May 17, 2010

Sách (XI) Đọc cái gì

Dạo này hay bị trách quá, bao nhiêu là người trách hic. Hôm trước bác nào bảo lâu lắm chẳng giới thiệu sách gì mới. Dà dà đây ạ :)

Cố mãi rồi cũng có: Gilles Deleuze, Nietzsche và triết học, nguyên tác Nietzsche et la philosophie, Nguyễn Thị Từ Huy dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính và viết lời nói đầu, NXB Tri Thức, "Tủ sách tinh hoa".

Thôi đi thẳng vào phần phê phán nhé. Hôm nay mới chỉ là những gì thuộc về paratext.

Cái bìa sách cần phải in lại. Nó gồm có các lỗi sau:

Bìa 4 có một cái mở ngoặc kép nhưng không có đóng lại.

Mép gấp 2: một chỗ viết sai Deleuze thành "Deuleuze".

Bảng viết tắt viết sai Ecce Homo thành Ecce Hommo. À mà có lẽ nhóm thực hiện quyển sách không biết đã từng có bản dịch tiếng Việt quyển này. Cũng không rõ tại sao lại dịch Le Gai Savoir thành Khoa học vui tươi.

Thơ thẩn nhìn sang danh mục "Tủ sách tinh hoa tri thức thế giới", thấy cũng viết sai luôn: Gilles viết thành Gille. Hì, mình cứ soi thế này nhiều bạn ghét lắm, nhưng mà tinh hoa thế giới ai lại sai thế, với cả bị ghét rồi ghét nữa cũng có làm sao :) Từ quyển đầu tiên của danh sách in năm 2005 (là quyển của... tôi hihi) đến nay 2010 đã có gần 30 quyển. Tức là chưa được một phần mười kế hoạch hồi đầu. Nói thế cũng chẳng để trách ai, to mồm một tí cũng chẳng sao, mà chính tôi cũng góp phần làm giảm tiến độ công trình này hic, nhưng dù nói thế nào tôi cũng không thích những người to mồm kêu gọi rồi chẳng làm được cái gì.

Quay lại bài giới thiệu của Bùi Văn Nam Sơn mang tên "Gilles Deleuze và việc tiếp nhận Nietzsche ở Pháp". Bài này đã đăng trên Diễn Đàn nhưng tôi để tới khi có sách mới đọc.

Trang đầu tiên làm tôi khá ngỡ ngàng, đoạn này:

"cả một thế hệ những triết gia Pháp thường được sách báo gọi là "những triết gia mới" từ khoảng 1960 tới nay: thế hệ kế tiếp J.P.Sartre, hay đúng hơn, thế hệ sau Sartre. [...] vô số những tên tuổi mà chỉ cần nêu một số tiêu biểu thôi cũng đã thấy choáng ngợp về sự đông đảo, phong phú: Jacques Attali, Roland Barthes, Jean Baudrillard, Pierre Bourdieu, Jacques Derrida, Michel Foucault, René Girard, André Glucksmann, George Bataille, Maurice Blanchot, André Gorz, Jacques Lacan, Michel Leiris, Claude Lévi-Strauss, Jean-Francois Lyotard, Edgar Morin, Michel Serres, Philippe Sollers, Alain Touraine, Paul Virilio..." (sic)

Lỗi nhỏ: Francois thiếu c cédille, và các bạn biên tập viên Tri Thức mãi không nhớ được là Georges Bataille chứ không phải George Bataille. Có nguyên tắc đấy, tên nữ thì là George không "s" (George Sand), nam thì có "s", tên nguồn gốc nước ngoài thì không "s", trừ những cái bất biến, như Hans-Georg Gadamer hay Giorgio de Chirico.

Tôi nghĩ là một nhà nghiên cứu triết học chuyên nghiệp không nên có một bản liệt kê như trên. Philippe Sollers rồi René Girard và Maurice Blanchot mà xếp luôn thành "triết gia" thì thật là dở.

Điều này rất kỳ lạ: BVNS in nghiêng cho vào ngoặc kép cụm "những triết gia mới" nên tôi phải hiểu ông đang muốn nói tới "nouvelle philosophie". Thế nhưng trong cả danh sách ở trên, chỉ André Glucksmann là có thể được xếp vào "nouvelle philosophie". Muốn tìm hiểu nhanh thì có thể vào đây. Trong đường link có nói rõ danh xưng "nouvelle philosophie" xuất hiện trong một chuyên đề của Nouvelles littéraires năm 1976, những người điển hình của "triết học mới" ngoài Glucksmann còn có Bernard-Henri Lévy (BHL) người mới gần đây mắc phải cú lừa rất buồn cười.

Nhưng cái này mới thực sự choáng: BVNS gọi rất nhiều người không sau Sartre là "sau Sartre". Không hiểu BVNS có ý gì khác không, chứ Blanchot hay Lévi-Strauss đều cỡ tuổi Sartre, cách nhau một vài năm không ăn thua. Cả Michel Leiris và Georges Bataille đều lớn tuổi hơn Sartre rất nhiều, và đều thành danh, có tầm ảnh hưởng lớn trước Sartre rất nhiều. Về mặt triết học, phải sau 1945 Sartre mới bắt đầu thực sự có tên tuổi, chứ Leiris và Bataille thì đã từ trước đó. Nếu muốn kể đủ thì nhóm hai người này còn phải thêm một, là Roger Caillois. Lévi-Strauss có thể "sau" Sartre như thế nào khi La Pensée sauvage luôn được coi là để phản đối Sartre người cùng thời, một "đối thoại", Leiris và Bataille có thể "sau" Sartre như thế nào khi Simulacre của Leiris và Histoire de l'oeil của Bataille đều đã in từ rất lâu, hơn cả chục năm, trước khi Buồn nôn của Sartre (khi ấy còn có tên khác, hình như là Melancholia) còn chưa kịp bị ném vào sọt rác nhà xuất bản Gallimard?

Chú thích đầu tiên của lời nói đầu dịch L'Entretien infini của Blanchot thành Việc làm bất tận; thế mà từ xưa tới nay tôi cứ nghĩ "entretien" này có nghĩa khác đấy.

Giở đến cuối xem một cái chú thích ở kết luận về "pataphysique"; rất có khả năng nhóm làm quyển sách này cũng chưa ai đọc một cái gì của Alfred Jarry, kể cả những thứ nổi danh như Ubu hay Le Surmâle.

Tôi dừng lại một lúc lâu ở mép gấp 1: từ "sens" được dịch thành "ý nghĩa". Theo tôi dịch thế là không chuẩn. Trong tiếng Việt ý nghĩa nhiều khi không có nghĩa là nghĩa, nghĩa là nghĩa và ý nghĩa không có nghĩa như nhau. Tôi cố tình đặt một câu tù mù như vậy để... thôi không nói nữa.

+ Còn những gì "nhẹ đô hơn" thì hay là các bác đọc Đỗ Phấn đi: Đêm tiền sửKiến đi đằng kiến. Quyển tiểu thuyết của Đỗ Phấn đang vào chung khảo cuộc thi tiểu thuyết BV thì tôi chưa đọc, nhưng căn cứ vào Thể xác lưu lạcTiền định thì ban giám khảo chắc cũng chẳng phải lựa chọn nhiều :)

106 comments:

  1. Cách đây vài tuần, nhờ blog NL mới biết có bản dịch của Nietzsche et la philosophie. Khấp khởi tìm đọc, tôi cũng thất vọng! Trong một bài gần đây, bác đề cập đến "dịch văn học", nhưng có lẽ không khác gì lắm với "dịch triết học": cả dịch giả lẫn biên tập viên phải nghiên cứu, tham khảo và đối chiếu đàng hoàng. Có chút vốn tiếng Pháp, tiếng Anh, chưa chắc là có đủ khả năng chuyển ngữ một cách thích hợp, khéo léo và chính xác trong một bộ môn chuyên môn nào đó. Lần trước tôi viết: You've got to understand the culture. Lần này tôi thêm: You've got to understand the subject matter. Quyển này không dễ, vừa có thế giới của Nietzsche, vừa có thế giới của Deleuze. Nên có chế độ "drafts" và "comments" linh động trên Internet trước khi in thành sách. [NSC]

    ReplyDelete
  2. "... còn có Bernard-Henri Lévy (BHL) người mới gần đây mắc phải cú lừa rất buồn cười." Hì, chàng cao bồi Do thái này thì kể làm gì, chỉ múa miệng giỏi thôi. Vâng, cú lừa ấy quê thật. [NSC]

    ReplyDelete
  3. "... trước khi Buồn nôn của Sartre (khi ấy còn có tên khác, hình như là Melancholia) còn chưa kịp bị ném vào sọt rác nhà xuất bản Gallimard?" Hề hề, khoái đoạn này. An Nam ta có vẻ còn mê Sartre, chứ Âu Mỹ đã lờ bác hippy rởm này từ lâu rồi. [NSC]

    ReplyDelete
  4. BHL,Glucksmann, triết gia mới OK, mấy tay kia mà coi là triết gia mới thì nhảm quá, và có khi chẳng hiểu tại sao lại 'mới', không lẽ sau Sartre là 'mới' ư? Tên riêng mà viết sai là đại nhảm, V/v Sartre và cuốn Buồn Nôn, theo tôi nghĩ, đừng coi thường cuốn này, ai coi thường,có thể do chưa đọc nó!
    NQT

    ReplyDelete
  5. ơ, quyển Kiến đi đằng kiến ra lâu rồi mà, dễ đến gần năm rồi ấy! Còn phần "sau Sartre" thì có lẽ BVNS muốn nói đến tầm ảnh hưởng của Sartre và sau giai đoạn ảnh hưởng đó. Nghĩa là ko nên so tuổi tác và sự ảnh hưởng nào khác với Sartre ở đây. (Nói xong mình cũng thấy mình nói một câu hơi... tù mù, hehe)

    ReplyDelete
  6. Vụ danh sách 1 loạt triết gia 'sau Sartre' tui nghĩ là nên hiểu 'linh động' và 'mơ hồ' 1 chút ở chỗ 'triết gia' và 'sau'.
    Về cách dịch chữ 'sense', Rem xin tiện thể nhào dzô nói cho vui, hi vọng qua đó nêu được đôi chỗ khó khăn người dịch gặp phải khi dịch từ này sang tiếng Việt.
    + Có rất nhiều chữ 'bà con' với chữ 'sense' này trong tiếng Anh: meaning (meaningful/meaningless), significance (significant, cặp signified/signifier), cặp connotation/denotation (động từ denote), cặp sense/reference, cặp sense/meaning.
    + Có vài chữ diễn tả cùng lớp khái niệm như thế trong tiếng Việt: nghĩa, ý, ý nghĩa, biểu thị, tham chiếu.
    Làm sao dịch lớp từ tiếng Anh trên sang tiếng Việt? Thử xét trong thực tế, dịch ‘sense’ trong ngôn ngữ học và triết học sao đây?
    + Ngay cả trong giới ngôn ngữ học, có vẻ như thuật ngữ tiếng Việt cũng không được thống nhất, bất kể đã có 1 quyển Từ điển ngôn ngữ học đối chiếu Anh-Việt, Việt-Anh của Cao Xuân Hạo và Hoàng Dũng.
    + Còn trong lãnh vực triết học, hình như chưa có 1 quyển có thẩm quyển tương đối như vậy. Thế thì dịch chữ ‘sense’ ra làm sao? Dùng từ điển của Cao Xuân Hạo được chăng? Chắc khó.
    Cụ thể tôi xin kể vài cặp rắc rối : Frege phân biệt Sinn và Bedeuting trong tiếng Đức, Bertrand Russell khi viết bằng tiếng Anh phân biệt Sense (=Sinn) và Meaning. Về sau, giới học giả hiện đại dịch cặp Sinn/Bedeuting của Frege sang Anh ngữ thành ‘Sense/Reference’. Có hai đại nhân vật dính dáng đến vụ thuật ngữ này, và phải vô cùng cẩn trọng khi dịch thuật ngữ Sinn của họ Ludwig Wittgenstein và Martin Heidegger.
    Theo chỗ tui hiểu, ông Bùi Văn Nam Sơn hay dịch chữ ‘Sense’ (Sinn) là ‘ý nghĩa’, một thuật ngữ mà tui cực lực phản đối, và giữa ông và tui có đã không ít hơn 5-6 lần bàn đến chữ này. Ông có những chủ trương mà chỉ có lập dị ta mới đi phản bác: (1) cố gắng dùng những thuật ngữ đã có sẵn, hạn chế tối đa việc tạo ra chữ mới không cần thiết (trường hợp Phạm Công Thiện là lập dị cực điểm); (2) cố gắng sử dụng tiếng Việt ròng để diễn đạt thuật ngữ.
    Chủ trương (2) nghe ra hơi ngược đời, vì xưa nay người ta vẫn nghĩ rằng từ Hán-Việt mới ‘đủ sức’, đủ ‘nội hàm’ v.v. thích hợp dịch thuật ngữ khoa học, triết học v.v. Ngay cả dùng ‘sở chỉ’ để dịch ‘reference’ ông đã nghĩ rằng quá ‘cao xa’, hay ‘possible’ là ‘khả hữu’ đã là quá trớn (cố nhiên, tui biết ông là một người rành chữ Hán bậc thầy, còn tui 1 chữ Hán bẽ đôi cũng hông biết). Nhìn lại lịch sử, tiếng Latin hồi trung cổ là một thứ tiếng đẹp đẽ, ‘cao xa’, nhưng đó là sau Bothius, người đã nỗ lực dịch triết Hy Lạp sang tiếng Latin. Tiếng Đức ngày nay là ngôn ngữ học thuật chính xác cao độ, đó là sau khi đã có những Wolff, Leibniz, Kant, Hegel, Goethe…Ở tiếng Anh là Locke, Berkeley, David Hume. Tiếng Anh có Shakespeares, tiếng Đức có Goethe, tiếng Việt có Nguyễn Du. Thế những nhưng ai sẽ là Locke, Berkeley, Hume, Leibniz, Kant, Hegel… cho tiếng Việt triết học? Trên thực tế, dùng tiếng Việt ròng để dịch thuật ngữ là thử thách vô cùng lớn, và chủ trương của ông Bùi Văn Nam Sơn là một tham vọng hết sức lớn lao.

    ReplyDelete
  7. hello Rem,

    biết là bác sẽ có comment :d

    tôi hết sức kính trọng và nể BVNS như bác cũng biết, nhất là kính trọng ý định dùng thuần Việt để rèn luyện cho nó ngõ hầu chuyên chở triết học, và vô cùng thích thú với từ "mình" của BVNS

    nhưng ở đây hình như chính bác cũng thấy ngay "nghĩa" và "ý nghĩa" có khác biệt tương đối lớn, và thuần túy logic mà nói, "nghĩa" cũng không có gì là từ mới, "to be coined", ngang hàng "ý nghĩa"

    nhưng đoạn liệt kê tác gia triết học theo tôi BVNS nhất thiết phải xem lại, tay mơ về triết như tôi mà còn thấy không ổn một chút nào

    cheers

    ReplyDelete
  8. tôi cũng đang cố gắng nghiên cứu Frege cùng một số Heidegger, khi nào tự tin hơn sẽ quay trở lại vấn đề này

    ReplyDelete
  9. toi thay cac bac noi chuyen thuat ngu triet hoc that la zdui, thi toi nghi cai do khong phai la cai dang ban, neu cac bac khong co 1 quan diem triet hoc ro rang. neu khong theo 1 triet hoc nao do, thi toi khong hieu vi sao lai khen che cac thuat ngu cua 1 triet hoc nao do khac. tai sao lai co the coi 1 triet hoc nhu 1 de tai ban bac nhi?

    ReplyDelete
  10. Như vậy bác Cao Việt Dũng muốn dịch chữ sens sang tiếng Viêt là "nghĩa", đả phá chữ "ý nghĩa" mà người dịch cuốn sách đã chọn.
    Chép ra đây một đoạn để các bác có tư liệu tham khảo và lựa chọn cách dịch nào cho đúng ý tác giả Deleuze:
    trang 4 của cuốn "N và triết học", mục "Sens" (được dịch là "ý nghĩa"), có đoạn này:
    "Chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy sens của bất kỳ điều gì (hiện tượng nhân văn, sinh học hay thậm chí vật lý), nếu chúng ta không biết cái gì là sức mạnh chiếm hữu sự vật, sức mạnh; khai thác nó, chiếm lĩnh nó hoặc biểu hiện nó". "Một đối tượng, một hiện tượng thay đổi sens của nó tùy theo sức mạnh chiếm giữ nó. Lịch sử là biến tấu của các sens."
    Tạm vài đoạn như vậy. Theo các bác thì sens trong những câu trên cần đươc hiểu là "nghĩa" hay "ý nghĩa". Theo sự hiểu biết hạn hẹp của tôi, thì từ "nghĩa" trong tiếng việt có nội hàm là chỉ "nghĩa" của các từ, tương ứng với phần III/1. của mục từ "sens" trong từ điển Robert: Idée ou ensemble d'idées intelligible que représente un signe ou un ensemble de signes. / Concept évoqué par un mot, une expression, correspondant à une possibilité de désignation Và ví dụ được đưa ra là: Chercher le sens d'un mot, d'une expression, d'une phrase./ « On parle de synonymie lorsque plusieurs mots ont le même sens, et de polysémie lorsqu'un seul mot a des sens différents »
    Còn từ sens mà Nietzsche sử dụng và Deleuze phân tích thì còn bao hàm (và chủ yếu là bao hàm) acception ở phần III/2 của mục từ này trong từ điển Robert: Idée intelligible à laquelle un objet de pensée peut être rapporté et qui sert à expliquer, à justifier son existence. Với ví dụ:« Il s'agissait de savoir si la vie devait avoir un sens pour être vécue » (Camus). « l'unique moyen dont il dispose pour donner un sens à son engagement consiste à le maintenir envers et contre tout » (Caillois). Sens et non-sens
    Vả chăng Deleuze đã nói rõ: triết học Nietzsche là triết học về sens và về valeur.

    ReplyDelete
  11. Đương nhiên,phải nói thêm cho rõ rằng, ở đây tôi,cũng như các bác, đang đề cập đến từ "nghĩa" trong tương quan với từ "ý nghĩa", với sự nhập nhằng có thể có giữa hai từ này, và hoàn toàn loại bỏ những sắc thái hay những nội dung khác của từ này, ví dụ như "nghĩa" để chỉ quan hệ ứng xử tình cảm, trong "nghĩa vợ chồng", "nghĩa bạn bè"...
    Như thế để thấy rằng phê phán thì dễ lắm các bác ạ. Hay ít nhất thì cũng là tưởng như có vẻ dễ. Câu này thì tối nghĩa, nhưng không thể tối ý nghĩa được. Chúc các bác một tuần dồi dào sáng tạo, hăng say công việc.

    ReplyDelete
  12. bác NSC: BHL thì có nhiều cái đúng là vớ vỉn kiểu snob nhưng chàng cowboy (take me far away) dixit Dixie Chick như thế mà quơ được em Arielle Dombasle tuy mặt hơi ngu hát như mèo rên (cái gì "La Felicitas" ấy nhỉ) nhưng dáng cực chuẩn thế là cũng oách rồi phải không bác :d

    ReplyDelete
  13. rất cám ơn các bác đã tham gia

    như vậy có ba cụm vấn đề: cụm đầu là lỗi biên tập, typo etc bỏ qua dễ dàng

    cụm thứ hai là bản liệt kê của BVNS: cho tới giờ chưa ai phản bác ý của tôi một cách thuyết phục :) nên cứ tạm bỏ qua đã nhé

    cụm thứ ba là "sens" nên dịch thế nào ra tiếng Việt, ở đây thì gay cấn

    nhắc bác Rem chút là ta đang nói trong tiếng Pháp, nơi cũng có tồn tại một số từ hao hao nhau rất khó biện biệt một cách dứt khoát như là sens, signification với nhiều cái nữa tôi còn chưa nhớ ra, còn "Bedeutung" thì thú thực đến giờ tôi vẫn chưa làm sao hiểu nổi thực sự là nó ra sao

    nếu các bác để ý thì ở chỗ "sens" này tôi cũng hết sức dè dặt, nó giống như là một phản ứng tự nhiên, bột phát của một người quen nghĩ "sens" là "nghĩa" (tất nhiên bác gì khỏi phải lo, ta không bàn đến sens nghĩa là "hướng" như trong "sens unique" theo kiểu của Walter Benjamin hay giao thông công cộng), chứ tôi cũng nói ngay từ đầu là tôi mới chỉ động đến "paratext", chứ thực sự tôi đã đọc hết quyển sách đâu, còn chưa biết "sens" và "valeur" theo Deleuze thực sự là gì

    tôi cũng tìm hiểu thêm, rất mong được các bác chỉ giáo nữa

    nếu các bác coi đây là một dịp bàn luận xung quanh một cuốn sách mới in, một cách cởi mở và phê phán, thì sẽ rất hay :d

    ReplyDelete
  14. Bác Nhị Linh "chưa biết sens và valeur theo Deleuze thực sự là gì" mà đã nhận xét xanh rờn rằng dịch sens thành "ý nghĩa" "là không chuẩn", thế nên mới gây ra cái cảm giác là phê phán thật là dễ, chẳng cần đọc cũng phê phán được.
    Một trong những vấn đề chính của cuốn sách này chính là "phê phán" đấy các bác ạ. Hình như quan niệm của Nietzsche về phê phán khác với bọn ta rất nhiều. Hay có thể tôi hiểu nhầm cũng nên.
    Cũng theo kiến thức lỗ mỗ của tôi, thì có lẽ Blanchot cũng được xếp vào hạng triết gia thì phải, nhưng về khoản này tôi cũng không chắc lắm.

    ReplyDelete
  15. Vâng, có thể nói toàn bộ tác phẩm của Nietzsche là bày ra và xét lại nền tảng giá trị của "triết học" cũng như của "xã hội", tức là của con người thời đại. Nền tảng ấy ảnh hưởng (méo mó) cách sống, cách nhìn, cách hiểu, cách dùng chữ, cách lập luận, cách đánh giá, cách phê phán, cách làm triết học, cách làm văn nghệ... [NSC]

    ReplyDelete
  16. Buồn cười, vẫn có một số "triết gia" đại học không cho Nietzsche là "triết gia". Họ nói: Nietzsche is not really a philosopher. Hoặc nói: Nietzsche is not a real philosopher. (Chơi chữ gớm nhể.) Cách viết của Nietzsche không có gì là "kinh điển" cả (cố ý), nhưng nội dung thì cực kỳ xót xa. :)) [NSC]

    ReplyDelete
  17. @ bác NL:
    Em chia sẻ với bác:
    (1) cách ông BVNS dùng chữ 'mình' để dịch đại từ phản thân thiệt là độc đáo, mặc dù nếu em nhớ không nhầm trong từ điển của Đắc Lộ, ông đã giảng chữ 'mình' theo ý 'phản thân'.
    (2) phản ứng của em trước chữ 'sense' khi dịch thành 'ý nghĩa' cũng là một phản ứng tự nhiên, bột phát vì em cứ luôn hình dung 'sense' là 'ý' thay vì 'nghĩa', 'ý nghĩa'.
    (3) vụ này sẽ rất hay nếu bàn cởi mở, chơi vui xung quanh 1 quyển sách mới in.
    Với tinh thần chơi vui như vậy, Rem mới mạo muội viết thêm comment, chớ đã biết mình chỉ thêm vào 1 comment hổng đóng góp tích cực gì cho cuộc thảo luận, như có bạn nhắc vụ lạc đề hay bác NL nhắc vụ đang bàn tiếng Pháp, thì comment 'tiêu cực' thêm đúng là dzô dzuyên quá thể.
    Bàn 'tích cực' về 'sense' e rằng là một vấn đề quá 'gay cấn' như bác NL đã bảo. Vì theo chỗ Rem hiểu, khi viết triết sử phân tích Anh-Mỹ cho toàn bộ gần như nữa sau thế kỷ 20, Soames đã dành 1 tập mấy trăm trang nhan đề 'The age of meaning'. Nói nôm na mà nghe, cả một thời gian dài nữa thế kỷ, hàng trăm hàng ngàn triết gia Anh-Mỹ chỉ làm cái việc nói cho được 'meaning' là cái chi chi. 'Bàn cho ra vấn đề sense hay meaning', trừ phi ta muốn diễn lại bao nhiêu năm lịch sử ấy chỉ bằng 1 loạt comment trên 1 blog entry!
    Về cách dịch chữ 'sense', theo tình hình hiện nay thì nên chăng là người dịch nên chú thích, và tạm dùng cách nào đó như chữ dịch được đề nghị và cố gắng thống nhất với người khác. Hi vọng vài mươi năm, sau khi đã có nhiều sách dịch và cách dùng chữ 'sense' đã tương đối ổn định, lúc đó mới có thể ngồi bàn cách dịch chữ 'sense' thế nào cho phải. Nói vậy ắt có bạn phản đối là ngược đời, ấy vậy mà người ta bàn 'triết học' với nhau mấy ngàn năm rồi khi ngồi lại với nhau chẳng ai chịu ai định nghĩa 'triết học' là cái gì cả. Chẳng có gì buồn cười, nếu như ta cứ dùng mãi chữ 'ý', 'nghĩa', 'ý nghĩa' mà rốt lại chẳng biết ba chữ đó 'nghĩa' là gì? Nói chơi vui, tui đã để ý xem người ta định nghĩa ba chữ này ra làm sao, rốt lại chắc các bạn cũng biết, định nghĩa là định nghĩa thế thôi, hỏi cho đến kỳ cùng e rằng người định nghĩa cũng không biết mình nói cái gì (đâu phải tự nhiên dân triết Anh-Mỹ ngồi với nhau bao năm mà cũng chẳng ai chịu ai 'meaning' là cái gì).
    Cheers.

    ReplyDelete
  18. Bác Nhị Linh đã cất công vạch lá tìm sâu, thì em cũng cất công chỉ ra cho các bác thấy đôi khi con sâu không chỉ làm rầu nồi canh, mà còn có thể làm hỏng cả nội tạng cũng nên:
    -Mấy cái lỗi về việc viết tên riêng mà một người có tí ti kinh nghiệm sách vở đều biết chỉ là lỗi đánh máy,khi được bác CVD chỉ ra, đồng thời phân tích tính chất trầm trọng của nó, đã đưa các fan của bác tới những nhận xét rất bất công đối với BVNS, em xin trích lại nguyên văn đây các bác ạ: "Tên riêng mà viết sai là đại nhảm". Câu này biến một người làm việc rất nghiêm túc như BVNS thành một kẻ đại nhảm. Làm việc nghiêm túc không có nghĩa là lúc nào cũng tránh được các sai sót về typo, không có nghĩa là lúc nào cũng đánh máy chuẩn 100% các bác ạ. Các bác cứ đọc Deleuze mà xem,
    sẽ thấy nhiều khi ông ấy lặp đi lặp lại một ý, hoặc thậm chí có những câu văn lặp gần như nguyên xi. Là bởi vì ông ấy chìm đắm trong suy tư của mình, nên có lúc đã quên mất là mình đã từng viết câu đó rồi. Cũng chẳng ai săm soi vào chỗ đó để rồi kết luận rằng ông ấy lảm nhảm cả.
    Việc bác Nhị Linh khám phá ra mấy cái lỗi typo đó và trình bầy theo cách vừa hóm hỉnh vừa thuyết phục đó khiến cho chúng em có cảm giác rằng toàn bộ bài giới thiệu của BVNS chẳng có tí giá trị gì, vì những lỗi sai quá sơ đẳng, người đã phạm những lối sơ đẳng nhảm nhí như vậy thì còn có thể nói điều gì đáng tin cậy đây?
    Ở đây em chỉ đẩy suy luận đi xa hết mức có thể của nó thôi, các bác ạ.
    Như vậy để mong các bác mỗi lần nhả ngọc phun châu trước công chúng hãy nghĩ đến cái giới hạn mà suy luận của công chúng bọn em có thể đẩy tới.

    ReplyDelete
  19. Cho phép em lạc đề: Em vừa post một câu hỏi ở entry "Đóng góp cho cộng đồng". Không hiểu sao không thấy nó hiện lên ở phần Recent Comments. Phiền NL trở lại entry đó xem. Cảm ơn.

    ReplyDelete
  20. Bác Nhị Linh nhận xét về sự "dở" của BVNS:
    "Philippe Sollers rồi René Girard và Maurice Blanchot mà xếp luôn thành "triết gia" thì thật là dở."
    Rất thường xuyên Blanchot được mệnh danh là écrivain-philosophe. Theo wwikipédia: Maurice Blanchot est un romancier, critique littéraire et philosophe français.
    Còn René Girard cũng được WWikipédia giới thiệu như sau: "René Noël Théophile Girard, né à Avignon le 25 décembre 1923, est un philosophe français, membre de l'Académie française depuis 2005." (trích dịch một đoạn: Girard là một triết gia Pháp).
    Philippe Sollers được biết đến trong tư cách là nhà văn, nhưng ông viết rất nhiều tiểu luận, trong đó có:
    # L'intermédiaire, éd. Le Seuil, 1963
    # Logiques, éd. Le Seuil, 1968
    # L'écriture et l'expérience des limites, éd. Le Seuil, 1968
    # Sur le matérialisme, éd. Le Seuil, 1974
    # Théorie des exceptions, éd. Folio, 1985
    # Improvisations, éd. Gallimard, 1991
    # Liberté du XVIIIe (Extraits de la Guerre du Goût), éd. Gallimard, 2002
    # La guerre du goût, éd. Gallimard, 1994
    # Éloge de l'Infini, éd. Gallimard, 2001
    Đấy toàn là những vấn đề có thể xếp lĩnh vực triết học.
    Có lẽ từ "dở" cũng mang tính tương đối chăng?

    ReplyDelete
  21. Lấy một cuốn sách mới in ra để bàn chơi trên blog thì không gì thú bằng, ấy nhưng lấy một vị thầy đáng kính ra để bàn thì cần phải thật thận trọng. Tôi xin hỏi các bạn, liệu ai đã hiểu thấu đáo phần dẫn nhập ấy chưa để có cái gọi là bàn luận. Tôi xin đưa ra vài ý kiến về các vấn đề của Nhị Linh (NL) và qua đó là của Rem.
    1/ Phần chính tả: theo tôi, NL phát hiện rất sắc, nhưng đòi hỏi một sự biên tập “hoàn hảo” trong bối cảnh ngày nay thì thật là quá sức. Ở điểm này, cần phải có sự cảm thông và góp ý chân thành chứ không phải những lời mỉa mai.
    2/ Phần liệt kê “những triết gia mới” và nói về những triết gia sau Sartre: NL đã phát hiện rất nhanh và gọn những người bị gán sai (thông qua trang wikipedia tiếng Pháp) và có thể nói là chỉ quan tâm đến ngoại diên của “những triết gia mới” mà thôi. Hơn nữa, NL phản bác rất sơ sài bằng 2 cách:
    a/ Gán luôn ý kiến của mình thành ý kiến phổ quát: “Philippe Sollers rồi René Girard và Maurice Blanchot mà xếp luôn thành "triết gia" thì thật là dở.” Xin NL cứ phân tích một tác phẩm bất kỳ của các ông này, tôi sẽ chứng minh họ thuộc “những triết gia mới” theo nghĩa của bài dẫn nhập của thầy BVNS (tôi xin phép gọi bằng thầy, vì ông thực sự như một vị thầy đáng kính). Do đó, luận chứng này không có cơ sở phê phán, có chăng chỉ là ý kiến riêng của NL (nếu thích NL có thể gọi Sartre là nhà văn, không ai cấm cả).
    b/Dựa vào niên biểu thời gian: “Cả Michel Leiris và Georges Bataille đều lớn tuổi hơn Sartre rất nhiều, và đều thành danh, có tầm ảnh hưởng lớn trước Sartre rất nhiều.” và “Lévi-Strauss có thể "sau" Sartre như thế nào khi La Pensée sauvage luôn được coi là để phản đối Sartre người cùng thời, một "đối thoại", Leiris và Bataille có thể "sau" Sartre như thế nào khi Simulacre của Leiris và Histoire de l'oeil của Bataille đều đã in từ rất lâu, hơn cả chục năm,…”. Nếu NL có biết đến lối phân chia triết học theo Hệ hình (paradigm) thì hẳn sẽ không ngạc nhiên gì khi Descartes và Hegel cách xa nhau đến thế nhưng vẫn được xếp chung vào Hệ hình Tâm thức học trong sự phân chia hệ hình triết học. Với một triết gia, tư tưởng của họ chịu ảnh hưởng bởi cái gì, nói đến cái gì thì quan trọng hơn việc họ ra đời trước ai, thành danh trước ai. Theo cách dựa vào niên biểu thời gian này, thoạt nhìn có vẻ NL rất sâu và rộng về kiến thức, nhưng có vẻ NL chưa đọc kỹ hoặc chưa hiểu phần Thầy BVNS nói đến nội hàm của cái mà thầy gọi là “những triết gia sau Sartre”. Xin lưu ý NL và các bạn đọc 1 vài ý gợi mở để hiểu điều này:
    b.1/ “những triết gia mới” từ khoảng 1960 tới nay: thế hệ kế tiếp J. P. Sartre, hay đúng hơn, thế hệ sau Sartre.
    b.2/ Đặc điểm lớn nhất của thế hệ này là đã chia tay với tham vọng của Sartre muốn “tổng hợp” hiện tượng học, chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa Marx, nhưng sâu xa hơn, là chia tay với mọi hình thức bản chất luận kiểu Platon và nhất là với “biện chứng pháp” kiểu Hegel.
    b.3/ xin đọc phần thầy BVNS viết về Lévi-Strauss trong phần dẫn nhập này
    Xin NL hãy hiểu thật kỹ 3 đoạn này rồi hãy phê phán.

    ReplyDelete
  22. 3/NL nói: “Chú thích đầu tiên của lời nói đầu dịch L'Entretien infini của Blanchot thành Việc làm bất tận; thế mà từ xưa tới nay tôi cứ nghĩ "entretien" này có nghĩa khác đấy.” Vậy xin hỏi, NL định dịch là gì và tại sao? Sao NL không nói rõ mà nói một cách, theo tôi, là xách mé.
    4/ Về bàn luận về “nghĩa”, “ý nghĩa”:
    a/ NL chỉ nói một cách tù mù, có vẻ hàm ý là biết mà không muốn nói, và không nói thì xin thưa NL là không ai biết NL muốn nói gì. Câu này hầu như là vô nghĩa.
    b/Phần bàn của Rem thật đáng trách vì thiếu tinh thần khoa học. Rem nói: “Theo chỗ tui hiểu, ông Bùi Văn Nam Sơn hay dịch chữ ‘Sense’ (Sinn) là ‘ý nghĩa’, một thuật ngữ mà tui cực lực phản đối, và giữa ông và tui có đã không ít hơn 5-6 lần bàn đến chữ này”. Đây là một cách dẫn chứng phản-khoa học. Việc thầy BVNS nói với Rem như thế nào sẽ có rất nhiều cách hiểu (tâm trạng thầy không vui, không muốn bàn đến; thầy tự biết cần phải mở rộng thì mới nói hết ý được, không thì sẽ không những không giúp được gì mà còn có hại; thầy biết sức của Rem không đủ sức để nói đến 1 điều như vậy, v.v…), nên dẫn chứng này gây người đọc hiểu nhầm về thầy BVNS.
    c/ xin trả lời Rem và NL về bàn luận này: trước hết, vì không có dẫn chứng nào có sẵn nên tôi cũng xin dùng luận chứng phản-khoa học mới phê Rem để nói. Khi bàn về khái niệm Sinn và Bedeutung, thầy BVNS đã rất cẩn thận và thường chọn dịch Sinn (sense) là Nghĩa và Bedeutung (Signification) là Ý nghĩa. Tuy nhiên, thầy BVNS vẫn rất thận trọng khi luôn ý thức rằng 2 khái niệm này rất dễ lầm lẫn và vì thế thầy luôn mở ngoặc thêm vào từ gốc tiếng Anh, Pháp, hoặc Đức. Ở bản dịch này, xin nói rõ luôn là không phải do chính thầy BVNS dịch, thầy chỉ giữ vai trò hiệu đính nội dung, nên thầy luôn tôn trọng cách dịch của chính dịch giả Từ Huy bằng cách giữ nguyên cách dịch sens = ý nghĩa, và có mở ngoặc đánh kèm chữ sens; và trong phần giới thiệu, thầy vẫn có ý thức đến chữ “sens” và đã dùng đúng như chữ người dịch sử dụng. Đây là một thái độ đáng tôn trọng của một bậc thầy.
    Tóm lại, trình độ của tôi chưa đủ sức bao quát đến tất cả “những triết gia mới” mà thầy BVNS liệt kê, nhưng dựa trên bài dẫn nhập và trên sự phê phán của NL, tôi thấy chưa thực sự đủ lý lẽ và luận chứng thuyết phục để đưa ra một sự phê phán như vậy.
    Thân ái!

    ReplyDelete
  23. Lấy một cuốn sách mới in ra để bàn chơi trên blog thì không gì thú bằng, ấy nhưng lấy một vị thầy đáng kính ra để bàn thì cần phải thật thận trọng. Tôi xin hỏi các bạn, liệu ai đã hiểu thấu đáo phần dẫn nhập ấy chưa để có cái gọi là bàn luận. Tôi xin đưa ra vài ý kiến về các vấn đề của Nhị Linh (NL) và qua đó là của Rem.
    1/ Phần chính tả: theo tôi, NL phát hiện rất sắc, nhưng đòi hỏi một sự biên tập “hoàn hảo” trong bối cảnh ngày nay thì thật là quá sức. Ở điểm này, cần phải có sự cảm thông và góp ý chân thành chứ không phải những lời mỉa mai.
    2/ Phần liệt kê “những triết gia mới” và nói về những triết gia sau Sartre: NL đã phát hiện rất nhanh và gọn những người bị gán sai (thông qua trang wikipedia tiếng Pháp) và có thể nói là chỉ quan tâm đến ngoại diên của “những triết gia mới” mà thôi. Hơn nữa, NL phản bác rất sơ sài bằng 2 cách:
    a/ Gán luôn ý kiến của mình thành ý kiến phổ quát: “Philippe Sollers rồi René Girard và Maurice Blanchot mà xếp luôn thành "triết gia" thì thật là dở.” Xin NL cứ phân tích một tác phẩm bất kỳ của các ông này, tôi sẽ chứng minh họ thuộc “những triết gia mới” theo nghĩa của bài dẫn nhập của thầy BVNS (tôi xin phép gọi bằng thầy, vì ông thực sự như một vị thầy đáng kính). Do đó, luận chứng này không có cơ sở phê phán, có chăng chỉ là ý kiến riêng của NL (nếu thích NL có thể gọi Sartre là nhà văn, không ai cấm cả).
    b/Dựa vào niên biểu thời gian: “Cả Michel Leiris và Georges Bataille đều lớn tuổi hơn Sartre rất nhiều, và đều thành danh, có tầm ảnh hưởng lớn trước Sartre rất nhiều.” và “Lévi-Strauss có thể "sau" Sartre như thế nào khi La Pensée sauvage luôn được coi là để phản đối Sartre người cùng thời, một "đối thoại", Leiris và Bataille có thể "sau" Sartre như thế nào khi Simulacre của Leiris và Histoire de l'oeil của Bataille đều đã in từ rất lâu, hơn cả chục năm,…”. Nếu NL có biết đến lối phân chia triết học theo Hệ hình (paradigm) thì hẳn sẽ không ngạc nhiên gì khi Descartes và Hegel cách xa nhau đến thế nhưng vẫn được xếp chung vào Hệ hình Tâm thức học trong sự phân chia hệ hình triết học. Với một triết gia, tư tưởng của họ chịu ảnh hưởng bởi cái gì, nói đến cái gì thì quan trọng hơn việc họ ra đời trước ai, thành danh trước ai. Theo cách dựa vào niên biểu thời gian này, thoạt nhìn có vẻ NL rất sâu và rộng về kiến thức, nhưng có vẻ NL chưa đọc kỹ hoặc chưa hiểu phần Thầy BVNS nói đến nội hàm của cái mà thầy gọi là “những triết gia sau Sartre”. Xin lưu ý NL và các bạn đọc 1 vài ý gợi mở để hiểu điều này:
    b.1/ “những triết gia mới” từ khoảng 1960 tới nay: thế hệ kế tiếp J. P. Sartre, hay đúng hơn, thế hệ sau Sartre.
    b.2/ Đặc điểm lớn nhất của thế hệ này là đã chia tay với tham vọng của Sartre muốn “tổng hợp” hiện tượng học, chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa Marx, nhưng sâu xa hơn, là chia tay với mọi hình thức bản chất luận kiểu Platon và nhất là với “biện chứng pháp” kiểu Hegel.
    b.3/ xin đọc phần thầy BVNS viết về Lévi-Strauss trong phần dẫn nhập này
    Xin NL hãy hiểu thật kỹ 3 đoạn này rồi hãy phê phán.

    ReplyDelete
  24. "Nous ne trouverons jamais le sens de quelque chose ..., si nous ne savons pas quelle est la force qui s'approprie la chose, qui l'exploit, qui s'en empare ou s'exprime en elle. ... Un même objet, un même phénomène change de sens suivant la force qui se l'approprie. ... L'histoire est la variation de sens... Le sens est donc une notion complexe: il y a toujours une pluralité de sens, un constellation, un complexe de successions..." (Nietzsche et la philosophie, PUB 1962, trang 3-4). Một sự vật, một hiện tượng bộc lộ một điều gì thì tùy thuộc những lực đang tranh nhau chiếm hữu và khống chế hiện tượng ấy. Điều bộc lộ hiện hành ấy không cố định, mà biến chuyển không ngừng, cũng không duy nhất, mà mang nhiều trạng thái khác nhau. Tôi xin tạm tóm tắt như thế theo chữ nghĩa của tôi.
    Theo tôi, nếu các bạn thảo luận về từ ngữ ở ngoài bối cảnh này thì sẽ mông lung: ý, nghĩa, ý nghĩa... Ở đây, Deleuze, qua Nietzsche, đề cập đến điều bộc lộ của một sự thể nào đó, nhất là tính cách linh động tùy duyên của điều bộc lộ ấy, cũng như nhu cầu thấu hiểu cái duyên (lực, force) đang uốn nắn, quy định nó. Cho nên, sens ở đây nghiêng về "giá trị" hiện hành. [NSC]

    ReplyDelete
  25. Đặc điểm lớn nhất của thế hệ này là đã chia tay với tham vọng của Sartre muốn “tổng hợp” hiện tượng học, chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa Marx, nhưng sâu xa hơn, là chia tay với mọi hình thức bản chất luận kiểu Platon và nhất là với “biện chứng pháp” kiểu Hegel.

    Vâng, điểm này rất quan trọng. Xin cám ơn đã nhắc. (Nhưng có lẽ sự chia tay ấy đã bắt đầu ở Nietzsche, nhưng bị lãng quên hoặc được hồi sinh.) [NSC]

    ReplyDelete
  26. vâng, không phải ngẫu nhiên mà tiêu đề của bài giới thiệu lại là: "Gilles Deleuze và việc tiếp nhận Nietzsche ở Pháp". Rất đáng tiếc là tác giả blog chưa bàn gì đến nội dung cả.

    ReplyDelete
  27. bác ano "vạch lá tìm sâu": bác có thể tới gặp chị Từ Huy để hỏi về khái niệm "giới hạn của diễn giải", bác diễn như vậy thì khác gì nói trên cái đời này đừng có mà nói năng cái gì

    bác gọi Mr. Tin Văn là fan của tôi làm tôi thấy nực cười quá; bác chưa chứng kiến Mr. Tin Văn từng chửi tôi xóc óc đến mức nào rồi

    chuyện tôi rất đồng ý với BVNS ở nhiều điểm, cũng như có quan hệ cá nhân rất tốt với BVNS không ngăn cản tôi nói những điều mà tôi nghĩ là cần thiết cũng rất giống chuyện Mr. Tin Văn luôn luôn nghĩ khác tôi nhưng có lúc cũng đồng ý được với tôi một lần

    ReplyDelete
  28. bác ano comment dài:

    bác có thực sự hiểu tôi nói gì không? bác có thực sự hiểu là có tồn tại một danh xưng tên là "nouvelle philosophie" nghĩa là "triết học mới"?

    việc tôi đưa một đường link của wiki không có nghĩa là tôi chưa bao giờ tìm hiểu về nouvelle philosophie, tôi nói rất rõ là đưa đường link để tìm hiểu nhanh, cốt nhất là nhìn thời điểm xuất hiện danh xưng cũng như những cái tên quan trọng của phong trào này

    nếu liệt kê như vậy tôi xin phép hỏi là sao không liệt kê luôn Gracq, Todorov, Genette, Sagan, Darc, Bazin etc.?

    tôi chẳng tin bác thực sự tin vào cách giải thích "hệ hình" mà bác đưa ra; đơn giản nó là ngụy biện

    tôi nghĩ sự phê phán cũng có thể nhằm tới các ông thấy chứ ạ, nếu không tại sao Deleuze dám phê phán Nietzsche đây?

    còn rất nhiều chi tiết khác tôi xin phép miễn trả lời, bác gần như không hiểu tôi nói gì cả, còn thì bác thích nghĩ tôi xách mé hay cái gì gì thì tùy, tôi tự biết không phải là đủ

    ReplyDelete
  29. Cái "sens" của blog là vui vẻ, dù phát biểu thế nào chăng nữa ("forces" variées) thì cũng là vui vẻ, lúc vầy lúc khác, chứ không nhằm chỉ trích cá nhân. Hề hề, xài thử triết của Deleuze/Nietzsche mới học lỏm được, không biết có linh nghiệm không? :)

    Nhân nói về vui vẻ, nhớ đến điểm này: "Cũng không rõ tại sao lại dịch Le Gai Savoir thành Khoa học vui tươi."
    Tên nguyên bản là Die fröhliche Wissenschaft. Tiếng Đức Wissenschaft nói về ý hướng thể hiện sự nghiên cầu kiến thức nghiêm túc và mạch lạc, thường dịch là "khoa học" hay "science". Mục tiêu là kiến thức (savoir, knowledge), nhưng ở đây nhấn mạnh đến phương pháp tiếp cận và thành tựu kiến thức. Tên sách cũng là một lối chơi chữ của Nietzsche khi dùng một thành ngữ phổ thông vào thời ấy, có gốc là Provençal "gai saber" chỉ về nghệ thuật thi ca, hàm nghĩa vui đùa (plaisanterie).
    Bản tiếng Pháp dịch là "Le Gai Savoir" không chính xác lắm. Trong khi đó, Walter Kaufmann khi dịch bản tiếng Anh (1974) đã đề nghị "The Gay Science". Trong chiều hướng này, chị Nguyễn Thị Từ Huy dịch là "Khoa học vui tươi" thì ổn thỏa. Cùng một lúc, có lẽ cũng nên hiểu một cách tích cực là khoa học về sự vui tươi của cách sống tỉnh thức và hùng tráng. :) [NSC]

    ReplyDelete
  30. @ NSC: 'The gay science' trước giờ tui cứ tưởng đây là khoa học pê-đê chứ.'Cách sống tỉnh thức và hùng tráng', sống mà cứ tỉnh thức (hông ngủ) và hùng tráng thì nguy hiểm lắm nha.
    @ gửi bạn gì trách Rem đáng trách, không có tinh thần khoa học: dzạ, xin nghiêm khắc tự phê bình và nhận khuyết điểm trước các bạn.
    @ to all:
    Chúc vui. Nhân tiện hôm nay (18/5) là sinh nhật của Bertrand Russell, bạn nào muốn ăn mừng thì xin cùng ăn mừng.

    ReplyDelete
  31. Bác NSC đề nghị dịch "sens " là "giá trị", vậy cái mệnh đề "triết học Nietzsche là triết học về sens và về valeur" bác sẽ dịch như thế nào? "triết học về giá trị và giá trị" chăng? Hơn nữa, bác đọc cuốn NP thì đã thấy rồi, "giá trị hiện hành" được N dùng một từ khác.

    ReplyDelete
  32. hì hì tôi hết sức đề nghị các bác cho cái tên thật, từ hôm qua tới giờ tôi đã lờ mờ điểm danh được vài người :d

    trao đổi cầu thị và "vui tươi", có cái tên thật cũng đỡ ức chế hơn đấy ạ

    ReplyDelete
  33. Tôi đã không để nghị dịch như thế! Tôi thường đọc tiếng Pháp hoặc tiếng Anh, và hiểu thẳng chứ không có nhu cầu tìm tiếng Việt. Hôm nay thử trình bày vài góc cạnh để thấy rằng không chỉ dịch là "ý nghĩa" mới được, vậy mà cứ bẻ găng, làm như tôi không nghĩ đến vụ "triết học về giá trị và giá trị". :)

    Sens cũng có thể hiểu là "lý". Rồi, đem búa ra! :) [NSC]

    ReplyDelete
  34. @ Rem: Cái force thời thượng đã khống chế cái sens của "gay" thành "pê đê" rồi, hì hì. Ở thời Victorian, gay chỉ mấy bà mấy cô ít vải đứng ở góc đường vào ban đêm! Về cái tựa sách kia, vài chỗ dùng từ "joyous", nhưng "gay" hàm nghĩa vui nhộn, hơn là vui vẻ, hoan hỷ. [NSC]

    ReplyDelete
  35. "sens" là "lý" à? có sợ bị hiểu sang các khái niệm "lý", "khí" của triết học Đông phương không?

    ReplyDelete
  36. Dạ hông. :) Cứ thử xem, biết đâu mình đang phăng ra một cái gì mới. Theo Deleuze, Nietzsche hoàn chỉnh dự án phê phán do Kant khởi xướng. Tuy nhiên, Nietzsche không hài lòng vì Kant đã không trình bày rõ ràng cơ sở giá trị của tiến trình phê phán đạo đức. Cùng một lúc, Nietzsche cho thấy sự phê phán (critique) chính nó là một lực (force) cần được bạch minh. Trong chiều hướng này, Deleuze nhìn ra hai khía cạnh của sự phê phán do Nietzsche cải tân: một là interprétation (liên hệ đến sens), hai là évaluation (liên hệ đến valeur). Tuy nhiên, sự thấu hiểu về sens đưa đến sự thẩm định về valeur, chứ sens không đứng riêng rẽ.

    Khi đọc nguyên bản, tôi có cái hiểu về sens trong bối cảnh này, mà nếu phải lôi nó ra để trình bày bằng tiếng Việt, thì tôi muốn dùng từ "cảm nhận". Hôm nay, tôi cũng bạo gan muốn thử từ "lý" nữa: sens đi với interprétation, lý đi với lý giải. Đôi khi, sens và interprétation được dùng lẫn lộn, hầu như tương đương.

    Thí dụ, cái cảm nhận của tôi về một vật là "tốt" không giống cái lý giải của bác về nó, tại vì hai cảm nhận ấy tùy thuộc hai phối hợp về lực khác nhau. Cho nên, có hai lý khác nhau về một vật.

    Thêm vài hàng cho vui... [NSC]

    ReplyDelete
  37. @ NSC: cảm tạ đã chỉ giáo cho Rem về 'gay' ('gay' thật).
    Xin thêm từ nguyên chữ 'sense' (tiếng Anh nghen) để bà con coi chơi:
    sense (n.)
    c.1400, "faculty of perception," also "meaning or interpretation" (esp. of Holy Scripture), from O.Fr. sens, from L. sensus "perception, feeling, undertaking, meaning," from sentire "perceive, feel, know," probably a figurative use of a lit. meaning "to find one's way," from PIE base *sent- "to go" (cf. O.H.G. sinnan "to go, travel, strive after, have in mind, perceive," Ger. Sinn "sense, mind," O.E. sið "way, journey," O.Ir. set, Welsh hynt "way"). Application to any one of the external or outward senses (touch, sight, hearing, etc.) first recorded 1520s.
    "Hornkostel cites a Negro tribe that has a separate word for seeing, but employs a common term for hearing, tasting, smelling, and touching." [A.G. Engstrom, "Philological Quarterly," XXV, 1946]
    The verb meaning "to perceive by the senses" is recorded from 1590s. Senses "mental faculties, sanity" is attested from 1560s.
    Nguồn: http://www.etymonline.com/index.php?search=sense&searchmode=none
    Chữ 'sense' ác đạn ở chỗ vừa là 'sense' trong ngũ quan (mắt, tai..., 'cảm giác' hay chữ 'cảm nhận' như bác NSC đề nghị) vừa là 'meaning or interpretation'.

    ReplyDelete
  38. bác cứ vui thoải mái đi ạ :d

    ReplyDelete
  39. @ Rem: Thí dụ tôi dùng ở trên là đơn giản hóa một thí dụ của Nietzsche vể cảm nhận khác nhau của người hầu và của ông chủ về "tốt" (trong The Genealogy of Morals). Điều cần nhấn mạnh là "cảm nhận" ở đây không tương đương với "cảm giác" sơ đẳng ở ngũ quan.

    Thêm nữa, thí dụ về "tốt" cũng cho thấy rằng dịch "sens" là "ý nghĩa" không sát lắm. [NSC]

    ReplyDelete
  40. .Theo mình lỗi chính tả ở bìa sách (nhấn mạnh: bìa sách) là lỗi nặng, nó gây cảm giác cẩu thả.
    .“những triết gia sau Sartre” nếu chữ "sau" này đổi thành chữ khác ("cùng trường phái" hay "trong hệ" gì đó, tôi không dám biết:))thì có tốt hơn ko? cho các trường hợp trẻ hơn và có ảnh hưởng trước (nhưng không đủ lớn như) Sartre?

    ReplyDelete
  41. à quên, "trường hợp già hơn" chứ!
    sorry

    ReplyDelete
  42. Rem: từ đồng âm khác nghĩa thì nhiều lắm, mình không cần quan tâm ở đây, trong tiếng Việt đồng âm khác nghĩa còn nhiều hơn trong tiếng Tây

    trao đổi một hồi tôi thấy bác nào ở trên nói có lý, những từ như "sens" này tốt nhất là nhà nghiên cứu nên có một cái chú thích giải thích, điều này anh Như Huy (cũng một học trò của BVNS) đã từng làm trong "Thế mà là nghệ thuật ư?": tôi thấy rất chi mệt mỏi khi theo dõi các cách dịch từ "form" của Như Huy, nhưng vì tất cả đều có giải thích rõ ràng nên vẫn chấp nhận

    những từ kiểu như thế này nhiều vô kể, luôn cần có giải thích: interpretation, representation, mimèsis, epistémè vân vân và vân vân

    ReplyDelete
  43. chị So: vấn đề không nằm ở đó đâu ạ :)

    ReplyDelete
  44. Nhờ các bạn biên tập bên Tri Thức với tinh thần phục thiện và ý thức cầu tiến, chỉ cho tôi biết các có các trao đổi ở đây nên tôi ghé vào. Rất thú vị và bổ ích.
    Nietzsche không hoàn hảo, Deleuze không hoàn hảo, họ bị phê phán nhiều, và cho đến nay có rất nhiều diễn giải khác nhau về tư tưởng cũng như về các khái niệm của họ. Như trong bài viết của mình, BVNS đã chỉ ra rằng cách diễn giải của Deleuze đã góp phần xóa bỏ những hiểu lầm trước đó về Nietzsche, và không chỉ có duy nhất Deleuze, đương nhiên. Cho nên việc có nhiều cách hiểu khác nhau về các khái niệm mà các anh chị đưa ra thảo luận là một chuyện hết sức lành mạnh.
    Tôi cũng không hề giấu diếm rằng có những điều trong cuốn sách vượt quá hiểu biết hiện tại của tôi, và tôi dịch là để học, để mong một ngày nào đó có thể hiểu rõ hơn những gì tôi muốn hiểu. Robbe-Grillet phân biệt hai kiểu nhà văn, đại ý : có những nhà văn viết vì đã hiểu rõ thế giới, và có những nhà văn viết để tìm hiểu thế giới, vì họ chưa hiểu nó. Tôi mượn ý đó để nói rằng : có thể có những người dịch vì đã hiểu rõ những điều mình dịch (hiểu theo cách của họ, dĩ nhiên), có những người dịch vì họ chưa hiểu rõ và muốn tìm hiểu, trong khi dịch luôn ý thức rằng có thể họ chưa hiểu rõ. Tôi tự nhận thuộc loại thứ hai. Tất nhiên tôi cố gắng để không dịch bừa, nhưng quả thực có những điều tôi cần tiếp tục tìm hiểu. Và tôi dám liều vì tôi có sự trợ giúp của những người như BVNS. Và tôi dám liều, vì tôi tin rằng những sai lầm nếu có của tôi, một ngày nào đó sẽ được những người thấu hiểu hơn tôi đính chính, và trong tương lai sẽ có những bản dịch tốt hơn của những người khác.
    Khi làm việc cùng với BVNS, tôi đã học được ở ông những điều hết sức quan trọng, không chỉ kiến thức, mà cả sự khiêm tốn và sự nghiêm khắc trong công việc, đồng thời thái độ tôn trọng người khác, dù người đó thua tuổi ông rất nhiều, thua kém ông rất nhiều trong kiến thức chuyên môn.
    Khi vào diễn đàn này tôi cũng học được nhiều điều từ những tranh luận của các anh chị. Cả Deleuze và Nietzsche đều sẽ cảm ơn sự nhiệt tình của Nhị Linh, vì nếu không có sự nhiệt tình ấy thì từ « sens » sẽ chỉ là một tập hợp các ký tự (s+e+n+s), sẽ không có cả ý lẫn nghĩa lẫn ý nghĩa gì cả, đấy chỉ là một ví dụ mà tôi nhặt ra từ cuộc trò chuyện của các anh chị. Thực sự tôi vẫn mong ước có những hội thảo chuyên ngành, với sự tham gia của các chuyên gia, để bàn bạc và đi tới thống nhất trong việc sử dụng các thuật ngữ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Nhưng tôi cũng hơi bi quan khi nghĩ rằng nếu không có một chiến lược mang tầm quốc gia, nếu chỉ có nỗ lực của những cá nhân riêng lẻ như chúng ta, thì không biết bao giờ điều đó mới thực hiện được.
    Tôi viết mấy dòng này sau cơn mưa chiều, Hà Nội mát mẻ dễ chịu. Chúc mọi người một bữa tối ngon miệng.
    Từ Huy

    ReplyDelete
  45. Tuyệt vời! Lời cuối nhân hậu bộc lộ cái "sens" của dịch giả, với một số "forces" đằng sau nó được trình bày một cách trang trọng. Vâng, việc gì cũng có "lý lẽ" của nó. Và sự xuất hiện của bản dịch vào lúc này báo hiệu cho sự "tái diễn" của nó, hướng về phía trước, để tiếp tục thăng hoa. [NSC]

    ReplyDelete
  46. @Từ Huy: "Robbe-Grillet phân biệt hai kiểu nhà văn, đại ý : có những nhà văn viết vì đã hiểu rõ thế giới, và có những nhà văn viết để tìm hiểu thế giới, vì họ chưa hiểu nó. Tôi mượn ý đó để nói rằng : có thể có những người dịch vì đã hiểu rõ những điều mình dịch (hiểu theo cách của họ, dĩ nhiên), có những người dịch vì họ chưa hiểu rõ và muốn tìm hiểu, trong khi dịch luôn ý thức rằng có thể họ chưa hiểu rõ. Tôi tự nhận thuộc loại thứ hai."

    Ôi, bác Từ Huy ơi bác so sánh nhà văn chưa hiểu rõ thế giới và dịch giả chưa hiểu rõ bản dịch như thế này tôi thấy không ổn tí nào ạ. Người đọc truyện của nhà văn chưa hiểu rõ thế giới thì vẫn ok, có chăng thì bảo à cái bác này chưa hiểu thế giới, chứ đọc bản dịch của dịch giả chưa hiểu rõ những điều họ dịch thì có lúc cũng không sao nhưng có lúc chính sự chưa hiểu rõ ấy của bác có thể khiến việc hiểu bản gốc của người đọc trở nên khó khăn hơn nhiều.
    Một độc giả giỏi có thể đọc đúp nghĩa là hiểu được bản dịch theo ý gốc đồng thời hiểu được dịch giả hiểu ý gốc ấy đến đâu nhưng độc giả như vậy rất hiếm, đa phần độc giả cứ tin tưởng bám lấy dịch giả, dịch giả lái đi đâu là họ đi đấy thôi ạ.

    ReplyDelete
  47. Bạn nói đúng một điều, sự khác biệt giữa hai kiểu so sánh này là ở chỗ: nhà văn sau khi viết xong cuốn sách, có thể cũng không hiểu rõ hơn được điều muốn hiểu (RG nói như vậy, nhưng tôi giữ quyền nghi ngờ điều ông nói), còn người dịch, sau khi dịch xong cuốn sách, nhất định sẽ hiểu hơn điều họ muốn hiểu, vì nếu họ không tìm hiểu, họ sẽ không dịch được. Vì thế mà tôi chấp nhận mạo hiểm. Bạn hoàn toàn có lý khi lo lắng như vậy. Và không phải để trấn an bạn mà tôi nói rằng tôi đã hiểu điều gì đó trong tác phẩm. Đương nhiên, tôi không thể biểu đạt bằng tiếng Việt điều mà tôi không hiểu trong văn bản gốc. Tuy thế, với tất cả mọi sự dè dặt và thận trọng, thì tôi luôn cần ý thức được rằng: có nhiều cấp độ hiểu khác nhau. Hy vọng là tới đây, tôi có điều kiện trình bày với các bạn rõ hơn, cụ thể hơn, những gì tôi hiểu được qua tác phẩm của Deleuze, bằng một vài bài viết. Sẽ rất thú vị khi thấy các khái niệm như "force" của Nietzsche đựơc Deleuze tiếp tục vận dụng để phân tích các tác phẩm nghệ thuật,ví dụ những phân tích về các nghệ phẩm của Bacon, rất tuyệt vời.
    Từ Huy

    ReplyDelete
  48. @ Robbe-Grillet
    Ý của Robbe-Grillet, thường được coi là ý chung của nhóm tiểu thuyết mới, nằm trong câu, tôi viết để hiểu tại sao tôi viết, nghỉa là, ý nghĩa bản văn lần lần xuất hiện theo tiến trình viết. Barthes, được coi là phát ngôn nhân của nhóm, do đó, mới phân biệt, giữa écrivain, và écrivan, người viết văn, và người dùng văn. Từ Huy diễn tả không đúng 'đại ý' của Robbe-Grillet, sorry!
    Thú thực, tôi không hiểu tại sao lại dịch Robbe - Grillet, hay Deleuze. Vì khó đọc, khó tiếp nhận, không quá cần thiết vào lúc này.
    Nhân tiện post bài giới thiệu trang bìa sau cuốn Anti-Oedipe của ông, cho thấy, muốn hiểu D. phải ôm cả một cục, Foucault, Marx, Nietzsche... Khó nhá quá!
    NQT tôi đọc triết, chỉ là để phân định nó, với viết văn, mà thôi, không có tham vọng đi sâu vô, nhưng thấy dịch triết kiểu này, thì cũng vô hại!
    Philosophy/Cultural Studies

    A major work in the development of critical theory in the late twentieth century, Anti-Oedipus is an essential text for feminists, literary theorists, social scientists, philosophers, and others interested in the problems of contemporary Western culture.

    In his preface, Michel Foucault calls Anti-Oedipus an introduction to non-fascist life, referring not just to political fascism but to the fascism within us-the desire to be led. To address that problem, Deleuze and Guattari propose a political analysis of desire as it is expressed or repressed in Western culture. They find the seeds of society's sickness in contemporary psychoanalysis, especially in the powerful figure of Oedipus.

    "Anti-Oedipus, more than any other intersection of Marx and Freud, renders palpable the metaphor of the unconscious as a worker, and does it in a brilliant, appropriately nutty way." New Republic

    "This major philosophical work by two of the most brilliant philosophical minds is both trendy and technically difficult. It has an interesting cross-resonance with the American counter-culture .... There are brilliant and suggestive treatments here of the psychological subject, fascism, represssion, collective fantasy, which are quite unequaled elsewhere." Fredric Jameson, Duke University

    "An important text in the rethinking of sexuality and sexual politics spurred by the feminist and gay liberation movements." Margaret Cerullo, Hampshire College

    Gilles Deleuze (1925-1995) and Felix Guattari (1930-1992) also coauthored A Thousand Plateaus and Kafka: Toward a Theory of Minor Literature. Among Deleuze's other books are Foucault, The Fold: Leibniz and the Baroque, Cinema 1: The Movement-Image, and Cinema 2: The Time-Image. All of these works are available from the University of Minnesota Press.

    University of Minnesota Press Printed in U.S.A.

    ISBN 0-8166-1225-0 90000

    hại!

    ReplyDelete
  49. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  50. Bác Từ Huy:
    Về bản chất sự khác nhau là ở chỗ: nhà văn có quyền sáng tác một cách tự do bay bổng theo ý họ còn dịch giả thì buộc phải trung thành với bản gốc bác ạ. Điều ấy cho thấy việc hiểu rõ bản gốc quan trọng thế nào với người dịch.

    Công việc dịch vì thế khó khăn hơn nữa đây lại là dịch sách triết, sự dè dặt và thận trọng của bác là có thể hiểu được, nói gì thì nói công việc của các bác rất đáng khâm phục.

    ReplyDelete
  51. Tranh thủ hỏi chị Từ Huy: chị có nghĩ đoạn BVNS liệt kê các triết gia ở lời giới thiệu là thỏa đáng không?

    Nếu xếp Philippe Sollers là triết gia, thì nhất thiết Robbe-Grillet phải là hai lần triết gia, em nghĩ thế.

    ReplyDelete
  52. Bác NQT đặt câu hỏi xác đáng: Tại sao cuốn này? Tại sao lúc này?

    Nietzsche et la philosophy của Deleuze không phải là một quyển sách giới thiệu Nietzsche hoặc nhập môn tư tưởng của Nietzsche. Dĩ nhiên, khi một soạn giả làm việc ấy, thì chính nó là một diễn giải. Những ai nghiên tầm Nietzsche (hay bất cứ triết gia nào) cũng biết có một số lượng sách "commentaries" Âu Mỹ khá lớn đứng bên cạnh khoảng 12 tác phẩm gốc của Nietzsche.

    Tuy nhiên, trường hợp của Deleuze thì khác: Nietszche et la philosophy không phải là sách giáo khoa. Nó "chiếm hữu" (approprier) và "khai thác" (exploiter) (dùng từ của chính Deleuze) tư tưởng Nietzsche để trình bày và vận động chủ trương triết học của Deleuze. Deleuze có nhiều sáng tạo độc đáo, rất đáng học hỏi, và ông làm công việc "chiếm hữu" và "khai thác" với một số triết gia khác, như Spinoza và Bergson. Ông nhìn ra nhiều điều mới lạ, nhưng đồng thời gây ra tranh luận (controverse): tốt thôi, nhưng ta phải tỉnh táo về sự kiện ấy.

    Điều khó khăn khi đọc (và hiểu!) Nietzsche et la philosophy là nó đòi hỏi người đọc phải có sẵn một số vốn triết học về Nietzsche và Deleuze, nếu không muốn nói cả "một chút" về Kant, Hegel và Bergson (Deleuze chịu ảnh hưởng sâu đậm của Bergson). Cho nên, ngay từ comment đầu tiên, tôi đã viết: "Quyển này không dễ, có cả thế giới của Nietzsche và thế giới của Deleuze." Cái hậu cảnh (background) này, chúng ta không thể coi thường.

    Cho nên, khi tôi ngần ngại về "hiểu", tôi không chỉ đề cập đến việc "chuyển ngữ", mà sự cảm nhận sâu sắc về cái "sens", cái "lý lẽ" của tác phẩm. Tôi không bẻ chữ: tôi muốn nói về cái "hậu cảnh triết học", mà chính nó là một "force", một "trợ duyên" quan trọng trong việc dịch (chị Từ Huy) cũng như việc tiếp nhận (độc giả Việt Nam). Bài giới thiệu tóm tắt của ông Bùi Văn Nam Sơn rất quý báu, nhưng chính sự cô đọng thông thái của bài ấy là một khó khăn không nhỏ đối với những vị đang tiếp cận Nietzsche (và cũng có thể controverse nữa, hỏi bác NL thì biết :)).

    Với "tình hình" Nietszche ở Việt Nam hiện nay, tôi thiết nghĩ: đến với Nietzsche qua nẻo Deleuze quả là gay cấn.

    Dĩ nhiên, đây là ưu tư xây dựng. [NSC]

    ReplyDelete
  53. Xin quý vị thứ lỗi, mắt nhặm tay run, cứ gõ nhầm "philosophie" thành "philosophy"! Có lỗi typo về tên Nietzsche nữa! [NSC]

    ReplyDelete
  54. ‘Tình hình’ hiện nay có cuốn nào làm được là quý rồi. Thắc mắc ‘tại sao cuốn này mà hông phải cuốn kia’ chi cho tội nghiệp. Công việc dịch triết học, dịch cái gì (khối lượng công việc), lịch trình dịch, tổ chức lực lượng như thế nào, cần bao nhiều người bao nhiêu tiền chắc không phải việc khó tính. Thế nhưng, người đâu, tiền đâu ra để mần công chuyện này?
    ‘Ôn cố tri tân’ nhắc chuyện dịch kinh Phật ở Trung Hoa: ‘Lịch sử các hoạt động Phật giáo tại Trung hoa bao quát trong khoảng 1200 năm (67-1271), và trên thực tế, được đồng nhất với lịch sử phiên dịch Phật điển Trung hoa. Trong khoảng thời gian này, 173 vị sư Ấn độ và Trung hoa đã dâng hiến trọn đời cho công cuộc phiên dịch công phu và kết quả là văn hiến vĩ đại của Hán dịch Đại Tạng Kinh’ (Tinh Hoa Triết Học Phật Giáo của Junjiro Takakusu, Tuệ Sỹ dịch).
    Takakusu là một dịch giả kinh người (nước Nhật số dịch giả ‘kinh người’ không phải hiếm!), là người đã biên tập Đại Tạng Kinh (Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh, 100 tập), là học giả Á Châu duy nhất (nếu tui hổng nhớ lộn) góp mặt trong phiên dịch, mần bộ sách vô song ‘Sarced books of the East’ (50 tập) chính do thầy của Takakusu là Max Muller biên tập.
    Tui lại nhớ đến ngài Cưu Ma La Thập và ngài Huyền Trang với dịch trường của họ. Ngài Huyền Trang đi du học mười mấy năm, trở về mang hơn 600 pho sách, dịch ròng rã mấy mươi năm cho đến chết cũng chỉ đâu khoảng 1/10. Khi ấy, triều đình bảo trợ tài lực, nhân lực suốt mấy chục năm (đời nay cơm áo gạo tiền, ai dư cơm dư gạo mà làm việc đó).
    Đã vậy, ngày nay khi dịch sang tiếng Việt, đâu phải chỉ là Phật điển Hán Tạng (đã tốn của nước Tàu to lớn 1200 năm), hay Pali Tạng, triết học Ấn Độ (mênh mông như biển), lại còn phải dịch xem anh bạn Nhật Bản, Trung Hoa khoảng hơn 100 năm qua đã dịch cái gì, làm cái gì. Đó chỉ là nói ‘triết học Đông Phương’, còn nữa chứ triết học Tây phương ‘bát đại tinh thâm’ với lịch sử hơn 2000 năm với bao nhiêu sách vở từ tiếng Anh, Pháp, Đức, Hy Lạp, Latinh… mà nước ta chỉ mới làm quen, bập bẹ tập nói vỡ lòng.
    Có vài ba trăm người, làm việc dịch thuật vài chục năm ròng rã thì cũng chỉ là động viên nhau cố lên làm việc cho thỏa chí, chơi dzui dzậy thôi, chớ dịch thuật với dịch thiếc cái gì mà nói cho nghe hoành tráng.
    Trách nhau sao dịch cuốn này hổng dịch cuốn kia chi cho tội nghiệp.

    ReplyDelete
  55. ở đây xin phản bác NSC một ý nhỏ

    Nietzsche ở Việt Nam thì như thế nào? Nếu là tôi thì khi viết introduction cho bản dịch của Từ Huy, tôi sẽ nói điều đó, ít nhất là dành một phần của introduction.

    Nietzsche ở Pháp bắt đầu từ những năm cuối của thế kỷ XX, do nhóm học sinh trường Do Thái trung học Condorcet với hạt nhân là Daniel Halévy, trong đó có Marcel Proust (chính xác là tạp chí "Banquet", một trong các tạp chí của nhóm này bên cạnh Revue Blanche, Cahier Vert tôi không nhớ chính xác hai cái tên vừa rồi nhưng đại khái vậy), còn ở VN tôi nghĩ nên để công đầu cho Nguyễn Đình Thi với quyển sách nhỏ viết vào khoảng cuối 1930 đầu 1940 chỉ riêng về Nietzsche (NĐT còn viết thêm một quyển nữa, không nhớ rõ là về Hegel hay Kant).

    Sau đó miền Bắc tất nhiên cực kỳ dị ứng với Nietzsche, nhưng Sài Gòn thì dịch Nietzsche nhiều khủng khiếp, các bác như NSC hay NQT chắc chắn biết rõ: Phạm Công Thiện, Trần Xuân Kiêm và nhiều người khác nữa. Tôi không mê Nietzsche mà đã có tới gần mười quyển dịch của Nietzsche, dăm ba sách viết về Nietzsche, rất nhiều sách chung chung về triết học có dành một phần trang trọng cho Nietzsche.

    Vậy thì độc giả Việt Nam đã có thể tiếp nhận Nietzsche qua ngả Deleuze chưa? Theo tôi thì dịch quyển này là rất chính xác: sử dụng đúng một nhân vật như Nietzsche là người đã hiện diện tràn ngập ở Việt Nam để introduce Deleuze. Đó là một lựa chọn cực kỳ hợp lý. Chỉ có điều khi đọc bản dịch "Nietzsche và triết học" tôi thất vọng vì thiếu các đường link đó: Nietzsche ở VN như thế nào, ông Phạm Công Thiện hay ông Trần Xuân Kiêm (cả hai đều còn sống nhé, một ở Mỹ đã hoàn tục một ở VN chuyên giảng về kinh tế) có hiểu Nietzsche đúng không etc.

    Tôi luôn coi trọng việc nhà nghiên cứu đời này liên hệ mật thiết với các nhà nghiên cứu đời xưa. Cái kích thước lịch sử (dimension historique) này mới làm nên ý nghĩa (sens?) cho nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học xã hội, nếu không thì khó make sense lắm ạ.

    ReplyDelete
  56. tôi nhớ cách đây nhiều năm một người bạn kể cho tôi về một vị sư Việt Nam cả đời dịch kinh Phật, tổng cộng dịch khoảng 200.000 trang kinh (chỉ riêng về số lượng đã gấp 10 lần sự nghiệp dịch thuật của the great Cao Xuân Hạo), những nỗ lực như vậy, và là nỗ lực cá nhân, cũng chính là các force tạo nên sens

    chết thật, càng ngày mình càng mê nói như Deleuze :d

    ReplyDelete
  57. đang tiện miệng nói thêm:

    tôi thấy trong ngành nghiên cứu KHXH ở VN có một khuynh hướng rất dở, là cứ nhân vật nào oách là được gọi là triết gia, và cứ phải là triết gia thì mới là oách, một cái tâm lý tôi cho là xuất phát sâu xa từ chuyện VN không hề có một nền triết học theo kiểu Tây phương, một complexe d'infériorité trầm trọng

    tôi hoàn toàn hiểu triết học là quan trọng như thế nào, hay ho như thế nào, khó như thế nào, nhưng mỗi lần thấy các nhà nghiên cứu kỳ cựu mắt nhìn xa vắng miệng lẩm bẩm những Kant những Hegel những Heidegger và coi toàn bộ những cái khác là rác, là tôi lại thấy bực bội trong lòng

    bực lắm í (câu này tôi thuổng của một bác, không tiện nói tên ở đây :d)

    ReplyDelete
  58. Qua tranh luận của các bác về việc dịch thuật triết học, cụ thể là qua bản dịch "Nietzsche và Triết học" của chị Từ Huy, cũng như qua quá trình theo dõi tình hình dịch thuật trong lĩnh vực khoa học xã hội nói chung và triết học nói riêng, tôi thấy việc LỰA CHỌN SÁCH ĐỂ DỊCH quả là một vấn đề cần suy ngẫm. Có vẻ như việc chọn sách dịch chủ yếu được căn cứ trên sở thích cá nhân của người dịch, chứ không căn cứ vào mặt bằng trình độ phát triển ở Việt Nam. Để hiểu được "Nietzsche và Triết học" của chị Từ Huy, có lẽ bạn đọc Việt Nam phải mất đến ... 20 năm nữa. Có lẽ điều cần thiết là bây giờ ta (chủ yếu là các bác đang tranh luận ở đây, những dịch giả trẻ tài năng, đều cho thấy là có một trình độ chuyên sâu khó sánh cả, cá nhân tôi rất ngưỡng mộ và khâm phục năng lực của các bác) nên chọn dịch những cuốn sách nào có tính nền tảng hơn, cơ sở hơn để mang lại cho ban đọc những tri thức nền cần thiết để có thể 20 năm nữa hiểu được ... "Nietzsche và Triết học".
    Lời quê chắp nhặt đôi lời. Có gì không phải mong các bác xá cho.

    ReplyDelete
  59. @ Rem: Tôi không có ý làm khó dễ đâu. Trường hợp tôi, đến với Nietzsche đã lâu, quên bẵng một thời gian vì công ăn việc làm, rồi một hôm va vào Deleuze với chính quyển này. Đọc một lần, phải đọc lại Nietzsche (nhiều quyển) và đọc thêm về Deleuze (vài quyển), sau đó quay lại thì thấm hơn, nhưng ngộ thêm một điều: Deleuze-Nietzsche không nhất thiết là Nietzsche.

    @ NL: "Nietzsche ở Việt Nam thì như thế nào? Nếu là tôi thì khi viết introduction cho bản dịch của Từ Huy, tôi sẽ nói điều đó, ít nhất là dành một phần của introduction." Vâng, nếu được những điều như thế thì quý ḷắm: chúng làm phong phú cái background cho mọi người.

    @ NL: v/v "bực lắm í": đồng í. :)) [NSC]

    ReplyDelete
  60. @ Bác ano gần nhất: Vâng, có lẽ điều tôi nói cũng tương tự như bác đấy. Mình vui nhộn quá ("gay" đấy bác Rem), không khéo lại thiếu trình tự. [NSC]

    ReplyDelete
  61. cách đây vài năm đã có một cuộc tranh luận trên báo chí về việc dịch cái gì, xu hướng thắng thế là dịch những cái gì introduction, background, encyclopedia etc., xu hướng yếu hơn nhưng cũng intransigeant là cả hai việc, introduction và chuyên sâu, cần được làm cùng một lúc

    cá nhân tôi không tham gia cuộc tranh luận ấy (thực chất chỉ có tổng cộng hai bài, chắc các bác cũng không để ý đâu, với đại diện của hai bên là Trịnh Lữ và Phan An), nhưng tôi tự xếp tôi vào khuynh hướng thứ hai

    ReplyDelete
  62. tôi phản đối xu hướng thứ nhất chính là vì xu hướng đó quá coi thường lịch sử nghiên cứu của Việt Nam, nó phong phú lắm chứ không thường đâu, có điều nó bị phủ một lớp đất bụi rất dày, không phải người nào cũng đủ khả năng khai quật

    ReplyDelete
  63. Tôi cảm thông với tiến trình song hành mà NL ủng hộ. Còn lịch sử nghiên cứu của Việt Nam, lại là một project lớn khác. Đồng thời, khả năng ngoại ngữ vững chãi rất cần thiết trong khi tiến trình ấy đang tiến hành (có thể chậm chạp), không chỉ cho người dịch, mà để người học có thể tham khảo trực tiếp sách nước ngoài. Không rõ "tình hình" ngoại ngữ thế nào, những vị như NL có nhiều không? [NSC]

    ReplyDelete
  64. Lời bác NL, về mặt "sens" thì chí phải, nhưng về mặt thực tiễn (practique) thì cần phải xem lại: không phải cứ dịch Introduction là đồng nghĩa với việc "coi thường lịch sử nghiên cứu của Việt Nam" đâu?
    Tôi đồng ý với bác NL là việc dịch nên tiến hành song song cả introduction lẫn chuyên sâu. Tuy nhiên, để tránh dây cà ra dây muống, ta chỉ nên bàn cụ thể trong lĩnh vực triết học thôi. Theo bác NL, với thực lực của lực lượng dịch hiện tại, ta có thể dịch những loại (hay serie) Introduction nào, còn "chuyên sâu" thì nên lịch những sách nào? Chứ tôi thấy danh mục sách cần dịch bên blog bác Rem thì ... eo ôi, khiếp quá! Trí tuệ đâu mà dịch cho nổi!
    [just call me: Loique]

    ReplyDelete
  65. @ NSC: Rem bắt chước bác NSC 'ưu tư xây dựng', nói năng đúng là văng mạng, đâu dám có ý nói bác NSC làm khó dễ.
    Về 'tình hình' Nietzsche, Rem có phần xin 'đồng cảm'. Nietzsche tuy đã được dịch một số nhưng chắc là chưa đầy đủ tác phẩm của Nietzsche,chưa có các sách 'căn bản', các sách bình giải và tiếp thu Nietzche ở Đức, Pháp, Anh-Mỹ, Nhật v.v. Chẳng hạn, một tác giả thời danh mà Rem cứ lấy làm tiếc là chưa có sách của ông về Nietzsche: Walter Kaufmann. 'Muốn học phải có sách' (lời của ông BVNS), chưa có sách thì chưa thể học (hổng kể những ai biết đọc ngoại ngữ), từ học đến hiểu là một bước dài, từ 'hiểu' đến 'dịch' được, dịch hay thì... chắc là phải nhảy (và thường là...phải liều).

    @ NL: than phiền bác NL khi liệt kê tên dịch giả, phải để cụ Trần Xuân Kiêm trước nhá... hehe...Rem vẫn hâm mộ cụ Trần luôn, nếu bầu dịch giả số một tiếng mình, chắc là Rem sẽ bầu cho cụ.
    Rất mong sắp tới chỗ bác NL làm thêm sách triết.

    ReplyDelete
  66. @ Tên riêng viết sai, lỗi rất nặng, nhưng qui về ban biên tập, không liên quan tới BVNS.
    BVNS chắc cũng cùng tuổi NQT, hoặc hơn hoặc kém chút đỉnh, thành thử tôi bỏ qua cái chuyện coi tôi là fan của NL
    NQT

    ReplyDelete
  67. @ Loique: Bác nhận xét đúng, hôm nọ mò mẫm thế nào lạc vào "động" của bác Rem, thấy danh sách thì... say thuốc lào!

    @ Rem: Walter Kaufmann có công lớn trong việc tiền phong giới thiệu Nietzsche một cách nghiêm túc vào Mỹ. Rành tiếng Đức và Anh (văn rất hay), lại chuyên môn về Triết với luận án tiến sĩ về Nietzsche, thế mà ông cũng đôi lần than thở là công trình dịch thuật quá đỗi nặng nề. Quyển "Nietzsche: Philosopher, Psychologist, Antichrist" của Kaufmann rất đáng đọc, paperback không đắt lắm. [NSC]

    ReplyDelete
  68. @ NSC: hí hí...Rem cũng khoái quyển Nietzsche: Philosopher, Psychologist, Anti-Christ của Kaufmann. Rem nghĩ đó là một quyển sách hiếm có, quyển sách có 'linh hồn', khi đọc ta phải đọc từ từ, chầm chậm vì đó là xương máu, là mồ hôi nước mắt của người viết chắc lọc cả đời. Đó là một quyển sách của 'tình yêu', chỉ có 'yêu' Nietzche mới làm được sách như vậy.
    Nhận xét của bác về công và văn của Kaufmann, Rem hoàn toàn đồng ý.

    ReplyDelete
  69. NL:Tranh thủ hỏi chị Từ Huy: chị có nghĩ đoạn BVNS liệt kê các triết gia ở lời giới thiệu là thỏa đáng không?

    Nếu xếp Philippe Sollers là triết gia, thì nhất thiết Robbe-Grillet phải là hai lần triết gia, em nghĩ thế.

    em không biết các bác nghĩ thế nào, nhưng em tra google thì thấy 2 trang không đầy đủ này:
    http://www.audioroots.com/musique/ecoute-de-nietzsche_1030.htm
    http://books.google.com.vn/books?id=I8ezcmUBqNkC&pg=PA217&lpg=PA217&dq=philippe+sollers,+philosopher&source=bl&ots=JyhUlpc1sk&sig=RRGKqtWfq4xC7O0HwJZxTWZKj1c&hl=vi&ei=YoTzS8WFJM2TkAWs9-3EDQ&sa=X&oi=book_result&ct=result&resnum=10&ved=0CDgQ6AEwCTge#v=onepage&q=philippe%20sollers%2C%20philosopher&f=false

    em thấy người ta gọi Philippe Sollers là triết gia đó chứ, và còn liệt cả ông vào nouveaux philosophes mà.

    ReplyDelete
  70. Walter Kaufmann từng được dịch một ít sách sang tiếng Việt (thời Sài Gòn) nhưng tôi nhớ là chưa bao giờ nhìn thấy quyển về Nietzsche của ông ấy.

    ReplyDelete
  71. thật ra về các nhân vật được BVNS liệt kê trong danh sách, tôi rất muốn hỏi những người từng đọc sách của họ, vì với kinh nghiệm đọc Sollers của tôi, từ tiểu thuyết, bài báo đến nghiên cứu lý thuyết (văn học), thậm chí hồi ký, thì xếp Sollers vào hàng triết gia là oan cho ông ấy

    gọi bà vợ ông ấy, Julia Kristeva, mà chị Từ Huy biết rõ, là triết gia, thì lại rất ok

    ReplyDelete
  72. Về chuyện Nhị Linh thắc mắc cái danh sách, hoặc ai đó chỉ ra được nguồn cho thấy sự liên hệ giữa thuật ngữ 'những triết gia mới' với cái danh sách (bất kể sách hay báo) hoặc đây là 'gợi mở sáng tạo' của học giả BVNS, cũng như thuật ngữ 'sau Sartre'.
    Nhân chuyện 'nhà nghiên cứu triết học chuyên nghiệp' có bạn ano nào ở trên bảo chưa đủ sức bao quát...tôi nghĩ chẳng ai điên lại đi bao quát cả một mớ hổ lốn như thế (mỗi thứ là một món ngon, trộn chung lại thì gọi là hổ lốn)trừ một số nhà 'chuyên nghiệp', đã tự nhận là không bao quát mà đề cập chuyên 'hệ hình' thì thật là...
    Chuyên REM nhắc đến thầy BVNS rất thú vị, chẳng có gì là thiếu tinh thần khoa học cả, chỉ thấy thầy có ý của thầy, trò có ý của trò, trao đổi trực tiếp, mấy bạn học bên chỗ thầy BVNS đã đặt tên web của mình là 'doxa' mà.
    vietvan2710

    ReplyDelete
  73. Dạ, thưa các anh hùng hảo hán, thực sự thì tôi rất khi khi lên mạng, vì cái "mạng" cá nhân của tôi nó èo ọt (tức là sức khoẻ và thời gian không cho phép). Có mấy điều "trần tình", để rồi nếu các vị hảo hán không thấy tôi xuất hiện nữa thì thông cảm cho tôi.
    Bản thân tôi có rất nhiều hạn chế, cộng thêm hạn chế của môi trường và thu nhập (điều này hơi cay đắng nhưng là thực tế, không nên né tránh làm gì. Lẽ ra thì nhà nước không nên để có cái hạn chế này. Chúng ta cùng mô hình (!!)với Trung Quốc, nhưng trong việc trả lương cho viên chức, đặc biệt là trả lương cho những viên chức được đào tạo cẩn thận, thì chúng ta là hình ảnh lộn ngược của TQ), nên tôi không có mộng bá chủ kiến thức, tức là không mong mình có thể tiến hành công việc một cách hệ thống như các bác đề xuất, không có tham vọng thông kim bác cổ. Tôi chỉ muốn làm những gì thực sự yêu thích, có thể chiếm lĩnh được, những việc có ý nghĩa cho cá nhân tôi, và biết đâu, những việc đó lại có thể có ý nghĩa cho một vài người cùng có mối tương giao nhất định. Sự lựa chọn của tôi là sự lựa chọn của cá nhân, khởi đi từ những điểm gặp gỡ giữa một chủ thể (của tôi) và những chủ thể - tác giả của những cuốn sách thu hút tôi. Tôi luôn nhớ mấy từ này của Bùi Văn Nam Sơn, khi kết thúc lời giới thiệu cho một cuốn sách do chính ông dịch: "đường xa, gánh nặng, trời chiều, bạn ít". Mấy chữ đó làm tôi muốn khóc. Có phải chăng vì tôi là phụ nữ?
    Tôi chỉ có thể tự chất lên mình những gánh nặng nếu như chúng thực sự đem lại cho tôi một ý nghĩa nào đó để lấp đầy cái cuộc hiện sinh vốn đã trống rỗng lại càng thêm vô nghĩa lý khi mà các giá trị đang dần dần biến mất trong một xã hội như cái xã hội hiện hành này.
    Theo quan niệm của riêng tôi, một sự phát triển mang tính chiến lược và hệ thống trong việc giới thiệu các tư tưởng quan trọng của nhân loại chỉ có thể được tiến hành khi có những chương trình mang tầm chiến lược.
    Đó là điều mà những người hàng xóm của chúng ta đã làm. Và nó góp phần tạo nên sức mạnh cho họ. Lẽ ra nhà nước nên mời BVNS xây dựng một chương trình như vậy,và mời những người như các bác tham gia thực hiện.
    Mong các bác hiểu cho những giới hạn của tôi. Và mong các bác ủng hộ tôi. Cũng như tôi sẽ ủng hộ các bác. Dù có mặt hay vắng mặt.
    Thân ái! Từ Huy

    ReplyDelete
  74. Theo thiển ý của mình, để đánh giá cái danh sách của BVNS thì trước tiên phải học cho ngang tầm với ông ấy cái đã.
    Đi đâu đó vài năm, học một vài thứ tiếng, đá ngang qua triết, khó có thể yên tâm mà bình luận này nọ.
    Sới vật có lẽ chỉ dành cho những người có nghề...

    ReplyDelete
  75. đúng là thiếu hiểu biết thì dễ xúc phạm người khác thật hehe

    trong danh sách của BVNS đó có những người là "ông thần văn chương" của tôi, hiểu biết cá nhân tôi về họ sợ là hơn rất nhiều so với những người ra vẻ ta đây khuyên bảo

    thầy giỏi sinh trò dở, cái đó thực sự tôi không còn lạ

    ReplyDelete
  76. chị TH ơi, tự ti thế làm gì, em nói thật đấy, cái gì mình thấy đúng thì mình làm, ai ủng hộ thì ủng hộ, ai không ủng hộ thì không ủng hộ, bàng quan luôn cũng được, lỗi tại họ chứ đâu phải tại mình, họ chịu thiệt chứ đâu phải mình

    "bạn ít" là chuyện đương nhiên rồi, nhưng với chị cũng như nhiều người khác, trời còn lâu mới chiều, mà nắng quái chiều hôm cũng có vẻ đẹp của nó chứ

    hoàng hôn của các thần tượng, haizz

    ReplyDelete
  77. gửi chung các bác là học trò của BVNS ở đây (tôi biết một số người có thực sự cắp cặp theo học BVNS):

    kính trọng thầy là điều nhất thiết, tôi cũng kính trọng BVNS thầy của các bạn một cách thuần khiết, ở nhiều khía cạnh tôi cũng coi BVNS là thầy tôi

    nhưng một môn đệ triết học chân chính là người luôn luôn tìm cách vượt thầy mình, phản bác thầy mình, câu chuyện Socrate-Platon các bác hẳn thuộc lòng

    theo tôi nhớ thì BVNS chưa từng bao giờ tỏ ra thiếu tôn trọng một ai

    một câu chuyện nữa rất có "sens" ở đây là câu chuyện Derrida-Foucault, các bác tìm hiểu đi, lấy luôn làm đề tài cho một bài luận triết học thì càng tốt

    ReplyDelete
    Replies
    1. “Dâu~ lìa ngó ý còn vương tơ lòng”
      - Không tên

      Delete
  78. Đến đây có lẽ cuộc vui đã tàn, tình lý cũng tan. Tôi thấy các bác đúng là:
    "tài năng thì thật tài năng,
    Có điều xách mé chẳng chừa một ai"
    Nghĩ cũng tội cho "đại thụ" (BVNS) khi thấy các "tiểu thụ" phải đấu với nhau tan tành thế này.
    - QSV

    ReplyDelete
  79. Đặt vấn đề (problematizing), thường với một câu hỏi, là khởi đầu của nỗ lực tìm hiểu chân thật. Phải chăng đó chính là triết học? Trong môi trường cởi mở và cầu tiến, đặt câu hỏi - nhất là những câu hỏi độc đáo - bao hàm lòng quý trọng. Quý trọng không có nghĩa là tôn thờ thần tượng, là mặc áo thụng vái nhau. Bộ môn triết học còn tiếp diễn, các triết gia và học giả còn bận rộn, là vì nhu cầu đặt (lại) vấn đề vẫn tồn tại.

    Toàn bộ công trình của Nietzsche là xét lại, xuyên suốt lịch sử từ tiền Platon đi xuống... Heidegger cũng không e ấp tự ti nấp bóng Husserl, khư khư chấp giữ lời giảng của thầy mình, chình là vì sứ mạng triết học... Mà triết cũng là thơ, là văn, là sử, là điên, là tỉnh, là thống trị, là phản kháng, là đạo đức, là tội ác, là sự sống, là cái chết... Triết là Con Người: triết không có thần tượng. [NSC]

    ReplyDelete
  80. bác hớ lời rồi...
    mình không phải học trò "cắp sách" của BVNS đâu...
    chỉ vì mình hiểu bác khá rõ ở ngoài đời thôi...
    mà làm sao bác kết luận được một ai đó trong mấy comment này là học trò của BVNS.
    làm như chỉ có BVNS là biết về triết và có học trò triết hổng bằng...
    hi hi...

    ReplyDelete
  81. Thưa các anh chị, các bạn,

    Xin giới thiệu tôi là Hồ Thị Hòa (Biên tập viên NXB Tri thức). Trước hết là có lời cảm ơn anh Nhị Linh đã giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc. Các lỗi typo mà anh chỉ rất xác đáng, cảm ơn anh, chúng tôi sẽ có đính chính sớm. Đúng là : "Đã không chết biển chết hồ / Lại đi chết đuối lơ ngơ ao tù". Nói đùa cho vui, chứ công việc biên tập thì phải để không còn sót một lỗi nào mới được. Tôi luôn nể phục anh Nhị Linh về sự cẩn trọng này.

    Nhân đây cũng nhờ anh Nhị Linh cho tôi có mấy lời gửi tới các anh chị đã tranh luận ở đây. Sự quan tâm của các anh chị tới một đề tài khó khăn như thế này khiến cho tôi và các bạn trong Ban Biên tập rất lấy làm vui mừng. Tôi tin là các anh chị đa số là còn trẻ và cảm giác ấy khiến cho những người làm sách kinh điển như chúng tôi cảm thấy có bầu bạn. Có thể có người đã cộng tác với Tri thức nói riêng hoặc đã tham gia dịch sách kinh điển, dẫn nhập nói chung, có thể có người có quan tâm và có nhiều khả năng dịch nhưng chưa bao giờ dịch sách. Chúng tôi hi vọng một ngày gần nhất được biết đến anh chị trong các bản dịch mới. Tôi cũng hi vọng đến một lúc nào đó, có nhiều NXB của Nhà nước hoặc các công ty sách phát triển dòng sách kinh điển này một cách bền vững, có những người giỏi giang tham gia vào công việc dịch, hiệu đính, biên tập. Có cạnh tranh, mọi việc mới tiến bộ thêm lên.

    Có một ý mà tôi muốn trao đổi thêm với anh Nhị Linh. Có thể những người lập nên dự án Tinh hoa ban đầu ít nhiều ảo tưởng về lượng sách có thể dịch. Tuy nhiên, chúng tôi lại thấy họ rất thực tế ở chỗ nhận thức được có một thế hệ trí thức (uyên bác trong chuyên môn, ngoại ngữ giỏi,tiếng Việt giỏi, tâm huyết) đang dần già đi và cần thiết có những thế hệ khác tiếp nối. Anh Nhị Linh đã biên tập sách cho Tủ sách này, anh biết thiếu thế nào rồi. Tủ sách Tinh hoa Kinh điển hiện có hai dịch giả trẻ tuổi nhất là anh Lê Tuấn Huy và chị Từ Huy. Vậy nên, anh Nhị Linh đã bảo chúng tôi "to mồm", thì chúng tôi cũng sẽ "chứng nào tật ấy", tiếp tục to mồm kêu gọi, cho đến lúc... hết hơi thì thôi, hết người muốn dịch sách kinh điển thì thôi. :) (Mà anh Nhị Linh có muốn chạy nữa, thì cũng xin phép anh trước là đích thân tôi sẽ cố tình nắm vạt áo anh mà kéo lại, anh nhé. :))

    Nhân đây, xin kể tới một chuyện ngoại đề. Trong ba cuốn sách đầu tiên của NXB, cùng với "Những cuộc đời song hành" của anh Nhị Linh, còn có "Bàn về tự do" của J.S.Mill do dịch giả Nguyễn Văn Trọng dịch. Bác dịch giả lúc tuổi đôi mươi, khi hãy còn là chàng sinh viên chuyên ngành Vật lý ở Nga, đã mơ ước một ngày có thể dịch được một tác phẩm kinh điển của Mill. Bạn của bác (giờ là Tổng Biên tập NXB Tri thức) bảo bác: "Ông dịch đi, tôi hứa sau này nếu thành lập được NXB, cuốn đầu tiên sẽ là cuốn sách của ông." Sau gần 50 năm, ước mơ cùng lời hứa hẹn đó mới trở thành hiện thực. Chuyện ngoại đề, nhưng cũng để nói Dự án Tủ sách Tinh hoa được thành lập xuất phát từ những đồng cảm nho nhỏ như vậy thôi, chứ không phải to tát gì. Cho nên, chị Từ Huy có ưu tư, xin hãy vững tin rằng "đường xa, gánh nặng, trời chiều và... bạn hãy còn nhiều", chị nhé!:x

    Tôi xin dừng lời ở đây. Chúc các anh chị và các bạn luôn vui tươi thanh thản và thành công trong những dự án riêng và chung!

    Thân ái,

    Hồ Thị Hòa

    ReplyDelete
  82. hì, Hòa ơi, tớ không nói các bạn "to mồm", tớ nói người đề ra chương trình 500 rồi chưa bao giờ có một đóng góp cụ thể nào cơ, người đó là ai thì Hòa biết rõ rồi tớ cũng không nói tên ra nữa

    biên tập viên mà cứng tay, tận tình với bản thảo, lại dịu dàng thân ái với cộng tác viên, thì phải là bạn Hòa chứ không phải tớ :d

    ReplyDelete
  83. Sao tôi ngờ câu chuyện về dịch giả Nguyễn Văn Trọng lắm. Bởi vì tôi nhớ mang máng rằng ở đâu đó dịch giả Nguyễn Văn Trọng có nói rằng Liên Xô đã không dịch quyển "Bàn về tự do" (thực ra là có bản dịch tiếng Nga quyển này). Vậy làm sao dịch giả Nguyễn Văn Trọng có sách của Mill để mà đọc để mà mơ ước dịch? Cũng đúng là môn triết học (triết học Mác-Lê) mà sinh viên các khoa tự nhiên như vật lý ở Liên Xô bắt buộc phải học có nhắc với Mill và quyển "Bàn về tự do", nhưng chỉ có vài câu trích dẫn và cũng rất khó hình dung là từ vài câu trích dẫn đã tạo ra mơ ước dịch cả quyển sách.

    ReplyDelete
  84. gửi bác ano ngay ở trên:

    vì lý do gì mà bác biết tôi không biết ai với ai trong những người comment ở đây? và vì lý do gì mà bác lại nghĩ tôi chỉ nói với bác những điều tôi nói hôm qua?

    hay chính bác mới hớ nhỉ, uhm... bác nói thế tức là bác quen biết tôi ở ngoài đời đúng không? thế mà bác không dám nói thẳng với tôi, cũng không dám để tên thật khi nói với tôi những điều ấy?

    tôi không nghĩ là mình lại quen biết ai có tư cách tệ thế, suy nghĩ lại thiếu mạch lạc thế đâu nhé

    tôi cứ nghĩ xung quanh tôi toàn những con người hay ho, giỏi giang, mà tôi học hỏi được rất nhiều, cơ đấy nhé

    dĩ nhiên tôi biết tôi luôn luôn quá mức optimiste và candide (đó chính là lý do khiến tôi nhận lời viết introduction cho bản dịch quyển "Candide" của Tế Xuyên, bản dịch được BVNS recommend; đó cũng chính là project duy nhất xuôi chèo mát mái trong tất cả các project tôi từng cộng tác với NXB Tri Thức; tuy rằng đã xảy ra rất nhiều cãi cọ, giận dỗi, tức tối, nhưng tôi vẫn sẽ cộng tác nếu được nhờ vả)

    hóa ra là không phải như tôi nghĩ à

    hay nhỉ

    ReplyDelete
  85. À, nhân tiện: các bạn Tri Thức nhờ tớ hiệu đính một lần nữa "Nhiệt đới buồn" đi. Bản dịch đã in có lỗi ngay từ trang đầu tiên, và hầu như trang nào sau đấy cũng đều có lỗi.

    Đây là một trong những quyển tớ thích nhất, các bạn cũng biết, thấy số phận bi đát của nó rầu lòng lắm.

    ReplyDelete
  86. @NL: hiệu đính một lần nữa "Nhiệt đới buồn" đi. Bản dịch đã in có lỗi ngay từ trang đầu tiên, và hầu như trang nào sau đấy cũng đều có lỗi.

    Quả thật, bản dịch này nhiều lỗi quá. Phần "văn chương" của bản dịch thì tôi không có tư cách để bàn, còn phần "lý luận" thì đúng là cần phải biên tập lại: không những lỗi về diễn đạt (câu văn thì tối mù), mà còn lỗi về kiến thức chuyên môn: các thuật ngữ quan trọng đều dịch hỏng cả.

    Nxb. Tri Thức nên tổ chức biên tập lại đi. Có bác NL biên tập họa chăng bản dịch sẽ trở nên sáng sủa và chất lượng hơn chăng? Rất mong bác ra tay cứu bản dịch để anh em viết bài ngâm kíu đỡ phải mất công lọ mọ lại nguyên bản.

    ReplyDelete
  87. hik
    Các thầy khuyên nên đọc cuốn này, các sư huynh bảo nó không ổn, toàn là khái niệm nhân loại học ... chi chi... đó không hà. Tiểu đệ biết trông cậy vào đâu... hu hu...

    ReplyDelete
  88. NL: các bạn Tri Thức nhờ tớ hiệu đính một lần nữa "Nhiệt đới buồn" đi. Bản dịch đã in có lỗi ngay từ trang đầu tiên, và hầu như trang nào sau đấy cũng đều có lỗi.
    Trời!
    Trong cai entry gây tranh cãi này, ngoài mấy cái lỗi typo chứng tỏ bác Nhị Linh là một biên tập viên lành nghề ra, còn lại mấy cái liên quan đến nội dung mà bác cho là 'lỗi', xem ra như mọi người cho thấy, lại không phải là lỗi.
    Bác mà hiệu đính NĐB có khi lại khiến cho cả người hiệu đính và người dịch mất thời gian và biên tập của tri thức sẽ khó xử vì không biết phân định ra sao mất, hehe :D
    Có điều này tui thấy hơi lạ: trong số các bác chỉ có một người có nghiên cứu và côgn bố nghiên cứu của mình về nietzsche và deleuze, đó là bác TH, người dịch cuốn sách. Qua nhung trích dẫn trong cuốn chuyên luận cuẩ bả cho thấy bả đọc nhiều tác phẩm của N và cả nghiên cứu về N, đồgn thời, còn vận dụng các luận điểm của D trong Repetition et Difference, là một trogn những cuốn nhức xương của D. Chuyên luận này vốn là luận án được hội đồng các giáo sư Pháp đánh giá tốt, nên chắc là các ứng dụng của bác í đều là chấp nhận được và chứng tỏ bác í không hiểu sai D và N. Thế nhưng hông thấy bác TH nói gì về các điểm được đưa ra bàn luận ở đây, mà lại nói về các hạn chế cũng như khả năg phạm phải sai lầm của mình. Khó hiểu. Trong khi các bác khác, chưa thấy có công bố nào chứng tỏ đã nghiên cứu nghiêm túc hai vị này, lại rất chắc chắn về các nhận xét của mình. Cũng khó hiểu. Tiểu đệ cũng kô biết trông cậy vào đâu, hu hu...

    ReplyDelete
  89. thế thì tại sao lại phải trông cậy vào đâu hehe

    mà bác cũng kiểu đọc mà không có được đánh giá riêng của mình, thành thử phải đi trông cậy là đúng quá rồi

    ReplyDelete
  90. bác gì ở trên nói đúng đấy, hết tình lý rồi :)

    giờ bác nào cứ nói chuyện lung tung là tôi delete cho nó rảnh nợ, đỡ mệt người

    có mấy cái point tôi đưa ra chẳng ai phản bác nổi mà cứ thích dạy dỗ nhận xét vớ vỉn, học triết gì mà kỳ cục thế

    ReplyDelete
  91. @ Anonymous gần nhất: "bác TH ... nói về các hạn chế cũng như khả năg phạm phải sai lầm của mình [...]Trong khi các bác khác, chưa thấy có công bố nào chứng tỏ đã nghiên cứu nghiêm túc hai vị này, lại rất chắc chắn về các nhận xét của mình."

    Cho nên chị Từ Huy mới nhảy vào chắp tay bái lạy "các anh hùng hảo hán" để ... tấm thân bồ liễu được yên. hihi

    Có lẽ đã đến lúc bác NL nên kết thúc chương trình tranh luận này được rồi, chứ không khéo đâm ra chửi bới nhau mất. Chúc các bác vui khỏe và cống hiến tài năng vào các bản dịch trong tương lai hơn nữa.
    -QSV

    ReplyDelete
  92. vâng, cám ơn bác QSV, tôi sẽ xóa bất kỳ comment lung tung ý kiến ý cò nhức đầu

    ReplyDelete
  93. Ơ! Cái comment vừa rồi cũng có lung tung hơn những comment khác đâu! Sao người này đòi trông cậy thì được, mà người kia thì không, he he..
    Thôi, em chạy đây, không bác NL đi-lét một cái thì không còn cả đầu mà nhức nữa :D
    Hôm nay nóng quá các bác ạ, có chỗ nào mát chỉ cho em biết với

    ReplyDelete
  94. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete
  95. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete
  96. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete
  97. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete
  98. mới phát hiện ra là ngồi xóa comment cũng vui :d

    ReplyDelete
  99. à quên mất chưa nói với các bác nhỉ, cái nghề của tôi ấy mà, vì lúc nào cũng phải chăm chú lòi cả mắt với chi tiết nhỏ li ti nên cũng rèn luyện được một kỹ năng là nhận ra ai với ai chỉ căn cứ vào một vết tích, một cái tật nào đó rất rất nhỏ

    nhất là những bác từng viết e-mail cho tôi thì khả năng tôi nhận ra ai là ai cực kỳ cao hì hì

    ReplyDelete
  100. tất nhiên nói thế thôi chứ tôi cũng chẳng làm gì, với tôi biết về một con người quan trọng hơn là làm một cái gì

    (ăn gian tí, cho nó được 100 cái comment hehe)

    ReplyDelete
  101. Hì hì, cách ứng xử của bác giống cái Đảng và nhà nườc này quá, thế mà tui cứ tưởng bác cũng hơi dân chủ. Nhầm, hic. Xóa nốt còm này bác nhé, híc.

    ReplyDelete
  102. Hóa ra dân mình ham tán chuyện về triết thế. Khéo số người đọc cuốn sách chị Từ Huy dịch còn ít hơn số comment ở cái topic bàn về nó ở đây.
    Góp thêm 1 cái nào.

    ReplyDelete
  103. chốc đà bảy năm
    hỏi ai người nhớ tới
    râu NL đã dài ra
    tóc BVNS thêm bạc
    Từ Huy đâu mất tiêu rồi
    mà cá Hồ Tây chết mấy lượt
    mặc nietzsche
    với lỗi typo
    ngồi đây hóng gió
    comment
    cho một trăm lẻ tư

    ReplyDelete
    Replies
    1. bác ano làm thơ là bác HB ạ? :p
      (nếu sai, sorry bác nhiều)

      Delete