Apr 18, 2010

Bài thơ của Thụy An

Bài thơ của Thụy An, xuất hiện trong Phụ nữ tân văn, phấn son tô điểm sơn hà, Thiện Mộc Lan, Thời Đại & NXB Văn hóa Sài Gòn, mới xuất bản. Đăng trên Phụ nữ tân văn số 258, 18/9/1934 trong mục "Văn uyển" do Vân Đài nữ sĩ quản lý.

Thụy An sau này sẽ là một trong những người chịu án nặng nề nhất trong phiên tòa Nhân Văn-Giai Phẩm, cùng Nguyễn Hữu Đang và Trần Thiếu Bảo. Hình như trong phiên tòa ấy còn hai người nữa cũng bị xử chung nhưng chưa tìm được tài liệu kiểm chứng.


------------

Đứa trẻ khốn nạn tự thuật

Tôi là một đứa trẻ mồ côi,
Mất mẹ mất cha năm lên mười
Được ông hàng xóm thương nuôi nấng,
Cho đến năm tôi lên mười hai
Thì ông bị mất việc đương làm,
Bà đã chết sớm, con một đàn
Bữa đói bữa no lần hồi mãi,
Sau đem mỗi con cho một phương.

Tôi cũng cùng chung một số phận:
Phải lìa cái nhà nhỏ đấm ấm!
Mà tôi được hưởng trong hai năm
Biết bao âu yếm, bao tình thắm

Mà tôi thường quên tôi mồ côi,
Tưởng ông hàng xóm là cha tôi,
Tưởng các con ông là anh chị,
Trong cảnh nghèo nàn sống an vui!

Cái đói than ôi! Chia rẽ con!
Bao giờ được sum họp như cũ?
Lòng hỏi, chân bước theo cha nuôi
Đến nhà ông chủ tôi phải ở

Cái nhà cao lớn rộng làm sao!
Mà lạ tôi không thích chút nào
Ông chủ và bà ở buồng khách
Đang ngồi vắt vẻo trên sập cao

Chúng tôi ngồi sụp ở dưới đất,
Tôi mở hai con mắt ngơ ngáo
Mà nhìn những đồ đẹp, đẹp ghê,
Chẳng biết ông chủ nói cái gì!
Bỗng thấy ông kêu tôi lại gần,
Ông nhìn suốt từ đầu đến chân
Rồi bà bĩu miệng, bĩu môi nói:
Ốm thế thì làm gì nên thân

Nhưng thôi tôi cũng nuôi làm phúc,
Quần áo các cậu cũ, cho mặc,
Tiền công một năm trả ba đồng
Nhưng tôi tống cổ nếu nó nhác
Rồi vơ trên sập chiếc roi mây
Bà bảo tôi rằng: "Trông đấy mầy
Lười lĩnh thì roi quật vào đít
Tôi dạ mà run cả chân tay.

Cha nuôi tôi đứng dậy ra về
Cặp mắt cha tôi đỏ đỏ hoe
Đau đớn, tôi theo níu áo lại,
Nhưng roi bà chủ vụt lia lia.

Tôi đành buông áo không theo nữa,
Nước mắt dọc ngang vệt trên má
Phần nhớ cha nuôi, phần đau đòn,
Vào bếp tôi càng khóc nức nở

Các cậu các cô chạy theo tôi
Đến sát trước mặt vỗ tay cười
Rồi bảo nhau cùng nhái tiếng khóc,
Tủi cực tôi càng nức nở hoài!

May được vú già, người nhân từ,
Gắt mắng lũ trẻ mới lui ra.
Rồi vú dỗ tôi, lau nước mắt,
Nín khóc, tôi mến ngay vú già

Bắt đầu kể từ ngày hôm đó
Tôi phải quét tước, phải nhổ cỏ
Suốt ngày không được nghỉ chân tay
Trưa, tối quạt cho các cậu ngủ

Chơi đùa, có cậu khóc dành nhau
Chỉ khổ thân tôi phải đánh đau
Bà đánh "sau mày chòng cậu khóc?"
Cậu thoi "sao mày không bênh tao?"

Chẳng những chỉ có khổ như thế
Lỡ khi sểnh tay cái chậu bể,
Thì đít bị quật mấy chục roi
Bữa cơm hôm đó thôi đành nghỉ

Cái thân cực nhọc ôi là cực!
Người như qua củi lần da bọc
Cơm không ăn ngon, ngủ không kỹ,
Người mà khổ hơn loài lục súc!

Không chịu được nữa, tôi bỏ đi
Nhà cũ cha nuôi lại trở về,
Than khóc với cha nỗi khổ sở
Thương tình con trẻ, cha vỗ về.

Tính ra đi ở được sáu tháng
Tiền công đồng rưỡi bỏ thì uổng
Đánh bạo cha tôi tới xin công,
Trở về cha tôi sịu mặt xuống!

Cha bảo tiền công họ không trả,
Họ dọa nếu còn đòi hỏi nữa
Thì họ làm cho ở vô tù,
Vì tội xui con lừa đảo chủ!

Giờ cha nghèo đói không có ăn,
Thì con phải tính cách nuôi thân,
Cha vay vài cắc, con buôn kẹo
Đem bán rong đường may đủ ăn.

Vâng lời, ôm hộp kẹo ra đường
Đưa gót lê đi khắp phố phường
Rao bán, miệng khô se bọt mép,
Trời trưa chiều nắng, nắng chang chang!

Tưởng đời bán kẹo được sung sướng.
Không ai còn chười còn đánh chướng
Dố đâu vẫn còn cái lo
Lo chếc gậy lớn "phú lít" choảng!

Cái thân tôi nghĩ thiệt long đong,
Cha nuôi bỗng bị bệnh kinh phong,
Người ta đến khám đem đi mất
Tôi về chỉ thấy chiếu nhà không

Quần áo giường tre họ đốt sạch,
Mình tôi còn được bộ áo rách,
Nhà cấm không ai được tới ở
Hỏi chủ ở đâu chẳng ai mách!...

Thôi đành ôm hộp kẹo ra đi...
Ngày bán mà khuya ngủ ở lề...
Trời rét suốt người xanh xám xịt
Tự ngắm mình mà cũng thấy ghê!

----------

Thôi các bác không phải giấu làm gì, thơ chán quá phải không. Để tôi bonus các bác một bài nhé:

Bốn mươi tuổi

Nguyên Sa

Bốn mươi con vạc ăn đêm
Có giường đệm trắng có em cổi truồng
Em nằm nghe hát cải lương
Anh nằm nhớ bác Tú Xương ngậm ngùi

(tạp chí Trình Bầy, số 20, 1971)

11 comments:

  1. Oạch, lần đầu đọc thơ Thụy An.
    Bác cho em xin cái link nào nói về Nhân văn giai phẩm có cả tên Thụy An nhé. Em chưa bit về cụ nài :-D

    ReplyDelete
  2. blospot lỗi be bét cả, chẳng thấy hiện ra gì cả

    bác titi search về Thụy An đi, trên RFI có bài dài đấy

    ReplyDelete
  3. Em công nhận, trên Blog roll thấy có title: "ak ak" gì đó mà qua đây thì không thấy chi hết trơn.

    ReplyDelete
  4. Nhưng người ta vẫn post ầm ầm được đó anh, hay là bọn blogspot gớm này đang cho NL biết "thế nào là lễ độ". :D :D

    ReplyDelete
  5. Nếu tôi nhớ không nhầm, trong Bốn mươi năm nói láo, Vũ Bằng có nhắc tới Thụy An nhận tiền của Phòng nhì làm báo. Không biết các tư liệu của Phòng nhì thời gian trước 1954 ở Pháp đã giải mật chưa? Thời gian 1945-1954 Thụy An cũng có những chuyện liên quan tới Phòng nhì. Nếu có thể truy ra được các tài liệu lưu trữ thì cũng có thể biết thêm chút gì nữa về Thụy An. Nghe thấy nói khi vào tù Thụy An tự chọc mù mắt, không biết đúng hay sai. Những người tự chọc mù mắt không nhiều lắm. Oedipus là một.

    ReplyDelete
  6. Đây, nguyên văn là đoạn VB nói đến chuyện nhận tiền và không nhận tiền để làm báo: Nguyễn Doãn Vượng của "Trung Bắc Chủ nhật" không nhận tiền của cả Pháp lẫn Nhật, đoạn tiếp theo:

    "... đại tá hải quân Robb, cầm đầu Sở Thông tin Toàn quốc ở Việt Nam lúc bấy giờ, qua sự trung gian của mấy người bạn như Trúc Đỳnh Trương Công Đỉnh, mời cụ Nguyễn Văn Luận lên Sở Thông tin nói chuyện riêng. Đại tá hải quân Robb đề nghị giúp báo "Trung Bắc Chủ Nhật" một số tiền cũng như đã giúp báo "Đàn Bà" của bà Thụy An (lúc ấy là bà Bùi Nhung). Cố nhiên là số tiền giúp cho "Trung Bắc Chủ Nhật" sẽ lớn gấp bội số tiền đã giúp cho báo "Đàn Bà", nhưng cũng như đối với báo "Đàn Bà", không có điều kiện gì hết: tên chủ nhiệm và quản lý vẫn y nguyên, cộng tác viên và cách thức làm việc vẫn y nguyên, duy thỉnh thoảng I.P.P có bài gì gửi đến thì đăng lên báo".

    (chương mang tên "Sau khi ông Ngô Đình Diệm thoát chết lần thứ nhất")

    Cũng có một số sách của mật thám Pháp lưu hành trôi nổi, như bộ sách của Louis Marty, rất nhiều thông tin về rất nhiều nhân vật, nhưng khó tìm lắm.

    ReplyDelete
  7. Thụy An sau này ‘sẽ’ là một trong những người chịu án nặng nề nhất trong phiên tòa Nhân Văn-Giai Phẩm…
    Câu này, thường ra, Mít viết: TA sau đó ‘đã’
    How?
    NQT

    ReplyDelete
  8. món bonus cũng chả kém gì món chính nhỉ ;)) có đúng bác Nguyên Sa môi chữ o đấy không?

    ReplyDelete
  9. Chị So: thì bác Trần Bích Lan "hôm nay Nga buồn như con chó ốm" đó, chứ ai.

    Mr. Tin Văn: không hề, ạ. Nếu là tiếng Việt (tạm gọi là) chuẩn thì chẳng có cả "sẽ" lẫn "đã" nữa, nhưng ở đây đang muốn nhấn mạnh thời điểm TA làm bài thơ, khi đó sự kiện NV-GP lại trở thành sự kiện của tương lai trong tương quan với sự kiện ấy.

    ReplyDelete
  10. Việc báo chí thời Pháp thuộc nhận tiền của Sở Thông tin Toàn quốc và báo chí VN thời nay được nhà nước hỗ trợ ngân sách là giống nhau về bản chất

    Thanh Lan

    ReplyDelete
  11. Sau 1945 là có ngay một Nhân Văn Giai Phẩm. Thế nhưng từ 1975 đến nay chỉ có "Nhân Văn Dai Nhách", cho nên văn đàn đâm hoang mang, tiếc nhớ quá, bèn phải làm lễ truy tặng giải này giải nọ cho các cụ NVGP để đưa chút gió đầy hương thơm vào căn nhà văn chương. Nghe chị Thụy Khuê đọc "Về Kinh Bắc" là đủ muốn về yêu tiếng Việt, khỏi cần nghe tuyên truyền hay đọc bài thơ Tiếng Việt cuả Lưu Quang Vũ.

    ReplyDelete