cám ơn tác giả, em Nhã Thuyên, đã đồng ý cho post bài này lên đây
------------------
Tôi vẫn nghĩ rằng, mỗi người đọc được quyền tìm đến những tác giả thích đáng nhất với họ. Bản thân sự lựa chọn này, dù tình yêu luôn hàm chứa nguy cơ bội phản, luôn ngầm xác lập quan hệ khăng khít giữa người đọc với tác phẩm và tác giả của nó. Chính bạn -người đọc - khi chọn một cuốn sách, một tác giả phải tự đối diện với những câu hỏi này: Vì sao ta muốn biết hay bị hấp dẫn bởi nhà văn này mà không phải nhà văn khác? Vì sao ta tìm đến họ? Ta chờ đợi gì? Điều gì đáng kể nhất - ở tư cách nhà văn của họ - tác động đến ta? Liệu có kích thích nào, cơn bùng phát nào, sức nổ nào sẽ xảy đến trong tâm hồn ta, chứ không phải lời tán dương hoặc mạt sát của báo chí, truyền thông hay các nhà phê bình thời danh?
Khi tôi nhận lời chia sẻ vài ấn tượng mỏng mảnh của tôi về Linda Lê, tôi lập tức thấy mình đã tự đẩy mình trước một hố sâu. Thật liều lĩnh, vì bản thân tôi không đọc cô bằng tiếng Pháp, dù may mắn là, những bản dịch với tôi thật xác đáng đến nỗi tôi không có cảm giác đọc văn dịch. Hơn thế, tôi có thể nói gì về một nhà văn mà tôi đã tự cảnh giác: câu chữ thôi miên này là phép thuật kì diệu hay là trò ngụy ngôn tà đạo? Trong nhiều trường hợp, phép thuật và trò tà ma có cùng vẻ bề ngoài. Với Linda Lê - vì mối cuồng nhiệt như bất ngờ xảy đến với bạn đọc Việt Nam thời gian vừa qua, mối cuồng nhiệt như thể đến từ một dấu hiệu kích động nào đó, mà trước đó, hình như không có nền tảng - tôi muốn tạm bỏ qua lí lịch đè trĩu câu chữ cô, để tránh bị hấp dẫn lầm một nhà văn đã xuất xứ từ đất Việt. Tôi muốn tạm quên những từ khóa mê muội chúng ta bằng vẻ xa lạ bí hiểm: lưu vong, cái chết, sự viết, đam mê, điên rồ, kẻ phản bội, v.v…
Tùy từng trạng huống, thậm chí phải tính đến cả những yếu tố tưởng rất bề ngoài như sức khỏe, tâm lý… người đọc sẽ dễ đón tiếp nhà văn này hơn nhà văn khác, kiểu phong cách này hơn là phong cách khác. Có khi tôi chỉ yêu được và chỉ tìm đến thứ văn chương thanh thoát hơn, nhẹ nhõm hơn, “cuộc đời” hơn, thôi thúc ta lên đường cùng các nhân vật trên chuyến xe bão táp, gặp kẻ ngáng trở gian hùng và phiêu lưu trong những chuyện tình bi kịch mà quyến rũ. Nhưng tôi cũng yêu sự điên dại, những hành trình đậm đặc bóng tối, những nhân vật quái dị, tự dốc vào miệng thuốc độc, nỗi cay đắng, tự đẩy mình kẹp chặt giữa hai bức tường chật chội để dằn vặt về sự bội lãng, chối bỏ, cắt lìa và dính thân xác mình lên bức tường đó. Như một người đọc, tôi bị chinh phục.
Dù mỗi cá nhân chúng ta ban đầu tồn tại như một dị biệt, nhưng thói quen nô lệ mài nhẵn những gồ ghề khúc khuỷu trên thân thể và trong tâm hồn, trong suy nghĩ của chúng ta, cuối cùng, chúng ta lại nhìn sự dị biệt - vốn nằm ngay trong bản thân mình - thành một của hiếm, một sự xa lạ nguy hiểm. Trong thế giới văn chương, nơi ngôn từ là chủ soái, không phải ai - dù là kẻ tạo tác ra tác phẩm hay người được thừa hưởng sự tạo tác đó - cũng dám đối diện với sự dị biệt và biến được nó thành sức mạnh.
Không nỗ lực kể một câu chuyện bôi trơn dây thần kinh hay thỏa mãn chút hiếu kì thường nhật ăn mòn thời gian của người đọc, thế giới của Linda Lê toàn thử thách. Ở đây, vì không dễ dàng để nói thấu đáo về các tiểu thuyết của cô mà tôi đã đọc là Vu khống (bản dịch của Nguyễn Khánh Long, nxb Văn học và Nhã Nam, 2009) và Tiếng nói (Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường, nxb Văn, 2005), tôi chỉ muốn lẩy ra vài truyện trong Lại chơi với lửa (NXB Văn học & Nhã Nam, 2010). Trạng thái kịch tính trong văn Linda Lê không đến từ những sự kiện bên ngoài, cũng không đơn thuần là sự căng thẳng nội tâm nhân vật, mà là sự căng thẳng của câu chữ đối nghịch bất tận. “Người khách” là một ví dụ. Một nhà văn lưu vong, hiện diện như kẻ đã được giải phóng khỏi chế độ độc tài, làm người viết ở xứ sở tự do, bị dựng dậy bởi người khách lạ - là nhân vật thoát thai từ đám từ ngữ của chính y. “Tôi tỉnh giấc. Bản thảo vẫn đấy, nguyên vẹn. Nhưng mó vào tôi tưởng như nóng bỏng, tựa hồ bên trong là một thân xác đang cơn sốt. Tôi không dám mở ra, e mình bùng cháy do một ngọn lửa chẳng phải do mình đốt lên. Thiên hạ hẳn sẽ cho là tôi điên, nhưng không có gì khiến tôi gạt được ý nghĩ xấp giấy vô tội kia không hàm chứa một bóng người” (tr. 39). Người khách đẩy nhà văn đến giá sách, nơi cư ngụ (hiện diện bằng tập truyện ngắn) của một nhà văn ở cố quốc, “một nhà văn kém may mắn hơn” “không những phải vật lộn với lũ quỷ của riêng mình mà còn phải tranh đấu để tiếp tục được cầm bút”. Từ đây, dưới câu chữ của tác phẩm là những đối thoại giằng xé về sự giải phóng và xiềng xích, là cuộc chạm trán giữa kẻ tự do và cái bóng ma của kẻ bị truy bức, mà y cảm thấy y phải nộp thuế cho sự tự do này bằng những dằn vặt không ngớt. Ở đây, cũng như trong “Trát đòi”, “Nói với tôi đi”… gốc tích xứ sở và lí lịch của Linda Lê là sợi dây siết cổ, là móc sắt cắm vào thân thể của chữ nghĩa - chữ nghĩa mang thân thể nóng bỏng. Cái kết thúc có thể gây cảm giác hơi cường điệu “Lửa thiêu rụi bản thảo. Tôi ôm siết trái tim rừng rực ấy” là một cách cứu vãn, một sự giải thoát. Trong sự chối bỏ quyết liệt, trong mưu toan quên lãng luôn đồng thời phải nhớ lại, phải day dứt về những phản bội, phải khắc ghi món nợ đeo đẳng như xác chết mà Linda Lê thường nhắc tới. Cái cảm giác về “tự truyện”, hay cảm giác khác, “sự ăn mình” khi đọc Linda Lê là có thể hiểu được. Tuy nhiên, giữa hư cấu và ứng xử thực tế có khoảng cách lớn: đừng dễ dàng tin những lời bề ngoài về việc Linda Lê không còn biết Tiếng Việt hay không lựa chọn Tiếng Việt để suy xét ứng xử của nhà văn. Thậm chí, sự chối bỏ quyết liệt có thể là một điều kiện của sáng tạo. Quá khứ, gốc tích, định kiến, sự trói buộc, tất cả - mọi xiềng xích theo nghĩa rộng nhất - cần được thiêu rụi.
Để đến được sự giải thoát, mỗi cá nhân phải sẵn sàng đầm mình trong điên cuồng, trong cuộc chiến đấu đau đớn chống lại mọi thói quen ù lì, dễ dãi, dù ngay khi nỗ lực phóng mình ra khỏi những xiềng xích, chúng ta vẫn không thể thoát khỏi bóng ma của nó, những vết trói còn hằn trên da thịt chúng ta. Nhân vật của Linda Lê, cũng như chính người đọc khi tham gia vào thế giới của cô, bị đẩy đến chỗ phải tự lập phiên tòa của mình, và phải nổi loạn. Như ngọn lửa, nổi loạn là một phẩm tính của văn chương. Vì nó giải phóng con người. Vì nó cứu vãn sự quên lãng. Vì nó sẵn sàng thiêu rụi hư danh phù phiếm nhẹ bẫng của tác phẩm để đốt cháy trái tim.
Vì thế, là quái đản hay gần gũi những bí mật bật ra từ các tử thi trong văn Linda Lê, xác chết của kẻ tử vì đạo, kẻ hiến mình, dù có thể chỉ hiến sinh cho chính cuộc thám hiểm rối loạn vào nội tâm. Một từ “sách” có thể “thình lình, tách khỏi trang giấy, nhảy vọt lên, cắn vào cổ người đọc”. Con Ruồi - kẻ sống bằng thối rữa - có thể đến hôn lên nỗi tổn thương, trở thành Nàng Thơ mới, và giống như nó, tôi - thi sĩ “sẽ sống bằng thối rữa của đời này, sẽ gieo khắp nơi mầm ô nhục” (tr. 9). Người thi sĩ, như Rimbaud đi trong mùa địa ngục, như Baudelaire lặn ngụp trong cái ác, cái chán chường, khi mất Nàng Thơ Đẹp, thì cái Thối Rữa, cái U Ám có thể trở thành một thứ bùa ngải, một bí mật, một vưu vật. Mặc dù sự nuông chiều cảm hứng lại tiếp tục đẩy thi sĩ vào nghịch cảnh mới: bầy ruồi nổi loạn và cuối cùng, thi sĩ đã thành vật hiến tế cho một thứ Phản Đạo được lưu truyền qua cuốn Kinh Bất Kính đầy ngập ruồi.
Cũng như những cơn ác mộng, những câu chuyện từ thế giới Linda Lê hầu như rất khó để kể lại, chúng tuột khỏi trí nhớ tôi, và tôi, vừa nhẹ nhõm hơn, vừa nuối tiếc không dứt về cái bí mật quyến rũ khó cưỡng của đêm khuya. Linda Lê xóa khoảng cách của cơn mộng và thực tại, bằng cách đưa thẳng người đọc nhập vào thế giới ấy với ngôn từ nóng bỏng, liên tưởng siêu thực bất ngờ mà xác đáng. Những hư cấu, ngụ ngôn và ẩn dụ, cùng sự đa nghĩa trùng phức cũng sinh ra bất tận từ những va chạm của từ ngữ hút chặt nhau bởi sự trái dấu và nhịp điệu cuộn xiết mà không có vẻ sắp xếp giả tạo hay cố ý làm dáng. Nhịp điệu ấy truyền cho ta sự phấn khích của hành trình viết và đọc, một hành trình bị đẩy tới hố thẳm đồng thời kích thích sự tự thách thức vượt qua giới hạn. Giấc mơ là một cách vượt qua giới hạn của thường nhật, và càng nằm mơ, bạn càng có nguy cơ mê mải với những giấc mơ của chính mình.
Những hoảng loạn, sự quái đản, những bí mật gây choáng váng, sợ hãi (nhất là những bí mật làm choáng váng bị ghìm nén đến những chữ cuối cùng như trong truyện “Sợi tóc”)… có thể cũng chính là sức mạnh của ngôn từ Linda Lê. Thuộc vào những nhà văn dị biệt, đọc Linda Lê không dễ có niềm vui. Ngôn từ của cô, nếu bị cuốn theo, sẽ đẩy ta vào tình trạng giam hãm không lối thoát, phải đối diện với cái tôi kì dị nằm sâu trong mình. Những trang viết của Linda Lê thực chất có thể coi như cuộc độc thoại kéo dài. Tuy nhiên, chính ở việc tự hành xác trong chuỗi độc thoại đó, người ta có thể tìm được sự giải thoát: Hoặc là viết, hoặc là đọc, dù cả hai đều có nguy cơ phải đổi bằng cái chết thân xác.
Chính ở đây, tôi muốn lưu tâm hơn đến một kiểu nhân vật trong tác phẩm của cô: kiểu nhân vật-người đọc. Kiểu nhân vật này xuất hiện ấn tượng trong Vu khống như kẻ sùng bái sách vở, kẻ thấy phép màu hiện ra khi phát hiện “dấu hiệu” từ trang sách, kẻ đắm tàu “thấy một bàn tay nơi chân trời, một bàn tay cử động trên mặt nước, một bàn tay sống”, “một bàn tay ra hiệu cho tôi và bảo tôi ít ra chúng tôi cũng là hai người đắm tàu trong biển cả cô đơn này”. (Vu khống, tr. 158). Những trang viết chìm đắm thường đem lại nỗi tuyệt vọng, trong chính thế giới của sách, đồng thời cũng đem lại hi vọng giải thoát, hay ngược lại, cảm giác hi vọng về sự giải thoát từ thế giới sách đồng thời đem lại nỗi tuyệt vọng. Cho nên, nhân vật trong “Vết cắn” cuối cùng phải trả giá, hay được đón nhận cái chết, vì một từ “sách”. Lebon trong “Ngày Bonel gặp người viết điếu văn khóc mình”, một tác phẩm như soi lại cuộc đời và tác phẩm của L. Borges, cũng phải trả giá bằng cái chết thân xác cho sự đọc. Và, nhìn rộng hơn, thế giới của Linda Lê, như nhiều nhà văn quan trọng trên thế giới, đã không chỉ cho chúng ta thấy tư cách một nhà văn đáng kể, mà còn là, và luôn là một người đọc đáng kể.
Tôi có được gì từ Linda Lê? Tôi không thích dùng từ Ngưỡng Mộ hay Cảm Phục. Những từ đó với tôi có phần xa lạ lẫn phù du. Tôi không phải fan của một ngôi sao ca nhạc. Với môt nhà văn mà toàn bộ sự quyến rũ cũng như số phận của họ dường nằm trong chữ nghĩa, ta buộc phải đọc đi đọc lại nhiều lần và sẵn sàng cùng tác giả truy đuổi nội tâm riết róng của chính mình. Những nhà văn chọn con đường hẹp và khó để đi thường là những kẻ có khả năng dò dẫm ra những điều bí mật tận đáy sâu. Nhưng điều rõ ràng, bất cứ người viết nào cũng có thể tìm kiếm con đường của riêng mình, nỗ lực vượt qua những biên giới địa lý và sự xa lạ, tái tạo căn cước trong ngôn ngữ. Ngôn ngữ có thể giữ ta lại trên những miệng vực. Nó cứu sống và cũng có thể bất ngờ đẩy ta vào cõi chết đậm đặc bóng tối.
Tôi không tự xếp mình là “người đọc của Linda Lê”, tôi chỉ muốn nói về người đọc Linda Lê như tôi hình dung. Tôi cho rằng, một người đọc đích thực, một người đọc khẩn thiết với cá nhân mình, như nhiều nhân vật-người đọc trong tác phẩm của Linda Lê, cũng sẽ tìm kiếm con đường như kẻ viết, con đường để phá vỡ những giới hạn đầy mặc cảm, phá vỡ nỗi sợ hãi vì biết không bao giờ ta chạm được đến hiện thực và đến tận cùng câu chữ. Nếu nhà văn, như tôi hiểu, không phải kẻ có khả năng viết ra trơn tru những câu văn, mà là kẻ có thể dính cả da thịt mình vào chữ nghĩa, kẻ không ngừng đấu tranh với lũ quỷ của mình thì người đọc, không phải kẻ có khả năng đọc và nhận xét về một cuốn sách như thứ ở ngoài mình, mà ở nghĩa đậm đặc nhất, giàu có nhất của từ này, chính là kẻ sẵn sàng ngồi một mình trong phòng tối, trong cô độc với cuốn sách. Kẻ đó không đọc, mà sống với từng câu chữ, đón nhận cả những cú sát thương bất ngờ, khi câu chữ có thể nhảy ra cắn cổ.
Đọc văn Nhã Thuyên, hình dung một nữ văn sĩ giọng liến láu, mắt sắc như dao cạo, tốc độ chữ veo véo ^^
ReplyDeletetoo much dạy đời, sao giống Hưng Cuốc quá, dạy dỗ nhiều quá, người việt thíh dạy nhau, ôm thêm chị lin đa mặt ngựa nữa thì th'ac súm
ReplyDeletebác có bị làm sao không ạ? viết khiêm tốn thì bảo dạy đời, mặt người ta trái xoan thì bảo mặt ngựa (bác Đỗ Kh. ơi sao lại thế này :d), tên người ta hay thế thì lại cuốc vứi xẻng hehe
ReplyDeletemột mê hồn trận từ ngữ, phong hỏa mù chẳn glần đâu ra được cái mạch suy nghĩ khi viết, có những đoạn câu đầu câu cuối chẳng biết dính nhau chổ nào, đọc kỷ thì mơ hồ nhận ra nhưng có vẻ liên kết rất xa, làm đọc cứ bị chệch. Có vẻ bài này hơi ôm đồm khi muốn nói quá nhiều thứ để rồi trộn lẫn vào nhau. Ý nghĩ có khi là một khối thống nhất trong đầu nhưng viết ra/trình bày ra không phải dễ. *cơ bản sau khi đọc xong, viết comment chẳng nhớ lắm bài trên nói gì*
ReplyDelete"Tuy nhiên, giữa hư cấu và ứng xử thực tế có khoảng cách lớn: đừng dễ dàng tin những lời bề ngoài về việc Linda Lê không còn biết Tiếng Việt hay không lựa chọn Tiếng Việt để suy xét ứng xử của nhà văn. Thậm chí, sự chối bỏ quyết liệt có thể là một điều kiện của sáng tạo. Quá khứ, gốc tích, định kiến, sự trói buộc, tất cả - mọi xiềng xích theo nghĩa rộng nhất - cần được thiêu rụi"
ReplyDeleteThực tình chỉ hiểu đọan này, mà suy ra thì cũng là một giả thiết, không chắc đúng thế :))
còn lại thì chịu chết :))
"Và, nhìn rộng hơn, thế giới của Linda Lê, như nhiều nhà văn quan trọng trên thế giới, đã không chỉ cho chúng ta thấy tư cách một nhà văn đáng kể, mà còn là, và luôn là một người đọc đáng kể."
ReplyDeleteThích câu đó.
tôi thấy bài viết rõ ràng rành mạch hết sức đấy chứ:
ReplyDeletechủ đề là miêu tả một hình dung về người đọc văn chương Linda Lê, muốn thuyết phục được thì phải phân tích văn chương ấy theo định hướng đó; các phân tích này chủ yếu nằm ở các đoạn từ 4 đến 9
phân tích rồi thì bài viết đi sâu hơn vào chủ đề, và đẩy lên một mức mới, cái này người ta gọi là sympathy (ở Việt Nam hay dịch là "cộng cảm"), sympathy ở đây còn được thể hiện ở chính cách hành văn của bài viết, sympathy ở mức độ này rất ít nhà phê bình làm được (sympathy nằm ở trung tâm của một số trường phái phê bình quan trọng đầu và giữa thế kỷ XX)
"kiểu nhân vật" mà bài viết đề cập ở đoạn cuối hoàn toàn ăn nhập với chủ đề, tạo độ kết dính với toàn bài, cấu trúc bài viết như vậy là rất ổn, các bác đòi hỏi gì ạ?
(xin phép cô giáo Nhã Thuyên cho anh dùng mấy món giảng dạy của em nhá :d)
Đòi hỏi gì đâu, trình độ có hạn thì chạ hịu thôi.
ReplyDeleteỜ mà bây giờ có phụ đề Việt ngữ - à quên có trợ giảng thì cũng vỡ nhẽ ra một tý :)) nhưng chắc còn lâu mới sympathy được!
Chung quy là thiếu cái nhiệt tình nóng bỏng của em Nhã Thuyên thôi :))
Anh TQ: khi nào có dịp ngồi cf với anh TQ thì chỉ im lặng nhâm nhi vẻ đẹp của nhà Hà Nội học thôi^^
ReplyDelete@ a NLinh: Từ hồi đi thựctập đến giờ, em chưa đi dạy buổi nào thêm, thành thử, nghe anh phân tích, nhớ thời ngồi trên mái nhà trường quá:)
Hihi, cảm ơn các bác nói về sự mù mịt của chữ nghĩa. Đọc một nhà văn mù mịt nên em nghĩ sự mù mịt của tư duy mới thích hợp chứ ạ?:D
Về Linda Lê, ngoài NL, thì mình thích bài này của NT và một bài viết khác rất công phu, hình như của Nguyễn Khánh Phương?
ReplyDeletecả cái bài gì Brion nữa nhờ :)
ReplyDeleteDương Khánh Phương chứ không phải Nguyễn Khánh Phương, mà là bài nào nhỉ?
Một bài rất oách đọc trên fb, mà giờ tìm không ra. :D
ReplyDeleteTôi không tự xếp mình là “người đọc của Linda Lê”, tôi chỉ muốn nói về người đọc Linda Lê như tôi hình dung.
ReplyDeletegiả mạo! anh phủ nhận chính anh để nói về "người đọc" mà anh ảo tưởng thì quá phét. thực ra, anh cũng chẳng hiểu Linda Lê múa chữ như thế nào
về mặt logic và đạo đức, thì có vấn đề gì?
ReplyDeletenếu bác không phải là độc giả của Linda Lê, thì hiển nhiên bác không thể nhận xét về hình dung của người khác về độc giả của Linda Lê
nếu bác là độc giả của Linda Lê mà hình dung kia không đúng để miêu tả người như bác, thì đó là một hình dung sai, hoặc cũng có thể bác không hoàn toàn là độc giả của Linda Lê, không nên nữa
khi người ta hình dung về một cái gì đó, thì không thể logic mà suy ra người ta phủ nhận chính mình được: đâu có phải là "Tôi đã yêu đã yêu như chết là hạnh phúc/Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em" :))
thế theo bác Linda Lê múa chữ như thế nào? mà nếu là múa thật, lại múa đẹp, thì có được không ạ?