Dec 31, 2010

những ngã tư và những cột đèn

"Giữa hai cuộc chiến tranh, là nhật kí": câu cuối cùng của đoạn mở đầu tiểu thuyết những ngã tư và những cột đèn. Cuốn tiểu thuyết của Trần Dần, in xong đúng vào ngày hết năm. Năm cùng tháng tận. Số phận vẫn luôn luôn gây kinh ngạc.

Bản thảo cuốn tiểu thuyết này xong xuôi vào năm 1966. Năm đó, Trần Dần được Sở Công an Hà Nội cấp giấy phép ra vào trại giam gặp gỡ ngụy binh cũ thời Pháp thuộc (để lấy tư liệu). Bản thảo viết xong, bản duy nhất, được gửi lên Sở Công an. Năm 1988 bản thảo được Sở Công an trả lại cho Trần Dần, cùng bản chép tay Cổng tỉnh.

Khi đọc bản thảo cuốn tiểu thuyết này, tôi nghĩ: những gì là cách tân, hiện đại của tiểu thuyết Việt Nam hiện nay, Trần Dần đã làm từ năm 1966. Với một sức mạnh cuồn cuộn của ý tưởng và câu văn. Có khi đọc một cuốn tiểu thuyết ta thấy như đang nói chuyện với một binh nhì, lại có khi thấy như đang nói chuyện với một vị tướng. Cuốn tiểu thuyết này, tôi thấy như cả một đạo quân tinh nhuệ cùng một lúc. Với mọi kỹ thuật và nghệ thuật của đánh trận.

"Tháng sáu 1965. Tôi ngồi một ngày không rõ thứ hai hay chủ nhật. Những xê dịch lủng củng, lỉnh kỉnh, của các con số, làm sao giúp tôi luôn luôn 37o không lên cơn sốt? Bên này cửa sổ tôi tím: có nhật kí và bản sao nhật kí, có lọ mực tím và bản thảo lem nhem mực tím. Bên kia cửa sổ tôi xanh: có sáu cây bàng lá xanh và nhiều căm nhông xanh quân sự đậu, có tháng sáu vắng và phố thời chiến vắng lặng. Tôi không tìm được, ở đâu trong nhật kí, trang cuối một cuộc chiến tranh, và ở đâu, trang đầu một cuộc chiến tranh nữa. Nhưng tôi biết, một buổi chiều bình thường, bỗng dưng ngoảnh lại, đã thấy những đám khói sau lưng. Một buổi chiều khác, đã thấy chiến tranh bao vây mọi phía, lấp kín mọi lối đi về. [...] Giữa hai cuộc chiến tranh, là nhật kí."

"Tôi qua ngã tư Cửa Nam. Ngã tư Cửa Nam đầy khói. Để không thể đếm bao nhiêu nốt chân trên ngã tư. Ai đếm bao nhiêu nốt chân khôn dại. Bao nhiêu nốt chân vui buồn? Ai đếm những ngã tư đời láo nháo nốt chân. Láo nháo cột đèn láo nháo đèn? Đời tôi đã rẽ rồi. Như đã hạ nước cờ không sao đi lại được. Nhưng tại sao tôi cứ ám ảnh: cái ngã tư tại sao ấy. Tôi quên không được. Đi đi không được. Tôi ngồi bệt lề đường. Tôi là đàn ông: tôi không đau khổ. Nhưng tôi muốn khóc. Tôi là đàn ông: tôi không khóc. Nhưng tôi đau khổ lắm. Tôi ngồi bệt mà nhìn láo nháo cột đèn. Láo nháo khói. Láo nháo hàng cây bên đường lá rụng."

Vậy là giữ đúng lời hứa. Quyển này cũng như quyển của Đỗ Lai Thúy: Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy. Tư tưởng phê bình văn học Việt Nam, một cái nhìn lịch sử.

----------------

Sang đến Don DeLillo:


Từ bốn thập kỷ nay, nhà văn Mỹ chiếu tia X vào những mảng tối tăm của đất nước ông. Một nghệ thuật thấu thị? Dẫu không phải thế thì cũng là mang tính chất thị giác một cách sâu sắc, điều càng được chứng tỏ rõ hơn với cuốn sách mới nhất của ông, Point Omega.

Ở tuổi 73, Don DeLillo vừa nhận giải Pen/Saul Bellow cho toàn bộ tác phẩm của ông: mười sáu tiểu thuyết, một kịch bản phim cùng một ít truyện ngắn, tiểu luận và kịch. Tác giả của LibraFalling Man có được một vị thế rất khác biệt trong bức tranh chung của văn chương Mỹ vì lý do số lượng tác phẩm dồi dào ít hơn vì lý do từ gần bốn mươi năm nay ông khám phá cùng những vùng tối, những cơn loạn tâm và những nỗi sợ có tính chất cổ mẫu của người sống cùng thời, vừa làm như vậy vừa xây đắp cho sự im lặng và bí mật. Với rất nhiều cuộc mưu phản chống lại những khốn cùng của sự tiêu dùng đồng thời với các hành động tàn phá hình ảnh, dần dần ông tự ấn định mình thành một chứng nhân và lý thuyết gia của những “hình thức hiện đại của hãi hùng”. Nhưng những lần trả lời phỏng vấn và xuất hiện trước công chúng của ông chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay. Và các tiểu thuyết mênh mông của giai đoạn đầu đã dần dần nhường chỗ, từ khoảng chục năm nay, cho những văn bản ngắn hơn và kiệm lời (ê-líp-tích) hơn. Cũng như vậy ở cuốn sách gần đây nhất, Point Omega, cái nhan đề hơi có chút huyền bí, có hình thức gây rối trí và những mạng lưới hình ảnh không hề bị che giấu. Cuộc gặp gỡ, trong sa mạc Arizona, giữa một đạo diễn trẻ và một tay tân bảo thủ, nhân viên Lầu Năm Góc về hưu và bộ não của cuộc chiến tranh Irak. Một cuộc gặp biến thành tiểu thuyết noir khi con gái ông già mất tích, cũng bí ẩn như khi xuất hiện. Một cuộc gặp được lồng khung trong hai cảnh bí ẩn ở bảo tàng nơi người ta chiếu tác phẩm video của Douglas Gordon, 24 Hour Psycho, đặt vấn đề về tri giác thời gian bằng cách chiếu đi chiếu lại bộ phim Psycho của Hitchcock suốt một ngày. Bất khả xâm nhập, bí ẩn, lo sao cho mỗi độc giả có được cách diễn giải riêng về cuốn tiểu thuyết, Don DeLillo thích nhấn mạnh vào vai trò người nghệ sĩ và các nguồn cơn không ngờ tới của nghệ thuật nhằm nói ra cái thực. Dù thế nào đi nữa, người vẫn được cho là có khả năng thấu thị vì đã “dự đoán” thảm họa 11 tháng Chín ngay từ cuối những năm 1970, trước hết lại không phải là một nghệ sĩ thị giác ư?


Dec 30, 2010

Tolstoi (prologue)


Một số tiểu thuyết của Tolstoi dịch và xuất bản ở thời Việt Nam Cộng Hòa. Còn có Vùng đất hồi sinh và vài quyển nữa nhưng tạm thời còn chưa bới được trong đống sách :) Bản An na Kha Lệ Ninh ghi tên người dịch Vũ Ngọc Phan và Vũ Minh Thiều, nhà Khai Trí in từ năm 1970 đến năm 1972, 6 tập, trong tủ "Sách bốn phương" hẳn là lấy lại bản Vũ Ngọc Phan trước 1945 rồi Vũ Minh Thiều san định, hiệu đính, bổ sung. Trước 1945 cũng đã có bản dịch Phục sinh được nhiều nhà văn Việt Nam đọc và nhiều cảm tưởng. Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh, Phan Khôi, Nguyễn Phi Hoanh, Kiều Thanh Quế và nhiều người nữa đã tham gia công cuộc giới thiệu, bình luận Tolstoi tại Việt Nam hồi ấy.

Đợt vừa xong kỷ niệm 100 năm ngày mất Tolstoi (có cả ông chắt chút chít gì đó của Tolstoi, giám đốc bảo tàng Tolstoi bên Nga sang đây; trong cái năm kỷ niệm này ông ấy đã đi khoảng 50 nước hehe), ấn phẩm chào mừng giá trị nhất là Đường sống. Văn thư nghị luận chọn lọc, Phạm Vĩnh Cư, Nguyễn Thị Kim Hiền, Vũ Thế Khôi, Từ Thị Loan và Lã Nguyên La Khắc Hòa tham gia làm (không có phần liên quan đến văn học), NXB Tri Thức, "Tủ sách tinh hoa", khoảng 1.200 trang. Tonton Cư ra tay viết một lời giới thiệu kỳ khu dài 70 trang tên là "Hành trình tư tưởng của Tolstoi nhìn từ hôm nay" cực oách :p

Dec 27, 2010

Tóp mỡ 2010

Bị đề nghị đưa ra top 5 sách 2010 :(


“Istanbul. Hồi ức và thành phố” (Orhan Pamuk, Nguyễn Quốc Trụ dịch, Nhã Nam & NXB Văn học)

Không có nhiều hồi ký nhà văn được dịch ra và đón nhận nồng nhiệt ở Việt Nam. Sau “Sống để kể lại” của Gabriel García Marquéz và “Hội hè miên man” của Ernest Hemingway, “Istanbul” của Orhan Pamuk đã kịp thời đến để bổ khuyết cho thiếu hụt này. Istanbul của Pamuk không chỉ là một bức tranh, một câu chuyện kể, mà còn là một tâm hồn sống ngập ngừng thở trên những hoang phế điêu tàn mà chỉ một nhà văn đặc biệt nhạy cảm mới có thể nắm bắt và miêu tả được.



“Vắng mặt” (tiểu thuyết của Đỗ Phấn, Bách Việt & NXB Hội Nhà văn)

Văn học Việt Nam lại thất bát thêm một mùa 2010. Đã lâu lắm rồi các nhà văn Việt Nam nhớn nhác với những cách tân mà dường như quên đi mất rằng văn chương có thể không nằm về “phương ấy”. Khi các giải thưởng văn học chính quy đều gắng gượng mà trao, một nỗ lực nho nhỏ về kể chuyện giản dị như “Vắng mặt” của họa sĩ Đỗ Phấn hoàn toàn xứng đáng được coi là một điều có ý nghĩa cho một năm buồn bã của văn học trong nước.


“Oh boy!” (Marie-Aude Murail, Trần Anh Thư dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn)

Một tác phẩm thuộc dòng nhiều người đọc nhưng ít khi thực sự được đánh giá cao: văn học thiếu nhi. “Oh boy!” bắt đầu đưa đến Việt Nam loạt tác phẩm của Murail, một nhà văn chắc hẳn rồi đây sẽ được xếp vào hàng kinh điển của lịch sử văn học thiếu nhi thế giới. Năm 2010 cũng chứng kiến một sự tăng tiến nhảy vọt của dòng sách văn học thiếu nhi ở rất nhiều tiểu thể loại và với sự tham gia của rất nhiều cơ sở xuất bản.


“Tình và rác” (Ivan Klíma, Bạch Phương dịch, Bách Việt & NXB Văn học)

Cuốn tiểu thuyết xuất bản vào cuối năm củng cố thêm cho sự thắng thế trở lại của một số nền văn học lâu nay ít được quan tâm như văn học Hungari, Ba Lan, Ý… Klíma, một nhà văn lớn người Séc, đưa chúng ta quay về với một bầu không khí chính trị ngột ngạt tại các nước thuộc khối Đông Âu trước đây với một giọng văn buồn bã bậc thầy rất hiếm thấy.



Trong dòng sách nghiên cứu, đây là một cột mốc quan trọng trong tiến trình nhìn lại lịch sử Việt Nam từ những khía cạnh mới, xuất phát từ các nguồn tài liệu mới. Các Công ty Đông Ấn có một kho lưu trữ khổng lồ, trong đó có hàng vạn trang liên quan đến Việt Nam. Lịch sử Việt Nam, để có thể toàn diện, còn cần được đặc biệt quan tâm về phương diện thương mại. Dĩ nhiên, lịch sử không chỉ gồm có những nhà chính trị và quân sự kiệt xuất, cùng những câu nói lừng danh và các âm mưu xảo quyệt được hậu thế say mê.

Dec 25, 2010

I once had a girl

Bỏ qua mối quan hệ phim-truyện thì bản thân bộ phim Rừng Na Uy đã dở. Trước đây (tất nhiên trước cả I Come with the Rain, vì I Come with the Rain cũng vô cùng tệ, và Trần Anh Hùng cũng giải thích vì suốt ngày phải ra tòa etc.) phim của Trần Anh Hùng đẹp trong một sự kháng cự rơi vào kitsch, lúc nào cũng ở bên bờ kitsch nhưng không rơi vào, sự ngấp nghé đó làm nên điểm đặc biệt của Trần Anh Hùng. Nhưng Rừng Na Uy thì thản nhiên rơi vào kitsch. Cảnh ăn chơi trong phòng, camera chầm chậm lướt qua những cây cột gương thật là ớn. Watanabe đến gặp Naoko thì phải hoặc là nền mưa hoặc là nền tuyết ngoài cửa sổ. Còn đặt thêm vào mối quan hệ phim-truyện (kiểu gì cũng không bỏ qua được), thì chắc trong số những người xem Rừng Na Uy  hôm ấy, ngoài tôi ra (nhận luôn cho thành khẩn :d) thì người ít hiểu tiểu thuyết Rừng Na Uy nhất là Trần Anh Hùng. Chỉ riêng đoạn cuối (có một bạn nói không khác gì xem gì Discovery Channel, thật là chuẩn xác) đã lệch hẳn khỏi khả năng diễn biến tâm lý của một người như Watanabe Toru.

Phim chán thì chỉ cần nói đến thế thôi :p

Khi nghe lại bài "Norwegian Wood" tôi bỗng thấy liên hệ giữa "And when I awoke, I was alone, this bird had flown" và Kurt Wallander trong Người đàn ông lo âu.

Ở tập cuối của xê ri Wallander này, ngoài việc tạo ra một cuộc điều tra, Henning Mankell còn phải hướng tới một mục đích nữa: đóng lại cả loạt truyện, tìm ra một đoạn kết. Tôi chỉ có thể nói rằng đoạn kết này rất buồn :(

Nhưng trước khi rất buồn, Người đàn ông lo âu cũng được mở ra bằng việc Linda sinh con gái (Klara), như vậy là Wallander đã có cháu. Mankell để cho hai người phụ nữ của cuộc đời Wallander xuất hiện trở lại - đều rất thoáng qua nhưng đều đau đớn. Mona và Baiba mỗi người theo một cách đẩy Wallander nhanh hơn đến kết cục. Vì quy định của nghề nghiệp :p tôi sẽ không để cho bị cậy răng tiết lộ cốt truyện, nhưng có thể nói được là với một người, Wallander đã trải qua experience của "When I awoke...", và có một trong hai người chết.

Cũng như ở phần lớn những cuốn tiểu thuyết khác của loạt Wallander, Mankell thể hiện một năng lực dẫn dắt bậc thầy, quản lý chi tiết vô cùng giỏi, nhưng đoạn kết thường xuyên yếu, nhiều lúc có những lỗ hổng về lập luận đáng ngạc nhiên. Những người thông minh (chẳng hạn như bạn today20 :d) không thích cách giải quyết vấn đề của Mankell. Tôi cũng không thích hehe. Người đàn ông lo âu lấy lại gần như toàn bộ sơ đồ lập luận của Bầy chó Riga, là sơ đồ lập luận kém hấp dẫn nhất trong toàn bộ loạt truyện. Đây cũng là lần Mankell hướng cái nhìn vào chính trị ở cấp cao, hoàn toàn không phải sở trường của ông. Sở trường của ông là những xung năng chết chóc, tội phạm ở những con người vô cùng bình thường, tầm thường, nhỏ bé, những người tỉnh lẻ. Một khi bối cảnh truyện đã chuyển sang thủ đô :d (như Riga, và lần này là Stockholm), tức thì overhyped ngay. Nhưng nếu thích Olof Palme Thủ tướng bị ám sát của Thụy Điển, Rosenbad tức Phủ Thủ tướng Thụy Điển, rồi những cái tàu ngầm, bí mật quốc gia, gián điệp etc. thì đọc cũng được.

Tôi thì quan tâm đến việc Mankell kết thúc cho Wallander như thế nào. Chắc là vì tôi có cái nhìn apocalyptic :) Giờ đây đã hết cả loạt Wallander chín quyển, có thể thấy rằng chuỗi ba quyển đầu tiên, Những kẻ sát nhân vô diện, Bầy chó RigaSư tử trắng (thật ra là sư tử cái đấy) vừa non tay vừa chưa tìm ra được hình thức sau này sẽ được ấn định cho gần như mọi tập khác: 40 chương, đúng đến chương 20 một sự kiện hoặc một nhận thức mới xuất hiện, dẫn tới một nửa thứ hai đổ dốc, nhiều khi là với tốc độ chóng mặt. Trong cả loạt Wallander có hai kiệt tác: ngoài Chậm một bước (One Step Behind/Les Morts de la Saint-Jean) còn Người đàn bà thứ năm (The Fifth Woman/ La cinquième femme).

Thật là tiếc vì ở đây có quá ít người thích và đọc Wallander và Mankell. Hậu quả là sẽ lại có thêm một project phải dang dở. Hic. Đời thật dang dở nhưng vẫn phải bột nở.

+ Mấy hôm vừa rồi nhận nhiều mail chúc mừng Giáng sinh, một số người viết thêm câu "Vinh danh Thiên chúa trên trời/Bình an dưới thế cho người thiện tâm". Tôi nhớ trong những năm 1970 giới Công giáo Việt Nam đã từng có tranh luận về hai câu này, và có một chiều hướng là đổi câu thứ hai thành "Bình an dưới thế cho người Chúa yêu". Vì người tốt đẹp thì ai yêu mà chẳng được, cần gì đến Chúa :p

Dec 23, 2010

Rừng Na Uy

lâu lắm rồi tôi mới được xem một bộ phim dở như thế này, dở đồng loạt, nhưng ngày mai đọc báo mình chắc chắn các bạn nhà báo bắn pháo hoa ăn mừng Murakami mặc áo Trần Anh Hùng

ngủ gật hai nhát, kỷ lục từ khởi thủy của thời gian :p mà các bác yên tâm, truyện mình chỉ nhớ độc chi tiết ăn ốc sên và chi tiết Nagasawa hay cái gì bảo Watanabe mày đọc Gatsby thì xứng đáng chơi với tao, nên chả có tí so sánh nào hết cả đâu nhá

tệ hại hơn cả là Trần Anh Hùng cứ cố phải đặt dấu ấn cá nhân trong khi không nghĩ ra được một ý tưởng nào, đành biến tấu Mùa hè chiều thẳng đứng lúc Ngô Quang Hải và Trần Nữ Yên Khê chạy đuổi nhau trong tiếng nhạc Lou Reed, vào phim này thì thành hai đoạn, Watanabe và Midori cứ đi theo nhau mà nói chuyện trong nhà Midori, rồi đoạn Watanabe và Naoko rượt nhau trên đồng cỏ mà nói chuyện về Kizuki, vì sao lại không thể làm tình được, tôi tuyệt đối không thể hiểu tại sao không thể ngồi mà nói, hoặc thậm chí là nằm :d

rồi lại còn ôm đàn guitar hát Norwegian Wood mà vẫn nghe như hát Trịnh Công Sơn, lạy trời

đoạn đang ngủ gà gật bỗng dưng choàng tỉnh vì lồng quả nhạc cứ nồng nỗng "I love you I love you"

nói tóm lại là khó tả lắm, thôi mình đi ngủ, gật được hai nhát làm tiền đề rồi giờ làm nhát quyết định :)

Dec 20, 2010

Tình và rác


Nếu chở người yêu bằng xe máy đi trên phố nhỏ Hà Nội ngay sau một cái xe rác chạy chậm rề rề trước mặt, bạn sẽ hiểu sự kết hợp của tình yêu với rác rưởi là một điều có thể, dù cho nó có kỳ cục đến đâu. Nhưng nói thế nào đi nữa, “Tình và rác” (Ivan Klíma, Bạch Phương dịch, Bách Việt & NXB Văn học) vẫn cứ là một nhan đề không bình thường cho một cuốn tiểu thuyết. Nhìn thấy một cái nhan đề như thế này, hẳn người ta nhanh chóng hiểu ra rằng đây ắt không phải là một câu chuyện tình đơn thuần.

Tình yêu bất khả trong “Tình và rác” đẹp như mọi tình yêu bất khả. Nữ ca sĩ nổi tiếng Patricia Kaas từng tuyên ngôn: “Amour impossible, quoi de plus terrible” (Tình bất khả, còn có gì khủng khiếp hơn đây). Nhân vật chính của “Tình và rác”, một nhà văn, có với Daria, cô nghệ sĩ thích linh hồn lẩn quất trong những thứ đồ vật vô tri, một mối tình trên những căn gác xép, mối tình của những chia tay góc phố và những câu nói rợn người vì buồn bã: “Anh có nghĩ là mọi tình yêu đều ham mê những hy vọng ngang trái hay không?” (tr. 44), ấy là câu Daria hỏi người tình. Câu hỏi này, hẳn không một người đàn ông nào ở hoàn cảnh như Người Tình của Daria dám trả lời.

Sự buồn bã này cứ kéo lê thê suốt cuốn sách, kể cả trong những cuộc trò chuyện bông phèng giữa những người cùng đội dọn rác với nhân vật chính, lẽ ra phải là những con người đầy sinh lực, như các nhà văn thường tạo ra - thì ít nhất cũng nên có một đối cực nào đó trước sự thê lương của rác và những kỷ niệm đau lòng cứ đan cài, xen kẽ với nhau. Người đọc của “Tình và rác” không thể mặc sức thả mình vào một đoạn về mối tình ngang trái nhưng đẹp kia, vì biết chắc rằng chỉ vài dòng nữa thôi họ sẽ quay trở về với phố phường Praha từ điểm nhìn của những con người cả ngày tiếp xúc với bẩn thỉu. Sự buồn bã này có lẽ chính là “màu” đặc trưng của văn chương Trung Âu nói chung, của vùng Bohemia nói riêng, nhất là văn chương của những nhà văn có chung kinh nghiệm trải qua thời kỳ Đức Quốc xã rồi tiếp nối ngay vào một thời kỳ cũng đen tối không kém. Bầu không khí này ta cũng bắt gặp ở trong những cuốn tiểu thuyết mỏng của Kertész Imre khi ông miêu tả đời sống Hungari trong những năm 1970.

Ivan Klíma mang trong mình một quá khứ xa giống với rất nhiều nhà văn thành danh ở châu Âu sau Thế chiến thứ hai: quá khứ của người Do Thái đeo ngôi sao David, trại tập trung, sự sống sót thần kỳ, và niềm tuyệt vọng tiếp theo. Cả bố mẹ lẫn Ivan Klíma đều thoát khỏi trại tập trung (với Klíma đó cụ thể là trại Terezín, đúng ra là một trại trung chuyển tù nhân Do Thái, nhưng cũng không phải là một nơi kém nguy hiểm tính mạng), nhưng sang đến chế độ mới, bố Klíma lại bị bỏ tù. Những nét tiểu sử này được Klíma đưa vào “Tình và rác”, đi kèm với những nhận xét cay đắng: “Ở đất nước chúng tôi, tất cả mọi thứ đều đang vĩnh viễn được tái chế: niềm tin, những tòa nhà và cả tên của những con phố” (tr. 89).

Vậy là thêm một đại biểu xuất sắc nữa của văn chương Séc đã đến Việt Nam, sau những người xuất chúng như Bohumil Hrabal của những truyện hài hước không thể không bật cười và Milan Kundera sâu cay chua chát như màu một bức tường cũ Praha. Dĩ nhiên, còn có một nhà văn nữa rất gắn bó với Praha, tuy không bao giờ viết bằng tiếng Séc: Kafka. Kafka có một vị trí đặc biệt quan trọng trong tâm hồn nhà văn nhân vật chính của “Tình và rác”: sau khi được “khai tâm” về văn chương bằng “Chiến tranh và hòa bình” của Tolstoy, người đã khích lệ con đường văn chương của anh ta là Kafka, mặc dù thật khó hình dung văn chương của Kafka có thể thực sự hỗ trợ tinh thần theo hướng tích cực cho bất kỳ một ai. Với nhân vật chính của “Tình và rác”, tác phẩm của Kafka bị cấm lưu hành tại Séc là vì ông đã quá trung thực. Chắc hẳn vì muốn noi theo tấm gương ấy mà nhà văn của “Tình và rác” đã kết hợp hai thứ đó với nhau ở tác phẩm của mình; trong một bầu không khí dị hợm - và bất khả - mọi kết hợp kỳ cục đều là có thể.

Nhị Linh

Dec 18, 2010

Disquiet

Không phải là về The Book of Disquiet (Livro do Desassossego) của Pessoa, quyển sách đang trở thành mốt thời gian này đâu đấy nhé :)

Mà là một quyển khác: L'Homme inquiet (Den orolige mannen) của Henning Mankell, trên bìa bản tiếng Pháp (của Anna Gibson, như mọi khi - NXB Seuil, tủ sách "Policiers") ghi: "La dernière enquête de Wallander" (Cuộc điều tra cuối cùng của Wallander). "L'Homme inquiet" có nghĩa "Người đàn ông lo âu". Kurt Wallander đã về già, quãng lục tuần, mua được nhà nông thôn để rời căn hộ Mariagatan như đúng sở nguyện từ rất lâu (cái gì ở Kurt Wallander cũng chậm đến khó tin: một chiếc Peugeot mới mà phải mất vài tập liền Wallander mới mua nổi - vấn đề không phải là thiếu tiền, mặc dù thu nhập của Wallander không cao; chắc bạn hiểu tôi muốn nói gì, cái đó thuộc về bản tính rồi). Ở ngôi nhà mới, Wallander cuối cùng đã có một con chó, một labrador tên là Jussi (hic, là tên một ca sĩ giọng tenor Thụy Điển đấy).

Wallander sẽ không còn điều tra các vụ án nữa. Theo dõi suốt các tập của bộ Kurt Wallander, ý định rời bỏ ngành cảnh sát chưa bao giờ rời bỏ ông, nhưng lúc nào Wallander rồi cũng sẽ "quay trở lại làm cớm", chỉ là sự quay trở lại đó nhọc nhằn ở các mức khác nhau ở những lần. Giờ đây khi việc đó thực sự đến, nó cũng giống như là ta sắp chia tay một người bạn lâu năm, như Wallander từng chia tay Sten Widén người nuôi ngựa đua ở một tâp nào đó, hình như là Chậm một bước. Như là "nhìn những mùa thu đi".

Ở cuối Tường lửa, con gái Linda của Wallander thông báo mình quyết định trở thành cảnh sát. Kể từ đó Linda đã kịp học xong, về Ystad làm cùng sở với bố. Đến L'Homme inquiet Linda sinh một đứa con gái, với Hans von Enke. Và cũng chính là liên quan tới gia đình quý tộc kiêm sĩ quan quân đội cao cấp von Enke mà mọi chuyện xảy ra.

L'Homme inquiet khởi động chậm chạp như mọi cuộc điều tra mà Kurt Wallander từng tiến hành. Lần này còn chậm hơn nữa, hình như là vì nó liên quan đến những cái tàu ngầm, cái thứ chậm rì, nặng nề và phản tự nhiên nhất mà tôi có thể tưởng tượng ra. Câu chuyện thực sự bắt đầu bằng một vụ mất tích. Truyện trinh thám thật ra không có nhiều lựa chọn: tuyệt đại đa số phải bắt đầu bằng một cái chết, hoặc một vụ mất tích. Truyện ma quái (xem phim Polanski thì biết) thì lúc nào cũng tìm cách thu hẹp không gian đến mức tối thiểu: nhân vật chính chỉ nhìn thấy một vài khuôn mặt, không thoát ra được một không gian cực tiểu (để lợi dụng những ám ảnh của chứng claustrophobia?), thế giới rộng lớn bên ngoài, nắng và những đám đông chỉ là các ảo ảnh xa vời, những đích đến tưởng chừng không bao giờ đạt tới được.

Đọc L'Homme inquiet thật là nhọc nhằn, nhất là mấy chục trang đầu. Cũng có thể lý do là vì tôi ghét bọn tàu ngầm ;p

Ở đoạn đầu, Kurt Wallander mắc phải một vụ rắc rối cá nhân liên quan tới công việc. Mọi thứ xuất phát từ một cơn suy sụp tinh thần vì cô đơn và hoảng loạn khó biết nguyên do. Đây luôn luôn là đề tài yêu thích của Mankell, hơn rất nhiều so với những chi tiết vụ án:

"Tuy nhiên, khi về đến Loderup, sau khi đi dạo một vòng với Jussi, sự bấn loạn nội tâm đã chụp lên ông. Thỉnh thoảng ông thấy mình ngập chìm trong một cảm giác bị bỏ rơi, trong ngôi nhà cô độc giữa cánh đồng của ông. Như một xác tàu đắm, ông đã nghĩ. Mình bị đắm xuống ở đây, vào lớp đất dày. Thường thì cơn bấn loạn chỉ kéo dài một quãng thời gian. Nhưng tối hôm ấy, nó cứ dai dẳng mãi. Ông ngồi ở bàn bếp, giở một tờ báo cũ ra và bắt tay lau chùi khẩu súng. Công việc xong xuôi khi mới tám giờ. Sự thúc giục đó từ đâu đến? Ông hoàn toàn không biết, nhưng ông đã quyết định xong. Ông thay quần áo, lấy xe quay trở lại Ystad. Vào mùa đông, thành phố gần như hoang vắng, nhất là vào các buổi tối trong tuần. Tổng cộng chỉ có hai hay ba quán bar và quán ăn còn mở. Đỗ xe lại, ông bước vào một quán ăn trên quảng trường trung tâm. Rất vắng khách. Ông chọn một cái bàn ở góc, gọi món khai vị và một chai rượu vang. Nhưng trước tiên, ông nốc cạn một cốc rượu khai vị. Rồi cốc thứ hai. Nốc cạn, đó là từ chuẩn - ông rót rượu vào nội tạng của mình, hy vọng dìm đi nỗi lo âu. Khi đồ ăn được mang tới, người phục vụ rót đầy rượu vang vào cốc cho ông, thì ông đã say rồi.

- Chẳng có ai nhỉ, Wallander cất lời bình luận. Họ đi đâu cả rồi?

- Dù có đi đâu thì cũng không phải là tới đây. Chúc ông ngon miệng.

Wallander uể oải ăn những gì để trên đĩa. Ngược lại, ông uống hết chai rượu trong vòng chưa tới nửa giờ đồng hồ. Ông lấy điện thoại di động ra, xem tất cả các số lưu trong bộ nhớ. Ông muốn nói chuyện với ai đó, nhưng ai bây giờ? Rồi ông nhét điện thoại lại vào túi, nghĩ rằng ông không muốn cho người khác biết mình đang say khướt. Chai rượu đã cạn, ông đã có khá đủ liều lượng. Nhưng khi người phục vụ tới nói quán sắp đóng cửa, ông vẫn gọi tiếp một tách cà phê và một ly cognac. Khi đứng dậy, thiếu điều thì ông vấp ngã. Người phục vụ quan sát ông, vẻ mệt mỏi.

- Taxi, Wallander nói.

Người phục vụ đi gọi điện thoại - một máy điện thoại gắn trên tường, bên cạnh quầy bar. Wallander lắc lư tại chỗ. Người phục vụ dập máy, gật đầu về phía ông.

Wallander đứng trên vỉa hè trong cơn gió lạnh. Taxi tới, ông leo lên ghế sau. Khi xe phanh lại trước cửa nhà, ông đã sắp ngủ. Ông vứt quần áo xuống sàn rồi thiếp đi ngay sau khi lên giường nằm."

Dec 14, 2010

Khởi động cho kế hoạch năm năm lần thứ hai

Trông tôi thế này thôi ;p nhưng hơi bị nhiều kế hoạch các thứ, lập kế hoạch, thực hiện kế hoạch, hoàn thành kế hoạch, đời viết không biết bao nhiêu là báo cáo rồi :)

Đợt trước mưa rộn ràng thì ngồi nghĩ về đóng góp cộng đồng, kỳ này mưa dầm lê thê mê mải thì nghĩ kế hoạch cuộc đời. Kế hoạch năm năm lần thứ nhất có một đặc điểm chói ngời, là rất chi lộn xộn. Rút kinh nghiệm, lần này tôi làm khác. Thôi làm đơn xin rút khỏi Thanh Niên Cao Vọng Đảng, từ bỏ lãnh tụ Nguyễn An Ninh chuyển sang lãnh tụ mới, tên là Trần Bất An ;d

Kỳ kế hoạch năm năm trước lặp đúng sai lầm của Liên Xô Trung Quốc là quá tập trung vào các ngành công nghiệp nặng đòi hỏi nhiều tài nguyên ;p, lần này khôn ra rồi, khi xưa kế hoạch 100% chỉ đạt được 40%, nay các mục tiêu hạ xuống hết thật là thấp, thế quái nào cũng phải đạt được trên 80%, vớ vẩn còn trên 100%, tha hồ mà báo cáo hehe.

PS. trong quãng thời gian đã qua, tôi bỏ qua cho rất nhiều người về rất nhiều việc, thực sự là bỏ qua, giờ chỉ còn muốn nói với mấy cái bọn dở hơi (định nói là dở hơi mọi rợ nhưng đến giây cuối cùng thì đổi ý, khoảnh khắc bất ngờ hiền) thích nói năng cái kiểu "sẽ còn nhiều điều bất ngờ": ừa, sẽ bất ngờ đấy ;ppp

giờ đi ăn trưa hoành tráng hihi

Dec 13, 2010

Sách (XXV) Đây rồi ;p

Rình mãi mới túm được bạn này đây, quả này đừng hòng chạy thoát hehe, trắng trẻo nuột nà đen nháy ở những chỗ cần đen, lại còn có mấy đoạn phơn phớt hồng cực kỳ thanh nhã, kiều mỵ thướt tha và vô cùng nóng bỏng:

Tư liệu các công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII

Hoàng Anh Tuấn (biên soạn)

Nhà xuất bản Hà Nội

Cái "Tủ sách Thăng Long 1000 năm" mãi rồi cũng phải ra được vài nhát có giá trị :) Đây là thành tựu bước đầu của việc khai thác kho 9.000 trang tài liệu lưu trữ của Công ty Đông Ấn Hà Lan và Đông Ấn Anh. Phần rất quan trọng là nhật ký của các thương điếm Anh tại Phố Hiến và Kẻ Chợ, bên cạnh phần chính là tài liệu của các thương điếm Hà Lan tại Kẻ Chợ. Kiểu tài liệu này sẽ làm cho cái nhìn lịch sử khác đi đáng kể, không bị đóng khung vào cái nhìn truyền thống kiểu vòng 1 vòng 2 vòng 3 nữa, mà đã có thể chi tiết hơn hẳn về vụ những nốt ruồi nằm ở đâu có tính chất thế nào, mấp mô dài ngắn cụ thể ra sao và ra sao.

Tha hồ mà ấy nhá ;p

+ người thoát tục như tôi mà vẫn cầm lòng không đậu; mà vụ thoát tục cũng dễ bị nhầm lắm í, sáng nay ra đến sân, đồng nghiệp vừa nhìn thấy mặt đã hỏi ngay, sao trông buồn ngủ thế, thế mới đau :)

Dec 9, 2010

Marijuana il est bien (Manu Chao - Clandestino)

Một người như Michel Houellebecq có thể có vai trò như thế nào trong lịch sử văn chương Pháp? Một kẻ tầm phào, vớ vẩn, thời thượng, kích động, ưa khiêu khích (và khiêu dâm :d), thỉnh thoảng viết một câu buồn cười (thậm chí rất buồn cười), văn phong phẳng dẹt và đến cuối cùng lúc nào cũng u ám, có lúc còn nổ bùm một cái chết luôn (Plateforme), quanh quẩn những đề tài siêu thị du lịch lập trình thiếu tình yêu thế giới động vật etc. Thế nhưng đó là một cái nhìn đơn giản quá mức.

Tôi không hâm mộ văn học Pháp lắm đâu, các bác đừng tưởng bở í lộn tưởng nhầm :d Người ta hâm mộ, hình như thế, những gì ít biết. Ví dụ như tôi hâm mộ Cyrus Miles Hannah Montana Miles To Go mặc dù biết cả đời sẽ không nghe một bài hát nào của con bé ấy :) nhưng đó là nền văn chương (duy nhất, chắc vậy) có một khả năng kinh hoàng về tự gây trắc trở cho mình, cũng như năng lực luôn luôn controversial một cách thành thực.

Tại làm sao văn chương Pháp có nhiều gương mặt nhân văn sáng chói đến thế, trong suốt lịch sử? Voltaire, vầng, Hugo, vâng, Camus, dạ? Câu trả lời của tôi sẽ làm khối bác nhăn tít mặt suốt một tuần hehe: vì có những người như Michel Houellebecq đấy.

Mọi thứ chỉ nổi bật, sáng chói nếu có một cái nền đen tuyền, đen tuyệt, đen tuyệt vọng. Cách mạng à? thì đã có Joseph de Maistre phản cách mạng. Tiến bộ tri thức à? thì đã có Julien Benda phản tiến bộ. Alain Finkielkraut mà tôi mới nói tới trong mục Brand New Ones đó, cũng vậy luôn - người ta đã bắt đầu gọi Finkielkraut là một mécontemporain, giống như trước đây Finkielkraut từng gọi Charles Péguy là một mécontemporain, còn mécontemporain là gì thì các bác tự tìm hiểu nhá :) thóc đâu mà đãi gà rừng hihi.

Và Michel Houellebecq chính là Céline của thời hiện tại. Trong bài trả lời phỏng vấn vừa xong với Magazine Littéraire, Houellebecq đã khẳng định điều tôi nghĩ từ lâu (chắc trước đây Houellebecq cũng đã nói rồi, hoặc có người đã nói rồi, nhưng tôi chưa thấy), về sự kết nối tinh thần với Baudelaire. Baudelaire, Céline, rồi Houellebecq, các nhà văn s’en foutrent, đó là những cái nền đen tuyền để nổi bật lên Hugo, Camus, và Le Clézio (;p) (nhân tiện: trong một bài phỏng vấn khác, khi được hỏi về Le Clézio, Houellebecq đã rất táo tợn thẳng thừng: đọc chán chết, chưa bao giờ đọc hết nổi quyển nào của tay ấy cả).

Vấn đề này, một lần nữa, lại quay về cuốn sách lớn của Antoine Compagnon mang tên Les Antimodernes, khảo về một dòng âm tính của nước Pháp từ Joseph de Maistre cho tới… à… Roland Barthes :d Quyền năng âm bản hành hạ chúng ta, nhưng biết đi đâu để tránh? Chạy trời không khỏi nắng hic.

NB1. Đợt tới tôi định phân tích quá trình xâm nhập của văn chương Nga vào nước Pháp hồi cuối thế kỷ XIX: tại làm sao văn chương Pháp lại tiêu hóa nổi những Gogol, Tourguenev, Dostoievski và Tolstoi, những người thuộc một nền văn hóa mới trước đó không lâu còn là barbarian trong mắt “những người Pháp thoát thai từ La Mã vinh quang”?

NB2. Có một câu nói ác, bảo Camus là triết gia của học sinh cấp ba, và Cioran bảo văn chương Camus là thứ văn chương tỉnh lẻ :p (đồng thời Sartre chẳng có gì đáng quan tâm cả). Cioran cũng là một cục đen hiểm ác, cực hiểm ác.

Dec 8, 2010

Michel Houellebecq trên ML

Michel Houellebecq trả lời phỏng vấn (exclusif) tờ Magazine Littéraire số tháng Mười một 2010, người phỏng vấn là Joseph Macé-Scaron, từ lâu nay hay viết xã luận cho ML (tên với tuổi sợ nhỉ :p). Sau đây là trích vài câu.

Ông có bật cười khi các nhà phê bình miêu tả Bản đồ và vùng đất như là một cuốn tiểu thuyết hài không?

Không, như thế là đơn giản hóa quá mức. Tôi không chối rằng có nhiều đoạn buồn cười, nhưng đó không phải yếu tố nổi bật nhất của cuốn tiểu thuyết này. Có những đoạn như thế trong mọi cuốn sách của tôi. Cả trong cuốn này cũng vậy. Nếu quả thực đó là cái mà họ thấy là mới mẻ, thì họ không phải là những nhà phê bình giỏi, họ nhắm trượt đích mất rồi!

Trong những trao đổi giữa ông và Bernard-Henry Lévy, Những kẻ thù quốc gia [Ennemis publics], ông nói rằng trong những năm 1950, xã hội có thể chấp nhận một thứ văn chương bi quan, nhưng ngày nay một thứ văn chương như vậy đã trở nên gần như là dị hợm.

Thật thế, có một mệnh lệnh ngầm ẩn nhưng thường trực buộc người ta phải gây hy vọng, phải chuyển tới một thông điệp an ủi hay liên kết. Nếu từ chối tuân theo mệnh lệnh ấy, mọi thứ sẽ rất tệ. Tôi không thể không tính tới điều này. [...] Cuốn tiểu thuyết này [Bản đồ và vùng đất] chắc chắn là bi thảm hơn những cuốn trước đây. Anh nói tới văn chương lạc quan hay bi quan, nhưng theo tôi, chỉ có hai cách nhìn văn chương: lãng mạn và bi thảm. Phải biết rằng vì thiếu vắng lòng tin vào cuộc sống vĩnh cửu mà chủ nghĩa lãng mạn rơi vào một tình thế rất khó khăn. [...]

Nhân vật chính, Jed, hình tượng của nghệ sĩ đương đại, chuyển qua một loạt trạng thái khác nhau. Ở mỗi giai đoạn nghệ thuật lại có một dạng cách mạng, theo nghĩa Copernic của từ này, hình thành ở trong anh ta.

Cái gây nên sự chuyển từ một pha sáng tạo này sang một pha sáng tạo khác hẳn lúc nào cũng sẽ bí ẩn một cách sâu xa. Quả thực, tôi nghĩ, đôi khi, người ta không thực sự biết phải giải thích ra sao. Khi chuyển sang con người, Jed lại nghĩ cần viện tới hội họa. Điều này không phải là đơn giản bởi anh ta không biết vẽ. Tất nhiên là anh ta vẽ được, ta biết như vậy. Nhưng không hề rõ ràng anh ta biết vẽ sơn dầu hay gì. Trong đoạn văn đầu tiên tôi miêu tả một cảnh xảy ra giữa Jeff Koons và Damien Hirst, mà người ta sẽ tưởng là thật cho đến lúc nhận ra đó là một bức tranh của Jed. Tôi hoàn toàn có thể tiếp tục như vậy. Cũng đã có lúc tôi định để cho sự mù mờ bay lơ lửng tiếp vài trang nữa. Tôi rất thích dùng độ lệch nhẹ này làm đểm xuất phát.

[...] trong thơ thì có một cái gì đó khác. Nhưng tiểu thuyết là thể loại mà các xã hội của chúng ta cần. Một thời, đó từng là kịch, sân khấu. Giờ đây thế giới cần tiểu thuyết hơn sân khấu để tự tái hiện chính mình. Thơ thì vẫn luôn luôn ở cách xa những cái đó một chút.

Trừ hồi thế kỷ XIX?

Không, đó lại là chuyện khác. Thơ có lợi thế là không thể buồn cười được. Không có đủ chỗ. Tôi không hề tiến bộ được một chút nào so với những gì tôi từng viết về chủ đề này. Vậy nên tôi không hề muốn nói thêm điều gì cả.

Ở đoạn cuối của tiểu thuyết, người ta tự hỏi tiến trình nghệ thuật của Jed sẽ dẫn anh ta đến đâu... Độc giả có cảm giác về một dạng tan loãng trong quá trình sáng tạo.

Đoạn cuối chẳng hề vui. Jed Martin đã đi quá xa bản thân mình, anh ta có cảm giác đánh mất đi tầm quan trọng của mình, sự nhất quán của mình. Mặt khác, tôi vừa phát hiện, mới hôm qua, điều đã truyền cảm hứng cho tôi viết ra cái kết đó. Vì nhớ lại một cuốn sách đã đọc. Ở cuối Docteur Faustus, nhạc sĩ Leverkuehn, Thomas Mann viết, đã làm ngược lại đều Beethoven từng làm. Trong chương cuối Giao hưởng số chín, có một đoạn rất mạnh mẽ khi dần dần giọng nói con người hoàn toàn chiếm lĩnh mọi thứ. Thomas Mann lại làm chính xác điều ngược lại: giọng nói con người mất đi, mỗi lúc một yếu hơn, gần như không thể nghe thấy nữa, bị tiếng dàn nhạc đè bẹp. Miêu tả này đã truyền cảm hứng cho tôi. [...]

Nhan đề cuốn tiểu thuyết của ông như thể là một cái nháy mắt tới tác phẩm của Alfred Korzybski, Một tấm bản đồ không phải là vùng đất.

Korzybski thì chẳng thú vị đến mức đấy đâu. Câu của ông ta được dùng là vì nó đã có rất nhiều ảnh hưởng tới Alfred E. Van Vogt [tác giả khoa học viễn tưởng, rất được hâm mộ trong những năm 1940 và 1950]. Van Vogt bị ảnh hưởng vì ông ấy không biết các nhà tối giản nói chung. Nhưng Korzybski chỉ là một nhà tối giản, cái đó thì chẳng hề đáng kính trọng tẹo nào. Đây là dạng câu lưu truyền nhiều trong giới nghệ thuật. Các nghệ sĩ thích viết những câu làm họ choáng váng lên hoặc sang bên cạnh một bức tranh. Đó là một điều hay thấy. Khi Jed Martin tổ chức triển lãm, nó được đặt tên là "Bản đồ hấp dẫn hơn vùng đất". Đây là một thứ hay ho, chứ không chỉ là một dẫn chiếu tới Korzybski. Nói vậy thôi, anh ta thực sự nghĩ bản đồ hấp dẫn hơn vùng đất. [...]

Người đọc quên mất rằng Houellebecq nhà văn đang miêu tả Houellebecq nhân vật.

Phải bước lùi lại một chút để thấy rằng tôi tự thấy mình thú vị nhưng dù sao cũng chẳng đáng say mê mấy. (Cười). Không tới mức trở thành nhân vật chính hoặc viết Tự thú như Jean-Jacques Rousseau. Ở đây việc tìm ra được khoảng cách vừa phải là một trong những điều kiện khiến cho cuốn tiểu thuyết trở nên trôi chảy.

[...]

Ông có cảm thấy mình theo dòng Balzac không?

Vấn đề ảnh hưởng là một trong những vấn đề tế nhị nhất trong văn chương. Nếu hỏi tôi về những người tôi yêu quý, thì tôi dễ trả lời lắm. Nếu hỏi về ảnh hưởng thì mọi chuyện ngay lập tức trở nên phức tạp hơn rồi. Tôi không chắc liệu chúng có hiệu quả, có thật không. Nhưng đúng là tôi yêu thế kỷ XIX, có một sự tuôn chảy lớn lao tuyệt vời. Những ảnh hưởng thực thụ duy nhất là các tác giả mà ta cảm thấy có thể nhại được. Tôi có thể nhại Baudelaire, tôi nghĩ thế, vì đã đọc đủ. Hè năm nay tôi đọc Saint-Simon. Tôi choáng váng vì tính chất thời sự của ông. [...] Stendhal, không, tôi không tin điều đó. Balzac thì có thể, nếu tôi thực sự cố gắng. Ông truyền đi một ảnh hưởng thực thụ, vì mọi nhà văn đều tự ướm mình vào phương pháp của ông, vào tham vọng của ông. Balzac là người không bao giờ tự giới hạn mình.

Dec 6, 2010

Brand New Ones: Alain Finkielkraut


Không thể ngừng viết về Diệt chủng Do Thái

Các nhà văn, ngay cả những người còn rất trẻ ngày nay, vẫn không ngớt quay trở lại đào xới giai đoạn Thế chiến thứ hai, nhất là giai đoạn gắn liền với Shoah (Diệt chủng Do Thái) của Đức Quốc xã. Các sử gia và triết gia, nhất là triết gia Do Thái, cũng vậy. Đây là đề tài cuốn sách mới nhất của Alain Finkielkraut, một trong những triết gia quan trọng nhất của Pháp hiện nay: L’interminable écriture de l’Extermination (Viết mãi về Hủy diệt), Stock, 2010.

Viết ra nhiều tác phẩm triết học được nhiều người đọc, Alain Finkielkraut cũng là đích ngắm của vô số triết gia và trí thức khác, trong những cuộc tranh luận nảy lửa, có lúc lên đến đỉnh điểm vào năm 2002 khi nhiều tờ báo đồng loạt chỉ trích thái độ và tư tưởng của Finkielkraut; hồi đó Finkielkraut còn bị coi là thuộc về “những kẻ phản động mới”, theo cách gọi của Daniel Lindenberg.

Sở dĩ như vậy là vì nhiều người nghĩ Finkielkraut có thái độ chống người Hồi giáo, đặc biệt là ông luôn luôn tỏ ra ủng hộ nhà nước Israel, ngay cả vào những thời điểm Israel trong mắt đông đảo trí thức phương Tây là một mối nguy hại cho toàn thế giới. Sự xuất hiện với mật độ dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng (hằng tuần chủ trì chương trình truyền thanh mang tên Répliques trên đài France Culture và rất nhiều bài báo, trả lời phỏng vấn) cũng là một phần nguyên nhân khiến Finkielkraut bị tấn công không ngớt. Cùng những người như Alain Badiou hay Michel Onfray, Alain Finkielkraut là triết gia được biết đến nhiều nhất, một trong các “public intellectual” nổi tiếng, có thể nói là “phổ thông” nhất tại Pháp hiện nay.

Viết mãi về Hủy diệt tập hợp những cuộc nói chuyện mà Finkielkraut từng thực hiện với nhiều nhân vật khác nhau liên quan tới vấn đề người Do Thái bị diệt chủng. Những người có tiếng nói trọng lượng ở lĩnh vực này xuất hiện trong cuốn sách: Daniel Mendelsohn, Pierre Assouline, Henry Rousso và nhiều người khác. Chủ đề các cuộc đối thoại đi từ nhà nước Vichy thân Đức, trại tập trung Auschwitz cho tới vị thế của nhà nước Israel hiện nay, nhưng quan trọng hơn cả là các cuộc đối thoại về việc đọc tác phẩm của những người dính dáng và ảnh hưởng sâu đậm tới giai đoạn lịch sử đó, như Martin Heidegger, Paul Celan hay Carl Schmitt, cũng như các tác phẩm: Những kẻ thiện tâm của Jonathan Littell hay Những đao phủ tự nguyện của Hitler của Daniel Jonah Goldhagen, cuốn sách xuất bản năm 1996 của một giáo sư trẻ tuổi ở Harvard khẳng định sự tiếp tay cho tội ác diệt chủng từ phía những người Đức bình thường. Xuất phát từ các tác phẩm văn chương cũng là một cách thức mà Alain Finkielkraut thường xuyên sử dụng: năm 2009, ông đã cho xuất bản tác phẩm Un coeur intelligent (Một trái tim trí tuệ) đề xuất cách đọc của cá nhân ông đối với tác phẩm của các nhà văn như Milan Kundera, Philip Roth, Vassili Grossman…

Dùng lại cách nói của triết gia Leo Strauss chuyên nghiên cứu về chính trị, reductio ad hitlerum (đại ý người ta chỉ chăm chăm tập trung vào Hitler), trong Viết mãi về Hủy diệt, Alain Finkielkraut nêu lên một vấn đề: không phải người ta quên đi tội ác, mà người ta quên đi mất tất cả những gì còn lại bên ngoài đó; ký ức của châu Âu đã định chế hóa Diệt chủng Do Thái, khiến cho Shoah hiện diện ở khắp mọi nơi, và bất kỳ một sự kiện bi thảm nào xảy ra cũng đều được quy chiếu về sự bi thảm gây choáng váng nhất kia. Người Do Thái đã trở thành “những ông vua của nỗi bất hạnh”, trong khi lịch sử thật ra có nhiều điều bi thảm hơn như vậy. Từ đó mà có nhu cầu và nghĩa vụ nhìn rộng hơn, cũng như nhìn lại vấn đề Do Thái của Thế chiến thứ hai từ nhiều góc độ hơn. Finkielkraut cho rằng ký ức là điều nhất thiết, nhưng ký ức chỉ có nghĩa chừng nào nó đúng với lịch sử, ông “mơ đến một ký ức không cờ xí, không ngựa chiến, mà chỉ là một ký ức buồn tẻ, khiêm tốn, kín đáo, im lặng, hoặc không gây ra tiếng ồn nào khác tiếng những trang giấy mở”. Thế nhưng, Hủy diệt vẫn luôn luôn là một sự kiện đặc biệt, mà không một quan niệm, một câu chuyện nào có thể lý giải được hoàn toàn và xác quyết. Đây chính là nguyên do khiến người ta đã và sẽ còn không ngừng viết về Hủy diệt, bởi “một nền văn minh quên đi quá khứ của mình sẽ bị kết án phải sống lại nó”, như Finkielkraut trích lời George Santayana ở ngay đầu Viết mãi về Hủy diệt.

Alain Finkielkraut sinh năm 1949 tại Paris, có bố (người Do Thái Ba Lan) từng qua trại tập trung Auschwitz. Có thành tích học tập xuất sắc, ông nhanh chóng thu được những thành công lớn trong giới học thuật, hiện nay là giáo sư tại trường Bách Khoa Paris. Năm 1987, Finkielkraut xuất bản cuốn sách quan trọng của mình, La Défaite de la pensée (Thất bại của tư tưởng), trong đó ông đặc biệt phê phán thái độ của giới trí thức và chính trị quy tất cả mọi thứ về “văn hóa”, lấy “văn hóa” làm chiêu bài cho mình; trong khi văn hóa là cuộc sống cộng với tư tưởng, thì ngày nay những thứ không có tư tưởng gì cũng được gọi là văn hóa tuốt. Tổng cộng cho tới nay Alain Finkielkraut đã viết khoảng hai mươi cuốn sách, đi từ triết học thuần túy tới văn chương, chính trị, giáo dục, trong đó vấn đề Do Thái luôn luôn nằm ở trung tâm suy nghĩ của ông.

The show must go on


Hôm ấy, chúng tôi đang chơi trò cứu con tin trên khu đất trống gần nhà tù Carabanchel thì một chiếc ôtô phanh kít lại trước mặt chúng tôi, bánh xe nghiến ken két. Ngay tức khắc tôi nghĩ bọn họ đến bắt cóc chúng tôi, ăn cắp của chúng tôi hoặc mua chuộc sự im lặng của chúng tôi. Tôi bèn lẩn ra sau lưng Ngốc để đề phòng, bởi vì tôi ấy, tôi có bản năng sống hoạt động tuyệt vời lắm, thành thử trong các tình huống hiểm nghèo tôi luôn làm những việc cần phải làm để tự cứu mình. Cả lũ chúng tôi đứng ngây người ra: Yihad, Arturo Román, Paquito Medina, Tai To… Chỉ còn nghe tiếng Ngốc mút núm ti giả, lúc nào nó lo lắng là tốc độ mút sẽ tăng hẳn lên.

Giữa đám bụi bốc lên khi cái xe phanh lại, chúng tôi thấy như có một thằng lùn đang bước xuống đất. Hẳn là bạn hiểu mắt chúng tôi thiếu điều lồi ra khỏi tròng. Khi thằng lùn bước ra khỏi đám mây bụi, thì hóa ra lại không phải một thằng lùn mà là một thằng nhóc. Nó đứng đực trước mặt chúng tôi chẳng biết phải nói gì. Rồi một ông chui ra khỏi xe, chắc là bố nó, ông ấy nói với nó:

- Bố con mình mất cả buổi sáng để tìm nó rồi, không phải là để bây giờ con lại im tịt đi như thế chứ.

Cuối cùng thằng nhóc cũng mạnh dạn cất tiếng:

- Tớ tìm Manolito Mắt Kính.

Lũ bạn tôi đồng loạt chỉ vào tôi, còn Ngốc tháo ti giả khỏi miệng đưa về phía tôi. Bọn này cũng giống tôi, chúng nó cũng có bản năng sống rất cao cấp, đủ sức giao nộp người bạn thân nhất của chúng cho bất cứ kẻ nào, giao nộp cả người anh em của chúng nếu cần. Giống hệt tôi đối với thằng em tôi. Không phải là vì thiếu yêu quý nhau đâu, mà là là vì cái bản năng sống ấy trước hết khởi đầu từ chính bản thân mỗi người.

Mà xét cho cùng đâu có khó đoán tôi là Mắt Kính, vì tôi là đứa duy nhất trong nhóm có đeo kính.

- Tớ đã đọc một quyển sách về cuộc đời cậu, tên là Siêu Nhân Manolito, tớ có vài câu muốn hỏi cậu, thằng nhóc nói, rồi rút từ trong túi ra một tờ giấy.


Những câu hỏi của thằng nhóc như sau:

1. Tại sao cậu gọi Ngốc là Ngốc?

2. Cậu đeo kính từ bao giờ?

3. Có đúng là chưa ai bảo vệ câu khi thằng Yihad đầu gấu đánh cậu không?

4. Tên thật của Tai To López là gì?

5. Tại sao cậu gọi công viên là công viên Cây Treo cổ?

6. Tại sao bác Bernabé lại là bố đỡ đầu của cậu?

7. Tại sao Susana tên là Quần Xi líp Bẩn?

8. Có phải nhà máy xúc xích Oscar Mayer là của bố cái đứa học cùng lớp cậu không?

9. Tại sao cậu nói Tai To là một kẻ phản bội xấu xa khi nó là bạn thân nhất của cậu?

10. Cậu có thể giải thích rõ hơn một cái tát hẹn giờ là như thế nào không?

11. Ông cậu mua bộ răng giả đầu tiên khi nào?

12. Làm thế nào Jessica một thời rất béo lại gầy đi được?

13. Tại sao bố cậu không bao giờ có ở nhà?

14. Bác Luisa đã mua con Boni hay là tìm được nó trong một thùng rác?

Tôi xin dừng lại ở đây vì thằng nhóc mang tới ít nhất là năm mươi câu hỏi.

Thằng nhóc đó sống ở một khu phố khác và nó tới khu phố của tôi chỉ để xóa tan những mối ngờ vực khủng khiếp của mình, ừ thì cũng bởi vì một bà dì của nó sống ở Carabanchel nữa, nếu mà phải nói hết tất tật mọi thứ. Tôi bảo thằng đó tốt hơn hết là nó đi mà đọc tập đầu trong bộ tiểu sử của tôi rồi thì nó sắp sửa được đọc tập ba rồi, nghĩa là tập này đấy. Tôi cũng nói có những câu hỏi mà tôi hay bất kỳ ai cũng không thể giải đáp được, ví dụ: tại sao Susana lúc nào cũng mặc quần lót bẩn, bởi câu này thuộc vào thể loại vấn đề ngay cả các nhà khoa học trên thế giới cũng không biết trả lời ra làm sao. Yihad thì ghen tị đến tím cả người vì lần này tôi bỗng thành nhân vật chính của câu chuyện, nó nói với thằng nhóc kia:

- Chẳng ai tự dưng lại đi đọc hết các truyện của thằng Mắt Kính cả, tao thì chỉ nhìn thấy cái mặt mẹt của nó thôi là đã chán hết cả người rồi.

Thằng nhóc hỏi ngay:

- Yihad đấy phải không?

- Làm sao mà cậu đoán được thế? Tai To hỏi, đầu óc nó hoạt động hơi chậm chạp.

- Còn cậu là Tai To.

- Cậu đoán tài như thánh ấy! Tai To nể lắm.

Tôi tin nó vẫn chưa hiểu tại sao chúng tôi lại gọi nó là Tai To.

- Cái cậu mặc áo đội Rayo Vallecano kia là Paquito Medina, thằng nhóc tài thánh nói tiếp.

Ngốc há miệng rộng ngoác vì nó phục lăn, thành ra cái ti giả rơi xuống đất. Nó nhặt lên chùi vào quần tôi rồi nhét lại vào mồm.

- Còn đây, Manolito ạ, là em trai cậu, tức…

- Bé em, Ngốc ngắt lời ngay.

Ngoài tôi ra, nó không thích ai khác gọi nó là Ngốc, tôi thì có thể vì tôi là anh và thủ lĩnh của nó.

- Thế kia là ai? Thằng nhóc chỉ sang Mù Tạt.

- Đấy là Mù Tạt, bạn mới từ lâu của tớ. Trong quyển này sẽ có hẳn một chương viết về cậu ấy.

- Cái thằng Mù Tạt này chơi trội thật, mãi nó mới xuất hiện mà bây giờ lại thành nổi nhất, Arturo Román càu nhàu.

Thằng nhóc tài thánh đã hiểu ra thằng vừa nói là Arturo Román, vì lúc nào nó cũng càu nhàu về đủ mọi chuyện. Nó bảo nó rất muốn gặp ông tôi để xem ông có buồn cười đúng như tôi đã kể hay không, rồi để biết có phải bộ tóc giả của bác Bernabé có thể trông thấy rõ từ xa như tôi nói không, và kiểm tra xem bác Luisa và Boni (con chó của bác ấy) có giống nhau như hai giọt nước hay không, những cú đét của mẹ tôi có thiện nghệ hơn những cái đét của mẹ nó không, nhất là nó sẽ cực kỳ thích nếu đến đêm được bố tôi cho lên chiếc xe tải to Manolito rồi bật hết đèn pha nhấn còi hết cỡ. Nhưng bố thằng nhóc bí ẩn đã từ xe ôtô hét lên là muộn giờ đến nơi rồi. Trước khi đi khỏi, nó bảo tôi:

- Trong quyển sắp tới, để mọi người không bị rối tinh rối mù, cậu nên làm một danh sách tất cả các nhân vật và giải thích rõ họ là ai. Chào nhé anh bạn.

Ông bố đánh xe tiến lại gần chỗ chúng tôi, lại làm bốc thêm một đám bụi nữa. Người bạn không quen biến đi vào làn khói và chiếc xe rồ máy chạy đi nhanh tới mức nhiều lần chúng tôi đâm ra nghĩ rằng đó là một sự hiện hình siêu nhiên, một trong những hiện tượng bất thường rất hay xảy ra ở Carabanchel, khiến cho các nhà nghiên cứu râu rậm trên cả thế giới đổ xô về khu phố của chúng tôi.

Nhờ người bạn không tên, tôi nhận ra là từ khi kể lại chuyện đời mình tôi có thêm cơ man nào là bạn mới, nhiều hơn tôi từng có thể tưởng tượng, ngay cả khi tôi chưa hề nhìn thấy mặt họ và cũng không biết tên của họ.

Tôi đã viết ra cái danh sách mà cậu ta đề nghị. Paquito Medina giúp tôi và nói cái đó người ta gọi là “cây phả hệ”, rằng đó là cái mà những người quan trọng trong lịch sử vẫn hay làm, như các ông vua hay những người giống như tôi.

Ở nhánh dành cho bạn bè, có một chỗ còn để trống cho bạn đấy, để bạn viết tên bạn và vẽ hình hoặc dán một bức ảnh nhỏ vào. Châm ngôn của tôi là: bạn tốt nhất là những người ta còn chưa biết.

1. Khởi đầu của thời gian

2. Vài năm sau. sau khởi đầu của thời gian…

3. Một chiếc Manolito bốn bánh.

4. Tôi và đức vua trong nhà.

5. Luisa, bố đỡ đầu Bernabé và Boni, với họ nó gần như là một đứa con gái, và với tôi gần như một người chị họ.

6. Nicolas chú tôi và cô vợ chưa cưới người Oslo của chú.

7. Tai To López bạn thân của tôi, một tên phản bội xấu xa với những vấn đề thuộc về xã hội học của nó.

8. Yihad, một thằng gấu biển rất bí hiểm.

9. Susana Quần Xi líp Bẩn, một hồ sơ X.

10. Mù Tạt, nha sĩ nhà hát.

11. Paquito Medina, vương quốc của nó không thuộc về thế giới này.

12. Chính bạn.

13. Cô Asunción, hiệu trưởng trường Nhà Tù nơi tôi học.

Dec 2, 2010

Sách (XXIV) Tình thương nỗi nhớ

Gieo rắc một ít tình thương nỗi nhớ nữa nhá ;p


úi xời ơi vẫn chưa hết


và vẫn chưa hết (đố các bác đoán được cái quyển bọc họa báo hình quảng trường đỏ là quyển gì đấy ;d)


Chơi trò câu đố văn học sử nhá, tôi sẽ đố một câu cực hiểm cho cái bác Goldmund quên khẩn trương chuyện lại trả lời được đi hehe: bài tùy bút "Mơ Hương Cảng" của "hùm xám" Vũ Khắc Khoan (bài chứ không phải cả quyển mang cái tên đó nhé) xuất hiện lần đầu tiên ở đâu? Câu này khó đấy nhá, tôi mới biết có mỗi một bạn sở hữu trọn vẹn được cái đã đăng bài đó, mà bạn ấy có được cũng là nhờ công cò mồi của tôi :)))

Và nữa:

đây

đây

đây

the show must go on, right?

Larbaud


Giờ với Hình Tượng

Valery Larbaud

Tặng Francis Jourdain

---------------

Valery Larbaud (1881-1957) là một trong những nhà văn quan trọng nhất của Pháp đầu thế kỷ XX, thuộc những người chủ chốt của tờ tạp chí Nouvelle Revue Française xung quanh André Gide; tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông mang tên Barnabooth (1913); ông cũng tham gia dịch Ulysses của James Joyce; truyện ngắn dưới đây được rút từ tập Enfantines (1918). Nếu tôi mà có nhà xuất bản riêng, Larbaud sẽ là nhà văn đầu tiên tôi cho vào collection mang tên “Elegance” :d Ở Việt Nam đã in ít nhất một bản dịch tác phẩm của Larbaud, đố các bác một phát nhể ;p

---------------


Buổi chiều đầu tiên đẹp trời đã cắm trại trong vườn và cắt cử một tia nắng leo lên mỗi cửa sổ để canh gác. Có thể hình dung thấy đường viền của má hồng, một cái nhìn xanh biếc, một cô chị gái tóc vàng cúi người xuống trong ánh sáng ngược. Thế nhưng không được quay đầu ra cửa sổ. Không được nhúc nhích. Thậm chí là không được nhấc một ngón tay lên. Cái đồng hồ treo bên trên lò sưởi chỉ năm giờ năm phút. Ông Marcatte đã muộn năm phút; dấu hiệu tốt đây. Giá như mà thêm một lần nữa ông lại bỏ buổi dạy… Hoặc giả giá như năm giờ rưỡi ông mới tới: sẽ chỉ còn phải học nửa giờ ký xướng âm nữa mà thôi. Không được nhúc nhích: một cử động nhỏ nhất cũng có thể làm ông đến: cần phải để cho số phận được toàn quyền: một cử động nhỏ nhất cũng có thể làm lùng bùng một rắc rối ở đâu đó. Cứ ngồi yên trong ghế bành, hướng thẳng mặt vào lò sưởi. Và im lặng. Giống như cây đàn piano mở sẵn và quyển vở khép lại, trên bìa là hình cậu bé Mozart lên dây chiếc đàn violon…

Năm giờ bảy phút… Ôi! nhanh nữa lên nào, Thời gian ơi, nhanh nữa lên nào. Mười ý nghĩ nhỏ bé chạy lên bíu lấy cái kim lớn cố sức làm cho nó đi xuống nhanh hơn một chút về phía cô em gái của nó đang đợi sẵn tít bên dưới, giữa số V và số VI… Khuôn mặt có cặp mắt xanh lơ, và cái bóng má hồng tóc vàng bên cửa sổ, thảy đều bị xóa nhòa; và bầu trời nghiêm nghị của buổi chiều đang tan loãng thành từng mảng trắng trong những cái gương, những cửa kính và những đồ đạc đánh xi bóng. Và một thằng bé con, ngồi trong ghế bành, đợi ông thầy dạy ký xướng âm. (Một cái tủ kêu cọt kẹt.)

Ông ấy sẽ bấm chuông cửa. Đây đang là nửa phút chuẩn bị để đón ông ấy; để từ biệt những suy nghĩ dịu dàng và ấm nóng đến thế, mà ta đang nghe thấy… Năm giờ mười lăm phút. Một góc tù đã trở thành một góc nhọn, và giờ đây cái kim to sẽ phải đi xuống nhanh hơn bởi nó đã có độ nghiêng lớn hơn. Chắc chắn nó sẽ phải đi xuống nhanh hơn rồi (người ta có nghĩ tới điều ấy khi làm ra cái đồng hồ chăng? hoặc giả người ta đã lắp một cái phanh làm kim lớn đi xuống cũng chậm ngang như là khi nó đi ngược lên trên mặt đồng hồ ở bên kia số VI?) Ông ấy có thể đến vào bất cứ giây nào: mười lăm phút muộn giờ thì có là gì; hai mươi phút thì đã nghiêm trọng hơn: khi ấy cơ may có được một tiếng đồng hồ trống rỗng và tự do sẽ tăng lên. Đó là một tiếng đồng hồ bồng bềnh, từ Pornic tới Noirmoutier: năm giờ là bến đã biến mất: năm giờ rưỡi sẽ là giữa biển, nơi một mặt trời trắng lóa vỡ tan ra trên tấm thủy tinh đen phồng lên xẹp xuống, trong khi ý nghĩ cứ tìm cách tóm lấy khoảnh khắc lúc ta đang ở chính giữa cuộc hành trình. Một tiếng tự do, có thể - nhưng trống rỗng: không có trò chơi nào… Không được nhúc nhích: một cử động nhỏ nhất cũng sẽ làm tròng trành con thuyền mà một thằng bé con đang dồn hết sức lực để chèo từ năm giờ đến sáu giờ, trên đại dương thời gian.

Thật may mắn, để chống lại nỗi buồn chán, đã có Hình Tượng. Dễ tìm được nó lắm, nếu mà biết. Nhưng đứa trẻ là người duy nhất biết. Chỉ nó từng nhìn thấy Hình Tượng trong các đường vân đá của lò sưởi: một Hình Tượng dài nghiêm túc và trẻ trung, nhẵn nhụi, cặp mắt thật sâu, trán hẹp, một nửa bị che khuất dưới vành lá. Cái miệng nhỏ màu đen mở hé. Hé nhiều hơn so với lần trước, có lẽ vậy. Giá mà Hình Tượng biết nói! Bằng một giọng thật nhỏ không sao mà tưởng tượng nổi, một “giọng nói của đá”, hẳn là thế. Không, nó chỉ im lặng… Hình Tượng, chúng ta hiểu nhau không cần lời nói. Ta giữ bí mật của người, hỡi ông hoàng thần diệu; ta chưa từng nói cho ai biết là có một Hình Tượng trong những đường vân đá lò sưởi; và ta đã ngăn người khác nhìn về phía người. (Nhưng đám người lớn thì có biết nhìn gì đâu, thật là may.)

Hỡi Hình Tượng cao quý, khi nào thì sự thần diệu của người mới chấm dứt? ngày mai hay có lẽ một tháng nữa, hay một năm nữa. Khi ấy sẽ là đêm, hẳn vậy. Thời gian của người sẽ chấm dứt; người sẽ rời khỏi lò sưởi, và ngày hôm sau, thế vào chỗ của Hình Tượng, sẽ không có gì khác ngoài màu xanh lục thẳm sâu của đá và những đường viền vàng của nó, cái thứ chữ viết mà con người vẫn còn chưa học được cách đọc.

Trong khi chờ đợi, hỡi Hình Tượng, hãy tới ngồi đây trên con thuyền nhỏ của ta. - Đã có người bấm chuông! Cửa sắp mở, và ông Marcatte cùng món ký xướng âm sẽ bước vào cùng mùi thuốc lá và những bàn tay già nua của họ, cả những cái móng tay dày khộp nữa, những móng tay cong lại và ám xỉn vì hút thuốc. Mọi ý nghĩ nhỏ bé đều chạy trốn, và con thuyền thiếu điều thì đảo điên, và Hình Tượng hòa lẫn vào với các đường vân đá… Báo động giả thôi. Cửa đó là cửa dành cho gia nhân.

Hình Tượng, quay trở lại đi; nào ta cùng nhau đi dạo trong rừng. (Thật là lạ, cái quyền năng tưởng tượng ra khu rừng, như thể là ta đang ở đó, trong khi vẫn còn ở đây, trong ghế bành; cần phải để tâm tới điều này, dõi theo ý nghĩ này. Nhưng các lối đi trong rừng thì vui hơn nhiều. Thế là một ý nghĩ nhỏ bé vụt đến, như một chú ong, bay vo ve ở ngay cửa tổ; tìm thấy lối vào đang đóng; rồi bay tới chỗ những bông hoa.) Một con tàu làm bằng ý nghĩ đi đến đất nước tên là khu rừng, mang theo Hình Tượng cao quý đội vành hoa trong một cái rương thật quý làm bằng ý nghĩ.

Đến nơi rồi; ta phải hỏi lối vào bến cảng của những tán lá; ta phải vạch những cành cây đầu tiên; ta dấn sâu vào màu đen lục biếc. Ta gặp một ánh nắng đơn côi. Ta đi theo lối mòn chứa cả nghìn bí mật. Ta đi ngang qua con đường lúp xúp bụi cây nơi chỉ nhìn thấy được những lá và lá, và bên trên những chiếc lá, một con đường màu xanh lơ giống hệt con đường màu hồng của khu rừng, và đó chính là con đường màu xanh lơ của bầu trời. Không gì nhúc nhích trong làn ánh sáng bất động, ngoại trừ, nơi xa xa kia, cây dương nhỏ bé lên cơn rùng mình ngay giữa trưa - hay đó là để ra dấu hiệu, biết đâu? Thêm một lần nữa ta lại lặn sâu vào bóng tối và dưới những cành cây nơi mặt đất khô, bên dưới đám cỏ nóng, vẫn trung thành lưu giữ các dấu vết xưa của bánh xe, từ mãi năm nảo năm nào hồi người ta đốn cây (khi ấy người ta đã nhìn ra được hình dạng ngọn đồi). Và đột nhiên ta đã ở dưới những cây thông, đội vệ binh hoàng gia của rừng, bất động và cao vút, với những cờ xí màu đỏ và vàng.

Nhưng đã tới rồi cái lối đi mà chưa từng bao giờ ta cả gan đi cho đến tận cùng, cái lối đi sẽ dẫn tới, ngay đoạn ngoặt âm u nhất, một dòng suối gần như bị bỏ quên và không có tên, thứ nước màu nâu chảy lững lờ dưới một tấm mái lá cây đan kết chằng chịt, được nó buồn bã soi bóng phản chiếu. Xa hơn nữa ta bắt gặp một lối đi có lẽ là dẫn sang một quãng trống nằm dưới quyền chiếm giữ của một quốc gia cúc gai khổng lồ khủng khiếp. Rồi tiếp đó là một cánh đồng có cái đầm ven bờ bắc hai tấm ván cho các bà các cô giặt quần áo. Sau nữa, là khoảng cây cao nơi sinh sống của duy nhất một con chim lớn buồn thảm đột nhiên cất cánh với tiếng ồn giống hệt cánh cửa tủ mở ra! Và ngay gần đó, một bữa nọ, ta nhìn thấy một cái rương sắt đan, cạnh một cái bẫy sói, và khi cúi mình xuống cái rương, ta thấy một con mèo ghi mắt xanh như mắt trẻ con chạy tới chạy lui. Rồi đột ngột ta đã ở rìa khu rừng, bên bờ con suối lớn, bờ bên kia là đã bắt đầu cánh đồng cỏ và mặt trời, và ta nhận ra nếp gấp của ngọn đồi, và ta thấy trên cao kia một góc mái của ngôi nhà. Lối đi dẫn xuống dưới, mở rộng ra, lại xuống nữa trong khi một cành cây cuối cùng vẫn cố níu giữ ta lại; chừng nào đi qua được cây cầu gỗ nhỏ, là coi như chúng ta đã thoát ra khỏi Vương quốc Cây cối.

Hình Tượng, Hình Tượng cao quý, trong khi chờ đến giờ khắc được giải thoát, ta hãy cùng nhau làm một cuộc hành trình khác vào trong những lục địa của mặt trời đang lặn: cái bầu trời bên trên khu vườn giống như là bản đồ một thế giới khác hẳn, màu xanh lơ điểm sắc vàng…

Sáu giờ kém mười - thoát rồi! Ông Marcatte sẽ không đến. Giờ thì đã có thể nhúc nhích: mang con thuyền xuống; nháy mắt thật khẽ chào tạm biệt Hình Tượng vẫn ở nguyên trong đá, hơi buồn và một chút sững sờ, cái miệng he hé mở; và lặng im đặt con thuyền trong suy tưởng vào cái cảng cuối cùng cũng tới được… Giờ đây chúng ta đã ở bên ngoài bóng tối và bên ngoài hiểm nguy. Một con chim nhạn rỉa bộ lông sau vòng lượn…

Nhưng ở tận sâu của đá, Hình Tượng vẫn chờ lúc kết thúc sự thần diệu của mình. Nó sẽ còn chờ nữa chừng nào chúng ta hai mươi tuổi; và những đứa trẻ sau chúng ta rồi cũng sẽ phát hiện ra nó.

Dec 1, 2010

Brand New Ones: Enrique Vila-Matas

"Paris không bao giờ kết thúc"

“Nếu bạn may mắn được sống ở Paris trong tuổi thanh xuân, thì cho dù có đi đâu trong suốt đường đời còn lại, Paris vẫn ở trong bạn”, Hemingway đã viết như vậy; điều này đã được nhiều người công nhận, trong số đó có nhà văn Tây Ban Nha Enrique Vila-Matas.


Sức tưởng tượng mãnh liệt của một số nhà văn khiến cho độc giả của họ buộc phải xen lẫn niềm sung sướng phấn khích của sự đọc với niềm bối rối vì thường bị đặt ở điểm hội tụ chênh vênh giữa sự thật và hư cấu. Tiểu thuyết Paris không bao giờ kết thúc (Paris no se acaba nunca) của Enrique Vila-Matas mở ra với sự kiện nhân vật xưng “tôi” đến Key West, Florida, để tham gia cuộc thi chọn người giống Hemingway nhất. Và Ernest Hemingway ngay lập tức được miêu tả như là thần tượng thời tuổi trẻ của một nhà văn mới vào nghề, cũng sống ở Paris. Rất nhiều đoạn trong hồi ký Hội hè miên man của Hemingway được Vila-Matas trích dẫn thẳng vào tác phẩm của mình - đến nhan đề Paris không bao giờ kết thúc cũng lấy cảm hứng từ tên cuốn hồi ký của Hemingway (ở Pháp, cuốn sách được đặt tên là Paris est une fête, có nghĩa Paris là một bữa tiệc).

Thế nhưng trò chơi văn chương của Vila-Matas trong cuốn tiểu thuyết chưa dày tới 300 trang này phức tạp hơn một sự sùng kính đơn thuần. Lồng vào cốt truyện thời tuổi trẻ là một cuộc hội thảo mà nhân vật chính về già đang chuẩn bị, đề tài là sự mỉa mai; Hemingway sẽ đến lúc bị phê phán, nhà văn lớn bị so sánh với một kịch sĩ giỏi, làm người ta vui sướng hân thưởng các màn diễn khi đang có mặt trên sân khấu, nhưng chỉ cần khán giả đi ra ngoài hút một điếu thuốc xong là mọi quyến rũ tan biến. Thêm nữa, mặc dù nhiều sự kiện tiểu sử là có thật, như việc Vila-Matas hồi ở Paris trong những năm đầu thập niên 1970 thuê căn gác xép của Marguerite Duras để sống, nhưng những câu nói của Duras rõ ràng là đi theo một sơ đồ mà Vila-Matas tạo lập chứ không thể chắc là có thật.

Trò chơi hòa quyện sự thật và hư cấu này lên tới đỉnh điểm ở tiểu thuyết mới nhất của Vita-Matas, Dublinesca (2010), khi nhân vật chính, một nhà xuất bản văn học kiệt sức và chán chường với một thế giới coi thường văn chương đích thực, gặp gỡ và giao thiệp với hết nhà văn lớn này đến nhà văn lớn khác. Chỉ sức mạnh của ngôn từ và nét đặc biệt của tài năng văn chương mới thuyết phục được độc giả đi theo một mạch truyện lắt léo, thường trực qua lại giữa câu chuyện và những trích dẫn tác phẩm văn học, nhất là từ Ulysses của James Joyce. Ngay từ một trong những tác phẩm sớm sủa, cuốn tiểu thuyết Cái đọc sát nhân (La asesina ilustrada, 1977), Vila-Matas đã bộc lộ một khuynh hướng “fantastic” đượm mùi cay đắng và châm biếm.

Enrique Vila-Matas, theo tôi, cùng một nhà văn khác cũng sinh năm 1948, Alberto Manguel (gốc Argentina, quốc tịch Canada), đang chứng tỏ cho độc giả cả thế giới thấy rằng những cuộc phiêu lưu ngôn từ và phiêu lưu xuyên qua những cuốn sách của nhiều thế kỷ có thể kỳ thú đến thế nào, và văn chương hiểu theo nghĩa nguyên khối, toàn vẹn vẫn tồn tại đầy sức sống. Với số lượng tác phẩm đồ sộ (The Dictionary of Imaginary Places - Từ điển địa danh tưởng tượng, nhất là A History of Reading - Một lịch sử về đọcThe Library at Night - Thư viện ban đêm), Manguel đang tiếp sức cho Jorge Luis Borges (mà ông từng đọc sách cho nghe trong giai đoạn Borges bị mù) ở một cuộc chơi kỳ khu - nơi sách vở lớn hơn cuộc đời.

Tôi nghĩ rằng trong văn chương các nước phương Tây luôn luôn có những nhà văn thực hiện công việc nối kết lịch sử với thời sự, quá khứ với hiện tại, và sự kết nối ấy còn là xuyên biên giới, trong một nền hư cấu đậm đặc tính chất đan cài, truyền thừa. Enrique Vila-Matas là một nhà văn như thế, và lớn tuổi hơn ông một chút thì có những người như Italo Calvino, Claudio Magris ở Ý hay cùng độ tuổi với ông thì Julian Barnes ở Anh và Alberto Manguel. Họ làm cho văn chương xuất chúng “không bao giờ kết thúc”.

Rác rưởi là thứ bất diệt

Văn chương, ngoài các chức năng như là giáo dục, thẩm mỹ, với cả cái gì nữa trong tam giác vàng chúng ta vẫn học thời thiếu sinh quân í nhỉ mình quên béng nó mất rồi, chữ thầy (Túc) lại trả chữ thầy (Túc) hic, rồi các chức năng như là hổn hển nhễ nhại, đánh bóng mạ kền, ỏn ẻn thảo mai, tuổi xanh tuổi hồng, còn có một chức năng nữa: nói ra chân lý. Nhiều nhà văn viết ra nhiều chân lý đến mức ngạt cả thở. Điều này, nếu muốn tìm hiểu kỹ, thì phải đọc lại Virginia Woolf, nhưng tôi tìm mãi mà không thấy cái quyển tập VI của bộ Selected Essays của bà ấy, rất chi là khó tìm ra cái gì in this big mess :)

Văn chương thở ra các thứ chân lý như là "mùa hè thì nóng, mùa đông thì lạnh", "phượng hoàng tái sinh từ đống tro tàn" hay "cuộc đời vui lắm buồn sao nổi" (hí hí), hoặc như thế này (tác giả là Ivan Klíma): "Rác rưởi là thứ bất diệt". Ở đây nói nốt í nhỏ này: mỗi lần nghe thấy cái tên Ivan là mình lại muốn lăn ra cười. Hình như ngày xưa có bác gì tên là Ivan Cudơnhétxốp rất được lòng chị em Việt Nam suốt một thời thì phải.

Như vậy là Tình và rác của Ivan Klíma đã in xong (Bạch Phương dịch, Bách Việt & NXB Văn học). Chờ mãi đấy, thật là may vì đợt trước lười quá mới chỉ đọc Judge on Trial. Các bác để yên cho mình đọc truyện lấy tí therapy nhá :)

Sau đận này khéo mà thành nhà văn thì chết dở chứ chả chơi. Hic công bao nhiêu năm tu luyện để cưỡng lại khéo mà thành công cốc.

Nhưng các bác cứ yên tâm, sẽ rất nhiều sex :pp