Apr 19, 2010

Lưng của đàn ông

Làm thế nào để viết văn hay thì khó trả lời, ngay đến các đại văn hào vấp phải công án này cũng phải trợn mắt vê râu rồi lững lờ lỉnh mất, chứ câu hỏi làm thế nào để viết văn như Nguyễn Việt Hà thì cũng mơ hồ khó, nhưng tuyệt đối không phải là một trọn vẹn bất khả tư nghị.

Sở dĩ có đề tài hóc hiểm như thế này là bởi mới gần đây vào một buổi trưa Hà Nội mưa xuân phơi phới bay tôi bị hai đồng nghiệp bất thần đồng loạt tặng sách. Nguyễn Việt Hà và Phạm Thị là hai cái tên xuất hiện nhiều nhất trên tờ DAN ONG (nhân viên ngân hàng thường e lệ hỏi phải chăng đây là tờ báo của hội người nuôi ong Việt Nam), chỉ sau mấy ôtô sedan và dăm anh chàng ngực nhô bụng múi túi lắm tiền phiền một nỗi chỉ xem tranh. Hai kẻ dại dột ấy tặng sách cho tôi, cũng là một “chroniqueur” chuyên thiếu đề tài. Xóm báo chí ít tiêu thụ listerine ở nước ta đồn rằng Nguyễn Việt Hà khi bí đề tài sẽ chép lại một bài viết cũ nhưng đảo ngược thứ tự các dòng, còn Phạm Thị nếu không biết viết gì cho số tới sẽ đọc ba lần toàn bộ các trang tư vấn tâm lý của mười tờ báo có tia ra lớn nhất của Hà Nội.

Cuốn sách của Nguyễn Việt Hà mang tên “Đàn bà uống rượu”, NXB Văn học, còn tác phẩm của Phạm Thị thì đanh thép hơn: “Một nửa”, Phương Đông & NXB Lao động. Vậy là đã đủ đề tài cho hai số của chuyên mục “Đọc” (hihihi).

Quay trở lại với đối tượng Nguyễn Việt Hà: dù là “mãi không tới núi” nhưng “cố rồi sẽ nhớ”, nguyên tắc thứ nhất để viết giống Nguyễn Việt Hà là đẩy hết tính từ và trạng từ lên phía trước làm tiền đạo, để chúng thoải mái ghi bàn trong tâm hồn người đọc: đừng nói “đức tin chân thành” mà hãy nói “chân thành đức tin” (Tin ở đức tin, tr. 165). Tập “Đàn bà uống rượu” này, hay các tập sách khác của Nguyễn Việt Hà, đều kinh hoàng dày đặc tiền đạo trong một chiến thuật kamikaze mà theo ngôn ngữ vỉa hè Hà Nội là “một đập ăn ngay”: “nông nổi bật xi nhan trái rồi hồn nhiên rẽ phải” (Tuyệt vọng tiểu thư, tr. 5); “Chân hoa hậu không những phải mịn màng thon mà bắt buộc phải dài” (Chân hoa hậu, tr. 16); “hoặc hát tốp ca hoặc hát đơn ca đều hùng hồn hoành tráng” (Người đàn ông hát, tr. 80).

Nguyên tắc thứ hai: sau khi đã tổng lực tấn công, nếu đối tượng vẫn còn thoi thóp thở, hãy dồn sức cắm một nhát dao kết liễu. Vấn đề cần tập trung cao độ ở đây là công tác điều khí. Muốn như vậy thì đan điền không bao giờ được lỏng, cho nên nhất thiết buộc phải liên tục tráng ruột bằng rượu. Làm được như thế mới có thể tung những câu kết như sau: “Đã thế, rất nhiều nàng lại còn thanh thản ngáy” (Tuyệt vọng tiểu thư, tr. 9).

Nhưng chưa hết, đòn thế trong cao thủ công phu không chỉ cốt ở hiệu quả, mà còn phải đẹp. Không đẹp thì đi chơi sumo cho rồi, mất công đọc chưởng tàu làm chi. Nguyễn Việt Hà giải quyết chuyện đẹp bằng một chiêu na ná sự vô chiêu trong chưởng Kim Dung: chẳng làm gì cả. Trong khi chờ tới thời điểm thích hợp để tung chiêu độc, chàng chép sách, mà nhiều nhất là chép từ điển. Hàng xóm nhà Nguyễn Việt Hà cho biết sáng sớm nào nhà văn của chúng ta cũng đứng ở cửa sổ sang sảng đọc thuộc lòng hai trang từ điển bất kỳ, để khi cần là cứ tự nhiên rút ra như rút đồ trong túi. Ví dụ kinh điển: “chân là một bộ phận thân thể dùng để đi, đứng, chạy, hoặc là phần ở dưới cuối cùng của vật gì để giữ vật ấy cho khỏi ngã”.

Công cuộc vạch lưng tác giả “Mặt của đàn ông” xin dừng ở đây, vì đã đủ cho một công thức. Ghi chú cuối cùng: chiêu thức mới là một phần, nội công mới là yếu tố quan trọng. Trong rất nhiều năm, Nguyễn Việt Hà chung thân tự làm cuộc đi đày ở thư viện quốc gia Việt Nam, ngồi nhiều đến mức để lại cái bóng vĩnh viễn in trên tường. Cái bóng có dáng vẻ rất lạ, nhìn kỹ thì phảng phất có hình chữ SÁCH.

Nhị Linh

10 comments:

  1. Oài, chúc mừng 2 bác tác giả. CHúc mừng bác NL PR thành công 2 cuốn sách, nhất là cuốn Đàn bà uống rượu. Đã có bán ngoài cửa hàng nào chưa bác nhẩy :-?

    ReplyDelete
  2. Khen cho Tùng H 3 chữ: Mộ Dung Linh

    ReplyDelete
  3. Tặng bác Tung H cái kẹo này :d

    ReplyDelete
  4. Haha, bài này hay quá :)). Có đăng trên Tạp chí Hội nuôi ong không đấy?

    ReplyDelete
  5. Lâu lâu bác xuất chưởng PR thế này mà không đăng ở đâu thì "Lạ lắm! Ngại lắm!" (Cặp ba lá) :))

    ReplyDelete
  6. Sách “Liêu trai chí dị”, phần tục biên, kể rằng: Một đạo sĩ mù khét tiếng có tài ngửi văn đoán người, đoán biết được xứ sở của người viết. Một ngày kia, người ta đem đến một số sách viết về đàn bà (của cả đàn ông và đàn bà). Đốt một ít trang của Miên Miên, Vệ Tuệ… ông bảo ngay “của Tàu”, vì mùi nhục dục suồng sã. Sách của Duras, ông nói có mùi tự mê, kiểu của Tây. Đến khi đem sách của Việt Nam ra, ông nhăn mũi đánh hơi rồi phân hai loại, ha hả: đích thị về đàn bà Việt. Hỏi cụ thể, ông bảo: loại đàn ông viết về đàn bà có mùi sợ hãi lẫn cay đắng mà tự mãn, loại đàn bà viết về đàn bà có mùi ảo tưởng mà nô lệ lẫn đau đớn. Hỏi tiếp liệu có cuộc nổi dậy đòi nữ quyền hoành tráng nào không, đạo sĩ cả cười mà không đáp).
    (Trích đoạn bài báo cắt. Nhưng mua cuốn này em không lỗ vì có đề tài cho chuyên mục Đọc).
    Tuy nhiên, cái bóng có hình chữ SÁCH thì không chỉ NVH. Vả lại, viết (báo) để lặp lại mình (như chuyện bội thực tính từ) mà vẫn đủ vẻ, không phải ai cũng làm được à:D

    ReplyDelete
  7. Bạn NL bình luận về giải thưởng này và Trần Minh Huy đi.
    http://www.magazine-litteraire.com/content/rss/article.html?id=15793

    ReplyDelete
  8. thôi, not my taste, thật đấy

    ReplyDelete
  9. bò.... bụng lắm sách lắm đấy nhé. ;)) Mộ Dung Linh quả có bản lĩnh. Cười đau cả bụng.

    ReplyDelete