiến, một mạng người chẳng có nghĩa lý gì hết. Người ta nói đến “thiết bị con người”: đó là một quan niệm về con người mà chúng ta ngày nay thấy rất khó mà hình dung. Ta hãy nghĩ đến các con số: vào ngày 22 tháng Tám năm 1914, quân đội Pháp mất 27.000 người chỉ trong một ngày! Cả một thành phố! Một nửa học sinh trường Normale Sup thuộc các khóa từ 1910 đến 1913 bị giết giữa 1914 và 1918. Ngày nay, người Mỹ ở Afghanistan hay Irak, người Pháp ở Mali có một châm ngôn: “không ai chết”. Vậy nên với chúng ta thực sự là một thử thách khi đắm mình trở lại vào nỗi kinh hoàng mà ông bà chúng ta từng trải qua.

Đúng vậy, với độc giả năm 2014, những cuốn sách viết trong hay ngay sau Đại chiến thú vị nhất ở điểm nào? Ở tư cách lời chứng hay ở tư cách giá trị văn chương đích thực?

Ngày nay đọc lại chúng, sau khi người ta đã thường xuyên hạ thấp chúng, với tôi Khói lửa của Henri Barbusse hay Les Croix de bois của Roland Dorgelès thực sự là những tác phẩm lớn, chúng nổi tiếng như vậy là đúng. Nhất là Khói lửa, xuất bản năm 1916, ngay giữa cuộc chiến tranh, hay hơn rất nhiều so với những cuốn sách đương thời, ví dụ Gaspard của René Benjamin. Hãy nghĩ đến hiệu ứng nó từng mang lại! Lính tráng đọc nó trong chiến hào, trước hết là đọc dưới dạng phơi ơ tông trên tờ nhật báo L’Oeuvre. Nó đã cung cấp cho rất nhiều người trong số đó khuôn khổ để suy nghĩ, để hiểu, để nói ra những gì họ đang phải trải qua. Chắc chắn, những cuốn sách ấy không nhiều tính hiện đại bằng một số tiểu thuyết Anh hay Mỹ cùng thời kỳ, những tiểu thuyết áp dụng các hình thức mới, như độc thoại nội tâm hay dòng tâm thức, nhằm ghi nhận những cảm giác thô bạo của chiến tranh. Nhưng một số chương của Khói lửa chứa đựng những khoảnh khắc “cacophonie” đích thực và điều này ngăn cản ta xếp nó vào một dạng tiểu thuyết tự nhiên chủ nghĩa nào đó. Trường đoạn các thương binh điên loạn trên xe cứu thương đáng giá ngang với những cuốn tiểu thuyết hiện đại của Anh xuất bản trong thập niên tiếp theo.

Ông nhắc nhở rằng có nhiều sáo mòn, cliché ở Barbusse, Genevoix và Dorgelès, ví dụ mùi hôi thối của chiến hào, tình bằng hữu của những người lính, lòng khoan dung dành cho những người đào ngũ bị xử bắn, hay nỗi sợ trước khi súng nổ. Nhưng ta cũng tìm thấy nhiều điều bất ngờ. Nhất là tiếng cười và niềm vui…

Có một khía cạnh “đi nghỉ mát” trong mọi cuốn sách về chiến tranh. Chiến tranh gần gũi với sự lười biếng, thậm chí chây ì, với những người trong đời chưa từng biết tới những kỳ nghỉ, khi còn là nông dân, công nhân hay người làm thuê. Ngay từ mùa thu năm 1914, nhịp điệu chiến tranh đã liên tục hoán chuyển hai điều: rất nhiều sự bất hành động và một ít hành động (lúc nào cũng đầy thảm họa). Sự chờ đợi và nỗi buồn chán đi kèm với nó hiện diện trong mọi cuốn sách. Thậm chí sự lười biếng còn khơi gợi cảm thức tội lỗi ở lính tráng, trong khi vợ họ đang làm việc nặng nhọc ở nông thôn. Ở Giono, khởi đầu của cuộc chiến được biểu tượng hóa một cách huy hoàng bởi cuộc bê bối về cái chết của lũ cừu, chúng từ trên các cánh đồng cao xuống đồng bằng sau khi các mục đồng bị động viên đi lính. Gần gũi hơn cả với hiểm nguy và cái chết là sự ngự trị của một bầu khí hậu gần như trường học giữa những người lính ngoài mặt trận, một dạng uy mua đen, gallows humor, như trong tiếng Anh người ta hay nói. Les Croix de bois của Dorgelès mở ra bằng một cảnh giả trang, đám cưới giả hiệu, đầy tính chất hội hè. Chính tiếng cười của người sống sót tìm cách đẩy lùi “cafard” [buồn nản], một từ của chiến tranh.

Để đặc trưng hóa cho thứ văn chương này, ông nhắc đến hai dòng tiểu thuyết theo cách phân biệt của Thibaudet: tiểu thuyết định mệnh và tiểu thuyết ý chí. Đó là một cách phân chia thuần túy theo chủ đề, hay có tính cả đến chất lượng tác phẩm nữa?

Với Thibaudet thì đúng, có cả sự khác biệt về chất lượng nữa. Với ông khuôn mẫu của tiểu thuyết định mệnh là tiểu thuyết Zola: đậm dấu ấn dòng giống, gia đình, nơi chốn, tính tập thể, không có nhiều chỗ cho cá nhân tính. Trong chiến tranh Khói lửa là tiêu biểu cho dòng này: đây là ký sự về một đội lính, không có một nhân vật chính nào nổi bật hẳn lên. Ông đặt đối lập với đó tiểu thuyết ý chí hay tiểu thuyết phiêu lưu, nghĩa là tiểu thuyết kiểu Stendhal. Trong tiểu thuyết chiến tranh cũng như tiểu thuyết định mệnh, cá nhân làm theo xã hội, không hiểu gì về hành động mình đang dự phần. Con người trong đội lính đánh nhau vì vài mét vuông trong khi cuộc xung đột đã đạt đến tầm vóc thế giới: anh ta không ngừng phải đối mặt với sự phi lý. Thibaudet ít coi trọng những tiểu thuyết định mệnh này; ông trông chờ một điều gì khác và sau này sẽ ca ngợi L’Equipage của Joseph Kessel, cuốn tiểu thuyết anh hùng hiếm hoi về cuộc Đại chiến mà ngày nay chúng ta vẫn còn đọc, nhưng là một tiểu thuyết phi công. Chỉ các phi công, hiệp sĩ bầu trời, hay đôi khi thủy thủ, mới có thể thực hiện một “cuộc chiến tranh đẹp đẽ”. Trái ngược với Khói lửa, cuốn tiểu thuyết ý chí mẫu mực là Orages d’acier [In Stahlgewittern] của Ernst Jünger. Trong tiếng Pháp, hẳn còn có Le Songe của Montherlant, cuốn sách hơi điên rồ ở khía cạnh phấn khích cao ngạo của nó. Với Montherlant, chiến tranh là “trường học ở quy mô lớn”! Trong đó gồm cả các mối tình của ông nữa. Trong những bức thư hết sức “cynical” của ông gửi cho bà mình, ông kể về cuộc kiếm tìm “vết thương tốt đẹp”, cái vết thương vừa khiến người ta được giải ngũ vừa mang đến một tấm huân chương. Nhưng, cùng lúc, ông thực hiện một sự tôn thờ cái chết, ông còn trung thành với nó cho đến tận khi tự sát… Ít cuốn tiểu thuyết nào về chủ nghĩa anh hùng còn sống sót được; chúng ta thích những cuốn tiểu thuyết theo chủ nghĩa hòa bình cùng những người lính ở vai trò nạn nhân của chúng hơn so với các tác nhân của chiến tranh. Dẫu vậy, gần như mọi tiểu thuyết theo chủ nghĩa hòa bình đều công nhận ở các nhân vật phản anh hùng của mình những phần của chủ nghĩa anh hùng, của sự say sưa chiến tranh, thường bị kiểm duyệt trong các ấn bản về sau.

Bị chính tác giả của chúng kiểm duyệt! Tại sao người ta lại phải chối từ sự say máu đó?

Thật lạ lùng, các dị bản có rất nhiều và quan trọng trong văn chương chiến tranh tái bản hồi thập niên 20 và 30, ở Jean Paulhan hay Maurice Genevoix, sau này ở Montherlant hay Blaise Cendrars. Tất cả họ đều đọc lại tác phẩm của mình và bỏ đi những hành động bạo lực của mình với kẻ thù (hoặc những hành động bạo lực ở các nhân vật của họ), nhưng ta không biết được đó là vì những hành động đó đã xảy ra hay bởi chúng đã bị nói quá lên. Ở trường hợp Genevoix, có khả năng chúng đã xảy ra, bởi tác giả này là hình mẫu của nhà văn trung thực và thành thực… Năm 1916, trong Sous Verdun, ông kể mình đã bắn vào lưng ba người lính Đức đi lẻ, rồi vào năm 1925 ông bỏ đoạn ấy đi, chắc vì thấy phiền phức, rồi lại đưa vào hồi năm 1950, vì trung thực, nhưng cũng đã giảm bớt tính chất tàn bạo! Điều này tạo nên nỗi khó ở của ông trước bạo lực phi nhân tính, điều cũng đã có thể xuất hiện ở chính ông… Với Paulhan, trong Le Guerrier appliqué, thì tôi nghĩ chủ yếu là để sửa chữa một sự phóng đại. Năm 1917, ông tả nhân vật chính của mình dùng lưỡi lê xiên qua người một lính Đức, nhưng đoạn ấy biến mất vào năm 1930… Giữa khoảng thời gian đó ông đã đọc cuốn sách lừng danh của Jean Norton Cru, Témoins (1929), theo đó những cuộc giáp lá cà lưỡi lê rất hiếm gặp, vậy nên đó là bằng chứng cho sự hư cấu văn chương trong các câu chuyện về chiến hào. Về phần Cendrars, vào năm 1918, trong J’ai tué, ông cho biết mình đã chặt đầu một kẻ thù bằng dao găm trong một cuộc thanh toán ở chiến hào, trước khi nói rõ hơn vào năm 1946, trong La Main coupée, rằng người lính Đức kia đã chết. Tuy nhiên Cendrars chính là người thoải mái nhất trong việc nhận về mình những hành động tàn bạo. Trong La Main coupée, ông cảm thấy sung sướng với cái mà ông gọi là “cuộc chiến bé nhỏ trong lòng cuộc chiến lớn” của ông, những hành động cần đến thể lực, đầy tính phiêu lưu và đầy chủ ý.

Thật lạ, kích thước tình dục chiến tranh vắng mặt khỏi những cuốn sách này. Tuy nhiên, ngoài mặt trận có nhiều nhà thổ, đấy là còn chưa nói đến những mối quan hệ tình dục đồng giới. Ông giải thích điều này thế nào?

Khía cạnh này của cuộc sống trong chiến tranh ít hiện diện trong văn chương, chẳng hạn Les Croix de bois chỉ dành vài ám chỉ cho gái điếm. Nhưng quan hệ giữa Sulphart và Demachy, người công nhân và người sinh viên, thì rất rõ trong cuốn tiểu thuyết ấy. Tôi đã nói đến hiện tượng tình dục hóa cuộc chiến ở Montherlant. Thật đáng kinh ngạc, có vẻ như các nhà phê bình đã không nhận ra khía cạnh đồng tính chiến tranh trong Le Songe, trừ phi họ thích không nhắc đến điều đó. Trong một số lời chứng có xuất hiện nhu cầu tình cảm ở mặt trận, ít ham muốn tình dục hơn là nhu cầu được bảo vệ. Stéphane Audoin-Rouzeau, mới cho xuất bản một cuốn sách hay về cuộc chiến tranh của ông bà mình, cho biết một trong số họ từng nói đến các “cặp nho nhỏ” hay “hôn nhân nho nhỏ” hình thành ở mặt trận nhằm làm giảm bớt cú sốc. Người duy nhất nói đến điều này một cách trực diện vẫn là Proust, thông qua những khoái lạc nho nhỏ của Saint-Loup trong chiến tranh.

Người ta hay bộc phát hình dung văn chương chiến tranh như văn chương theo chủ nghĩa hòa bình. Nhưng sử gia Nicolas Beaupré chỉ ra trong Écrits de guerre rằng bên Đức nó hoàn toàn khác. Ông giải thích điều này thế nào?

Trước hết đó là bởi người ta đã quên mất văn chương ái quốc và quốc gia chủ nghĩa của Pháp, chỉ lưu giữ trong ký ức văn chương theo chủ nghĩa hòa bình, và đã là như vậy kể từ thập niên 20 rồi. Nhưng lịch sử Đức cũng không vì thế mà kém khác biệt. Cuốn sách lớn theo chủ nghĩa hòa bình của Remarque, Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh, từng bị tấn công dữ dội khi nó ra mắt vào năm 1929, và thúc đẩy phản ứng là một loạt tiểu thuyết chiến binh. Vả lại Remarque sẽ phải sống lưu đày ngay từ năm 1933. Xét về tổng thể, văn chương Đức đã dùng lại luận đề theo đó quân đội Đức đã không thua trận mà bị quyền lực dân sự phản bội. Ngay từ những năm 20, chỉ trừ vài ngoại lệ, các tiểu thuyết chiến tranh cho thấy trào lưu quốc gia chủ nghĩa hay völkisch, hiện tượng càng đậm nét hơn khi Hitler lên nắm chính quyền. Ký ức đã được trải nghiệm theo một cách khác và chủ nghĩa hòa bình được thể hiện bằng những phương tiện khác ngoài tiểu thuyết: điện ảnh, hội họa biểu hiện, sân khấu hay thơ.

Văn chương thời kỳ muộn hơn, thập niên 30, thời của Giono, Céline và Drieu, cũng là một thứ văn chương bi quan, sau đó nó sẽ dẫn các tác giả đến chỗ lựa chọn phe tồi tệ trong Thế chiến thứ hai…

Ba cuốn sách của họ - Le Grand Troupeau, Hành trình đến tận cùng đêm tối, La Comédie de Charleroi - được xuất bản trong vòng ba năm, từ 1931 đến 1934. Chúng ta không còn ở giai đoạn hậu chiến nữa, mà đã là tiền chiến. Những cuốn sách ấy được xuất bản bởi tay các cựu chiến binh, cả ba đều đã có một cuộc chiến vinh quang, nhưng lại sẵn sàng làm mọi chuyện để chiến tranh không tái diễn. Sự thỏa hiệp của họ thời Chiếm đóng mang bản chất rất khác nhau, nhưng đều đặt ra vấn đề. Tại sao những cuốn tiểu thuyết lớn của Đại chiến lại được viết bởi những người sẽ hợp tác với các nền chuyên chế? Thật may là vẫn có các phản ví dụ. Tôi nghĩ tới Emilio Lussu, một người Ý chống phát xít, tác giả của Les Hommes contre (1938), một satire mạnh mẽ về cuộc chiến, sau đó sẽ được Francesco Rosi dựng thành một bộ phim chống quân sự. Nhưng với văn chương Pháp, có lẽ vì lòng trung thành với Pétain, tôi thấy ít cuốn sách theo chủ nghĩa hòa bình hồi những năm 30 không dự báo một sự dấn thân đáng ngờ trong Thế chiến thứ hai.

Các nữ tiểu thuyết gia không đóng góp gì à?

Trong tuyển tập, tôi đã dành một vị trí quan trọng cho phụ nữ, chẳng hạn như Colette, bà đã viết những phóng sự mặt trận, ở Verdun, tại đó chồng bà, Henry de Jouvenel, đang chiến đấu, cả bên Ý nữa. Những bài thời luận tuyệt vời của bà cho tờ Le Matin được tập hợp trong Les Heures longues. Rất nhiều lời chứng về các khó khăn của việc giải ngũ, sự trở về cuộc sống dân sự của các cựu chiến binh, việc họ tái nhập với hòa bình - chủ đề này đã được phân tích bởi sử gia Bruno Cabanes, từng được Pierre Lemaitre vinh danh. Thế nhưng, trong La Fin de Chéri, Colette miêu tả một cựu chiến binh trở về như một anh hùng, nhưng không tìm được chỗ của mình bên cạnh người vợ, vốn được anh ta ký cho một tờ chứng nhận ủy quyền để giải quyết công việc làm ăn… Edith Wharton ngay năm 1915 đã cho xuất bản một tập bài báo về chiến tranh. Barbusse gọi các nhà báo là “tụi đi du lịch chiến hào”! Nhưng lời chứng của họ là không thể thay thế ở khoảng không gian nằm giữa chiến tuyến và hậu phương, cái vùng mang tên “des étapes”, vùng xen kẽ, với các hàng quán, nhà thổ, nhà ga, khu đồn trú, dân thường, và cảnh binh đi tuần. Chính ở đó cũng có các bệnh viện và theo tôi là nơi chứa đựng sự thật về chiến tranh, giữa tiền tuyến và hậu phương.

Tính hiện đại văn chương là một trong những chủ đề ưa thích của ông. Chiến tranh có đóng góp gì cho nó không?

Chiến tranh đã in dấu ấn sâu đậm lên văn chương các thập niên tiếp theo và đóng góp cho tính hiện đại của văn chương, nhưng hẳn là ít hiển nhiên và tức thì hơn ở Pháp, so với những nơi khác. Trong thơ cũng như tiểu thuyết, trước chiến tranh người ta tìm kiếm trải nghiệm thô, cuộc sống tức thì, mà cuộc xung đột khiến cho sự miêu tả trở nên cấp thiết hơn. Trong những năm 30 xuất hiện đầy rẫy những cuốn tiểu thuyết của cựu chiến binh bỏ quân phục, những người độc thân khổ sở sẽ chẳng bao giờ thoát được khỏi chấn động tâm lý từng có dưới làn đạn pháo, theo cách thức của Bardamu hay Aurélien [nhân vật của Aragon], họ tra vấn về sự phi lý của thời đại mình. Chiến tranh cũng đã khơi gợi, theo lối tương phản, một trào lưu phóng túng hồi thập niên 20, với Thomas l’imposteur của Cocteau và Bella của Giraudoux! Hồi ấy họ là những hiện thân của tính hiện đại, vào lúc người ta không còn muốn nghe nói đến những nỗi khủng khiếp của chiến hào nữa.

Trong chừng mực nào các tác phẩm văn chương đó thay đổi hình dung về chiến tranh của công chúng?

Ở hậu phương người ta biết gì về trải nghiệm tàn khốc của những người lính? Các sử gia sẵn sàng cho rằng người ta biết ít lắm. Nhưng Barbusse đã nói rất nhiều về những cái đó! Và cuốn sách của ông bán được 350.000 bản trước đình chiến. Những bức thư tràn ngập thông tin cũng thế, những bức thư tránh được kiểm duyệt nhờ gửi qua những người lính về phép. Và lính tráng viết thư rất nhiều: Barbusse ngày nào cũng viết thư cho vợ, mà ông không phải người duy nhất làm vậy! Đến nỗi có lần ông phải giải thích vì sao im lặng mất hai ngày, sau sáu tháng ở mặt trận, mặt khác ông không nói gì về mức độ trầm trọng của các trận đánh ông vừa tham gia… Ta cũng quên mất máy ảnh mà nhiều người lính ngoài chiến hào có. Barbusse gọi nó là cái “Tóm Lại Mọi Thứ” của ông và gửi phim về cho vợ để rửa. Chắc chắn, các tờ báo phục vụ cho việc “tẩy não”, nhưng chẳng ai bị đánh lừa và thực tế chiến tranh không bị lờ hẳn đi như người ta từng nói. Chắc chắn nữa là họ không viết mọi thứ, không kể mọi thứ: cuộc chiến tranh mà Dorgelès miêu tả cho mẹ mình rất khác với cuộc chiến tranh ông kể với người tình! Ông không muốn làm mẹ lo lắng, nhưng tìm cách làm cho mình nổi bật trong mắt người tình. Và thực tế hẳn là nằm giữa hai thái cực ấy. Nhiều nhân chứng kết luận rằng những lời chứng đúng đắn nhất là của những người đã chết, là những thứ vĩnh viễn chúng ta chẳng bao giờ có được.

Hiện nay người ta vẫn xuất bản nhiều sách về Thế chiến thứ nhất. Việc này mang lại những gì, theo quan điểm lịch sử hay văn chương?

Nó cho thấy rằng trước hết chấn động này tiếp tục kéo dài qua các thế hệ! Nó cũng chứng tỏ mình hết sức đa dạng, cho đến tận giải Goncourt gần đây nhất [chỉ tác phẩm Aurevoir là-haut của Pierre Lemaitre]. Những tiểu thuyết của Rouaud và Echenoz, chẳng hạn, là những cái nhìn khác về chiến tranh. Chiến trận vạch lại một phả hệ gia đình, trong khi 14 của Echenoz tập hợp một cách ngắn gọn và đầy mỉa mai mọi thứ cliché về văn chương chiến tranh. Hai cách thức này đều thú vị và cung cấp cho độc giả một lối đi để trở lại với những cuốn sách xưa hơn. Tiểu thuyết đương đại, tôi hy vọng, cũng mời gọi độc giả đọc lại các tác giả trong quá khứ.

Cho đến giờ người ta biết ông chủ yếu là chuyên gia về thế kỷ XIX, từ Đệ tam cộng hòa văn chương đến Những nhà phản hiện đại. Liệu có nên nhìn nhận trong sự gợi nhớ một thứ văn chương hậu 1914 này lời hứa về một lịch sử văn chương thế kỷ XX?

Tôi đã cho xuất bản về chủ đề này rồi, trong tủ sách Folio, dưới sự chủ biên của Jean-Yves Tadié! Nhưng tôi có nhìn thấy thử thách mà các bạn đặt ra cho tôi. Văn chương về Thế chiến thứ nhất đã cung cấp một khuôn mẫu, một ma trận cho một phần lớn văn chương thế kỷ XX, nhất là trong mối quan hệ thiết yếu của nó với lời chứng. Cuộc đời và số phận của Vassili Grossman trong mắt tôi là một cuốn sách rất lớn của thế kỷ vừa rồi. Đó là một cuốn tiểu thuyết chiến tranh, nhưng, cũng như Hành trình đến tận cùng đêm tối, ta không thể rút giảm nó chỉ về văn chương chiến tranh. Và đó là một cuốn tiểu thuyết không thể hình dung nếu không có văn chương về cuộc Đại chiến, cuộc chiến đó vẫn tiếp tục bên Nga dưới hình thức nội chiến. Thứ văn chương ấy lần đầu tiên đã đặt ra mọi vấn đề rồi sẽ xuất hiện trở lại sau Thế chiến thứ hai: làm thế nào để chứng kiến sự hãi hùng và sự phi nhân? Sau này, làm thế nào mà viết được sau Auschwitz? Ngược lại, cho đến mãi gần đây, những cuộc chiến tranh thuộc địa còn chưa tạo ra được một thứ văn chương tương đương. Có lẽ là bởi những cuộc chiến ấy đều kết thúc bằng các thất bại có phần đáng hổ thẹn. Dẫu sao thì vẫn chưa có nhà văn nào từng xử lý đề tài phần kết của đế chế và quá trình giải thực dân một cách mạnh mẽ… Nhưng thật tốt vì văn chương Pháp rốt cuộc đã lại bắt đầu nói về chiến tranh, đó là thứ xuyên suốt toàn bộ lịch sử văn chương. Xét về mặt văn chương nó mang lại nhiều lợi ích hơn là tự hư cấu: hãy nghĩ đến những gì Proust từng làm trong Thời gian tìm thấy lại! Và ngay những cuộc chiến tranh thuộc địa ấy ngày nay cũng đang trở thành đề tài cho những cuốn tiểu thuyết tuyệt vời, như tiểu thuyết của Laurent Mauvignier hay của Alexis Jenni. Họ thuộc một thế hệ không biết đến các cuộc chiến đó, nhưng nhờ lý trí mà hiểu rằng chúng là then chốt đối với ký ức quốc gia và hẳn ta sẽ không thể hiểu nổi nước Pháp hiện giờ nếu không coi trọng chúng.


Đây là một nhân vật quan trọng trong bài trên, Le Feu của Henri Barbusse:



(bản dịch của Nguyễn Trọng Thụ, Nguyễn Văn Thường và Lê Văn Tụng, 1962)

4 comments:

  1. chủ nghĩa nhất thể đúng hơn chứ nhỉ? (salut :D)

    ReplyDelete
  2. ừ đúng, chả nghĩ ra từ nào :p

    ReplyDelete
  3. Khói lửa ở đây mà áo sống nghiêm chỉnh, chả đọc được gì!=\

    ReplyDelete