Jun 12, 2009

Công danh phù thế có ngần ấy thôi

Thời gian vừa rồi có hai quyển sách nghiên cứu-phê bình văn học quan trọng được xuất bản (sắp có quyển thứ ba :), là Bút pháp của ham muốn của Đỗ Lai Thúy, chị So đã xao xuyến chết thôi vì một bài review quyển này, và Thơ thi pháp và chân dung của Đặng Tiến (NXB Phụ nữ). Quyển trước tạm để đấy, quyển thứ hai có một ý nghĩa đầu tiên: vậy là cuối cùng một trong hai người có thẩm quyền nhất về thơ ở hải ngoại (người còn lại là Nguyễn Hưng Quốc) đã có tác phẩm được đọc rộng rãi trong nước.

Đặng Tiến có tài thuộc thơ, nhớ thơ đã trở thành huyền thoại, và chắc nhiều bạn cũng đã đọc một số bài viết của Đặng Tiến về thơ. Tôi cũng có hân hạnh được giáp mặt Đặng Tiến một, hai lần gì đó nhưng thực sự là kính nhi viễn chi, không quen bắt chuyện với huyền thoại và để nói thật lòng tôi rất không thích các bài viết nhân dịp lễ tết của Đặng Tiến, kiểu năm Tý thì nói chuyện chuột trong thơ, sang đến năm Ngọ tất nhiên sẽ không đả động đến con rồng.

Quyển này thu hút đặc biệt vì những bài quan trọng nhất Đặng Tiến dùng để viết về toàn các nhà thơ mà tôi rất thích (để nói thật lòng nữa thì chỉ trừ Lê Đạt). Khi đã ở tâm trạng thoải mái không bị ức chế vì phải đọc về những người mình không biết nhiều hoặc không thích, ta có thể làm được điều hay nhất có thể làm khi đọc sách: suy nghĩ cùng tác giả. Tôi chỉ thấy lạ là Đặng Tiến không viết về Vũ Hoàng Chương trong khi có một bài quan trọng về Đinh Hùng ("Thi giới Đinh Hùng"); tất nhiên khi có Lê Đạt mà không có Trần Dần thì cũng có thể đặt câu hỏi tương tự, nhưng tôi thấy rất phí, vì có một lần đi tra tư liệu tôi mới nhận ra tại Việt Nam chưa hề có công trình nghiên cứu nào về Vũ Hoàng Chương hết, bài báo cũng gần như không có. (Khi đọc những quyển sách tập hợp bài vở tôi thường tự hỏi về các thiếu vắng: chẳng hạn như bộ Các nhà thơ cổ điển Việt Nam của Xuân Diệu không có bài nào về Nguyễn Công Trứ. Trong bài sơ thảo các ý tưởng của tôi về NCT tôi đã thử đặt một giả thuyết: vắng mặt NCT là do ý hệ, cụ thể là thời ấy NCT thường bị sử gia phê phán vì đã chém bay đầu vài lãnh tụ mấy cuộc nổi loạn hay được gọi là khởi nghĩa nông dân, nhưng vẫn chưa gặp được chuyên gia Xuân Diệu nào để hỏi rõ hơn).

Điều đáng phàn nàn về Thơ thi pháp và chân dung là ở chỗ "thi pháp" có dung lượng quá mỏng, quanh đi quẩn lại mấy bài chỉ nói đến vài quan điểm đơn giản của Roman Jakobson (tựu trung chỉ là chuyện ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ tự lấy nó làm đối tượng/cứu cánh), một chút thoáng qua về Paul Valéry chứ không có gì về các thành tựu sau này của thi pháp, còn "chân dung" thì nên gọi là "hành trình" thì đúng hơn.

Đặt tên sách Thơ thi pháp và chân dung Đặng Tiến đã tự đặt cho mình một nhiệm vụ rất khó: theo tôi hiểu thì ở đây dự định là tìm một "giải pháp trung dung", một "con đường thứ ba", vì về bản chất "thi pháp" đối nghịch với "chân dung". Giải pháp đó được giải quyết thế nào? Tôi thử tập trung vào bài "Tản Đà, thi sĩ của phôi pha" để xem cách làm của Đặng Tiến ra sao.

Sau một đoạn ngắn "vào đề" nói về tiểu sử Tản Đà là các đoạn văn xuôi xen lẫn liên tục các câu thơ, nhằm chứng minh Tản Đà đúng là thi sĩ của phôi pha. Có lẽ nên bỏ vấn đề lôgic sang một bên, đơn giản vì rất khó tìm được lôgic, cái còn lại là cái mà tôi gọi là "thẩm quyền". Thử xét một đoạn:

"Những bài thơ hay của Tản Đà, những tác phẩm đích thị là thơ, thường mang không khí ngậm ngùi của cách biệt, úa héo trong cuộc sống đang lìa tan.

Trận gió thu phong rụng lá vàng
Lá rơi hàng xóm lá bay sang

Ngoại cảnh úa héo và tan tác. Xác lá trong thơ Tản Đà mang theo niềm đau đớn chua xót rồi ngậm ngùi của nhiều giai đoạn từ ly. Rụng là chia lìa, rơi là viễn cách, bay là chập chờn gượng sống, là trở về với ký ức, và một kiếp sống khác:

Lá thu rơi rụng đầu ghềnh
Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly."

Điều cốt tử của cách viết này là phải chọn được thơ hợp với lời dẫn. Và phải có thẩm quyền để ngầm nói với người đọc rằng tôi đưa ra ý này là thuyết phục vì tôi hiểu lời thơ đó nói gì. Phải khéo léo để dẫn dắt về chủ đề (theo tôi là định trước): "phôi pha". Cách làm này tôi so sánh với người viết ca khúc viết lời trước khi viết nhạc.

Thẩm quyền then chốt cũng phải được thể hiện một cách ý nhị: chẳng hạn như ở tr. 142, Đặng Tiến nhắc tới Uy Viễn (tức Nguyễn Công Trứ) thì ngay trang sau đã có câu "Tản Đà yêu giấc chiêm bao đó và sống trọn vẹn, chân thành với phù thế, vì ngoài ba vạn sáu ngàn ngày ra, không có sự cứu rỗi nào khác..."

Ai quen thuộc với thơ Nguyễn Công Trứ sẽ biết "ba vạn sáu ngàn ngày" là cách nói NCT thường dùng. Hiện tượng này theo tôi có thể xếp vào dạng "association" (lý thuyết gia của cái này chính là Remy de Gourmont), một hình thức rất phổ biến của giảng thơ theo truyền thống, lấn sang đến tận bài tập giảng văn/bình luận của nhà trường hiện nay.

Khi "suy nghĩ cùng" tác giả, tôi thấy cảm giác của tôi rất chênh so với cảm giác của tác giả: tác giả dường như nói rằng Tản Đà rất trau chuốt câu chữ, trong khi với tôi Tản Đà thuộc vào dòng Lý Bạch, từ ngữ đơn giản nhưng dựa vào những bất ngờ kịch tính của cú pháp và nhịp điệu, cũng như ngữ điệu (nhiều người hẳn còn nhớ mấy câu: "Hay là thuở trước kẻ văn chương/Chen hội công danh nhỡ lạc đường/Tài cao phận thấp chí khí uất/Giang hồ mê chơi quên quê hương")

Điều tôi thích nữa là Đặng Tiến dùng đúng bản Tản Đà mà tôi có: Tản Đà vận văn toàn tập, NXB Hương Sơn 1952. Một kỷ niệm trong đời đọc sách.

+ Đọc bài này lại nhớ đến một kỷ niệm sách vở khác: Maus của Art Spiegelman. Thế mà tôi cứ nhớ đã đọc thấy tin ông ấy chết rồi. Bài báo mở ra đầy hứa hẹn: "'I want a blood test,' Art Spiegelman shrugs when asked about his status as the father of the graphic novel."

+ Bên wordpress cho biết mấy hôm vừa rồi "Top Searches" gồm có "milan kundera liên quan gì đến picasso" và "why choose picasso's painting for laughable loves by kundera" (nghĩa là search trên google cụm từ đó thì rơi vào blog bên wordpress của tôi). Hehe hai đấu thủ công nhận máu chiến thật, mỗi tội tôi không biết ai tìm bằng tiếng Việt ai tìm bằng tiếng Anh :))))

14 comments:

  1. Mình thú thật với bạn Nhị Linh là mình tìm bằng tiếng ... La tinh :))) "Siêu thực" mà ! ;-)

    ReplyDelete
  2. Viết về thơ say của Vũ Hoàng Chương cũng có người viết rồi, mình có đọc mà lâu quên mất ai viết.

    ReplyDelete
  3. Tôi rất thích Đặng Tiến, nhất là những bài trên mạng ấy. Mỗi lần có nhà văn, nhà thơ lớn nào qua đời, tôi thường chờ đợi một bài viết ngắn gọn, súc tích của ông về người quá cố.
    Cuốn Chân dung & Thi pháp của ông là tập hợp những bài viết riêng lẻ, ra đời trong những thời điểm cách nhau cả mấy chục năm nên việc tập trung chúng lại dưới một chủ đề thì có hơi khiên cưỡng. Hầu hết những bài trong cuốn sách này tôi đã đọc đâu đó ở trên mạng.
    Dù thế, những phát hiện và kiến giải của ông trong cuốn sách này đã mang tới cho cá nhân tôi nhiều điều mới mẻ, thú vị, như cách ông bàn về "nước non", "Ngày xanh như ngựa..."... trong thơ Tản Đà.
    Đôi lúc ông trải ra những dòng cảm xúc và tâm sự riêng tư, như bài về Bà Huyện Thanh Quan.
    Tiếc là sách này không có bài về Tố Hữu (Tôi nghĩ Tố Hữu bị "loại" vì Đặng Tiến rất khó bảo vệ những ý kiến của mình được xuất hiện một cách trọn vẹn như các bài viết trên mạng).

    ReplyDelete
  4. Công nhận gặp được cuốn sách hay/hợp hứng khởi nhỉ :))

    ReplyDelete
  5. Thơ Vũ Hoàng Chương được phân tích, bình luận rất nhiều, nhưng tuyệt đại đa số là Sài Gòn trước 75 và hải ngoại sau này, chẳng hạn như "Chiêu niệm văn chương" của Viên Linh, ở đây là nói tại Việt Nam trong sách vở nghiên cứu "chính thống" không có mặt Vũ Hoàng Chương. Đợt trước NXB Hội Nhà văn in lại mấy tập thơ VHC nhưng cũng chỉ có "Thơ Say" hay là hình như có thêm "Thơ Mây", trong khi ông ấy có cả mấy chục tập thơ, cả đời xuất sắc, lúc nào cũng là "thi bá": trước 45 thì là chiếu nhất của tiền chiến, trước 75 thì địa vị danh giá tại Sài Gòn.

    ReplyDelete
  6. Mà tìm hiểu sâu về VHC thật ra cũng không khó: tài liệu còn rất nhiều, em trai Vũ Hoàng Địch còn sống tại Hà Nội etc.

    ReplyDelete
  7. Tôi nghĩ Vũ Hoàng Chương thuộc vấn đề "nhạy cảm" có liên tới chính trị nên cũng không lạ khi chỉ có Thơ say hay Thơ mây được nhắc đến. Vũ Hoàng Chương từng viết những câu "Có một ngày ta trở lại Cố Đô / Lưỡi lê no máu rửa Tây Hồ / Trên tầng chí sĩ ban tay vẫy / Đại định Thăng Long, một bóng cờ" thì cũng rất khó mà được nói đến. Sau 1975 VHC cũng bị đi "học tập", và theo những lời lưu truyền trong dân gian, được về đến nhà thì chết. Nếu không chết và sống đến hôm nay thì còn dễ, đằng này lại chết mất rồi. Khó như vậy. Nói mà không nói hết thì thà chẳng nói còn hơn.

    ReplyDelete
  8. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  9. Vũ Hoàng Chương? Hôm nay đúng ngày luôn:

    "Men khói hôm nay sầu dựng mộ
    Bia đề tháng sáu ghi mười hai
    Tình ta ta tiếc cuồng ta khóc
    Tố của Hoàng nay Tố của ai"

    ReplyDelete
  10. Cái bác NL này kêu tui bỏ capcha rồi bản thân mình lại thêm capcha là sao?

    ReplyDelete
  11. Kỷ niệm sách vở của bác NL với Maus như thế nào? Em tò mò vì với bộ này em luôn băn khoăn: why the hype?
    HA.

    ReplyDelete
  12. Đặng Tiến có viết về Vũ Hoàng Chương, bài đăng trong Vũ trụ Thơ II, NXB Thư Ấn quán, 2008.
    Nhiều bài khác không được tuyển chọn vào tập Thơ, Thi pháp và chân dung này vì những lý do theo tôi được biết ngoài ý muốn của tác giả.

    ReplyDelete
  13. Nhân tiện chúc mừng bác Hà Dương Tường, quyển "Máy tính & Bộ não" của von Neumann đã in xong rồi :)

    ReplyDelete