Jun 8, 2009

Nước Mỹ đi về đâu

Đặt cái tên thế, tất nhiên, theo tinh thần "cho nó mấu", chứ mình còn không biết mình đi về đâu nữa là nước Mỹ.

Tờ Magazine Littéraire lâu lâu không đọc vì thấy ác cảm với các thay đổi bố trí lại của nó, mấy hôm nay mới lôi số từ tháng Hai vừa rồi ra xem, thấy đúng là rối loạn hết cả lên, mục này mục nọ đảo như rang lạc. Điểm tích cực là đã bỏ đi mục của Simon Leys, cái bác ở nước Úc này thiệt tình thiệt là (nhìn chung là tôi không thích các bác Úc lắm. Racist? yes, nhè nhẹ). Chỉ còn Alain Rey vẫn còn dẻo dai, số nào số nấy vẫn miệt mài giải thích từ ngữ. Mà thật ra cái mục đó tôi cũng giữ được... nếu giỏi tiếng Pháp như Alain Rey (lol). Nói đùa thôi, Alain Rey là một nhân vật cực oách, chủ biên các bộ từ điển Robert (tôi là cái loại khắm khú hoài cổ toàn xài từ điển Littré cũ rích, chữ thậm chí còn rạn rạn kiểu xa xưa, nhưng dẫu vậy thì vẫn đủ tỉnh táo để khuyên các bác dùng từ điển Robert, gọn gàng chuẩn xác đẹp nét và rất... Rey :)

Số này chuyên đề về tiểu thuyết Mỹ (mới). Trong các nhân vật khủng long của văn chương đương đại Mỹ thì không thấy nói gì đến Don DeLillo hay John Updike nữa, người duy nhất thuộc lứa già già là Paul Auster. Có Auster thật ra cũng có nguyên do cả: Auster được hâm mộ ở Pháp còn hơn ở Mỹ. Trong chuyên đề này ngoài Auster còn có một bác nữa cám cảnh cái vụ vai trò mờ nhạt của nhà văn trong xã hội Mỹ, khác xa so với châu Âu và Mỹ Latinh. Trả lời phỏng vấn của Lévai Balázs, Auster hay là Roth cũng nói ở châu Âu ra đường khối người đến chào hỏi xin chữ ký chứ ở Mỹ có mà đứng giữa đường gào tao là nhà văn đây cũng chả ma nào để ý, nó lại tưởng là khẩu hiệu mới của tụi racist :)

Chuyên đề này không thực sự hay. Tôi cũng chả thấy chuyên đề nào mà Minh Tran Huy tham gia tổ chức hay cả, đồng chí gốc Việt này là cả một ổ cliché. Lại còn đi vào chỗ khái quát hóa thành "Homo Americanus" nghe rất chối, rồi lại tâm lý sợ hãi thảm họa chống đối American Dream vân vân và vân vân. Phần hay là bài nói về văn học Mỹ Do Thái, nói đến sự khác biệt về cách nhìn giữa các thế hệ: như Saul Bellow là người đi sâu vào vấn đề bài Do Thái, và chỉ bằng tài năng ngôn ngữ đã bắt người ta phải quan tâm tới Do Thái, mở đường cho Singer hay Nabokov. Thời nay thì bài Do Thái không còn là chủ đề trung tâm của nhà văn Mỹ Do Thái nữa, mà nhà văn Mỹ Do Thái trở thành nhà văn Mỹ đôi khi nhắc tới các đề tài Do Thái, như Michael Chabon, Nathan Englander và (hihihi) Jonathan Safran Foer (Everything Is Illuminated: Mọi thứ cứ lóe lên í).

Mai có thời gian sẽ dịch bài của Percival Everett: "Des esprits toujours esclaves des clichés raciaux": vấn đề màu da chủng tộc với các biểu hiện tinh tế hiện nay. Các đồng chí déjàvous có thời gian giới thiệu bác Everett này cái nhỉ, có vẻ rất chi hấp dẫn.

-------------------

"Những tâm trí vẫn luôn bị cầm tù trong các cliché xã hội"
- Percival Everett -

Trước hết, tôi muốn tuyên bố rằng nghệ thuật không có trách nhiệm xử lý những mối bận tâm về màu da, các tộc người thiểu số hay chính trị, dù cho là một vấn đề chính trị cụ thể. Những mối bận tâm đó được chia sẻ bởi nhiều nghệ sĩ, có thể là tất cả các nghệ sĩ, và thường xuyên do cần thiết [nên phải như vậy]. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là trách nhiệm của văn hóa chúng ta xét về tổng thể. Nhưng nghệ thuật, để vẫn có thể là thuần túy và chân thực, không được để mình bị cuốn vào. Dù có vậy, không nghệ sĩ nào có thể tạo ra một tác phẩm không chịu ảnh hưởng từ các khuynh hướng chính trị, văn hóa, tôn giáo của anh ta, những từ chối của anh ta, những sợ hãi của anh ta. Ngay sự vắng mặt của quan tâm đối với các chủ đề ấy tự thân nó đã là lời bình luận về mối quan hệ giữa nghệ sĩ và thế giới - một lời tuyên bố cũng có giá trị với giới xuất bản.

Khi tôi khởi đầu sự nghiệp cách đây hai mươi lăm năm, có vẻ như là chỉ tồn tại hai thế giới khả thể cho các nhân vật da đen trong tác phẩm hư cấu và, cũng chính bởi vậy, các tác giả da đen chỉ có quyền miêu tả hai thế giới: ngoại ô hay nông thôn miền Nam. Với tư cách sản phẩm văn chương, những thế giới đó rất giống nhau: hai không gian đầy rẫy những thứ cũ mèm nghèo đói và các thổ ngữ chật hẹp; khi xem xét kỹ thì chúng giống hệt nhau về bản chất, và không thực chút nào. Vấn đề của tôi, cũng là vấn đề của nhiều nhà văn da đen, là cả hai không gian ấy đều không tương hợp với trải nghiệm của tôi, cả thứ thổ ngữ bị gán cho chúng cũng không. "Revue nègre" [có vẻ như là một vũ đoàn của người da đen, liên quan tới nhạc jazz] được lăng xê. Với chúng tôi tình thế này giống như một vụ đắm tàu về văn hóa. Nhiều tác giả đã viết, về hai cái thế giới không thuộc về chúng tôi ấy, những cuốn sách được đón nhận bởi những lời bình luận gây bực mình như: "Đó là trải nghiệm thật", "Tâm huyết ruột gan đấy". Sự mỉa mai của số phận: các tác giả chọn cách từ chối liếm giày cho giới xuất bản, không chịu viết theo các kích cỡ quy định sẵn, bị coi là những kẻ bị bán, bọn tư sản, hay, rất đơn giản, không được in sách.

Một sự việc theo tôi có nhiều ý nghĩa đã xảy ra ở New York, cách đó vài năm, trong một bữa tiệc tập trung các nhân vật của giới văn chương. Vì lỡ chân mà tôi bị kẹt trong một cuộc trò chuyện với một chủ xuất bản da trắng vừa từ chối cuốn tiểu thuyết của tôi, Frenzy, viết về vị thần Hy Lạp Dionysos. Ông ta nói với tôi rằng cuốn tiểu thuyết cũng hay, rồi hỏi tôi: "Nhưng Dionysos thì có liên quan gì với người Da đen?" Tôi nhìn ông ta chằm chằm giây lát rồi đáp: "Có liên quan nhiều hơn chút ít so với mối liên quan mà nhà xuất bản của ông có với văn chương." Câu hỏi của ông ta, dù cho có mang tính lăng mạ đến đâu, cũng không phải đồ hiếm. Tâm trí ông ta hẳn không bao giờ nảy ra việc đặt cùng câu hỏi đó cho một tiểu thuyết gia người Ailen viết về một nhà thám hiểm Tây Ban Nha. Các bạn có thể tưởng tượng được không? "Cuốn tiểu thuyết về Milton này thì có liên quan gì tới trải nghiệm Do Thái cơ chứ?" Vấn đề nằm ở chỗ nhiều chuyên gia [lecteur] của các nhà xuất bản không tệ đến thế - mặc dù họ có kỳ thị chủng tộc - mà đúng hơn là họ ngu ngốc. Một bộ phận của giới chuyên gia [lectorat] không biết cách phân biệt tác giả với tác phẩm.

Và điều này thì không khó hiểu, với nỗi ám ảnh mà nền văn hóa của chúng ta dành cho những người nổi tiếng và nổi bật. Thêm vào đó còn có thêm một khía cạnh dòm ngó chõ mũi [voyeur-voyeurism]. Những bộ phim không ngừng tung ra lời quảng cáo theo đó chúng lấy cảm hứng từ một "câu chuyện có thật". Dĩ nhiên, thường thì người ta chẳng có nhiều lý do để tin vào điều này, cũng như là tin vào ông già Noel, nhưng việc này cũng làm các khán giả quá lười biếng, những người không làm gì để đóng góp xây dựng một câu chuyện, được yên tâm. Vì vậy, khi giới xuất bản và các chuyên gia phát hiện tác phẩm của một nhà văn da đen, thì điều đầu tiên làm họ choáng váng là anh ta da đen. Thế là họ bèn tìm cách được yên tâm, thông qua một loạt những chờ đợi có tuổi già lão ngang với chế độ nô lệ (không chỉ là trong phiên bản Mỹ) và những định kiến đã trở nên rất phức tạp, không dễ định danh chút nào.

Văn chương Mỹ đầy rẫy các tác phẩm hư cấu có chất lượng đáng kinh ngạc. Tôi hy vọng đóng góp được một chút ít. Tuy nhiên, những gì được xuất bản chủ yếu mang tính thương mại (điều này không nhất thiết là xấu), trống rỗng, phi văn học, phản tri thức (điều này cũng không nhất thiết là xấu) và kỳ thị chủng tộc. Chỉ riêng sự hiện diện của những cuốn sách này không làm tôi thấy có vấn đề gì. Điều làm tôi bận tâm là thiếu vắng tác phẩm khả dĩ làm đối trọng với chúng. Cho phép tôi được đưa ra một ý tưởng không thuận tai cho lắm. Tôi tin rằng việc dạy creative writing [Iowa for exemple :)] và nền công nghiệp đi kèm nó mang một hiệu ứng rất tồi tệ. Chắc chắn là việc dạy viết văn và làm thơ đã sản sinh được nhiều tác giả tốt và quyển sách tốt, nhưng tôi e sự thiếu trí tưởng tượng của giới xuất bản gắn liền với sự lười biếng của giới chuyên gia sẽ cứ liên tục cho ra đời hàng đống những quyển tiểu thuyết không chút cả gan, không cảm hứng, viết tốt, uốn éo, nhưng quanh đi quẩn lại vẫn xắn quần lên đến bẹn [hehe: mais ressassant les mêmes vieilles rengaines]. Dù cho người ta có nhìn thấy ở đó nguyên nhân sự sa sút của văn chương Mỹ hay không, thì đây cũng là một cảm nhận cá nhân mà tôi mạn phép trình bày dưới dạng mở ngoặc đơn. Văn học ở Mỹ không èo uột. Ngược lại, giới xuất bản lại ở trong một tình trạng đáng buồn, cần được can thiệp. Nhưng, xin đừng gửi tiền cho họ. Họ sẽ ném qua cửa sổ thôi. Cái họ cần là sự cứu rỗi về mặt trí tuệ. Nhiều tác phẩm có giá trị sẽ không bao giờ ra đời nổi. Nhiều thứ ngớ ngẩn thì cứ trổ bông tung tóe [lol: beaucoup de nullités fleuriront]. Chả có gì mới dưới mặt trời hết.

-------------------

+ Vì các em đang bận thi cử nên chúng ta đành gói gọn thỏa mãn ở đây vậy.

+ Đọc số báo này mới nhớ ra nhân vật hay đi cặp đôi (cùng nhóm "Brat Pack") với Bret Easton Ellis là Jay McInerney, tác giả A Good Life.

+ Bạn nào đang ở Paris mà có hứng thú thì mời đi xem triển lãm đầu tháng Bảy tới có một người bạn tôi tham gia: xem chi tiết ở đây. Đó là chị oha, cựu học sinh ENSAD rue d'Ulm, chính là tác giả cái bìa sách mà tôi rất rất thích ở đây (chán quá không tìm được cái nào to lớn hơn đàng hoàng hơn :)

13 comments:

  1. thỉnh thoảng được bác khai sáng một tí, sướng lòi mắt.

    ReplyDelete
  2. Tầm này đang nô nức thi final anh ạ T__T

    ReplyDelete
  3. bác Marcus có cần nốt bên kia không thì chìa ra đi ạ

    :-)

    ReplyDelete
  4. "Minh Tran Huy" là ý gì ạ? Kỳ thị à? ;S

    ReplyDelete
  5. Chị ấy toàn ký thế ấy mà bác, em đâu có dám kỳ thị đâu, mà thật ra em cũng chả biết là Trần Huy Minh hay Trần Minh Huy hay Trần Mình Huy (Hoàng) luôn.

    ReplyDelete
  6. Cái ý ông này ném đá creative writing nghe mới nhỉ? Em thấy món này hay và cần thiết đấy chứ. Nam Le cũng từng tham gia lớp viết văn Iowa.
    Dù sao thì đá ném hơi lệch ;)

    ReplyDelete
  7. Bài dịch hay quá ! Cảm ơn bạn Nhị Linh.

    Thích nhất đoạn cuối :))

    "quần xắn lên đến bẹn" & "những thứ ngớ ngẩn thì cứ trổ bông tung tóe". Duyệt ! ;-)

    Bác Everett này (thông qua "miệng" dịch giả NL), chua ngoa hẳn lên. Sợ thật !

    ReplyDelete
  8. Em thấy đổi thành từ "Homo Americ-anus" có vẻ hợp hơn ạ. Khác bác, em lại khá là thích Aussies.

    ReplyDelete
  9. thì vẫn luôn có một xu hướng, ở mọi nước (trừ VN hehe) chống lại những thứ hay hay nhưng dễ dễ, kiểu "bien-pensant", "chủ nghĩa phản chính thống thời thượng" (l'anti-conformisme branché) hay là "sống trung dung" hòa bình với văn hóa tầm thường nhưng mỉa mai nó, theo kiểu Michel de Certeau

    creative writing thì cũng hao hao trường viết văn Nguyễn Du hay trường Gorky bên Nga trước đây, và những gì Everett phê phán cũng khá tương hợp với thứ "phải đạo" của HNH ấy

    ReplyDelete
  10. Oi gioi, Aussies ma racist a??? An thua gi so voi European :)))
    HA.

    ReplyDelete
  11. mea culpa ý tớ không phải racist đến mức bảo dân Úc racist mà là mea culpa mình có tội mình tự nhận mình racist vì không thích các bác Úc :)

    ReplyDelete
  12. Không thích các bác Úc sao gọi là racist được vì các bác Úc có phải một race đâu. Thôi bác cứ tự nhật là nationalism, hay hate crime cũng được :))

    ReplyDelete
  13. hihi em hiểu nhầm, xin lỗi bác.
    HA

    ReplyDelete