Jun 2, 2012

Hà Nội, 1949


Trích từ Vũ Bằng, Văn hóa… “gỡ”. Những tác phẩm mới phát hiện của nhà văn Vũ Bằng, Võ Văn Nhơn sưu tầm và tuyển chọn, NXB Phụ nữ.

“Thế thì tiền đâu cả? Không ai biết. Nhưng cái tiệm khiêu vũ thứ nhất được phép mở từ khi nổi lên khói lửa đến giờ, cái tiệm khiêu vũ thứ nhất mà khánh thành thì bao nhiêu bàn đều có khách kéo nhau vào nhảy. Ả áo hồng nhảy theo điệu kèn xanh. Anh áo xanh nhảy theo bản nhạc hồng.”

[…]

“À. Tưởng là người ta phản đối khiêu vũ. Không phản đối thì không cần. Một, hai, ba. Một, hai, ba. Lớp nhà giầu cũ tàn rồi, một lớp nhà giầu khác nổi lên. Có bao nhiêu điều phải học? Khiêu vũ trước nhất này. Thứ nhì, mạt chược này. Thứ ba, ăn cơm tây này. Bao nhiêu điều cần phải soạn thành sách để dạy người ta, thì báo không nói đến. Thơ khóc lóc tràn ra. Chánh trị cứ ngấy lên đến cổ. Văn hóa khặc khừ, ốm dở: hiệu sách chỉ còn chén về môn sách cũ. Một đứa trẻ khóc hai ngày để xin mẹ hai chục bạc mua một quyển sách dạy về toán pháp. Đại đa số người yêu nước cũng ngồi khóc tu tu. Thơ nhớ nước hòa vào nước mắt, nước mắt hòa vào thơ nhớ nhà. Tiêu cực, chỉ trông cậy ông trời là ổn nhất. Triệt để tin tưởng vào số mệnh! Thêm một vài ông lấy tử vi, xem giò, bói dịch và coi tướng tay xem hạnh phúc chung thân, đắt năm chục một quẻ mà rẻ cũng hai mươi nhăm đồng.”

[…]

“Sĩ, nông, công, thương đều lo cho nước độc lập và thống nhất. Thế thì còn gì hay hơn? Nghe nói Cựu hoàng hôm 24 đã đáp máy bay về rồi thì phải. Người ta chạy như đèn cù. Tháng 3, 1949 tự nhiên nhảy một cái vào lịch sử. Thật, từ 1946 đến giờ, chưa có một tháng nào mà chánh trị lại có vẻ sầm uất đến thế. Lại một phen báo chí tha hồ mà tranh đấu. Thương nhớ lắm. Yêu nước lắm. Mà chạy lắm. Mỗi số in có đến ngót nghìn tờ. Dân chúng thích những cái gì hùng mà tợn.”

[…]

“Năm nay, một ngày đầu tháng tư đi vào chùa không thấy Phật, nhớ đến bạn, tôi thấy khổ trong lòng đáo để.”

[…]

“Xưa nay những bậc triết nhân quân tử, thường có nhiều điều tự mình biết mà không thể truyền bá ra được, cũng tức như ông thầy thuốc biết rằng bệnh trạng nguy mà không dám nói cho bệnh nhân biết vậy. Phật tổ cũng thế: chắc trong ý riêng vẫn biết rằng linh hồn sau khi tịch diệt rồi là vào cõi tịch mịch hư vô, chứ chẳng phải nơi thiên đường cực lạc gì; nhưng không hề thuyết minh cho ai biết bao giờ là sợ có kẻ chưa thoát sạch trần tục, nhân thế mà ngã lòng tu chăng.”

[…]

“Thế sao lại bảo rằng ông Bảo Đại lần này lập chính phủ hết sức chuyên chú chọn lấy những người có tài đức để ra làm việc nước?

- Đã đành. Nhưng mình cứ làm như mình có tài có đức thì cũng đủ chơi với đời. Vả chăng, cứ có chỗ đã, rồi đi học để cho có tài và có đức, cũng hãy còn kịp chán.”

[…]

“Trong khi đó, người ngoài phố, kém biện chứng, chỉ vận động có một thứ là tiền mà thôi. Nghề gì kiếm tiền cũng khó khăn, hình như người ta chỉ còn thấy có ba ngành này chưa gãy: văn hóa kiếm hiệp, phong thần, in từng tập bán một đồng, mua một biếu một; nghề gánh nước thuê, và kỹ nghệ bán đồ giải khát, nước cam, nước chanh, nước gạo, kem que, kem đĩa và kem cốc.”

[…]

“Tháng năm năm nay, ở thủ đô, đã chứng kiến một cuộc thi chia rẽ hơn cả bao giờ hết. Quốc gia không đi với quốc gia. Đồng bào rình thịt đồng bào.”

[…]

“Thằng dân trơ cái xác, nhưng các chính khách thì vẫn phê pha đồng tiền. Ngày xưa, đức Khổng Tử đi chu du thiên hạ để tìm một nước dùng tài mình trị thiên hạ. Bây giờ, thế giới tiến hơn, người ta bỏ tiền ra để ngoại giao lấy một chỗ chén, thì cũng là một quan niệm chánh trị giống nhau chứ gì! Thế mà nghe đâu có đảng gồm có những ông lang, bào chế, thông tín viên và vân vân và vân vân, bỏ ra những một triệu để vận động mấy chỗ ngồi trong chính phủ! Đại hi sinh!”

[…]

“Như chúng ta đã biết, Phật chỉ có một mà thôi. Nhưng mấy ông tu hú lại muốn chia làm hai - vì chia như thế cũng có… ăn. Ai cứ tưởng đi tu (dù là tu nhà hay tu chùa) mà không ăn là lầm. Ăn mặn là ăn, ăn chay cũng là ăn; ăn xôi là ăn; ăn cướp cũng là ăn; ăn bơ, phó mát là ăn, thì ăn trợ cấp, quỹ đen cũng là ăn.”

[…]

“Trí thức đấy, và có cả mũ chuồn đai bạc đấy. Có khác gì những tên nô lệ ở trong những chợ người nước Hy Lạp xưa không?”

[…]

“Một nghề mới xuất hiện: buôn chánh trị. Ngoài ra chả buôn gì ăn thua. Hơn cả mấy tháng đầu năm, bao nhiêu ngành buôn khác đều gần như tê liệt. Gạo, nghe thì về cứ ùn ùn. Nhưng giá bán ở ngoài phố bảy trăm lên hơn tháng trước ngót một trăm một tạ. Thế cái nghĩa lý gì?”

[…]

“Hoan hô đại đoàn kết. Nhưng đến tận bây giờ, những đảng quốc gia, chân chính và không, vẫn chưa thấy lập thành một mặt trận quái gì cho ra hồn. Chỉ bới xấu nhau là… mả. Anh này bảo anh nọ là mật thám. Anh này bảo anh kia là Việt gian. Anh kia bảo anh này là quá khích. Chẳng ai tin ai. Chẳng ai thương xót ai. Chẳng ai dám cộng tác với ai.

Triệt để chia rẽ. Cương quyết ích kỷ. Quyết tâm phụng sự… tiền tài và thế lực dưới sự lãnh đạo mờ ám của quỷ Sa Tăng. Nhưng được một điều làm cho ta mát ruột là ai cũng yêu nước thương nòi cả. Mà ăn ở phúc đức là khác nữa. Thằng giết người nói chuyện về báo ứng luân hồi. Đục khoét như ranh, mà thu hết toàn âm đức với nhân quả. Chí tâm hại đồng bào, nhưng lúc nào cũng nói chuyện qui, và đeo thòng lõng một chuỗi tràng ở cổ.”

[…]

“Người ta làm việc phản quốc và người ta tưởng là ích dân. Người ta tập làm một nhà độc tài ghê tởm nhưng người ta tưởng là mình dân chủ. Người ta lại xui yêu, ta đi làm những việc càn, mà người ta lại cho thế là trả thù dũng mãnh. Chỉ duy có người dân ra sức làm ăn một cách tầm thường mà không đủ giật đầu cá vá đầu tôm. Giá sinh hoạt mà cứ thế này thì rồi cả bọn đến trần như nhộng. Mà còn phải nói lâu la gì nữa? Ngay bây giờ cũng đã trần trùi trụi rồi.”

10 comments:

  1. Bác cho em xin một bản mấy! :D

    ReplyDelete
  2. Cám ơn Nhị Linh nhé, mai mốt có vào Sài Gòn nhớ liên lạc nhé.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Dạ, sắp phải quấy quả bác rồi đây. Lần này xem ra bác đã đấu tranh thành công, nhà Phụ nữ không còn tương "tiến sĩ" vào như lần trước nữa nhỉ :p

      Delete
  3. Uhuh... Cai' o^ng Vũ Bằng nay` la. tha^.t, vie^t' cu*' y nhu* ra*ng` thi` la` ve^` na*m 2012 a^y' nha^y?.

    GioChuong

    ReplyDelete
  4. năm 49 tức là đã quan năm 45 va chưa tới năm 54

    ReplyDelete
  5. Tháng năm năm nay, ở thủ đô, đã chứng kiến một cuộc thi chia rẽ hơn cả bao giờ hết. Quốc gia không đi với quốc gia. Đồng bào rình thịt đồng bào.”

    ====> thủ đô của chính quyền mới là HN hay Huế vậy ạ ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. sau 1945 có bao giờ Huế là kinh/thủ đô đâu nhỉ; hồi này Bảo Đại đang rập rình hồi loan

      Delete
  6. cuon nay co ve hap dan nhi! doc hay k Nhi Linh? Mua dc k?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Rất được :) Trong sách có loạt tám bài phóng sự Vũ Bằng viết về cuộc sống Hà Nội, đăng "Tiểu thuyết thứ Bảy" của Vũ Đình Long, sau khi "dinh tê". Lúc đầu Vũ Bằng định viết 12 bài nhưng sau chỉ được tám.

      Nếu thích "Mê chữ" của Vũ Bằng thì trong sách này có bản đầy đủ, tên là "Ăn Tết chữ". "Mê chữ" in trong tủ sách Tân Văn của tạp chí Văn ngày xưa và cả trong Toàn tập đều bị thiếu đoạn sau.

      Delete